Sunday 31 January 2021

DUNG TÚNG CÁI ÁC TỪ TRONG LÒNG CHẾ ĐỘ (VietTuSaiGon)

 


Dung túng cái ác từ trong lòng chế độ

VietTuSaiGon

Thứ Sáu, 01/29/2021 - 11:09 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/6664

 

Tôi đang viết bài về vấn đề Tết Tây – Tết truyền thống thì có báo động về dịch Covid-19 ở ngoài Bắc, từ Quảng Ninh tới Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội, Sài Gòn trong tình trạng báo động đỏ, miền Trung cũng đặt tình trạng báo động. Như vậy, nguy cơ vỡ trận trên toàn Việt Nam vì biến thể n_Corona mới có khả năng lây nhiễm cao đến 70% là rất cao. Và thêm một cái Tết ảm đạm nữa đang kéo đến. Tự dưng, tôi lại nhớ đến một vấn đề khác, đó là ai đã dung túng cái ác, và ngoài vấn đề dịch bệnh, cái ác đang hoành hành đất nước này ra sao?

 

Câu trả lời là không ai ngoài đảng Cộng sản đang dung túng cái ác và làm cho đất nước lũng đoạn đến mức đứng bên bờ vực nguy hiểm. Tôi xin nhấn mạnh, quan điểm của tôi không phải là quan điểm chống phá hoặc muốn đạp bỏ chế độ Cộng sản. Bởi trong một đất nước mà căn tính thiện lành của dân tộc quá thấp, tính man rợ quá cao thì chắc chắn tôi không hi vọng rằng chế độ chính trị này sụp đổ thì sẽ mọc ra chế độ chính trị khác tốt đẹp hơn. Và trong cái nhìn của tôi, giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã liên tục nỗ lực để làm cho đất nước tốt đẹp hơn. Nhưng cũng trong cái nhìn của tôi, chính Cộng sản đang phá nát đất nước này. Vì sao?

 

Khi đối mặt với dịch bệnh, tai ương, thảm họa, người ta mới hiểu rằng tiền là thứ không thể ăn được. Bằng chứng là các quốc gia rất giàu có, thuộc vào hạng siêu cường khi đối mặt với Covid-19 đều bị phải một thứ vấn nạn: nạn hôi thức ăn. Lý giải cho điều này, tất cả những người đi hôi thức ăn, cướp thức ăn ở các quốc gia kia, nếu tính thu nhập bình quân đầu người của họ so với người Việt Nam thì người Việt Nam không đủ tư cách xách dép cho họ. Nhưng nghiệt nỗi, nền sản xuất công nghiệp của các quốc gia này phát triển bao nhiêu thì nền nông nghiệp của các quốc gia này lại trở nên khan hiếm, thành “di sản” bấy nhiêu.

 

Sở dĩ Việt Nam không hề hấn gì sau nhiều đợt bùng phát dịch năm 2020 là nhờ vào nền tảng nông nghiệp. Nơi nào có dịch thì lương thực đổ về nơi đó ngay tức khắc. Thế mạnh lương thực là khắc tinh của mọi dịch bệnh mặc dù trong điều kiện bình thường, nó không phải sức mạnh kinh tế. Và Việt Nam, sau nhiều năm phát triển kinh tế, rõ ràng, thời gian gần đây, mức độ phồn thịnh rất cao, phải công tâm mà nhìn nhận điều này. Nhưng, khi kinh tế phồn thịnh thì có một thứ nghèo nàn khác xuất hiện: Nghèo nàn tinh thần và nghèo nàn tài nguyên. Đất nước trở thành một thực thể nghịch lý.

 

Cái nghịch lý này đến từ hai khía cạnh: Lợi ích nhóm và quyền lợi công thần. Vấn đề lợi ích nhóm có liên quan đến các nhóm quyền lực tạm gọi là có chữ, có kiến thức, một phần nắm các chức sắc trong bộ máy nhà nước, phần khác đứng bên ngoài để liên kết với giới chức nhà nước và tác oai tác quái. Thành phần quyền lợi công thần cũng có nét tương tự lợi ích nhóm nhưng manh động và thuộc nhóm bất hảo, hay nói khác đi là họ không có tri thức nên đâm ra liều mạng. Và, nếu như lợi ích nhóm khiến cho tài nguyên quốc gia cạn kiệt thì quyền lợi công thần khiến cho đất nước rối ren, mất an ninh và lụn bại.

 

Cụ thể, lợi ích nhóm đã liên kết thành một thứ quyền lực ma, ngồi xổm trên pháp luật và chính quyền để thao túng, vơ vét làm kiệt quệ tài nguyên rừng, tài nguyên biển và tài nguyên đất đai đồng bằng. Mọi vấn nạn kinh tế hiện nay đều có liên quan đến lợi ích nhóm. Không dừng ở đó, liên doanh ma quỉ của các nhóm lợi ích đã dùng tay che mặt trời để bóng ma xâm lăng có thể tác oai tác quái đất nước. Thử hỏi, ai ngoài các nhóm lợi ích thân tín của đảng Cộng sản Việt Nam đã để Tàu Cộng vào Việt Nam mua đất ở, xây dựng sòng bạc, khai thác bauxite Tây Nguyên, xây dựng nhà máy Formosa và tạo ra những đường dây xã hội đen khắp đất nước? Và để đạt được các lợi ích, các nhóm lợi ích không ngần ngại đạp lên sinh mạng của nhân dân và thanh toán các nhóm lợi ích khác.

 

Bên cạnh nhóm lợi ích thì vấn đề quyền lợi công thần cũng khiến cho đất nước này trở nên điêu đứng. Và, nếu nhìn từ bên ngoài, có vẻ như mọi thứ ổn định, phồn vinh. Kỳ thực, sự phồn vinh này hoàn toàn không giả tạo nếu xét về mặt tài chính, tiền tệ. Và để trả giá cho sự phồn thịnh này là sự nghèo nàn, cạn kiệt, thậm chí kiệt quệ về tài nguyên trên mọi lĩnh vực, trong đó đáng sợ nhất là tài nguyên đất dành cho nền tảng kinh tế Việt Nam là nông nghiệp cũng bị hô biến thành tài nguyên địa ốc và nhanh chóng rơi vào tay các nhóm lợi ích. Trả giá cho việc này là đến một lúc nào đó, người Việt cũng có thể cầm cả cục tiền khi ra đường nhưng không biết để mua thứ gì bởi lúc đó không phải muốn mua là có, vì mọi thứ đã cạn kiệt và khan hiếm, kể cả gạo, lúa.

 

Nếu như các nhóm lợi ích làm lũng đoạn kinh tế Việt Nam bao nhiêu thì các nhóm quyền lợi công thần làm cho đất nước này tan nát bấy nhiêu. Bởi tài nguyên vật thể do các nhóm lợi ích phá nát thì tài nguyên tinh thần, các giá trị văn hóa lại bị các nhóm quyền lợi công thần phá nát trong chốc lát. Chính sách ưu tiên cho công thần của người Cộng sản đã tàn phá đất nước từ rất lâu, nhưng điều này trở thành vấn nạn và sức công phá kinh hoàng của nó chỉ hình thành khi đất nước phát triển, khi sự phồn thịnh có mặt và các tài nguyên bị phá nát.

 

Cụ thể, khi đồng tiền trở nên rủng rẻng, các nhu cầu cao cấp hình thành song hành với nhu cầu bệnh hoạn. Các nhu cầu bệnh hoạn: Từ nhu cầu sử dụng ma túy đến nhu cầu được làm quan, nhu cầu có thẻ đảng bắt đầu nhen nhóm trong các tay bất hảo. Một kẻ bất hảo muốn có hậu thuẫn nhà nước, cách tốt nhất là có thẻ đảng, trở thành đảng viên Cộng sản. Một kẻ bất hảo khi vướng vào lao lý muốn thoát tội, giảm tội đều dựa vào thẻ đảng, nó cũng giống như một đảng viên khi vướng lao lý thì cần một giấy chứng nhận tâm thần hoặc ung thư vậy. 

 

Cái chính sách ưu tiên cho con nhà “cách mạng” nhà “có công cách mạng” từ sau 1975 đến nay đã nhanh chóng loại bỏ một số thanh niên ưu tú ra khỏi tương lai và thay vào đó là những kẻ cơ hội, mất tính người, đạp lên đồng loại. Và thành phần này nhanh chóng trở thành tay trong cho các nhóm lợi ích. Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên người có công này cũng tạo ra kẽ hở luật pháp vô cùng lớn và hệ lụy của nó là không thể diễn tả.

 

Hiện tại, một tay buôn ma túy, khi bị bắt, hắn đã thủ sẵn giấy tờ tùy thân của gia đình thân nhân liệt sĩ hoặc chạy vạy cho có loại giấy tờ này. Để làm gì? Để được giảm nhẹ án khi xét lý lịch tội phạm. Điều này cho thấy chính sách dành cho người có công, gia đình có công đã đi quá đà, lẽ ra chỉ dành cho việc ưu tiên trong xét tuyển đại học hoặc xét tuyển đội ngũ xây dựng đất nước, trong chừng mực có đầy đủ năng lực với công việc.

 

Đằng này xét ưu tiên cho cả vấn đề tội phạm nên hầu hết tội phạm đều là con nhà có công, là thân nhân người có công, liệt sĩ hoặc con của đảng viên… bởi chúng biết lối ra của chúng. Và ngay cả những kẻ không thuộc diện này cũng nhanh chóng chạy vạy cho ra lý lịch con nhà có công. Ở đây, chính sách ưu tiên giảm tội cho con nhà có công, hay nói khác đi là quyền lợi công thần của chế độ đã tiếp tay cho tội phạm. Và bao giờ chính sách này còn hiện hữu, còn hiệu lực thì tội phạm còn gia tăng với tốc độ chóng mặt.

 

Nói như vậy để thấy rằng ngay trong cả những kẻ đã đưa người Trung Quốc sang Việt Nam hay những kẻ đã mang mầm dịch vào Việt Nam trong thời gian gần đây, họ cũng nhắm tới đường ra của họ, nếu không phải là con cái của công thần Cộng sản thì cũng tìm dây mơ rễ má nào đó có liên quan đến công thần. Vô hình trung, chính sách ưu tiên cho công thần đã tạo ra một thế hệ nói láo, cơ hội và phản động.

 

Ở đây, vì quyền lợi dân tộc, đảng Cộng sản phải nhanh chóng bỏ ngay chính sách quyền lợi công thần, tức ưu tiên cho người có công và thân nhân người có công thì may ra đất nước mới tạm ngưng rối ren. Và nếu muốn đất nước bình yên hơn, đảng Cộng sản phải dẹp bỏ các nhóm lợi ích. Thiết nghĩ, vấn đề thứ hai chắc là khó khắc phục, thậm chí không khắc phục được. Nhưng vấn đề thứ nhất thì có thể, tức bỏ đi chính sách ưu tiên cho người có công, gia đình có công. Có vậy, may ra đất nước mới bớt rối ren, người Việt mới bớt bệnh hoạn.

 

Hiện trạng Việt Nam là một hiện trạng bệnh hoạn, nếu không kịp nhìn ra thì đất nước sẽ thành một trại cai nghiện thu nhỏ! Một ổ tội phạm thu nhỏ và một bệnh viện tâm thần thu nhỏ. Bởi cái ác đang được dung túng ngay trong lòng chế độ chứ không phải từ bên ngoài.

 

VietTuSaiGon's blog

 

 

 

 


CÁC TỔ CHỨC ĐẤU TRANH CHO VIỆT NAM và HƯỚNG HOẠT ĐỘNG THỜI CHÍNH QUYỀN JOE BIDEN (Giang Nguyễn)

 



Các tổ chức đấu tranh cho VN và hướng hoạt động thời chính quyền Joe Biden   

Giang Nguyễn
2021-01-29

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html

 

Tại Việt Nam trong những năm qua, chính quyền Hà Nội gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, mạnh tay bắt bớ và tuyên án nặng nề đối với những tiếng nói đối lập, công khai, thẳng thắn chỉ trích những sai lầm của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Biện pháp trấn áp mạnh thêm trước sự kiện lớn của Đảng là Đại Hội thứ 13.

 

Quãng thời gian tình hình nhân quyền Việt Nam bị cho là xuống dốc cũng là thời kỳ Tổng thống Donald Trump nắm chính quyền ở Mỹ. Đến ngày 20 tháng 1, tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức và có những chính sách khác với người tiền nhiệm. Liệu nhiệm kỳ của ông Biden có giúp góp phần gì cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html/@@images/23730730-88f3-4c1e-be28-fedf0f044d38.jpeg

Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden

 

Những tổ chức mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc nhận định rằng đây là cơ hội mở ra cho giới đấu tranh một số chiều hướng vận động mới.

 

Bà Grace Bùi, nhân viên của tổ chức The 88 Project chuyên vận động cho những tù nhân lương tâm trong lao tù Việt Nam, chia sẻ rằng thời gian qua quả thật là một thử thách cho tổ chức mà bà tham gia:

 

Grace đã làm việc về nhân quyền dưới hai, ba người tổng thống rồi. Khi nói đến Tổng thống Trump thì trong bốn năm qua, chính quyền Mỹ không có quan tâm vào vấn đề này. Do đó rất là khó khăn để làm việc với chính phủ Mỹ về nhân quyền. Nó rất là chậm. Mặc dù tòa đại sứ ở Việt Nam làm việc rất là tốt, và họ báo cáo tất cả những cái gì mình báo cáo cho họ. Nhưng mà sự quyết định, lên tiếng hay không là từ Bộ Ngoại giao chứ không phải là từ Tòa Đại Sứ Mỹ”.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức Cứu Người Việt Biển (BPSOS), thì chính quyền Tổng thống Trump có những điều mà ông đặc biệt quan tâm, điển hình như vấn đề tự do tôn giáo. Hiểu được ưu tiên của mỗi chính quyền, BPSOS đã đặt trọng tâm nỗ lực vận động của tổ chức họ ở điểm đó. Ông nói:

 

“Trong thời Tổng thống Trump họ đã đẩy mạnh vấn đề tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi đã hợp tác với vài trăm tổ chức lớn nhỏ tại Hoa Kỳ để vận động và tiếp xúc với toán chuyển tiếp của hành pháp mới, để đề nghị với họ là nên tiếp tục chính sách của hành pháp Trump như thế nào trong lĩnh vực bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay niềm tin trên toàn thế giới. Một ví dụ mà chúng tôi nghĩ hành pháp Biden sẽ làm tốt hơn hay là quan tâm nhiều hơn đó là quyền của người lao động, trong đó có một mảng là chống buôn người. Thứ hai là đòi hỏi những quốc gia hợp tác với mình đặc biệt Việt Nam cần phải tuân thủ những công ước về quyền lao động của quốc tế. Trước đây thời ông Obama thì đã tập trung cái này rất nhiều nhưng thời ông Trump thì lại không để ý bằng trước đó thì bây giờ chúng tôi nghĩ rằng là hành pháp Biden sẽ quay trở lại với chính sách chú tâm về quyền của người lao động. Thì đấy là một lĩnh vực mà chúng tôi lại mở lại trong thời gian tới đây”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html/000_8z79ud.jpg/@@images/83aa83aa-a37e-4e0d-a81a-51fd3f693210.jpeg

Tổng thống Joe Biden nhậm chức ngày 20 tháng 1, 2021. AFP

 

Ngoài chương trình nhấn mạnh vào quyền lao động, ông Thắng chia sẻ rằng BPSOS cũng sẽ đẩy mạnh mảng vận động Hoa Kỳ về các biện pháp chế tài chiếu theo Đạo Luật Magnitsky toàn cầu. Luật Magnitsky quy định chế tài với các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Nó đã được áp dụng với quan chức tham nhũng, bạo hành tại nhiều quốc gia. Đây là lãnh vực BPSOS đã đẩy trong thời gian qua dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump nhưng đạo luật Magnitsky chưa từng được áp dụng đối với quan chức Việt Nam. Tiến sĩ Thắng giải thích:

 

“Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi đang thúc đẩy là làm sao Hoa Kỳ phải áp dụng những biện pháp chế tài cá nhân đối với những giới chức vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, mà chúng ta gọi là Luật Magnitsky toàn cầu. Dưới thời Tổng thống Trump thì sử dụng rất là mạnh mẽ và rất rộng rãi nhưng lại bị tạo ra một ấn tượng là chỉ dành cho những quốc gia đối nghịch. Và những thể chế thân thiết mà cũng vi phạm nhân quyền hết sức trầm trọng, thì lại không áp dụng các biện pháp ấy. Thành ra nó trở nên một công cụ chính trị hơn là công cụ bảo vệ nhân quyền. Ví dụ như Việt Nam, chúng tôi đã nộp rất nhiều hồ sơ nhưng đã không được cứu xét. Tuy nhiên ở dưới thời của tổng thống Biden, tôi hy vọng có sự thay đổi”.

 

 

Đối với Đảng Việt Tân, một tổ chức cổ võ cho dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, thì Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ nắm quyền ở Hoa Kỳ không quan trọng. Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân chia sẻ thêm về kế hoạch làm việc sắp tới:

 

“Việt Tân chủ trương đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ. Để đạt được mục tiêu đó thì chúng tôi sẵn sàng làm việc với mọi chính phủ Tây phương và đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ để vận động cho nhân quyền và chống bất công tại Việt Nam. Thực sự tôi thấy là có hai thử thách lớn đối với phong trào. Đầu tiên là vấn đề đàn áp chính trị. Chúng ta biết trong thời gian qua rất nhiều nhà dân chủ, nhà hoạt động đã bị bắt, vậy thì thời gian tới làm sao chúng ta vận động chính phủ Hoa Kỳ có những biện pháp mạnh hơn và cụ thể hơn đối với vấn đề trù dập các tiếng nói lương tâm. Tôi nghĩ là sự quán Hoa Kỳ ở Việt Nam có thể chủ động hơn trong các vấn đề theo dõi các phiên tòa, lên tiếng, đi thăm các gia đình Tù nhân Lương Tâm, đi đến những nơi như là Đồng Tâm tìm hiểu thêm về vấn đề vi phạm nhân quyền”.

 

Ông Duy cũng cho biết, mảng tự do internet hiện là cơ hội mà Việt Tân sẽ tiếp tục triển khai, khi các gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook đang bị quốc tế chỉ trích vì kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng xã hội :

 

“Với tình hình trong vài năm vừa qua có vấn đề kiểm duyệt internet, đặc biệt sau khi có Luật An ninh mạng của Cộng sản Việt Nam, thì đây là lúc không chỉ bên hành pháp, mà các nhà lập pháp của Hoa Kỳ phải làm sao có những sức ép lên những các công ty lớn như Google và Facebook để không hợp tác với Cộng sản Việt Nam về vấn đề kiểm duyệt. Thật sự vai trò của các công ty internet và technology lúc này cũng đang được nhiều người xem xét lại về bổn phận, trách nhiệm của họ đối với xã hội ra thế nào? Thì một trong những điều mà tôi nghĩ mọi người đồng ý là những công ty này không nên hợp tác với chế độ độc tài để kiểm duyệt. Đó là điều mà chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới”.

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã nhiều lần đề cập về sự đồng lõa của các gã khổng lồ trong hoạt động trù dập tiếng nói đối lập trên mạng của chính quyền Việt Nam. Ân xá Quốc tế đã lập ra một trang mạng với nhan đề “Những ưu tiên về nhân quyền cho chính quyền Biden”, trong đó đưa ra 80 đề nghị chính sách để củng cố nhân quyền trên toàn thế giới. Ví dụ, Amnesty kêu gọi sự trở lại của Hoa Kỳ với các thể chế đa phương thay vì một chính sách ngoại giao đơn phương như trong thời kỳ Trump.

 

Ân xá Quốc Tế viết trong báo cáo đề nghị với Tổng thống Biden rằng:

 

“Ngành ngoại giao Hoa Kỳ trước đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc lên án các vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới và mở rộng quyền cho các báo cáo viên đặc biệt đến các quốc gia có chính phủ thường xuyên vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như Belarus và Eritrea. Hoa Kỳ phải dựa trên những thành tựu này để xây dựng và đảo ngược các chính sách gần đây đã làm suy yếu tiến bộ đa phương về vấn đề nhân quyền”.

 

Trong lĩnh vực Tù nhân chính trị, Amnesty kêu gọi chính quyền Biden đảm bảo rằng Bộ Ngoại giao và các tòa đại sứ lên tiếng cho các TNLT.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-organizations-direction-under-a-biden-administration-01292021162230.html/2021-01-27t210944z_1953578215_rc2lgl9fu0fv_rtrmadp_3_usa-blinken.jpg/@@images/3c122e61-013b-4ff9-a74c-6f234c48a6e3.jpeg

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 27/1/2021. Reuters

 

The 88 Project cũng đã nộp cho Bộ Ngoại giao một chương trình đề nghị tương tự. Bà Grace Bùi từ Bangkok chia sẻ, The 88 Project kỳ vọng nơi các công chức mà Biden đã và sẽ bổ nhiệm vào Bộ Ngoại giao và các cơ chế hành pháp khác:

 

“Đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, thì họ đã nói rất là nhiều về nhân quyền và hiện bây giờ Grace cũng đang chuẩn bị một số yêu cầu để gửi vào trong Bộ Ngoại giao qua Tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Grace nghĩ là nó sẽ được quan tâm nhiều hơn trong bốn năm tới và có rất là nhiều hy vọng là Mỹ sẽ can thiệp nhiều hơn vào nhân quyền của Việt Nam. Grace đã gửi một số yêu cầu chính phủ Mỹ cần phải làm gì cho nhân quyền tại Việt Nam, thì Grace đã gửi cho họ mới sáng nay”.

 

Danh mục các yêu cầu thì có rất nhiều, bà Grace nói, nhưng quan trọng nhất là yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần phải thường xuyên gửi các nhà ngoại giao đến các trại giam để thăm hỏi tình hình của các tù chính trị, cũng như đòi chính quyền Việt Nam phải cho phép họ được tham dự các phiên tòa xét xử những tiếng nói bất đồng chính kiến. The 88 Project cũng thúc giục Bộ Ngoại giao hỗ trợ đòi trả tự do cho một vài trường hợp, như đối với TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, và đảm báo người tù có quyền chọn lựa muốn ở lại trong nước và không tự động bị trục xuất khi được thả.

 

“Một điều nữa là mình nói về vấn đề một tòa án công bằng. Hiện giờ khi họ bị bắt thì họ ở trong tù rất là lâu. Cái luật là có bốn tháng để điều tra. Nhưng có nhiều người ở một, hai năm cũng chưa có xử án nữa. Do đó chính quyền Việt Nam phải thu ngắn cái thời gian đó và phải có những tòa án công bằng cho họ, chứ không phải là tòa án bỏ túi”.

 

Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã theo đuổi chính sách “America First” và vì vậy, giới đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại các quốc gia khác đã uyển chuyển xây dựng những quan hệ ‘đồng minh’ khác. Đây có lẽ là bài học cho tương lai. Bà Grace Bùi nói, The 88 Project dự kiến làm việc với các tòa đại sứ của các quốc gia ở Châu Âu và các quốc gia khác nhiều hơn.

 

Ông Kenneth Roth của tổ chức Theo Dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) gần đây nhận định rằng:

 

“Bốn năm qua cho thấy Washington là một nhà lãnh đạo quan trọng nhưng không phải quá thiết yếu trong vấn đề nhân quyền. Nhiều chính phủ khác xem việc rút lui của Trump là động cơ để quyết tâm hơn, thay vì họ tuyệt vọng. Và họ đã tăng cường bảo vệ nhân quyền. "

 

Vài ngày trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, vào hôm 13 tháng 1, Human Rights Watch đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Biden trở lại làm việc với đồng minh để bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

 

Các tổ chức đấu tranh nói họ không thể chắc chắn rằng ông Biden sẽ cứng rắn với Việt Nam hơn về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận xét, nhân quyền là một trong các mối quan tâm của vị tân ngoại trưởng của Tổng thống Biden, ông Antony Blinken:

 

“Chúng tôi ở trong một tập hợp trên 200 tổ chức để vận động Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài. Tổ chức điều hợp là tổ chức Human Rights First, thì ông Blinken lại là phó chủ tịch. Thì chúng tôi tin rằng là ông Tân Ngoại trưởng Blinken sẽ có một cách nhìn trung dung hơn”.

