Wednesday, 31 May 2023

TRUNG QUỐC GÂY HẤN TRÊN BIỂN ĐÔNG và ĐỘNG THÁI CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH (Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt)

 



Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

31 tháng 5 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65670422

 

Nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường cho nhiều loại tàu hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông.

 

Đơn cử, Trung Quốc liên tục cắt cử tàu thuyền các loại từ nghiên cứu đến khảo sát, theo sau là các tàu hải cảnh và tuần duyên - đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

 

Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc - đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 7/5, gần các lô dầu khí mà Việt Nam cùng Nga khai thác.

 

Trung Quốc phớt lờ yêu cầu rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Cho tàu tiến gần giàn khoan Nga - Việt, Trung Quốc tăng rủi ro xung đột

Trung Quốc gây sức ép với Nga, có thể tạo xung đột cao 'chưa từng có' trên Biển Đông

 

Ngày 25/5, khi Việt Nam công khai yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi khi các tàu này đang ở lô 129, do Vietgazprom điều hành, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ.

 

Trong diễn biến đó, ngày 28/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, báo chí nhà nước Việt Nam không hề đề cập tới tên Trung Quốc trong suốt bài tường thuật về lễ dâng hương tưởng niệm của người đứng đầu chính phủ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/13EAF/production/_129938518_gettyimages-1253613357.jpg

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính

 

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 30/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận định rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh dùng chiến thuật vùng xám hòng chiếm vùng biển trong vùng đường 9 đoạn.

 

Hồi Tháng 5, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát, được các tàu hải cảnh và tàu cá dân binh hộ tống vào EEZ của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh đây là lần đầu Trung Quốc dùng các tàu dân binh vào chiến dịch vùng xám ở biển Việt Nam. Một bước được xem là leo thang xung đột trong khu vực.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3127/production/_129938521_chinese_vessel_route_through_vietnamese_oil_and_gas_map640_vietnamese-nc.png

Sơ đồ của Tàu hải cảnh Trung Quốc 5205 đi qua Chim Sáo ở lô 12W, mỏ Lan Đỏ - Lan Tây ở lô 06-1, mỏ Mộc Tinh ở lô 05-3 và Hải Thạch lô 05-2 hồi 25/3

 

.

Trung Quốc không bao giờ lùi bước trên Biển Đông

 

Vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông luôn được xem là vùng nhạy cảm giữa mối quan hệ của hai quốc gia cộng sản Việt Nam-Trung Quốc.

 

Tháng 11/2002, Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đồng thuận, bên cạnh những điều khác, "thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định bao gồm, giữa những các nước… và xử lý những khác biệt của họ một cách xây dựng."

 

Hai mươi năm sau, tháng 11 năm 2022, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất trong Tuyên bố chung "xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển… thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả [DOC]… và kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, không hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp…" trong chuyến công du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc để chúc mừng ông Tập Cận Bình nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3.

 

Thế nhưng, tháng 3, tháng 4/2023, Trung Quốc liên tục cho các tàu hải cảnh nhiều lần tiến gần các điểm khai thác khí đốt do Nga khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông của Việt Nam.

 

Hồi 10/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam.

 

Các tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.

 

Repsol: Áp lực của Trung Quốc 'khiến Việt Nam mất một tỷ đô la' ở Biển Đông

Repsol 'có cơ sở yêu cầu Việt Nam bồi thường'

Vụ Repsol: Phía sau hàng trăm triệu đôla VN phải đền bù là gì?

Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc 'quấy nhiễu' Việt Nam

 

Đây là hàng loạt các động thái ngày càng quyết đoán gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng, khi Bắc Kinh thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

 

"Tóm lại, Trung Quốc sẽ không bao giờ lùi bước trước các tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông, cho dù dựa trên đường chín đoạn phi pháp hay yêu sách Tứ Sa. Không thể đánh giá Trung Quốc qua các diễn ngôn mà phải nhìn hành động của họ. Việc Trung Quốc triển khai tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống vào vùng biển gần Bãi Tư Chính, nằm trong EEZ của Việt Nam, là một hành động đe dọa nhằm gây áp lực buộc Việt Nam phải ngừng khai thác tài nguyên hydrocarbon hiện tại," Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC hôm 31/5.

 

Dù Việt Nam lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ của họ khỏi vùng EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã phớt lờ.

 

Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford về Biển Đông nói với Reuters hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một "sự leo thang đáng lo ngại".

 

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định Việt Nam lên tiếng các vụ tàu Trung Quốc cho thấy Việt Nam coi các tàu dân binh không phải là tàu đánh cá, mà là tàu xâm phạm biển Việt Nam, vi phạm pháp luật về biển:

 

"Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nhưng Trung Quốc không nghe, chắc rằng Việt Nam sẽ có các động tác ngoại giao khác và các biện pháp hòa bình khác trong thời gian tới đây. Việt Nam có thể gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối hành động của Trung Quốc (tương tự như đã làm năm 2020). Trên biển, cảnh sát biển Việt Nam có thể áp sát, yêu cầu các tàu Trung Quốc rút ra khỏi EEZ của mình."

 

Giáo sư Carl Thayer đề xuất rằng, để thận trọng, Việt Nam cắt cử các tàu thực thi pháp luật hàng hải thiết lập sự hiện diện ở vùng biển gần Bãi Tư Chính và giám sát các hoạt động của Trung Quốc.

 

"Do sự bất cân xứng về sức mạnh giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam phải kiềm chế các hành động khiêu khích hoặc làm leo thang căng thẳng dẫn đến đối đầu vật lý. Cuối cùng, Việt Nam cần vận động các thành viên của cộng đồng quốc tế ủng hộ và lên án sự đe dọa của Trung Quốc."

 

Cựu binh Gạc Ma: 'Nhắc đến Trung Quốc chỉ có căm giận'

35 năm trận Gạc Ma và di sản nhức nhối của 'cuộc thảm sát'

Rosneft VN hủy hợp đồng với Noble trên Biển Đông: 'Sức ép từ Trung Quốc, nhưng bản chất khác vụ Repsol'

 

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đánh giá, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ bằng mọi cách để "bảo vệ" phần biển Đông mà Bắc Kinh tự cho là của mình, kể cả sử dụng vũ lực.

 

Nhìn lại năm 2017, 2018 và 2019, Trung Quốc đã quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển gần Bãi Tư Chính và được cho là đã đe dọa, buộc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol - công ty Tây Ban Nha. Giáo sư Carl Thayer nhắc lại:

 

"Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phản ứng bằng cách ra lệnh cho PetroVietnam ngừng hoạt động và hủy bỏ hợp đồng với Repsol của Tây Ban Nha. Việt Nam đã phải bồi thường. Khi Trung Quốc yêu cầu Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ra lệnh cho Rosneft ngừng hoạt động, ông đã từ chối. Tuy nhiên, áp lực của Trung Quốc đủ để khiến Rosneft của Nga bán cổ phần cho Zarubezhneft và rời khỏi Việt Nam."

