Sunday 30 June 2024

XIN ĐỪNG THỔI PHỒNG THỜI MẠT PHÁP (Thiện Quả Đào Văn Bình / Nhật Báo Calitoday)

 



Xin Đừng Thổi Phồng Thời Mạt Pháp  

Thiện Quả Đào Văn Bình | Nhật Báo Calitoday

June 30, 2024

https://www.baocalitoday.com/breaking-news/xin-dung-thoi-phong-thoi-mat-phap.html

 

Đã tử lâu lắm rồi, người Phật tử đã nghe nói về thời mạt pháp. Nhưng mấy lúc gần đây nhân lỗi lầm của một hai vị sư khi thuyết pháp đã dấy lên một làn sóng nói rằng Phật Giáo tiêu ma rồi, thời mạt là đây chứ còn đâu nữa khiến hàng Phật tử hết sức dao động và lo lắng.   

 

Thế nhưng tại sao giữa thời mạt pháp mà:

 

- Chùa Hoằng Pháp, Chùa Giác Ngộ liên tục tổ chức các khóa tu hoặc thuyết pháp hoặc giao lưu, xuất gia gieo duyên cho vài ngàn người, có khi lên tới cả chục ngàn bao gồm quý vị cao niên, thanh viên sinh viên và trẻ em?

 

- Chùa Đức Hòa thuộc Dĩ An, tỉnh Bình Dương liên tục tổ chức các buổi thuyết pháp, vừa thiền trà, vừa thảo luận cho mấy trăm sinh viên nam thanh nữ tú. Ngày xưa chưa mạt pháp, đi chùa chỉ có các cụ già gần đất xa trời. Ngày nay nam thanh nữ tú tới chùa tu học, nghe pháp và thiền trà – tức hạt giống Phật đã nảy mầm trong giới trẻ sao nói là mạt pháp?

 

- Chùa Vẽ quận Hải An, Hải Phòng với 600 bạn trẻ về tu Khóa Tu Mùa Hè năm nay. Mạt pháp sao tuổi trẻ yêu Phật Giáo và tới đông như thế?

 

- Rồi Tu Viện Quảng Đức ở Úc Châu tổ chức nhiều khóa tu học cho thanh thiếu niên. Có buổi được chứng minh bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma. Phật Giáo hưng thịnh như thế sao nói là mạt pháp?

 

- Rồi Chùa Viên Giác ở Hannover, Đức “Là ngôi phạm vũ uy nghiêm của người Việt được thành lập đầu tiên tại Đức Quốc. Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, xã hội của người Việt và người Đức tại Hannover. Hằng năm, số Phật tử và đồng hương người Việt về chùa tu học, nghe thuyết pháp, dự lễ hội … vào khoảng 80,000 lượt người, người Đức đến chùa sinh hoạt vào khoảng 40,000 lượt người.” (Thư Viện Hoa Sen) Phật Giáo nở hoa ở một quốc gia mà ngày xưa được gọi là “Trưởng nữ của giáo hội La Mã” sao nói là mạt pháp?

 

- Rồi Chùa Điều Ngự, một ngôi chùa có thể nói lớn nhất vùng Orange County, California là nơi tu học, giảng pháp cho cả chục ngàn Phật tử trong vùng và đã có lần thỉnh mời Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thuyết pháp sao gọi là mạt thế được?

 

- Rồi Tử Đảm Hải Ngoại ở Texas, Tu Viện Kim Sơn ở Bắc California, cùng cả trăm ngôi chùa rải rác khắp nước Mỹ và Gia Nã Đại đã là chỗ dựa tinh thần, xuất gia, tu học cho cả triệu Phật tử giữa lúc lòng tin vào Tam Bảo mỗi lúc mỗi gia tăng trong cuộc sống tha hương đầy khó khắn,  vậy sao gọi là mạt pháp được?

 

 - Rồi cả mấy chục trang nhà Phật Giáo ở hải ngoại, nổi bật nhất là Thư Viện Hoa Sen với nhiều triệu lượt thăm viếng. Nó là mảnh đất quý báu để quý tăng/ni và thiện tri thức luận đàm và đóng góp trí tuệ của mình cho việc hoằng dương chánh pháp. Ngày xưa chưa mạt pháp, đâu có diễn đàn, đâu có báo chí. Trước 1975 Miền Nam có hai tờ Chánh Đạo và Hải Triều Âm của giáo hội sau cũng phải đóng cửa vì ít độc giả và chi phí quá lớn. Hoằng pháp lớn mạnh như thế sao nói là mạt pháp?

 

- Bao nhiêu căn nhà tình thương, cây cầu nhân ái cho các vùng quê nghèo, quán cơm chay miễn phí để giúp người nghèo mở ra khắp đất nước, chùa là quán trọ cho sĩ tử ở phương xa. Đây là điển hình nhất của tấm lòng từ bi thấm nhuần tinh thần cứu khổ của Đạo Phật, sao không thấy,  mà nói đó là mạt pháp?

 

 

            Lời mỉa mai, bôi lọ và thổi phồng thêm về thời mạt pháp của một số phần tử cực đoan đã phớt lờ những sự kiện thực tế. Họ lên án và buộc tăng ni phải theo lối sống cách đây 2600 năm, và không được phép thích nghi với thế hệ mới, cuộc sống mới.

 

- Trong khi số lượng Phật tử gia tăng gấp mấy chục lần ngày xưa. Cả triệu du khách ngoại quốc đến thăm mỗi năm. Không có những danh lam thắng cảnh để họ chiêm bái, kỷ niệm thì lại nói đất nước lạc hậu. Còn xây chùa to, Phật lớn để làm địa điểm du lịch tâm linh lại nói đó là mạt pháp. Đúng là giọng lưỡi thế gian, làm gì cũng bị chê trách.

 

- Ni sư nhận tiền để làm Phật sự, nuôi cô nhi, làm từ thiện, duy trì sự sống của chùa… là mạt pháp. Không nhận tiền cúng dường để chùa nghèo mạt rệp, ni sư phải đi xin ăn hằng ngày, chùa chiền mục nát rồi ngủ ở gốc cây, gò mả mới là tu theo chánh pháp.

 

- Phải ôm bình bát, đi lang thang, không chùa, không tịnh xá, không tu viện, không chỗ để giải quyết những nhu cầu tâm linh cho  Phật tử. Nếu không làm như vậy là không tu theo chánh pháp.

 

- Không được đi xe hơi hay máy bay dù xa ngàn dặm, mà phải lang thang đi bộ, đi chân đất…nếu không sẽ là không tu theo chánh pháp.

 

- Bệnh tật phải để cho chết như thế mới là tu theo hạnh đầu đà. Không được vào bệnh viện để chữa trị, nếu không sẽ là không tu theo chánh pháp.

 

- Cả trăm giảng sư tăm tiếng thuyết pháp không ngừng nghỉ hoằng hóa độ sinh ròng rã suốt nửa thế kỷ qua thì không khen ngợi, ghi công. Một hai vị nói năng thiếu cân nhắc hoặc sai chánh pháp thì thổi phồng lên nói, “Mạt pháp đây rồi”. Vua chúa còn có khi lầm, học giả uyên bác vẫn bị phê bình thì giảng sư có lỡ giảng bậy cũng là chuyện thường tình. Đó gọi là “human error” vì con người chưa thành Phật thì vẫn có lỗi lầm. Điều quan trọng không phải là lỗi lầm mà biết lỗi lầm có tu sửa hay không.

 

            Trong một bài viết của Sư Minh Tâm đăng trên trang Phật Giáo Việt Nam năm 2020 nói về thời kỳ mạt pháp như sau. Mạt pháp hay mạt thế không phải chỉ đến với sự tu hành và giáo pháp của Đức Phật mà còn đến với hiện tình của thế giới và con người. Khi đó:


– Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để làm giàu, cũng không tu phúc đức chân chính. Có kẻ còn bắt đầu buôn bán nô tỳ, bắt nô tỳ cày ruộng trồng trọt, sưu cao thuế nặng. Ngoài ra còn đốt phá rừng, làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, không còn một chút thiện tính từ bi nào nữa.

 

– Khí hậu dị thường, thiên tai nhân họa xảy ra thường xuyên, nước hạn hán, ngũ cốc không chín, bệnh dịch làm chết nhiều người. Covid-19 lấy đi mấy triệu sinh mạng rồi lại còn cúm heo, cúm gà, cuồng phong, bão tố, lụt lội, bờ sông bờ biển sạt lở, địa cầu hâm nóng…là những minh chứng của thời mạt thế.

 

Còn trong hàng ngũ tăng ni:

 

Trong thời mạt pháp, sẽ xuất hiện rất nhiều tăng nhân giả làm thiện tri thức đưa chúng sinh lầm đường lạc lối.

 

            Nhưng cuối cùng Sư Minh Tâm đã kết luận bằng một câu rất chí lý, “Xuất phát từ lòng từ bi với con người, Phật Thích Ca Mâu Ni đã đưa thiên cơ trọng yếu này vào các dự ngôn minh xác, lấy đó khải thị người đời sau phải sáng suốt để tự cứu, thoát khỏi kiếp nạn, và hướng về kỷ nguyên mới của lịch sử.”

 

            Đúng thế, theo Luật Vô Thường, Đức Phật vì lòng lân mẫn chúng sinh mà khuyên bảo, nhắc nhở tăng ni và Phật tử đời sau. Giống như cha mẹ, dù con cái đã lớn rồi, hễ đi đâu xa đều dặn, “Cần thận nghe con”. Đó là vì lòng thương của cha mẹ lúc nào cũng nghĩ đến con. Phật nói về thời mạt pháp để đời sau phòng ngừa mạt pháp. Giống như nhà chưa cháy mà đã có lính cứu hỏa.

 

             Quý vị có đồng ý  khi còn sống còn hành động thì còn có lỗi  lầm. Chiếc xe hơi sẽ không bao giờ gây tai nạn khi nó chết hoặc nằm im một chỗ. Nhưng khi nó vượt qua vạn dặm thì nó có thể gặp tai nạn. Ngày xưa cả nước có vài trăm tăng ni và vài trăm ngôi chùa nhỏ, nhiều nơi là nhà tranh vách đất. Ngày nay theo thống kê, Việt Nam hiện có 18,491 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tu viện. Và có 54,773 tăng ni. Tín đồ chiếm 60% dân số. Với con số tăng ni lớn lao như thế làm sao tránh khỏi một số hư hỏng? Cai trị một tiểu quốc như Tân Gia Ba hay Monaco rất dễ, cai trị một nước 100 triệu dân thì khó vô cùng. Xin hãy dùng trí tuệ suy xét và cảm thông với những cái bất toàn trong tăng đoàn. Và dĩ nhiên giáo hội sẽ phải tu sửa. Theo Phật là hành trình tu sửa liên tục.

 

            Quả thật hễ nghe nói tới mạt pháp ai cũng sợ. Nhưng mạt pháp do chính chúng ta tạo ra. Nếu do chúng ta tạo ra thì chúng ta có thể lướt qua được. Bằng cách nào? Xin thưa bằng cách tu theo chánh pháp, tức tu theo lời Phật dạy.

 

            Trong pháp hội Viên Giác, ngài Phổ Hiền Bồ Tát đã thưa thỉnh Phật như sau, “Xin ngài nói cho các chúng bồ tát trong pháp hội và chúng sinh muốn cầu đại thừa thời mạt pháp, nghe cảnh giới thanh tịnh rồi làm thế nào để tu hành?” Phật đáp: “ Thiện nam tử, tất cả bồ tát và chúng sinh thời mạt thế phải xa lìa cảnh giới hư dối huyễn hóa.” (*) Đúng vậy, chính vì vọng chấp vào cảnh giới hư huyễn như tưởng rằng tiền bạc, danh vọng, địa vị đem lại hạnh phúc cho nên sinh tâm loạn động từ đó phá pháp, phá giới và đưa tới mạt pháp.

 

            Còn ngài Phổ Giác Bồ Tát cũng lo ngại về thời mạt thế cho nên cũng đứng dậy thưa thỉnh, “Bạch Thế Tôn, Chúng sinh thời mạt thế xa cách Phật dần, các hiền thánh ẩn phục, tà pháp càng thêm lên thì chúng sinh phải cầu hạng người nào? Y theo những pháp gì? Làm những hạnh gì? Từ bỏ bệnh gì? Phát tâm như thế nào để cho chúng sinh mù quáng khỏi bị tà kiến?”  Phật đáp, “Thiện nam tử, chúng sinh thời mạt thế nếu định phát tâm lớn thì cầu thiện tri thức. Nếu muốn tu hành phải cầu người có hiểu biết chân chính, tâm không trụ ở tướng, không chấp trược cảnh giới Thanh Văn Duyên Giác (tức tu hạnh A La Hán).” (*) Vậy thì rõ ràng, khi còn các thiện tri thức thì vẫn có thể cứu vãn được thời mạt pháp. Thiện tri thức ở đây không phải chỉ là các tu sĩ mà là các nhà trí thức, cư sĩ có tâm lớn, trí tuệ lớn và thông đạt đại thừa, “Dù hiện ở trần lao làm việc khó nhọc ở đời mà tâm thường thanh tịnh, thị hiện ra các lỗi lầm để tán thán hạnh thanh tịnh.” (*)

 

            Tóm lại, thiện tri thức trước biến động của thời cuộc thường tham chiếu Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Còn phàm phu bình dân thấy chuyện ồn ào thì làm cho ồn ào thêm để tỏ ra ta đây am hiểu thời thế và biết chuyện”. Còn kẻ làm truyền thông trên youtupe thì khai thác triệt để kiếm tiền. Tố cáo cái xấu có thể là người tốt nhưng chưa chắc là người tốt. Người tốt chắc chắn nhất là người làm việc tốtCho nên thiện tri thức rất thận trọng về lời nói và những gì viết ra. Thời mạt pháp đáng lo nhưng không đáng sợ khi nhớ lời dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh, “Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn.”

 

            Chắc chắn 100 năm nữa cốt tủy của đạo Phật vẫn còn nguyên, nhưng cách tu, cách sống của tu sĩ trên toàn thế giới sẽ lại thay đổi theo lời dạy “Tùy duyên nhưng bất biến”. Nó giống như người Việt bây giờ ăn mặc khác hẳn người Việt cách đây hơn một thế kỷ. Nhưng ngày nay đàn bà con gái có mặc váy đầm, đàn ông có mặc bộ com-lê thì vẫn là người Việt Nam. Cảnh của thế gian luôn luôn biến đổi nhưng dù có thay đổi thế nào đi nữa mà Tâm bồ đề kiên cố và sáng như gương thì Phật pháp vẫn trường tồn.

 

Thiện Quả Đào Văn Bình

 

(*) Kinh Viên Giác, bản dịch của cụ Thích Huyền Cơ , Hà Nội 1952

 

 

 

 



THẦY THÍCH MINH TUỆ VÀ BA LẦN BỊ 'ẨN TU' (Viết Dũng / SGN)

 



Thầy Thích Minh Tuệ và ba lần bị 'ẩn tu'  

Viết Dũng/SGN

June 28, 2024

https://www.nguoi-viet.com/sai-gon-nho/thay-thich-minh-tue-va-ba-lan-bi-an-tu/

 

Không chỉ những người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam bị đàn áp, mà những người thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam cũng ngày càng gặp khó khăn, dù cho nhà cầm quyền luôn liên tục khẳng định về quyền ấy trong Hiến Pháp, các văn kiện ký kết với Quốc tế hay trong những tuyên bố trên các phương tiện truyền thông do họ quản lý.

 

Thực tại những gì xảy ra tại Việt Nam đang chứng minh điều ngược lại so với những cam kết về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

 

 

Ông Lê Xuân: Thầy đang bị người ta khống chế!

 

Mới đây, ông Lê Xuân (thân phụ của sư Thích Minh Tuệ, hiện đang thường trú tại Ia Grai, Gia Lai), trong một cuộc trao đổi với Facebooker N.T, cho biết:

 

Hiện thầy Thích Minh Tuệ đang ở nhà bên cạnh, “nhưng mà vào không được đâu, hấn (tức công an) đang giữ lại đó”.

 

“Thầy (Thích Minh Tuệ) đang bị người ta khống chế, ở cái nhà ni nầy (chỉ tay sang hướng ngôi nhà thầy Minh Tuệ đang bị giam lỏng bên trong)”

 

“Họ giữ lại đó trong phạm vi 3, 4 ngày mới thả ra cho đi khất thực”

 

Facebooker này viết rằng bố của khất sĩ Thích Minh Tuệ xác nhận sư Minh Tuệ bị chính quyền giảm lỏng. Nhà Sư Không được tự do đi lại theo ý muốn.

 

Những cảnh ghi lại bởi các fabookers/tiktokers… khác cho thấy rằng một số người dân cố gắng đi vào chỗ gần thầy đang ở, nhưng bị công an đẩy ra một cách dứt khoát, cho thấy một quyền khác có liên quan cũng đang bị nhà cầm quyền vi phạm là quyền tự do đi lại trong quản hạt quốc gia (vì người dân đang đi lại ngoài đường chứ không phải đang đi vào tư gia).

 

Điều này cho thấy, càng ngày nhà cầm quyền càng tăng mức độ khống chế đối với một nhà tu hành độc lập.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/06/5575497603750.mp4?_=1

(Video từ Tiktok)

 

 

Ba lần ‘ẩn tu’

 

Như báo Sài Gòn Nhỏ cũng đã đăng tải (3), ở lần bị buộc ‘ẩn tu’ đầu tiên ngày 03 tháng 6, thầy Minh Tuệ cùng các đồng tu và một số người dân đã bị bắt đi trong đêm, và mất tích trong khoảng một tuần. Sau đó, dưới áp lực của dư luận, rạng sáng ngày 10/6, công an Gia Lai đã thả sư Minh Tuệ về địa phương Ia Tô (thuộc huyện Ia Grai).

 

Ở lần ‘ẩn tu’ đầu tiên, sư Minh Tuệ đã bị buộc phải làm căn cước công dân, dù cho ông đã khẳng định nhiều lần trước đó là đã sẵn sàng buông bỏ mọi thứ. Các khất sĩ còn lại bị buộc phải viết cam kết về việc không được đi khất thực lang thang nữa. Có lẽ một số các Youtubers, Facebookers, Tiktokers… đã bị buộc phải xóa một số video, bởi vì nhiều video do những người này đăng tải trước đó bỗng ‘tự nhiên’ biến mất khỏi mạng xã hội. Một số khất sĩ không chịu làm việc với nhà cầm quyền thì bị đưa đi phân tán, thả ở chỗ hoang vắng, mỗi người một nơi.

 

Sau khi xuất hiện trở lại từ rạng sáng ngày 10 Tháng Sáu, người dân và các khất sĩ khác dần tìm đến chiếc lán đơn sơ (được người dân cải tạo lại từ cái kho của nhà thầy), nơi sư Minh Tuệ đang ‘ẩn tu’. Khất sĩ Minh Chiến là người đầu tiên tìm đến được và đảnh lễ với thầy Minh Tuệ. Rồi lượng người kéo về dần đông lên nhưng nhà cầm quyền chỉ bố trí 1 lực lượng mỏng. Bên cạnh những người có ý thức trong trật tự, vẫn còn đó các cá nhân ồn ào vô ý thức. Có thể sự mất trật tự của đám đông đã dẫn đến việc thầy Minh Tuệ tạm lánh đi vào đêm 13 Tháng Sáu.

 

Sau lần ‘ẩn tu’ thứ 2, thầy Minh Tuệ vẫn có thể còn có chút tự do khi có thể đi lại khất thực ở địa phương mình, và chỗ dừng để nghỉ ngơi cũng không còn cố định tại lán nữa.

 

Ở lần ‘ẩn tu’ thứ 2 này, bề ngoài có vẻ đến từ sự tự quyết của sư Minh Tuệ, nhưng nhiều người cũng hiểu rõ rằng thầy sẽ không bao giờ cần ‘ẩn tu’ lần 2 nếu trước đó không có sự can thiệp thô bạo của nhà cầm quyền ở lần ‘ẩn tu’ thứ nhất. Hơn nữa, việc chỉ bố trí một lực lượng mỏng để không thể giữ gìn trật tự cho thấy có thể đây là cái cớ để nhà cầm quyền tiến hành đàn áp ở tương lai.

 

Nghi vấn trên đã trở thành hiện thực: Sau ngày đó, việc thực hiện tu theo pháp tu Hạnh đầu đà ngày càng khó khăn cho không chỉ sư Minh Tuệ mà còn cho cả các đồng đạo khác. Nhiều vị khất sĩ chỉ có đi một mình, hoặc đi theo nhóm nhỏ trên đường cũng bị công an chặn lại, không cho đi, hay buộc trở về nơi đăng ký thường trú.

 

Vậy là từ chỗ còn “thăm dò dư luận”, chỉ trong vòng vài tuần, nhà cầm quyền đã gia tăng mức độ đàn áp đối với các khất sĩ độc lập nguyện tu theo pháp hạnh đầu đà: Sau biến cố ngày 03 Tháng Sáu, một số khất sĩ vẫn còn có thể bộ hành khất thực, một số vẫn có thể tìm đến gặp người thầy trong lòng của họ là sư Minh Tuệ. Nhưng hiện nay, tất cả khất sĩ đều đã không còn có thể đi bộ ở bất kỳ đâu. Chỉ cần bắt gặp, công an sẽ lập tức bắt và chở về địa phương cư trú. Mới đây, ông “Hộ Pháp Kim Cang” (tục danh Đặng Văn Phòng) cũng đã bị công an Hải Dương “làm việc” và “tuyên truyền về đường lối chủ trương chính sách”. Có lẽ do chịu nhiều áp lực, ông cũng tuyên bố là giờ chỉ có tu tại gia.

 

Do hệ phái tu theo Hạnh đầu đà của sư Minh Tuệ bị chính quyền đánh giá là “tự phát”, “không xin phép”, nên trong các của nhà cầm quyền hoặc trên các phương tiện truyền thông của họ, các khất sĩ đều bị gọi là “tự tu hành”, “tự xưng là”, “mặc quần áo giống nhà sư”… đúng như ý muốn của thông báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi đến các cơ quan cầm quyền trước đó.

 

Ở lần bị buộc ẩn tu lần thứ 3 này, chưa ai xác định được chính xác là vào ngày nào, nhưng theo lời nói của thân phụ của thầy Minh Tuệ “Thầy đang bị người ta khống chế!”, đủ cho thấy chính sách đàn áp của nhà cầm quyền đối với hệ phái này đã được hình thành và ngày càng tăng cấp độ.

 

 https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/06/An-RaXjG1rLlnNCK6MPq1TVGAqmcXGObgsuxVaCB4oYaTRZR5lFr77EKgoBCugfRbVmxLURRl7AEue8g0rY-1Q.mp4?_=2

(Video từ Tiktok)

 

 

Dư luận nói gì?

 

Từ sau khi thầy Minh Tuệ được biết đến rộng rãi vào hồi đầu tháng 5 năm nay, các hội nhóm yêu mến thầy Thích Minh Tuệ đã được lập ra kể cả trên mạng lẫn ngoài đời. Sơ bộ trên mạng xã hội Facebook có “Cộng đồng yêu mến thầy Thích Minh Tuệ”, “Hành trình chân tu Thích Minh Tuệ”, “Hội những người tôn kính – yêu mến Thầy Minh Tuệ”… với mỗi nhóm như vậy có cả hàng trăm ngàn thành viên ngày đêm đăng bài về thầy Minh Tuệ và mọi thứ liên quan xung quanh thầy.

 

Ở ngoài đời thì có các hội nhóm vẽ tranh về thầy Minh Tuệ và các vị khất sĩ đã qua thử thách đáng tôn kính, các hội nhóm thiện nguyện mặc áo in ấn theo phong cách áo của thầy Minh Tuệ đi thiện nguyện cho những nơi khó khăn, đặc biệt tại địa phương thầy đăng ký thường trú, các hội nhóm về đồ thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, kim hoàn… chế tác những vật có hình dáng hoặc được truyền cảm hứng từ thầy Minh Tuệ… Hầu như ai quý mến thầy Minh tuệ cũng đều lo lắng cho thầy, và luôn quan tâm đến tình trạng an nguy của thầy cũng như các đạo hữu của thầy.

 

Không giác mà ngộ, nhưng thầy Minh Tuệ thực sự đã mở mắt cho nhiều người dân trong nước, khi cho họ thấy được kẻ thù đích thực của dân tộc: Nhà cầm quyền cộng sản. Thậm chí có nhiều người trước vẫn cố gắng bảo vệ chế độ, nay đã thay đổi thái độ, và nhìn nhận rằng chính nhà cầm quyền đang bắt bớ, đàn áp và gây khó khăn cho người dân. “Cản trở tu hành, đàn áp tôn giáo”; “Quá tàn nhẫn! Đi tu cũng bị bắt bớ đủ thứ. Bất công quá!”; “đừng cái gì cũng đổ cho dân, có nhiều thầy đi một mình không ai đi theo cũng bị công an bắt”; “Hết dân oan, rồi giờ đến tăng oan”… là những lời ta thán (ca thán) của người dân những ngày gần đây.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/06/An9nk3K7LeA-wbXdxxAT-4R4t0WS3oah5btCauQnYSNP9CGBhkOvN2ryxvFzdYDGkYvltg43F_2JRiDDU_iuxjH0.mp4?_=3

(Video từ Tiktok)

 

Hôm 27 Tháng Sáu, trên trang Facebook chính thức của Tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cũng có nhận định: “Tự do tôn giáo vô cùng quan trọng đối với các xã hội ổn định và an toàn. Khi niềm tin của mỗi người được tôn trọng, họ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc phát triển năng lực hết mình, và đóng góp vào sự phát triển của cả các cộng đồng và xã hội”. Đáng chú ý, dù nhận định trên đi kèm bản báo cáo về tự do tôn giáo toàn cầu năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng được đăng lên vào thời điểm này chứng tỏ vấn đề tự do tôn giáo hiện nay tại Việt Nam rất được họ quan tâm và đã rơi vào trạng thái đáng báo động.

 

Đến khi nào, sư Minh Tuệ mới lại có thể tự do quay lại con đường tu tập mà ông đã lựa chọn?

 

 

 




“KHÓA TU MÙA HÈ”: MỘT GÓC NHÌN VỀ BẢN CHẤT TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM (J.B Nguyễn Hữu Vinh / Blog RFA)

 



“KHÓA TU MÙA HÈ”: MỘT GÓC NHÌN VỀ BẢN CHẤT TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

 J.B. Nguyễn Hữu Vinh  

Thứ Bảy, 06/29/2024 - 19:02 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/8098

 

Những “khóa tu mùa hè” hỗn loạn

 

Hàng năm, những ngày hè đến, nhiều chùa tổ chức những “khóa tu mùa hè” cho học sinh mới lớn với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh mỗi khóa.

 

Điều đó vẫn xảy ra thường niên như một điều tất nhiên mà hầu như chẳng ai có ý kiến về những vấn đề liên quan việc tập trung, giáo dục cũng như những điều kiện về mọi mặt ở những lớp học, những “khóa tu” đó.

 

Chỉ cho đến gần đây, khi đoạn video Clip về một bé gái bị “Vong nhập” “do 14 kiếp trước đã quyến rũ ba nhà sư” nên bây giờ phải nhờ bà Phạm Thị Yến và thầy Thích Trúc Thái Minh trục vong và làm phép gì đó, rồi cho vong quy y… lộ ra ngoài xã hội, thì thiên hạ mới giật mình và hoảng hốt.

 

Đoạn video ấy, chỉ là một trong vô vàn những điều đã xảy ra trong môi trường lừa đảo như Chùa Ba Vàng vốn nổi danh về những vụ lừa đảo còn chưa hề nguôi trong lòng dư luận.

 

Cũng cần nói rõ điều này: Một quá trình hoạt động trục vong, giải nghiệp trong màn “oan gia trái chủ”, Thích Trúc Thái Minh thường xuyên tuyên bố rằng: “Thầy có muốn con phải đưa tiền đâu, nhưng vong nó đòi thế thì phải cúng cho nó thôi”. Chỉ có điều vong đòi ở đâu không thấy, chỉ thấy thầy đòi tiền, và việc đưa tiền cho “vong” bao nhiêu, thì có thể mặc cả với thầy số tiền từ tiền tỷ xuống dăm, bảy trăm triệu… Tất cả đều qua thầy và tiền thì vào túi thầy.

 

Và cũng chưa ai thấy thầy chuyển số tiền đó cho “vong” bằng cách nào và khi nào.

 

Những vụ Oan gia trái chủ, Xá lợi tóc Phật… còn chưa được xử lý xong, người chủ trương là Thích Trúc Thái Minh hết sám hối lần này lại sang sám hối lần khác như một trò đùa trêu ngươi dư luận, vẫn làm nóng dư luận xã hội, thì lại tiếp tục những màn dọa nạt, bịa đặt và lừa đảo những bé vị thành niên.

 

Đặc biệt, những nội dung để hướng dẫn, giáo dục các cháu ở đó được giao cho những kẻ lừa đảo có danh tiếng như Phạm Thị Yến.

 

Phạm Thị Yến, một nữ nhân vật chẳng phải sư, chẳng phải ni cô, cũng chẳng phải vợ hay người tình công khai của đại đức Thích Trúc Thái Minh, chỉ thấy bà ta sống ngay tại chùa cùng Thích Trúc Thái Minh và đi đâu, làm gì đều như hình với bóng cùng với “đại đức” này. Tuy nhiên, đây là một trong những đầu mối và là cánh tay đắc lực của Thích Trúc Thái Minh trong các phi vụ lừa đảo bá tánh một cách có hệ thống, liên tục.

 

Điều ngạc nhiên, là sau những vụ lừa đảo về cái gọi là “Oan gia trái chủ” bị xử lý, bị kỷ luật thì những video, những hành động, bài giảng… tuyên truyền mê tín dị đoan vẫn đầy rẫy trên mạng không hề suy suyển. Những nội dung nhảm nhí và nguy hiểm về những hành động lừa đảo đến mức các cơ quan nhà nước, các đồng tu, “đồng nghiệp, đồng môn” trong nghiệp vụ lừa đảo của Thích Chúc Thái Minh như Thích Nhật Từ cũng phải lên tiếng vẫn nguyên xi trên mạng mà không có bất cứ một cơ quan nào lên tiếng.

 

Chúng ta cũng cần nhớ rằng: Chỉ cần một người nào đó, đưa lên một lời nói, một đoạn status hoặc ý kiến lên mạng không được lòng nhà cầm quyền, lập tức bị phạt gần chục triệu đồng, nghĩa là với số tiền bằng cả vài tháng lương.

 

Thế nhưng, trên các trang mạng, trên kênh Youtube của Phạm Thị Yến những video, những bài “giảng” vẫn không hề sứt mẻ, vẫn phát huy tác dụng lừa đảo của nó với cả xã hội. Vậy mà Phạm Thị Yến vẫn là người tổ chức những cái gọi là “khóa tu” cho cả hàng ngàn học sinh mỗi năm.

 

Những nội dung bà ta đưa ra để giáo dục lớp học sinh đó là gì? Những gì các em đã được học qua các “Khóa tu” ấy,  hầu như chưa thấy báo chí, chưa thấy những nhân vật chịu trách nhiệm trong chùa, trong hệ thống Phật giáo quốc doanh, trong hệ thống quan chức và hệ thống chính trị nói đến. Người ta chỉ nghe Thích Trúc Thái Minh từ Ba Vàng nói rằng: “Nếu không dự khóa tu mùa hè, thì sau này sẽ phải lấy nhiều đời chồng vũ phu”… và những dọa dẫm tương tự để hướng con trẻ vào sự u mê của ma trận oan gia trái chủ từ những tưởng tượng bệnh hoạn về mấy chục kiếp trước.

 

Thậm chí, nguy hiểm hơn, Thích Trúc Thái Minh còn tuyên truyền về việc anh ta có thể “Thỉnh hương linh” để cho những người muốn phá thai, giết con mình không có tội, bởi anh ta đã “thỉnh” linh hồn sang nơi khác nên đứa trẻ chỉ còn là “cục máu”. Oái oăm thay, những điều này được rót vào tai đám trẻ đang tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì của đất nước.

 

Có lẽ không có một phương pháp nào có thể trấn an, khuyến khích giới trẻ quan hệ tình dục bừa bãi rồi phá thai, giết người mà yên tâm theo một cách hữu hiệu hơn cách mà Thích Trúc Thái Minh đã và đang tuyên truyền này.

 

Và với tình hình này, thì Thích Trúc Thái Minh sẽ phải mở nhiều cơ sở khắp đất nước để làm lễ “Thỉnh hương linh” khi mà Việt Nam đang đứng trong Top đầu thế giới về nạn phá thai và những người mẹ giết con theo cách này đang trẻ hóa.

 

Chỉ đến khi các đoạn video bị lộ ra ngoài, thì xã hội mới tá hỏa về những nội dung nhảm nhỉ, mê tín dị đoan và vẫn lại là những trò lừa đảo mới. Và đối tượng bây giờ lại là các trẻ nhỏ, các mầm non đất nước và chẳng cần nói, thì ai cũng rõ sự nguy hại của nó. Đến khi đó, thì cơ quan nhà nước Quảng Ninh mới có yêu cầu chùa Ba Vàng báo cáo về nội dung đưa ra dạy cho trẻ con ở đó. Và ngay lập tức “Khóa tu mùa hè” đã đóng cửa khi Dư luận chú ý.

 

Điều đó, nói lên tất cả.

 

Không chỉ có Chùa Ba Vàng, những việc làm tương tự và thậm chí còn táo tợn hơn như thành lập các  “đạo quân” tử đạo riêng của Chùa - như một bản tố cáo tại Chùa Thiền Tôn Phật Quang đã được phổ biến trên mạng - cho thấy tại đây, Thích Chân Quang còn đi xa hơn một khóa học. Ở đây, đã và đang hình thành một tổ chức với cả những kế hoạch dài hạn của một tổ chức chính trị có vũ trang dưới danh nghĩa tôn giáo.

 

Ở đó, cũng có những “Khóa tu mùa hè” với hàng trăm, hàng ngàn trẻ em. Song song điều đó, vẫn còn đó các đơn của các ni cô, ni sư tố cáo một cách cụ thể “Giáo Chủ” Thích Chân Quang đã xâm hại, cưỡng bức tình dục họ suốt một thời gian dài mà các cơ quan chức năng đang… điếc.

 

Thật lạ kỳ, khi những đơn thư được phát tán lên mạng xã hội, khi xã hội quan tâm đến những vấn đề tại Phật Quang Thiền Tôn, lập tức các “Khóa tu” đã bị giải tán sớm. Trang mạng của Chùa Phật tôn Thiền Quang lập tức được đưa vào trạng thái không thể truy cập vì “Trang web đang bảo trì”. Điều này trái ngược với sự cố gắng bao năm qua của cơ sở này nhằm quảng cáo đủ mọi cách đến cộng đồng.

 

Qua những động thái trên, người ta chẳng cần suy nghĩ nhiều, chẳng cần thông minh cho lắm, cũng hiểu rằng: Đằng sau những “Khóa tu”, những bài giảng, những hoạt động bát nháo được thực hiện bấy nhiêu năm nay tại các “Chùa” của những đại đức, thượng tọa nổi tiếng với những trò lừa đảo kia, đều được các cơ quan nhà nước cố tình làm ngơ hoặc buộc phải làm ngơ.

 

Những lớp học Tiếng Anh mùa hè bị ngăn chặn

 

Nhu cầu học Tiếng Anh của học sinh, sinh viên là một nhu cầu có thật. Những trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi từ trong Nam ra ngoài Bắc và tận các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi. Các bậc phụ huynh mong muốn cho con cái mình được tiếp xúc và học tập môn ngoại ngữ này một cách hiệu quả và ít tốn kém, phức tạp là nhu cầu rất lớn. Thế nhưng không phải ai cũng có thể đáp ứng được nhu cầu đó bởi rất nhiều lý do, trong đó, hiệu quả lớp học là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

 

Trước nhu cầu đó, một nhóm bạn trẻ trong nhóm sinh viên Công giáo Giáo phận Vinh đã liên hệ với tổ chức Education For The Poor (EFTP), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi một nhóm chuyên gia mong muốn việc cải thiện tình trạng đói nghèo tại Việt Nam. Một trong những cách đó là hỗ trợ việc giáo dục cho người nghèo. Tổ chức này đã tiến hành nhiều năm việc cung cấp học bổng, thành lập các câu lạc bộ giáo dục và cải thiện kỹ năng tiếng Anh và giáo dục cho những người kém may mắn.

 

Từ năm 2010, bắt đầu từ giáo xứ Cầu Rầm và một số giáo xứ khác, thuộc giáo phận Vinh ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đã luân phiên nhau mở những lớp tiếng Anh vào mùa hè cho học sinh phổ thông.

 

Những lớp học này không phân biệt lương, giáo, không phân biệt con nhà giàu hay nghèo, tất cả đều được tham gia lớp học 1 tháng miễn phí tại nhà thờ.

 

Thầy, cô giáo dạy những lớp này là những thanh niên, giáo viên, cả sinh viên người Mỹ gốc Việt. Họ có nhu cầu về giúp đỡ cho quê hương và cũng là để thăm quê hương Việt Nam, đồng thời học tiếng Việt tại Việt Nam. Các lớp học này được tổ chức để các em có cơ hội được trực tiếp nghe các sinh viên, học sinh và thanh niên từ Mỹ về trực tiếp giảng dạy.

 

Đặc biệt ở lớp học này, các em học sinh phổ thông được trực tiếp chứng kiến, trò chuyện, kết bạn với những học sinh, sinh viên Mỹ, học từ họ tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc và chuẩn mực.

 

Những buổi học chủ yếu giúp các em tập luyện kỹ năng nghe, nói, phát âm chuẩn tiếng Anh bằng cách tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài ngày càng thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ địa phương. Khóa đầu tiên, số các em theo học là 800 học viên, đến khóa tiếp theo số học viên lên đến cả 1.000 người tại Giáo xứ Lập Thạch, Giáo phận Vinh.

 

Những học sinh của các lớp này, đã được truyền cảm hứng về môn Tiếng Anh một cách rõ rệt đã đành, mà qua đó, các em được học tập phong thái tự nhiên, đĩnh đạc trước cuộc sống, và qua đó, các em tự tin hơn trong môi trường sống tự lập của mình.

 

Dẫn chứng cụ thể về những lớp học này, bản thân tôi cảm nghiệm được hết sức rõ ràng tác dụng của nó. Những đứa trẻ, trong đó có mấy đứa con tôi khi được học qua những lớp học này, từ những đứa trẻ nhút nhát trước đám đông, đã mạnh dạn trong giao tiếp và đặc biệt là học rất giỏi Tiếng Anh một cách say mê. Cho đến khi học xong Phổ Thông Trung học, không học thêm bất cứ một khóa tiếng Anh nào, nhưng kết quả thi IELTS đạt điểm 8.0 và 7.5 và khi qua Hoa Kỳ, đã hội nhập rất nhanh chóng vào môi trường tiếng Anh để tiếp tục học lên mà không gặp khó khăn, không phải qua những lớp Tiếng Anh hội nhập.

 

Những người bạn của tôi lúc đó đã nhờ tôi giới thiệu để đưa con tham gia lớp học này và được học cùng với các học sinh Công giáo hết sức hào hứng. Trong số những học sinh là con của bạn tôi người ngoài công giáo dã học qua những lớp đó, đến nay, các cháu hầu như đã và đang đi du học, làm luận án Tiến sĩ ở nước ngoài. Một người bạn tôi ở Vinh, hiện nay con trai đã học xong Tiến sĩ tại Anh và làm việc tại đó. Một người bạn khác, cô con gái đang làm tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Canada…

 

Qua thời gian, hầu như các cháu đã rất thành công trong việc học môn Tiếng Anh khi qua lớp học này. Đặc biệt, , rất nhiều cháu hiện đã định cư tại các quốc gia như Anh, Mỹ và trong số đó, có nhiều người đã trở thành linh mục, nữ tu. Gặp lại các cháu, hầu hết đều khẳng định cảm hứng của các cháu khi học tập tiếng Anh được bắt đầu từ những khóa học ấy.

 

Nói về những vấn đề này, để khẳng định rằng, những lớp tiếng Anh miễn phí của nhà thờ đã rất có tác dụng cho không chỉ người công giáo và cả ngoài công giáo.

 

Thế nhưng, lớp học đó chỉ được vài năm, sau đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã ngay lập tức bằng mọi cách ngăn chặn và phá vỡ những sự giúp đỡ của tổ chức Education For The Poor này bằng cách dọa dẫm trục xuất các tình nguyện viên, các cơ sở nhà thờ, giáo dân, giáo xứ….

 

Và lớp học tan rã trong sự phẫn nộ của cộng đồng.

 

Nói đến điều này, để chúng ta thấy bản chất của những “Khóa tu mùa hè” với những sự độc hại, nhảm nhí và những lớp học, những chương trình thực chất đã khác nhau ra sao trong cách đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam.

 

Và không chỉ có thế.

 

Chùa to, tượng lớn và… cướp tài sản

 

Có lẽ không cần phải nói, thì ai cũng biết được một điều: Sau những năm với chính sách phá sạch, đốt sạch, cướp sạch nhằm “Xóa bỏ tàn tích phong kiến, thực dân” để thực hiện “Cuộc Cách mạnh Tư tưởng và văn hóa”, nhà cầm quyền mới chợt nhận ra rằng: Để xóa bỏ đời sống tâm linh của con người là điều không dễ dàng. Và từ đó, chính sách “Liên minh tiêu diệt” theo Chủ nghĩa Mác Lenin đã được vận dụng và thực hiện.

 

Đó là việc hình thành một liên minh với những đối tượng cần tiêu diệt, để rồi qua đó thực hiện chính sách tiêu diệt từ trong liên minh.

 

Và tôn giáo là nơi thực hiện chính sách đó thành công nhất.

 

Sau khi những chùa chiền, am miếu, đình đền bị đập bỏ, bị xóa sạch trước đây, thì đã dần dần được nhà nước “tạo điều kiện” để khôi phục lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” tùy thích.

 

Điều kiện duy nhất là người cầm đầu ở đó, phải là người “Chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng”.

 

Quái ác thay, lại là đảng vô thần lãnh đạo những kẻ hành nghề tâm linh. Thế nên, các chức sắc hẳn nhiên là cán bộ, an ninh, hoặc ít nhất cũng phải là “những phần tử tiến bộ” theo quan niệm của đảng.

 

Và quá trình tha hóa, tàn phá Phật giáo đến tận căn, tận gốc đã rất thành công cho đến nay.

 

Và khi đã bảo đảm được “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” bằng những ông sư 50 năm tuổi đảng, bằng nhưng cán bộ an ninh… thì Chùa to, tượng lớn tha hồ bành trướng.

 

Học viện Phật giáo được cấp mới hàng ngàn ha đất để đào tạo học viên, đào tạo các nhà sư theo chương trình đào tạo của Đảng CS vô thần. Hẳn nhiên là ai cũng rõ sản phẩm của nó là gì.

 

Ba vàng, từ một ngôi nhà bé xíu đã được cấp hàng ngàn ha đất để xây nên những công trình vĩ đại và tạo nên những cú lừa vĩ đại. Phật Quang, được cấp cả ngọn núi mặc sức xây, mặc sức rao giảng những điều độc hại, mặc sức cho “Giáo Chủ” Thích Chân Quang hành động để rồi cho các phật tử, các ni cô mặc sức viết đơn tố cáo Giáo chủ cưỡng bức tình dục và các trò ma mị, nhằm lừa đảo cúng dường.

 

Đấy là chưa kể những “Đại Chùa” như Bái Đính, Tam Chúc… những công trình nhằm kinh doanh Phật giáo.

 

Ngược lại, người ta cũng thấy những hình ảnh, những lời kêu cứu, những đoàn công an, dân phòng và đủ mọi trò bẩn thỉu dành cho Giáo hội Công giáo Việt Nam bởi những màn cướp bóc tài sản của Giáo hội. Những hình ảnh của các nữ tu, linh mục cùng giáo dân xuống đường nói lên điều đó.

 

Hầu như, tại Việt Nam không có một giáo xứ, một giáo họ nào của Giáo hội Công giáo mà không là nạn nhân của việc cướp đất đai, tài sản bởi nhà nước. Những cơ sở của giáo hội Công giáo bị cướp, bị chiếm, bị mượn không trả… như các bệnh viện tại Hà Nội: Xanh Pôn, Bệnh viện Lao Trung ương, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Việt Nam – Cuba, bệnh viện Mắt Hà Nội, các trường học, khách sạn… hoặc các cơ sở khác vẫn còn sờ sờ ra đó. Riêng Hà Nội, con số tài sản, đất đai của Giáo hội Công giáo bị cướp chưa trả lại, là 150 cơ sở.

 

Đến nay, con số 2.500 tài sản của Giáo hội Công giáo vẫn còn bị cướp bởi bàn tay nhà nước, chỉ vì nhà cầm quyền Việt Nam chưa thể khuynh loát Giáo hội Công giáo như Phật giáo Quốc doanh.

 

Lời kết

 

Cho đến nay, sau bao năm nhà cầm quyền Việt Nam ra sức kêu gào tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, thậm chí thông qua luật nọ, luật kia… thì tình hình tôn giáo vẫn là một vấn nạn hết sức trầm trọng và ngày càng trầm trọng đối với người dân Việt Nam.

 

Những biểu hiện chùa to, tượng lớn, nhà thờ xây dựng lại, hoặc lễ hội đông đúc, chưa nói lên bản chất của vấn đề tôn giáo tại Việt Nam. Ở đó, nhà cầm quyền trong mưu đồ biến tôn giáo thành một thứ tôn giáo nô dịch, tôn giáo công cụ biểu hiện bằng tôn giáo Lễ hội. Ở đó, phần hội là chính, để ru ngủ con người để trưng ra cho thế giới rằng ở Việt Nam tôn giáo được tự do phát triển.

 

Chỉ cần nhìn qua những “khóa tu mùa hè” để so sánh với những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng như những lớp tiếng Anh đã nói trên, người ta sẽ thấy bản chất của việc tự do tôn giáo, sự phân biệt đối xử với tôn giáo hiện nay ra sao.

 

Và tự do tôn giáo vẫn là một vấn nạn của người dân Việt Nam.

 

29.06.2024

 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog







ĐỊA CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (Nguyễn Thanh Minh / Luật Khoa tạp chí)

 



Địa chính trị và tôn giáo ở Việt Nam

Nguyễn Thanh Minh  -  Luật Khoa tạp chí

JUNE 27 202412:57 PM

 https://www.luatkhoa.com/2024/06/dia-chinh-tri-va-ton-giao-o-viet-nam/

 

Phức tạp và bị trói buộc.

 

HÌNH :

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/06/Ton-giao.jpg

Nguồn ảnh: Wikipedia, Chritian.net, Getty Images. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Bài báo “Géopolitique des religions au Viêt Nam. Les voies multipolaires d’une société civile confessionnelle (tạm dịch: "Địa chính trị tôn giáo tại Việt Nam. Sự đa chiều của xã hội dân sự có mang đặc điểm tâm linh") của hai nhà nhân chủng học Pháp Jérémy Jammes và Paul Sorrentino được xuất bản trên tạp chí Hérodote vào năm 2015 [1] đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện về tôn giáo, niềm tin, tín ngưỡng và tác động qua lại của chúng với hệ thống, diễn biến chính trị tại Việt Nam.

 

Hai tác giả chỉ ra những yếu tố nội tại và ngoại lai trong đời sống tâm linh của người Việt, sự mơ hồ và nghịch lý của các quy định pháp luật cũng như điểm lại các phong trào tôn giáo nổi bật tại Việt Nam. Bài viết này điểm lại một số nội dung chính của báo cáo trên.

 

 

Tôn giáo muốn hoạt động phải có tính “cộng sản"

 

Theo hai tác giả, khái niệm tôn giáo (religion) ở Việt Nam còn bị hiểu theo nghĩa hẹp, tức là hoạt động của các giáo phái chính được nhà nước công nhận (như Phật giáo, Thiên Chúa giáo) chứ chưa bao gồm những vấn đề tâm linh đa dạng và phức tạp khác trong đời sống con người. Bằng chứng là vào thời điểm 2009, chỉ có 20% dân số Việt Nam tuyên bố rằng họ đang thực hành một tôn giáo chính thống.

 

Đảng Cộng sản và chính phủ luôn nhấn mạnh tính thế tục của nhà nước Việt Nam. Các hoạt động sẽ bị coi là mê tín nếu gây lãng phí của cải, tái tạo thứ bậc giai cấp thời phong kiến và cản trở sự phát triển xã hội.

 

Bằng việc tuyên truyền chủ nghĩa vô thần tuyệt đối, nhà nước kiểm soát tôn giáo. Muốn được công nhận và hoạt động, các tôn giáo phải hiện thân hoặc gắn liền với “tính dân tộc”, đồng thời có “tính tương thích” với cách gọi của người cộng sản như phong trào Công giáo yêu nước, Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam hoặc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, v.v.). Chưa kể, những địa điểm tôn giáo như nhà thờ hay nhà chùa được nhà nước chấp thuận cũng đều gắn với hình ảnh của Hồ Chí Minh.

 

Nói thêm, hiện nay, việc thần thánh hóa lãnh tụ (như Hồ Chí Minh) hay các vị anh hùng dân tộc được chấp nhận, nhưng nhà nước không xếp nó vào tôn giáo.

 

Ranh giới giữa các hoạt động tâm linh hợp pháp hay bất hợp pháp đều do nhà nước quyết định. Nhà nước "chính trị hóa" hoạt động tôn giáo, cấm đoán hoạt động của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, cấm đốt vàng mã vào năm 2010 và sẽ cấm bất cứ hoạt động nào mà nhà cầm quyền cho rằng chúng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

 

Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và Nghị định 92 của Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này đã chỉ ra những hoạt động tâm linh, tổ chức và địa điểm mà người dân được phép thực hiện.

 

Có rất nhiều hoạt động tâm linh thuộc vùng xám và để tồn tại, nhiều nhà trí thức phải tìm cách gọi tên hay đưa ra những giải thích mới cho chúng. Ví dụ, GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã đi đầu khai sinh một quan điểm mới về tín ngưỡng truyền thống Tứ Phủ và đổi tên nó thành đạo Mẫu. Không chỉ được đảng - nhà nước chấp nhận, đạo Mẫu, với hoạt động trung tâm là lên đồng, còn được tôn vinh là tôn giáo bản xứ.

 

 

Việt Nam có tôn giáo của quốc gia?

 

Ở Việt Nam không có khái niệm quốc đạo dù Phật giáo chiếm ưu thế trong nhiều thế kỷ qua và phần đông người Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo.

 

Bản thân Phật giáo cũng có nhiều dòng tư tưởng như thiền định (Thích Nhất Hạnh), Thiền thừa (Khmer Krom), Đại thừa (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất), đạo Hòa Hảo hay Cao Đài, v.v. 

 

Ở các thời điểm khác nhau, nhiều lực lượng phản ứng với chính sách kiểm soát của chính quyền và đòi yêu sách ở các cấp địa phương, trung ương và thậm chí là ở quốc tế. Đặc biệt trong những năm 1960 hay 1990, tại Việt Nam xuất hiện nhiều hình thức phản đối nhà cầm quyền bằng hình thức bạo lực (tự thiêu) hay phi bạo lực (biểu tình, đình công, kiến nghị, nhịn ăn, đình công, tẩy chay, xuất bản) của người sinh hoạt tôn giáo.

 

Theo phân tích của Jérémy Jammes và Paul Sorrentino, xét về khía cạnh chính trị, có thể chia hai thể chế Phật giáo thành hai nhánh chính: do đảng và chính phủ hậu thuẫn (như Giáo Hội Phật giáo việt Nam, được thành lập năm 1981) và không được công nhận (như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kể từ năm 1992).

 

 

Kitô giáo đối diện nhiều thử thách

 

Cả Công giáo và đạo Tin lành đã từ từ đi vào đời sống của người dân Việt Nam từ nông thôn tới thành thị. Nhiều tín đồ đã giúp thúc đẩy sự đa nguyên chính trị ở Việt Nam.

 

Năm 2015 cũng đánh dấu 400 năm truyền đạo Công giáo tại việt Nam. Nhưng theo quan điểm của nhà cầm quyền, việc các cộng đồng Công giáo kết nối với nhà nước Vatican đã làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, sinh ra một "nhà nước Vatican tôn giáo" tồn tại trong "nhà nước Việt Nam vô thần".

 

Vì điều này, mối quan hệ ngoại giao giữa chính quyền Việt Nam và tín đồ Công giáo luôn nhạy cảm. Sự căng thẳng này thường xuyên dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang và các vụ bắt giữ.

 

Thời gian qua, một mặt Việt Nam giữ mối quan hệ hài hòa với Tòa thánh Vatican, mặt khác loại trừ các can thiệp của Vatican vào hoạt động của Công giáo Việt Nam. Số phận của Công giáo giống Phật giáo ở chỗ bị nhà cầm quyền cộng sản “quốc gia hóa".

 

Trong khi đó, việc công nhận đạo Tin Lành được coi là một phần của quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Nhưng đạo Tin Lành đặt ra nhiều thách thức với đảng và chính phủ không chỉ vì có số lượng tín đồ lớn, mà còn bởi sự tự chủ tài chính của những nhà thờ địa phương.

 

Nhà cầm quyền cũng đặc biệt cảnh giác với các tham vọng ly khai của các tín đồ đạo Tin Lành ở những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên. Sau năm 1975, có 400 nhà thờ của người dân tộc thiểu số đã bị đóng cửa. Các hoạt động cầu nguyện hay rửa tội cũng bị cấm và các cha xứ bị đưa đi cải tạo.

 

Tóm lại, sự phát triển của các phong trào tôn giáo ở Việt Nam rất phức tạp. Theo hai tác giả, lĩnh vực tôn giáo đã đánh dấu sự ra đời của xã hội dân sự Việt Nam và bây giờ nó, như nhà thờ và đền chùa, đang chịu sự kiểm soát bên trong, bên ngoài và trên môi trường internet. Góc độ chính quyền, từ việc tuyên bố một nhà nước thế tục, Việt Nam đã chấp nhận sự có mặt của nhiều tôn giáo và các nhánh tâm linh khác nhau trong chừng mực nhất định.

 

---------------

Xem thêm:

 

Vì sao chính quyền Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với tôn giáo?

Luật Khoa tạp chí

Aug 4, 2023

https://www.youtube.com/watch?v=KRav4pu0E8Y

 

-------------

Chú thích :

 

[1] Xem: https://www.cairn.info/revue-herodote-2015-2-page-112.htm

 

 

 




BÀI MỚI NGÀY 30/06/2024 (Báo Tiếng Dân)

 



Báo Tiếng Dân

NGÀY 30/06/2024

https://baotiengdan.com/

 

BÀI MỚI

 

Góp ý cho các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Giai đoạn, thời kỳ (Bài 3)

Nguyễn Thông  -  30/06/2024

.

Tô Lâm toàn thắng

DĐ VOA  -  Mẹ Nấm/ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh  -  30/06/2024

.

Phật tại tâm (Bài 5)

Phạm Lưu Vũ  -  30/06/2024

.

Về đề thi Ngữ văn và mấy điều cân nhắc

Thái Hạo  -  30/06/2024

.

Những bài học của Tập Cận Bình về Nga

Foreign Affairs -  Tác giả: Joseph Torigian  -  Dịch giả: Đỗ Kim Thêm  -  29/06/2024

.

Xây dựng CNXH và những sản phẩm như Thích Chân Quang (Phần 2)

Blog VOA  -  Trân Văn  -  29/06/2024

.

Bằng tiến sĩ siêu tốc, nặng mùi hương khói cúng dường!

Blog RFA  -  Gió Bấc  -  29/06/2024

.

Làm sao có đủ vốn đầu tư trên 17 tỷ USD cho toàn bộ 3 giai đoạn xây dựng sân bay Long Thành? (Bài 5)

Nguyễn Thiện Tống   -  29/06/2024

.

Khuya nào từ nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo?

Đặng Đình Mạnh   -  29/06/2024

.

Tiến sĩ, lại tiến sĩ (Bài 4)

Phạm Lưu Vũ   -  29/06/2024

.

Mấy lời bàn thêm về đề thi Tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Thái Hạo  -  28/06/2024

.

Xây dựng CNXH và những sản phẩm như Thích Chân Quang (Phần 1)

Blog VOA  -  Trân Văn  -  28/06/2024

.

Trường ĐH Luật Hà Nội hay các GS đã “cúng dường” cho thượng tọa Thích Chân Quang bằng tiến sĩ?

BTV Tiếng Dân  -  28/06/2024

.

Ai thực sự là người viết luận án của ông Vương Tấn Việt?

Khanh Duy/ LCKH  -  28/06/2024

.

Cái bậy bạ trong quan điểm của Thích Chân Quang và trường Đại học Luật Hà Nội

Ngô Huy Cương  -  28/06/2024

.

Cách đối xử với vong

Thái Hạo   -  28/06/2024

.

Vẫn chuyện dài ác ma (Bài 3)

Phạm Lưu Vũ   -  28/06/2024

.

Ai xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ai?

Đỗ Hoàng Diệu  -  28/06/2024

.

Vì sao ma tăng được chia sẻ độc quyền giáo dục thanh niên?

Blog RFA  -  Gió Bấc  -  27/06/2024






View My Stats