Tuesday, 30 April 2019

CÓ PHẢI CHÍNH QUYỀN VN TRÁNH NÓI TỪ "GIẢI PHÓNG" TRONG DIP KỶ NIỆM 30/4 NĂM NAY? (Diễm Thi)




Diễm Thi
2019-04-29

Dịp lễ 30 tháng 4, ngày kỷ niệm kết thúc cuộc chiến Việt Nam mà Hà Nội gọi là ngày giải phóng Miền Nam, thường được chính quyền Việt Nam tổ chức rầm rộ với các hoạt động tuyên truyền nhiều mặt trong cả nước. Riêng năm nay thì hoạt động này có phần im ắng hơn hẳn, theo nhận xét của một số nhà quan sát.

Thay biểu ngữ, ít cờ quạt

Theo Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng - người hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức kỷ niệm ngày 30 tháng 4 của Nhà nước năm nay là một hiện tượng đặc biệt và bất thường khi liều lượng và mật độ tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 giảm hẳn, chỉ bằng từ một phần tư đến một phần ba so với những năm trước.

“Đặc biệt là khẩu hiệu “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước” không còn nhiều trên mặt báo mà chủ yếu chỉ còn “Thống nhất đất nước” và bỏ đi cụm từ “Giải phóng miền Nam”. Các lễ hội cấp trung ương, địa phương không thấy tổ chức rình rang ở Sài Gòn, không duyệt binh, không bắn pháo hoa…liên quan đến ngày 30 tháng 4”.

Theo nhận định của một số người dân trong nước thì năm nay Nhà nước không có những hoạt động mà mấy chục năm qua họ vẫn thấy như bắt treo cờ, tổ chức những chương trình tuyên truyền ca ngợi ‘lịch sử hào hùng’. Anh Hùng từ Hà Nội cho biết:
Không biểu ngữ, không băng rôn, không loa phường tuyên truyền như mọi năm. Mọi năm rầm rộ với các khẩu hiệu treo trên cột điện dọc khu phố, chăng ngang qua các tuyến đường. Tổ dân phố họp tại các khu chung cư để ăn mừng và ôn lại “lịch sử hào hùng”.

Anh cho biết, trước đây tất cả các hộ dân đều phải treo cờ tổ quốc; loa phường hoạt động tối đa để tuyên truyền, thậm chí trong các cuộc nhậu “người ta” cũng hô khẩu hiệu ‘mừng giải phóng’... năm nay khẩu hiệu đó ít xuất hiện hẳn trong các cuộc nhậu. Ai muốn treo cờ thì treo, phía chính quyền họ chỉ đi nhắc nhở.

Anh Linh từ Sài Gòn cho biết mọi năm nhà nào cũng bị bắt phải treo cờ, thậm chí người trên phường xuống nhà dân treo rồi bắt dân phải trả tiền. Năm nay tình trạng đó không còn nữa.
“Sài Gòn chỉ khác hơn ngày thường một chút vì có vài nhà treo cờ chứ không như mọi năm. Những chương trình ăn theo lễ lạc do Nhà nước tổ chức gần như không có. TV cũng im ắng, không như mọi năm là chiếu phim lịch sử. Treo cờ cũng rất hời hợt, lác đác. Họ chỉ nhắc nhở chứ không bắt buộc phải treo.”

Giáo sư Hoàng Dũng từ Huế nêu ý kiến rằng ở Việt Nam, mọi tuyên truyền đều có chỉ thị từ Ban tuyên giáo, vì vậy chuyện truyền thông mạnh hay yếu đều do một ‘đạo diễn’. Việt Nam không có báo chí tư nhân mà chỉ là tiếng nói của Nhà nước, của đảng. Ông nói:
“Năm nay có một yếu tố khách quan là không phải năm chẵn nên họ không tổ chức lễ rầm rộ, nhưng yếu tố đó cũng không đến nỗi phải tổ chức một cách lặng lẽ như năm nay.”

Ảnh hưởng bởi quan hệ Việt - Mỹ

Là một người dân sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975, chứng kiến việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày “giải phóng đất nước” mấy chục năm qua, anh Linh cho rằng năm nay Nhà nước không tổ chức rình rang như mọi năm vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ; thứ hai là chính quyền đã có một cách tiếp cận xã hội khác, có nghĩa là chính quyền hiểu tâm lý người dân nên đã hạn chế tuyên truyền.

Đánh giá về các nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam hạn chế tuyên truyền cho ngày 30/4 năm nay, nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, đó là do quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã thay đổi, và điều đặc biệt quan trọng là chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ trong thời gian tới:
“Càng về sau này tư tưởng và quan điểm ngả về Mỹ trong giới quan chức ở Việt Nam ngày càng lộ rõ, đặc biệt là dàn quan chức cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và cấp Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành. Họ có thân nhân và tài sản ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ cho nên họ cần bảo đảm sinh mạng chính trị, sinh mạng sinh học cũng như tài sản của họ. Nhưng họ cũng rất e sợ Trung Quốc cho nên họ dựa vào quan điểm gần đây của Nguyễn Phú Trọng là giãn và ngả dần về Mỹ, do đó họ không còn hào hứng với việc tuyên tuyền cho ngày 30 tháng 4.”

Ông Dũng dẫn ra một so sánh về việc tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 năm nay và việc tuyên truyền cho ngày Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, ngày 17 tháng 2 trong cùng năm 2019:
“Khi mật độ và liều lượng tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 năm nay giảm hẳn thì việc tuyên truyền cho ngày Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, ngày 17 tháng 2 lại rộ lên. Báo chí Nhà nước đồng loạt lên tiếng tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam và mô tả chi tiết một số trận đánh xâm lược của Trung Quốc. Đây là điều trước đây không có.
So sánh như vậy để thấy quan điểm đối ngoại của ĐCSVN đang có một sự thay đổi và tôi cho rằng đây là sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt”.

Từng là cựu thù trong thời gian chiến tranh Việt Nam và trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam và Mỹ giờ đây đã trở thành các đối tác. Hai nước đã chính thức bình thường hoá quan hệ từ năm 1995 và đến năm 2013 hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện.
Những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cũng khiến quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thêm gần. Trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ công bố hồi năm 2017, Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là một đối tác đang lên về an ninh và kinh tế.

Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước Việt Nam gọi là Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước, nhưng cũng là ngày khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Cuộc chiến cũng đã cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người Việt và 58.000 người Mỹ.

Cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt cũng đã từng thừa nhận việc nhắc lại cuộc chiến theo cách quen thuộc của chính quyền Việt Nam sẽ có “hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

*

Tin, bài liên quan








THÁNG TƯ & LÝ TỐNG HUYỀN THOẠI (Bùi Văn Phú)




Bùi Văn Phú
01/05/2019

Thời gian tôi làm việc ở Galang, Indonesia, trong một lần qua đảo Tanjung Pinang công tác, đi ăn cơm tối cùng với nhân viên Cao ủy Tị nạn tôi gặp một nhà ngoại giao Hoa Kỳ, đến từ Singapore, ông có hỏi: “Do you know Lee Tong? What is he doing now?” – Anh có biết Lý Tống không, bây giờ ông ấy đang làm gì?

Lúc đó là hè năm 1986. Nghe nhà ngoại giao hỏi, tôi biết ông nói đến ai, nhưng tôi không thực sự biết sinh hoạt của Lý Tống khi đó ra sao, chỉ biết đến ông qua bài báo đăng trên nguyệt san Reader’s Digest đã được đọc. Tôi trả lời là không rõ Lý Tống hiện nay làm gì, vì tôi rời Hoa Kỳ đi làm việc ở nước ngoài cũng đã mấy năm.

Tôi biết đến tên tuổi của Lý Tống nhiều hơn sau khi trở về Mỹ. Gây tiếng vang nhất là vụ uy hiếp máy bay dân sự từ Bangkok để rải 5 vạn truyền đơn xuống Sài Gòn vào đầu tháng 9/1992, trong tình hình các chế độ cộng sản Đông Âu đã sụp đổ và Liên bang Sô-viết tan rã. Công an và an ninh thành phố Hồ Chí Minh đã phải vất vả đi thu truyền đơn kêu gọi nổi dậy, không cho dân tìm đọc hay lưu giữ.

Sau nhiều ngày tuyệt thực và tuyệt ẩm, Lý Tống xuất hiện tại toà thị chính San Jose sau khi thị trưởng Chuck Reed và các nghị viên đồng ý với tên Little Saigon (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Sau khi thả truyền đơn, Lý Tống nhảy dù ra khỏi máy bay, rồi bị bắt, bị Hà Nội kết án 20 năm tù.

Tám năm sau Lý Tống lại có phi vụ rải truyền đơn xuống Havana trong ngày đầu năm dương lịch 2000, rồi an toàn bay về Florida, Hoa Kỳ, không bị án tù mà chỉ bị thu bằng lái máy bay.

Cuối năm 2000 ông lại dùng máy bay nhỏ, bay vào Sài Gòn rải truyền đơn một lần nữa, dịp Tổng thống Bill Clinton qua thăm Việt Nam. Quay trở lại Thái Lan an toàn, ông bị bắt và một toà án ở Bangkok đã kết án ông nhiều năm tù, trong khi Hà Nội muốn dẫn độ ông về Việt Nam để xét xử.

Ông cũng đã từng có kế hoạch rải truyền đơn ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên nhưng không thực hiện được.

Qua những việc làm đó cho thấy tinh thần chống cộng sản của Lý Tống rất cao, thể hiện qua những hành động phi thường, không ai khác làm được, dù trước đó đã có những người tìm đường về nước như Hoàng Cơ Minh từ Mỹ, Võ Đại Tôn từ Úc hay Trần Văn Bá từ Pháp.

Câu chuyện của Lý Tống bắt đầu vào những ngày cuộc chiến tranh Việt Nam gần kết thúc. Là sĩ quan không quân, ông có phi vụ cuối cùng trong tháng Tư 1975, trước khi chiến đấu cơ bị bắn rơi và ông bị bắt giam từ đó cho đến nhiều năm sau ngày Việt Nam Cộng hoà sụp đổ 30/4/1975.

Năm 1980 Lý Tống vượt ngục, rồi vượt biên là khởi đầu của những hành trình đầy huyền thoại.

Khi công tác ở Đông Nam Á tôi đã được nghe nhiều về những chuyến vượt biên, vượt biển do chính người trong các trại tị nạn kể. Có người đến được Galang, Bidong nhưng gia đình còn kẹt lại nên đã đóng thuyền bè, quay trở lại Việt Nam đưa gia đình cùng đi vượt biển một lần nữa, đến được đảo an toàn.

Nhưng hành trình dài có đến hai nghìn dặm, xuyên qua nhiều quốc gia với các phương tiện băng rừng bằng đường bộ hay đi xe đò, tầu hoả, và mất 17 tháng, để đến được Singapore của Lý Tống thật như chuyện bí hiểm đường rừng.

Vượt ngục, về Sài Gòn với ý định đánh cắp phi cơ chiến đấu từ căn cứ Tân Sơn Nhất để trở lại trại giam ném bom vào bộ chỉ huy quản giáo và cứu đồng đội nhưng không thành.

Sau đó ông vượt biên giới đường bộ qua Kampuchia, Thái Lan, Malaysia rồi cuối cùng đến đại sứ quán Mỹ ở Singapore xin tị nạn.

Chỉ riêng chuyện ông đến được đất Thái, sau khi băng rừng Kampuchia, không xin tị nạn ở đó và tiếp tục hành trình để tới Singapore cũng là điều lạ lùng. Ông chọn đường đi nước bước xa xăm như thế là có tính toán, có kế hoạch, vì đến đâu, qua những nơi nào, khi ở nhà trọ, mua thức ăn, đồ dùng ông đều giữ lại biên nhận. Đến khi gặp nhân viên ngoại giao Mỹ ở Singapore, không ai tin cuộc vượt thoát đầy hiểm trở của ông, nhưng Lý Tống đã chứng minh hành trình mấy nghìn dặm đường ông trải qua là có thực.

Tôi cũng thực sự không hiểu được vì sao ông đã không bị cảnh sát Thái bắt, đưa vào trại tị nạn, vì tôi đã từng đi xe đò, xe lửa giữa Singapore và Thái Lan mà một lần trên tàu hoả nhiều người tưởng tôi trốn từ trại tị nạn ra, vì tôi không biết tiếng Thái, định kêu cảnh sát bắt, nhưng nhờ anh bạn đồng nghiệp giải thích rằng tôi gốc Việt nhưng có quốc tịch Mỹ nên an ninh Thái thôi làm khó dễ.

Bài báo của Anthony Paul trên nguyệt san Reader’s Digest số tháng 6/1984, và qua các ấn bản bằng nhiều ngôn ngữ khác, đã cho thế giới biết đến hành trình tìm tự do của Lý Tống từ khi vượt ngục khỏi trại tù cải tạo A30 ở Tuy Hòa năm 1980 cho đến lúc được định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1983.

Đến Mỹ, Lý Tống vừa đi học vừa đi làm. Với lý tưởng trừ gian, diệt bạo, ông đã có lần bắn chết kẻ cướp, đã đưa một tay anh chị băng đảng vào đường tử mà không bị án tù vì hành động của ông hoàn toàn mang tính tự vệ.

Ông tốt nghiệp cử nhân, rồi cao học ở Đại học Louisiana và đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ thì lên đường thực hiện một sứ vụ.

Ngày 4/9/1992 vào dịp kỷ niệm sinh nhật và húy nhật Hồ Chí Minh, Lý Tống đã uy hiếp phi công của một chuyến bay dân sự từ Bangkok đến Việt Nam, cho phi cơ bay thấp trên không phận Sài Gòn để rải truyền đơn. Sau đó ông nhảy dù ra và bị bắt, bị kết án 20 năm tù.

Cộng đồng người Việt hải ngoại tìm mọi cách vận động cho ông được tự do. Các tổ chức nhân quyền quốc tế không lên tiếng can thiệp vì coi đó là hành vi không tặc.

Người ủng hộ tụ họp trước toà án San Jose khi có vụ xử Lý Tống xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thế nhưng đến dịp Quốc Khánh 2/9/1998 của Việt Nam ông đã được Hà Nội ân xá và trục xuất, cùng với các tù nhân khác là giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế – hai nhà bất đồng chính kiến bị Hà Nội mà bị kết án tù nhiều năm – và Jimmy Trần, một người Mỹ gốc Việt khác bị kết án với tội âm mưu đặt bom phá tượng đài Hồ Chí Minh trước trụ sở ủy ban nhân dân thành phố.

Hành trình vượt biển của Lý Tống đã như một huyền thoại. Việc ông thực hiện được việc rải truyền đơn xuống Sài Gòn, xuống Havana cũng là huyền thoại.

Nhưng sự kiện Hà Nội thả tự do cho Lý Tống còn là điều lạ lùng hơn, vì ông mới chỉ thụ án 6 năm của một bản án 20 năm tù, mà theo luật Việt Nam thì tù nhân chỉ được ân xá sau khi đã thi hành 2 phần 3 bản án và có những hành vi tốt trong tù.

Trường hợp Lý Tống hoàn toàn khác. Ông được ra khỏi nhà tù ở Việt Nam khi thi hành chưa đến một phần ba bản án, ngắn hơn cả thời gian ông ở tù bên Thái Lan sau vụ lái máy bay vào Sài Gòn thả truyền đơn lần thứ hai vào cuối năm 2000.

Những sự việc mà sau này ông tiếp tục thực hiện vì lý tưởng chống cộng sản, như tuyệt thực cho “Little Saigon San Jose”, xịt sơn vào hình ảnh Hồ Chí Minh ở Nam California, xịt hơi cay vào mặt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay dự định xâm nhập vào đại sảnh thành phố San Francisco nhân có hội nghị “Meet Vietnam” để lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam cho thấy ông là người mưu trí và gan dạ.

Tôi có dịp gặp Lý Tống nhiều lần sau khi ông từ Thái Lan trở lại Hoa Kỳ, trong những dịp như diễn hành Tết, biểu tình phản đối văn công Việt Cộng, trong vụ “Little Saigon San Jose” hay đôi lần ngồi ăn cơm, ông luôn nói là: “Mình phải thực hiện những biện pháp bất tuân dân sự, civil disobedience, thì mới tạo tiếng vang cho chính nghĩa được.”

Những phi vụ của Lý Tống quả thật là phi thường để được thế giới biết đến ông như là James Bond hay Papillon của Việt Nam.

Đối với nhiều người Việt, Lý Tống với gần hai mươi năm qua các nhà tù ở Việt Nam, ở Thái Lan mà ông vẫn hiên ngang trực diện đối đầu với cộng sản, đó đích thực là con người của huyền thoại.

Lý Tống tên thật Lê Văn Tống, sinh ngày 1/9/1945 tại Huế, Việt Nam, mất ngày 5/4/2019 tại San Diego, California sau một cơn bệnh. Hưởng thọ 73 tuổi.






NGƯỜI ĐỒNG MINH DŨNG CẢM (Harry F. Noyes III)




Harry F. Noyes III
Triệu Phong chuyển ngữ
Tháng Tư 26, 2019

Bản dịch từ nguyên tác có tựa “Heroic Allies” của Harry F. Noyes III, đăng trong tạp chí Vietnam, số tháng 8 – 1993. Tác giả là cựu chiến binh Việt Nam trong binh chủng Không Quân Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến trở về, ông lấy văn bằng cao học về Nghiên Cứu Á Châu ở trường Đại Học Hawaii.

Triệu Phong chuyển ngữ
(25.04.2007)

*
Trong suốt quá trình chiến đấu để bảo vệ đất nước mình, Nam Việt Nam đã thiệt mất một phần tư triệu binh sĩ trên chiến trường.

Họ vóc dáng nhỏ con, nói chuyện líu lo như chim hót, ưa thêm nước mắm vào mọi món ăn, và thường hay nắm tay nhau.

Không lạ gì lính Mỹ khi qua viễn chinh ở vùng Đông Nam Á – hầu hết đều là trai trẻ, học thức bình thường, được rập khuôn trong một xã hội quá cao ngạo và quá ít hiểu biết về những nền văn hóa khác – khó lòng cảm thông được với những người chiến binh Miền Nam Việt Nam.

Điều đáng tiếc hơn nữa là nhiều cựu chiến binh lúc trở về lại đi gia nhập vào hàng ngũ của những nhóm gây rối, trốn lính và hoạt đầu chính trị để bêu xấu danh dự của một đạo quân nay không còn có thể tự đứng ra bào chữa được mình. Nhục mạ một đạo quân đã mạng vong trong chiến trận do nước Mỹ bỏ rơi là một hành vi đê tiện, không xứng danh là người chiến binh Hoa Kỳ.

Chắc một số người sẽ cho rằng điều khẳng định của tôi là quá đáng. Vậy chứ tôi phải làm thế nào để bào chữa cho họ đây? Mọi người đều “cho” họ là một lũ bất tài, phản trắc và hèn nhát, phải như vậy không?

Không, hoàn toàn sai. Bài viết này sẽ trưng ra một vài chứng cớ hùng hồn để đánh đổ cái huyền thoại thô bỉ này, đồng thời cũng sẽ khảo sát xem do đâu phát sinh ra huyền thoại ấy.

Dĩ nhiên phải công nhận là quân lực Nam Việt không toàn hảo. Người chiến binh của họ phải chiến đấu với những kẻ lãnh đạo tồi, những quân nhân hèn nhát, chịu đựng những cuộc khủng hoảng, những biến cố tai ương, bất lợi. Quân lực Mỹ ở Đông Nam Á cũng không hơn gì đâu.

Trên một số phạm vi như cơ cấu tổ chức, tiếp liệu, quản trị và lãnh đạo, quân lực Nam Việt thua bên phía Mỹ. Nhưng có ai trông mong gì khác hơn từ một quốc gia đang phát triển, mới vừa thoát khỏi ách thuộc địa lại phải lao đầu vào một cuộc chiến sinh tử với một quân thù hùng mạnh được cả một khối Cộng Sản yểm trợ?

Thực tế mà nói, những nhược điểm của Nam Quân cũng hệt như của quân Mỹ thời chiến tranh Độc Lập của Hoa Kỳ (American War of Independence), dù rằng nước Mỹ hồi cuối thế kỷ thứ 18 có nhiều điểm thuận lợi như: cái qui mô của cuộc Chiến Tranh Cách Mạng (Revolutionary War) nhỏ hơn và dễ chi phối hơn; quá trình thuộc địa Hoa Kỳ đã giúp hình thành được những chính quyền tự phát địa phương, cho phép đất nước này hun đúc nên những vị lãnh tụ tài ba thật sự; quân Anh không quá ngoan cố như quân Bắc Việt; và quân đồng minh Pháp thời  bấy giờ đã không bỏ rơi nước Mỹ non trẻ như người Mỹ đã bỏ rơi Nam Việt Nam.

Nhưng dù sao chăng nữa, cơ cấu tổ chức, tiếp liệu, quản trị và ngay cả lãnh đạo đi chăng nữa vẫn chưa phải là những phẩm chất để dựa vào đó mà phỉ báng quân lực Nam Việt.

Có hai câu hỏi đánh động đến đề tài tranh cãi. Phải chăng người chiến binh Nam Việt thiếu chí khí, lòng quả cảm, sự can trường và lòng ái quốc mà người Mỹ đã nêu ra trong lời miệt thị và gán lên đầu họ mọi trọng tội vì đã đánh mất cái giá tự do của vùng Đông Nam Á? Quân Mỹ có khá gì hơn đồng minh của mình để dám khinh khi họ như vậy? Trả lời cho cả hai câu hỏi, tôi xin trân trọng khẳng định là “Không!”

Chứng cớ quá rõ ràng. Trận Tổng Công Kích Tết 68 (Mậu Thân) coi như sẽ đập tan được ý chí chiến đấu của Nam Việt. Thay vì bỏ cuộc, quân NV đã kháng cự mãnh liệt và hữu hiệu: không một đơn vị nào tan rã hay tháo chạy. Ngay cả cảnh sát cũng chiến đấu, họ đương đầu với quân chính qui đối phương trang bị bằng vũ khí hùng hậu với chỉ bằng những khẩu súng Colts. Dựa theo báo cáo, sau trận này số người xin đăng lính cao đến nỗi chính quyền của quốc gia này phải đình hoãn bớt việc thu nhận thêm tân binh.

Trong cuộc Tổng Tấn Công năm 72, quân trú phòng NV bị vây hãm tại An Lộc đã giữ vững được vị trí của mình trước một lực lượng ghê gớm của quân thù cả về người lẫn hỏa lực kinh hồn của đại pháo và hỏa tiễn. Sau trận này tôi được tiếp xúc với một cố vấn Mỹ để nghe tường thuật lại mẩu chuyện một tiểu đội lính NV trong vùng được giao công tác thanh toán ba chiến xa địch, và đã hành động như thế nào. Họ chu toàn nhiệm vụ hạ được một chiếc, rồi quyết định tìm cách bắt sống hai chiếc còn lại. Theo tôi nhớ thì họ chộp được một chiếc còn một chiếc bỏ chạy, thế là mấy người lính chạy bộ rượt theo đến cuối đường. Việc thi hành thượng lệnh của mấy người lính này có thể không đúng tác phong quân kỷ, nhưng lối hành xử cho thấy tinh thần chiến đấu cao và thế chủ động mà mọi binh sĩ NV đều có. Dĩ nhiên điều tôi kể chưa đủ để bào chữa được cho lời tố giác tội hèn nhát.

Để minh chứng hơn, hãy nhìn vào Nam Việt Nam ở thời điểm cuối cùng vào năm 1975 khi đất nước này đang trong tình trạng tuyệt vọng khi biết rõ Mỹ không ra tay cứu giúp nữa (cả nhiên liệu lẫn đạn dược). Thế mà một đơn vị NV tầm cỡ một sư đoàn đã cầm chân được bốn sư đoàn BV trong suốt hai tuần giao tranh ác liệt tại Xuân Lộc. Chỉ riêng một trận này thôi sự anh dũng còn nổi bật hơn bất kỳ một chiến công nào có thể tìm thấy trong chiến sử Hoa Kỳ. Quân NV sau đó đành phải lui binh vì không quân của họ không còn bom để yểm trợ chiến đấu.

Có lần tôi xem được một phim tài liệu truyền hình do một phóng viên người Úc quay tường thuật về cuộc chiến. Khác với các phóng viên Mỹ, anh ta dành hết thời gian bên cạnh các binh sĩ NV. Anh ta ghi rõ tinh thần chiến đấu của Nam quân bằng những thước phim của mình. Anh còn kể rằng anh từng ghé qua một làng do địch kiểm soát và nghe nói lại rằng lính CS còn sợ lính NV hơn cả lính Mỹ. Lý do chính là lính Mỹ bao giờ cũng ồn ào, nên khi nào lính Mỹ đến là họ biết ngay. Chỉ vậy thôi thì có gì họ phải kinh sợ nếu quân NV không là những chiến binh nguy hiểm.

Tuy vậy, chứng cớ quan trọng nhất chứng tỏ ý chí chiến đấu của quân nhân Miền Nam đến từ hai sự kiện hiển nhiên, những sự kiện vốn thường hay bị lãng quên hoặc che giấu để che đậy sự thất bại của người Mỹ ở Việt Nam.

Sự kiện thứ nhất: Chiến tranh VN đã khởi sự đâu đó bảy năm trước khi lực lượng chính của Hoa Kỳ đổ đến và sau đó lại tiếp tục thêm chừng năm năm sau khi quân Mỹ rút ra. Trong khoảng đó phải có ai đó đang chiến đấu mà kẻ đó là người Miền Nam chứ còn ai khác hơn.

Sự kiện thứ hai: Quân đội NV thiệt mất một phần tư triệu binh sĩ trên chiến trường. Theo tỉ lệ dân số thì tương đương hai triệu lính Mỹ chết (một con số gấp đôi tổn thất của Mỹ trong tất cả các chiến tranh gộp lại). Cho rằng người ta không chịu chiến đấu thì sao họ lại chết nhiều như vậy.

Vậy thì do đâu mà NV phải chịu mang tai tiếng xấu?

Dĩ nhiên có lúc họ tỏ ra bất tài và hoảng loạn. Lính Mỹ cũng vậy thôi. Tôi biết một câu chuyện qua một đơn vị trưởng pháo binh HK rằng khi hay tin đại đội bộ binh bảo vệ mình bị địch đánh tan tành, các pháo thủ đâm hốt hoảng bắn loạn xạ khiến đám quân yểm trợ này hoảng loạn chạy có cờ giữa hai lằn đạn.

Một biến cố đơn thuần đó không thể đem ra mà gán cho cả quân lực HK là hèn nhát; qua sự kiện thỉnh thoảng có sự tan hàng của người đồng minh của nước Mỹ cũng không có nghĩa là tất cả chiến binh Miền Nam là hèn. Thế mà có kẻ lại suy nghĩ như vậy, qua cách nói bởi một số cựu chiến binh, bởi những chính trị gia muốn bào chữa cho một chính quyền Mỹ đã để cho Nam VN bị suy vong.

Sự thật được minh bạch hơn qua mẩu đối thoại sau đây phát xuất từ hai thế kỷ trước, khi một phụ nữ Anh hỏi Công Tước Wellington (người đánh bại Napoleon trong trận Waterloo, chú thích của dịch giả), rằng lính Anh có bao giờ bỏ chạy trên chiến trường không. Viên công tước đáp, “Ngoài chiến trường người linh nào cũng có bỏ chạy cả, thưa bà.”

Một nghiên cứu qua loa trong quân sử cũng xác minh được điều này. Những trận đánh thời Nội Chiến Hoa Kỳ (Civil War) cho thấy sự can trường lẫn sợ hãi liên tục khi lên khi xuống, cả những đơn vị phe Confederate lẫn Union thoạt đầu xông pha rất hăng hái, sau đó co cụm lại rồi bỏ chạy trước hỏa lực kinh hồn trước khi tập hợp lại tiếp tục chiến đấu. Chưa có đạo quân nào tự cho mình có nhiều hành động hy sinh anh hùng bằng hai đạo quân này, tuy nhiên họ cũng có lúc chạy tán loạn nơi một chiến trường quá đẫm máu.

Văn sĩ S. L. A. Marshall mô tả sự hoảng hốt bỏ chạy của một đơn vị bộ binh HK thời Đệ Nhị Thế Chiến khi quân cảm tử Nhật vừa tấn công vừa hò hét. Đơn vị thứ hai nằm lại quyết chiến và nhanh chóng tiêu diệt hết đám quân Nhật (chừng 10 tên) và vỡ lẽ ra là đa số bọn chúng không có võ khí.

Nếu sự việc tương tự xảy đến với một đơn vị Nam Việt, những tên tự xưng là học giả uyên thâm lập tức ra rả lập đi lập lại rằng ấy là chứng cớ rành rành về hành động khiếp nhược của quân đội Miền Nam.

Tại sao vậy? Chúng ta ắt đã ngầm có câu trả lời rồi. Mọi sự còn tùy là cái quân đội đó thuộc chủng tộc gì, nói thứ ngôn ngữ nào. Sự thật đốn mạt là cái mà quân đội Nam Việt phải chịu mang tai tiếng xấu bắt nguồn từ lòng kỳ thị chủng tộc lẫn tinh thần sô-vanh nước lớn (chauvinism) của người Mỹ.

Tôi xin tự minh chứng về khuynh hướng bóp méo sự thật vốn tràn lan rộng khắp. Lúc vừa mới đặt chân đến Nam VN vào tháng Sáu năm 1969, lập tức tôi được chứng kiến những trường hợp bày tỏ thái độ ngu dốt và khinh miệt của một số người Mỹ dành cho người dân cũng như quân đội quốc gia này.

Các binh sĩ Mỹ trắng cũng như đen, luôn cả những người trong các dịch vụ thuộc dân sự như truyền thông báo chí thẩy đều như nhau. Thái độ căm ghét này dành cho xứ sở cùng dân tộc VN kinh khiếp thay lại có một sức mạnh truyền nhiễm kinh hồn.

Một viên đại úy Mỹ tôi được biết có trình độ tốt nghiệp đại học về ngành điện ảnh từ một trường có tiếng tăm (coi như họ được đào tạo để có cái nhìn chuyên môn hơn người thường). Có lần anh ta sau công tác tạm thời ở Thái Lan trở lại VN đã hết lời ca ngợi dân Thái.

“Dân Thái họ cho con đi học đàng hoàng,” anh ta nói, “khác với tụi nhỏ con của người Việt ở đây”. Khi tôi chỉ cho anh ta thấy không đâu xa mà ngay kế bên căn cứ còn có một trường học thì anh ta ngạc nhiên nhưng không hề tỏ ra ân hận về nhận xét của mình. Hằng trăm trẻ nhỏ trong đồng phục quần xanh áo trắng cắp sách đến trường mỗi ngày mà bất cứ ai có mắt đều nhìn thấy. Vậy mà tên làm phim này lại không.

Chua chát thay, dân VN vốn quí trọng sự học còn hơn dân Mỹ, họ đã nâng trình độ người đi học từ 20 lên đến 80 phần trăm dù chiến tranh đang dày xéo chung quanh (dù ngay cả các giáo viên vẫn thường xuyên bị sát hại bởi đối phương). Vậy mà vẫn còn bị tên làm phim này gán cho cái tội là một xứ sở không trường không lớp.

Vì phải viễn chinh nơi một xứ sở xa lạ, xa gia đình, người Mỹ này đã tự hun đúc cho mình một lòng thù ghét đất nước VN, hắn muốn tin rằng người Việt là đáng khinh. Do vậy, điều quan trọng đối với hắn là phải tin tưởng rằng người Việt không có trường học dành cho con cái họ; và chính cảm nghĩ đó làm mù đi thị giác của hắn.

Hãy suy tưởng đến cảm nghĩ của khối quân Mỹ ít học thức hơn khi phải trực diện với nền văn hóa xa lạ trong một môi trường đầy căng thẳng! Có lẽ ta không nên đổ lỗi cho các binh sĩ ấy về thái độ kém cõi của mình. Trời đất còn biết là giới chỉ huy HK chỉ nỗ lực qua loa để giáo dục cho binh sĩ mình về đất nước VN và tính chất của cuộc chiến.

Tuy vậy, đó không phải là lý do để bào chữa cho các cựu chiến binh giả vờ cho là mình hiểu về những gì mình thấy ở VN. Ta phải tri ân các cựu chiến binh chiến tranh VN về đức tính quả cảm, sự hy sinh và lòng trung thành đối với tổ quốc. Nhưng tính quả cảm và sự hy sinh không đi đôi với sự hiểu biết. Chiến đấu ở VN không làm cho người lính thành những chuyên gia về đất nước hay cuộc chiến đó, cũng như có con không phải làm cho người mẹ trở thành một chuyên gia về khoa thai nhi (embryology).

Những gì người lính Mỹ làm ở VN không dạy cho họ hiểu biết hơn về nền văn hóa, xã hội, chính trị, vân vân và vân vân của Nam Việt. Một ít người Mỹ có học lỏm bõm được vài tiếng Việt; ngay cả có một vài đọc được sách báo VN; và chẳng bao nhiêu người đọc sách vở viết về xứ sở Việt Nam bằng Anh ngữ.

Ngoại trừ các cố vấn, ít người Mỹ nào làm việc gần gũi với những người Việt, có chăng họ có chung đụng với những người làm thư ký, giặt giũ, và nữ hầu bàn do quân đội HK mướn.

Điều quan trọng hơn cả là ít quân nhân HK nào từng chứng kiến sự chiến đấu của binh sĩ NV. Ít ai có bao giờ xét đến thái độ khác biệt hiện hữu trong tâm tư những chiến binh nơi chiến trường ấy, quân Mỹ sang chiến đấu một năm rồi về, họ yên tâm là gia đình họ đều đang bình yên ở nơi chính quốc; trong khi người lính Miền Nam thì khác, hằng ngày họ phải lo lắng cho sự an nguy của gia đình mình, họ thừa hiểu rằng chỉ có cái chết hay chỉ có bị thương ở mức độ tàn phế họ mới ra khỏi được đời sống quân ngũ. Đương nhiên người Việt ắt phải dùng một thước đo riêng để quyết định cái gì là quan trọng hơn để chiến đấu.

Giới nhà báo không khá gì hơn. Thử xét xem về một cuộc tường thuật truyền hình thiên vị mà tôi đã được xem, trong đó người phóng viên tố giác không quân NV mặc dù đã Việt Nam Hóa chiến tranh, đã không chịu bay, để cho KQ HK phải lãnh những sứ mạng nguy hiểm chống lại BV.

Nói cho đúng thì chính HK không chịu để cho NV bay ra Miền Bắc (ngoại trừ một vài phi vụ trong thời gian mở màn của các cuộc dội bom). Giới lãnh đạo HK muốn kiểm soát việc ném bom vì có thế HK mới có thế dùng nó như một công cụ để mặc cả trong bàn thương thảo.

Bởi không muốn NV xen vào việc ném bom, HK cố ý chuyển giao cho NV những trang bị không thích hợp cho các phi vụ đánh phá Miền Bắc. Nam Việt không có phi cơ chiến đấu, vũ khí, máy bay tiếp tế xăng trên không, hoặc cả những thiết bị điện tử cần thiết cho những phi vụ ấy. Chính người Mỹ đã quyết định làm như vậy.

Người phóng viên nêu thắc mắc kể trên hoặc đã quá khờ khạo hoặc đã chọn sự tảng lờ để thực thi hành động báng bổ người đồng minh của HK. Căn cứ vào những lời lẽ vu khống cùng giọng điệu om sòm, tôi đi tới kết luận là sự thiếu kiến thức của anh ta hoàn toàn do cố ý.

Một dẫn dụ khác về tính thiên vị của giới truyền thông là vào thời điểm Khe Sanh bị bao vây. Nếu ta hỏi một ngàn người Mỹ có đơn vị tham chiến ở Khe Sanh, hầu hết ai nghe nhắc đến trận ấy hẳn đều biết TQLC Mỹ chiến đấu ở đó. Nhưng nếu có hơn một người trong số một ngàn người đó biết có một tiểu đoàn Biệt Động Quân NV cũng đã san xẻ sự cam khổ ấy thì quả là điều đáng ngạc nhiên. Trong khi ấy còn có những đơn vị NV khác cũng dự phần vào những cuộc hành quân yểm trợ bên ngoài căn cứ đang bị vây hãm này. Báo chí Mỹ coi đồng minh của HK như không đáng để tường thuật đến trừ khi họ phạm điều gì ô nhục, vì thế những chiến sĩ chiến đấu can trường kia trở nên những người hùng vô hình tại Khe Sanh.

Sự thiên vị này, lính Mỹ lẫn giới truyền thông HK đã đồng ca rõ rệt khi tường thuật về cuộc hành quân bất ngờ vào lãnh thổ Lào năm 1972.

Thử xem lại một tài liệu truyền hình được đưa ra một thập niên trước đây. Tài liệu này bao gồm cuộc phỏng vấn một số binh sĩ Mỹ trong khi chiến trận tại Lào đang diễn ra. Những quân nhân HK này, đứng bình yên bên lãnh thổ NV, có những lời nhận xét cay độc, kỳ thị dành cho các binh sĩ NV đang chiến đấu ở bên kia biên giới. Người phóng viên truyền hình này bày tỏ rằng lính Mỹ hiểu rõ tình hình hơn các tướng lãnh của họ.

Cuộc tấn công lên đất Lào dĩ nhiên là nguồn gốc của bức hình nổi tiếng cho thấy hình ảnh một người lính NV đang đeo trên càng một phi cơ trực thăng để tìm cách vượt thoát. Hình ảnh này được liên tục tung ra trước công chúng Mỹ như là “chứng cớ” cho thấy người Miền Nam là đáng khinh tởm.

Quả thực đây là một thủ thuật xưa như trái đất để xuyên tạc sự thật bằng sức mạnh của hình ảnh. Những gì xảy ra bấy giờ đúng ra là như vầy: Quân NV gặp phải lực lượng đông đảo của đối phương trong khi quân Mỹ không yểm trợ được như đã hứa vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh. Có nhiều báo cáo cho biết phi hành đoàn trực thăng phải đạp những két đạn đại bác xuống đầu các đơn vị NV từ độ cao 5000 bộ trở lên chỉ với hy vọng quân NV sẽ nhận được. Các phi cơ này quả tình là không dám xuống thấp hơn.

Trong phạm vi vấn đề này, thử xem nhận xét của một sĩ quan HK, Đại Tá Robert Molinelli, người đã mục kích tận mắt, được đăng tải trong Armed Forces Journal (Tập San Quân Đội) số ngày 19 tháng Tư, 1971 như sau: “Một tiểu đoàn NV gồm 420 người bị bao vây bởi một trung đoàn đối phương đông đến từ 2500 đến 3300 quân trong suốt ba ngày ròng. Phía HK không thể nào tăng viện cho đơn vị này. Họ phải chiến đấu đến gần cạn kiệt hết đạn dược mới bắt đầu phá vòng vây với vũ khí và đạn dược thu được của địch quân. Đơn vị này còn mang theo những đồng đội bị thương cũng như đã chết. Hình ảnh phi cơ trinh sát chụp được cho thấy rãi rác chung quanh đơn vị này là xác của 637 quân địch.

Đơn vị này chỉ còn 253 người trong tình trạng khả thi chiến đấu khi họ chạy đến được một đơn vị NV khác. Một số ít trong số 17 kẻ hoảng sợ đã bám càng trực thăng để thoát thân. Số còn lại, tất cả đều không.


 FOUGHT TILL THE END – A Vietnamese machine gunner lies dead in his foxhole with hundreds of shells surrounding him. The knee-deep spent shells are silent proof that he fought to his death when Viet Cong overran his position at the Michelin Rubber Plantation, 45 miles northwest of Saigon. The battleground was retaken today and over a hundred corpses recovered.
CHIẾN ĐẤU ĐẾN CÙNG – Hình ảnh một xạ thủ đại liên Nam Việt chết trong hố cá nhân với hằng trăm vỏ đạn vung vãi chung quanh. Số vỏ đạn nhiều, ngập đến đầu gối người lính là minh chứng thầm lặng cho thấy anh ta đã chiến đấu cho đến lúc bị hạ gục, khi vị trí đóng quân của đơn vị anh ở đồn điền cao su Michelin, cách Sài Gòn 45 dặm về hướng Tây Bắc, bị Cộng quân tràn ngập. Tin điện do hãng thông tấn AP đánh đi vào tháng 11.1965, loan báo quân chính phủ đã tái chiếm chiến trường và thu dọn được một trăm xác chết. (Ảnh chụp này do Triệu Phong sưu tầm để minh họa thêm cho bài đọc)

Giờ đây, chắc có người cho rằng đeo càng trực thăng để thoát cho nhanh, dù rằng dễ làm mồi cho hỏa lực phòng không mà phi cơ lại bay cao và nhanh. Nhưng ngoài chuyện ấy ra, một trường hợp cá biệt, việc lui binh trong khi đang giao chiến ác liệt (một chiến thuật khó khăn nhất trong binh pháp) lại bị phóng đại thành một lời buộc tội cho cả một quân đội, một quốc gia và tệ hơn nữa cả một dân tộc?

Câu trả lời rằng đó là do chính lòng kỳ thị chủng tộc. Vì lẽ những người bám càng trực thăng là người ngoại chủng. Thử hỏi kẻ đó là người Mỹ hay người Anh thì sao, cam đoan không sai rằng ta sẽ cảm thông cho là người đó đang phải chịu hoàn cảnh nghiệt ngã.