 

Tuy nhiên, ông Carl Thayer phân tích rằng, tình thế năm 2023 đã hoàn toàn khác, do cuộc xâm lược Ukraine của Putin, cộng với yếu tố Nga và Trung Quốc hình thành mối quan hệ đối tác "không có giới hạn".

 

"Nga hiện là đối tác nhỏ hơn và phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn sẽ gây áp lực buộc Moscow phải can thiệp với Zarubezhneft và Gazprom. Điều này sẽ tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Nga vì Zarubezhneft có cổ phần thăm dò khí đốt ở lô Tuna của Indonesia và có kế hoạch đưa khí đốt qua một tuyến cáp quang biển đến Nam Côn Sơn của Việt Nam. Nga sẽ miễn cưỡng đình chỉ hoạt động của các công ty dầu mỏ kiếm tiền và làm tổn hại đến quan hệ với Việt Nam," GS Thayer nêu dự đoán.

 

.

Chuyến thăm nghĩa trang Vị Xuyên của Thủ tướng

 

Hiện Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - mức cao nhất về ngoại đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng được coi là nguy cơ an ninh lớn nhất đối với Việt Nam. Trong quan hệ song phương, các vấn đề có thể gây căng thẳng quan hệ hai nước có thể kể ra các sự kiện như cuộc Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988).

 

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương tưởng niệm nghĩa trang Vị Xuyên - mặt trận được coi là chiến trường ác liệt trong cuộc chiến tranh biên giới, cũng cho thấy Việt Nam không quên hành động xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trong đó có các hành động quân sự của Trung Quốc từ năm 1984 đến 1989 ở Vị Xuyên (Hà Giang).

 

"Sự kiện Thủ tướngcũng cho thấy Việt Nam không làm ngơ trước những việc đang xảy ra ở biển Đông lúc này." TS Hà Hoàng Hợp nhận định.

 

Việc Thủ tướng Chính thăm nghĩa trang Vị Xuyên khi chưa đến ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, và đặt trong bối cảnh đang có cuộc chạm trán với Trung Quốc trên Biển Đông, được ông Thayer nhận định là "một thông điệp rõ ràng gửi đến công chúng Việt Nam lẫn Trung Quốc":

 

"Thủ tướng Chính đã báo hiệu cho người dân hai nước rằng Việt Nam sẽ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình," GS Thayer kết luận.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/5B80/production/_101542432_160712091039_south_china_sea_110716_624map_vietnamese.png

Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền phủ gần hết vùng biển Đông Nam Á

 

Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung Quốc, Việt Nam luôn phải giữ tâm thế cẩn trọng. Theo cách gọi của GS Thayer đó là "sự bạo ngược của địa lý" khi Việt Nam không thể tự chọn láng giềng cho mình:

 

"Việt Nam, với gần 100 triệu dân, có dân số tương đương với một tỉnh cấp trung của Trung Quốc. Sự bất đối xứng về quyền lực giữa Trung Quốc và Việt Nam là một thực tế của cuộc sống. Ví dụ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam có sự thâm hụt ngân sách lớn trong mối quan hệ này.

 

"Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc. Có những điều kích động và bất đồng trong mối quan hệ giữa cần phải được kiểm soát cẩn trọng. Dịp này, Việt Nam đã thận trọng không đề cập đến Trung Quốc là kẻ xâm lược trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979," nhà quan sát chính trị Carl Thayer lý giải việc báo chí không gọi thẳng tên Trung Quốc.

 

Về tương quan lực lượng, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng, Việt Nam có quan hệ quốc phòng bất tương xứng với Trung Quốc theo nghĩa Trung Quốc có uy lực quân sự mạnh hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng "Việt Nam đang chủ động để không bị động, bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào."

 

"Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang mạnh với chiến dịch vùng xám của họ ở biển Đông, họ sẽ tiếp tục quấy phá các hoạt động kinh tế của VN, của các liên doanh Việt-Nga, của Nga và các nước khác ở biển Đông. Nếu các hành động chiến thuật vùng xám của Trung Quốc vượt qua các giới hạn phi xung đột, thì có khả năng xung đột sẽ bùng phát," nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp dự đoán.

 

Kể từ tháng 12/2022, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến thẳng tới các lô thăm dò dầu khí do các công ty Nga điều hành hoặc sở hữu, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 40 lần - theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ tổ chức phi chính phủ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

 

Trong một báo cáo đầu tháng 3 về sự phát triển của các dự án Nam Côn Sơn của Việt Nam, Kasawari của Malaysia và Tuna của Indonesia, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, trực thuộc CSIS ở Washington DC, đã cảnh báo rằng hoạt động phát triển dầu khí có thể nổi cộm lên như một điểm nóng ở Biển Đông trong năm nay.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1384E/production/_129705997_-vietnamesetimeline-2x-3.png

Các vụ tàu Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông

 

 

QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65670422

 

==================================================

TIN LIÊN QUAN

 

Biển Đông: VN theo sát tàu TQ gần mỏ dầu do Nga khai thác trong EEZ

28 tháng 3 năm 2023

.

Cựu binh Gạc Ma: 'Vết dao lạnh của Trung Quốc mãi ám ảnh tôi'

14 tháng 3 năm 2020

.

Trung Quốc gây sức ép với Nga, có thể tạo xung đột cao 'chưa từng có' trên Biển Đông

8 tháng 4 năm 2023

.

Cho tàu tiến gần giàn khoan Nga - Việt, Trung Quốc tăng rủi ro xung đột

12 tháng 5 năm 2023





CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI KÌM HÃM, BÓP CHẾT TÀI NĂNG (Song Chi)

 



Chế độ độc tài kìm hãm, bóp chết tài năng

Song Chi  

Thứ Ba, 05/30/2023 - 18:24 — songchi

https://www.rfavietnam.com/node/7655

 

Chỉ riêng trong thế kỷ XX, văn học nghệ thuật Việt Nam đã có hai giai đoạn phát triển rực rỡ, trăm hoa đua nở với nhiều sự cách tân, đổi mới: đó là giai đoạn 1930-1945 trên cả nước và giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, dưới chính thể VNCH.

 

Thế nhưng, khi đảng cộng sản nắm chính quyền và thiết lập chế độ độc tài toàn trị thì những thành tựu của cả hai giai đoạn ấy đã bị tiêu diệt: Miền Bắc sau ngày 2/9/1945 trở đi, tất cả những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ… tài năng một thời nếu không di cư được vào Nam mà phải sống dưới chế độ do đảng cộng sản cai trị thì đều “tắt đài”, và phải chuyển qua sáng tác theo “đơn đặt hàng” của đảng, với mục đích tuyên truyền, ca ngợi đảng, ca ngợi chế độ XHCN rồi ca ngợi cuộc “kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ”, hừng hực lửa căm thù “Mỹ-ngụy” v.v…Từ Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…đều không còn là mình trước kia nữa. Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm năm 1956 tiếp tục giáng một đòn nặng nề vào các văn nghệ sĩ tài năng như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Hữu Loan, Bùi Xuân Phái, Thụy An, Đặng Đình Hưng…và bẻ gãy luôn khát vọng được sáng tác tự do của bất cứ ai trong giới văn nghệ sĩ bấy giờ, nếu có.

 

Hậu quả là bây giờ nhìn lại văn học nghệ thuật giai đoạn 1954-1975 ở miền Bắc, có được mấy tác phẩm đứng được với thời gian, ngay cả những ông quan thơ một thời quyền uy ngất trời, tác phẩm luôn được ca tụng, được đưa vào sách giáo khóa và học sinh cấp II, cấp III đều phải học thuộc lòng, và đi thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp phổ thông thì thường “đụng” phải như Tố Hữu? Còn mấy ai hát những bài hát cách mạng một thời hừng hực khí thế, sắt máu căm thù? Hay là cho đến bây giờ nếu nhắc đến Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng…thì người ta vẫn nhắc đến những sáng tác của họ giai đoạn 1930-1945, hoặc những tác phẩm bị cấm đoán một thời của những nhà thơ, nhà văn trong vụ án Nhân Văn-Giai phẩm? Còn với Hội họa, những tên tuổi và tác phẩm được ưa chuộng cho tới bây giờ hoặc được bán với giá rất cao tại các sàn đấu giá bên ngoài VN vẫn là những tên tuổi, tác phẩm của nền Hội họa Đông dương, được đào tạo dưới thời Pháp thuộc như Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ ….

 

So sánh với miền Nam dưới chính thể VNCH giai đoạn 1954-1975, càng cho thấy rõ sự khác nhau giữa việc sống và sáng tác giữa hai chế độ tự do và độc tài. Trong lúc mọi tài năng bị kìm hãm hoặc mọi xu hướng, phong cách đều bị bóp chết, chỉ còn lại một thứ văn học nghệ thuật là công cụ tuyên truyền một chiều của đảng, thì ở miền Nam, nhờ có một chính thể tự do và một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đã có sự phát triển rực rỡ, bùng nổ của văn hóa nghệ thuật trong mọi lĩnh vực. Chỉ riêng văn học thôi, mới đây, khi trả lời phỏng vấn của đài RFA, nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng từ miền Bắc đã nhận định “Văn học Việt Nam Cộng Hòa: 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng".

 

Ngay sau khi hoàn tất việc cưỡng chiếm miền Nam, đảng cộng sản đã ra lệnh tịch thu, tiêu hủy toàn bộ sách báo, băng đĩa nhạc, phim… của chế độ VNCH. Và suốt một thời gian dài nền văn học, âm nhạc của miền Nam luôn luôn bị gán cho những cái nhãn “đồi trụy”, “độc hại”, bị phỉ báng, bị cấm đoán, bị gạt ra ngoài xã hội. Nhưng kết quả như thế nào? Dòng văn học, âm nhạc ấy vẫn sống, không chỉ được phổ biến bên ngoài Việt Nam, trên mạng xã hội, được tìm đọc, nghe, hát…bởi đông đảo người trong nước mà một số đã được phổ biến, phát hành, biểu diễn công khai trở lại. Rõ ràng cái gì có giá trị thì sẽ tồn tại với thời gian. Điều đó cũng cho thấy cùng một dân tộc nhưng mô hình thể chế chính trị và nền giáo dục khác nhau đã giải phóng hay kìm hãm năng lực sáng tác, sáng tạo của con người như thế nào. Trường hợp Đông Đức-Tây Đức hay Bắc Hàn-Nam Hàn cũng vậy.

 

Sau ngày 30/4/1975, khi chế độ độc tài toàn trị được áp đặt trên toàn quốc, cũng là lúc dòng người theo nhau bỏ nước ra đi bằng mọi cách, bằng mọi giá, chưa bao giờ dừng lại trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Và bây giờ thì chúng ta lại chứng kiến những tài năng gốc Việt tỏa sáng trong môi trường tự do, dân chủ của các nước khác, kể cả trong những lĩnh vực khó khăn hơn như khoa học hay văn học nghệ thuật. Nếu còn sống ở trong nước, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, khoa học gia Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Thiên Văn học Lưu Lệ Hằng, nhà toán học Dương Hồng Phong hay nhà văn Linda Lê, nhà văn Dương Thu Hương, đạo diễn Trần Anh Hùng v.v... sẽ không thể có được những thành công trong sự nghiệp như vậy.

 

Bởi vì, chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị chỉ hủy diệt văn hóa, tiêu diệt tài năng chứ không bao giờ có chỗ đứng cho tài năng, cho sự phát triển lành mạnh và đúng hướng của bất cứ lĩnh vực nào…

 

Đất nước, dân tộc VN còn phải mất mát bao nhiêu thời gian, cơ hội, bao nhiêu chất xám, tài năng nữa dưới chế độ này?

 

songchi's blog

 





"KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG LẤY LỢI ÍCH KINH TẾ" - NÓI THÌ HAY, NHƯNG . . . (Song Chi)

 



 

 

 

“Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế” – Nói thì hay, nhưng…

Song Chi

Thứ Tư, 05/31/2023 - 09:14 — songchi

https://www.rfavietnam.com/node/7656

 

Lòng tham của quan chức cộng sản VN là vô đáy. Họ chỉ nhìn thấy TIỀN. Bất chấp tất cả.

Dư luận đang hết sức lo ngại trước dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), nhất là người dân tại đây. Bởi vì nếu dự án này được xây dựng thì dự kiến toàn bộ 566 hộ dân ở thôn Lộ Diêu sẽ bị di dời đi chỗ khác, đồng thời môi trường, cảnh quan tại vùng biển hoang sơ đẹp tuyệt vời này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Đáp lại những lo ngại đó, ông Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu trước dân Lộ Diêu: “Công nghệ luyện thép của Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường. Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác.” (“Bí thư Bình Định: 'Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển', Express).

 

Ai cũng thừa biết chịu trách nhiệm kiểu quan chức VN là như thế nào! Một khi dự án đã được thông qua, tiền đã vào túi họ, thì 5, 10, năm và hơn nữa, nếu có hậu quả gì xảy ra, họ có còn ngồi trên những cái ghế đó để chịu trách nhiệm hay đã leo lên những vị trí cao hơn hoặc hạ cánh an toàn ở nước ngoài? Có bao nhiêu lời hứa, lời cam kết hùng hồn rồi cũng đổ sông đổ biển của quan chức nước này?

 

Người dân chắc vẫn chưa quên những bài học đắt giá với những dự án “khủng” lợi ít hại nhiều trước đây. Như vụ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên chẳng hạn. Năm 2001, dự án khai thác Bauxite ở khu vực Tây Nguyên được Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam chuẩn thuận thông qua, bao nhiêu kiến nghị, thỉnh nguyện thư cùng phản ứng gay gắt từ giới khoa học, các chuyên gia môi trường, cũng như các nhân sĩ trí thức trong nước, cho rằng không thể tiến hành dự án bởi nhiều mối nguy về môi trường, xã hội, quốc phòng. Song đảng và nhà nước VN vẫn quyết làm, cam đoan sẽ không lỗ. Nhưng sau hai mươi mấy năm có ai thống kê rõ ràng VN được gì, mất gì từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên? Những cái hại dai đẳng thì thấy rõ, từ tình trạng hóa chất xút bị rò rỉ ra môi trường, ô nhiễm về khí, về bùn đỏ, về nguồn nước. Còn cái lợi về kinh tế thì như thế nào, vẫn chưa có sự hạch toán rõ ràng, minh bạch để nhân dân được biết. Đó là chưa nói điều mà ai cũng lo lắng, cảnh báo từ đầu là mối nguy có những hồ chứa bùn đỏ lớn trên độ cao 750 đến 800 mét như vậy, nếu có động đất hay vỡ đập thì cả một cơn lũ bùn đỏ sẽ trào ra, tai hai vô cùng.

 

Hay vụ nhà máy thép Formosa với sự cố ô nhiễm môi trường biển gây hải sản chết hàng loạt bất thường tại một số tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…

 

Có rất nhiều ví dụ trong những năm qua về những dự án đầu tư trong hàng loạt ngành nghề chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn môi trường như thép, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất… Lần nào các ông quan chức từ cấp địa phương cho tới trung ương cũng cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”, “kiên quyết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm”... Năm 2016 khi hàng loạt vu ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ “Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”. (“Thủ tướng: Không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường”, Thương hiệu&Công luận). Nhưng rồi đâu vẫn vào đó.

 

Có những quyết định không hẳn chỉ vì Tiền mà vì những tính toán mang tính chính trị, duy ý chí cũng gây hậu quả thiệt hại trong những quyết định về kinh tế. Ví dụ như vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngay từ đầu đã chịu nhiều chỉ trích của quốc tế về địa điểm và giá trị của nó, nhưng chính phủ của ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó vẫn kiên quyết làm.

 

Ngoài việc 7.000 hộ gia đình phải tái định cư ở nơi khác trước năm 2015 để có chỗ cho khu kinh tế Dung Quất, tiếng động từ nhà máy đã làm cho cá ở vùng này ít hơn như nhận xét của một số người làm nghề đánh cá, thì hiệu quả kinh tế của nhà máy lọc dầu Dung Quất đến nay vẫn còn là một đề tài gây bàn cãi. Người dân chỉ thấy kể từ khi được đưa vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã phải nhiều lần đóng cửa để sửa chữa, bảo trì, rồi cứ than lỗ hết năm này sang năm khác…

 

Ai cũng biết, đánh đổi môi trường, chịu cái hại trăm năm không thể phục hồi để lấy cái lợi trước mắt về kinh tế (mà đã chắc gì là có lợi?), là một sự tính toán hoàn toàn không khôn ngoan.

 

Có nhiều cách để phát triển kinh tế lâu dài, vững chắc mà vẫn bảo vệ được môi trường, vừa thay đổi một cách căn bản cuộc sống của người dân như kinh tế xanh, du lịch xanh…vừa giữ gìn tài sản thiên nhiên của đất nước cho các thế hệ tương lai. Nhưng quan chức cộng sản VN chỉ chọn Tiền. Mà không phải là Tiền cho dân cho nước mà Tiền vào túi họ, và phe cánh của họ. Cứ vơ vét được gì của đất nước là họ vơ vét, ăn được cái gì của dân là họ ăn. Họ chẳng từ cái gì.

 

Hậu quả là một mai khi chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị sụp đổ thì đất nước này, dân tộc này chỉ còn lại một bãi Rác và một đống Nợ.

 

songchi's blog




CON KIẾN ĐI KIỆN CHÍNH QUYỀN - MỘT LÁ GAN TO Ở BÌNH DƯƠNG (Phan Lê Minh, RFA)

 



Con kiến đi kiện chính quyền-một lá gan to ở Bình Dương

Bình luận của Phan Lê Minh
2023.05.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ant-sues-local-government-in-binh-duong-05302023104656.html

 

Nếu dân Việt có gan thì phiên xử một công dân đi kiện chính quyền vào ngày 31/5 tới đây có thể sẽ khơi mào cho nhiều vụ kiện tương tự diễn ra.

 

Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 9/2021, thời điểm đang còn dịch COVID-19, tại một chung cư thuộc phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

 

Clip quay lại cho thấy một đám tám người đàn ông gồm đại diện của phường, công an mặc sắc phục, cảnh sát cơ động và ban quản lý chung cư đến trước cửa một căn hộ gọi chủ nhà ra ngoài test COVID-19. Bà Hoàng Thị Phương Lan chủ nhà cho biết “đã tự test và đến giờ vẫn an toàn nên không có nhu cầu tụ tập test hoài ở chỗ đông người”.

 

Sau khi gọi nhiều lần nhưng chủ nhà không mở cửa, một người đàn ông trong nhóm ngồi xuống trước cửa, dùng dụng cụ phá khóa. Ngay khi cửa mở, toàn bộ nhóm đàn ông ập vào nhà. Ba cảnh sát cơ động đeo dùi cui điện sau lưng cùng lúc tóm hai tay giật cánh khuỷu bà Lan. Trong tiếng khóc òa của con trai, bà Lan bị lôi xềnh xệch ra ngoài trong tình trạng vẫn mặc quần áo ngắn trong nhà, chân không kịp mang dép. Một người đàn ông trong nhóm cầm điện thoại quay lại từ đầu chí cuối.

 

Nếu không xem từ đầu, người ta sẽ khẳng định người phụ nữ này là kẻ phạm tội quả tang nên mới bị lực lượng chức năng truy bắt và áp giải bạo liệt như thế.

 

Người phụ nữ bị lôi ra sân chung cư, ấn ngồi xuống ghế và ngoáy mũi xét nghiệm, vẫn trong tình trạng hai tay bị ghì giật ra sau lưng.

 

.

Đột nhập, phá cửa, trèo cửa sổ vào… để bắt người nghi nhiễm

 

Video này lan tràn trên mạng vào thời điểm đó đã khiến dư luận dậy sóng. Một số người phẫn nộ vì hành động phá khóa nhà dân trái pháp luật của lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương. Một số người khác bênh họ, cho rằng trong cao điểm dịch thì việc từ chối xét nghiệm sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch ra cộng đồng. Số người này ủng hộ việc dùng vũ lực như trong clip.

 

Tôi không nhớ chính xác nhưng sớm hơn vụ việc này, ở Lạng Sơn lực lượng chức năng đã dùng xe cần cẩu để đột nhập qua cửa sổ căn hộ chung cư cao tầng nhằm bắt một người nghi nhiễm đi cách ly tập trung. Trong đêm tối, mọi người vây xem cảnh lùng bắt hồi hộp gay cấn như phim hành động.

 

Ở Thanh Hóa, lực lượng chức năng ùa vào một ngôi nhà vườn đóng kín cửa để làm việc tương tự. Người chủ được cho là trốn trong nhà. Những người đàn ông sức lực là dân phòng, công an… thi nhau nhảy lên giáng gậy gộc và đạp thẳng chân vào những cánh cửa gỗ của ngôi nhà. Những cánh cửa rung lên rồi toác ra, kích thích thêm tinh thần hăng hái của đội quân. Khi họ đập vỡ cánh cửa rồi lao vào nhà, tôi ấn dừng video. Tôi không chịu được thêm cảnh tượng cả một nhóm nhân viên công quyền xông vào phá cửa nhà một người dân không hề phạm pháp để lùng bắt họ. Những nhân viên nói trên không hề phân vân về việc đang xâm phạm tài sản cá nhân, làm trái pháp luật. Họ hành xử đầy tự tin, ngang nhiên và táo tợn, hùng hổ và bạo lực. Xin lỗi - như quân ăn cướp.

 

Ở TP HCM, một anh giao hàng bị công an chặn lại kiểm tra và yêu cầu mở hộp hàng của khách để kiểm tra. Khi thấy đó là một cục sạc điện thoại, công an yêu cầu người giao hàng quay về, với lý do cục sạc điện thoại không phải hàng hóa thiết yếu nên không được vận chuyển.

 

Ở một tỉnh miền Tây, Long An hay Tiền Giang tôi không nhớ rõ, mọi xe hơi đi qua địa bàn tỉnh đều bị công an dán niêm phong lên cửa, cấm mở cho đến khi xe ra khỏi địa bàn tỉnh.

Có những tỉnh lập chốt ở các cửa ngõ. Tất cả tài xế đều phải test COVID-19 trước khi vào tỉnh và trước khi ra khỏi địa bàn tỉnh. Tất cả chi phí test-rất đắt tiền, đều do tài xế và doanh nghiệp/tổ chức của họ gánh chịu.

 

Có những doanh nghiệp cần vận chuyển số lượng lớn hàng hóa gồm máy móc cồng kềnh qua địa phương khác. Đến đầu một tỉnh, tỉnh này không cho xe chở máy đi vào mà bắt sang tải (chuyển toàn bộ hàng qua một xe khác, đổi tài xế mới) mới được đi tiếp. Máy móc phải tháo dỡ ra hết mới có thể sang tải, chở đến nơi lại phải lắp ráp trở lại. Do chi phí phát sinh quá lớn, doanh nghiệp đành hủy/hoãn hợp đồng, tìm cách khác.

 

Đó chỉ là vài vụ trong trí nhớ nhỏ bé của tôi. Nếu có thể thống kê trên toàn Việt Nam, có lẽ những vụ tương tự còn nhiều và đủ màu đủ vẻ hơn nữa.

 

.

Xin lỗi, các anh đã phạm pháp

 

Tuy tất cả các việc làm nói trên đều được biện minh là biện pháp cương quyết nhằm chống dịch, không để lây lan ra cộng đồng, nhưng rõ ràng tất cả đều tự phát và trái pháp luật.

Dịch chỉ có thể lây từ người này sang người khác khi có tiếp xúc gần đủ để nước bọt mang virus có thể bắn vào khoang mũi miệng nhau. Nếu tài xế chỉ ngồi nguyên trong cabin suốt quá trình vận chuyển, không tiếp xúc ai thì không thể có nguy cơ lây nhiễm. Buộc họ test dày đặc trong khi giữa hai lần test chỉ cách nhau vài tiếng (chưa đủ để phát hiện nếu có virus) là vô ích.

 

Theo Hiến pháp Việt Nam, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Chỉ trừ khi có lệnh khám xét của Viện kiểm sát hoặc có dấu hiệu phạm tội quả tang, bắt khẩn cấp, bắt người đang truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, có căn cứ nhận định họ tàng trữ công cụ, phương tiện phạm tội v.v, thì công an mới có quyền phá cửa vào nhà, bắt người, áp giải.

 

Tương tự, bưu kiện/bưu phẩm là bí mật của khách hàng. Chỉ khi có căn cứ để nhận định trong bưu phẩm/bưu kiện có công cụ, phương tiện phạm tội hay liên quan đến vụ án thì công an mới được quyền khám xét bưu phẩm/bưu kiện đó.

 

Cho nên nếu mọi hành vi vi phạm pháp luật của (rất nhiều) nhân viên công vụ trong đợt dịch COVID-19 đều bị kiện, thì số lượng có lẽ phải lên đến hàng trăm.

 

.

“Loạn sứ quân” trong dịch

 

Thế nhưng chỉ có duy nhất một vụ kiện như đã nói phần đầu, do bà Hoàng Thị Phương Lan đứng ra kiện chính quyền tỉnh Bình Dương. Bà Lan cũng không kiện về việc lực lượng chức năng đã phá khóa và ập vào nhà bà mà kiện yêu cầu hủy bỏ lệnh phạt vi phạm hành chính của phường, mức tiền là hai triệu đồng, về hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch.

 

May cho tôi không sinh sống ở phường này. Lúc TP HCM bắt đầu có những dấu hiệu về đợt dịch nặng sắp đến, tôi đã trốn trong nhà, làm việc từ xa, mua thực phẩm trên mạng và chỉ ra đường khi tối cần. Ngay cả giao hàng, tôi cũng yêu cầu giao hàng không tiếp xúc.

 

Khoảng hai ba tháng sau, TP HCM bùng dịch vô cùng nghiêm trọng. Trong suốt thời gian đó có đến ba bốn đợt test COVID-19 tại nhà, mỗi lần đều có tổ trưởng dân phố thông báo và phát phiếu ghi thông tin cá nhân trước. Nhưng tự nghĩ mình không hề tiếp xúc gần với ai nên không thể có nguy cơ lây nhiễm, và cả vì sợ bàn tay của nhân viên lấy mẫu có khi không kịp thay găng tay vừa lấy mẫu cho người này đã tiếp tục lấy mẫu cho người sau… nên tôi từ chối. Anh hàng xóm-dân IT, cũng làm việc từ xa từ đầu mùa dịch, sống với mẹ già và con nhỏ- thì yêu cầu được tự test, chỉ trả kết quả cho đội đi lấy mẫu. Các nhân viên lấy mẫu tuy ngạc nhiên và cố gắng thuyết phục nhưng không ai phản đối.

 

Xét cho cùng, đó là quyền của chúng tôi mà!

 

Nếu chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo phòng dịch như đeo khẩu trang, không chạm tay vào vùng mặt, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc gần với nhiều người… thì đó đã là góp phần rất tốt để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Không thể gọi việc từ chối đi test ở nơi đông người trong những điều kiện đáng nghi ngờ là vi phạm quy định chống dịch được.

