Thursday 30 April 2020

LUẬT KHOA TẠP CHÍ - ĐIỂM TIN NGÀY 30/04/2020






Các phiên cập nhật: 8:00 – 18:00 (giờ Việt Nam)

Bạn đang đọc bài điểm tin hàng ngày của Luật Khoa. Bản tin này được cập nhật hai lần mỗi ngày, vào lúc 8:00 và 18:00. Mọi ý tưởng, phản hồi xin gửi vào địa chỉ email bbt@luatkhoa.org.

.
Michigan: Biểu tình có vũ trang tại tòa nhà Quốc hội bang, đòi dỡ lệnh phong tỏa
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ảnh : Reuters

Hàng trăm người, trong đó có một số người mang súng trường, đã biểu tình tại tòa nhà Quốc hội bang Michigan (Mỹ) phản đối gia hạn lệnh phong tỏa của Thống đốc bang này, theo Reuters.

Lệnh phong tỏa để đối phó với đại dịch COVID-19 của Michigan hết hiệu lực vào thứ Năm, 30/4 (giờ Mỹ). Thống đốc Gretchen Whitmer (Đảng Dân chủ) đã đề nghị Quốc hội bang gia hạn thêm 28 ngày nhưng không được Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát chấp thuận. Tuy vậy, Thống đốc Whitmer vẫn có quyền gia hạn phong tỏa thêm 15 ngày.

Ở bang Michigan, người dân có quyền mang súng vào tòa nhà Quốc hội. Nhiều người biểu tình mang các khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Michigan là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ trong đại dịch COVID-19, với 3.789 ca tử vong cho đến nay. 

Ảnh : AFP

Ảnh: Twitter Senator Dayna Polehanki @SenPolehanki.

Ảnh : AFP

.
TT Trump: Không tin kết quả thăm dò thể hiện ông Biden đang dẫn trước
Cập nhật lúc 18:00 – Giờ Việt Nam.
Thứ Tư (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không tin những kết quả thăm dò dư luận cho thấy đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, đang dẫn trước trên phạm vi toàn quốc, theo Reuters.

Tôi không tin các thăm dò này”, ông nói. “Tôi tin người dân của đất nước này thông minh. Và tôi không nghĩ họ sẽ bầu cho một người kém năng lực”.
“Và tôi nói kém năng lực không phải vì tình trạng của ông ấy hiện nay. Ý tôi là ông ta đã kém năng lực cả 30 năm nay rồi. Mọi thứ ông ta làm đều tệ. Chính sách đối ngoại của ông ta là một thảm họa”, ông Trump công kích trực diện ông Biden.

Thăm dò của hãng thông tấn Reuters và hãng nghiên cứu thị trường Ipsos tuần này cho thấy 44% cử tri toàn quốc ủng hộ Biden, trong khi đương kim tổng thống Trump chỉ có 40%.

Không chỉ vậy, một thăm dò của hai hãng trên gần đây tại ba bang chiến trường của mùa bầu cử năm nay là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania cho thấy ông Biden cũng dẫn trước với tỷ lệ thậm chí còn cách biệt hơn với tổng thống (45% – 39%).

.
TT Trump: Trung Quốc muốn tôi thất cử
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn vào tối thứ Tư vừa qua với Reuters tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc sẽ tìm cách khiến ông thất cử vào tháng 11 năm nay.

Trump lên tiếng phê phán mạnh mẽ và cho rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu COVID-19. Theo thống kê của Reuters, bệnh dịch này đã khiến 60.000 người Mỹ tử vong, cộng với nền kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Donald Trump hiện phải đối mặt với nhiều chỉ trích là đã chống dịch quá chậm trễ.

Theo ông Trump, những điều này sẽ tác động tiêu cực đến chiến dịch tranh cử của ông, và đó là lý do ông đang xem xét các biện pháp xử lý Bắc Kinh cho việc gây ra dịch bệnh. “Tôi có thể làm nhiều thứ lắm” – ông khẳng định. 
Trump tin rằng ngay từ đầu, phía Trung Quốc nên hành động sớm hơn để thông báo cho cả thế giới biết về dịch bệnh này.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 29/4/2020. Ảnh: Reuters.

Liên quan đến lần tranh cử sắp đến, Trump phát biểu: “Trung Quốc sẽ làm mọi cách có thể để khiến tôi phải thua lần này”. Ông tin rằng Bắc Kinh đang muốn đối thủ của mình, Joe Biden của Đảng Dân chủ, đắc cử để giảm bớt áp lực thương mại và các vấn đề khác mà ông đang thực hiện với Trung Quốc. “Trung Quốc đang cố sử dụng các chiến thuật truyền thông để biến mình thành kẻ vô tội”, Trump khẳng định.

Phản hồi trước phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang cho biết: “Bầu cử tổng thống là việc nội bộ của Mỹ và chúng tôi không có hứng thú can thiệp. Chúng tôi hy vọng người dân Hoa Kỳ sẽ không lôi kéo Trung Quốc vào sự kiện bầu cử chính trị của họ”.

Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Năm, ông Geng nhắc lại Trung Quốc cũng là một trong những nạn nhân của COVID-19, chứ không phải là đồng phạm của dịch bệnh này. Ông nói thêm, việc “một số chính trị gia nào đấy” đang đẩy mọi tội lỗi lên đầu Bắc Kinh thay vì thừa nhận sự chậm trễ trong hành động và kỹ năng xử lý yếu kém trước dịch bệnh lần này, chỉ thêm phơi bày “các vấn đề của Hoa Kỳ”. Ông nhấn mạnh “Mỹ nên biết rằng, kẻ thù ở đây chính là virus, không phải Trung Quốc”.

.
Biden lần đầu lên tiếng về cáo buộc tấn công tình dục nhân viên cũ
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Ứng cử viên Joe Biden, và bà Tara Reade vào năm 1993. Ảnh: AP.

Ông Joe Biden sẽ tham gia phỏng vấn trên chương trình “Morning Joe” của đài MSNBC vào thứ Sáu (giờ Mỹ) để nói về việc một cựu nhân viên cáo buộc ông tấn công tình dục vào năm 1993.

Trong một số cuộc họp báo gần đây, Tara Reade, người từng làm trợ lý trong văn phòng của ông Biden tại Thượng viện Hoa Kỳ từ tháng 12/1992 đến tháng 8/1993, đã cáo buộc Biden ép cô vào tường và sờ soạng bên trong váy áo của cô.

Reade cho biết bà đã báo cáo về hành vi “quấy rối tình dục”, thay vì “tấn công tình dục”, với ba nhân viên phụ tá của Thượng nghị sĩ Biden vào thời điểm đó. 

Tuy nhiên, cựu phụ tá Marianne Baker đã nói rằng, cô không hề nhận bất cứ lời tố cáo nào về những hành động không đứng đắn trong gần 20 năm làm việc cho Biden. Cả hai người còn lại cũng trả lời báo chí là họ cũng không nhận được bất kỳ lời tố cáo nào.

Trước cáo buộc này, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ ứng viên Joe Biden. Pelosi nêu lại những chính sách mà cựu phó tổng thống Biden đã hỗ trợ cho các chiến dịch phòng tránh lạm dụng phụ nữ trong một thời gian dài. 

Về phía Donald Trump, ông cũng phát biểu: “Tôi nghĩ rằng ông ấy nên lên tiếng”. “Đây có thể là một cáo buộc giả. Tôi quá quen với các cáo buộc giả rồi”.

.
TT Trump: Hàn Quốc đồng ý trả thêm tiền để hợp tác quốc phòng cùng Mỹ
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/11/2017. Ảnh: AP.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ rằng Hàn Quốc đã đồng ý trả một số tiền lớn để tiếp tục hợp tác quốc phòng với Mỹ. Trump chia sẻ rằng Hàn Quốc sẽ chi ra một khoản lớn hơn số tiền họ từng trả cho Mỹ vào tháng 1/2017 – là lúc ông Trump vừa trở thành tổng thống. Tuy nhiên, ông không tiết lộ con số cụ thể.

Có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc, kế thừa di sản từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Cuộc chiến này chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải là một hòa ước.

.
Mỹ nhập khẩu 50 triệu viên thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine từ Ấn Độ
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Một phụ nữ cầm lọ thuốc kí ninh ở bang Washington, Mỹ, ngày 31/3/2020. Ảnh: Reuters.

Sau khi Tổng thống Trump ủng hộ việc sử dụng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine vào cuối tháng Ba, số lượng bán ra của loại thuốc này tăng đột biến tại thị trường Mỹ. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters một đơn hàng gồm 50 triệu viên thuốc được Ấn Độ xuất khẩu theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ.

Hydroxychloroquine là loại thuốc đang được một số bác sĩ ở Mỹ kê đơn để điều trị COVID-19. Thuốc có những tác dụng nhất định giúp điều trị các triệu chứng do coronavirus gây nên. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cục Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu và Bộ Y tế Canada đều đã đưa ra cảnh báo về những tác dụng phụ của loại thuốc này, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân như chứng rối loạn nhịp tim.

.
TT Trump có thể cho cựu cố vấn Michael Flynn trở lại nội các
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ảnh: ABC News.

Vào ngày thứ Năm vừa qua (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang nghĩ đến việc đưa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn trở lại nội các. “Tôi đang suy nghĩ về việc này. Tôi nghĩ ông ta là một người rất tài giỏi”, ông Trump cho biết.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump còn cho rằng lúc trước, Michael Flynn đã bị một nhóm “cảnh sát bẩn hành hạ” để đồng ý nhận tội với công tố viên. 

Michael Flynn đã nhận tội khai man trong vụ việc mà Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 206.
Tuy nhiên, hiện nay Michael Lynn lại khẳng định rằng ông không hề nói dối và muốn bác bỏ văn bản nhận tội.

Vào thứ Tư, Bộ Tư pháp đã lật lại tài liệu nội bộ của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Trong đó, có một số văn bản cho thấy nhân viên FBI tranh luận về việc liệu họ có nên cảnh báo Flynn, và khi nào thì nên cảnh báo về việc Flynn có thể sẽ đối mặt với cáo buộc phạm tội hình sự. Khi đó, FBI đang chuẩn bị phỏng vấn Michael Flynn vào tháng 1/2017 về vấn đề liên quan đến Nga.

Theo ông Trump, những văn bản này cho thấy Michael Flynn là một nạn nhân của cảnh sát bẩn và ông này nên được miễn tội.

.
Các tiểu bang ở Mỹ có thể cần đến một nghìn tỷ đô để phục hồi sau COVID-19
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký dự luật cứu trợ thứ tư, 23/4/2020. Ảnh: Reuters

Thứ Năm vừa rồi, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các tiểu bang ở Mỹ có thể cần đến một nghìn tỷ USD trợ cấp trong vòng nhiều năm để có thể phục hồi trước những ảnh hưởng nghiêm trọng do coronavirus gây nên.

“Chúng tôi không thể chi trả trọn gói cho tất cả các khoản đó, nhưng mục đích chính của chúng tôi ở đây là hướng đến việc hỗ trợ các tiểu bang vượt qua các thiệt hại mà không phải đứng trước nguy cơ sụp đổ”, bà Pelosi phát biểu.

Khi được hỏi liệu các gói hỗ trợ cho địa phương có chiếm phần lớn nhất của luật cứu trợ sắp được ban hành, bà Pelosi giải đáp: “Tôi đã nhắc đến số tiền một nghìn tỷ đô, và tôi thực sự hy vọng đúng là như vậy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những vấn đề khác mà chúng tôi cần phải giải quyết”.

Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ xem xét và suy nghĩ về gói cứu trợ này. Đảng Cộng hòa nắm đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ và ông Trump còn có quyền phủ quyết (veto) đối với các đạo luật. Tuy nhiên, ông Trump không thẳng thừng từ chối gói hỗ trợ này và cho rằng Đảng Cộng hòa và ông sẽ xem xét để trao đổi với Đảng Dân chủ.

.
Tình hình đại dịch COVID-19 cho đến sáng nay có gì mới?
Cập nhật lúc 8:00 – Giờ Việt Nam.

·         Theo Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho đến 7:10 ngày 1/5/2020, trên thế giới đã có 3.251.925 người nhiễm coronavirus với 233.014 ca tử vong. 

·         Tổng số người bệnh tại Việt Nam theo Bộ Y tế vẫn là 270 người, và không có trường hợp tử vong nào.

·         Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố Anh Quốc đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh và sẽ chuẩn bị nới lỏng đóng cửa toàn quốc. 

·         Hàn Quốc công bố không có thêm ca lây nhiễm cộng đồng nào lần đầu tiên vào ngày 30/4.

·         Đảo quốc Singapore xác nhận thêm 528 ca nhiễm mới vào thứ Năm vừa rồi, nâng tổng số ca nhiễm lên 16.169 ca. Số ca tử vong đang nằm ở mức 15 ca. Bộ Y tế Singapore cho biết, 488/528 ca nhiễm mới là người lao động nước ngoài đang sống trong khu vực ký túc xá.








TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU CHUẨN BỊ KHAI HỎA Ở TRƯỜNG SA (Nguyễn Tiến Hưng)




Nguyễn Tiến Hưng
Apr 29, 2020

“Hải Quân của Bắc Việt không thể nào vào tới tận Trường Sa, tại sao các ông phải thả neo chiến hạm ở Trường Sa?”

Tướng John Murray, chỉ huy Cơ Quan Viện Trợ Quốc Phòng Mỹ ở Sài Gòn, hỏi tôi trong một buổi Việt-Mỹ duyệt xét về tình hình viện trợ vào mùa Hè 1974, đặc biệt là tình hình chi tiêu của Quỹ Đối Giá, để có dữ liệu thông báo cho Bộ Tài Chính.

Quỹ Đối Giá (Counterpart Fund) là nguồn tiền quan trọng nhất của viện trợ kinh tế Mỹ cho Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một ngân khoản thu được khi nguồn tiền do “Viện Trợ Nhập Cảng” được đổi ra tiền đồng Việt Nam. Quỹ này được cả hai phía Việt-Mỹ quản trị rất chặt chẽ.

Đầu năm 1974, có tin dồn dập là Quốc Hội Mỹ sẽ đi tới việc cấm cả việc sử dụng quỹ này để tài trợ cho ngân sách quốc phòng. Vài tháng sau thì tin đồn này thành sự thực. Tiếp theo là hành động bết bát của Nghị Sĩ Dân Chủ Ted Kennedy, ngày 11 Tháng Bảy, 1974, ông đưa ra một Tu Chính Án để cắt 50% viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa. Washington lập tức khuyến cáo chính phủ Sài Gòn phải cắt chi tiêu ngân sách tối đa, nhất là chi tiêu quốc phòng, thí dụ như xăng nhớt và các căn cứ quân sự.

Trong bối cảnh ấy, Tướng Murray đề nghị thu hẹp phạm vi hoạt động của Hải Quân VNCH, đặc biệt là ở Trường Sa.

Nhưng mặc dù đang ở trong một tình cảnh nghiệt ngã, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định ngược lại: không thu hẹp mà còn tăng cường sức mạnh của Hải Quân để chuẩn bị khai hỏa.

Phát triển Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa

Hiệp Định Paris (27 Tháng Giêng, 1973) được gọi là “Hiệp Định Da Beo” vì nó cho phép quân đội của miền Bắc đóng lại ở miền Nam, và đóng rải rác khắp nơi như những đốm da beo trên bản đồ. Vì vậy, Lục Quân Việt Nam Cộng Hòa không được vận chuyển qua những đốm này, và Không Quân thì cũng không được bay trên bầu trời bao phủ nơi đây. Riêng Hải Quân thì lại không bị ảnh hưởng, vì vào lúc ký kết hiệp định thì trên mặt biển hoàn toàn không có chiến hạm của Bắc Việt thả neo, cho nên không có đốm nào cả, và vì vậy Hải Quân tiếp tục làm chủ được đại dương với sức mạnh bảo vệ các hải đảo.

Theo như đánh giá của Tổng Thống Thiệu thì việc phát triển Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa là thành công lớn nhất của chương trình Việt Nam Hóa (Vietnamization). Có thể là vì ông đã tiên đoán rất đúng rằng Trung Quốc sẽ nhòm ngó Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam cho nên đã thuyết phục được Đô Đốc Hải Quân Mỹ Emmo Zumwalt tích cực yểm trợ.

Chỉ trong vòng có năm năm, các cơ xưởng của Hải Quân đã có thể dự trữ tới 64,200 vật liệu và phụ tùng để sửa chữa và bảo trì cho 1,429 tàu chiến – từ Khu Trục Hạm, Tuần Dương Hạm tới Dương Vận Hạm, sà lan chở dầu. Hệ thống tiếp liệu của Hải Quân còn được Bộ Quốc Phòng Mỹ đánh giá là lớn lao nhất và hiệu quả nhất Đông Nam Á.

Khi quân viện bị cắt vào Hè 1974 thì khả năng hùng hậu ấy tuy bị suy giảm vì thiếu phụ tùng bảo trì và xăng nhớt, nhưng hoạt động bị ảnh hưởng nhiều nhất là công tác tuần giang: kiểm soát sông ngòi và sát ven biển. Hải Quân phải giải tán 600 giang thuyền, trong đó 240 giang thuyền thuộc quyền sử dụng của Địa Phương Quân, nhưng lực lượng và khả năng các loại hải hạm vẫn còn nguyên vẹn: 93 tàu biển và trên 1,300 tàu loại nhỏ.

Một góc Trường Sa của Việt Nam. (Hình: Romeo Gacad/AFP via Getty Images)

Mỹ đề nghị rút chiến hạm khỏi Trường Sa 

Trong bối cảnh quân viện bị cắt thật nhanh, Mỹ đề nghị rút chiến hạm khỏi Trường Sa và đóng cửa một số cơ sở của Hải Quân ở Vùng IV. Trở lại buổi họp với Tướng John Murray trên đây, ông nói, sở dĩ phải đề nghị như vậy vì đã nhận được chỉ thị từ Washington về vấn đề cắt giảm chi tiêu, thực tế nhất là tiết kiệm xăng nhớt vì giá dầu đã tăng lên gấp bốn lần sau cuộc chiến Do Thái-Ai Cập vào mùa Thu năm trước.

Đây là vấn đề quân sự, nhưng lúc ấy vì một tình cờ chúng tôi mới biết được đề nghị của Tướng Murray vì nó liên hệ tới ngân sách viện trợ (là lãnh vực của chúng tôi). Trong một báo cáo gửi Tổng Thống Thiệu, ông Murray đề nghị nên rút chiến hạm ra khỏi Trường Sa và đóng cửa bốn căn cứ Hải Quân ở vùng Đồng Bằng Cửu Long, chúng tôi còn ghi lại rất rõ ràng:

“Ngoài Xưởng Đóng Tàu và Trung Tâm Tiếp Liệu, chúng tôi thấy Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa có bốn loại cơ sở: những căn cứ yểm trợ hành quân, yểm trợ chuyển vận, yểm trợ nhanh (immediate-support bases – ISB’s), và những cơ xưởng sửa tàu. Trong số này, chúng tôi thấy Việt Nam Cộng Hòa nên đóng lại những cơ sở sau đây để tiết kiệm tiền bạc và tăng hiệu năng:
1-Căn cứ yểm trợ hành quân ở Cần Thơ.
2-Hai căn cứ yểm trợ hành quân tại Vĩnh Long, và Long Phú.
3-Hai căn cứ sửa tàu ở Cửu Long và Cần Thơ.
4-Hai căn cứ yểm trợ nhanh ở Chợ Mới (An Giang) và Thuận An (Bình Dương).”

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hành động ngược lại: chuẩn bị khai hỏa ở Trường Sa 

Tôi hỏi Tướng Murray tại sao nên rút chiến hạm khỏi Trường Sa? Ông Murray trả lời là vì hai lý do:
-Thứ nhất, nguyên tiền xăng nhớt cho hai chiến hạm ở đây đã tốn tới nửa triệu đô la một năm, một khoản tiền lớn lúc đó vì ngân sách quốc phòng đã cạn.
-Thứ hai, thả neo ở Trường Sa là không cần thiết vì “Hải Quân của Bắc Việt không thể nào vào tới tận Trường Sa.”

Họp xong, tôi vội vào Dinh Độc lập báo cáo với Tổng Thống Thiệu. Ông nhìn tôi, lắc đầu và nói: “Bắc Việt không thể nào vào tới Trường Sa nhưng sau Hoàng Sa, Trung Cộng đã ngừng để nghỉ ngơi, tái phối trí, nhưng rồi sẽ tiến thẳng tới Trường Sa.”

Chúng tôi cho rằng, sở dĩ ông nhất quyết như vậy – dù đã sắp hết tiền mua xăng – một phần cũng vì ông muốn bảo vệ kho tàng dầu lửa. Lúc ấy thì chưa ai biết được rằng khi ông ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa vào đầu năm 1974 thì Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới quyền Bộ Trưởng Henry Kissinger đã gửi chỉ thị cho Tòa Đại Sứ ở Sài Gòn là phải can ngăn ông Thiệu “đừng có đụng độ thêm nữa với lực lượng Trung Quốc về mấy hòn đảo này” (Kissinger là người đã tác động Tổng Thống Richard Nixon cứu vớt Trung Quốc khỏi bị Liên Xô tấn công nguyên tử vào năm 1969, rồi mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Sài Gòn, và giúp cho Trung Quốc trở nên một cường quốc như ngày nay).

Nhưng vấn đề không phải là mấy hòn đảo nhỏ bé hay bãi cạn mà cái gì nằm ở dưới những hải đảo, bãi cạn này.

Bởi vậy Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh cho Hải Quân đưa những chiến hạm mạnh mẽ nhất tới Trường Sa để chuẩn bị khai hỏa. Rút tỉa bài học từ Hoàng Sa, rất có thể là ông cũng đã có kế hoạch sử dụng không quân ngay từ đầu cuộc chiến để bắn chìm tàu Trung Quốc chứ không đợi tới sau hải chiến.

Nhắc lại về trận Hoàng Sa: cuối ngày hải chiến (19 Tháng Giêng, 1974) vào 8 giờ tối Tổng Thống Thiệu ra mật lệnh cho Không Quân dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để phản công. Vì F5-E có trang bị bom tầm nhiệt nên chắc chắn những phi vụ này đã thành công vì chiến hạm Trung Quốc phun khói nóng, dày đặc góc trời. Ngày hôm sau đoàn phi công đã cất cánh, nhưng vừa bay được khoảng trên một trăm dậm thì phải quay về ví áp lực từ Đệ Thất Hạm Đội yêu cầu ngừng kế hoạch oanh tạc, nhấn mạnh rằng sẽ không có “top cover” – yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ của Trung Quốc từ căn cứ ở Hải Nam bay lên để không chiến, và cũng không có “rescue” – cứu vớt nếu bị bắn rơi (xem tường thuật của Đại Tá Phi Công Nguyễn Quốc Hưng trong cuốn “Khi Đồng Minh Nhảy Vào,” chương 25).

Phản hồi lại giai thoại này, chúng tôi thấy rõ lý do Tổng Thống Thiệu cương quyết như vậy là vì ngay sau lớp chiến hạm của Hải Quân là các công ty quốc tế đang hoạt động rất thành công trong việc tìm kiếm dầu lửa, dầu khí. Theo ước tính thì cuối năm 1975 sẽ có tới 20 giàn khoan hoạt động. Hai hãng Esso và Sunningdale lại còn dự định bắt đầu khoan dầu vào ngay Tháng Tư, 1975.

Một thanh niên dùng điện thoại chụp lại bản đồ cổ đảo Trường Sa và Hoàng Sa khi đến tham dự triển lãm tại Bảo Tàng Quân Đội ở Hà Nội hôm 10 Tháng Bảy, 2013. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Niềm hy vọng dang dở 

Triển vọng dầu lửa thì đã trở nên lạc quan ngay từ Hè 1974. Ngày 17 Tháng Tám, 1974, hãng Pecten đào trúng dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HỒNG-X. Rồi giếng thứ hai, đặt tên là DỪA 1-X. Pecten rất vui mừng, quyết định tiến hành khai thác ngay lô 06-LTD, tìm thấy có dấu hiệu còn khả quan hơn nữa. Tin mừng cứ thế mà đến.

Ngày 11 Tháng Hai, 1975, hãng Mobil đào tới độ sâu 3,000 mét, thu được 430 thùng dầu/ngày cùng với 5,600 mét khối dầu khí. Bảy ngày sau, lại thu được 2,400 thùng dầu và 25,000 mét khối dầu khí. Kết quả này được liên doanh Mobil – Kaiyo đánh giá là rất có triển vọng. Mobil ước tính chỉ tới 1977 sẽ khai thác được lượng dầu thương mại khả quan tại mỏ này.

Tin vui được gửi nhanh về Sài Gòn: biết đâu biết đâu đấy, chỉ trong vài ba năm sẽ có thể xuất cảng tới 1 tỷ đô la mỗi năm (tương đương 4.3 tỷ đô la năm 2020), triển vọng cho một miền Nam trù phú có thể tự lực, tự cường mà không còn phải nhờ vả vào người đồng minh Hoa Kỳ nữa, đã thực sự tới.

Ngày 24 Tháng Hai, 1975 (chỉ trên hai tháng trước sụp đổ) Việt Tấn Xã từ Sài Gòn loan tin: “Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sài Gòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-IX được khoan cách Sài Gòn chừng 200 cây số về hướng Đông Nam trên thềm lục địa Việt Nam. Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có Thủ Tướng Chính Phủ Trần Thiện Khiêm, ông Tổng Trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông Tổng Cục Trưởng Dầu Hỏa và Khoáng Sản Trần Văn Khởi và ông Tổng Giám Đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke.”

Trên chuyến bay ra khơi, xa xa khi nhìn thấy ngọn lửa cháy sáng rực trời từ những ống khí trên giàn khoan, vẻ mặt ông Thiệu tươi vui hẳn lên. Ông đăm đăm nhìn thật chăm chú. “Bao giờ thì mới thực sự có dầu,” ông quay lại hỏi tôi. “Thưa tổng thống, theo Bộ Kinh Tế ước tính dựa trên những thông tin của các hãng thăm dò thì muộn lắm là tới cuối năm 1977,” tôi trả lời. Trong bối cảnh chiến trường bắt đầu sôi động, kinh tế khủng hoảng, đồng thời lại liên tục nhận được những tin tức đen tối cúp viện trợ từ Washington, ngọn lửa nghi ngút thoát ra từ những ống dầu khí ngoài khơi đã chiếu rọi được một tia sáng hy vọng vào tâm trí người lãnh đạo miền Nam.

Trên giàn khoan, khi chuyên gia trình bày về khả năng sản xuất, ông Thiệu lắng nghe mọi chi tiết. Người chuyên gia kết luận rằng nếu có thêm sự khuyến khích thì các hãng có thể tăng phương tiện để khai thác nhanh hơn. “Khuyến khích làm sao,” ông nhìn tôi hỏi. Tôi trình bày rằng có thể xem xét lại hợp đồng rồi cho họ chia phần thật cao, hoặc nghiên cứu khía cạnh thuế má để cho họ ưu đãi nhiều hơn khi họ bắt đầu xuất cảng. Ông Thiệu đồng ý ngay: “Được chứ, được chứ.”

Ghi chú cho lịch sử về Trường Sa 

Hồi tưởng tới giai thoại này, chúng tôi xin ghi lại một chú thích cho lịch sử: khi tháp tùng Tổng Thống Thiệu ra thăm giàn khoan như đề cập trên đây, chúng tôi có được nghe chuyên gia của hãng đào dầu thuyết trình về tiềm năng dầu lửa của Trường Sa tuy là lớn lao nhưng bị rò rỉ: “Mỏ dầu vĩ đại của các ông dính liền với mỏ dầu của Indonesia, cho nên các ông rất thiệt thòi nếu không gấp rút khai thác.”

Indonesia là thành viên của OPEC. Thu nhập từ xuất cảng dầu chính là động lực phát triển kinh tế của nước này. Hoạt động khai thác đã bắt đầu ngay từ năm 1871 ở Bắc Sumatra, như vậy là lâu vào hàng nhất thế giới. Năm 1973-1974 khi giá dầu thô tăng lên gấp bốn lần, Indonesia được hưởng số ngoại tệ cũng tăng theo gấp bốn lần, quốc tế gọi là “oil bonanza.” Đang khi đó, miền Nam Việt Nam điêu đứng vì bão tố siêu lạm phát đã ập tới. Miền Bắc thì không bị ảnh hưởng vì có Liên Xô cung ứng xăng dầu theo hiệp định giữa hai nước ký kết vào năm 1968.

Dân gian ta thường nói: “Nước ta có tiền rừng bạc biển.” Tiền rừng thì chẳng có là bao, vả lại khai thác gỗ quý mà xuất cảng thì lại phá hủy hệ sinh thái, nhưng tiềm năng bạc biển thì thật lớn. Cho nên, nếu những giếng dầu của Việt Nam thực sự nối kết với những giếng của Indonesia – như chúng tôi được nghe từ các chuyên gia – thì thật là thiệt thòi cho người dân Việt.

Như vậy là Indonesia đã khai thác dưới lòng biển từ cả trăm năm rồi, bây giờ thì Trung Quốc khai thác – vừa ở dưới vừa ở trên mặt biển.

Khu trục hạm USS Bunker Hill (CG-52) (phải) và khu trục hạm USS Barry (DDG-52), thuộc lớp Arleigh Burke, đi vào Biển Đông ngày 18 Tháng Tư, 2020. (Hình: US Navy)

Câu chuyện Biển Đông ngày nay 

Đục nước béo cò: khi cả Việt Nam, cả Mỹ, và hầu hết các quốc gia trong khu vực đang chìm đắm trong cảnh điêu linh COVID-19, Bắc Kinh công bố thành lập hai huyện đảo để kiểm soát cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa, rồi tăng tốc gây hấn ở Biển Đông. Phi Luật Tân vừa cực lực phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố một phần lãnh thổ Phi là thuộc về tỉnh Hải Nam.

Nối kết Hải Nam với Hoàng Sa, rồi Trường Sa, rồi Scarborough của Phi Luật Tân thì tuyến “Vạn Lý Trường Thành Trên Biển” mà Trung Quốc quyết tâm thiết kế đã sắp hoàn thành.
Đối với Mỹ thì khu vực này là rất quan trọng, vì không những nó nằm sát đường vận chuyển hàng hải quốc tế chính yếu mà còn là tuyến phòng thủ miền Tây của nước Mỹ – như Tổng Thống Lyndon Johnson đã từng tuyên bố: “Nếu bỏ khu vực Biển Đông thì Mỹ tất phải rút về San Francisco.”

Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Mỹ không phản ứng trước những hành động mới đây của Trung Quốc? Thực ra thì Tổng Thống Donald Trump đã phản ứng trong thời gian gần đây. Mặc dù mất ăn mất ngủ trong bốn tháng bị Hạ Viện với đa số Dân Chủ điều tra để bãi nhiệm – và truyền thông được cơ hội tấn công ào ạt, tiếp đến là nạn dịch COVID-19, ông cũng đã hành động khá mạnh mẽ trong vụ Trung Quốc-Việt Nam và Trung Quốc-Malaysia ở Biển Đông, cảnh cáo Trung Quốc không được dùng pandemic để gây rối loạn, cũng như vừa cùng Australia đi vào các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng, và tàu Mỹ vừa đi qua Taiwan strait lần thứ hai trong Tháng Tư này.

Mặt khác, vì bầu cử đã sắp tới, ông cũng không muốn làm to chuyện vì không có lợi cho mình. Lịch sử Mỹ đã chỉ ra rằng: cứ bốn năm, khi có cuộc bầu cử tổng thống thì chính quyền đương nhiệm phải tự kiềm chế những hành động có tính cách hiếu chiến, và tìm đủ mọi cách để mang viễn tượng hòa bình đến cho dân chúng Mỹ thì mới mong thành công. Điều này thì Trung Quốc cũng đã biết quá rõ. Cho nên, ta phải chờ sau bầu cử (3 Tháng Mười Một, 2020) thì mới có câu trả lời rõ ràng hơn. (Nguyễn Tiến Hưng) [qd]

----------------------
Tác giả: Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên giáo sư kinh tế tại  N.C. Wesleyan College, Trinity College, và Howard University, và là kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (1966-1070). Ông là  cựu Tổng Trưởng Kế Hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, và là phụ tá về Tái Thiết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản – ngoài những sách về kinh tế – các cuốn “The Palace File” (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) (1986), “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (2005), “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (2010) và “Khi Đồng Minh Nhảy Vào” (2016).






ĐÂU PHẢI CHỈ ĐỘC ĐOÁN MỚI CHỐNG ĐƯỢC COVID-19 : 4 NỀN DÂN CHỦ CHÂU Á NÊU GƯƠNG (Mai Vân - RFI)




Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày: 30/04/2020 - 09:49

Trong lúc châu Âu, châu Mỹ điên đảo với nạn dịch, tử vong lên đến hàng chục ngàn người, kinh tế đi vào suy thoái, hầu như một nửa nhân loại bị phong tỏa, thì cuộc sống lại có vẻ bình thường tại các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng của Trung Quốc, ổ dịch ban đầu.

Heike Smidt, từng là thông tín viên thường trú của RFI tại Bắc Kinh đã tìm hiểu tình hình tại 4 nơi có thể nêu gương chống Covid-19, đã biết đối phó nhanh chóng trước nạn dịch: Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông.

Lược qua tình hình Heike Smidt ghi nhận một số bí quyết thành công chính: Quản lý tập trung, kiểm soát biên giới, buộc mang khẩu trang, xét nghiệm nhiều, cách ly nghiêm túc, theo dõi từng trường hợp với các công cụ kỹ thuật số… Đây là những bí quyết thành công có thể làm cho cả châu Âu lẫn Bắc Mỹ phải xấu hổ !

Không chỉ có độc đoán mới chống dịch thành công!

4 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên có một điểm chung: Họ đều đã biết đi trước, đề phòng ngay trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên đất họ. Đáng chú ý nữa là họ đều là những nền dân chủ, cho thấy là không phải chỉ có những chế độ độc đoán mới chống được dịch bệnh một cách hữu hiệu.

Một báo cáo 150 trang của Viện Montaigne, Paris, tựa đề “Covid -19 : Đông Á đối mặt với đại dịch -  Covid-19 : L’Asie orientale face à la pandémie” - đã nêu bật tình hình: "Các quốc gia và lãnh thổ này đã hành động căn cứ vào giả thuyết là ngay tức khắc con virus mới sẽ truyền nhiễm từ người sang người, không chờ đợi sự xác nhận chính thức của WHO ngày 22/01, và như thế đã tranh thủ được một khoảng thời gian quý báu”.

Bài học Đài Loan

Đài Loan đã bất ngờ trở nên “học trò giỏi nhất lớp” trong việc chống virus lây lan. Là một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, Đài Loan, với một phó tổng thống là một nhà dịch tể học đã thấy ngay từ đầu là tình hình nghiêm trọng, trong khi mà nhiều người xem nạn dịch này chỉ là một hiện tượng báo động giả.

Hòn đảo 24 triệu dân đến ngày 27/04 đã ghi nhận vỏn vẹn 429 ca nhiễm và 6 ca tử vong, theo số liệu công bố hàng ngày của đại học Mỹ Johns Hopkins. Nếu Đài Loan đứng đầu bảng trong việc chống dịch Covid-19, đó là vì họ không quên nạn dịch Sars năm 2003: Sau Trung Quốc và Hồng Kông, Đài Loan có số nạn nhân cao nhất với 84 người chết. Từ khi ấy, Đài Loan vô cùng  nghi kỵ Trung Quốc, một nước vẫn xem đảo là một tỉnh của họ và vào năm 2016 đã ngăn cản không cho Đài Loan tham dự các buổi họp của đại hội đồng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.

Ngày 31/12, Đài Bắc đã gởi đến WHO một lá thư điện tử, thông báo có “ít nhất 7 trường hợp viêm phổi khác thường ở Vũ Hán” dường như đang được “cách ly để chữa trị”. Thế nhưng WHO đã phớt lờ lời cảnh báo. Trong lúc Bắc Kinh vẫn phủ nhận khả năng virus lây truyền từ người sang người, Đài Loan bắt đầu đo thân nhiệt các hành khách đến từ Vũ Hán, nơi mà virus lây lan.

Đài Bắc đã dự phòng trước

Khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Đài Loan ngày 21/01, hai ngày trước khi Bắc Kinh cô lập Vũ Hán, chính quyền Đài Bắc đã khởi động trở lại Trung Tâm Chỉ Huy Chống Dịch Trung Ương (CECC), phụ trách các vấn đề khủng hoảng y tế, một cơ chế thiết lập từ thời dịch Sars và rất hữu ích để phối hợp các biện pháp chống Covid-19.

Ngày 6/02, trong lúc thế giới vẫn không tin là có nguy cơ đại dịch, Đài Bắc quyết định cấm nhập cảnh hành khách đến từ Trung Quốc. Vào lúc đó, WHO vẫn khuyến cáo không nên dùng các biện pháp này.

Thế nhưng Đài Loan kiên quyết không muốn bị một chứng bệnh mà mình chưa hiểu thấu phá hoại, cho nên đã tăng gia mức sản xuất khẩu trang từ 4 triệu lên 13 triệu mỗi ngày, và cấm xuất khẩu, đồng thời cho xét nghiệm những người có triệu chứng nhiễm virus, bắt buộc những khách đến đảo phải khai báo tình trạng sức khỏe để hạn chế tình trạng mang virus từ ngoài vào. Chính quyền còn kiểm tra việc đi lại của những người này trong thời gian 30 ngày trước khi đến đảo.

Ngoài ra, những người bị cách ly được trang bị một điện thoại di động cho phép kiểm tra được sự di chuyển của họ. Những người vi phạm quy định sẽ bị một khoản tiền phạt có thể lên đến 30 ngàn euro và danh tánh cùng dữ liệu cá nhân bị công bố, một hình phạt gọi theo tiếng Anh là bêu xấu danh tính – “name and shame”.

Đây là những biện pháp rất cứng rắn và có tính chất soi mói, bới móc đời tư, nhưng điều đó đã cho phép Đài Loan tránh được biện pháp phong tỏa, các doanh nghiệp và cửa hàng thương mại, nhà hàng, trường học vẫn tiếp tục được mở cửa.  

Xét nghiệm “đại trà” tại Hàn Quốc

Một tấm gương thành công khác là Hàn Quốc, nơi mà những quy định về giãn cách xã hội khá được tôn trọng và không phải vì đó là lệnh của chính phủ.

Tại Hàn Quốc, chính chủ trương xét nghiệm đại trà dân chúng, với khả năng thực hiện 20.000 xét nghiệm mỗi ngày, đã cho phép giảm mức độ lây lan. Tổng cộng đã có 500.000 xét nghiệm được thực hiện. Và đến ngày 27/04, Seoul “chỉ” ghi nhận 10.738 ca nhiễm và 243 ca tử vong.

Diễn tiến của dịch bệnh nêu bật thành công của biện pháp xét nghiệm và theo dõi mà chính quyền Hàn Quốc đề ra.

Vào cuối tháng Hai, dịch bệnh bùng nổ ở Daegu, trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo Tân Thiên Địa. Chính quyền ngay sau đó đã tự đặt ra một thách thức: Truy tìm, kiểm tra và cô lập 210.000 thành viên của giáo phái này cũng như người thân và những người có tiếp xúc với những người đó. Chính quyền đã dựa vào cả một đội ngũ các nhà điều tra dịch tễ học được các ứng dụng truy tìm kỹ thuật số hỗ trợ.

Từ ngày 26/02, các trung tâm di động đã xét nghiệm được rất nhiều người nhờ phương pháp xét nghiệm ngay trên xe hơi (người được xét nghiệm vẫn ngồi trên xe), một sáng kiến đã hết sức thu hút báo chí quốc tế. Ngày nay, các đơn đặt mua bộ xét nghiệm Hàn Quốc đang đổ về từ khắp nơi trên thế giới.

Vào ngày 03/03, tổng thống Moon Jae In tuyên chiến chống bệnh Covid-19, và quân đội được tung ra khử trùng các đường phố và những khu vực bị nhiễm virus corona ở Daegu.
Hàn Quốc lúc đó vẫn mở cửa biên giới, nhưng tăng cường các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ. Mọi du khách đều phải đo thân nhiệt ngay từ giữa tháng Ba, họ phải ký một tờ khai sức khỏe và thông báo cho chính quyền về các chuyến đi gần đây của họ. Hành khách đến từ châu Âu được sàng lọc chặt chẽ ngay tại sân bay. Những người bị xét nghiệm dương tính được chuyển ngay lập tức đến bệnh viện, còn các trường hợp âm tính đều được đưa vào cách ly.

Seoul cũng sử dụng các công cụ kỹ thuật số tinh vi để theo dõi các ca nhiễm đã được xác nhận và những người đã tiếp xúc với người mang virus. Ngay cả các tờ tổng kết dịch vụ ngân hàng, chính xác hơn dữ liệu điện thoại, cũng được sử dụng để kiểm tra người nhiễm virus đã đến các cửa hàng nào.

Một ứng dụng di động cho phép xác định vị trí của bất kỳ người bị cách ly nào, đồng thời cho phép họ tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan y tế để theo dõi sự phát triển bệnh tình của họ. Quyền truy cập các dữ liệu cá nhân này hầu như không bị tranh cãi vì người Hàn Quốc biết đó là cái giá phải trả để có thể duy trì được quyền tự do di chuyển mà không bị ràng buộc.

Singapore dùng công nghệ Bluetooth tìm người nhiễm virus

Cũng như Seoul, Singapore đặt cược trên các Đại Cơ Sở Dữ Liệu Big Data để ngăn chận nạn dịch và đã thành công trong giai đoạn đầu. Nhưng ngày nay thì Singapore lại chịu một đợt lây nhiễm thứ hai, buộc phải đóng cửa trường học, công ty không cần thiết kể từ 03/04 và trong vòng một tháng. Đến 27/04, Singapore ghi nhận 14.423 ca nhiễm và 12 tử vong.

Ngay 21 ngày trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên đất mình, chính quyền Singapore với kinh nghiệm dịch Sars, đã đưa ra những biện pháp khắt khe. Tất cả những người đến từ Vũ Hán phải chịu đo thân nhiệt và các chức sắc y tế yêu cầu bác sĩ nhận diện những người có triệu chứng viêm phổi. Sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm virus ngày 23/01, chính quyền giới hạn nhập cảnh đối với những người từng qua Trung Quốc.

Cùng ngày 23/01 khi Trung Quốc quyết định cô lập số 56 triệu dân Hồ Bắc. Singapore không muốn đi theo con đường này mà chọn phân phát khẩu trang: 4 khẩu trang mỗi tuần cho mỗi hộ gia đình, lấy từ kho Nhà nước.

Và cũng từ lúc ấy Singapore bắt đầu theo dấu người nhiễm virus qua ứng dụng “TraceTogether”, bất chấp vấn đề xâm phạm đời tư. Nhờ công nghệ Bluetooth, ứng dụng này nhận dạng được tất cả những người sử dụng điện thoại thông minh đã có tiếp xúc với một người được xác nhận bị nhiễm virus, và họ được thông báo qua tin nhắn SMS.  Hệ thống đă chứng minh kết quả hữu hiệu và giờ đây nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, đang nhòm ngó.

Lá bài minh bạch của Hồng Kông

Tại Hồng Kông, 7 triệu dân của đặc khu hành chánh đã được cảnh báo ngay từ khi có những thông tin đầu tiên về một bệnh cúm bí ẩn xuất hiện ở Trung Quốc. Họ cũng đã kinh qua dịch Sars làm 298 người chết tại đây, và dân Hồng Kông đã mang khẩu trang ngay lập tức cũng như giữ khoảng cách an toàn.

Trong thời gian đầu, tháng Giêng và tháng Hai, chính quyền Hông Kông đã khống chế được việc lây lan, nhưng từ trung tuần tháng Ba, số người bị nhiễm tăng lên. Không có lệnh phong tỏa ở nhà, nhưng đến giờ thì quán bar, karaoké hay nơi đánh mạt chược đều phải đóng cửa, tụ tập nơi công cộng không được quá 4  người và kể từ 25/03, Hồng Kông đóng cửa hẳn biên giới. Cho đến nay, đã có 1.037 ca nhiễm được xác nhận và 4 người chết theo số liệu đại học Hopkins.

Nhưng Hồng Kông đã không chậm trễ trong việc đáp trả dịch bệnh. Từ khi xuất hiện ca đầu tiên “nhập” từ Vũ Hán ngày 22/01, chính quyền Hồng Kông theo dõi kỹ càng từng ca được xác nhận hay nghi nhiễm virus. Những ca này bị cô lập ngay, tất cả các người tiếp xúc với họ được truy tìm và bị giám sát y tế.

Kể từ ngày 27/01/2020, người dân tỉnh Hồ Bắc bị cấm vào Hồng Kông và số chuyến bay giữa Hồng Kông và Hoa Lục giảm một nửa. Ngày 08/02, tất cả những người đến từ Trung Quốc đều phải chịu cách ly 14 ngày, biện pháp được mở rông ra ngày 19/03 cho tất cả những người đến từ các nước khác. Khi vừa đặt chân đến sân bay thì họ dược trao một vòng điện tử và bị cách ly. Ứng dụng “StayHomeSafe” cho phép cảnh sát và cơ quan y tế theo dõi từng bước  đi của họ.

Cũng như ở Đài Loan, Hàn Quốc hay Singapore, những biện pháp này đã cho phép Hồng Kông tránh được tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng, bệnh viện bão hòa, và phải phong tỏa hoàn toàn như 4 tỷ người trên trái đất hiện nay.





VIRUS CORONA : NƯỚC CỜ KHÔNG TÍNH TỚI CỦA VLADIMIR PUTIN (Minh Anh - RFI)




Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 30/04/2020 - 10:14

Hoãn ngày trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến Pháp; hủy lễ mừng 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức… Ván cờ chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin bỗng chốc bị đảo lộn chỉ vì một con siêu vi corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, trong một lần phát biểu truyền hình ngày 02/04/2020, tại điện Kremlin, Matxcơva. Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin/Reuters

Vladimir Putin : Người hùng hay kẻ bạc nhược ?

Cao thủ cờ vua không ngờ có ngày cũng bị dồn vào thế bí. Trong suốt 20 năm điều hành, tổng thống Nga không ngừng gây sửng sốt. Từ ngày mới bắt đầu lên cầm quyền (31/12/1999), rồi những lần đổi vai (2008-2012), gần đây nhất là thông báo tổ chức một cuộc tham vấn công luận về cải cách Hiến Pháp nhằm cải tổ hệ thống chính trị đất nước (ngày 16/01/2020).

Hai mươi năm này có thể nói đó là 20 năm « thần kỳ » của nước Nga. Trên trường quốc tế, nước Nga của ông Putin dần tìm lại được vị thế, nhất là kể từ khi Matxcơva quyết định can dự vào cuộc khủng hoảng Syria. Ở trong nước, đời sống người dân trong hai thập niên đó cũng dần được cải thiện. Điều này giải thích vì sao Vladimir Putin rất được lòng dân và có thể tại quyền lâu đến như thế.

Tuy nhiên, trái với những dự đoán cho rằng đề nghị cải tổ Hiến Pháp và thành lập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, sẽ cho phép ông Vladimir Putin lui vào hậu trường nhưng vẫn duy trì tầm ảnh hưởng, Quốc Hội Nga ngày 10/03/2020 thông qua đề xuất của một nghị sĩ, sửa đổi Hiến Pháp, tính lại từ đầu các nhiệm kỳ tổng thống, cho phép ông Putin tái tranh cử với khả năng nắm thêm hai nhiệm kỳ, nghĩa là đến tận năm 2036, khi ông 86 tuổi.

Theo quan điểm của nhà địa chính trị học, Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, đây là một dấu hiệu yếu đuối của nguyên thủ Nga, không tin chắc rằng có thể sắp xếp người kế thừa. Điều đó có nghĩa là tổng thống Nga cũng không chắc rằng chính sách mà ông vạch ra sẽ được tiếp nối bởi một ai khác ngoài ông.

« Giả như ông Putin có rời quyền lực vào năm 2024 đi chăng nữa, ông ấy có thể nghĩ là mình vẫn có khả năng tiếp tục có một ảnh hưởng chính trị và trí tuệ đối với nước Nga. Thế nên, ý muốn bám giữ lấy quyền hành chính thức như ông ấy đang làm, theo ý tôi, chưa hẳn là một nước cờ tốt cho ông Putin.

Đó không phải là một tín hiệu sức mạnh mà đúng hơn là một dấu hiệu yếu đuối, một dấu hiệu thiếu niềm tin trong tương lai. Một tương lai cho nước Nga mà ông đã dầy công gầy dựng trong vòng 24 năm (nếu tính đến cuối nhiệm kỳ năm 2024). Do vậy, đây là một câu hỏi lớn cho thời kỳ hậu Putin mà dường như ông ấy đang đặt ra. Một lần nữa, đây đúng hơn là một sự thú nhận thất bại hay yếu đuối, hơn là một sự thể hiện sức mạnh. »

Bị chiếu tướng !

Theo giới quan sát, dịch Covid-19 xuất hiện dồn tổng thống Nga vào thế bí, ít nhất trên ba lĩnh vực : Ngoại giao, Chính trị và Kinh tế.

Trong lĩnh vực ngoại giao. Cuộc duyệt binh lớn 9/5, nhân dịp mừng 75 năm ngày đại thắng phát xít Đức đã phải bị hủy. Sự kiện trọng đại này lẽ ra là dịp để chủ nhân điện Kremlin trước sự hiện diện của nhiều nguyên thủ cường quốc lớn, khẳng định sự trở lại của nước Nga trên chính trường quốc tế, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Về mặt chính trị, tổng thống Nga buộc phải hoãn ngày tổ chức tham vấn toàn dân về việc cải tổ Hiến Pháp. Cả hai sự kiện này nay đã bị Covid-19 làm đảo lộn.

Quen xử lý khủng hoảng mang tầm cỡ chiến lược địa chính trị, nhưng Vladimir Putin lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay. Nhà nghiên cứu Tatiana Kastoueva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên đài RFI giải thích vì sao.

« Vladimir Putin đã do dự rất lâu trước khi quyết định hoãn hai sự kiện quan trọng này. Và ông ấy loay hoay tìm cách thể hiện uy thế, củng cố uy tín trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Một cuộc khủng hoảng mà không có một đòn bẩy quen thuộc nào mà điện Kremlin vẫn thường dùng, vận hành hiệu quả, từ việc tuyên truyền cho đến các biện pháp vũ lực. Đối với ông Putin, đây quả thật là một tình thế mà ông không quen xử lý bằng những công cụ khác với những gì ông biết cho đến lúc này. »

Vladimir Putin giờ phải đi nước cờ nào đây trước kẻ thù « tàng hình », một đối thủ chưa từng gặp trong sự nghiệp chính trị của ông ? Chưa có lúc nào quyền lực của ông bị lung lay mạnh mẽ như lúc này, kể cả những lúc đối đầu căng thẳng nhất với Mỹ và các nước phương Tây trên các mặt trận Ukraina, Syria, Libya hay châu Phi.

Thái độ « cứng rắn, quyết đoán » thông thường nay lại được thay thế bằng một cử chỉ « mềm mỏng » đến lạ thường : Đó là giao việc xử lý khủng hoảng cho các thống đốc vùng. Nhà nghiên cứu chính trị học, bà Tatiana Stanovaya tại Nga trả lời các câu hỏi của RFI nhận định :

« Vladimir Putin cho rằng có sự khác biệt giữa vùng này với vùng khác. Việc đưa ra các quyết định có tính đến các yếu tố đặc trưng vùng miền là điều hợp lẽ thôi. Nhưng mặt khác, người ta cũng nhận thấy là ông Putin giữ khoảng cách với cuộc khủng hoảng virus corona này. Về mặt chính trị, cuộc khủng hoảng dịch tễ không hấp dẫn ông ấy bằng các quyết định chiến lược, chính sách đối ngoại hay cải tổ Hiến Pháp… Trách nhiệm của ông đơn giản chỉ là chăm chút cho việc mọi quyết định phải được đưa ra đúng thời điểm và gây áp lực nếu cần thiết. Nhưng người ta cũng không thể nói là tổng thống Putin đã ủy thác quyền hạn cho các vùng. Ông ấy ủy thác trách nhiệm chứ không phải là quyền lực ».

Về điểm này, bà Tatiana Kastoueva-Jean lưu ý thêm những rủi ro mà các thống đốc có thể hứng lấy là nguy cơ mất chức và lãnh án đến 7 năm tù nếu việc bất cẩn có thể dẫn đến nhiều thiệt hại nhân mạng.

Chỉ có điều, sự thoái lui và thái độ « bạc nhược » bất thường này của tổng thống Nga trái ngược với một sự năng động của đô trưởng Matxcơva sẽ còn làm mai một thêm hình ảnh và uy tín của ông Putin trong con mắt người dân Nga. Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya giải thích tiếp :

« Nỗi tức giận ngày càng bị dồn nén và điều này sẽ có những hậu quả trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không chỉ có liên quan đến dịch virus corona. Vladimir Putin đã thay đổi, không còn là một thủ lĩnh của quốc gia nữa. Ông không còn biết cách thể hiện sự đồng cảm với người dân. Ông không còn nói cùng một tiếng nói với người dân nữa, ông rời xa dân chúng, sống trong thế giới của ông cùng với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, những vấn đề địa chính trị. Tôi cho rằng những lỗ hổng này trong chế độ sẽ để lại nhiều hệ quả cho tương lai ».

Covid-19 : Uy tín bị bào mòn, kinh tế bị lung lay

Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu Tatiana Kastoueva-Jean đồng chia sẻ. Dịch Covid-19 tràn đến Nga còn thúc đẩy nhanh hơn nữa xu hướng mất niềm tin vào giới lãnh đạo Nga hiện nay. Lệnh phong tỏa toàn quốc không ngăn cản được nhiều người dân Nga biểu tình phản đối hoặc trên đường phố hoặc ở trên mạng từ nhiều ngày qua. Ngày càng có nhiều tiếng nói cho biết muốn có một sự đổi mới trên chính trường Nga.

« Tôi nghĩ là ông ấy đã lỡ mất cơ hội làm được điều gì đó trong cuộc khủng hoảng này. Khác với phản ứng thường thấy, các thăm dò gần đây nhất của trung tâm Levada cho thấy có xu hướng khiến điện Kremlin phải lo lắng. Gần 62% người dân Nga mong muốn quy định giới hạn tuổi cho vị trí tổng thống. Và 50% số người được hỏi muốn thấy có sự luân đổi ở thượng tầng lãnh đạo, những gương mặt mới trên chính trường Nga. »

Dịch bệnh xảy ra còn « bẻ gãy » chiếc đũa thần kỳ kinh tế của Nga, một trong những công cụ chính yếu của ông Putin để tái chinh phục niềm tin của người dân đã bị mai một nhiều từ vài năm qua. Chương trình chấn hưng kinh tế, cải thiện mức sống của người dân, vốn bị sút giảm nhiều từ mấy năm qua do kinh tế suy thoái vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, có nguy cơ thất bại.

Dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng khắp toàn cầu và khiến hơn 4,4 tỷ người phải bị giam lỏng ở nhà do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chận đà lây nhiễm. Các hoạt động di chuyển, đi lại và sản xuất, kinh doanh hầu như bị đình trệ. Hệ quả là nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tụt giảm mạnh, khiến dầu thô trên thị trường thế giới rớt giá thê thảm. Cuộc chiến dầu lửa mà Nga và Ả Rập Xê Út khơi mào còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Giá dầu thế giới lao dốc không phanh mà nạn nhân đầu tiên là các nhà xuất khẩu dầu lửa Mỹ. Và điều này còn tác động nặng nề hơn đến nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu lửa cho ngân sách của Nga.

Thiếu chiếc đòn bẩy này, các chương trình cải cách kinh tế và cải thiện đời sống cho dân của ông Putin trong trước mắt sẽ khó mà thực hiện, tham vọng chính trị của ông cũng vì thế có nguy cơ bị phá vỡ. Theo dự báo, GDP của nước Nga sẽ sụt giảm ít nhất là 3%, thậm chí là có thể còn cao hơn nữa. Việc giá dầu tụt giảm mạnh thật sự gây khó khăn cho ông Putin.

Dẫu sao cũng còn có một điều an ủi cho lãnh đạo Nga. Covid-19 làm cho quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng và áp lực từ quốc tế phần nào được giải tỏa đối với ông Putin và nước Nga, theo như nhận định của ông Pascal Boniface.

« Nhưng người ta có thể nghĩ là ông đang khoái chí theo dõi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng  bởi vì điều đó giải tỏa cho ông ấy một chút áp lực. Chừng nào Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đối chọi nhau, thì với Putin, áp lực đang đè nặng lên nước Nga và trên vai ông, chừng ấy được giảm đi phần nào ».







View My Stats