Sunday 30 June 2019

TRUMP CÚI ĐẦU TRƯỚC NHỮNG YÊU SÁCH VỀ HUAWEI CỦA TẬP CẬN BÌNH Ở G20 (Gordon G. Chang - Daily Beast)




Gordon G. Chang  -  Daily Beast
Mai V. Phạm dịch
30/06/2019

Lời dịch giả: Đầu tháng 6/2019, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo những biện pháp đáp trả thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của hai nước, cũng như kinh tế toàn cầu. IMF đã kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc chấm dứt “cuộc chiến thương mại” sau khi tính toán rằng, cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” sẽ khiến kinh tế thế giới mất khoảng 455 tỷ Mỹ kim.

Một số người Việt vì thiếu hiểu biết tưởng rằng chính sách áp thuế của Trump với Trung Quốc giống như việc Trump dùng “tên lửa” bắn vào Trung Quốc, rằng Trung Quốc sẽ đại bại. Chỉ cần có chút kiến thức kinh tế cơ bản cũng nhận ra rằng, nạn nhân lãnh đủ thiệt hại của “trade war” chính là các doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai nước, đặc biệt người nghèo.

TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình. Nguồn: Reuters

Trong cuộc họp báo G20 tại Osaka vào hôm thứ Bảy, Tổng thống Donald Trump cho biết, Hoa Kỳ sẽ nối lại việc bán sản phẩm cho Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vào Danh sách Đen (Entity List – Đây là danh sách của Bộ Thương mại Hoa Kỳ bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Hoa Kỳ). Do đó, nếu không có sự chấp thuận trước của Cục Công nghiệp và An ninh, thì không một công ty nào của Hoa Kỳ có thể bán hoặc cấp phép cho các sản phẩm và công nghệ của Huawei, vốn được quy định bởi Cơ quan Quản lý Xuất khẩu Hoa Kỳ.

Trong vài tuần gần đây, Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền Trump rút lại quyết định đó. Hôm thứ Năm, báo Wall Street Journal tường thuật rằng, việc rút Huawei ra khỏi danh sách đen là một trong ba điều kiện tiên quyết chính của một thỏa thuận thương mại. Hai yêu cầu khác là dỡ bỏ thuế quan mà Trump đã áp đặt theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và chấm dứt những nỗ lực yêu cầu Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ vượt quá những gì đã thỏa thuận vào tháng 12/2018.

Các công ty Mỹ đã bắt đầu tuân thủ lệnh cấm của chính phủ, nhưng Intel, Qualcomm và các nhà cung cấp con chip khác đã vận động chính quyền Trump giảm bớt lệnh cấm đối với Huawei, điều mà các quan chức Mỹ tin rằng có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Nhằm ngăn chặn gián điệp Trung Quốc, Washington đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh không cài đặt thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông 5G sắp được xây dựng.

Tuy nhiên, Trump đã xóa bỏ những nỗ lực này vào thứ Bảy, bằng cách cho thấy việc đưa Huawei vào danh sách cấm chỉ là một chiến thuật nhằm đạt được lợi thế trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ở Osaka, Trump từ chối xác nhận rằng, ông sẽ đưa Huawei ra khỏi danh sách cấm và đề cập đến một cuộc họp vào Chủ nhật hoặc thứ Ba về vấn đề này. Tuy nhiên, chính Tổng thống Trump đã nói rõ lúc đầu rằng, chính phủ của ông sẽ bán các dòng sản phẩm công nghệ cao cho Huawei.

Hành vi nhượng bộ Huawei này của Trump cũng tương tự với việc hoãn trừng phạt với ZTE – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc. Trump mô tả hành động đưa ZTE ra khỏi danh sách cấm là một “thỉnh cầu cá nhân” dành cho Tập Cận Bình.

Trong những bình luận ban đầu của mình tại cuộc họp báo ở Osaka, Trump nói rằng, vấn đề của Huawei sẽ được quyết định vào cuối cuộc đàm phán thương mại. Dường như quyết định này có liên quan đến những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ hồi tháng trước, nhằm ngăn cản Huawei bán thiết bị viễn thông cho các nhà điều hành mạng và liên quan đến việc truy tố hình sự của Bộ Tư pháp đối với bà Mạnh Vạn Châu, CEO của Huawei. Hoa Kỳ đã đệ trình yêu cầu dẫn độ bà Mạnh, người hiện đang bị giam giữ tại Vancouver.

Trump cũng cho biết ông sẽ không áp dụng bất kỳ mức thuế bổ sung nào đối với hàng hóa Trung Quốc. Trước đây, ông từng đe dọa sẽ đánh thuế thêm 325 tỷ đô la vào các sản phẩm Trung Quốc.

Thêm vào đó, Trump nói rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ tiếp tục diễn ra và Trung Quốc đã bắt đầu đồng ý mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Nói tóm lại, những hành động của Trump, như ông ta đã nêu chi tiết tại cuộc họp báo ở Osaka, không có gì bất thường. Rõ ràng đó là dỡ bỏ các hành động nhằm tăng cường an ninh quốc gia, để đổi lấy việc Trung Quốc mua sản phẩm chính của Mỹ.

Tổng thống Mỹ có thể nói ông ta không làm như vậy. Nhưng quá rõ ràng rằng Tập Cận Bình vừa cho cả thế giới thấy ai là ông chủ thực sự, bằng cách buộc người đồng cấp của mình phải đáp ứng các yêu cầu được công bố rộng rãi của Tập.

Dường như Trump vừa đầu hàng Trung Quốc.






TRUMP & XI CÓ THỂ ĐỒNG Ý Ở OSAKA HAY KHÔNG? (Wendy Cutler - Nikkei Asian Review)




Wendy Cutler  -  Nikkei Asian Review
DCVOnline dịch
Posted on June 30, 2019 by editor

Có vẻ như Hoa Kỳ và Trung Hoa không thể đi đến một thỏa thuận trừ khi một bên đầu hàng. Không phải vậy đâu.

Giải pháp được gọi là bãi đáp cho phép cả hai phía có một thỏa thuận họ có thể bênh vực được. © AP

Với việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Xi Jinping (Tập Cận Bình) của Trung Hoa đồng ý nói chuyện bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Osaka vào ngày 28-29 tháng 6, câu chuyện đã chuyển từ “họ sẽ gặp nhau chứ?” đến “họ sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại hay không?”

Dù Trump thích làm những điều không thể đoán trước, nhưng triển vọng ký kết thỏa thuận thương mại ở Osaka rất xa vời. Xem lại chuyện đã xẩy ra ở cuộc họp cuối cùng của họ, tại Buenos Aires hồi tháng 12, 2018, kịch bản có thể sẽ là Hoa Kỳ và Trung Hoa cùng tuyên bố sẽ tái đàm phán, đồng thời ngừng áp dụng những biện pháp liên quan đến thuế nhập cảng và thương mại.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán, theo Bộ trưởng Steven Mnuchin đã ở trong “vòng cuối” chỉ hơn một tháng trước, nay đã trở nên phức tạp hơn sau khi gặp bế tắc bẩy tuần trước đó. Hai bên đã đánh thêm thuế nhập cảng và những hành động trả đũa khác của Hoa Kỳ chống lại Huawei Technologies cùng thông báo của Trung Hoa về “danh sách những thực thể không đáng tin cậy”, nhắm vào các công ty nước ngoài.

Hơn nữa, cả hai bên đều đã vạch lằn đỏ cho cuộc  đàm phán, xác định những gì họ phải có được và những gì họ không làm được. Trong Bạch Thư gần đây, Trung Hoa đưa ra ba điều kiện chính: 1) các cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ phải “thực tế”; 2) các mức thuế nhập cảng hiện áp dụng trên  250 tỷ đô la hàng xuất khẩu của Trung Hoa sang Hoa Kỳ phải được loại bỏ; và 3) thỏa thuận phải “cân bằng”, phản ảnh các cam kết của cả hai bên.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã yêu cầu phải có những cam kết “chi tiết và có thể thi hành”, gồm cả ngôn ngữ trong thỏa thuận về luật pháp Trung Hoa. Nhóm đàm phán của Hoa Kỳ nói rằng điều này rất quan trọng, trích dẫn “lịch sử của Trung Hoa về việc đã có cam kết nhưng không giữ được.” Hơn nữa, Hoa Kỳ muốn vẫn đánh thuế nhập cảng cho đến khi Trung Hoa thực hiện những cam kết của họ. Mỹ đòi quyền được áp thuế nhập cảng lại, với sự cam kết là Trung Hoa sẽ không trả đũa.