Minh chứng cho điều này có thể thấy người Mỹ đã phản ứng như thế nào đối với lính Anh trước cuộc triệt thoái của họ hồi thời gian đầu Thế Chiến Thứ Hai.

Nơi đây cũng có những hình ảnh tủi hổ xảy đến cho lính Anh ở Dunkirk cũng như tại một số nơi khác. Ở Dunkirk một hạ sĩ quan để tái lập trật tự phải chĩa súng đại liên vào đồng ngũ của mình đang hốt hoảng trèo lên tàu. Trên một tàu khác, các binh sĩ dùng báng súng dộng liên hồi vào người một sĩ quan để ngăn không cho ông này leo lên tàu qua ngõ tháp súng. Tại đảo Crete, một lữ đoàn quân Tân Tây Lan (New Zealand) đã tạo một vòng đai an toàn với lưỡi lê chĩa ra ngoài ngăn không cho các quân Anh đang hoảng loạn tràn ngập lên được tàu mình.

Tuy thế, hình ảnh nước Anh đơn độc chống lại Hitler năm 1940 lại là một hình ảnh hào hùng. Điều này được minh chứng bởi sự kiện hoàn toàn hiển nhiên, ngay cả những biến cố đơn lẽ như vừa nêu bật ở trên vẫn không làm lu mờ được cái hình ảnh toàn cảnh về đức tính can trường và xã thân cứu nước của dân tộc này.

Quả thật quân Nam Việt đã tỏ ra xuất sắc vào những ngày cuối cùng của Miền Nam qua sự bảo vệ Xuân Lộc vô cùng anh dũng.

Tuy rằng có nhiều lý do như vậy. Thảng hoặc có nhiều lý do để tin rằng, nếu có sự ủng hộ trung thành của phía người Mỹ ắt Nam Quân sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy thêm nhiều Xuân Lộc khác nữa, và có lẽ họ cũng đã cứu được đất nước họ không bị mất.

Vấn đề được nêu ra không phải là khả năng chiến đấu của quân Nam Việt như thế nào nhưng mà xét xem người Mỹ sẽ hành xử ra sao nếu tình huống tương tự xảy đến với họ.
Sự thật là quân Mỹ nếu bị Hoa Kỳ bỏ rơi như chính Nam Việt đã phải gánh chịu, có lẽ họ cũng sẽ không khá chi hơn.

Hãy nhớ rằng: năm 1974 Hoa Kỳ đã cắt viện trợ cho Nam Việt một cách thê thảm một vài tháng trước khi đối phương mở cuộc tấn công sau cùng. Kết quả của sự cắt viện trợ là chỉ một ít nhiên liệu và đạn dược gửi sang cho Miền Nam. Các phương tiện để vận chuyển cả trên không lẫn trên bộ đều phải bị bỏ xó vì không có cơ phận thay thế. Quân lính NV đi hành quân không có bình điện để liên lạc vô tuyến, y tá trên chiến trường không có đủ y dược cụ căn bản. Trong những ngày tháng sau cùng của cuộc chiến, quân Nam Việt phải chiến đấu thắt lưng buộc bụng, họ được phép bắn ba viên mỗi ngày, khẩu phần này áp dụng cho cả đại bác lẫn súng trường.

Tình trạng tồi tệ đến nỗi ngay chính Văn Tiến Dũng, người chiếm được Miền Nam cũng chấp nhận sự thật là khả năng lưu động và hỏa lực của đối thủ của mình chỉ còn phân nửa trước đây. Vậy thì ngoài sự thiếu thốn vật chất này ra, sự chiến đấu kiểu nhà nghèo này cũng tác động lớn lên tinh thần chiến đấu của người lính NV.

Quân BV với trang bị đầy ắp, với những chiến xa tối tân, với những xe cơ giới chở quân hiện đại, họ đã đánh thẳng vào Miền Nam suy sụp này bằng cuộc tấn công phủ đầu.

Phải, quân NV đã gát lại, đã vứt bỏ chiến cụ (không vứt cũng coi như vứt vì có cơ phận đâu mà thay), cả đạn dược cũng bị bỏ lại (số lượng mà họ đã chắt chiu dành dụm được, mang theo đến phút cuối cho tới lúc biết là đã quá muộn màng rồi không có cơ hội để bắn hay mang theo được nữa, họ thừa biết họ sẽ không bao giờ có thêm để mà bắn). Vậy thì lỗi nơi ai? Họ hay người Mỹ?

Phải, quân NV đã triệt thoái khỏi các tỉnh phía bắc một cách vụng về và khá muộn màng, đưa đến tình trạng hỗn loạn và suy sụp. Nhưng làm thế nào chính quyền Miền Nam có thể bỏ mặc dân chúng sớm hơn được, trước khi áp lực địch quá lớn buộc họ phải làm thế?

Đã có lúc Nam VN hy vọng B-52 trở lại để giúp họ chặn bớt làn sóng xâm lăng của Cộng Sản. Khi biết rằng điều ấy sẽ không xảy đến, tinh thần chiến đấu của họ bị suy sụp cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Không còn nhuệ khí chiến đấu, nhiều binh sĩ quay ra đào ngũ – làm thế không phải vì họ hèn nhát hay không có tinh thần hy sinh để bảo vệ đất nước mình, nhưng vì họ không muốn xả thân cho một sự nghiệp biết chắc là đang trên đà phá sản trong khi gia đình họ đang khẩn thiết cần đến mình.

Quân Mỹ liệu sẽ làm gì khá hơn được chăng nếu cũng lâm vào tình huống như Nam VN hồi 1975? Liệu quân Mỹ có chiến đấu ngon lành với quân xa, truyền tin đều hỏng, hệ thống quân y què quặc, thiếu thốn nhiên liệu và đạn dược, và không yểm thì nhỏ giọt hoặc hầu như không có. Với một tình trạng bết bát như thế mà phải đối đầu với một kẻ địch có quyết tâm cao, hùng mạnh, trang bị tối tân, sung mãn. Tôi e là không thắng nổi.

Liệu NV có thắng được trận 1975 nếu chính phủ Mỹ vẫn giữ vững sự cam kết, và tiếp tục chi viện cho NV không kém với chi viện mà khối CS dành cho Miền Bắc?

Câu trả lời là không biết được. Ít ra họ còn có một cơ hội để đọ sức, cái cơ may mà người Mỹ phản trắc đã tước mất của họ. Hiển nhiên là họ có thể chiến đấu hữu hiệu hơn. Cho dù họ có bại trận họ cũng ngã gục một cách hào hùng trong một trận đánh lưu danh muôn thuở cho hậu duệ, để tiếp tục chiến đấu dưới hình thức du kích chiến rập khuôn theo kiểu Afghanistan.

Cho dù NV có đại bại, sự ủng hộ hết mình của Hoa Kỳ ít ra cũng khiến họ có thể nhún vai mà nói rằng dù sao họ cũng đã giúp đỡ hết mình rồi. Đằng này người Mỹ chưa có hết mình giúp đỡ. Những kẻ nào muốn trốn tránh sự thật ấy bằng cách quay ra báng bổ NV và quân đội ấy là không phải lẽ.

Trước một tội ác tày trời bỏ mặc cho nhân dân Miền Nam rơi vào tay CS, người Mỹ sau này quay ra đi làm điều tốt kể ra đã quá muộn màng. Nhưng nếu biết nhìn lại và công nhận mình đã sai lầm khi sỉ nhục lương tâm của người Miền Nam ấy thì chưa có muộn đâu. Cũng chưa muộn màng gì nếu ta biết khởi đầu vinh danh đúng mức những thành tích họ đã đạt được cùng những hành động hào hùng họ đã tạo nên để bảo vệ cho lý tưởng tự do.







30 THÁNG TƯ, 1975 : TẤT CẢ HIỆN ĐỦ TRONG BUỔI SÁNG HÔM NAY . . . (Phan Nhật Nam)




Phan Nhật Nam
April 30, 2019

Nén nhang cho ngày 30 Tháng Tư. Cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon trong một lần tưởng niệm “Tháng Tư Đen” tại Tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster. (Hình: Getty Images)

Sự chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 Tháng Tư, 1975, khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi xuống phi đạo Tân Sơn Nhất.

Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngõ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hỏa ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn Cộng Sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đổ xuống không ngắt nhịp. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống. Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn… Cuộc hành hình kéo dài từ 1 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông.

Sáng 29 Tháng Tư, những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cấp cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị, nhưng, Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành còn lại. Thành có biệt hiệu “Thành Mọi,” bởi nước da ngăm đen, quá độ ra chỗ đậu tàu. Anh nổ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất.

