Wednesday, 26 June 2019

NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN QUA ĐỜI (tổng hợp)





Quả thật tôi không còn nhớ đã quen anh từ hồi nào, gặp anh lần đầu ở đâu! Có lẽ từ giữa những năm 1980s – 1990s.

Tại nhà anh Dương Tường, hoặc tại thư viện Trung tâm Đông Tây nơi phố mới Trần Quý Kiên tọa lạc trên làng cốm khi xưa vừa xóa sổ!

Vốn đã biết bút danh Châu Diên của anh từ “Con nhện vàng”, rồi các bài ký hay truyện ký Châu Diên trên Văn nghệ cùng thời Chu Văn, Vũ Thị Thường những năm 1960s, cho nên những năm 1990 gặp anh lại như thấy một người khác, một nhà giáo dục có tư tưởng độc lập, mặc dù vẫn còn đó một nhà văn của “Người sông mê”…

Gần Phạm Toàn /Châu Diên/, gặp và đọc Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Xuân Khánh, tôi nhận ra một bộ phận thuộc thế hệ nhà văn tưởng đã tắt lụi đi sau Nhân văn-Giai phẩm, sau thanh trừng NQ 9, “xét lại hiện đại”, v.v…, hóa ra vẫn còn những kẻ sống sót này, sống sót và làm lại khuôn mặt thế hệ. Chỉ với dăm ba tác giả này thôi, thế hệ nhà văn miền Bắc ấy (thế hệ 3X) vẫn tỏ rõ tâm hồn và tài năng đàn anh so với thế hệ tiếp sau (thế hệ 4X)!

Với riêng Phạm Toàn, tôi được chịu những ơn ích cụ thể, đồng thời lại ân hận vì không dám đảm nhận những việc anh muốn giao phó…

Ấy là những kẻ kịp học chữ Nga để biết chút ít về thế giới đương thời mình, nhưng lại không kịp học chữ Pháp chữ Hán để xử lý các văn bản thuộc di sản lớp trước mình. Khi làm các cuốn sưu tập Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, gặp những đoạn câu chữ Pháp, tôi thường gởi email nhờ anh, phamtoanvidai, rồi phamtoankhiemton, luôn luôn, tôi được anh giúp rất nhanh chóng.

Khi khảo chuyện văn bản Số Đỏ, tôi cần có 2 truyện ngắn Guy de Maupassant để minh chứng cái “liên văn bản” mà Vũ Trọng Phụng viện đến, trong một chương kể quan hệ tay ba Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan, Cô Tuyết con cụ cố Hồng. Chỉ cần tôi tìm được văn bản chữ Pháp gởi cho anh, anh đưa lại bản dịch rất nhanh chóng.

Hồi 2017 đây, đang cùng các bạn Quảng Ngãi chuẩn bị kỷ niệm Nguyễn Vỹ, tôi có bản chụp “Tập thơ đầu” bằng chữ Pháp. Tôi lại nhờ anh, anh bảo các cậu bao giờ dùng đến, cho tớ một ít thời gian. Rồi anh cũng sớm gửi lại bản dịch, một bản dịch thơ mà khi đem hỏi ông Tiến Đặng bên Pháp, ông xem qua rồi nói OK.

Anh giúp cho như thế, nhưng những việc anh định giao thì tôi không dám làm, không dám nhận.

Anh rủ tham gia công việc Cánh Buồm? Tôi không dám, vì biết mình không có chuyên môn tương ứng, không thể làm được. Tôi lại cũng có một lô những việc đã định ra trước rồi, nên không thể làm thêm việc…, nhất là những việc cần có chủ kiến từ trước để có thể theo đuổi lâu dài.

Tôi ân hận vì chẳng giúp anh được gì!

Vĩnh biệt anh.

Mong sự nghiệp Cánh Buồm anh đi đầu sẽ có các bạn trẻ tiếp nối.

26/6/2019
Lại Nguyên Ân


-----------------------------------------

Sunday, 26/05/2019

"Không thể đạt được điều gì vĩ đại trên thế gian này nếu không tâm huyết” (Nothing great in the world has been accomplished without passion.” (Hegel, 1770-1831). 

Nhà giáo Phạm Toàn

Hôm qua vào IPICK tôi giật mình thấy bài của Phạm Toàn (Ngẫu Hứng Âm nhạc) do Phạm Xuân Nguyên posted (25/5), cùng tấm hình do Trần Quốc Trọng chụp. Phạm Toàn đang kéo áo chùi nước mắt khi Phạm Xuân Nguyên đọc cho ông nghe diễn văn nhậm chức của Zelensky (tân tổng thống Ukraine). Đây là một tấm hình biết nói đầy cảm xúc (speaks volumes).

Phạm Toàn đang kéo áo chùi nước mắt

Nếu Gallup Poll nhìn thấy tấm hình này và hiểu câu chuyện, chắc họ sẽ không đánh giá Việt Nam là “một trong những nước vô cảm nhất thế giới”. 

Tuy trong danh mục 20 bài được đọc nhiều nhất trên IPICK sáng nay có 8 bài về “Vợ ba” và về điện ảnh, nhưng không biết có bao nhiêu người đọc bài của Phạm Toàn và cảm nhận gì về tấm hình ông đang lặng lẽ chùi nước mắt vì xúc động trước những biến chuyển của Ukraine và cám cảnh về Việt Nam.

Cách đây mấy hôm, khi chúng tôi đến thăm, ông đang ôm bụng rên vì cơn đau, nhưng vẫn say sưa nói về cuộc hội thảo sắp tới của Cánh Buồm và những việc cần làm. 

Dường như cả cuộc đời Phạm Toàn chỉ nghĩ đến trẻ em. Ngay trong bài Ngẫu Hứng Âm nhạc, khi thể xác đang bị đau đớn vì bạo bệnh hành hạ, ông vẫn hồn nhiên dành phần cuối bài nói về 3 vấn đề cốt lõi của giáo dục tiểu học. Có lẽ đây là nhưng lời cuối và những giọt nước mắt cuối cùng. 

Trước tấm hình ông lão 88 tuổi đang kéo áo chùi nước mắt khi nghe bài diễn văn của Zelensky, và những lời tâm sự cuối cùng khi ông cố đọc cho học trò ghi lại như “Tiếng hót Thiên nga”, chắc các bạn của Phạm Toàn cũng muốn khóc. 

Ai cũng cầu mong cho Phạm Toàn sống thêm vài tuổi, không phải để chúc thọ 90 tuổi, mà để làm nốt những gì mà cả cuộc đời ông tâm huyết theo đuổi. Ai cũng cầu mong cho ông bớt đau đớn trước quy luật “sinh-lão-bệnh-tử”.  

Trong khi ngành giáo dục chi hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án hoành tráng và loay hoay đối phó với nạn chạy điểm vào mùa thi (như “đến hẹn lại lên”), thì ông lão 88 tuổi này vẫn đang cặm cụi một mình viết sách giáo khoa Cánh Buồm (tuy không có kinh phí). Ngay trong lúc bị bạo bệnh hành hạ, ông vẫn không nghĩ đến mình, mà chỉ nghĩ đến trẻ em.

Đến cuối đời, tài sản của Phạm Toàn không có gì khác ngoài tủ sách Cánh Buồm, và tấm lòng nhân ái dành cho trẻ em. Bài Ngẫu Hứng Âm nhạc là “Tiếng hót Thiên nga”. Người ta kể rằng khi con thiên nga già biết mình sắp phải rời thế gian này, nó cố gắng hết sức bay lên thật cao, và cất lên tiếng hót cuối cùng đến não lòng, trước khi thả mình rơi xuống…

Phạm Toàn là một ông lão Nhâm thân đã 88 tuổi, nhưng vẫn không chịu già. Ông vẫn hồn nhiên vui sống và say mê làm việc cùng học trò tại nhóm Cánh Buồm. Từ trường Thực Nghiệm, đến trang mạng Bauxite, đến dự án Cánh Buồm, Phạm Toàn vẫn không chịu bỏ cuộc. Có người nói rằng ông đúng là một nhà giáo “Của Dân, Do Dân, Vì Dân”. Không sai.  

Nhưng ông vẫn hồn nhiên và dí dỏm: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi!”

May thay, chẳng ai có lỗi!

Nam Mô Adida Phật!

NQD. 26/5/2019 

--------------------------------------

Tin Buồn: VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN


Chân dung nhà giáo Phạm Toàn

TIN BUỒN
Chúng tôi vô cùng đau buồn báo tin

Nhà giáo, Nhà văn 
PHẠM TOÀN 
(Châu Diên)

sinh ngày 1 tháng 7 năm 1932 
tại Đông Anh, Hà Nội,

Thành viên sáng lập trang Bauxite Việt Nam,
Chủ trương và đứng đầu nhóm Cánh Buồm,
dịch giả cuốn "Nền dân trị Mỹ"

Giải thưởng Phan Châu Trinh,
Sau thời gian lâm bệnh, đã từ trần hồi 06h42,
ngày 26/6/2019 (ngày 24 tháng 5 năm Kỷ Hợi).
Hưởng thọ 88 tuổi.
Tang lễ tổ chức vào ngày 28/6/2019 (thứ Sáu)
tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch).
Lễ viếng bắt đầu từ 8h00 đến 9h30.
Lễ truy điệu từ 9h30 đến 10h00.


Hóa thân về cõi vĩnh hằng cùng ngày 

tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển).

Gia đình nhà giáo Phạm Toàn xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng).

  ****
Kính cẩn vĩnh biệt Thầy Phạm Toàn! Một nhà giáo đúng nghĩa, Một nhân sĩ trí thức đáng kính, Một sĩ phu Bắc Hà đích thực đã nằm xuống, để lệ buồn rơi trên khắp mặt anh em trong Nam ngoài Bắc. Xin dâng lời cầu nguyện anh linh Thầy thanh thản về cõi vĩnh hằng.

Nghiêng mình chia buồn cùng tang quyến, bằng hữu và học trò của Nhà giáo, Nhà văn, Dịch giả Phạm Toàn.

---------------------

NHỮNG ĐẦU SÁCH VĂN HỌC CỦA NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ CHÂU DIÊN 
(tức NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN):

- Tập truyện "Mái nhà ấm" (1959)
- Tập truyện "Con nhện vàng" (1962)
- Tiểu thuyết "Chín mươi ba" (Victor Hugo)
- Truyện ngắn "Hamlet thiu thiu ngủ",
- "Hoàng tử bé" (Antoine De Saint Exupery), 1986
- "Bay đêm" (Antoine De Saint Exupery), 1986
- "Nhà tiên tri" (Kahlil Gibran), 1992
- Truyện ngắn "Hội ngộ ở phố Hờ Bờ", 2006
- Truyện ngắn "Gia đình cãi cọ", 2006
- "Con trai của người" (Khahlil Gibran)
- "Vẻ đẹp đời" (Khahlil Gibran),
- Truyện ngắn "Miên mợ và U và...", 2010
- "Sư tử " (J. Kessel), 1987,
- "Cô chủ quán" (K. Goldoni)1983
- Kịch "Ruồi" (J. P. Sartre), 1985
- Tiểu thuyết "Người Sông Mê", 2003
- Tiểu thuyết "Vào một đêm không trăng", Đới Tư Kiệt, 2008
- Tiểu thuyết "Mặc cảm của Đ.", Đới Tư Kiệt, 2003
- Tập truyện ngắn "Bảy mươi ba chiếc cối đá", 2006
- Tập truyện ngắn "Sấm trên núi", 2010
- Truyện ngắn - Kịch "Ngọn đèn xanh", 2013

NHỮNG ĐẦU SÁCH GIÁO DỤC - KHAI SÁNG CỦA NHÀ GIÁO, DỊCH GIẢ PHẠM TOÀN:

- Công nghệ dạy văn (NXB Đại học Quốc gia, 2000, NXB Lao động, 2006, NXB Tri thức, 2007)
- Hợp lưu các dòng tâm lý giáo dục (NXB Tri thức, 2008)
- Nền dân trị Mỹ, Alexis De Tocqueville, (NXB Tri thức, 2007, 2008, 2011)

Tủ sách Sư phạm và Tâm lý học Cánh Buồm - nhà giáo Phạm Toàn chủ biên:
- Cơ cấu trí khôn, Howard Gardner, (NXB Giáo dục, 1997, NXB Tri Thức, 2013)
- Sự hình thành trí khôn ở trẻ em, Jean Piaget, (NXB Tri Thức, 2016)
- Sự xây dựng cái thực ở trẻ, Jean Piaget, (NXB Tri Thức, 2016)
- Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em, Jean Piaget, (NXB Tri Thức, 2017)

- Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại (NXB Tri Thức)
- Cẩm nang sư phạm, T1, Giáo dục Hiện đại
- Cẩm nang sư phạm, T2, Hướng dẫn sử dụng sách môn tiếng Việt
- Cẩm nang sư phạm, T3, Hướng dẫn sử dụng sách môn Văn
- Cẩm nang sư phạm, T4, Hướng dẫn sử dụng sách môn Lối sống

Sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm:

- SGK Văn 1, Văn 2, Văn 3, Văn 4, Văn 5, Văn 6, Văn 7, Văn 8, Văn 9,
- SGK Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Tiếng Việt 3, Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5, Tiếng Việt 6, Tiếng Việt 7, Tiếng Việt 8, Tiếng Việt 9
- SGK Lối sống 1, Lối sống 2, Lối sống 3, Lối sống 4, Lối sống 5
- SGK Khoa học 1, Khoa học 2, Khoa học 3, Khoa học 4, Khoa học 5
- SGK Tiếng Anh 1, Tiếng Anh 2, Tiếng Anh 3

Vì những đóng góp cho cải cách giáo dục Việt Nam nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã vinh dự được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Phan Châu Trinh.


---------------------------


KD: Blog Kim Dung/Kỳ Duyên KD/KD vừa nhận được Chương trình tang lễ Nhà giáo Phạm Toàn. Xin trân trọng đăng trên Blog để bạn đọc, bạn bè gần xa được biết và chia sẻ

Xin chia buồn với Phạm Anh Tuấn và Gia quyến.

————————————-

                          TIN BUỒN

Gia đình chúng tôi đau buồn báo tin: 

                 NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN 

đã qua đời lúc 6h42′ ngày 26/6/2019 (24/5 Kỷ Hợi) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng và truy điệu từ 8h00 đến 10h00, ngày 28/6/2019 (thứ Sáu) tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch).

An táng cùng ngày tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển). 

Gia đình xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng).

TM gia đình
Trưởng nam
Phạm Anh Tuấn





No comments:

Post a Comment

View My Stats