Sau khi dịch vãn, mọi người gặp nhau hỏi chuyện, chúng tôi mới biết chung cư lúc đó cũng có mấy gia đình đã có người bị COVID-19. Nhưng phường nơi tôi ở không coi hành vi từ chối test COVID (và “cố thủ” trong nhà, không tiếp xúc với ai) là vi phạm quy định phòng chống dịch.

 

Chính những người thực hiện chức trách có khi lại chẳng hề tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch. Có một lần tôi đi ra ngoài xem tình hình thế nào. Ở một cổng khác của chung cư, tôi nhìn thấy nhóm dân phòng trực chốt. Họ ngồi quanh chiếc bàn tròn, rất gần nhau, cùng ăn uống, chuyện trò rôm rả và không đeo khẩu trang. Thấy tôi đứng nhìn từ xa, vài người cảnh giác cầm khẩu trang đeo vào. Vài người khác cất giọng hỏi tôi đang làm gì, rồi lớn tiếng và nghiêm khắc yêu cầu tôi đi về nhà, dù chưa đến giờ giới nghiêm (mọi người đều phải ở trong nhà theo mệnh lệnh của TP, trừ những người có công vụ). Tôi nghĩ họ đã thấy tôi cầm điện thoại chụp hình nên sợ bị đưa lên mạng.

 

Sự nguy hiểm của dịch bệnh cộng với hiểu biết về chống dịch vô cùng khác nhau ở mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân lãnh đạo và nhân viên…, và nhất là với mệnh lệnh “mỗi địa phương là một pháo đài chống dịch” đã tạo nên tình trạng sứ quân, cát cứ ở các địa phương. Trong mỗi tỉnh thành lại tiếp tục phân chia sự cát cứ của các ngành, các phường, các khu vực. Cùng là các chợ dân sinh trên các quận, nhưng chợ ở quận này bị cấm trắng, cấm hoàn toàn; chợ ở quận kia vẫn được mua bán. Chợ thì cho tiểu thương bán xen kẽ cách ngày, chợ thì cho bán đầy đủ với điều kiện giãn cách và che chắn tốt.

 

Với chiêu bài phòng chống dịch, không ít nhân viên các ngành chức năng đã tự cho mình quyền vi phạm pháp luật một cách mạnh bạo, và trong khi đó họ vẫn nghĩ mình đúng, thậm chí còn nghĩ mình đang tiên phong bảo vệ cộng đồng.

 

Tình trạng “loạn sứ quân” gây nhiễu loạn, tốn kém kinh khủng và căng thẳng tột độ cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

 

.

Nhưng vì sao chẳng mấy ai thưa kiện?

 

Là vì người dân và doanh nhân đều suy nghĩ rất thực tế. Chuyện đã qua, phạt cũng đã phạt rồi, thiệt hại tiền của cũng đã thiệt, giờ nên dành thời gian làm ăn kiếm tiền bù lại. Còn hơn đi đọc luật, viết đơn, thuê luật sư và bỏ nhiều ngày giờ theo kiện. Đã không chắc thắng mà còn tốn tiền, tốn công sức, tốn thì giờ. Người dân thấp cổ bé họng và người làm ăn buôn bán tối kỵ gây bất hòa với chánh quyền. Giả sử có thắng cũng thành thua vì chuốc lấy sự để bụng của nhân viên chánh quyền, không lợi cho việc làm ăn sinh sống.

 

Những người có quyền lực ở các cấp địa phương thừa hiểu chuyện này. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến họ dễ có tâm lý “ông vua con” khi hành xử với dân.

 

Vụ xét xử dự kiến diễn ra vào ngày mai 31/5 giữa bà Hoàng Thị Phương Lan với chính quyền Bình Dương không thu hút nhiều chú ý của truyền thông và người dân, vì xã hội Việt Nam luôn luôn có quá nhiều sự kiện “giật gân” gây sốc. Nhưng bản thân sự kiện này có thể xem là một dấu mốc đáng mừng về ý thức về nhân quyền của người dân, phản kháng sự sai trái của chính quyền. Tuy thấp cổ bé họng nhưng không thỏa hiệp, không cho qua, không lùi bước trước kẻ mạnh.

 

Trong một hy vọng không lấy gì làm mạnh mẽ lắm, tôi mong vụ án này sẽ được xem là một ca tham khảo tốt để các nhân viên công quyền ý thức được cần nghiên cứu luật pháp trước khi thực hiện bất cứ công vụ nào liên quan đến người dân.

__________

 

Tham khảo

https://plo.vn/ngay-mai-xet-xu-vu-nguoi-phu-nu-bi-cuong-che-test-covid-19-o-binh-duong-post735546.html

 

https://tuoitre.vn/bi-thu-phuong-xin-loi-cong-khai-nguoi-phu-nu-bi-cuong-che-xet-nghiem-covid-19-20210929135947627.htm

 

https://tuoitre.vn/video/video-yeu-cau-bao-cao-viec-can-bo-phuong-pha-khoa-can-ho-cuong-che-mot-phu-nu-di-xet-nghiem-covid-19-112340.htm

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

Tin, bài liên quan

BLOG

·        Xin lỗi các chị, bố chưa thích

·        Một lời công đạo cho Chu tổng đốc

·        Một mảng xã hội dân sự Việt Nam vẫn lên tiếng

·        Lan ơi xin em đừng cắt đứt dây chuông đừng vội vàng khép cổng

Một năm sau Đại hội 13, “rối loạn chức năng toàn trị” thêm trầm trọng





DÔNG DÀI CHUYỆN TA, CHUYỆN NGƯỜI / UKRAINA (Kim Văn Chinh)

 



DÔNG DÀI CHUYỆN TA, CHUYỆN NGƯỜI (UKRAINA)    

Kim Văn Chinh

31-5-2023  00:48  

https://www.facebook.com/kimvanchinh/posts/pfbid0jC1jTUanAfEW4iq7Tcir3EDZAQuLzQQLEmQotT54RoGbMPwGVu664ikp3BzqCWGbl

 

CHUYÊN TA:

 

1. Chiến tranh Việt Nam thống nhất đất nước đã kết thúc 48 năm. Trên góc độ xã hội và pháp lý, chính quyền mới trên đất Miền Nam (từ vĩ tuyến 17) là chính quyền kế thừa Việt Nam Cộng hòa. Đó là sự thật lịch sử và về mặt pháp lý cũng như xã hội không việc gì phải thành kiến đến mức như ở Việt Nam hiện nay vẫn làm. Ví dụ như sách lịch sử vẫn không dám viết tên chính thức VNCH, chỉ dùng tên lóng hồi chiến tranh và tư duy cực đoan, gọi VNCH là “ngụy quyền”, gọi lính VNCH là “ngụy quân, quân ngụy”. Biểu tượng cờ vàng 3 sọc đỏ là thứ mà cho đến nay chính quyền và cả 1 số công dân Việt Nam quá khích và tư duy hẹp vẫn coi là cờ “phản động”.

 

Tôi mà ở Việt Nam, dương là cờ vàng 3 sọc ra ban công, chắc chắn bị dân cư xung quanh chửi rủa, báo cảnh sát, và bị bắt lên đồn CA chất vấn ngay.

