Sunday 31 January 2021

ĐẢO CHÁNH Ở MYANMAR, QUÂN ĐỘI BẮT GIỮ LÃNH TỤ AUNG SAN SUU KYI (Người Việt)

 


Đảo chánh ở Myanmar, quân đội bắt giữ lãnh tụ Aung San Suu Kyi  

Người Việt

January 31, 2021

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/dao-chanh-myanmar-aung-san-suu-kyi-bi-quan-doi-bat-giu/

 

RANGON, Myanmar (NV) – Lãnh tụ Myanmar Aung San Suu Kyi và các giới chức cao cấp thuộc đảng cầm quyền đã bị bắt trong một cuộc đảo chánh diễn ra vào lúc sáng sớm ngày Thứ Hai, 1 Tháng Hai, giờ địa phương, theo lời phát ngôn viên đảng Liên Đoàn Quốc Gia Dân Chủ (NLD).

 

Bản tin của hãng thông tấn Reuters nói rằng, hành động này xảy ra sau nhiều ngày có tình trạng căng thẳng giữa chính quyền dân sự và quân đội Myanmar khiến tạo lo ngại là sẽ có đảo chánh, nhất là sau khi có cuộc bầu cử mà phía quân đội nói rằng bị gian lận.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-AungSanSuuKyi-013121-1536x1024.jpg

Lãnh tụ Myanmar Aung San Suu Kyi. (Hình: AP Photo/Peter Dejong, File)

 

Phát ngôn viên Myo Nyunt nói với Reuters qua điện thoại rằng, bà Suu Kyi, Tổng Thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị bắt đi vào lúc rạng sáng ngày Thứ Hai.

 

Ông nói thêm rằng “Tôi muốn nói với người dân là chớ vội vã có phản ứng và tôi muốn họ hành xử theo luật pháp.”

 

Ông cũng cho biết chính cá nhân mình cũng có thể sẽ bị bắt. Hãng thông tấn Reuters sau đó không còn liên lạc được với ông Myo Nyunt.

 

Liên lạc điện thoại tới thủ đô Naypyitaw cũng bị gián đoạn vào sáng sớm Thứ Hai. Quốc hội Myanmar đã dự trù sẽ nhóm họp vào ngày này sau cuộc bầu cử Tháng Mười Một, trong đó đảng NLD thắng lớn.

 

Đài truyền hình MRTV của nhà nước Myanmar cho biết qua Facebook rằng họ không thể phát hình vì “trở ngại kỹ thuật”.

 

Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, lãnh đạo đảng cầm quyền sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2015. Trước đó, bà được chính quyền quân sự trả tự do sau nhiều năm quản thúc tại gia.

 

Tuy nhiên, uy tín của bà trên trường quốc tế bị tổn thương nặng nề sau khi bà bênh vực việc quân đội Myanmar tấn công vào khu vực Rakhine, nơi sinh sống của dân thiểu số Rohingya, khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn sang các quốc gia lân cận vào năm 2017.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/01/TS-Myanmar-013121-1536x1024.jpg

Cảnh sát Myanmar chặn đường ở thủ đô, lấy cớ để giữ an ninh cho phiên họp của quốc hội. (Hình: AP Photo/Aung Shine Oo)

 

Dù vậy, ở trong nước bà Suu Kyi vẫn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng và đảng do bà lãnh đạo chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi Tháng Mười Một năm ngoái, đè bẹp đảng có liên hệ với quân đội.

 

Chỉ mới hôm Thứ Bảy, trước các lo ngại đảo chánh, quân đội Myanmar nói sẽ bảo vệ và tuân hành hiến pháp.

 

Ủy ban bầu cử Myanmar bác bỏ cáo buộc của quân đội là có gian lận bầu cử, nói rằng không nhiều để có thể thay đổi kết quả.

 

Hiến pháp Myanmar hiện dành riêng 25% ghế quốc hội cho quân đội cũng như quyền kiểm soát ba bộ quan trọng của chính quyền, trong đó bà Suu Kyi giữ vai trò tương đương với chức vụ thủ tướng. (V.Giang) [kn]

 

---------------------------------------------------------

.

.

Lãnh tụ Aung San Suu Kyi bị bắt, quân đội Miến Điện đảo chính?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ News

Jan 31, 2021

https://saigonnhonews.com/lanh-tu-aung-san-suu-kyi-bi-bat-quan-doi-mien-dien-dao-chinh/

 

Nhà lãnh đạo Miến Điện (Myanmar) bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật cao cấp của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm hôm nay thứ Hai 01-02-2021, giờ địa phương trong lúc rộ lên tin đồn quân đội Miến Điện làm đảo chính để xóa bỏ kết quả bầu cử. 

 

·         Nhân bầu cử, nhìn lại chính trị Miến Điện

 

Người phát ngôn Myo Nyunt của đảng NLD nói với hãng tin Reuters qua điện thoại rằng bà Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo cấp cáo khác của đảng đã bị bắt vào đầu giờ sáng.

 

Động tác này xảy ra sau vụ leo thang căng thẳng kéo dài nhiều ngày qua giữa chính phủ dân sự Miến Điện và quân đội hùng mạnh và rất có quyền lực của nước này, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau một cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận.

 

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11-2020, đảng NLD cầm quyền giành được 396 trong số 498 ghế nghị sĩ Quốc hội được bầu, nhiều hơn số ghế tối thiểu 322 ghế mà đảng này cần có để đủ đa số thành lập chính phủ và cử ra tổng thống mới. [Quốc hội Miến Điện có hai viện, gồm 664 ghế đại biểu; trong đó quân đội Miến Điện – gọi là Tatmadaw – được bổ nhiệm không qua bầu cử một phần tư số đại biểu, gồm 56 thượng nghị sĩ và 110 dân biểu; các đảng phái chính trị tranh nhau ba phần tư số ghế đại biểu còn lại, đảng nào chiếm được quá nửa tổng số ghế, tức từ 322 ghế trở lên, sẽ được đứng ra lập chính phủ mới; nếu không đảng nào giành được nhiều hơn 322 ghế thì một số đảng phải hợp tác với nhau lập chính phủ liên hiệp]. Các đảng chính trị nhỏ của các sắc tộc thiểu số giành được tổng cộng 47 ghế, trong khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party, USDP), gắn với quân đội chỉ giành được 33 ghế.

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố ngày 15-11-2020, đảng USDP và phe quân đội đã lên tiếng cáo buộc bầu cử gian lận và không thừa nhận chiến thắng của đảng cầm quyền NLD. 

 

Từ đó, bất đồng giữa quân đội và đảng NLD cầm quyền ngày càng căng thẳng, làm dấy lên đồn đoán về một cuộc đảo chính quân sự có thể xảy ra.

 

Cho đến thứ Sáu vừa qua, phe quân đội vẫn tiếp tục cáo giác cuộc bầu cử tháng 11 là gian lận. Các đoàn ngoại giao tại Miến Điện, chủ yếu là các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh quốc và Liên minh châu Âu đã ra một thống cáo chung, thúc giục “quân đội và tất cả các bên liên quan tôn trọng các quy tắc dân chủ”, và “chống lại mọi nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử”.

 

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ “sự quan tâm sâu sắc” và yêu cầu tất cả các bên tôn trọng sự lựa chọn của cử tri. “Mọi tranh chấp về bầu cử cần phải được giải quyết thông qua cơ chế pháp lý đã được thiết lập”, ông Guterres nói, theo Asia Nikkei Review.

 

Tuy nhiên, cách đây vài hôm, một phát ngôn viên của quân đội Miến Điện nói rằng, quân đội “sẽ có hành động” mà không xác nhận liệu quân đội có ra tay làm đảo chính quân sự hay không, các nghị sĩ được quân đội cử ra không qua bầu cử có thm dự kỳ họp đầu tiên của quốc hội mới ngày thứ Hai 01-02-2021 hay không.

 

An ninh được siết chặt ở thủ đô Naypyitaw của Miến Điện suốt mấy ngày qua, được cho là để bảo vệ cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội. Thế rồi sáng nay bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo của đảng NLD bị bắt ngay trước khi cuộc họp quốc hội diễn ra.

 

“Tôi muốn nói với người dân đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo luật pháp,” ông Myo Nyunt nói và cho biết thêm rằng ông dự kiến chính ông cũng ​​sẽ bị bắt giữ.

 

Đường dây điện thoại đến thủ đô Naypyitaw không liên lạc được trong những giờ đầu ngày thứ Hai. Một phát ngôn viên quân đội đã không trả lời các cuộc điện thoại tìm kiếm bình luận.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats