Xung
đột trên dải Gaza : Những tính toán của Netanyahu và Hamas
Minh
Anh -
RFI
Đăng ngày: 17/05/2021 - 14:08
Xung đột trên dải Gaza đã bỗng bùng lên dữ dội từ
hôm 10/05/2021, làm hơn 200 người chết, hàng ngàn người bị thương từ cả hai
phía Palestine và Israel. Cộng đồng quốc tế tỏ ra bất lực trong việc kêu gọi chấm
dứt chiến sự. Theo giới
quan sát, chính những tính toán chính trị đã thúc đẩy thủ tướng Israel và phong
trào Hồi giáo cực đoan leo thang vũ lực.
https://s.rfi.fr/media/display/5353902c-b6f8-11eb-9e95-005056bf87d6/w:900/p:16x9/000_9A26EQ.webp
Khói đen bốc lên từ
những tòa nhà bị Israel oanh kích tại Gaza ngày 15/05/2021. AFP - MAHMUD
HAMS
Duy trì quyền lực
bằng mọi giá
« Thầy phù thủy », vì cái tài thoát
ra khỏi những thất bại bầu cử rối rắm. « Ngài an ninh », vì
trong một thập niên cầm quyền chưa phải nếm mùi những cuộc tấn công
khủng bố đẫm máu. Với hai biệt danh này, thủ tướng Israelông Benyamin
Netanyahu, một người mang tư tưởng dân túy khó thể đánh bật, không hẳn là một
người hiếu chiến, vẫn ưu tiên các chiến dịch oanh kích có mục tiêu và đúng lúc,
hơn là những chiến dịch trên bộ tốn kém lực lượng.
Vì sao thủ tướng Israel lại quyết định lao vào
cuộc xung đột dữ dội nhất từ năm 2014, với nguy cơ đối mặt với những cảnh
gần như nội chiến trong lòng quốc gia Do Thái? Theo giới quan sát tại Pháp, đó
còn là vì những tính toán chính trị của ông Benyamin Netanyahu.
Thứ nhất, thủ tướng Israel đã thất
bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày
23/03/2021, cuộc bỏ phiếu lần thứ 4 trong vòng chưa đầy hai năm. Trách nhiệm
này nay thuộc về lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid (cánh trung). Từ nay đến
ngày 02/6, ông Lapid phải lập một liên minh từ cánh tả đến cánh trung, bao
gồm cả phe cánh hữu dân tộc chủ nghĩa - thế tục hay tôn giáo -, và cả
Raam, một đảng Ả Rập Israel Hồi giáo.
Giờ đây, chiến sự bùng nổ đương nhiên đã khiến
các cuộc thương lượng chính trị gặp trở ngại. Ông Mansour Abbas (lãnh đạo
đảng Raam), vốn rất gắn chặt với tính biểu tượng của thành Jerusalem và đền thờ
Al Aqsa (nơi đã xảy ra những vụ đụng độ giữa người Palestine và Israel những
ngày trước đó), đã đình chỉ các cuộc thương thuyết với phe đối lập.
Thứ hai, thất bại của phe đối lập
trong việc thành lập chính phủ liên minh sẽ đem lại một cơ hội mới cho ông
Netanyahu, vốn dĩ bị suy yếu vì những cáo buộc tham nhũng, tổ chức một cuộc
bầu cử thứ năm. Để duy trì quyền lực và bảo đảm tương lại chính trị của mình,
thủ tướng Israel buộc phải liên kết với phe cực hữu chủ trương người Do Thái
thượng đẳng. Theo phân tích của nhà nghiên cứu Agnès Levallois, Quỹ Nghiên cứu
Chiến lược (FRS), những cảnh bạo động chưa từng thấy giữa những phe cực hữu Do
Thái và người Ả Rập Israel tại nhiều thành phố là « kết quả của chính
sách này của ông Netanyahu, sẵn sàng đi đến cùng để duy trì quyền lực và do vậy
đã để cho những nhóm này tự do hành động ».
Hamas được gì khi
đánh Israel ?
Chỉ có điều, thái độ này của thủ tướng
Netayahu, cũng như những vụ đụng độ dữ dội ở đông Jerusalem giữa người
Palestine và người Israel đã mang lại một cơ hội cho phe Hamas - một tổ chức
Hồi giáo dân tộc chủ nghĩa đang mất phương hướng chính trị - khẳng định vị
thế trên khắp vùng lãnh thổ, như là « người bảo vệ tốt nhất cho
người dân Palestine và thành Jerusalem », trước ông Mahmoud
Abbas, chủ tịch Nhà nước Palestine ngày càng mất uy tín, theo như nhận xét của
nhà nghiên cứu Leila Seurat, Trung tâm nghiên cứu xã hội học về quyền và các định
chế pháp lý, với tờ La Croix.
Dù đã bị chặn đến 90% số lượng lớn rốc-kết
phóng đi từ dải Gaza, nhưng việc một số vẫn có thể lọt lưới Vòm Sắt của Israel
là một chiến thắng tâm lý đối với Hamas. Theo phân tích của Libération, mục
tiêu của phe này xem như đã được hoàn thành : Thứ nhất, tô điểm lại hình ảnh
của tổ chức « kháng chiến » hàng đầu của nhà nước Palestine,
qua đó rửa được mối hận bị ông Abbas hủy cuộc bầu cử mà phe Hamas hy vọng có thể
củng cố tính chính đáng của họ.
Thứ hai, chiếm lĩnh cuộc đấu tranh của
Palestine ở Jerusalem, và sau cùng là chứng tỏ kỹ nghệ quân sự của phe này,
theo đó, « Hamas có khả năng tự nâng cấp, chế tạo các tên lửa, khi chỉ dựa
vào một vài kỹ sư tương đối khéo tay ».
Cuối cùng, giới quan sát lưu ý thêm rằng, sự
chia rẽ trong lòng phe Hamas dường như cũng có một vai trò nào đó trong quyết định
tấn công vào Israel. Ông Yaha Sinouar, một người từng được mô tả là thực
dụng và rất am hiểu về người Do Thái, vốn có chủ trương « hòa giải »
với phe Fatah của chủ tịch Nhà nước Palestine, đã tái đắc cử lãnh đạo cơ quan
chính trị của Hamas một cách sít sao trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3/2021.
Tóm lại, trong cuộc xung đột này, người dân
Palestine một lần nữa trở thành con tin và nạn nhân, trả giá đắt cho những tính
toán chính trị trong một cuộc đọ sức không theo thông lệ giữa Israel và phe
Hamas.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Xung
đột Israel-Palestine :TT Joe Biden ủng hộ "quyền tự vệ của Israel"
Israel
oanh kích phá hủy nhà riêng của lãnh đạo Hamas tại Gaza
Israel
ồ ạt oanh kích các vị trí của Hamas ở Gaza, bạo động tại Cisjordanie
No comments:
Post a Comment