Tuesday, 25 June 2019

MỸ - TRUNG : NGƯỜI ỒN ÀO, KẺ LẶNG LẼ (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 25-06-2019

Báo Le Figaro trên mục Ý Kiến có câu hỏi : « Làm thế nào Trung Quốc từng bước một mở rộng tầm ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc ? ». Câu hỏi được đặt ra vào lúc hôm Chủ Nhật 23/06/2019, ứng viên Trung Quốc, Khuất Đông Ngọc, bỏ xa đối thủ Pháp, bà Catherine Geslain-Lanéelle, để được bầu chọn làm chủ tịch tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc.

Tân tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), người Trung Quốc. Vincenzo PINTO/AFP

Thắng lợi này của Trung Quốc cho thấy rõ một kế hoạch chiến đấu thật sự để chiếm giữ nhiều vị trí chiến lược trong bộ máy điều hành của Liên Hiệp Quốc : Các tổ chức phụ trách hàng không dân sự quốc tế, phát triển công nghiệp và viễn thông. Hiện cơ quan phụ trách Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc là do một người Trung Quốc lãnh đạo.

Thế nhưng, sự thèm muốn vô độ này của Trung Quốc đang khiến nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách « áp đặt các luật chơi của họ tại quỹ FAO để phục vụ lợi ích riêng của Trung Quốc », theo như nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu.

Là một nước nhập khẩu nông sản hàng đầu, nhiều nước e ngại Trung Quốc tìm cách thâu tóm đất nông nghiệp tại các nước châu Phi. Hơn nữa, việc có vai trò ngày càng lớn tại Liên Hiệp Quốc quy tụ đến 193 nước thành viên đủ cho phép Trung Quốc bóp nghẹt mọi tiếng nói chỉ trích nhắm vào nước này.

Thách thức khác không kém phần quan trọng : Trung Quốc, ngày càng cạnh tranh dữ dội với Hoa Kỳ giành quyền bá chủ, cũng đang tìm cách vạch lại các nguyên tắc lãnh đạo thế giới. Sự hiện diện của Bắc Kinh trong các tổ chức Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép Trung Quốc xúc tiến các chuẩn riêng của mình, thay thế những chuẩn mực do Hoa Kỳ thiết lập ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.

Theo đó, nhân quyền sẽ được dựa theo phát triển kinh tế và xã hội (chứ không dựa theo việc bảo đảm các quyền tự do). Một cách tổng quát hơn là từ bỏ « các giá trị phổ quát » (mà Trung Quốc xem đấy là những giá trị của phương Tây), để phát triển mô hình chính trị chuyên chế Trung Quốc.

Le Figaro lưu ý, cách tiếp cận này không chỉ được áp dụng ở Liên Hiệp Quốc. Dự án khổng lồ « Con đường Tơ lụa mới » nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp hành tinh còn giúp cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao.

Đế chế Trung Hoa đã thành lập những cơ chế cạnh tranh với những định chế hiện hữu như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á để làm đối trọng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Hay như thành lập nhóm 16+1 với sự tham gia của Trung Quốc cùng nhiều nước Đông – Trung Âu, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Một dạng « con ngựa thành Troy » gây khó chịu cho nhiều nước châu Âu lớn.

Là người Trung Quốc đầu tiên điều hành quỹ FAO, ông Khuất Đông Ngọc cam kết « không thiên vị và trung lập » và « minh bạch » hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Le Figaro lưu ý : « Lời nói phải đi đôi với việc làm » mới mong xóa tan được các ngờ vực.

RCEP : Công cụ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN

Trong khi đó tại Đông Nam Á, « Trung Quốc thúc đẩy nhanh dự án thỏa thuận tự do mậu dịch vùng châu Á – Thái Bình Dương ».

Theo Les Echos, bị Hoa Kỳ đẩy vào một cuộc chiến thương mại dai dẳng, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nhanh hơn nữa hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP, quy tụ 16 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Được hình thành năm 2012, hiệp định này giờ có tính thời sự hơn bao giờ hết sau khi tổng thống Trump thông báo rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trên nguyên tắc, RCEP tập hợp các nước thành viên khối ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand nhằm hình thành một vùng trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới.

