Tuesday, 25 June 2019

VẤN NẠN SÁCH GIẢ, SÁCH LẬU Ở VIỆT NAM (tổng hợp)




Tuổi Trẻ Online
23/06/2019 12:24 GMT+7


TTO - Sách lậu, sách giả phát tán như virút lâu nay đã gây nên nhức nhối, nguy hại nghiêm trọng không chỉ với riêng ngành xuất bản. Nhưng tại sao tình trạng này vẫn tồn tại mỗi lúc một tinh vi hơn?



Toàn bộ kho sách 50.000 cuốn của Công ty CP Phát hành sách và thiết bị giáo dục VN bị phát hiện là sách lậu trong một đợt kiểm tra năm 2010 tại Hà Nội - Ảnh: Nhà xuất bản Giáo Dục cung cấp

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các bên liên quan, tất cả đều đòi hỏi pháp luật phải nghiêm minh với nạn sách lậu :

Cần nhận diện rõ sách giả chính là hàng giả, có khả năng gây nguy hại lớn cho xã hội.
PGS.TS NGUYỄN AN TIÊM (phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)

*
Bà Khúc Thị Hoa Phượng (giám đốc - tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ):
Không thể chấp nhận làm hàng giả là... bình thường

Theo tôi, sách lậu ở VN hiện nay đang trong tình trạng tràn lan, không thể kiểm soát. Vấn nạn lớn lúc này là sách lậu trên mạng Internet. 100% các nhà xuất bản làm sách tốt đều bị sách lậu trắng trợn (in lậu số lượng lớn; đánh máy/scan nội dung sách; bán sách lậu công khai trên các trang mạng; người tiêu dùng sẵn sàng mua sách lậu vì giá rẻ, vì thói quen tiêu dùng... miễn phí!).

Nhiều trang bán sách lậu công khai, mời bạn đọc đọc công khai. Bạn đọc coi việc đọc/mua sách lậu là hành vi bình thường vì cho rằng mình không làm sai, đó là tài sản "công cộng".

Hầu hết nhà xuất bản có sách hay, sách tốt đều bị làm lậu. Sách lậu tràn lan thực tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận của ngành xuất bản.

Sách lậu cũng làm sai lệch kiến thức, không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Người sản xuất buôn bán sách lậu hiện nay bị xử phạt hành chính quá nhẹ. Vì thế nên áp dụng các hình phạt nặng, thậm chí hình sự, cần thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh của các cá nhân, đơn vị vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng này, phải tăng cường nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước (hiện nay lực lượng quá mỏng). Bên cạnh đó, quy định cụ thể hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, tiêu dùng sách lậu là hành vi sản xuất, tàng trữ và tiêu dùng hàng giả.

Trên cơ sở đó có hình phạt nặng/hình sự, không cho phép đối tượng vi phạm tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh sách.

Cơ quan an ninh mạng cần quyết liệt điều tra các trang mạng vi phạm để có chế tài phạt thích đáng. Tòa án cần xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, tránh tình trạng xử phạt gây thất vọng: đơn vị làm sách lậu thắng kiện, đơn vị có sách bị làm lậu thua kiện như một vụ xử gần đây. Cùng với đó là nâng cao nhận thức xã hội đối với nạn sách lậu, sách giả.

*
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên (phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng):
Phải chế tài đủ mạnh

Sách giả được sản xuất tinh vi hơn, có chất lượng ngang ngửa đến mức nếu không có những nghiệp vụ đặc biệt sẽ rất khó nhận ra. Các chợ thương mại điện tử cũng là nơi sách giả xuất hiện và người mua còn khó lòng kiểm soát hơn.

Tôi nghĩ tác hại lớn nhất của việc sử dụng sách giả chính là sự không tôn trọng sở hữu trí tuệ, mà hệ lụy chính là kìm hãm sự sáng tạo ở những người viết sách và của các đơn vị làm sách chân chính.

Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về nhiều bên. Các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa có các biện pháp quản lý, kiểm soát các cơ sở in, phát hành. Chế tài đưa ra chưa đủ sức răn đe. Người mua sách vẫn chấp nhận mua và sử dụng sách giả vì tâm lý rẻ, cũng như thiếu kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ.

Có lẽ biện pháp hiệu quả nhất là phải có chế tài đủ mạnh, có sức răn đe với các tổ chức, cá nhân làm sách lậu. Những đơn vị này thu lợi tiền tỉ từ sách lậu, nhưng chỉ bị phạt tiền triệu thì có lẽ cũng chỉ như "muỗi đốt gỗ".

*
TS Châu Huy Quang (luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT Lawyers):
Thực thi pháp luật về quyền tác giả rất yếu

Chuyện sách lậu, sách giả chính là chuyện vi phạm quyền tác giả. Nếu so với nhiều lĩnh vực khác, tôi cho rằng quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng của Việt Nam là tương đối nhiều.

Tuy nhiên, khâu thực thi pháp luật về quyền tác giả nói riêng, về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung tại Viẹt Nam lại rất yếu. Hệ thống cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra) chưa có "án điểm" (dân sự lẫn hình sự) đủ nghiêm minh làm "án lệ" tiền lệ áp dụng các chế tài dân sự, hình sự đủ mạnh, có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản nói riêng ở Việt Nam.
Với tình hình sách lậu, sách giả nghiêm trọng như hiện nay, chắc chắn sẽ hạn chế các tác phẩm hay đến tay bạn đọc.

*
Ông Lê Thành Anh (phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam):
Kiếm tiền từ sách giả quá dễ

Tình trạng in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu tồn tại ngang nhiên, kéo dài nhiều năm qua với số lượng lớn, quy mô rộng do lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu mang lại quá lớn, trong khi đó khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp.

Khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm thì mức phạt tối đa 200 triệu đồng là không đáng kể.

Ngoài ra, chính các nhà xuất bản chưa thật sự chủ động, tích cực, thường xuyên trong triển khai các công việc nhằm phòng chống làm giả và tiêu thụ sách giả; trong khi xã hội chưa nhận thấy hết các nguy hại, các tác động tiêu cực của hành vi tiêu thụ, sử dụng xuất bản phẩm in lậu, in giả.

Nhà nước cần rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm in giả… sao cho đầy đủ, bao quát được thực tiễn với chế tài xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dám vi phạm.

Hãy quyết liệt đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc.

*
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (phó cục trưởng Cục Xuất bản - in và phát hành):
Phải sửa đổi chính sách

Để chống sách lậu hiệu quả hơn, Bộ Thông tin - Truyền thông đã kiến nghị nhiều nội dung đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách như: tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động in, đặc biệt là in không có quyết định xuất bản, in vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, in vượt quá số lượng…, bổ sung một số hành vi để có chế tài xử lý nhằm ngăn chặn hành vi in lậu…

*
PGS.TS Nguyễn An Tiêm (phó chủ tịch Hội Xuất bản VN):
3 loại sách lậu trên thị trường

Loại sách lậu thứ 1 là sách in chui, không thông qua cấp phép. Đây là loại sách lậu nguy hiểm nhất bởi không ai kiểm soát chất lượng nội dung. Loại sách lậu này có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức của người đọc.
Loại sách lậu thứ 2 do chính các đơn vị làm sách tiếp tay. Đơn cử, họ in cho nhà xuất bản 1.000 cuốn, sau đó tự in nối bản 5.000 - 7.000 cuốn nữa y chang loạt in đầu.
Họ in lậu và không hề phải lo tiền bản quyền cũng như các khâu biên tập, trình bày, in ấn… nên có thể bán với giá bằng một nửa sách thật. Đây là hình thức lậu rất tinh vi, có sự tiếp tay của các công ty in, các "đại gia", cửa hàng sách. Hình thức này có khả năng hủy hoại ngành xuất bản.
Loại sách lậu thứ ba là "sách đội mũ". Họ đăng ký đề tài với cơ quan quản lý một đằng, nhưng khi bắt tay vào làm nội dung lại thực hiện một nẻo. Họ vẫn dùng "mũ sách" được cấp phép, chỉ có nội dung là khác.
Việc xử phạt sách lậu phần lớn mới dừng ở phạt hành chính. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có một nền xuất bản đường hoàng, đĩnh đạc, phát triển.


TTO - Làm sách giả, sách lậu thu lợi hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng hình phạt chỉ vài chục triệu đồng; nhà sách bị làm lậu sách nhưng lại bị xử thua kiện trước kẻ in lậu sách, lại có đơn vị tự làm lậu sách của chính mình…

THIÊN ĐIỂU - NGỌC DIỆP

-------------------------------------

SGGP 
Thứ Hai, 24/6/2019 06:44

Câu chuyện về sách giả, sách lậu là vấn đề không mới, song tại thời điểm này, đây vẫn là một trong những vấn nạn chưa tìm được thuốc chữa. Nó không chỉ gây ảnh hưởng tới kinh tế mà nguy hại với văn hóa, xã hội. 

Về tâm lý, nhiều người vẫn quan niệm rằng, sách lậu, sách giả chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với các nhà làm sách chân chính và tác giả của cuốn sách, chứ không gây tổn hại đến độc giả, nếu không muốn nói là độc giả có lợi vì mua được sách rẻ. Vì thế, họ vẫn tiếp tục chấp nhận mua sách lậu. Song thực tế, sự nguy hiểm của ấn phẩm lậu là rất rõ ràng. Nó triệt tiêu sự sáng tạo, làm sai lệch thông tin nên tác động xấu đến xã hội. Một hệ lụy lớn hơn của sách giả là sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Sách giả dù có làm giống sách thật thì chất lượng cũng chỉ đạt được 80% (hình thức như giấy in xấu hơn, đen hơn, bìa sách “dại” hơn, nội dung không chỉn chu, nhiều lỗi chính tả, cú pháp...). Người quen đọc sách giả cũng quen dần với những yếu tố kém chất lượng ấy, vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức của bản thân. Bên cạnh đó, xuất hiện tâm lý ham rẻ mà coi thường chất xám, coi thường công sức của người viết sách và làm ra sách. Chưa kể, những lỗi sai về nội dung, chính tả sẽ làm sai lệch về nhận thức.

Một quốc gia phát triển là nơi bản quyền tác giả được tôn trọng ở mức cao nhất. Người mua sách vẫn chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các NXB, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Berne và WTO. Uy tín không có đồng nghĩa với việc các NXB sẽ khốn đốn khi muốn thương thảo bản quyền với nước ngoài, dần dần những cuốn sách best-seller trên thế giới ngày càng khó đến được tay độc giả Việt Nam.

Hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính. Theo đó, hành vi in lậu bị phạt 30 - 40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên là 20 - 30 triệu đồng. Trong khi đó, làm sách giả, sách lậu thu lợi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; nhà sách bị làm lậu sách nhưng lại thua kiện trước kẻ in lậu sách, lại có đơn vị tự làm lậu sách của chính mình…

Phải nhìn thẳng vào bản chất sách lậu, đó chính là hàng giả vì không có giấy phép in, không có nguồn gốc xuất xứ, không trả tác quyền, chất lượng kém và cũng độc hại cho người tiêu dùng. Chúng ta cần xây dựng một quy định đặc thù đối với sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc, mỗi khách hàng hãy tự cứu lấy sách bằng chính hành động nói không với sách giả, sách lậu. Chỉ khi ấy, cuộc chiến với sách giả, sách lậu mới có thể khép lại.
MAI AN





No comments:

Post a Comment

View My Stats