Tuesday 30 April 2013

30 THÁNG TƯ NGHĨ VỀ MỘT TÁC PHẨM BẤT TỬ (BS Hồ Hải)




Thứ ba, ngày 30 tháng tư năm 2013



Bất tử có nghĩa là không chết, sống mãi với thời gian. Lịch sử qua đi có bao nhiêu điều để lại, những sự kiện, những con người và những dấu tích lịch sử, văn hóa không mất với thời gian. Đó là những sự kiện, dấu tích lịch sử, những tác phẩm văn hóa bất tử.

Hơn trăm năm qua, đất nước và dân tộc Việt có những con người bất tử. Có những sự kiện bất tử và có những tác phẩm bất tử với thời gian.

Tất cả những cái bất tử ấy, cái nào nói lên đúng tâm trạng và hằng mong của dân tộc Việt là cái trường tồn và vĩnh hằng với thời gian.

Trong ba mươi tám năm qua, và xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt, có lẽ bản nhạc Triệu con tim, Một tiếng nói - Milion Hearts, One Voice - của nhạc sỹ Trúc Hồ là tác phẩm vượt lên tất cả mọi thời đại, cho dù hơn nửa thế kỷ qua, từ nhạc vàng đến nhạc đỏ của Việt Nam không thiếu những tác phẩm để đời của các bậc thầy hành khúc như Lưu Hữu Phước, bậc thầy tình ca như Hoàng Hiệp, bậc thầy sử ca như Lê Thương, bậc thầy đa nhân cách trong âm nhạc như Phạm Duy, và bậc thầy nói về thân phận con người như Trịnh Công Sơn.

Ngày này, tôi lại muốn nghe, và viết lại những dòng tâm sự về tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Trúc Hồ. Nó như một dấu lặng nặng lòng về đất nước và lịch sử của dân tộc mình. Mặc dù tôi đã viết về tác phẩm này trong một entry cách đây 2 tháng. Mặc dù, tôi đã nghe đi, nghe lại tác phẩm này đã đến hàng ngàn lần, nhưng chưa bao giờ thấy chán, mà càng ngày càng thấy ray rứt, đau lòng đến rơi lệ, khi mỗi lần nghe lại để nghĩ về vận nước Việt trong thế kỷ qua, và trong gần 3.000 năm dựng và giữ nước đã qua.

Có lẽ, tác phẩm này nó như một tiếng chuông gióng lên báo hiệu một thời điểm lịch sử của dân tộc Việt đang có những chuyển mình để đổi thay, chuyển mình để tốt đẹp hơn. Nó như một điềm báo tốt đẹp hay là chết đã đến, sau bao nhiêu năm lầm than và ô nhục dưới gót giày ngoại xâm, và cả dưới cái vòng kim cô mà người mình tự tròng lên cả dân tộc mình.

Có lẽ, đã đến lúc dân tộc Việt với gần 3.000 năm lịch sử, một dân tộc mà chưa bao giờ biết ngồi lại với nhau đồng thuận lúc bình yên, vì sai lầm do thiếu hiểu biết, và vì bản tính khát máu của một dân tộc có bản sắc văn hóa chiến tranh, đã đến lúc phải biết ngồi lại với nhau để chung tay gầy dựng tổ quốc này. Nếu không, họa ngoại xâm giày xéo tổ quốc sẽ không xa.

Triệu con tim, Một tiếng nói sẽ là một nhạc phẩm bất tử, vượt qua mọi thời đại với giai điệu và lời thuộc về máu thịt của dân tộc Việt, dù mai sau lịch sử có đổi thay.

Nếu Ba mươi tháng Tư là một dấu mốc lịch sử bất tử, thì nhạc phẩm này sẽ là một dấu ấn văn hóa bất tử với thời gian.



Triệu con tim một tiếng nói
Nhạc và lời: Trúc Hồ

Từ phương xa nhìn về Quê Hương
Đất nước tôi sau Bốn ngàn năm
Ải Nam Quan, nay không còn
Hoàng - Trường Sa, nay không còn
Mẹ Việt Nam ơi ...

Ngày hôm nay nhìn về Quê hương
đất nước tôi sao lắm nhiễu nhương
người yêu nước trong chốn lao tù,
Mẹ thương con, thiêu cháy thân mình,
Mẹ Việt Nam...đau !

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa ...
Một ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới ...
chúng ta là dòng giống Lạc Hồng

Ngày hôm nay nhìn về Quê hương
đất nước tôi sao lắm nhiễu nhương
người yêu nước trong chốn lao tù,
Mẹ thương con, thiêu cháy thân mình,
Mẹ Việt Nam...đau !

Bạn cùng tôi nhìn về quê hương,
đất nước ta nay sẽ về đâu
người lầm than, kẻ không nhà ...
người dân oan trên khắp mọi miền
Mẹ Việt Nam đau !

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa
Một ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới
chúng ta là dòng giống Lạc Hồng

Hãy là ngọn gió đổi thay
Hãy là ngọn gió đổi thay

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam
hãy biết đau nổi đau người dân
Ải Nam Quan, Hoàng - Trường Sa
Một ngàn năm giặc phương Bắc
Quê Hương mình rồi sẽ ra sao ?

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới
chúng ta là dòng giống Lạc Hồng.

Hãy biết yêu Quê Hương Việt Nam,
hãy đứng lên cháu con rồng tiên
đừng thờ ơ, đừng làm ngơ
triệu con tim, cùng bước tới
Chúng ta là dòng giống Lạc Hồng.




NGÀY 30/4 & CÁI CHẾT ĐỂ CHO CON ĐƯỢC ĐI HỌC ! (GoCoMay)




Posted on 30/04/2013 by gocomay

Không hiểu sao suốt mấy hôm nay, sau đi đọc cái tin “Chết để con được đi học!” trên báo Pháp Luật TP tôi cứ lẩn thẩn nghĩ nếu không có cái ngày 30.04 của cái Bên thắng cuôc thì liệu người mẹ Việt Nam họ Nguyễn kia có phải làm cái việc vô cùng thương tâm là thắt cổ tự vẫn để khỏi phải là gánh nặng đè lên một gia đình đang có 3 đứa con đang học hành tấn tới hay không?

Cháu Đinh Công Bằng người con lớn của chị Nhân đang học cao đẳng ở Vũng Tàu xót xa khi nghe tin mẹ quyên sinh cho con cái đi học…

Từ khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, cụ Hồ Chí Minh, người khai sinh ra chế độ Cộng sản - cha đẻ của Bên thắng cuôc chả vẫn mong cho người dân Việt đều ”có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” là gì?

Vậy mà người Việt Nam đã đổ hàng núi xương sông máu suốt từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau trong mấy cuộc trường chinh để có được một ngày 30.04.1975. Sau 38 năm “đất nước trọn niềm vui” non sông liền một giải lại có những hoàn cảnh mà chính người trong cuộc đã phải cay đắng thốt ra “Suy cho cùng, chị ấy bị đè chết vì học phí và viện phí” (Lời chị Nguyễn Thị Tiến, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) hay sao?

Cho nên tôi cứ thắc mắc, giả dụ không có cả bên thắng cũng như bên thua trong cái cuộc một mất một còn “ai thắng ai” giữa hai ý thức hệ cộng sản và tư bản. Hay nếu có sự hoán đổi lại giữa người thắng và kẻ thua. Một vùng châu thổ miền Tây bao la, phì nhiêu cây trái quanh năm tươi tốt, với đầu tầu kinh tế phát triển bậc nhất trong khu vực, nổi tiếng bởi danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông”… thì liệu người mẹ Cà Mau đáng thương kia có phải dùng cái chết để mưu cầu học hành cho 3 đứa con của mình hay không?

Nhắc đến chuyện tư bản (“giẫy chết”) tôi lại nhớ tới trường hợp một gia đình họ Nguyễn người Việt ở cùng tiểu bang với tôi. Do bị bác đơn tỵ nạn nên bị trục xuất về Việt Nam hồi tháng 11.2011. Gia đình này tới Đức xin tỵ nạn chính trị từ một nước thứ ba (Tiệp) và đã bị từ chối do không hội đủ điều kiện theo như luật hiện hành của Đức qui định. Nhận giấy trục xuất lần đầu, gia đình họ đã chạy trốn vào nhà thờ nhờ che chở. Thấy tạm yên, họ lại ra sống bên ngoài để con cái tiếp tục tới trường. Nhưng vào một ngày định mệnh của tháng 11/2011. Lúc bình minh chưa lên, cả gia đình họ Nguyễn bị thức giấc bởi cảnh sát Đức tới bấm chuông cửa, yêu cầu gói ghém hành lý và đưa thẳng ra sân bay trục xuất về Việt Nam.

Niềm vui vỡ oà, cả nhà anh Tường, chị Sang và 2 đứa con nhỏ đã không cầm được nước mắt được trở lại Hoya-Đức. Để cho con đi học sau gần ba tháng bị trục xuất về Việt Nam…

May mắn chỉ mỉm cười với cô con gái lớn 20 tuổi đang theo học đại học là người duy nhất đủ tiêu chuẩn được ở lại theo luật định.

Bình luận về việc này, về luật thì cảnh sát nói riêng và chính quyền Đức ở địa phương nói chung là không sai. Nhưng về cái tình người thì chưa ổn.

Vì vậy đã bị búa rìu dư luận Đức lên án dữ dội. Sức ép của xã hội dân sự mạnh tới mức khiến đích thân ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiểu bang Niedersachsen (người đã ký lệnh trục xuất), đã phải đứng ra giàn xếp và chịu mọi phí tổn rất tốn kém đưa gia đình họ Nguyễn kia được quay lại Đức sinh sống để con cái họ tiếp tục được học hành… sau 3 tháng bị gián đoạn.

Liên hệ với trường hợp của gia đình chị Nguyễn ở Cà Mau. Sau khi chị đã nằm sâu dưới mồ rồi, báo chí và chính quyền mới vào cuộc và than: “Lẽ ra người mẹ ấy không chết” thì người mẹ xấu số kia cũng không thể sống lại được nữa. Nhưng nỗi đau của những người thân của chị và rộng ra là cả xã hội sẽ không bao giờ lành.

Chính quyền ấp 5, xã An Xuyên ngồi lại chụp ảnh lưu niệm về cái gọi là: “kiểm điểm về cái chết của chị Nhân” dưới phông màn đẹp thế này?

Đến bao giờ mới hết được cảnh ”mất bò mới lo làm chuồng”? Đến bao giờ những người vẫn say men chiến thắng 30.04 của Bên thắng cuôc mới bắt tay vào hành động chứ không phải chỉ an ủi đãi môi (“Một trường hợp quá đau lòng. Tôi đã chỉ đạo đào sâu, làm rõ. Nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương” - lời ông Nguyễn Tiến Hải – Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau). Trong khi cái chết của chị Nhân đã được báo trước từ một tháng trước (y nguyên lý do trong thư tuyệt mệnh chị để lại). Đặc biệt trước khi quyên sinh 3 ngày chị vẫn còn gặp ông Trần Đại Đoàn, Bí thư xã An Xuyên nài xin được cấp sổ hộ nghèo để có thể vay ngân hàng tiền đóng học phí cho con. Nhưng chỉ nhận được lời hứa sẽ xem xét của ông đảng trưởng ở địa phương. Mà những lời hứa “sẽ xem xét” như thế chắc chị đã được nghe cán bộ đảng nói đi nói lại quá nhiều lần. Nhưng rồi cứ biệt tăm nên buộc chị phải chọn cái chết thương tâm như vậy chăng?

Suy cho cùng, chị ấy bị đè chết vì học phí và viện phí”. Vậy ai đã làm nên cái qui định ”đè chết người” ấy, nếu không phải những người ở Bên thắng cuôc?

Nhắc đến chuyện viện phí, tôi lại nhớ tới chuyện cách đây đã ngót 20 năm. Tôi được anh bạn già mời tới nhà hàng ăn cỗ cưới. Chả thiệp thiếc gì, anh ta chân tình nói với tôi: “mình rổ rá cạp lại sống độc thân đã lâu, nay có bà đầm (người Việt) ở Mỹ thương mà sang đây (Đức) làm đám cưới để đón sang cùng sống ở bển với bà. Hoàn cảnh hai người đều eo hẹp nên mình không muốn làm to. Chỉ mươi người trong gia đình và bạn bè thân nhất tới nhà hàng ăn bữa cơm mừng ngày ký giấy kết hôn thôi…”.

Đùng cái tới đúng cái ngày “đại hỷ” thì vào khoảng 4 giờ sáng “cô dâu tương lai” bị cảm ngã phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc hữu sự mới phát hiện ra “bà đầm mũi tẹt” đã “quên” không mua bất cứ một thứ bảo hiểm y tế (vãng lai) nào ngoài mỗi chiếc thẻ xanh cư trú tại Hoa Kỳ. Trong lúc ”nước sôi lửa bỏng” bệnh viện Đức, sau khi trao đổi với chính quyền địa phương vẫn tận tình cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau đó bà đầm Việt còn phải nằm điều trị và phục hồi tại bệnh viện tới hơn 3 tháng trời mới có thể nhúc nhắc đi lại được để lên máy bay về lại Mỹ quốc. Tổng chi phí phải trả cho bệnh viện tới 180 ngàn Đức Mã (DM) theo thời giá lúc bấy giờ. Nhưng cơ quan Xã hội và Từ thiện Đức chấp nhận trả hết cho bệnh viện không thiếu một xu. Tai họa ập đến khiến đám cưới (như dự kiến) của anh bạn tôi bị dừng lại vô thời hạn. Thật buồn. Nhưng lại được an ủi phần nào vì thấy ở xứ sở của tụi “giẫy chết” chúng không muốn bị mang tiếng vì chuyện “viện phí” mà nỡ “đè chết” một ai, dù đó là dưng.

Đã có người nói với tôi, sở dĩ những nước như Đức và Nhật có được một nền dân chủ nhân quyền vững chắc như ngày nay. Chính là nhờ họ là những người ở bên thua cuộc. Bị thua cuộc họ đã bị chế tài, bị chia cắt, bị chiếm đóng. Trong cái rủi đó đã tạo nên cái may để họ có thể vươn lên trở thành những cường quốc hùng mạnh vào top đứng đầu thế giới về mọi mặt như hiện nay.

30/4/1978-30/4/2013: Kỷ niệm 35 ngày cưới của Gocomay.

Nghĩ về ngày 30 tháng tư này. Với cá nhân tôi là kỷ niệm tròn 35 năm ngày vợ chồng tôi làm đám cưới, ngày vui trăm năm của một đời người. Nhưng với cả dân tộc thì chưa hẳn. Bởi 30.4 đã có “hàng triệu người vui bên cạnh hàng triệu người buồn” (ý câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Càng buồn hơn, vào dịp kỷ niệm 30.4 lần thứ 38 này đã có một người mẹ Việt Nam ở nơi đất mũi Cà Mau tận cùng của tổ quốc đã phải tự vẫn do bệnh tật và quá nghèo mà không xin được “sổ hộ nghèo”. Người mẹ này chưa qúa 50. Đã chọn cái chết để giảm gánh nặng cho chồng con. Để các con có điều kiện tiếp tục con đường học hành. Chị mất đi nhưng niềm hy vọng nhờ cái chết “có ích” của mình mà chồng con có thêm chút thu nhập nhờ tiền phúng điếu và đỡ tiêu tốn 140 ngàn đồng tiền viện phí mỗi ngày… Như vậy đã đủ “trọn niềm vui” chưa thưa tất cả những ai còn lương tri ở Bên thắng cuôc?

Đất nước mình đã hết chiến tranh. Nước nhà đã giành được độc lập thống nhất mà người dân không được hường hạnh phúc thì nền độc lập ấy phỏng có nghiã lý gì??? *


* Một ý trong câu nói của Hồ Chí Minh

* * *

PS: Gia đình người Việt bị trục xuất trở lại Đức



ĐOẢN KHÚC BUỒN 30/4 (Quách Hoàng Lân)




Quách Hoàng Lân
1-5-2013

Khi tôi ra đời, đất nước đã thống nhất được 5 năm. Khi tôi là một đứa trẻ, với những gì tôi được học trong nhà trường thì ngày thống nhất 30/4 được mô tả như là ngày hội chiến thắng của toàn dân tộc.

Theo năm tháng, tôi lớn dần và những góc nhìn khác biệt về cuộc chiến bắc nam lần thứ 2 (lần thứ nhất là Trịnh-Nguyễn phân tranh) làm cho tôi hoài nghi ý nghĩa của cuộc chiến.

Câu hỏi day dứt mãi trong tôi là: Ai là người chiến thắng thực sự trong cuộc chiến này? Không thể nói chiến thắng này là của toàn dân tộc vì sau cuộc chiến hơn 3 triệu người đã phải rời bỏ tổ quốc ra đi, nhiều người trong số họ đã bỏ mạng trên biển, nhiều người ở lại đã bị giam cầm tra tấn trong các trại tập trung hay bị đẩy lên vùng ma thiêng nước độc, không thể nói chiến thắng là của họ. Không thể nói chiến thắng này là của dân Miền Bắc vì nếu nói thế thì hóa ra dân Bắc xâm lược Miền Nam à? Chiến thắng này có thể gán cho những người cộng sản được không? Có thể, bởi vì sau cuộc chiến toàn đất nước đã bị nhuộm đỏ. Tuy nhiên, nếu xem chiến thắng này là của Đảng cộng sản thì cái giá mà dân tộc phải trả là quá đắt: đó là từ đó trở đi dân tộc lại tiếp tục rơi vào vòng nô lệ của một thứ tư tưởng ngoại lai là chủ nghĩa Mac-Lê-Mao, và đẩy dân tộc tới chỗ bị người tàu chi phối ngay trong bộ não.

Tôi nghĩ chúng ta đã mất biển đảo và một phần đất liền, điều đó thật tệ, nhưng điều tệ hơn là cái đầu của chúng ta, đặc biệt của những nhà lãnh đạo, chẳng có định hướng gì cả ngoài việc ngó sang bên Tàu xem họ làm gì để làm theo. Tất cả những biểu hiện của tư tưởng chống lại sự Hán hóa trong bộ não luôn bị đàn áp thẳng tay và cực kỳ thô bạo. Nhiều người đã bảo, chiến thắng 30/4 đánh dấu một thời kỳ Bắc thuộc mới. Tóm lại, chiến thắng này chỉ có thể xem là thuộc về những người cộng sản quốc tế (những người Cs Liên Xô+Trung Quốc + Việt nam) chứ không thể xem là của riêng người CS Việt Nam.

Tôi đã khóc khi nghĩ về thân phận của dân tộc mình, đất nước mình, đã bị các đế quốc (Pháp, Mỹ, Tàu) xem như một cô gái đẹp và hiền lành để chúng tranh giành với nhau (các bạn có thể xem phim “Một người Mỹ trầm lặng” để hiểu thêm cái paradigm của mấy đế quốc đó đối với dân tộc Việt), trong khi đó những đại diện ưu tú của dân tộc luôn tìm cách bỏ tổ quốc ra đi để bán chất xám cho chính các đế quốc đó.

Vậy, những ai có thể tự hào về chiến thắng 30/4? Như trên đã nói, chiến thắng này không thuộc về dân tộc Việt, cũng không thuộc hoàn toàn về những người cộng sản Việt, cho nên không ai có thể tự hào về chiến thắng 30/4. Vậy có nên gọi 30/4 là ngày “Chiến Thắng” hay không? Theo tôi là hoàn toàn không nên. Việc thống nhất đất nước là cần thiết dù cho chúng ta đã chọn một cách thức tồi tệ để có được nó. Chúng ta vẫn có thể kỷ niệm 30/4 và chỉ nên gọi đó là ngày “thống nhất đất nước” để tránh kích động hận thù trong quá khứ. Liệu chúng ta có thể hàn gắn được vết thương chiến tranh đã hằn sâu trong tâm hồn của người dân ở hai bên chiến tuyến? Đến bây giờ 38 năm sau ngày thống nhất, vết thương tâm hồn đó lại mưng mủ và làm đau nhói tim ta! Có thể hàn gắn được vết thương đó không, khi mà cứ đến ngày này, bên chiến tuyến này vẫn linh đình kỷ niệm “chiến thắng” một cách ngạo mạn, còn bên chiến tuyến kia lại ôm sầu của một ngày “quốc hận”.

Tôi vẫn nghĩ lạc quan là vẫn có thể hàn gắn được vết thương này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tức là để hòa giải dân tộc thì cần một sự dũng cảm và quyết đoán của cả hai phía, và đặc biệt là của những người cộng sản lãnh đạo đất nước hiện thời. Điều đầu tiên cần làm là đánh giá lại cuộc chiến một cách khách quan thông qua đối thoại bình đẳng giữa những người ở hai bên chiến tuyến. Những người cộng sản cần phải dũng cảm thừa nhận một cách thành thực rằng họ đã thắng trong chiến tranh nhưng đã thất bại trong hòa bình, trong điều hành đất nước. Và họ cần phải hòa giải chân thành bằng cách chia sẻ hay nhường lại quyền điều hành đất nước cho những người có tài năng và tâm huyết bất kể đó là người thuộc chiến tuyến hay đảng phái nào.

Tác giả gửi quechoa.vn
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả



30-4-1975 : GIAI NHÂN & QUÁI VẬT (Sơn Văn - Bauxite VN)




Sơn Văn  (Bauxite Việt Nam)
30-4-2013

Khi đọc đầu đề này hẳn có người nghĩ rằng tôi sắp kể một câu chuyện tình na ná chuyện cổ tích phương Tây “Giai nhân và quái vật” đã làm mê say bao triệu người từ trẻ đến già trên toàn thế giới và vì vậy sẵn lòng chờ một giấc mơ hoa để rũ bỏ dù trong chốc lát những u uẩn của cuộc sống hiện tại. Nếu vậy thì tôi rất xin lỗi mà thưa rằng, những gì tôi nói ngay sau đây sẽ chẳng có vẻ gì của một chuyện tình, càng không phải là một chuyện tình có hậu.

Không nghi ngờ gì nữa, thống nhất đất nước là khát vọng thiêng liêng của mọi người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của mình, đặc biệt ở thế kỷ 20, bất luận ở bên nào của chiến tuyến, dù trong hàng ngũ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Việt Cộng, hay thuộc lực lượng Việt Nam Cộng hòa chống cộng. Do đó, 30-4-1975 chắc chắn là cái tuyệt vời, cái vô cùng đẹp đẽ khi khép lại cuộc chiến thảm khốc kéo dài 20 năm không một ngày ngưng để nối liền non sông thành một dải. “Giai nhân” mà 30-4-1975 mang lại cho dân tộc Việt Nam  chính là chỗ đó!

Thế nhưng oái ăm thay, cùng một lúc với “giai nhân”, 30-4-1975 đã mang lại cho người Việt Nam trên khắp đất nước một “quái vật”: Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin (sau đây gọi tắt là “chủ nghĩa xã hội”).

Vậy tại sao chủ nghĩa xã hội lại là quái vật? Hỏi tức là trả lời, là vì chủ nghĩa xã hội hại nước, hại dân, hại người! Cụ thể, quái vật này hiện hình như mô tả sau đây.

1. Chủ nghĩa xã hội phản dân tộc
Có một sự thật là nội chiến hay chiến tranh giữa những người cùng dân tộc, cùng quốc gia dù không mong muốn thì nó vẫn xảy ra khi mâu thuẫn chính trị giữa họ đã lên đến đỉnh điểm mà không giải quyết được bằng biện pháp hòa bình. Nói cách khác, chiến tranh “huynh đệ tương tàn” không phải là riêng của quốc gia nào, mà đáng tiếc Việt Nam lại là một thí dụ nổi bật với Loạn 12 Sứ quân vào thế kỷ 10, chiến tranh Lê – Mạc vào thế kỷ 16, chiến tranh Trịnh – Nguyễn rồi chiến tranh giữa Tây Sơn và Trịnh, giữa Tây Sơn và Nguyễn vào các thế kỷ tiếp theo cho đến đầu thế kỷ 19, và hiển nhiên rồi, chiến tranh giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Việt Cộng và Việt Nam Cộng hòa ở thế kỷ 20.

Như vậy, nếu nội chiến là không thể tránh được thì vấn đề là ở chỗ người chiến thắng phải mau chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh mà hòa giải dân tộc là liệu pháp hàng đầu, cụ thể là không trả thù, không sỉ nhục người chiến bại dưới bất kỳ hình thức nào và ngay lập tức coi họ là những công dân đầy đủ của quốc gia thống nhất. Thế nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam đã đi ngược đạo lý dân tộc ấy vì chủ nghĩa xã hội mà chính quyền này theo đuổi.

Thực vậy, đối với chủ nghĩa xã hội thì không có “dân tộc” mà chỉ có “giai cấp”, không có “con người dân tộc” mà chỉ có “con người giai cấp” và vì “đấu tranh giai cấp” hay “cách mạng” là thường trực nên bất cứ ai không tán thành sự thống trị của giai cấp công nhân hay “vô sản” đều là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, là đối tượng đàn áp của “chuyên chính vô sản” mà hiện thân là chính quyền cộng sản.

Điều này lý giải vì sao sau 30-4-1975, chính quyền cộng sản đã đưa cả trăm ngàn nhân viên của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào các “trại tập trung cải tạo” – các nhà tù thực sự – với lý do duy nhất là họ đã phục vụ trong chính quyền “ngụy” đối nghịch. Lẽ dĩ nhiên, việc bỏ tù các “kẻ thù giai cấp” này của chính quyền cộng sản chỉ càng đào sâu hận thù dân tộc thay vì xóa bỏ nó. Chính sách gây hận thù dân tộc này còn được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đẩy lên kịch trần khi bỏ tù luôn cả người đòi nhà cầm quyền thực hiện hòa giải dân tộc, cụ thể là bỏ tù Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, vì ông đã gửi Quốc hội “Kiến nghị trả tự do cho tất cả các tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”!

Chủ nghĩa xã hội không chỉ phản dân tộc ở chỗ xóa bỏ “con người dân tộc” bằng cách luôn duy trì người Việt Nam trong tình trạng thù hận lẫn nhau như trên vừa chứng minh, mà còn tày trời hơn, ở chỗ muốn xóa bỏ luôn Tổ quốc của người Việt Nam với định danh “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” ghi trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 hiện hành.

Thực vậy, “Tổ quốc” trong tiếng Việt có nghĩa “Quốc gia do Tổ tiên tạo lập”, đồng nghĩa Tổ quốc của người Việt Nam chỉ có một, là quốc gia do Tổ tiên của người Việt Nam là Vua Hùng tạo lập. Do đó “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” không gì khác hơn là phủ nhận Vua Hùng, phủ nhận chính quốc gia của người Việt Nam đã có từ 4000 năm nay hay phủ nhận chính Tổ quốc của người Việt Nam!

Nhân đây cần khẳng định rằng lập luận “Tổ quốc phải gắn với chế độ chính trị” để biện minh cho “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” là hoàn toàn phản động, nếu không muốn nói là ngu xuẩn. “Tổ quốc phải gắn với chế độ chính trị” mặc nhiên có nghĩa một khi chế độ bị xóa bỏ thì Tổ quốc cũng mất theo. Vậy phải chăng người Việt Nam không còn Tổ quốc sau khi chế độ phong kiến bị xóa bỏ vào tháng 8 năm 1945 với việc đại diện của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Bộ trưởng Cù Huy Cận tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại nhà Nguyễn tại Ngọ Môn, Huế?! Nhìn ra nước ngoài, phải chăng người Nga và những dân tộc khác ở Đông Âu không còn Tổ quốc sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước họ sụp đổ, tan tành trong vỏn vẹn vài năm, từ 1989 đến 1991?! Vả lại, nói “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” thì phải chăng hàng triệu người Việt Namđịnh cư ở nước ngoài không còn Tổ quốc?!

Cũng như vậy, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà Đảng Cộng sản luôn tuyên truyền là một sự xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam không hơn không kém.

Thực vậy, Độc lập dân tộc mà nhân dân Việt Nam đã giành được cách đây 68 năm hoàn toàn không dính dáng đến chủ nghĩa xã hội, điều này có thể thấy rõ trong Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Không những thế, việc Đảng Cộng sản Việt Nam – lúc bấy giờ có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương – tự giải thể vào ngày 11-11-1945, chỉ hai tháng sau khi nền Cộng hòa ra đời, dù trong thực chất có là hình thức đi nữa thì đối với yêu cầu đối nội và đối ngoại của lịch sử lúc bấy giờ, việc giành độc lập của nhân dân Việt Nam là để thực hiện quyền dân tộc tự quyết chứ tuyệt nhiên không phải để xây dựng chủ nghĩa xã hội như một mục đích tự thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, và về khách quan, đấy cũng là bằng chứng chứng tỏ sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam gây trở ngại cho danh nghĩa bảo vệ và củng cố nền Độc lập dân tộc còn trứng nước. Ngoài ra, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” không gì khác hơn là phủ định sạch trơn Độc lập dân tộc mà người Việt Nam đã giành được dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Ngô Quyền, Lê Lợi trước phong kiến Trung Hoa, hay nói ngắn gọn, xóa bỏ toàn bộ lịch sử đấu tranh giành Độc lập của dân tộc Việt Nam!

Không dừng lại ở phủ nhận, xuyên tạc Tổ quốc và Độc lập dân tộc của người Việt Nam, chủ nghĩa xã hội xâm hại ngay chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 1988, Trung Quốc đã dùng hải quân tấn công quần đảo Trường Sa, giết chết 64 sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam và chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo này của Việt Nam. Thế nhưng, vì “đại cục xã hội chủ nghĩa”, từ bấy cho đến mãi gần đây Chính phủ Việt Nam im re, không hề lên án hành vi xâm lược này của “đồng chí” Trung Quốc. Thực ra, không phải đến năm 1988 chủ nghĩa xã hội mới xâm hại chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam. 30 năm trước đó, năm 1958, vì “đại cục xã hội chủ nghĩa” Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng đã gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai công hàm gián tiếp công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, điều này giải thích vì sao chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không hề phản ứng dù chỉ là tí chút trước việc Trung Quốc vào năm 1974 dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý. Những hành vi không thể chấp nhận này mà nguyên nhân là chủ nghĩa xã hội của chính quyền cộng sản Việt Nam càng lộ rõ khi cách đây vài năm chính quyền này bắt giam một số công dân Việt Nam vì họ đã lên tiếng khẳng định “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” với lý do không có gì ngược đời hơn là những người yêu nước này đã “xâm phạm an ninh quốc gia”, cũng như là chính quyền đã không chịu công nhận liệt sĩ cho các quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa.

Tuy nhiên, hành vi đáng lo ngại nhất của chính quyền cộng sản Việt Nam khiến cả dân tộc mất ăn mất ngủ vẫn đang là câu chuyện ở phía trước. Thực vậy, trước âm mưu dùng vũ lực thôn tính nốt quần đảo Trường Sa và độc chiếm Biển Đông đã quá rõ ràng của Trung Quốc – hiện đang sở hữu các phương tiện chiến tranh trên biển gấp bội lần Việt Nam – TS luật Cù Huy Hà Vũ đã nhiều lần kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam khẩn trương liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ thành công quần đảo Trường Sa và tiến tới thu hồi quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam nên Biển Đông, vì Mỹ không chỉ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới mà còn là nước duy nhất trên thế giới có chiến lược quân sự Châu Á – Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn bành trướng bằng vũ lực của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt ở Đông Nam Á. Thế nhưng Chính phủ Việt Nam đã bác bỏ liên minh quân sự với Mỹ vì cho rằng cái giá phải trả cho liên minh này là mất chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, chính quyền cộng sản Việt Nam thà “mất nước”, mất lãnh thổ quốc gia vào tay Trung Quốc chứ nhất định không chịu mất chủ nghĩa xã hội!

2. Chủ nghĩa xã hội phản dân chủ, chống lại xã hội
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam do Chính phủ Việt Nam chủ trì biên soạn, “chuyên chính” là “trực tiếp dùng bạo lực (đối lập với dân chủ) để áp đặt ý chí của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị”. Vậy chủ nghĩa xã hội hay chế độ xã hội chủ nghĩa đồng nhất với “chuyên chính vô sản” dứt khoát là một chế độ phản dân chủ, trên thực tế, ngược lại với dân chủ (cạnh tranh bình đẳng, phi bạo lực giữa các cá nhân, các đảng phái nhằm cung ứng cho quốc gia, xã hội và các công dân không chỉ một sự quản lý tốt nhất mà cả một sự bảo vệ tốt nhất), Đảng Cộng sản Việt Nam – “đội tiên phong của giai cấp công nhân (vô sản) – sau ngày thống nhất đất nước đã thẳng thừng áp đặt sự thống trị của đảng này đối với nhân dân Việt Nam bằng quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” tại Điều 4 cả trong Hiến pháp 1980 lẫn trong Hiến pháp hiện hành.

Cần phải nói ngay rằng bộ mặt phản dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa lộ rõ không chỉ ở sự áp đặt Điều 4 Hiến pháp mà còn ở nội dung phi logic của điều này.

Thực vậy, Điều 2 Hiến pháp khẳng định: “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, tức nhân dân là chủ duy nhất của Nhà nước, đồng nghĩa Nhà nước không thể phục tùng hay chịu sự lãnh đạo của ai khác ngoài nhân dân là chủ duy nhất của mình. Có nghĩa là, Đảng Cộng sản Việt Nam tuyệt nhiên không phải là chủ của Nhà nước thì không thể điều khiển lãnh đạo Nhà nước được!

Ngoài ra, khái niệm “lãnh đạo” của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước là sản phẩm của sự dốt nát, yếu kém cực kỳ về lý luận. Đảng Cộng sản Việt Nam hay bất cứ đảng phái nào khác có thể “lãnh đạo” với nghĩa tổ chức giành chính quyền về tay nhân dân thì chỉ nhân dân, chứ không phải đảng phái quyết định đường lối quốc gia cũng như cách thức hoạt động của chính quyền hay Nhà nước. Cụ thể là nhân dân thực hiện các quyết định sống còn này của mình hoặc trực tiếp bằng lá phiếu – gọi là “dân chủ trực tiếp” – hoặc gián tiếp thông qua các đại diện của mình được bầu ra ở cấp quốc gia (đại biểu Quốc hội) và ở cấp địa phương (đại biểu Hội đồng nhân dân) – gọi là “dân chủ đại diện” hay “dân chủ ủy quyền”. Theo logic đó, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hay đảng phái khác hoặc người không thuộc đảng phái nào được nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu vào các cơ quan quyền lực Nhà nước mà ở đây là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp chỉ là để thực hiện ý chí của nhân dân hay chỉ là “đầy tớ của nhân dân” như chính Hồ Chí Minh đã nói, chứ không thể làm điều ngược lại là áp đặt ý chí chủ quan của mình cho nhân dân. Để nói, không thể có chuyện đầy tớ “lãnh đạo”, bắt ông chủ, bà chủ phục tùng mình được.

Tóm lại, Đảng Cộng sản Việt Nam hay bất cứ đảng phái nào khác có thể “lãnh đạo” nhân dân nhưng chỉ trong trường hợp dùng vũ lực giành chính quyền về tay nhân dân, đồng nghĩa một khi chính quyền về tay nhân dân thì sự “lãnh đạo” có tính đảng phái này sẽ tự động mất đi và thay vào đó nhân dân sẽ quyết định tất cả, từ đường lối quốc gia cho đến bộ máy thực hiện đường lối đó. Còn như Đảng Cộng sản Việt Nam khăng khăng mình phải “lãnh đạo Nhà nước” thì đó là đảng này phủ nhận chủ quyền của nhân dân, là chống lại nhân dân!

Bên cạnh đó, quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước” thì tréo ngoe với nhiều quy định khác trong Hiến pháp, trước hết với Điều 2 và Điều 83.

Điều 2 Hiến pháp quy định Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền”, tức Nhà nước chỉ tuân theo Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật, gọi chung là pháp luật. Do Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như bất cứ đảng phái nào khác, không phải là pháp luật nên Nhà nước không thể chịu sự “lãnh đạo” hay điều khiển của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng như vậy, Điều 83 Hiến pháp quy định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, điều này có nghĩa không có quyền lực hay lực lượng nào đứng trên, làm “sếp” của Quốc hội để có thể “lãnh đạo”, áp đặt ý chỉ chủ quan của mình cho Quốc hội ngoài chính người đã “đẻ” ra Quốc hội là nhân dân!

Tương tự, Điều 64 Hiến pháp quy định: “Gia đình là tế bào của xã hội. Do đó nếu nói Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo xã hội” tức là “lãnh đạo gia đình”, tức “lãnh đạo mọi quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, từ ái ân giữa vợ và chồng cho đến cách nuôi dạy con cái, đối xử với ông bà…”, thì không gì khác hơn là can thiệp vào đời sống gia đình, đời sống riêng tư là đối tượng bảo hộ của luật pháp, đó chưa nói là bất khả thi bởi không ai có thể “lãnh đạo” hay điều khiển các quan hệ gia đình ngoài chính các thành viên gia đình trên cơ sở đạo lý xã hội và pháp luật có liên quan.

Mở rộng ra, xã hội là tập hợp các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức… vô cùng đa dạng và phức tạp. Nói cách khác, “xã hội” đồng nhất với “đa dạng và phức tạp”. Vậy “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội” tức buộc các quan hệ xã hội hoạt động theo ý chí chủ quan của đảng này, rõ ràng là “triệt tiêu sự đa dạng và phức tạp” của xã hội, đồng nhất với “phá xã hội”!

3. Chủ nghĩa xã hội chống lại các quyền con người
Trước hết cần ghi nhận rằng nhiều quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam mà sau đây là một số cơ bản nhất.

Điều 69 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Điều 70 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào… Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”.

Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự.

Điều 19 Công ước này quy định:
Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao giồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến…
Việc thực hiện những quyền quy định tại Khoản 2 Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác.
Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội.

Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội là “nói một đằng làm một nẻo”. Những quyền con người nói trên đều bị chính quyền cộng sản Việt Nam chà đạp trên thực tế.

Để triệt tiêu quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin, chính quyền cộng sản đặt ra “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” – Điều 88 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là chính quyền cộng sản vin vào tội danh này để bỏ tù tất cả những ai bày tỏ quan điểm chính trị trái ngược với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản án phúc thẩm của Tòa án tối cao nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kết án TS luật Cù Huy Hà Vũ tự nó đã nói lên tất cả.

Bản án ghi “Bị cáo và các luật sư cho bị cáo cũng như một số ý kiến quan tâm đến việc xét xử sơ thẩm bị cáo Cù Huy Hà Vũ cho rằng: Việc kết án Cù Huy Hà Vũ là vi phạm Điều 69 của Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự (1966) mà Việt Nam đã tham gia Công ước này năm 1988. Hội đồng xét xử thấy: Điều 69 của Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Khoản 2 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự cùng quy định “Mọi người có quyền tự do ngôn luận…”. Nhưng Khoản 3 Điều 19 của Công ước này lại quy định “Việc áp dụng các quyền được quy định tại Khoản 2 Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể là đối tượng chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và cần thiết để… bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, Điều 88 của Bộ luật Hình sự quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là cụ thể hóa Điều 69 của Hiến pháp và hoàn toàn phù hợp với Khoản 3 Điều 19 của Công ước Quốc tế các quyền chính trị, dân sự (1966) mà Việt Nam đã tham gia năm 1982”.

Như mọi người đã thấy, sau câu “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và câu “có quyền được thông tin” tại Điều 69 của Hiến pháp là dấu “;” (chấm phẩy), tức là nghĩa của các câu này trọn vẹn. Nói cách khác, các quyền con người – quyền công dân này không bị ràng buộc bởi bất cứ quy định pháp luật nào khác. Thế nhưng Tòa án tối cao đã làm đậm câu “theo quy định của pháp luật” với ý “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” để từ đó nói “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là quy định của pháp luật mà công dân phải tuân theo khi thực hiện các quyền trên. Tóm lại, chỉ riêng việc Tòa án tối cao cố ý xuyên tạc lời văn của Điều 69 Hiến pháp cũng đã đủ triệt tiêu lập luận “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là “cụ thể hóa Điều 69 của Hiến pháp” của chính cơ quan tư pháp tối cao này, đồng nghĩa Điều 88 Bộ luật Hình sự là không có căn cứ pháp lý nên phải xuyên tạc Hiến pháp để hỗ trợ!

Vả lại, cứ cho là Hiến pháp quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật” thì Điều 88 Bộ luật Hình sự quyết không thể là quy định pháp luật mà công dân phải tuân theo, bởi không pháp luật nào lại bắt công dân tuân theo tội phạm cả! Thật vậy, nếu thay “theo quy định của pháp luật” bằng Điều 88 Bộ luật Hình sự thì sẽ có “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Thật không thể điên khùng hơn! Còn nếu Tòa án tối cao cho rằng “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là cụ thể hóa các quyền của con người – quyền công dân quy định tại Điều 69 Hiến pháp – thì quan điểm này của cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hơn cả điên khùng, là phản pháp luật đến cùng cực vì đã biến các “quyền” của công dân thành “tội phạm”!

Chưa hết, chính Khoản 3 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự mà Tòa án tối cao đã dẫn để biện minh cho sự tồn tại của “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, oái oăm thay, lại có tác dụng “gậy ông đập lưng ông” phủ định chính tội danh này. Thực vậy, như mọi người đã thấy, theo quy định này của Công ước, để bảo vệ an ninh quốc gia… quyền tự do ngôn luận và các quyền có liên quan có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, với điều kiện này phải được quy định trong pháp luật. Thế nhưng trong pháp luật của Việt Nam đã không có quy định nào hạn chế quyền tự do ngôn luận và các quyền có liên quan. Còn Điều 88 Bộ luật Hình sự dứt khoát không phải là quy định pháp luật hạn chế quyền tự do ngôn luận và các quyền có liên quan như trên đã chứng minh. Nói cách khác “Tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chỉ có thể tồn tại sau khi pháp luật đã có quy định “cấm tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì tội danh được định ra là để xử lý bằng biện pháp hình sự hành vi vi phạm, điều mà pháp luật cấm. Thế nhưng quy định “cấm tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ không bao giờ có thể “xuất đầu lộ diện” trong pháp luật Việt Nam vì nó hoàn toàn trái với quy định “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” tại Khoản 1 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự mà Việt Nam là thành viên.

Kết luận lại, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” phải bị xóa bỏ vì hoàn toàn trái với Khoản 1 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền chính trị, dân sự mà Việt Nam là thành viên và Điều 69 Hiến pháp Việt Nam!

Cũng cần nói thêm rằng chính quyền cộng sản cấm báo chí tư nhân trong khi thực chất của quyền tự do báo chí là cá nhân hay tư nhân được ra báo chí. Bản thân khái niệm “tự do” xuất phát và gắn liền với khái niệm “cá nhân”, hay nói cách khác, “cá nhân” không tồn tại thì “tự do” không tồn tại!

Về quyền lập hội, quyền biểu tình của công dân, các quyền này chỉ có thể được pháp luật bảo hộ sau khi các quyền này được luật hóa như quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992. Thế nhưng cho đến nay, đã 21 năm trôi qua, Luật về Hội và Luật Biểu tình vẫn chưa được ban hành, đồng nghĩa với quyền lập hội, quyền biểu tình “có cũng như không”, hay nói đúng hơn các hội, các cuộc biểu tình ở Việt Nam luôn ở trong tình trạng bất hợp pháp và vì vậy có thể bị chính quyền cộng sản dẹp bỏ bất cứ lúc nào và những người tổ chức luôn có thể bị chính quyền này khép vào “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” quy định Điều 258 Bộ luật Hình sự, hay vào “Tội gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự.

Nhân đây cần khẳng định rằng “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” là trái pháp luật vì “lợi dụng” không phải là hành vi vi phạm pháp. Pháp luật không chặt, hở, để ai đó lợi dụng thì đó là lỗi của các nhà làm luật. Nói cách khác, tội danh này được chính quyền cộng sản Việt Nam đặt ra là để loại bỏ chính các quyền tự do, dân chủ của công dân!

Cũng như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại Điều 70 Hiến pháp là không thực chất chừng nào còn Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực vậy, tín ngưỡng hay tôn giáo suy cho cùng đều là hệ tư tưởng và chủ nghĩa Mác – Lênin cũng là hệ tư tưởng. Do đó, một khi đã khẳng định tự tín ngưỡng, tự do tôn giáo thì đương nhiên tín ngưỡng, tôn giáo không thể bị “lãnh đạo” hay định hướng, điều khiển bởi hệ tư tưởng nào khác mà ở đây là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là chưa nói đến quan điểm “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của chủ nghĩa Mác-Lênin, theo đó, những người cộng sản phải giải thoát nhân dân khỏi sự đầu độc của tôn giáo, tức coi tôn giáo là địch thủ, là đối tượng mà những người cộng sản phải trừ bỏ!

Về quy định “những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” cũng tại Điều 70 Hiến pháp thì quy định này đồng nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo bị cấm cản, đàn áp khi nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo bị chính quyền bị xóa bỏ và chiếm đóng trái pháp luật. Cần khẳng định rằng nghĩa trang của giáo xứ là nơi thờ tự của đạo Thiên Chúa (Kitô giáo). Do đó, việc chính quyền Đà Nẵng năm 2009 đã chiếm lấy nghĩa trang của Giáo xứ Cồn Dầu và bỏ tù một số giáo dân do những người này đã đưa một số giáo dân khác vừa qua đời đến chôn ở nghĩa trang này là hành vi đàn áp tôn giáo không hơn không kém!

Lẽ dĩ nhiên còn rất nhiều quyền con người – công dân khác như quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tài sản đối với đất đai… bị chính quyền cộng sản xâm hại nghiêm trọng mà khuôn khổ của một bài viết không đủ để liệt kê đầy đủ. Tuy nhiên, một số dẫn chứng về việc chính quyền cộng sản xâm hại nghiêm trọng nhân quyền đã nêu ở trên cũng đã đủ để cho thấy chủ nghĩa xã hội hay chế độ xã hội chủ nghĩa là điển hình của đàn áp nhân quyền!

4. Chủ nghĩa xã hội mang lại đói nghèo và tham nhũng
Trước hết phải khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản không gì khác hơn là kinh tế tư nhân đồng nhất với kinh tế thị trường, còn chủ nghĩa xã hội lại chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, tức là xóa bỏ kinh tế tư nhân, xóa bỏ kinh tế thị trường thông qua “công hữu hóa tư liệu sản xuất” mà sản phẩm là các doanh nghiệp Nhà nước.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy chủ nghĩa xã hội chỉ mang lại đói nghèo cho tuyệt đại đa số người dân, đẩy Việt Nam đến bờ vực phá sản với lạm phát 900% vào năm 1985 dẫn tới ăn mày đầy đường!

Để sống sót, từ năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tiến hành “Đổi mới”, bước đầu đi theo chủ nghĩa tư bản bằng cách thừa nhận kinh tế tư nhân đồng nhất với kinh tế thị trường và “tự diễn biến hòa bình” từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản này đã cơ bản hoàn tất với việc Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức cho đảng viên làm kinh tế tư nhân vốn bị đảng này coi là “bóc lột”. Mặc dầu vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chịu công khai thừa nhận sự phá sản của chủ nghĩa xã hội và để bao biện cho việc rốt cuộc đã phải thực hiện kinh tế thị trường – hiện thân của chủ nghĩa tư bản – đảng này đã biến báo kinh tế thị trường bằng cách gắn cho nó cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên sự bao biện này của Đảng Cộng sản Việt Nam là công cốc. Thực vậy, như đã nêu trên, “chủ nghĩa xã hội” hay “xã hội chủ nghĩa” đồng nhất với “xóa bỏ kinh tế thị trường”. Vậy khi thay “xã hội chủ nghĩa” trong “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng “xóa bỏ kinh tế thị trường” thì ta có “kinh tế thị trường định hướng xóa bỏ kinh tế thị trường” ngớ ngẩn không kể xiết! Ngoài ra, chỉ riêng việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) đầu năm 2013 luôn khẩn khoản đề nghị các nước này công nhận Việt Nam có “nền kinh tế thị trường” chứ không phải “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng đã đủ cho thấy để tồn tại và phát triển trong thế giới ngày nay, Việt Nam không thể không từ bỏ chủ nghĩa xã hội!

Chủ nghĩa xã hội cũng đồng nhất với tham nhũng. Như trên đã đề cập, chủ nghĩa xã hội chủ trương quốc hữu hóa nền kinh tế. Nhà nước trực tiếp kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là nhà nước vừa là người quản lý đồng nhất với giám sát, kiểm soát tài sản quốc gia vừa là người sử dụng tài sản ấy, tức là làm cái chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” theo cách nói dân gian. Nói cách khác, nhà nước không phải chịu bất cứ giám sát, kiểm soát nào trong việc sử dụng tài sản quốc gia và chính lỗ hổng thể chế này đã tạo ra tham nhũng – tham nhũng thể chế!

Tóm lại, doanh nghiệp nhà nước là kênh chủ yếu để những người nắm giữ quyền lực Nhà nước, mà ở đây là các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tham nhũng tột mức bằng mọi thủ đoạn, làm đất nước điêu đứng, mà các vụ VINASHIN, VINALINES là những bằng chứng điển hình. Điều này lý giải vì sao Hiến pháp 1992 hiện hành vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, cơ bản là lỗ! Trong các lĩnh vực phi kinh doanh cũng vậy, tham nhũng tràn lan bởi sự độc quyền cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã loại trừ tính minh bạch trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Tình hình nghiêm trọng đến mức ngay Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã phải thừa nhận tham nhũng chính là quốc nạn.

Kết
Hẳn có người đặt câu hỏi, chủ nghĩa xã hội quái vật như thế, gây hại, tàn phá con người và đất nước Việt Nam như thế thì phải chăng thống nhất đất nước vào 30-4-1975 dưới màu cờ đỏ sao vàng là sai lầm?

Như trước đây và ngay ở đầu bài viết này tôi đã nói thống nhất đất nước là khát vọng thiêng liêng của mọi người Việt Nam bất luận chính kiến và vì vậy 30-4-1975 là tất yếu của lịch sử, mà đã là tất yếu thì không thể sai lầm! Vấn đề là ở chỗ chủ nghĩa xã hội hay chế độ xã hội chủ nghĩa đã không do nhân dân lựa chọn mà do Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt. Để nói chủ nghĩa xã hội chống lại con người và quốc gia Việt Nam đã có thể loại trừ nếu như nhân dân Việt Nam đã có quyền quyết định chế độ cho chính mình.

Như Hiến pháp quy định, nhân dân là chủ nhân duy nhất của đất nước. Do đó, nhân dân, chứ không phải ai khác quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương nơi cư trú và nhân dân thực hiện sứ mệnh này hoặc trực tiếp bằng lá phiếu hoặc gián tiếp thông qua các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trên tinh thần đó, những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trong đó có chế độ chính trị được xác định trong Hiến pháp phải được nhân dân trực tiếp quyết định bằng hình thức bỏ phiếu về Dự thảo Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua với đa số tuyệt đối (2/3 số đại biểu Quốc hội), hình thức mà Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nền Cộng hòa – gọi là phúc quyết của nhân dân về Hiến pháp. Nói cách khác, chừng nào Hiến pháp chưa được nhân dân trực tiếp làm ra dưới hình thức phúc quyết về Hiến pháp thì không thể nói nhân dân đã được quyền làm chủ đất nước hay là đã có dân chủ, càng không thể nói chế độ chính trị mà ở đây là chủ nghĩa xã hội đã được nhân dân Việt Nam lựa chọn. Tuy nhiên, có một thực tế là trong điều kiện chiến tranh thì quyền phúc quyết của nhân dân về Hiến pháp là không thể thực hiện được như trường hợp của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, điều này có nghĩa là trong điều kiện hòa bình thì không thể có lý do gì nhân dân không thực hiện chủ quyền cao nhất ấy của mình!

Thế nhưng như tất cả mọi người đều thấy, sau khi đất nước đã được thống nhất, hòa bình đã được lập lại vào 30-4-1975, nhân dân đã không được chính quyền cộng sản trao quyền phúc quyết về Hiến pháp, dù đó là Hiến pháp 1980 hay Hiến pháp 1992, đồng nghĩa chủ nghĩa xã hội hay chế độ xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ là lựa chọn của nhân dân Việt Nam theo đúng nghĩa đen của từ này.

Kết luận lại, để thực sự trở thành chủ nhân của đất nước, quyết định vận mạng chính trị của chính mình thì nhân dân Việt Nam không có cách nào khác là phải trực tiếp làm Hiến pháp thông qua phúc quyết về Hiến pháp mới hoặc Hiến pháp sửa đổi. Điều này có nghĩa là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau khi được Quốc hội thông qua với đa số tuyệt đối phải được đưa ra trưng cầu dân ý để nhân dân phúc quyết, trừ trường hợp vì lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam quyết định làm Dự thảo Hiến pháp mới để sau đó trình nhân dân quyết định.

Cho dù quái vật chủ nghĩa xã hội không phục thiện để trở thành người để câu chuyện 30-4-1975 có được cái kết có hậu như trong cổ tích “giai nhân và quái vật” thì sự tồn tại của giai nhân là báo hiệu sự xuất hiện của anh hùng để làm nên câu chuyện mới – câu chuyện “Anh hùng cứu Mỹ nhân”. Hẳn nhiên rồi, Anh hùng bao mong đợi ấy chính là Dân chủ bởi không thể nào khác được!

Một ngày không xa, “Dân chủ – Anh hùng” sẽ lên ngôi để cùng “Thống nhất đất nước – Giai nhân” làm nên câu chuyện tình đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Thực tế lịch sử cho phép ta được quyền tin như thế!

29/4/2013



View My Stats