 

 

 

 

 

 


10 THƯỢNG NGHỊ SĨ CỘNG HÒA ĐỀ NGHỊ BIDEN THU NHỎ KẾ HOẠCH TRỢ GIÚP CHỐNG COVID-19 (Người Việt)

 



10 thượng nghị sĩ Cộng Hòa đề nghị Biden thu nhỏ kế hoạch trợ giúp chống COVID-19

Người Việt

Jan 31, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/10-thuong-nghi-si-cong-hoa-de-nghi-biden-thu-nho-ke-hoach-tro-giup-chong-covid-19/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Một nhóm thượng nghị sĩ phía Cộng Hòa vừa gửi thư yêu cầu Tổng Thống Joe Biden hãy hợp tác trong đề nghị trợ giúp chống COVID-19 trị giá $600 tỷ của họ, giữa khi phía Dân Chủ chuẩn bị để tiến tới việc thông qua biện pháp trị giá $1.9 ngàn tỷ, dù có hỗ trợ của phía Cộng Hòa hay không.

 

Theo bản tin của tờ Wall Street Journal thì trong lá thư gửi tới ông Biden hôm Chủ Nhật, 31 Tháng Giêng, các thượng nghị sĩ Cộng Hòa được coi là có lập trường “trung dung” này kêu gọi có cuộc gặp với ông Biden để họ trình bày chi tiết đề nghị nêu trên, và cũng nói rằng họ làm điều này vì lời kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng của Tổng Thống Biden.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-BillCassidy-013121-1536x1040.jpg

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bill Cassidy. (Hình: Leigh Vogel-Pool/Getty Images)

 

Lá thư không nêu rõ số tiền các thượng nghị sĩ này muốn chi ra. Tuy nhiên, Thượng Nghị Sĩ Bill Cassidy (Cộng Hòa, Louisiana), một trong những người ký vào bức thư, nói rằng đề nghị này có trị giá khoảng $600 tỷ. Ông Cassidy cũng nói họ sẽ giữ nguyên số tiền $160 tỷ mà ông Biden muốn chi cho việc chích ngừa cũng như các biện pháp khác để ngăn chặn lây lan COVID-19.

 

Thượng Nghị Sĩ Susan Collins (Cộng Hòa, Maine) là người ký đầu tiên vào bức thư gửi ông Biden. Những người kia là: Lisa Murkowski ở Alaska, Mitt Romney ở Utah, Rob Portman ở Ohio, Shelley Moore Capito ở West Virginia, Todd Young ở Indiana, Jerry Moran ở Kansas, Thom Tillis ở North Carolina, Mike Rounds of South Dakota và ông Cassidy.

 

Đề nghị này là phản ứng đầu tiên từ phía Cộng Hòa sau khi ông Biden đề nghị kế hoạch trị giá $1.9 ngàn tỷ và bị Cộng Hòa chỉ trích là quá tốn kém, có nhiều chi tiêu không cần thiết. Hiện chưa rõ là thành phần lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện sẽ có đề nghị gì hay không.

 

Ông Brian Deese, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng Thống Biden, hôm Chủ Nhật nói rằng Tòa Bạch Ốc đang xem xét lá thư của các thượng nghị sĩ Cộng Hòa và sẵn sàng thảo luận cách để biện pháp trợ giúp được hiệu quả hơn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-RepublicanSenators-013121-1536x1024.jpg

Hai nữ thượng nghị sĩ phía Cộng Hòa, từ trái, bà Susan Collins (Maine) và bà Lisa Murkowski (Alaska). (Hình: Drew Angerer/Getty Images)

 

Ông Deese, khi trả lời các câu hỏi trong hai chương trình phỏng vấn truyền hình sáng ngày Chủ Nhật, từ chối không cho biết là số tiền dự trù chi là $1.9 ngàn tỷ có thể được giảm xuống hay không, nhưng nói rằng nếu chậm trễ trong việc đưa biện pháp đối phó sẽ làm đại dịch trầm trọng hơn và gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế.

 

Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Độc Lập, Vermont) nói trong chương trình “This Week” của hệ thống ABC rằng ông “hoàn toàn tin tưởng” rằng phía Dân Chủ sẽ có đủ số phiếu để thông qua biện pháp trợ giúp. Ông cũng nói rằng việc trợ giúp dân chúng chống COVID-19 “quan trọng hơn là có sự ủng hộ lưỡng đảng.” (V.Giang)

 

=================================================

.

.

Trump công bố nhóm luật sư mới cho vụ án truất phế

Người Việt

Jan 31, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/trump-cong-bo-nhom-luat-su-moi-cho-vu-an-truat-phe/

 

PALM BEACH, Florida (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump công bố sáng Chủ Nhật, 31 Tháng Giêng, nhóm luật sư mới cho vụ án truất phế sẽ diễn ra tại Thượng Viện hơn một tuần lễ tới, sau khi thông tin nhóm pháp lý cũ rút lui, theo The Hill.

 

Luật Sư David Schoen và Bruce L. Castor sẽ dẫn đầu nhóm pháp lý biện hộ cho ông Trump trước cáo buộc kích động người ủng hộ gây bạo loạn tại Quốc Hội hồi đầu tháng.

 

Ông Schoen, một luật sư biện hộ hình sự tại tòa liên bang có văn phòng tại New York và Alabama, tuyên bố “lấy làm vinh dự” đại diện cho cựu tổng thống và Hiến Pháp Mỹ.

Tương tự, ông Castor, cựu quyền bộ trưởng tư pháp Pennsylvania, cho rằng đây là một đặc ân dành cho ông.

 

Việc ông Trump công bố nhóm luật sư mới gây sự chú ý của công luận khi tin về năm luật sư trong nhóm bào chữa cho cựu Tổng Thống Donald Trump trong phiên truất phế, rút lui, được truyền thông loan tải hôm Thứ Bảy.

 

Được biết, các luật sư rút lui do bất đồng về chiến lược pháp lý của ông Trump, trong khi chỉ còn hơn một một tuần nữa là đến phiên truất phế ở Thượng Viện.

 

Một người biết về việc các luật sư ra đi cho CNN hay, cựu Tổng Thống Trump muốn các luật sư tranh cãi rằng cuộc bầu cử bị gian lận lan tràn và ông bị đánh cắp cuộc bầu cử, chứ không tập trung vào tính pháp lý của việc truất phế một tổng thống sau khi hết nhiệm kỳ.

 

Năm luật sư này chưa được trả trước bất kỳ thù lao nào và chưa bao giờ ký hợp đồng.

Hai luật sư đứng đầu là ông Butch Bowers và bà Deborah Barbier.

 

Ông Bowers là luật sư nổi tiếng ở Columbia, South Carolina, từng làm việc cho Bộ Tư Pháp dưới thời Tổng Thống George W. Bush.

 

Bà Barbier, cũng là luật sư ở South Carolina, từng tham gia vài vụ nổi bật và từng là công tố viên liên bang trong 15 năm ở tiểu bang này trước khi mở công ty luật riêng. (MPL) [kn]

 

 

 

 

 

 

 

 


THỊ TRẤN Ở FLORIDA XEM XÉT TRUMP SỐNG TẠI MAR-a-LAGO HỢP PHÁP HAY KHÔNG (Người Việt)

 


Thị trấn ở Florida xem xét Trump sống tại Mar-a-Lago hợp pháp hay không

Người Việt

Jan 29, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/thi-tran-o-florida-xem-xet-trump-song-tai-mar-a-lago-hop-phap-hay-khong/

 

PALM BEACH, Florida (NV) – Thị trấn Palm Beach ở Florida đang xem xét việc cựu Tổng Thống Donald Trump cư ngụ lâu dài tại Mar-a-Lago là hợp pháp hay không, và vấn đề này có thể sẽ được thảo luận trong buổi họp hội đồng thị trấn sắp tới.

 

Tổng quản trị Palm Beach cho CNN biết thông tin này hôm Thứ Sáu, 29 Tháng Giêng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-thi-tran-o-florida-1-1536x1027.jpg

Khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida. (Hình: Nicholas Kamm/AFP via Getty Images)

 

Khi chuyển dinh thự tư nhân này thành câu lạc bộ, cựu Tổng Thống Trump từng đồng ý với Palm Beach sẽ sinh sống hạn chế ở Mar-a-Lago. Nay, một số cư dân thị trấn cho rằng ông Trump đang vi phạm thỏa thuận đó.

 

Ông Trump mua dinh thự này của bà Marjorie Merriweather Post năm 1985, rồi chuyển thành câu lạc bộ dành riêng cho thành viên (members’ only) năm 1993. Cũng như hầu hết thỏa thuận khác của ông Trump, kế hoạch này là nhằm kiếm lời.

 

Tuy nhiên, để chuyển dinh thự tư nhân thành doanh nghiệp, cựu Tổng Thống Trump phải chấp nhận một số giới hạn nhất định, theo điều khoản trong hợp đồng với Palm Beach.

Chẳng hạn, câu lạc bộ không được nhận trên 500 thành viên, có quy định cụ thể về đậu xe và lái xe, và các thành viên – kể cả ông Trump – không được ở Mar-a-Lago hơn bảy ngày liên tiếp, hoặc một năm không được quá 21 ngày tổng cộng.

 

Thời đó, sau vài lần cựu Tổng Thống Trump cũng như luật sư của ông dự họp hội đồng thị trấn về vụ này, ông Trump chấp nhận quy định 21 ngày. Chữ ký của ông còn nằm trong hợp đồng.

 

Tuy nhiên, thời còn làm tổng thống, ông Trump thường ở Mar-a-Lago quá quy định đó rất nhiều.

 

Tháng trước, CNN đưa tin cư dân gần đó không ủng hộ ông Trump dùng câu lạc bộ này làm nhà ở chính thức sau khi hết nhiệm kỳ.

 

Ông Trump về lại Mar-a-Lago hôm 20 Tháng Giêng mà không dự lễ nhậm chức tổng thống của ông Joe Biden.

 

“Vấn đề này đang được ông John ‘Skip’ Randolph, luật sư thị trấn, xem xét về mặt pháp lý,” ông Krik Blouin, tổng quản trị Palm Beach, gửi email cho CNN thông báo.

 

Ông Blouin cho biết thêm: “Ông Randolph đang xem lại điều khoản sử dụng và luật địa phương để quyết định cựu Tổng Thống Trump có sống ở Mar-a-Lago được hay không.”

Hiện chưa rõ bao giờ vấn đề này được xem xét xong, nhưng ông Blouin cho hay có thể vấn đề này sẽ được thảo luận trong cuộc họp hội đồng thị trấn vào ngày 9 Tháng Hai.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-thi-tran-o-florida-2-1536x1159.jpg

Vợ chồng cựu Tổng Thống Trump đáp xuống Palm Beach International Airport trên đường về câu lạc bộ Mar-a-Lago hôm 20 Tháng Giêng. (Hình: Noam Galai/Getty Images)

 

Tháng Mười Hai năm ngoái, công ty Trump Organization gửi thông báo cho CNN khẳng định: “Không có tài liệu hay thỏa thuận nào cấm Tổng Thống Trump dùng Mar-a-Lago làm nhà ở.”

 

Nhiều thành viên từng trung thành đang rời bỏ Mar-a-Lago vì không muốn liên hệ gì nữa với ông Trump, theo ông Laurence Leamer, tác giả cuốn sách quan trọng về dinh thự này – “Mar-a-Lago: Inside the Gates of Power at Donald Trump’s Presidential Palace.”