 

- Hồi mới cách mạng, hăng quá (và cũng ngu quá chứ không hẳn là phát xít) tượng Aleksandre de Rhodes (ở HN), Lê Lai, Hải Thượng Lãn Ông, Trần Nguyên Hãn... (SG) bị dỡ bỏ tùm lum nhưng có ai lên án phát xít đâu nhỉ?

 

2.Hành vi của chính quyền Việt Nam qua vụ làm sao để tội phạm Trịnh Xuân Thanh tự lên máy bay về nước đầu thú (như báo VN đưa tin) đã được Tòa Án Đức họ phanh phui. Nhưng người Đức họ rất lịch lãm và đúng luật. Họ chỉ ra những phán quyết rất hiệu quả như nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông A, ông B, bỏ tù nhân vật C, nhân vật D có đủ bằng chứng, trục xuất và cấm nhập cảnh ông E, ông F… Các quyết định đó đủ để cảnh báo hành vi vô pháp không lặp lại. Còn nhân dân Đức, xã hội Đức họ tôn trọng phán quyết của Tòa án, họ không “phát cuồng” lên án, đả phá đất nước, dân tộc Việt nam…

 

CHUYỆN NGƯỜI (UKRAINA):

 

3. Mới đây, Hội đồng tp Kiev (Kiev council) biểu quyết ra quyết định tước bỏ danh hiệu công dân danh dự tp Kiev (có từ hồi soviet – cụ thể là từ 1981) đối với 6 người đều là lãnh đạo các đảng cộng sản thời trước: Trong đó có 2 người gây chú ý là Bregionep (TBT ĐCS Liên Xô 16 năm) và TBT ĐCS Việt nam Trường Chinh (Đặng Xuân Khu).

 

Trước hết, đây là quyết định của cấp Hội đồng thành phố, không phải quyết định cấp quốc gia. Danh hiệu này thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành phố Kiev.

 

Sau nữa, nó là quyết định trong chuỗi công việc thực hiện Bộ luật “Phi cộng sản hóa” của Ukraina ban hành 2015.

 

Theo Bộ luật này, đất nước Ukraina cần phải từ bỏ dứt khoát các tư tưởng, di sản có hại, kể cả các biểu tượng của đảng cộng sản trước đây.

 

Tượng Lenin bị dỡ bỏ là vậy.

 

Cờ cộng sản búa liềm và cờ Liên Xô cũng như các huy hiệu, tượng đài mang hình cờ Liên Xô hoặc chỉ có biểu tượng búa liềm bị cấm ngặt tại Ukraina.

 

Ai muốn thử nghiệm thì cứ khoác vai cờ búa liềm hoặc mang ảnh Lenin, Stalin đi ra phố ở Ukraina xem sao! Chắc chắn sẽ bị người dân họ yêu cầu cất bỏ, cảnh sát họ bắt giữ ngay.

 

Tại vì họ đã có Luật về nó.

 

Tại vì dân tộc này họ phải vậy để rũ bỏ được dứt khoát, triệt để thể chế cộng sản, dù là quá khứ hiện thực của họ, để họ bước sang một trang sử mới không còn chủ nghĩa cộng sản.

 

Hiện nay, Đảng mang tên cộng sản không được thành lập và hoạt động tại Ukraina.

 

Quyết định của HĐ Kiev tước bỏ danh hiệu công dân danh dự của 6 ông lãnh đạo các đảng Cộng sản là họ làm theo như cầu hiện nay của xã hội Ukraina. Nó thuộc thẩm quyền của họ.

Tranh luận nhất là trong 6 vị này có ông Bregionep – người Ukraina chính hiệu nhưng làm TBT Đảng CS Liên Xô suốt 16 năm .

 

Bác Trường Chinh nhà ta cũng trong danh sách.

 

Tôi cho đây là chuyện khá nhỏ, không nên làm to chuyện.

 

Nên để hệ thống ngoại giao có ý kiến kiểu “lấy làm tiếc, quan ngại sâu sắc…” thôi. Ở mình nhiều chuyện tày đình hơn như TQ nó chiếm cả vùng biển, xây sân bay mà Nhà nước ta cũng chỉ nêu quan ngại sâu sắc, dân thì mấy ai có ý kiến đâu, ai lớn tiếng phản đối có khi còn bị bắt đi tù…

 

4. Có mấy bác lại làm to chuyện này tôi cho là thiển cận, bị trúng kế ly gián của tuyên truyền Nga. Ví dụ như có bác Nguyễn Cẩm Tú (thuộc gia đình bác Nguyễn Mạnh Cầm) viết 1 stt lửng lơ và để mọi người comment khá cực đoan chuyện này…

 

5. CHUYỆN RIÊNG CỦA TÔI NHÂN ĐÂY BẬT MÍ:

 

Hôm ở chợ trời Kharkiv, tôi có mua ngòai chợ trời 1 mớ huy hiệu Liên Xô cũ, trong đó có khá nhiều huy hiệu có hình búa liềm… Rất thương mấy bác già nông dân phải đứng bán mấy thứ này kiếm tiền ăn qua bữa…

 

Mang cái đó trong người, nhất là mang qua cửa khẩu ở Ukraina là chuyện tày đình chứ không nói chơi (giống y như mang đống cờ 3 sọc qua sân bay ở Việt Nam thôi).

Tôi đã định bỏ đi.

 

Nhưng máu liều đã thắng. Tôi rất sợ vì mấy thứ rất linh tinh đó làm hỏng chuyện lớn, họ có thể xóa hết các dữ liệu ảnh chụp trên các phương tiện của mình, cao hơn nữa họ cấm vĩnh viễn nhập cảnh. Họ đã làm vậy với nhiều người rồi. Chiến tranh mà.

 

Và tôi đã đi trót lọt.

 

Tôi tin vào con người Ukraina , họ ứng xử rất tính người chứ không phát xít kiểu hải quan Nga (ở VN nhiều người bị tuyên truyền chuyên gọi Ukraina là phát xít, còn Nga phát xít thực sự thì lại gọi là anh em mới lạ).

 

5. BÀI HỌC

 

-Không nên phong các danh hiệu một cách lạm phát.

 

-Không nên dựng quá nhiều tượng đài, nhất là 1 người dựng quá nhiều tượng.

 

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=5597014670401635&set=pcb.5597013017068467

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=5597014780401624&set=pcb.5597013017068467 

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=5597014700401632&set=pcb.5597013017068467

 

 

Bảo Giang

Kim Van Chinh Thưa bác, người xả rác mà đói xí xoá rồi phủi tay thì cả châu Âu đều tởm những người như vậy. Tôi cũng vậy, tôi không hoà giải hoà hợp với những người xả rác trên quê hương tôi trong khi họ luôn đòi xí xoá để họ phủi tay. Rồi ai dọn rác cho họ?