Căng thẳng Mỹ - Iran : Macron và Abe, phao cứu hộ cho Mỹ ?

Căng thẳng Mỹ và Iran đến hồi cao trào. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro hối thúc « Macron và Abe phải hành động nhanh chóng ! ». Trong tình hình căng thẳng hiện nay, việc tổng thống Pháp đến Tokyo gặp thủ tướng Nhật Bản, hai ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20 là một cơ hội để hình thành một liên minh « hòa giải » căng thẳng Mỹ và Iran.

Nhà báo Girard nhắc lại tổng thống Trump không hề muốn chiến tranh, nhưng hai cộng sự thân cận John Bolton – cố vấn an ninh quốc gia và Mike Pompeo – ngoại trưởng lại là những kẻ hiếu chiến, không hề che giấu ý đồ lật đổ chế độ Teheran bằng vũ lực.

Thế nhưng, phe quân đội tỏ ý dè chừng trước những ý đồ này của hai nhân vật diều hâu, nhất là ông Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Hơn ai hết, giới quân nhân Mỹ hiểu rất rõ thế nào là một cuộc chiến, nếm mùi ra sao những khổ nhọc, hậu quả khó lường mà chiến tranh gây ra, rồi những khó khăn để thoái lui khi họ muốn…

Tướng Dunford cũng hiểu rõ rằng người Mỹ sẽ chẳng bao giờ kiểm soát được các leo thang xung đột với các giáo chủ Iran, cũng như nghi ngại khả năng chiến đấu của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran trong khắp cả vùng Trung Đông. Họ có thể đẩy các lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Trung Đông vào một cuộc chiến bất cân xứng khó làm chủ. Mà bài học hiển nhiên hiện nay là cuộc chiến Afghanistan.

Tổng thống Trump cũng như nhiều nghị sĩ, bất kể là Dân Chủ hay như Cộng Hòa, dường như hiểu rõ cái giá phải trả nếu Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến với Iran. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tổng thống Mỹ lại không có một phương tiện nào để đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tinh thần tối cao Khamenei. Hội đồng An ninh Quốc gia, bộ Ngoại Giao và CIA cũng không giúp ích gì được cho ông. Chiến tranh có nguy cơ bất ngờ nổ ra. Bolton và Pompeo có thể đẩy Iran phạm phải sai lầm.

Do vậy, theo tác giả, để có thể đưa nhân loại ra khỏi cuộc chiến địa chính trị này, Macron và Abe phải nhanh chóng hành động. Nước Pháp và Nhật Bản phải làm giao liên giữa Teheran và Washington, cho đến khi nào Mỹ và Iran nghiêm túc chấp nhận ngồi lại đàm phán. Chính vào lúc này họ sẽ đạt được thỏa thuận. Bởi vì, bên này cũng như bên kia, về lâu dài, đều có lợi cả.

Iran và Mỹ : Donald Trump điều chỉnh hướng bắn

Liệu lời kêu gọi của ông Renaud Girard có bị chậm trễ rồi không ? Bởi vì, theo Les Echos, hôm qua, 24/06/2019, tổng thống « Trump đã trừng phạt giáo chủ Khamenei »

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm lãnh đạo tinh thần tối cao Iran và những người thân cận của ông tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế, với hy vọng đủ gia tăng áp lực với Iran nhằm kéo nước này ngồi vào bàn đàm phán. Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể vận động các nước về việc bảo đảm an ninh hàng hải nhân thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Tóm lại, « để chống Iran, Trump điều chỉnh hướng bắn » như hàng tựa nhận xét của Libération.

----------------------------------

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 25-06-2019

Mặt trận chống ảnh hưởng của Trung Quốc đang được Mỹ mở rộng thêm. Le Figaro, trên mục Câu chuyện trong ngày, cho biết « Washington đang cố đánh bật Trung Quốc khỏi đảo chiến lược Groenland ».

Mỹ và phương Tây cố gắng ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Groeland. (Ảnh chụp ngày 13/06/2019)Steffen Olsen via REUTERS

Vụ việc bắt đầu bằng dự án mở rộng các sân bay quốc tế Nuuk, Illulissat và Qaqortoq, ước tính tổng trị giá công trình lên đến 483 triệu euro. Thế nhưng việc, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc China Communications Construction Company CCCC đã trúng sơ tuyển năm 2018, đã khiến cho chính quyền Copenhague và Washington lo ngại.

Tuy Groenland là vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch ở Bắc Cực nhưng nơi đây lại là sân sau chiến lược, nơi đồn trú một khu căn cứ radar của Mỹ. Do vậy, với Washington không có chuyện để « kẻ lạ » Trung Quốc xích lại gần khu vực này.

Hoa Kỳ vội vã cam kết « đầu tư không chỉ trong các dự án cảng hàng không mà cả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu và du lịch », theo như quan sát của nhà nghiên cứu Jon Rahbek-Clemensen. Về phần mình, chính quyền Copenhague – thường tránh can thiệp vào chuyện nội bộ đảo Groenland – cũng thông báo hỗ trợ 215 triệu euro cho dự án.

Kết quả là tập đoàn Trung Quốc « đã biện minh việc rút lui khỏi dự án do những khó khăn về xin visa nhập cảnh cho các kỹ sư ». Ông Jon Rahbek-Clemensen tin rằng ảnh hưởng của Washington đã không để cho Trung Quốc có cơ hội chiếm lấy thị trường.

Siêu máy tính, thiết bị 5G của Trung Quốc : Nạn nhân mới ?

Sau các thiết bị của Hoa Vi, chính quyền Washington tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ khác. Theo Le Figaro, « Hoa Kỳ tấn công các siêu máy tính của Trung Quốc ».

Thứ Sáu, 21/06/2019, bộ Thương Mại Mỹ thông báo đưa thêm 5 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc vào « danh sách đen ». Những doanh nghiệp này không được phép giao thương với các tập đoàn Mỹ với lý do đây là những công ty tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hại an ninh quốc gia và các lợi ích đối ngoại của Mỹ.

Trong số này có hãng Sugon, một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại siêu máy tính Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ quân sự cho đến cả dự báo thời tiết ; một hãng liên doanh Mỹ - Trung, đặc biệt là Viện nghiên cứu Vô Tích Giang Nam (Wuxi Jiagnan), trực thuộc quân đội, được cho là có vai trò quan trọng trong chương trình « hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ».

Việc đưa thêm những doanh nghiệp này vào danh sách đen cho thấy mạng 5G không chỉ là mối bận tâm duy nhất của Mỹ. Những chiếc siêu máy tính cực mạnh này được sử dụng rất nhiều trong nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và điện toán lượng tử, hai lĩnh vực rất được ưa chuộng và quan trọng cho tương lai các ngành công nghệ mới. Đối với Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác, việc làm chủ những chiếc máy này là một thách thức chính trị thật sự.

Liên quan đến công nghệ mạng 5G, Les Echos cho biết thêm « Hoa Kỳ không muốn 5G ʺMade in Chinaʺ ». Nhật báo kinh tế trích dẫn thông tin từ tờ Wall Street Journal cho hay Washington rất có thể sẽ cấm các trang thiết bị 5G sản xuất ở Trung Quốc, hiện đang được triển khai trên các mạng lưới viễn thông của Mỹ.

Nếu lệnh cấm này được thông qua, đây sẽ là một « bước ngoặt » trong chuỗi « dây chuyền cung ứng » của các nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông. Ericsson và Nokia cũng như là Samsung, có nguy cơ phải di dời một phần các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc sang một số nước khác để có thể tiếp tục cung cấp thiết bị cho thị trường Mỹ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats