Monday, 29 April 2013

NỖI BUỒN THÁNG TƯ (Thanh Quang - RFA)




Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-04-29

Hiện là thời điểm đánh dấu Biến Cố 30 tháng tư, năm 1975 khi Miền Nam VN Tự do rơi vào tay người CS. Theo blogger Thuỳ Linh thì biến cố ấy, dù cho tới nay đã 38 năm, vẫn là “một ngày rất buồn”:
Đó là một ngày rất là buồn vì bao nhiêu sinh mạng con người đã ngã xuống trên mảnh đất này mà chưa đem lại một nền hòa bình thực sự do vẫn còn cuộc chiến trong ý thức, trong cách hành xử của cả bên thắng lẫn bên thua. Niềm vui chiến thắng của một bộ phận người Việt không thể che lấp nỗi buồn của nhiều người.

Qua tác phẩm “Bên thắng cuộc”, “mấy lời của tác giả” Huy Đức, tức blogger Osin, cho biết rằng cuốn sách của ông “ bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn 30 năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hoá ra lại là miền Bắc”.

Khi viết về “Buồn Vui Tháng Tư”, nhà văn Sơn Tùng cư ngụ tại Virginia, Hoa Kỳ không khỏi “Thật đau lòng và cũng thật đáng tự hào cho những người đã đứng trong hàng ngũ ‘bên thua cuộc’ vào ngày 30.4.1975”. Theo nhận xét của nhà văn Sơn Tùng, thì “ không bao lâu sau, ‘bên thắng cuộc’ đã dần dần biến thành thua bại. Bắt đầu tuột giốc không thể kìm hãm”. Nhà văn Sơn Tùng phân tích:
Từ tháng 4.1975, hàng triệu người đã tìm mọi cách ra đi, không chấp nhận đời sống nô lệ. Đến nay đã có khoảng ba triệu người sống ở hải ngoại. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên đường vượt thoát. Cái nhìn của thế giới đã xoay chiều đối với “giải phóng”, kể cả một số khuôn mặt phản chiến cỡ lớn trước kia. Nền kinh tế quốc doanh đã tới bên bờ vực thẳm để chôn vùi tất cả những giấc mơ điên rồ khiến cộng sản phải “đổi mới” kinh tế, trở lại làm ăn kiểu “kinh tế thị trường” của tư bản, nhưng lại theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” (!), khai sinh ra giai cấp tư bản đỏ, tệ hại gấp ngàn lần lớp tư bản cũ mà Karl Marx lên án. Cuộc cách mạng nhân danh giai cấp vô sản đã biến thành con quái vật hung bạo dày đạp trên lưng đám dân nghèo.
Có lẽ Dương Thu Hương là người đầu tiên công khai lên tiếng tố cáo đã bị “đảng” lừa, mở đường cho những cán bộ viết khác nói lên sự thật, nhưng niềm tin vào “đảng” đã đổ vỡ rất sớm.

Biến cố 30 tháng Tư năm 1975 tạo điều kiện cho người CS – nói theo lời sử gia Trần Gia Phụng cư ngụ tại Toronto, Canada – “huyênh hoang tự hào là họ là kẻ thắng cuộc”, thực hiện được điều họ gọi là “giải phóng miền Nam”. Nhưng ông Trần Gia Phung nêu lên câu hỏi rằng “ Sau khi CS làm chủ toàn bộ đất nước, CS có thật sự là bên thắng cuộc hay không?”.

Qua bài “30-4-1975: Thắng cuộc hay tội đồ ?”, tác gia Trần Gia Phụng nhắc lại:
Ngay tức khắc, sau khi CS chiếm (miền)Nam VN, khoảng 150,000 người di tản ra nước ngoài. Tiếp đến là phong trào vượt biên. Dầu Cộng Sản kiểm soát gắt gao, khoảng trên 1 triệu 500 ngàn người bỏ nước ra đi bằng tất cả các phương tiện,(mà như người ta thường nói) “cây cột đèn cũng muốn ra đi”, trong đó khoảng 500.000 người bỏ mình ở biển Đông. Biển Đông trở thành nghĩa địa biển lớn nhất thế giới. Ở trong nước, nhiều phong trào nổi lên chống đối Cộng Sản đều bị đàn áp. Như thế, CS chiến thắng bằng súng ống, chiếm được đất đai, nhưng hoàn toàn thất bại về nhân tâm, không chiếm được lòng người, không thống nhất được lòng dân.

Tác giả cũng không quên cảnh trớ trêu là những người dân Việt bỏ nước ra đi liền bị Hà Nội gán gội “phản động”, “chạy theo bơ sữa đế quốc Mỹ”, nhưng sau đó, bỗng chốc họ trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”; và “những khúc ruột ngàn dặm ấy” được nhà nước kêu gọi hoà hợp hoà giải cũng như góp phần xây dựng đất nước. Nhưng đại đa số người Việt hải ngoại chẳng có nhu cầu này với một chế độ toàn trị.

Ưu tư về tương lai đất nước

Theo ông Trương Quốc Việt, một công dân VN đang tạm trú tại Úc và vừa thực hiện chuyến “Độc hành cho Nhân quyền VN” qua 13 thành phố và các thủ phủ của những tiểu bang Victoria, New South Wales và Queensland của Úc, thì “ngày 30 tháng Tư là một ngày buồn – rất buồn”. Ông Trương Quốc Việt cho biết:
Nỗi buồn ấy không phải chỉ riêng tôi hay gia đình tôi, mà còn đến với rất nhiều người khác, nhất là trong nước. Đó là một ngày buồn – rất buồn ! Tại vì cái ngày ấy đem đến nhiều khó khăn cho dân tộc, mà trong nước, chúng tôi không thể nào nói lên được những nỗi khó khăn đó. Cho nên mình cảm thấy giống như đang ở tù, luôn chịu đựng sự kìm kẹp, luôn phải cảnh giác. Do đó, người dân thực sự không có tự do. Trong khi đó thì nhà cầm quyền CSVN cứ rêu rao đủ thứ tự do, rồi lễ lớn 30 tháng Tư…Nhưng thực ra, có nhiều người dân trong nước không vui gì đâu !

Qua bài “Nỗi buồn tháng Tư”, blogger Đoàn Vương Thanh không khỏi liên tưởng đến “thân phận con người” – dù đó là những phụ nữ chất phác miền quê phải “tha phương cầu thực” ở xứ lạ quê người để rồi bị mắc bẫy, hay những nông dân ở lại quê hương trở thành dân oan ngay trên mảnh đất cha ông để lại. Tác giả nêu lên câu hỏi:
Vì sao, đất nước sau gần 40 năm được thống nhất, có độc lập, hòa bình mà vẫn có mấy chục vạn phụ nữ trẻ phải “trần như nhộng” để “bọn nước ngoài” lựa chọn... Ai đã cấp hộ chiếu cho gần 30 vạn phụ nữ sang Hàn Quốc, Đài Loan “tìm chồng”, “lấy chồng”, trong khi trong nước còn có đến 30 vạn gái (phải bán thân) ?..Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thứ của Đảng, đã dũng cảm thừa nhận “đi đến đâu cũng thấy người hư hỏng…” mà họ lại chính là những người của ông, đã được rèn luyện phấn đấu nhiều năm. Bộ máy chính quyền vừa đông vừa không được việc, vừa nhiều vừa quan liêu. Cơ quan hành chính thì “hành dân là chính”, dân khiếu nại theo luật định thì bị ghép vào tội làm mất trật tự xã hội…

Khi “Viết cho tháng tư”, blogger Huỳnh Thục Vy lưu ý rằng “ ‘sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước’ đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước ‘giải phóng’ hơn hẳn Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan. Huỳnh Thục Vy nêu lên câu hỏi rằng “nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?”. Khi đề cập tới “tình tự dân tộc”, blogger Huỳnh Thục Vy cho biết:
Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc. Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạt, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao?



No comments:

Post a Comment

View My Stats