Người Đức đã xưng tội trước thế giới, và nước CHLB Đức đã ra luật bỏ tù những người phủ nhận tội ác của Quốc gia xã hội chủ nghĩa Đức, cực đoan như vậy thì tốt quá.

CHND Ukraina đã ra luật để đoạn tuyệt triệt để với cộng sản, cực đoan như vậy thật tốt.

Từ 2500 năm trước, Khổng Tử đã nói "biết hổ thẹn là dũng vậy". Một quốc gia mà giới trí thức luôn luôn hèn nhát, từ chối nỗi hổ thẹn, luôn luôn tìm cách xí xoá và phủi tay sau khi đã xả rác. Thì xin lỗi, đó là một quốc gia mạt hạng, khốn khổ khốn nạn và không có tư cách nhắc đến hai chữ "văn minh"!

 

Bảo Giang

Kim Van Chinh Người Ba Lan, Ukraina v.v. đều tìm cách để đoạn tuyệt triệt để với cộng sản, có nghĩa là họ coi cộng sản là rác, thì rõ ràng những người từng gieo rắc cộng sản trên quê hương họ là những người xả rác. Nhưng "mồm độc" nhất thì không phải là Bảo Giang rồi, mà là triết gia, nhà tâm lý học người Đức Karl Jaspers, sau chiến tranh thế giới thứ 2, cái "mồm độc" của ông ép cả nước Đức phải xưng tội trước thế giới, không người Đức nào vô can. "Trớ trêu thay", nước CHLB Đức không coi cái miệng ấy là cái "mồm độc". Sau này người Ba Lan, Ukraina v.v. có lẽ hình như cũng là học hỏi kinh nghiệm của người Đức nên mới quyết liệt, cực đoan trong việc dọn rác như vậy.

Người Việt có hơn 1000 năm học Nho giáo, Nho giáo tuy không phải là không có khuyết điểm, nhưng Nho giáo dạy người Việt trong hơn 1000 năm rằng làm người thì phải biết hổ thẹn, những người hèn nhát từ chối nỗi hổ thẹn thì mới chính là những người vong bản "không còn là dân tộc Việt Nam".

Chính sự hèn nhát đối nghịch với trách nhiệm của một con người rằng đã biết bản thân xả rác thì phải xưng tội và dọn rác. Tự trong bản thân những người từng gieo rắc tư tưởng cộng sản trên quê hương Việt Nam nhưng giờ đây đã biết cộng sản là rác rưởi, họ còn đang trốn tránh chính lương tri của họ, họ hèn nhát chạy trốn nỗi hổ thẹn chứ không dám đối diện để hoà giải với chính lương tri của họ, thì xin lỗi, họ khoan nói đến chuyện hoà giải với những người từng bị họ vấy rác lên người đi đã, mà họ nên cố gắng vượt qua sự hèn nhát để hoà giải với lương tri của chính họ trước đi đã.

Tôi có nhu cầu về sự sạch sẽ, về sự thanh sạch của quê hương. Do đó, tuyệt đối tôi không dính vào, tức là không hoà hợp với người nhơ bẩn. Cộng sản là rác rưởi. Người cộng sản là người dính rác nên nhơ bẩn. Tôi chỉ cố gắng làm cho họ thấy được rằng họ bẩn, họ cần tắm rửa cho trôi cộng sản xuống cống rãnh, cho họ được sạch sẽ. Họ chưa sạch sẽ thì tôi từ chối dính vào họ. Vì tôi sợ bẩn. Y chang người CH Ba Lan, người CHND Ukraina v.v. vậy, đều là những người sợ bẩn.

Hèn nhát không dám đối diện với nỗi hổ thẹn, còn có một tên gọi khác, là kiêu ngạo cộng sản, không bao giờ nhận sai, không bao giờ dám nhận là "tao đã từng sai"! Cho nên biết là rác đấy, biết là nó bẩn đấy, nhưng là do mình từng xả ra, nên thôi kệ, không nhắc đến, không nói đến, cứ dọn tiệc mà ăn nhậu ngay bên cạnh thôi. Vì trí thức xã hội chủ nghĩa đều như vậy, nên CHXHCNVN là quốc gia mạt hạng, không có tư cách nhắc đến hai chữ "văn minh"!

Tất nhiên, rác rưởi mà không dọn thì vẫn còn đó, và còn bóc mùi xú uế. Ngày xưa cũng khối người tưởng Liên Bang Xô Viết, tưởng Đông Âu xã hội chủ nghĩa là mãi mãi! Giờ nhiều người chắc vẫn tưởng CHXHCNVN là mãi mãi. Nhưng rồi lịch sử quê hương Việt Nam sẽ xét lại, như cách mà người Ukraina xét lại tội ác diệt chủng của Stalin vậy. Càn khôn phú tái vô lường! Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát. Chết rồi, còn linh hồn nữa!

@Bac si Thừa nhận là đã xâm chiếm và diệt chủng Champa là việc nên làm, thừa nhận là đã chiếm đất của người Khmer là việc nên làm. Tư duy bá quyền trước thế kỷ 17 ở Á Đông khác tư duy của thế giới văn minh bây giờ. Thừa nhận là để tiến tới việc trả lại quyền tự chủ cho người Khmer bản địa ở miền Tây Nam Bộ, người Chăm bản địa ở Bình Thuận, Ninh Thuận v.v. và trả lại các di sản văn hoá của tổ tiên họ cho họ quản lý, và cả đóng thuế để hỗ trợ họ phục hưng văn hoá, tìm về cội nguồn. Chứ không phải là chụp mũ những người bản địa đòi quyền lợi chính đáng là "chống phá chính quyền" rồi bắt nhốt họ vô tù như cái cách mà "thế giới đại đồng cộng sản" đang làm.

Ps/ Tôi là người còn trẻ, đang sống ở quê hương Việt Nam, lưu vong ở CHXHCNVN.

 

Bảo Giang

Kim Van Chinh không chỉ là hoà giải với người Việt Nam Cộng Hoà, mà còn là hoà giải với thế hệ trẻ, những người trẻ sinh ra và lớn lên dưới chế độ cộng sản như tôi. Khi tôi đã biết phân biệt giữa sạch với bẩn. Tôi tự hỏi: "tại sao tôi lại ĐƯỢC CÁC NGÀI trí thức xã hội chủ nghĩa vấy rác lên người, để rồi tôi phải mất công tắm rửa"? Giới trí thức xã hội chủ nghĩa không nghĩ đến chuyện hoà giải với những người trẻ như tôi ư? Gì hèn hạ dữ vậy!

Vì có những người như tôi, nên sớm muộn thôi, quê hương Việt Nam sẽ có luật đoạn tuyệt triệt để với cộng sản. Còn giới trí thức xã hội chủ nghĩa không chịu xưng tội để hoà giải hoà hợp với những người từng bị họ vấy rác, thì biết sao được...vì trước hết đó chính là chuyện mà mỗi người đối diện với lương tri của chính họ, chứ không phải là đối diện với bất kỳ ai khác.

 

 

 

 


View My Stats