Thật dễ dàng đi đến kết luận rằng những khác biệt thế này sẽ không thể giải quyết được trừ khi một bên đầu hàng. Nhưng không phải như vậy. Nếu có thiện chí chính trị  những khoảng trống này có thể được thu hẹp, Giới đàm phán thương mại gọi đây là “vùng hạ cánh” — giải pháp cho các vấn đề mà cả hai bên đề có sự nhân nhượng. Điều này đòi hỏi chuyên viên đàm phán phải đặt ưu tiên, chịu thỏa hiệp, và đừng để sự toàn mỹ trở thành kẻ thù của thành công.

Đầu tiên, cả hai nước phải đối phó với việc tăng thuế hiện tại. Hiện nay có khỏang 250 tỷ đô la hàng nhập cảng của Trung Hoa và 110 tỷ đô la hàng nhập cảng của Hoa Kỳ đang bị đánh thuế cao ở mức 25%. Trung Hoa muốn tất cả thuế nhập cảng này phải được dỡ bỏ; Hoa Kỳ muốn giữ nguyên thuế nhập cảng cho đến khi Trung Hoa chứng minh họ thực hiện chặt chẽ những gì đã cam kết. Một giải pháp là Mỹ sẽ là chỉ giữ nguyên đợt tăng thuế nhập cảng đầu tiên áp dụng cho 50 tỷ đô la hàng nhập cảng, với một những mốc thời gian rõ ràng để dỡ bỏ những mức thuế còn lại tùy thuộc vào những gì Trung Hoa đã thực hiện. Hoa Kỳ có thể lập luận rằng các mức thuế này nhằm trừng phạt những hàng hoá được lợi vì sự coi thường tài sản trí tuệ của Trung Hoa, không giống như  200 nghìn tỷ đô la hàng nhập cảng còn lại. Trung Hoa có thể nói họ đã thành công trong việc khiến Hoa Kỳ dỡ bỏ phần lớn thuế nhập cảng, đồng thời chỉ ra một lộ trình để loại bỏ phần thuế nhập cảng còn lại.

Thứ hai, họ phải tìm dược một giải pháp về thuế nhập cảng có thể áp dụng trong tương lai. Hoa Kỳ khăng khăng giữ quyền tái áp dụng thuế nhập cảng nếu Trung Hoa không thực hiện những gì đã cam kết, đồng thời yêu cầu Trung Hoa từ bỏ quyền trả đũa. Trung Hoa hoàn toàn không đồng ý. Chìa khóa để giải tỏa bế tắc này có thể được giới hạn trong các điều kiện theo đó Hoa Kỳ sẽ được phép tại áp dụng thuế nhập cảng. Ví dụ, những bước trong quy trình phải qua trước khi dùng thuế nhập cảng như giải pháp sau cùng. Có thể giới hạn giá trị thương mại, thuế suất hoặc các sản phẩm có thể bị tăng thuế. Điều này có thể kết hợp với khoảng thời gian ba tháng đình chiến để giải quyết những vấn đề không tuân thủ trước khi Trung Hoa có thể trả đũa.

Một giới hạn có thể được đặt ra đối với các sản phẩm có thể bị tăng thuế. © Reuters

Thứ ba, cả hai quốc gia phải giải quyết những khoảng cách liên quan đến pháp luật. Hoa Kỳ đang yêu cầu Trung Hoa luật pháp hóa việc bảo vệ tài sản trí tuệ và cam kết mở thị trường bằng cách thay đổi luật lệ ghi trong thỏa thuận. Trung Hoa coi yêu cầu này là sự xâm phạm chủ quyền. Một giải pháp dựa trên hình thức, hơn là nội dung, có thể là cần thiết. Để khắc phục những lo ngại, Trung Hoa có thể đồng ý đơn phương công bố các kế hoạch tức thì để thay đổi pháp luật. Cách giải quyết này phù hợp với bài phát biểu của Chủ tịch Xi Jinping tại Diễn đàn Một Vành đai Một Con đường hồi tháng 4 năm 2019 khi ông mô tả các cải cách và biện pháp mở cửa thị trường dưới đang đàm phán với Hoa Kỳ như những bước mà “Trung Hoa đã đã tự chọn để thúc đẩy sự cải cách và phát triển của chính Trung Hoa.” Khi việc luật pháp của phía Trung Hoa đã giải quyết xong, Hoa Kỳ có thể tuyên bố chiến thắng.

Thứ tư, cả hai nước phải thu hẹp sự khác biệt của họ về những cam kết mua hàng. Để giảm thâm hụt thương mại song phương, Washington đang yêu cầu Trung Hoa mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ và “mua trước” số hàng này trong những năm đầu của thỏa thuận. Theo Bắc Kinh, những yêu cầu này của Hoa Kỳ đã đi đến mức họ không thể đáp ứng được. Để giải quyết vấn đề này, hai bên phải có sự nhân nhượng giữa giá trị và thời biểu cho những mua bán đó – ví dụ, giá trị mặt hàng càng lớn thì cần nhiều thời gian hơn để mua đủ số lượng đã cam kết.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cả hai quốc gia phải tìm được sự cân bằng. Với sự mất cân bằng lớn như hiện nay và cách buôn bán không công bằng của Trung Hoa, đương nhiên Hoa Kỳ sẽ chỉ chú tâm đến phần trách nhiệm của Trung Hoa. Mặt khác, Trung Hoa có thái độ khinh miệt sâu sắc đối với “các hiệp ước bất bình đẳng” và khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có những cam kết của Hoa Kỳ. Chìa khóa để giải quyết vấn đề có thể là cách nhìn. Thay vì dùng ngôn ngữ chỉ áp dụng với Trung Hoa trong thỏa thuận, chữ dùng cho một số trách nhiệm nhất định có thể dễ dàng áp dụng cho cả hai nhưng Hoa Kỳ không phải làm bất cứ điều gì. Ví dụ, vì Hoa Kỳ có chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ rất mạnh, nên có thể dễ dàng được chấp nhận điều khoản này cũng áp dụng cho Hoa Kỳ. Ngôn ngữ như thế sẽ cho phép Trung Hoa tuyên bố là họ đã đạt được thỏa thuận hai chiều.

Như những vùng hạ cánh này cho thấy, nếu Washington và Bắc Kinh sẵn sàng về mặt chính trị để thỏa hiệp những vấn đề khác thì đôi bên sẽ đạt dược một thỏa thuận. Phải thừa nhận rằng, hai nước lại không nghĩ như vậy. Cả hai có thể tiếp tục tin rằng thời gian đang đứng về phía họ, vì vậy không việc gì phải khoan nhượng trong thời điểm này?

Một số ở cả hai thủ đô chắc chắn đang lập luận rằng tốt hơn là không có thỏa thuận vì Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và Trung Hoa nghi ngờ giá trị của một hiệp định thương mại với Mỹ, đặc biệt là về cuộc tranh chấp kỹ thuật lớn hơn và mối đe dọa thuế nhập cảng thất thường của Mỹ. Tổng thống Trump và Chủ tịch Xi sẽ phải có những quyết định quan trọng tại Osaka có thể giúp xác định mối quan hệ song phương — và tình trạng mậu dịch toàn cầu — trong nhiều năm tới.

Họ có chỗ để hạ cánh nếu thực sự cả hai muốn có một thỏa thuận thương mại.

--------------------------
Wendy Cutler là Phó Chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội Châu Á và là cựu Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn:








THƯƠNG CHIẾN MỸ - TRUNG BÊN LỀ HỘI NGHỊ G20 & LIÊN HỆ ĐẾN VIỆT NAM (Phạm Đỗ Chí)




Phạm Đỗ Chí
Viết từ Washington DC, 28/6/2019
30/06/2019

Tin tức cho hay sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh Trump-Tập lần nữa bên lề cuộc họp G-20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 29/6 do các dàn xếp giờ chót của 2 bên, để hai nguyên thủ nối lại vòng đàm phán thương mại.

Cần nhắc lại là cuộc thương nghị này đã rơi vào bế tắc từ cuối tháng 3/19 khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế biểu 25% lên trên 200 tỷ đô hàng nhập từ Trung Quốc, do Trung Quốc rút lại giờ chót các nhường nhịn đã thỏa thuận ở cấp Phó Thủ tướng Trung Quốc (Lưu Hạc) và các bộ trưởng tài chính và thương mại Hoa kỳ.

Nhưng các câu hỏi lớn vẫn còn đặt ra chung quanh diễn biến sắp tới ngày 29/6 này, che mờ phần nào nội dung cuộc họp của 20 nguyên thủ quốc gia trong vài ngày tới.

Tại sao Chủ Tịch Tập quyết định tham dự G-20 và gặp Tổng thống Trump?

Cách đây vài tuần, khi nghe tin ông Tập có thể tránh cuộc họp G-20, Tổng thống Trump và sau đó Phó Tổng thống Pence nhắc lại, đã lên tiếng đe dọa là Mỹ sẽ đơn phương nâng thuế 25% lên trên 300 tỷ hàng nhập Trung Quốc còn lại nếu ông Tập tránh cuộc họp. Đe dọa này đã thành một đòn bất ngờ của Trump tăng cường thêm áp lực của thế Cờ Vây của Mỹ đang có sẵn và có vẻ dồn Trung Quốc vào chân tường.

Nếu ông Tập không đi dự G-20, có thể Tổng thống Trump sẽ tăng áp thuế biểu thật, áp lực sẽ vô cùng lớn lên kinh tế Trung Quốc, ông Tập sẽ chịu chỉ trích nặng nề trong chính trị nội bộ.

Ngược lại, nếu ông Tập sẽ đi như đã quyết định, đe dọa của Mỹ như đã có tác dụng thật sự và cho quốc tế thấy thế yếu của Trung Quốc: tình trạng “no-win” của họ và bị dồn vào thế bí!

Liệu họp Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc có đạt được kết quả mong chờ?

Tuy ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ lại xác nhận hôm qua 26/9 là các đàm phán đã đạt được 90% kết quả, nhưng giới quan sát viên quốc tế nhận định đây là tuyên bố lạc quan để mang lại chờ đợi hào hứng cho kết quả tốt.

Thực tế như nhiều người đã rõ, lập trường hai bên đã quá khác nhau, và đòi hỏi của Mỹ vượt quá mức sơ khởi là Trung Quốc phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tin tức về “tài liệu 150 trang” của ký kết sơ khởi giữa 2 bên (đã bị gác lại do Trung Quốc đổi ý giờ chót vào cuối tháng 3) cho thấy Mỹ đòi hỏi những tái cấu trúc căn bản của nền kinh tế và luật lệ thương mại của Trung Quốc, bao gồm các nhượng bộ quan trọng về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa chuyện ăn cắp thông tin công nghệ Mỹ, và các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nếu Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận đã đồng ý.

Nếu ông Tập đã không đồng ý với các nhượng bộ quan trọng này vào cuối tháng 3, khó có lý do nào để ông đổi ý bây giờ, dù nền kinh tế Trung Quốc đã đi vào những khó khăn rõ nét hơn. Nhất là vì cấp chuyên viên cao hai bên đã ngưng hẳn cuộc đàm phán giằng co từ 3 tháng nay, không thể có ngay một bản thỏa thuận chi tiết sẵn sàng khác để hai nhà lãnh đạo ký ngay trong kỳ họp G20 này vào cuối tháng 6/2019?!

Điều gì dễ xảy ra nhất: một tuyên bố chung để xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai bên và không tiếp tục tăng thêm thuế biểu nhập cảng (tariffs) như đã dọa nhau nữa, trong một thời gian ngắn làm mát dịu “short cooling-off period” độ 3-6 tháng để thay đổi bản nháp thỏa ước lần chót.

Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang ở đâu và sẽ ra sao nếu không có thỏa thuận tương lai gần?

Nhận xét đầu tiên là có rất ít phân tích xác đáng và khả tín về ảnh hưởng trên nền kinh tế Mỹ do cuộc thương chiến gây ra. Phe Dân chủ và các nhà trí thức phe tả trong xã hội Mỹ, chuyên tài về chỉ trích bất cứ chính sách nào của Trump, cũng chỉ tuyên bố rời rạc như kinh tế Mỹ sẽ suy yếu đi nhiều, lạm phát Mỹ tăng nhanh vì áp lực thuế quan cao trên hàng nhập Trung Quốc, nông dân bất mãn vì hàng nông sản Mỹ không bán được, v.v… Nhưng gần một năm qua từ lúc thuế quan tăng được áp đặt, các chuyện này đã không xảy ra như họ “mong muốn” để làm yếu đi thế đứng của ứng viên Trump trong kỳ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ, đã bắt đầu từ tháng 6 năm nay cho tới cuối hè năm tới trước bầu cử tháng 11/2020.

Nếu áp thuế 25% xảy ra trên 300 tỷ hàng Trung Quốc còn lại vì thương chiến tiếp tục, ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng trưởng Mỹ sẽ chậm lại độ 0,3-0,5% trong năm 2019 và 0,5-1,0% trong năm 2020, nhưng ngay điều này cũng chưa chắc chắn vì Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ đang sửa soạn hạ lãi suất 1-2 lần trong năm nay! Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững mạnh là nhà tiên tri khả tín cho điều đó!

Còn về phía Trung Quốc, các tin tức cho thấy tác động lớn hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn độ 6%, chúng khoán sụp đổ và tiền được tháo chạy mãnh liệt với các hãng Trung Quốc và hãng đầu tư ngoại quốc rời khỏi xứ sang các nước lân cận (như Ấn Độ, Mã Lai, Việt Nam…) và dân thường chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Tỷ giá tiền yuan xuống thấp là 6,9 yuan/1 USD. Nếu tỷ giá này nhích thêm xuống mức báo động 7 yuan, sẽ là mức “panic” được dự báo để gây cuộc hỗn loạn tiền tệ đáng kể cho Trung Quốc.

Hai vấn đề nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở Trung Quốc: nạn thất nghiệp thành thị (do các hãng đóng cửa hay rời xứ) gây cho dân chúng ào ạt kéo về nông thôn tìm việc và vấn đề lạm phát cho giá cả lương thực, cả hai đều gây áp lực chính trị đáng kể cho cá nhân ông Tập.

Cùng lúc, vòng vây xiết chặt công nghệ qua hãng Huawei và cả trăm hãng khác đang và sẽ làm tê liệt nền công nghệ và sản xuất Trung Quốc.

Các tác dụng trên đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động như của cả trăm “sư đoàn” giả tưởng của Mỹ được gửi đến Trung Quốc, như nhận xét của một số nhà phân tích kinh tế. Nhưng trong thực tế, Mỹ cũng đã điều động hải quân thật sự, phối hợp với liên minh hải quân các nước khác trong vùng, để tạo lập vòng vây ở Biển Đông và eo biển Đài loan, như là các biện pháp quân sự tương lai lúc cần thiết.

Trung Quốc không thể không thấy những điều này của Mỹ và liên minh Tây phương, Ấn Độ, Úc và Nhật, để ngăn chặn giấc mơ bành trướng của họ trong tương lai, qua “Nhất đới, Nhất lộ’, hay “Giấc mơ Trung Hoa năm 2025 hay 2035”. Chính sách khôn ngoan “Nằm yên, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ qua, thay vào đó móng vuốt của Rồng dữ Trung Quốc đã làm cả thế giới e ngại và Mỹ đang ra tay ngăn chặn đầu tiên.

Liên hệ nào đến Việt Nam?

Tất nhiên không thể không bàn đến Việt Nam khi phân tích tình hình thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc.

Trong một biến cố bất chợt, Hoa Kỳ có vẻ sửa soạn chúi cả mũi dùi thương chiến sang Việt nam ở cấp cao nhất có thể. Trả lời phỏng vấn với Fox Business Network phát hôm 26/6/19, Tổng thống Trump nói: “Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc”.

Tuyên bố này hàm ý cả việc nhiều hàng Trung Quốc tuồn sang mang mác Việt Nam để tránh thuế, như báo Wall Street Journal (27/9/2019) đã điều tra báo cáo cả tỷ đô la hàng Trung Quốc đã tiếp tục sang Mỹ bằng cửa này.

Việt Nam cũng không phải là quốc gia châu Á duy nhất ngoài Trung Quốc đang bị ông Trump công kích. Mới đây nhất, Tổng thống Hoa Kỳ đã gọi biểu thuế quan mới mà Ấn Độ áp lên 28 sản phẩm của Mỹ là “không thể chấp nhận” và đòi New Delhi phải rút lại. Biểu thuế quan mới được đưa ra vào đầu tháng 6/19 là nhằm trả đũa việc Mỹ tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ.

Nhưng tuyên bố này không phải là câu nói vô tình của Tổng thống Mỹ, mặc dù ông nổi tiếng với nhiều câu nói ngẫu hứng. Cũng hôm đó, Tổng thống Trump không loại trừ khả năng sẽ đánh thuế lên hàng Việt Nam: “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất”. (Nguyên văn: “It’s almost the single worst abuser of everybody”.)

Nhiều người có thể thắc mắc sao Tổng thống Trump lại nói mạnh như thế đến Việt Nam, ngay lúc sắp đi phó hội quan trọng với Trung Quốc về thương mại? Tin bên lề từ Hoa Thịnh Đốn cho là ông được báo cáo đầy đủ vụ tuồn hàng Trung Quốc sang Mỹ qua mác Việt Nam để tránh thuế, như tin tức từ hãng Asanzo và vài hãng thép, và thêm vào đó là tin xuất cảng Việt Nam đã tăng tới 38% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ.

Theo người viết, Việt Nam nên chú ý cảnh cáo này là nghiêm trọng và cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh liên hệ Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam, và nên tuyên bố ngay là sẽ có chương trình cụ thể nhập cảng thêm một số hàng hoá của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, cũng như chặn ngay vụ tuồn hàng Trung Quốc sang Mỹ, là hai mối quan tâm trong tuyên bố của ông Trump.

Tuy nhiên, ông Trump khen Việt Nam đã mua nhiều than từ bang West Virginia, khiến “tôi vui”. Từ đó, vài thí dụ cụ thể mua thêm hàng Mỹ có thể nêu ra dễ làm ông Trump “còn vui hơn”:

Về hàng không, như nhập máy bay Boeing cho các hãng mới thành lập, nhất là nhấn mạnh cho việc sửa soạn lập đường bay thẳng sang Mỹ (SGN-SFO-SGN hay SGN-LAX-SGN).

Cũng cần cho mua thêm xe hơi Mỹ và giảm thuế nhập cảng, vốn là nhu cầu lớn sẵn có trong dân chúng. Hiện các nông sản đang ứ đọng của Mỹ như đậu tương, thịt bò, gà, nhất là thịt heo đang thiếu hụt bên nhà vì cơn dịch tả châu Phi,... nếu Việt Nam mua sẽ gây nhiều thiện cảm trong dân Mỹ.

Việt Nam cũng cần chú ý nhập cả các dụng cụ y tế cao cấp của Mỹ trong nhu cầu cấp thiết để nâng cao dịch vụ săn sóc y tế ở nhà.

Ngoài ra,Việt Nam cần chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam như Asanzo, thép... Cần truy tố và phạt nặng các vi phạm này để làm gương cho các hãng khác và gây uy tín với Mỹ.

Để tránh bị ‘dán nhãn’ như Trung Quốc, Việt Nam cũng cần nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ với Mỹ.

Tuy thế, xung khắc Mỹ - Trung tạo ra cơ hội cho Việt Nam, Việt Nam cần khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, thay vào “lỗ hổng” của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.

Nhưng nhìn xa hơn, việc làm thật sự để tránh một cuộc thương chiến mới do Mỹ đặt ra, là cải tổ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam một cách thật sự và sâu rộng, thí dụ nâng cao khu vực tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp với công nghệ cao từ Mỹ, cải tổ hệ thống thương mại và cho nới rộng hoạt động của các hãng bảo hiểm cùng ngân hàng tư nhân...

Hơn nữa, cần duyệt lại chính sách đầu tư FDI một cách chọn lọc hơn, khuyến khích các hãng Mỹ có móc nối (“linkages”) với việc phát triển công nghệ Việt Nam.

Sau cùng và quan trọng nhất là chú trọng đến việc thiết lập chính sách đối tác chiến lược và toàn diện với Mỹ, là mục tiêu chính yếu của cuộc thăm viếng Mỹ đang chờ đợi của lãnh đạo Việt Nam trong vài tháng tới.

Nhìn toàn cục, Việt Nam thực ra đang ở vào thế vô cùng thuận lợi với Mỹ trong kế hoạch lưu thông hàng hải tự do ở Biển Đông, mà Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối Ấn Độ-Thái Bình Dương đang muốn tăng cường thiết lập và bảo vệ. Việc này sẽ bảo vệ an ninh quân sự và chính trị của Việt Nam, mục tiêu mong mỏi bất chiến tự nhiên thành!

Việt Nam cần coi đây là mục tiêu tối hậu, đừng để mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là chuyện nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược đối tác dài hạn với Hoa Kỳ.

Tựu chung, có hai điều căn bản mà Việt Nam phải làm:

1. Trong chiến lược thương mại toàn cầu, mua thêm hàng Mỹ đơn giản sẽ là cách “thoát Trung dần dần”, giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, mà lại giúp bớt đi xuất siêu sang Mỹ hầu tránh áp lực chính trị Mỹ đang tăng dần qua lời tuyên bố mạnh mẽ, hơi bất chợt của Tổng thống Trump, trước thềm cuộc viếng thăm Hoa Kỳ chính thức của một lãnh đạo Việt Nam.

2. Một điểm khác là để phản ứng lại chỉ trích của Tổng thống Trump, Việt Nam cần sẵn sàng soạn 1 cuốn sách trắng về xuất cảng, “A White Book on Vietnam’s exports to the US in the last five years 2014-2018”. Giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng Việt Nam xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, trong đó giá trị gia tăng (“value-added”) của Việt Nam chỉ là 5-10%. Vì vậy con số xuất cảng sang Mỹ thực, “true Việt Nam exports to the US” thấp hơn con số thống kê xuất bản nhiều (hàng xuất từ Việt Nam nhưng 90% số thu thực sự lại đi về các nước khác). Điểm này được rất ít chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như Tổng thống Trump.

Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi trần tình hay đàm phán chính thức với Mỹ, trong cuộc viếng thăm nêu trên, về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam./.

P.Đ.C.
TS PGM chuyển BVN





HOA KỲ - TRUNG QUỐC : TRẬN ĐẤU THẾ KỶ (Mai Vân - RFI / ĐIỂM BÁO)




Mai Vân – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 29-06-2019

Donald Trump và Tập Cận Bình đã tranh thủ Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Nhật Bản để nối lại cuộc đối thoại sau nhiều tháng chiến tranh thương mại giữa hai bên. Đối với tuần báo Pháp Courrier International, cuộc thương chiến Mỹ-Trung là một « Trận đấu thế kỷ », tựa lớn trang bìa, đang de dọa kinh tế thế giới. Bên dưới hàng tựa là một bức biếm họa vẽ hai con gà chọi với đầu có hình dạng của hai ông Trump và Tập đang gờm nhau.

Theo nhận định của Courrier International, hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã rõ : « Ngay cả khi căng thẳng giảm xuống, tiến trình tách rời khỏi nhau của hai nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã khởi động, và trong bối cảnh mới đó, một điều không thể tưởng tượng được trước đây, các nước khác có nguy cơ bị buộc phải chọn phe của mình ».

Trích dịch một bài phân tích trên tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, Courrier International trước hết ghi nhận rằng trong trận đấu này « sẽ không có kẻ thắng người thua ». Lý do là vì hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã gắn chặt vào nhau đến mức mà hai nước không thể không cần đến nhau. Vấn đề là không một nước nào muốn bị mất mặt, theo như giải thích của tờ báo Hồng Kông.

Tại sao không lãnh đạo nào muốn nhượng bộ ?