Từ trên cao, thấy rõ những vị trí pháo của binh đội Cộng Sản. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh… Lửa nháng lên dưới thân tàu, toán phòng không Cộng Sản phản pháo, nhưng không kịp, Thành bình tĩnh, tài giỏi lách ra khỏi vùng hỏa tập lưới đạn của giặc.

Thành đáp xuống lại phi đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mịt mù bởi cuộc dội bom chiều hôm, và cuộc pháo kích cường tập từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc này. Mặc, Thành tự tay nạp đạn vào tàu, anh trở lại bầu trời trên phi cảng Tân Sơn Nhất – cửa ngõ của miền Nam. Anh nhìn xuống những vị trí pháo Cộng Sản mà giờ này tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh tấn công. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng này.

Thành chúc mũi tàu, bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm. Một mình anh. Phải chỉ một mình anh – Trung Úy Trang Văn Thành, “Thành Mọi – Thành Thiếu Sinh Quân.” Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh… Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh. Các múi, dây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian trên quê hương.

30 Tháng Tư

Từ Công Trường Lam Sơn, đầu đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt “bộ đội Việt Cộng.” Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính Cộng Sản nhẩy xuống, chạy vội vào hàng hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chửi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi.

Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ. Có người tự tử. Có người mới tự bắn chết. Ai? Lính, không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoải, chỗ tượng Thủy Quân Lục Chiến.

Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long, chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.

Một trung đội lính Nhảy Dù thật sự chỉ khoảng hơn một tiểu đội giữ nhiệm vụ an ninh cư xá sĩ quan Bắc Hải. Khi nghe lệnh đầu hàng, viên thiếu úy trung đội trưởng quyết liệt: “Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu.”

Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng. Tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm. Con chết đây cha ơi!” Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nổ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước miền Nam.

Ở Vùng IV đồng bằng châu thổ Sông Củu Long, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời sống bên cạnh thi thể của chồng, các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy. Không để cho Việt Cộng một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử. Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn… rất nhiều người không ai biết đã chết cùng lần vĩnh quyết Miền Nam.

Người Nhật là một dân tộc vĩ đại qua nghi lễ hiến tế, tức Seppuku (mổ bụng tự sát) khi danh dự cá nhân, tập thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam không có nghi thức uy hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, người Việt cũng có phương thức riêng để bày tỏ Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá con người. Người Việt xử dụng cái chết để chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn giản nhưng không kém phần cao thượng.

Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 Tháng Tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc những người đã sống dài lâu dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954 đã phá thân băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600,000 người chết trên đường di tản ra khỏi nước.

Hóa ra dân tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do, để bảo vệ Phẩm Giá, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã, đang hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê hương khổ nạn, với chính thân xác của mình.

Thế giới loài người! Xin tất cả hãy lắng nghe!






NHỮNG NGƯỜI CHẾT SAU CÙNG TRONG CUỘC CHIẾN (Triều Phong)




Tác giả tên Triều Phong hiện sống tại Charleston, South Carolina, ghi lại những gì diễn ra trước mắt mình, ngay trước nhà mình, ngay trong khu phố mình sống, vào những giờ phút cuối cùng của miền Nam.

Ngày ấy, tác giả vừa tròn 15 tuổi.
Viết cho ngày 30 Tháng Tư năm ấy.
Viết cho những người lính cấp bậc nhỏ, nhưng hy sinh lớn.
Viết cho những người lính vô danh,
Vị quốc vong thân lúc thành mất nước tan.
Ai cũng sống cả một đời, nhưng chết chỉ một lần.
Các anh, những người lính nhỏ,
Các anh, những người lính vô danh, nhưng hy sinh vĩ đại!

Suốt 40 năm qua, tôi đã đọc, đã nghe và cũng đã xem nhiều về những hy sinh của các tướng lãnh, sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng Hòa khi nước mất nhà tan vào tay Cộng Sản trong ngày 30 Tháng Tư đau buồn của năm 1975. Lúc ấy tôi được 15 tuổi, chưa trưởng thành, chưa đủ khôn và đủ hiểu biết chuyện đời, nhất là chuyện thời cuộc. Ở tuổi này, tuy chưa đủ lớn, ký ức mình cũng đủ “già dặn” để không quên điều xảy ra. Và trong ý nghĩ đó, có một câu chuyện cho đến giây phút này vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.

Mấy mươi năm qua, tôi cho đó là “chuyện nhỏ.” Sau này, tôi chợt nhận thức, rằng chuyện nhỏ này lại có ý nghĩa vô cùng to lớn mà hôm nay tôi muốn ghi lại và chia sẻ với những ai quý tự do, yêu độc lập và chuộng hòa bình.

Lúc ấy là 09 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975!” (Tín Võ)

***

Nhiều tiếng khóc sụt sùi vỡ ra bởi lời lẽ chân thành của bà già. Cảm thấy quá đau lòng trước thảm cảnh thương tâm ấy, tôi thẫn thờ bước ra, chợt trông thấy người lính trẻ còn đang đứng dựa cột nơi quán cơm tháng của Dì Mười, khóc rấm rức như trẻ thơ. Ôi, còn đâu người chiến sĩ anh dũng ngày nào! Ôi, còn đâu bộ đồ trận kiêu hùng một thuở! Ðôi vai run run theo tiếng nấc của anh làm tôi bùi ngùi…

Thời khắc ấy cách đây đúng 40 năm, trong cảnh hỗn mang của ngày tàn cuộc chiến, trong xóm tôi ở Ngã Năm Bình Hòa-Gia Ðịnh, bỗng xuất hiện bốn năm người lính Nhảy Dù. Họ chạy lúp xúp men theo vách tường nhà Dì Sáu của tôi rồi dừng lại trước nhà tôi. Tất cả đều còn rất trẻ và người họ mang đầy súng ống đạn dược. Áo quần họ bám đầy bụi đỏ. Chỉ cần nhìn thoáng qua, ai cũng biết những người lính này mấy ngày trước đây đã từng xông pha trận mạc. Họ đứng trước khoảng đất trống, ngó dáo dác một đỗi, thì người lính có mang một bông mai trên cổ áo nói, như ra lệnh:

– Anh em đào ở đây đi.

– Tuân lệnh thiếu úy!

Một người trong họ trả lời. Thế là các anh tháo gỡ trên vai xuống mấy cái xẻng cá nhân. Với thao tác nhanh lẹ, phút chốc họ đã biến chúng thành những cái cuốc và bắt đầu đào hố cá nhân.

Trong nhà, má tôi lo lắng ra mặt. Bà đang phân vân chẳng biết có nên di tản không và nếu đi thì chưa biết phải đi đâu. Bất ngờ, bấy giờ thấy lính tráng chuẩn bị hầm hố chiến đấu trước cửa nhà, bà thêm hoảng sợ.

Tuổi thiếu niên đang lớn, hiếu kỳ, tôi tò mò bước ra sân, tiến gần đến khoảng đất trống ngồi chồm hổm xem mấy người lính làm việc. Lâu lâu có tiếng đại bác vọng về, tiếng súng bắn lẻ tẻ vang lên đây đó làm cho bầu không khí chết chóc thêm ngột ngạt, hình ảnh chiến tranh thêm rõ nét.

Dân trong xóm tôi nhốn nháo chạy tới chạy lui, mặt mày ai nấy đều lấm la lấm lét khi đi ngang qua nơi mấy người lính đang làm việc. Bộ mặt của thành phố Sài Gòn lúc đó như người bệnh nặng sắp mất.

Ðộ chừng nửa tiếng sau, khi hố được đào khá sâu, một người lính đứng lên, mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Anh đưa cánh tay lên cao, quẹt lấy mớ tóc bê bết trên trán để lộ một cái sẹo thật to nơi đuôi mắt phải, đoạn nhìn tôi:

– Em trai chạy vô nhà lấy cho anh xin miếng nước uống đi em.

Tôi đứng dậy co giò phóng vào nhà. Ít phút sau tôi mang ra cho các anh một ca nước đá bự, một cái ly và một ít kẹo đậu phọng với bánh in mà má tôi đưa thêm. Họ ăn, họ uống, họ nói cười vui vẻ, cơ hồ như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có người thiếu úy là không ăn uống gì cả.

Người thiếu úy này cũng còn trẻ và đẹp trai như Tây lai nhưng dáng dấp rất phong trần, uy dũng. Tôi đoán chừng tuổi đời anh chỉ khoảng 23, 24 gì thôi. Anh có vẻ như đang lo lắng trước tình hình chiến sự lan rộng nên nét mặt luôn phủ một lớp sương mờ căng thẳng.
Nắng lên khá cao…

Bỗng một tiếng nổ lớn từ đâu dội lại rung chuyển cả mặt đất. Tôi hoảng hốt. Mấy người lính ngưng đào, ngẩng đầu nhìn quanh. Viên thiếu úy ngó về cuối xóm một thoáng rồi nói với đồng đội:

– Anh em cứ tiếp tục đi, để tôi xuống dưới này xem sao.

Người thiếu úy xốc khẩu M-16 đang mang trên vai lên cao và bỏ đi trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Bên trong, má tôi gọi tôi vào và không cho ra khỏi nhà, vì sợ đạn lạc. Xế trưa, lúc ông Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ buông vũ khí và đầu hàng vô điều kiện thì má tôi vội vã kêu tôi cầm cái radio-casette hiệu Sanyo ra cho những người lính bên ngoài nghe. Trong khi họ còn sững sờ thì viên thiếu úy từ dưới đang vội vã đi lên. Một anh lính trẻ giơ chiếc radio về viên sĩ quan, hớt hải, nghẹn ngào. Anh nói như sắp khóc:

– Thiếu úy, thiếu úy, ông Minh đầu hàng rồi. Mình thua rồi!

Viên sĩ quan khựng lại một lúc rồi chăm chú nhìn vào cái radio trong im lặng não nề. Tiếng ông Minh kêu gọi đầu hàng cứ được lập đi lập lại hoài khiến người sĩ quan trẻ nổi cáu:

– Ð.m. sao chưa đánh đấm gì đã lo đầu hàng?

Người thiếu úy giận dữ quát tháo, gương mặt đan xen nỗi đau và buồn.

Sau một đỗi phân vân, cuối cùng thiếu úy hạ giọng:

– Thôi đi.

Thế là họ bỏ chiến hào đang đào dang dở và hấp tấp chạy trở ra đường.

Ðộ chừng một tiếng đồng hồ sau, người ta nghe nhiều tiếng súng AK-47 nổ giòn giã rồi tiếng M-16 bắn liên thanh đáp trả. Lẫn lộn trong đó thỉnh thoảng có cả tiếng súng M-79 đệm vào. Ðứng trong sân nhà nhìn ra, tôi thấy có vài cột khói đen bốc lên cao.

Từ bên ngoài, vài người trong xóm tôi tất tả chạy về. Gặp má tôi đang đứng lấp ló nơi cửa, họ báo:

– Ðang đánh nhau ở ngoài Ngã Năm dữ lắm cô Ba.

Ngã Năm Bình Hòa là giao điểm của năm con đường từ năm hướng khác nhau. Năm Mậu Thân 1968, nhiều trận đánh đã diễn ra ở đây khi Lực Lựợng Bảo Vệ Biệt Khu Thủ Ðô của quân đội VNCH ngăn chặn các mũi tiến công của cộng quân từ bên ngoài đổ về qua mấy cửa ngỏ như Gò Vấp, Cầu Bình Lợi, Lò Vôi hay Ðồng Ông Cộ… nên nó trở thành một trọng điểm chiến lược vì là một trong những lộ chính tiến vô thủ đô Saigon.

Chiều cùng ngày, khi lịch sử đã an bài, dân chúng bắt đầu túa ra đường phố. Lớp thì đón quân “Giải Phóng,” lớp khác lại mừng đất nước “Ðộc Lập,” trong khi tôi thì tò mò theo người cậu họ ra xem tình hình ngoài ngõ. Nghe thiên hạ bàn tán xôn xao có lính chết ở chỗ Ngã Năm Bình Hòa, cậu cháu tôi lần bước tới quan sát. Một đám đông đang vây quanh trước Nhà Thuốc Tây Tiến Thành, là nhà thuốc của má thằng bạn tôi. Cố gắng chui vào đám người hiếu kỳ ấy và luồn lách một tí, tôi tới được bên trong. Giữa vòng người nọ là xác một người lính nhảy dù nằm chết cứng. Ngực thủng một lỗ lớn, chiến bào loang đầy máu và đã chuyển sang nâu sậm nhưng đôi mắt anh vẫn mở trừng trừng. Nhìn kỹ, tôi chợt giật mình: người đó chính là viên thiếu úy ban sáng!

Ðang còn ngỡ ngàng, tôi bỗng thấy có một thanh niên vẹt đám đông bước lại gần xác người thiếu úy. Anh mặc một chiếc quần tây đen ngắn củn và áo thì rộng lùng thùng như đồ của ai cho chớ không phải của anh vậy.

Anh khom người xuống, giơ tay vuốt nhẹ nhàng lấy khuôn mặt lạnh vô hồn kia. Ðôi mắt từ từ nhắm lại và nơi khóe miệng một dòng máu nhỏ rỉ ra bên mép. Dường như chàng thanh niên lâm râm khấn vái điều gì đó nho nhỏ, đoạn anh đứng lên, bước ra với đôi mắt đẫm lệ.

Tôi nhận ra ngay anh chính là người lính xin nước tôi lúc sáng, nhờ vết sẹo to nơi đuôi mắt.
Thiên hạ bàn tán sôi nổi khi dòng máu tươi nơi khóe miệng của thi hài đã lâu kia rỉ ra. Người miền Nam vốn duy tâm, thiên hạ tin rằng đấy là một điều linh thiêng vì vị sĩ quan này có lẽ còn có chuyện chi oan ức.

Ðột nhiên, chị Bảy bán tạp hóa sau lưng tôi lên tiếng kể lể với những người xung quanh:

– Ông thiếu úy này và mấy người lính của ông ta nấp ở vách tường bên kia kìa. Ðứng trông cửa sổ nhà nhìn qua, tui thấy mấy ổng bắn xuống phía mấy ông “Việt Cộng” ở dưới Ðồng Ông Cộ quá trời. Cuối cùng chắc thấy không xong, ổng biểu mấy người lính của ổng chạy đi còn ổng thì vẫn ở lại. Rồi hình như ổng bị thương sao đó nên bò sang nấp vô Cổng Ðình Thần Bình Hòa này nè. Hai bên còn bắn nhau một lúc lâu nữa và khi không còn nghe tiếng súng thì tui dòm ra thấy ổng lết tới đây rồi chết luôn.

– Hết chiến tranh rồi mà chết, tội nghiệp quá! Không biết có gia đình vợ con gì không? Thân nhân mà hay được chắc là buồn lắm.

Ông già bên cạnh chị Bảy nói theo làm mọi người mủi lòng trước sự hy sinh oai hùng của viên thiếu úy. Chợt một bà cụ cầm tấm chăn, không biết từ đâu, tách đám đông bước vô phủ trùm lên xác người thiếu úy và mếu máo:

– Dù con không có họ hàng gì với bà nhưng bà thấy con chết thảm bà thương quá. Tội nghiệp, con cái nhà ai vậy không biết nữa. Thôi con chết rồi, con hãy thanh thản ra đi và nếu hồn con có thiêng thì phù hộ cho bà con nơi đây được nhiều an lành nha con!

Nhiều tiếng khóc sụt sùi vỡ ra bởi lời lẽ chân thành của bà già. Cảm thấy quá đau lòng trước thảm cảnh thương tâm ấy, tôi thẫn thờ bước ra, chợt trông thấy người lính trẻ còn đang đứng dựa cột nơi quán cơm tháng của Dì Mười khóc rấm rức như trẻ thơ. Ôi, còn đâu người chiến sĩ anh dũng ngày nào! Ôi, còn đâu bộ đồ trận kiêu hùng một thuở! Ðôi vai run run theo tiếng nấc của anh làm tôi bùi ngùi. Ngẩng mặt lên bắt gặp tôi đang nhìn anh trân trối, anh vụt bỏ đi.

Ngó cho đến khi bóng dáng xiêu vẹo của anh khuất nơi cuối chợ, tôi thấy lòng nao nao buồn. Cảm khái trước một nỗi niềm mất mát bao la của tình đồng đội thiêng liêng cao quý lẫn tiếc nuối cuộc đời binh nghiệp nữa đường gãy đổ, tâm hồn tôi tràn ngập cả một sự chua chát to lớn.

Nhưng tôi đâu biết rằng, đó chỉ là khởi điểm của một trang sử đau thương cho dân tộc, cho hàng vạn sinh linh sau này.

Triều Phong
.



View My Stats