 

“Chỗ đó chán phèo,” ông Leamer nói với đài MSNBC. Ông cho hay nhiều thành viên “không quan tâm chính trị và họ nói đồ ăn ở đó dở ẹc.”

 

Ông Leamer cho biết nhiều cựu thành viên mà ông nói chuyện “lặng lẽ bỏ đi” sau khi ông Trump hết làm tổng thống. (Th.Long) [qd]

 

 

 

 

 

 

 

 

 


SẮC LỆNH CỦA TỔNG THỐNG BIDEN VỀ TRỤC XUẤT (Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.)

 


Sắc lệnh của Tổng Thống Biden về trục xuất

Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.

January 30, 2021

https://www.nguoi-viet.com/doi-song/di-tru/sac-lenh-cua-tong-thong-biden-ve-truc-xuat/?utm_source=Ng%C6%B0%E1%BB%9Di+Vi%E1%BB%87t+News...165928453

 

Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, www.NguyenLuu.com, phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hằng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California, được Luật Sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 190,000 luật sư nhưng chỉ có 235 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương từng làm việc cho Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và bổ túc các tài liệu cần thiết để được Sở Di Trú chấp thuận.

Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/DP-Di-Tru-Biden-truc-xuat-1536x1024.jpg

Người ủng hộ quyền của người nhập cư tại New York tham gia biểu tình chống lại chính sách trục xuất của chính quyền Trump hôm 1 Tháng Sáu, 2018. (Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

 

Sau khi nhậm chức, Tổng Thống Joe Biden ký một loạt sắc lệnh trong đó có sắc lệnh liên quan đến luật di trú. Ngoài sắc lệnh về chương trình Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA), Tổng Thống Biden có ký một sắc lệnh về tạm ngưng trục xuất trong vòng 100 ngày.

 

Vào ngày 20 Tháng Giêng, bộ trưởng tạm thời của Bộ An Ninh Nội Địa (Department of Homeland Security) theo sắc lệnh của Tổng Thống Biden ra chỉ đạo cho Bộ An Ninh Nội Địa phải xem xét các chính sách và thông lệ về sự chấp hành luật di trú.

 

Sắc lệnh đó đưa ra chính sách tạm thời trong quá trình xem xét đó, bao gồm cả việc tạm dừng trục xuất 100 ngày để Bộ An Ninh Nội Địa tập trung các nguồn lực vào nơi cần thiết nhất. Chỉ đạo đó có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Hai và được áp dụng với U.S. Immigration and Customs Enforcement (ICE), U.S. Customs and Border Protection (CBP) và U.S. Citizenship and Immigration Services (USCIS).

 

Chính sách tạm dừng trục xuất 100 ngày không được áp dụng cho những trường hợp dưới đây:

 

1-Những cá nhân đã tham gia hoặc bị nghi ngờ là khủng bố hoặc gián điệp, hoặc sự bắt giữ những cá nhân nào là cấn thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

 

2-Những cá nhân muốn nhập cảnh Hoa Kỳ bất hợp pháp bị bắt tại biên giới hoặc các cảng nhập cảnh sau ngày 1 Tháng Mười Một, 2020, hoặc những người không có mặt tại Hoa Kỳ trước ngày 1 Tháng Mười Một, 2020.

 

3-Những cá nhân bị giam giữ trong các nhà tù liên bang, tiểu bang, và địa phương và được thả và vào hoặc sau khi ban hành bản chỉ đạo này và những cá nhân đó bị kết án tội đại hình dưới luật di trú (aggravated felony) và được xác định là một mối đe dọa đối với an toàn công cộng.

 

Vào ngày 22 Tháng Giêng, tiểu bang Texas đưa đơn kiện chính quyền liên bang để chặn sự chấp hành của chỉ đạo này và vào ngày 26 Tháng Giêng, một thẩm phán ở tòa án liên bang ở Texas ra quyết định chặn sự chấp hành một phần của chỉ đạo 14 ngày. Thẩm phán đã yêu cầu hai bên nộp giấy tờ lập luận trong vụ kiện này và có nghĩa là sẽ có một phiên điều trần khác và một quyết định mới trong những tuần sắp tới.

 

Quyết định của tòa án liên bang ở Texas chỉ chặn chính quyền không được tự động tạm dừng tất cả các lệnh trục xuất. Những người đã có lệnh trục xuất vẫn có thể làm đơn xin ngừng trục xuất hoặc các hình thức khác do sự quyết định của ICE (prosecutorial discretion).

 

Đây là sự thay đổi lớn trong vấn đề trục xuất vì trong thời kỳ chính quyền của Tổng Thống Trump, ICE có lệnh không được chấp hành prosecutorial discretion tức ICE vẫn phải tiến hành trục xuất dù là tội nhẹ hoặc không có tội nhưng ỡ trong tình trạng bất hợp pháp. [qd]

 

 

Bản tin chiếu khán

 

Theo yêu cầu của quý bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Hai, 2021.

 

Ưu tiên 1 – priority date là ngày 15 Tháng Chín, 2014, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

 

Ưu tiên 2A – priority date là hiện hành, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

 

Ưu tiên 2B – priority date là ngày 15 Tháng Bảy, 2015, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

 

Ưu tiên 3 – priority date là ngày 15 Tháng Bảy, 2008, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

 

Ưu tiên 4 – priority date là ngày 15 Tháng Mười, 2006, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

 

Quý vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hằng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: www.nguyenluu.com/vn/vnbulletin/2010-02%20luatditru_banchieukhan_dienthannhan.html

 

Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương hoặc Luật Sư Lưu Trọng Cẩm Thương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Website www.nguyenluu.com/vietnamese.html. Điện thoại (949) 878-9888.

 

----------------------------------

 

Xem Thêm

Sắc lệnh của Tổng Thống Biden về DACA

Jan 23, 2021

 

Ly dị, làm đơn xin thẻ xanh có phải trở về Việt Nam?