Đối với tờ South China Morning Post thì ông Donald Trump không thể tỏ ra mềm yếu trước Bắc Kinh vì sự thù ghét Trung Quốc chưa bao giờ mạnh như thế tại Mỹ và càng gần đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, cảm nhận này càng tăng lên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cho thấy cảm nhận này nhân kỷ niêm lần thứ 30 vụ đàn áp Thiên An Môn, đầu tháng 6, khi ông nói : Hy vọng của Mỹ theo đó Trung Quốc sẽ biến thành một xã hội cởi mở hơn, khoan dung hơn, đã vỡ tung. »

Ông Pompeo ghi nhận thất bại của chính sách đối với Trung Quốc từ thời Nixon và nêu thất vọng của Washington.

Còn ông Tập Cận Bình thì cũng không thể tỏ ra mềm yếu hơn những người tiền nhiệm đối với Mỹ. Vả lại chính sách và chủ thuyết của ông đều dựa trên tính dân tộc chủ nghĩa và một ý thức hệ chính thống từ khi lên cầm quyền từ năm 2012 đến nay.

Cho dù không phải lo ngại về vấn đề bầu cử như đồng nhiệm Mỹ, nhưng có lẽ ông Tập vẫn phải cẩn thận vì những người đối nghịch trong đảng sẵn sàng lợi dụng những bước sai lầm của ông để chống lại ông.

Wall Street Journal :  « Ly dị Mỹ-Trung  không thể tránh khỏi ? »

Theo ghi nhận của South China Morning Post, cho đến nay, sự trù phú của Trung Quốc vẫn dựa trên việc tăng cường quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Nhưng với cuộc chiến tranh thương mại bùng lên, mối quan hệ này đã dãn hẳn ra. Trong một bài phân tích được Courrier International trích dịch, nhật báo Mỹ Wall Street Journal tại New Yrok đã đặt câu hỏi « Phải chăng cuộc ly dị Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi ? ».

Theo Wall Street Journal, trước đây hai nền kinh tế gắn quyện với nhau, bây giờ thì hai cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới này bắt đầu co cụm lại. Đầu tự giảm sụt, các công ty, xí nghiệp xem xét lại chiến lược…

Vào tháng 5 vừa qua, chuyển biến xấu hẳn đi một cách đột ngột của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã cho thấy khả năng quan hệ bị cắt đứt, điều mà cho đến giờ khó có thể tưởng tượng ra giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Đối với nhật báo tài chánh Mỹ, cho dù hai bên có đạt được một thỏa thuận, thì sự đan xen vào nhau giữa hai nền kinh tế, được thực hiện từ hàng thập niên qua, có lẽ sẽ phải bị tháo gỡ.

Nhiều dấu hiệu cho thấy chiều hướng đó : các nhà sản xuất giầy, máy ảnh và iPhone tìm cách sản xuất ở nơi khác hơn là Trung Quốc, chính quyền Mỹ thì buộc các nhà đầu tư Trung Quốc bán lại cổ phiếu mà họ nắm trong các công ty khởi nghiệp (start up) Mỹ, còn các nhà khoa học Trung Quốc muốn sang Mỹ thì gặp nhiều chậm trễ trong việc có được visa nhập cảnh.

Quy mô của việc tách rời giữa hai nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào loại thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán, với điều kiện là rốt cuộc hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó !
Tuy nhiên báo Wall Street Journal cho rằng sẽ không có một cuộc chiến tranh lạnh mới : Trung Quốc có trọng lượng quá lớn và quá gắn chặt với phần còn lại của thế giới. Thế nhưng các nhà đầu tư và nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc có thể lâm vào tình cảnh mỗi bên làm việc riêng rẽ trong những thế giới cách biệt với nhau.

Châu Âu giữa hai làn đạn

Tình hình căng thẳng Mỹ-Trung Quốc dĩ nhiên có ảnh hưởng Liên Hiệp Châu Âu, vốn có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Tạp chí Mỹ The Atlantic đã ghi nhận một tình thế rất tế nhị của châu Âu trong bài « Châu Âu giữa hai làn đạn ».

Theo tờ báo, từ hai năm nay, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã trở nên căng thẳng trên một số hồ sơ như thương mại, hạt nhân Iran, ngân sách quốc phòng v.v… Người ta từng nghĩ rằng trong bối cảnh đó, có một chủ đề có thể giúp Mỹ và Châu Âu xích lại gần nhau : Đó là Trung Quốc. Thế nhưng thực tế không phải là như vậy.

Theo tờ báo Mỹ, ai cũng nói là thách thức địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XXI là đối phó với sự vươn lên của một Trung Quốc chuyên chế. Nhưng theo một lãnh đạo Châu Âu, Hoa Kỳ có « một thái độ quá hung hăng, tốn nhiều năng lực, mà kết quả không được gì ». Và khi khởi động một cuộc chiến tranh lạnh về thương mại dài lâu với Bắc Kinh, ông Donald Trump có nguy cơ dẫn nước Mỹ đi « vào một con đường mà ngay những người Châu Âu có đường lối cứng rắn nhất cũng khó mà đi theo ».

Tuy nhiên, theo The Atlantic, các kênh liên lạc giữa châu Âu và Mỹ không hề bị cắt đứt hẳn, và tờ báo không ngần ngại phác họa ra điều có thể gọi là một chương trình hành động chung giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.

Về công nghệ 5G chẳng hạn, châu Âu và Mỹ có thể thành lập một tập đoàn quy tụ những công ty Mỹ và châu Âu hiện là đối thủ cạnh tranh của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Còn về mặt thương mại, Mỹ và châu Âu có thể liên kết với Nhật Bản, Canada và Úc chẳng hạn, để đối phó với cung cách làm ăn không ngay thẳng của Trung Quốc.

Theo The Atlantic, những ai ở châu Âu mà nghĩ rằng mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu năm 2020, nước Mỹ có một tổng thống Dân Chủ, thì sẽ lầm to. Giọng điệu của vị tổng thống đó có thể nhẹ nhàng, lịch sự hơn, và chỉ thế thôi.

Dù chủ nhân nhà Trắng có là ai chăng nữa, các nước Châu Âu phải chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận việc sẽ bị Mỹ nhìn qua lăng kính của quan hệ với Trung Quốc – cũng giống như thời chiến tranh lạnh, lăng kính Liên Xô đã bóp méo cái nhìn của Mỹ về Châu Âu.

Và nếu bấy giờ hai bên vẫn không có đề án chung, thì quan hệ Mỹ-Âu vẫn sẽ chao đảo hơn nữa dù với ông Trump hay không.

The Economist : Mỹ - Iran « nên đối thoại hơn là đối đầu »

Tương tự như đồng nghiệp Pháp Courrier International, tuần báo Anh The Economist cũng chú ý đến Mỹ, nhưng trong quan hệ với Iran, với hàng tựa lớn trang bìa « Ngăn chặn Iran cách nào ».

Trong bối cảnh Mỹ và Iran đang gần kề chiến tranh, The Economist cho rằng đối thoại, chứ không phải là đối đầu, mới là cách ngăn chặn không cho nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sở hữu bom nguyên tử.

Theo The Economist, trong gần 4 năm qua, con đường tiến đến vũ khí hạt nhân của Iran đã bị ngăn chặn. Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, với cả Mỹ, đã giới hạn chương trình hạt nhân Iran, chỉ để sử dụng trong lãnh vực dân sự, như điện lực, và đặt dưới sự kiểm tra nghiêm ngặt. Các chuyên gia từng công nhận rằng Iran đã chấp hành thỏa thuận và hoạt động hạt nhân của nước này đã bị kìm lại.

Nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá hoại thỏa thuận và Iran đã bắt đầu lưu trữ uranium được làm giàu và dọa bỏ một số cam kết.

Cũng may là Iran chưa thể trở thành cường quốc hạt nhân, nhưng một lần nữa nước này đã sử dụng chương trình hạt nhân để gây thêm sức ép lên Mỹ. Điều này rất nguy hiểm trong bối cảnh tình hình trong vùng không ổn định, với những vụ tấn công tàu ở eo biển Ormuz, vào tháng 5 mà Mỹ quy trách nhiêm cho Iran, kế đến là việc Iran bắn hạ drone của Mỹ, ngày 20/06, khiến ông Trump ra lệnh đáp trả. Chỉ 10 phút trước khi bắn vào các mục tiêu ở Iran thì chiến đấu cơ Mỹ được lệnh bãi bỏ chiến dịch, và ông Trump đã tự an ủi bằng một cuộc tấn công tin học thay vào chỗ chiến dịch không kích.

Theo The Economist, thì cả ông Trump, lẫn các đồng minh của Mỹ và cả Iran, không ai muốn một cuộc chiến lớn khác ở Trung Đông. Nhưng do chiến lược « sức ép tối đa » của ông Trump lên Iran và vì mỗi bên đều đưa ra những lời đe dọa ngày càng hung hăng hơn, điều đó có thể dẫn đến nhận định sai lầm về đường ranh đỏ của đối phương. Phạm vi hoạt động của tổng thống Trump trở nên eo hẹp hơn. Iran trở nên hung hăng hơn, những lời kêu gọi hành động sẽ gia tăng, ít ra là trong đảng của tổng thống Mỹ.

Tóm lại, trước khi tình hình leo thang và không còn kiểm soát được, hai bên cần bắt đầu đối thoại. Điều này không phải là không thực hiện được như người ta tưởng.

Nicolas Sarkozy : Ngày trở lại

Không hẹn mà gặp, hai tuần báo Pháp L’Obs và Le Point đều dành trang bìa cho cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhân dịp quyển ký sự mới của ông mang tựa đề « Passions » - tạm dịch là « Những đam mê » ra mắt độc giả Pháp.

Dưới tựa đề « Nicolas Sarkozy : "Giữa Pháp và tôi, câu chuyện sẽ không bao giờ kết thúc ..." », Le Point đã giới thiệu nhiều trích đoạn của quyển sách được nhà xuất bản L’Observatoire phát hành, và đặc biệt là bài phỏng vấn độc quyền mà cựu tổng thống Pháp đã dành cho tờ báo. Tựa đề trang nhất chính là nguyên văn câu nói của ông Sarkozy khi đề cập đến quan hệ giữa ông và nước Pháp.

Đối với Le Point, « Passions » là một dạng biên niên sử sôi nổi về những năm tham gia chính trường của Nicolas Sarkozy thời thanh niên, về cuộc mít tinh chính trị đầu tiên của ông ở thành phố Nice vào năm 1975 cho đến khi ông được bầu làm tổng thống Pháp.

Vị cưu nguyên thủ quốc gia kể lại cuộc sống cá nhân cũng như cuộc đấu tranh vì quyền lực chính trị của ông, mà không hề tách biệt cái này với cái kia. Đối với Le Point, quyển ký sự phải chăng là một bức tranh tự họa của một con người muốn cho thấy sự nhất quán của các cam kết dấn thân của mình, một bản di chúc chính trị, hay là một bàn đạp, biết đâu chừng, sẽ giúp ông tiến bước thêm nữa ? Chính độc giả sẽ rút ra kết luận của mình.

Dẫu sao thì quyển sách đã được in với 200.000 bản trong đó có 175.000 bản đã được các nhà bán sách đặt hàng trước.

Liên minh bí mật giữa Sarkozy và Macron

Cũng nói về quyển sách mới mà cựu tổng thống Pháp Sarkozy cho xuất bản, nhưng tuần báo L’Obs lại chú ý đến điều được tờ báo chậy thành tựa lớn trang bìa : « Sarkozy/Macron – Liên minh bí mật ».

Theo L’Obs, giữa hai tổng thống cũ và mới, một thỏa thuận ngầm đã được ký kết.

Nhân dịp quyển sách mới của ông Sarkozy được xuất bản, tạp chí Pháp muốn cung cấp cho độc giả một số yếu tố then chốt để hiểu điều có thể gọi là tình trạng « hòa bình có vũ trang » giữa hai người.

Đối với tạp chí Pháp, vào lúc mà ai cũng tưởng là ông sẽ bị hạ gục khi trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp bị đưa ra tòa, Nicolas Sarkozy đã quyết định cho ra mắt quyển « Passions », một loại ký sự trong đó ông tiết lộ một số bí mật về quá trình vươn lên về mặt chính trị của ông cho đến khi ông lên nắm quyền tổng thống vào năm 2007.

Theo L’Obs, không còn nghi ngờ gì nữa, ông Sarkozy có lẽ đã cho thấy rõ tham vọng muốn trở lại chính trường, và tại sao không, một ngày nào đó, truất ngôi « người bạn thân mến » của ông là Emmanuel Macron.

Đối với L’Obs, gọi Macron và Sarkozy là hai người « bạn thân mến » không sai, vì giữa họ, một kiểu tuần trăng mật đã được thiết lập từ năm 2017. Cả hai đều đã xem xét kỹ lưỡng những hành động nhỏ nhất, quá trình vươn lên, sự khác biệt của nhau. Hai người không ngần ngại cho thấy thái độ lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, sự đồng tình ăn ý với nhau, thậm chí là sự say mê lẫn nhau.

Điểm chung giữa hai người, theo tạp chí Pháp, là tính chất táo bạo, dám phá cách để vươn lên về mặt chính trị, sẵn sàng tỏ ra tàn bạo khi cần. Ngay vào tháng Sáu năm 2017, ông Sarkozy đã không ngần ngại nói rằng « Macron chính là tôi, nhưng tốt hơn ».







TỔNG THỐNG TRUMP 'XÔNG VÀO NGOẠI GIAO QUỐC TẾ' (Lê Phan)




Lê Phan
June 29, 2019

Tổng Thống Donald Trump đã xông vào lại thế giới của ngoại giao quốc tế hôm Thứ Sáu vừa qua với sự khiêu khích điển hình, tạo mất thăng bằng cho những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, kể cả nước chủ nhà, trong khi ông tìm cách đạt ưu thế trong một loạt những tranh chấp về kinh tế và an ninh vốn sẽ có những hậu quả khôn lường.

Suốt ngày Thứ Sáu, tổng thống đã mở ra một loạt những cuộc họp mà cái giá sẽ rất cao với các lãnh tụ đến dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản, sau khi đặt câu hỏi về nền tảng của liên hệ của Hoa Kỳ với hai nước bạn quan trọng nhất, Nhật Bản và Đức, đã tấn công vào một “đối tác” thứ ba, Ấn Độ.

Thủ tướng Nhật Bản, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh, vẫn còn chới với sáng hôm Thứ Sáu trước cuộc tấn công của tổng thống về hiệp ước phòng thủ hỗ tương vốn đã là nền tảng của liên hệ giữa Washington và Tokyo từ gần bảy thập niên nay.

Còn lãnh tụ Đức đã ngày càng quen thuộc và đã nhún vai trước những tấn công của tổng thống Trump về điều mà ông bảo là Đức lợi dụng ô dù an ninh của Hoa Kỳ trong khi Ấn Độ thì đang cố gắng tìm cách giải quyết lời than phiền của tổng thống về chính sách mậu dịch của mình mà không khiêu khích ông đi vào một cuộc chiến leo thang thuế quan như ông đang làm với Trung Cộng.

Sự lựa chọn mục tiêu có vẻ dính trực tiếp với các cuộc họp của tổng thống dự trù cho ngày Thứ Sáu.

Ông đã ngồi xuống nói chuyện với Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay, rồi gặp chung Thủ Tướng Abe với Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ. Rồi gặp riêng ông Modi. Sau đó ông ngồi xuống với Thủ Tướng Angela Merkel của Đức.

Ngược lại, tổng thống có vẻ không có gì để chỉ trích trước khi đến Osaka vị lãnh tụ thứ tư trong những cuộc gặp gỡ vào ngày Thứ Sáu, Tổng Thống Vladimir V. Putin của Nga, người mà chính phủ đã tổ chức một chiến dịch có hệ thống để can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 và đang bắt hai công dân Hoa Kỳ trong một điều bị coi như là cáo buộc ngụy tạo. Ông Trump đã có một cuộc họp vui vẻ với ông Putin, còn đùa nói với ông Putin “Làm ơn đừng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.”

Ông cũng không có điều gì tiêu cực để nói về người ăn sáng với ông vào ngày Thứ Bảy, Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, vốn mới bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc là kẻ chắc đã điều khiển vụ giết và phân thây một nhà báo Saudi đang là thường trú nhân ở Hoa Kỳ.

Trong việc dành chỉ trích cho các quốc gia bạn của Hoa Kỳ, tổng thống đã lập lại cách hành xử mà ông đã dùng ở Anh hôm đầu Tháng Sáu. Khi một nhà báo nhắc đến những chỉ trích trước đây của ông về Quận Chúa Sussex, ông Trump bảo ông không biết là “cô ấy xấu,” rồi chối ngay là ông đã từng nói như vậy, mặc dầu tờ báo đã phỏng vấn tổng thống đưa ra đoạn thu băng ông nói đúng điều đó.

Ông cũng gọi đô trưởng Sadiq Khan của thành phố mà ông viếng thăm là “stone cold loser” và chê ông Khan là một trong những đô trưởng tệ hại nhất của London.

Riêng với nước chủ nhà Nhật Bản, ông đã tấn công vào thỏa thuận quốc phòng hỗ tương giữa Nhật và Hoa Kỳ, vốn đã là nền tảng cho liên hệ giữa hai quốc gia từ những năm đầu tiên sau Thế Chiến Thứ Hai. Sau khi Thông Tấn Xã Bloomberg tường thuật là ông đã bàn thảo riêng với các phụ tá về việc rút lui khỏi thỏa thuận này, không cần được hỏi, ông đã nêu lên vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, hôm Thứ Tư.

Ông nói: “Chúng ta có một hiệp ước với Nhật Bản. Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ đánh Thế Chiến Thư Ba. Chúng ta sẽ vào và chúng ta sẽ bảo vệ họ và chúng ta sẽ chiến đấu với mạng sống của chúng ta và gia tài của chúng ta. Chúng ta sẽ đánh bất kể chi phí, đúng không? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải làm gì giúp chúng ta cả. Họ có thể ngồi xem trên truyền hình Sony về cuộc tấn công.”

Giáo Sư Gary J. Bates, giáo sư chính trị và bang giao quốc tế của Viện Ðại Học Princeton và là một chuyên gia về Đông Á, trong một bài đóng góp trên tờ New York Times, viết:

“Lời nhận xét của ông Trump chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết chiến thuật và lịch sử mà sẽ khiến một người như vậy không được một chỗ nhỏ ở Bộ Ngoại Giao. Tuy tổng thống ngầm ý nói hiệp ước này có ưu tiên cho Nhật Bản, nó thực sự là do chính Hoa Kỳ áp đặt. Sau khi Đế Quốc Nhật đầu hàng Đồng Minh vào Tháng Tám năm 1945, chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến, đất nước Nhật bị đặt dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ bởi Tướng Douglas MacArthur vô cùng độc đoán. Để bảo đảm là Nhật Bản không là một đe dọa trong tương lai, Hoa Kỳ đã viết một hiến pháp chủ hòa trong đó Nhật Bản không được quyền có quân đội. Khi cuộc chiếm đóng chấm dứt vào Tháng Tư năm 1952, Nhật Bản đã từ bỏ chủ nghĩa quân phiệt và nhiệt thành theo đuổi chủ nghĩa chủ hòa và một chế độ dân chủ. Trong Điều 9 của bản Hiến Pháp mà được soạn nguy thủy bằng tiếng Anh ở tổng hành dinh của Tướng MacArthur, Nhật Bản từ bỏ chiến tranh và hứa không bao giờ duy trì các lực lượng bộ binh, thủy quân và không quân.”

“Trong hiệp ước an ninh năm 1951 mà tổng thống có vẻ chê bai, Hoa Kỳ, trong một vị thế chế ngự đối với Nhật Bản, đã muốn gì được nấy. Nhật Bản cho phép Hoa Kỳ đặc quyền đặt quân đội trên đất Nhật, biển Nhật và không phận của Nhật Bản, mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để đối phó với Liên Xô. Trong hiệp ước sửa đổi năm 1960, Hoa Kỳ hứa sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu họ bị tấn công. Trong suốt Chiến Tranh Lạnh, Nhật Bản dân chủ đã trở thành liên minh cột trụ của Hoa Kỳ ở Á Châu, một tiền đồn chống lại Cộng Sản ở Trung Quốc và Liên Xô.”

Một nhà bình luận trong vùng đã đặt câu hỏi là nếu điều đình lại hiệp ước phòng thủ hỗ tương, liệu Hoa Kỳ có đồng ý cho Nhật Bản đóng quân trên đất mình để “bảo vệ” Hoa Kỳ khi bị tấn công hay không bởi đó chính là điều kiện của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản để Nhật được bảo vệ.

Giáo Sư Bates viết tiếp: “Hơn thế, ông Trump đã sỉ nhục nước chủ nhà qua việc bỏ qua những gì Nhật Bản đã làm sau khi Hoa Kỳ bị tấn công vào ngày 11 Tháng Chín năm 2001. Nhân dân Nhật công khai chia sẻ mối đau đớn của đồng minh Hoa Kỳ sau cuộc tấn công khủng bố, mà trong đó một số công dân Nhật cũng thiệt mạng. Thủ tướng bảo thủ và rất ủng hộ Hoa Kỳ Junichiro Koizumi, đã nhân vụ thảm sát này như là một cơ hội để sửa lại Điều 9 của Hiến Pháp và khuyến khích đất nước mình hãy gánh trách nhiệm quốc tế. Chinh phủ ông thúc đẩy qua quốc hội một đạo luật chống khủng bố vốn cho phép Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản cung cấp hỗ trợ cho chiến dịch của Hoa Kỳ ở Afghanistan, tuy rằng – vì Hiến Pháp chủ hòa – không chiến đấu hay trực tiếp lâm chiến.”

“Khi Tổng Thống George W. Bush tấn công Iraq năm 2003, ông Koizumi là người ủng hộ ông mạnh mẽ nhất trong các lãnh tụ quốc tế. Tuy Hiến Pháp Nhật cấm tham gia cuộc chiến hay đóng góp quân sự, chính phủ Koizumi thông qua một đạo luật đặc biệt cho phép Lực lượng Phòng Vệ giúp đỡ trong các sứ vụ hỗ trợ cho Iraq hậu chiến. Nhiều trăm binh sĩ bộ binh Nhật Bản đã cung cấp nước uống và dịch vụ y tế, sửa đường và xây nhà. Người ta có thể trách ông Koizumi, như nhiều người Nhật đã nói, đã ủng hộ cho cuộc chiến tốn kém và vô ích của ông Bush –nhưng thật khó mà bảo là Nhật Bản, như Tổng thống Trump mới tuyên bố, đã không sát cánh với Hoa Kỳ.”

Điều còn đau đớn hơn nữa cho Thủ Tướng Shinzo Abe, một người vốn đã bỏ nhiều công sức để tạo một liên hệ với Tổng thống Trump và đang cố giúp tìm một giải pháp cho vấn đề Iran, là vì ông ngoại của ông Abe, Thủ Tướng Nobusuke Kishi, đã là người bị ép ký bản hiệp ước phòng thủ hỗ tương năm 1960. Hẳn ông Abe đã có lúc nghĩ thầm là ước gì ông ngoại đừng ký thỏa thuận đó.

Giáo Bates kết luận “Không hiểu tổng thống muốn hy vọng đạt được gì với thái độ thù nghịch đó với một đồng minh quan trọng mà ông cần ở Á Châu? Ông có lẽ sẽ không xé hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Nhưng khi đặt câu hỏi về liên minh với Nhật Bản, ông đã khuyến khích Bắc Hàn và một Trung Quốc đang lên, thử thách mối liên hệ đó. Lời nói của ông đã làm suy yếu liên minh cần thiết này một cách vô lý và đồng thời làm suy yếu sự ổn định trong vùng.”

Điều còn mỉa mai hơn nữa, như một nhà ngoại giao Đông Á đã chỉ ra, “Tổng thống đã quên mất là nếu Hoa Kỳ có lâm chiến ở các nơi khác trên thế giới thì Nhật Bản có thể chỉ tìm cách trợ giúp nhưng khi Hoa Kỳ lâm chiến ở Á Châu thì muốn hay không muốn Nhật Bản sẽ là quốc gia đứng mũi chịu sào chứ nào phải là Hoa Kỳ.” (Lê Phan)







MỸ - BẮC TRIỀU TIÊN : VÌ SAO TRUMP BẤT NGỜ MUỐN GẶP KIM JONG UN Ở BÀN MÔN ĐIẾM? (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 30-06-2019

Cuộc hội kiến lịch sử giữa một tổng thống đương nhiệm Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Bắc Hàn diễn ra bất ngờ. Donald Trump tung ra lời mời chỉ ngay trước khi từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, còn Kim Jong Un thông báo nhận lời ít giờ trước thời điểm dự kiến ngày 30/06/2019. Vì sao lại có cuộc hội kiến có vẻ như đầy ngẫu hứng này ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm ngày 30/06/2019.U.S. Network Pool/via REUTERS TV

Trả lời RFI, nhà chính trị học Pascal Dayez-Burgeon, từng là một nhà ngoại giao tại Hàn Quốc, nhấn mạnh đến việc Washington không muốn để Trung Quốc thao túng hồ sơ Bắc Triều Tiên, đặc biệt với việc bất ngờ tổ chức thượng đỉnh Tập - Kim, chỉ ít ngày trước cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình tại Nhật Bản :

« Có thể là do ông Trump khá lo ngại về cuộc thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với chủ tịch Trung Quốc tại Bình Nhưỡng (ngày 20/06/2019). Ông Trump không muốn hồ sơ Bắc Triều Tiên thoát khỏi tay ông ta để rơi trở lại vào vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ đã quyết định phải phản ứng một cách nhanh chóng, với những gì có trong tầm tay.

Đối với Trung Quốc, điều thực sự quan trọng là các đàm phán với Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại. Nếu Trung Quốc để ngỏ cho Hoa Kỳ một vùng tự do hành động trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ bớt cứng rắn hơn trong các thương lượng về thương mại. Đây là một khía cạnh của vấn đề.

Nhưng cũng không nên quên rằng, đối với Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên trong một chừng mực nào đó là một quốc gia mang tính chiến lược, giống như Cuba. Nếu như Hoa Kỳ đặt chân được vào Bắc Triều Tiên, như vậy họ chỉ còn cách Trung Quốc chừng 200 km. Điều rất quan trọng đối với Bắc Kinh là phải tiếp tục ở trong cuộc chơi, do sự gần gũi với Bắc Triều Tiên về mặt lãnh thổ, miền bắc Trung Quốc tiếp giáp với Bắc Triều Tiên.

Như vậy, Trung Quốc cũng không thể để phó mặc hoàn toàn Bắc Triều Tiên cho nước Mỹ... Vấn đề ở đây như vậy là rộng lớn hơn nhiều chủ đề cụ thể (phi hạt nhân hóa) Bắc Triều Tiên. Theo góc nhìn này, hồ sơ Bắc Triều Tiên chỉ là khía cạnh mang tính chiến thuật trong các thương lượng mang tính toàn cầu ».

-----------------------------------

Đăng ngày 30-06-2019

Ngoài hành động mang tính biểu tượng bước qua lằn ranh giới tuyến Nam Bắc Triều Tiên, dấu ấn chia cắt sâu đậm nhất còn lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc gặp bất ngờ giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn để lại những kết quả cụ thể gì ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (G), lãnh đạo BTT Kim Jong Un (T) và nguyên thủ Hàn Quốc Moon Jae In (P) tại Bàn Môn Điếm, 30/06/2019.REUTERS/Kevin Lamarque

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, sau cuộc họp kín kéo dài 53 phút, với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tại ngôi nhà mang tên Tự Do, trên đường giới tuyến Liên triều, bên phía lãnh thổ Hàn Quốc, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Hàn Quốc, nguyên thủ Mỹ tuyên bố: « Chúng tôi đã đạt thỏa thuận về việc thành lập các ê kíp », để chuẩn bị trong hai ba tuần lễ tới sẽ mở lại các đàm phán nhằm tìm phương hướng vượt qua các bất đồng.

Cũng như những lần hội kiến trước, tổng thống Mỹ tỏ ra tin tưởng, cũng như không vội vã. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tham gia vào cuộc gặp mặt tay ba lịch sử này, và cũng là người tham gia kiến thiết cuộc hội kiến bất ngờ, ghi nhận : với cuộc gặp mặt trực tiếp Trump – Kim lần thứ ba, tại Bàn Môn Điếm, « tiến trình hòa bình nhằm hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, và thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, đã vượt qua được một trở lực lớn ».

Vẫn theo Yonhap, sau khi thông báo về nhân sự đứng đầu đoàn đàm phán mỗi bên, Donald Trump và Kim Jong Un đã quyết định sẽ nhanh chóng tái khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Tổng thống Mỹ cho biết đặc sứ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun sẽ tiếp tục dẫn dắt đoàn đàm phán Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng thay đổi một số thành phần trong đoàn.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên không đưa ra tuyên bố nào sau cuộc họp kín.

Ngờ vực

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế và chính trị gia tỏ ra ngờ vực về cuộc hội kiến bất ngờ Trump – Kim lần thứ ba, mà tổng thống Mỹ thoạt tiên nhấn mạnh chỉ là một cuộc gặp thân mật nhằm duy trì quan hệ song phương, chứ hoàn toàn không phải là một cuộc thượng đỉnh lần thứ ba.

Mintaro Oba, một cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ, chuyên gia về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phê phán lối ngoại giao của tổng thống Mỹ, mang tính quảng cáo, không nhằm giải quyết các vấn đề thực chất. Trả lời ABC, ứng cử viên sơ bộ tranh cử tổng thống Mỹ, đảng Dân Chủ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders khẳng định bản thân ông không hề thấy có vấn đề gì khi gặp gỡ lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un tại Bắc Triều Tiên hay nơi khác, đồng thời lên án phong cách ngoại giao « trưng ảnh » của tổng thống Mỹ, và « chính sách trống đánh xuôi, kèn thổi ngược không thể tin nổi » của tổng thống Trump đã làm suy yếu nền ngoại giao Hoa Kỳ.

Món quà tráo đổi
Theo nhà phân tích Go Myong Hyun, Viện nghiên cứu chính trị Asan, Seoul, cuộc gặp nói trên là « một món quà rất lớn của Kim dành cho Trump », trong bối cảnh đàm phán bế tắc sau thượng đỉnh Hà Nội, bởi cho đến nay Washington không hề đáp ứng đòi hỏi của Bình Nhưỡng, là cần dỡ bỏ một số trừng phạt quốc tế để nối lại các đàm phán. Chế độ Bình Nhưỡng đã « mang lại một cơ hội mới » cho tổng thống Mỹ, muốn khẳng định là quan hệ ngoại giao có thể duy trì, chủ yếu nhờ mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo.

Ngược lại, vẫn theo vị chuyên gia này, cuộc gặp này cũng là món quà của tổng thống Mỹ tặng lãnh đạo họ Kim, từ lâu vẫn trông đợi một tổng thống Mỹ đặt chân lên đất Bắc Triều Tiên, và được Hoa Kỳ đối xử bình đẳng. Trước cuộc họp kín, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỏ ý tin tưởng là mối quan hệ mật thiết của mình với tổng thống Mỹ « sẽ cho phép vượt qua nhiều trở ngại », và chỉ có một mối quan hệ như vậy mới cho phép hai bên tổ chức trong chớp nhoáng một cuộc hội kiến được đánh giá là lịch sử này.

-------------------------------------

Ngày 30/06/2019 có thể được ghi vào lịch sử như là ngày mà một tổng thống Hoa Kỳ đang tại chức đặt chân trên lãnh thổ Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên. Đáp ứng lời mời qua Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trước đó một hôm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Bàn Môn Điếm để tiếp xúc với đồng nhiệm Hoa Kỳ. Nhân dịp này tổng thống Mỹ đã có một cử chỉ đầy biểu tượng : Bước qua lằn ranh biên giới, đặt chân lên phần đất của Bắc Triều Tiên.


Cuộc gặp lịch sử giữa một tổng thống Hoa Kỳ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại đường giới tuyến Liên Triều hôm nay, 30/06/2019, chỉ được quyết định vào giờ chót. Đầu giờ sáng hôm nay, giờ địa phương, vẫn chưa có thông tin gì về quyết định của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có tới Bàn Môn Điếm hay không.


Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một con đường dài trước khi có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại, với khả năng sẽ có nhiều trận chiến phía trước. Hôm nay 30/06/2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết như trên sau cuộc họp của nguyên thủ Mỹ - Trung bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.







View My Stats