Jan 16, 2021

 

Mỹ ngừng nhập cảnh diện định cư và diện H-1B, H-2B, J visa, L visa

Jan 9, 2021

 

 

 

 

 

 


MỸ MUỐN LẬP 'DÀN HỢP XƯỚNG' Ở BIỂN ĐÔNG (Tuổi Trẻ Online)

 


Mỹ muốn lập 'dàn hợp xướng' ở Biển Đông   

Tuổi Trẻ Online

31/01/2021 09:36 GMT+7

https://tuoitre.vn/my-muon-lap-dan-hop-xuong-o-bien-dong-20210131091141176.htm

 

TTO - "Ông Biden cảnh báo Bắc Kinh về chủ nghĩa bành trướng" - trang The Asean Post chạy dòng tít đáng chú ý ngày 30-1. Những động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong 10 ngày qua đã cho thấy quyết tâm này.

 

·         Úc tuyên bố tiếp tục đưa tàu và máy bay tuần tra ở Biển Đông

·         Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc ra luật cho phép bắn tàu nước ngoài ở Biển Đông

·         Mỹ hứa giúp nếu Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông

 

https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/586/2021/1/31/2021-01-25t072924z1554478945rc2vel9fya5vrtrmadp3southchinasea-usa-5read-only-16120590918601898772484.jpg

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ - Ảnh: REUTERS

 

Phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ hôm 29-1 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden sẽ chung tay với các đồng minh cùng chí hướng để hình thành một "dàn hợp xướng" gồm nhiều tiếng nói có thể đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

 

 

Các đồng minh của Mỹ lên tiếng

 

Ông Jake Sullivan đề xuất 4 bước mà Mỹ cần thực hiện để đối phó những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Trước hết là đối phó với quan điểm được Trung Quốc truyền đạt cho rằng mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình Mỹ. Thứ hai, Mỹ cần "nhận ra chúng ta sẽ rất hiệu quả trong việc thúc đẩy tầm nhìn của mình" bằng cách hợp tác chặt với các đồng minh và đối tác.

 

Ba là, Mỹ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến quan trọng trong tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, năng lượng sạch... Và cuối cùng là nước Mỹ "phát biểu với sự rõ ràng và kiên định" về các vấn đề liên quan Trung Quốc như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và "sẵn sàng áp đặt những cái giá phải trả".

 

Cũng tại sự kiện trên, người tiền nhiệm của ông Sullivan - ông Robert O'Brien - đánh giá "bộ tứ kim cương" (hay nhóm QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) có thể là "mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta từng thiết lập kể từ NATO".

 

Sau phát biểu này của ông Robert O'Brien, ông Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Biden "thật sự muốn đẩy mạnh" công việc đã được chính quyền tổng thống Trump khởi động liên quan nhóm này.

 

Trong khi đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng cất lên tiếng nói cho thấy sự ủng hộ dành cho Mỹ trong các hoạt động đối phó Trung Quốc.

 

Báo Guardian hôm 29-1 cho biết Úc khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông.

"Tàu thuyền và máy bay Úc sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật quốc tế về tự do hàng hải và hàng không, bao gồm ở Biển Đông, và chúng tôi ủng hộ các nước khác làm như thế" - một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc cho biết.

 

Hồi tháng 12-2020, ông Greg Moriarty - một quan chức quốc phòng cấp cao Úc - đánh giá Trung Quốc đã hành xử theo lối "đáng lo ngại" và gây phức tạp môi trường an ninh khi xây dựng các đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa các thực thể này ở Biển Đông.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hôm 29-1, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết hợp tác với Ấn Độ, Úc và Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

 

 

Trung Quốc: đó là "nhiệm vụ bất khả thi"

 

Trong một bài viết về quan hệ Mỹ - Trung hôm 29-1, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên: "Chưa bao giờ quá muộn để làm điều đúng đắn".

 

Tờ báo Trung Quốc cũng nhắc đến chuyến thăm Mỹ lịch sử dài 9 ngày của ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1979, nhằm kêu gọi xây dựng quan hệ Mỹ - Trung ổn định giữa bối cảnh có nhiều bất đồng hiện tại. 

 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuần này đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ: Nỗ lực kiềm chế Trung Quốc là "nhiệm vụ bất khả thi". Ông Ngô nói rằng "quan hệ quân sự Trung Quốc - Mỹ hiện ở điểm khởi đầu lịch sử mới với chính quyền ông Biden" và Washington cần đón nhận "tâm lý không đối đầu, cùng có lợi".

 

Cảnh báo của Trung Quốc được đưa ra sau khi tàu sân bay của hải quân Mỹ USS Theodore Roosevelt lần đầu tiên tiến vào Biển Đông dưới thời ông Biden hôm 23-1 nhằm thúc đẩy "quyền tự do trên biển".

 

Khoảng một tuần sau vụ triển khai này, báo Financial Times dẫn thông tin tình báo từ Mỹ và các đồng minh của Washington tiết lộ trong lúc hoạt động gần Đài Loan, các máy bay ném bom và tiêm kích Trung Quốc đã mô phỏng tấn công tên lửa nhắm vào tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khi tàu này đi vào khu vực cuối tuần trước.

 

Tuy nhiên, phía quân đội Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã giám sát chặt mọi hoạt động của hải quân và không quân Trung Quốc, và phía Trung Quốc "không hề" đặt ra mối đe dọa cho tàu Mỹ trong tuần qua.

 

                                                   ***

 

Ông Biden cam kết với châu Á

 

Trong nhiều cuộc điện đàm và tuyên bố trong 10 ngày qua, Tổng thống Biden cùng các quan chức an ninh hàng đầu của ông đã nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho các đồng minh và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và đảo Đài Loan, đồng thời bắn tín hiệu sẽ bác bỏ các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp.

Đơn cử trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Biden nói rằng chính quyền của ông cam kết bảo vệ Nhật Bản, gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp.

 

----------------------------------

 

Gần 30 máy bay Trung Quốc vừa hướng đến Đài Loan, USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông

TTO - Eo biển Đài Loan đã nổi sóng ngay trong tuần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden bước vào Nhà Trắng, khi Trung Quốc đưa gần 30 máy bay quân sự các loại hướng về hòn đảo.

 

BẢO ANH

 

 

 

 


View My Stats