Friday, 31 May 2019

5 CÁCH NƯỚC MỸ CHỐNG TÀU (Phùng Anh Khương - Luật Khoa)




30/05/2019

Bên cạnh các “đòn” thương chiến rình rang và thu hút sự quan tâm lớn của báo chí và công luận, như đánh thuế và kiểm soát tiếp cận công nghệ, Hoa Kỳ hiện đang áp dụng một loạt phương cách khác nhau để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một báo cáo chuyên đề về Trung Quốc mới đây của tờ tạp chí The Economist cho chúng ta nhìn được ít nhất là năm trong số các phương cách đó.

Ở vị thế một nước nhỏ đang vừa phải ngồi dưới cái bóng đầy đe dọa của Trung Quốc, vừa phải duy trì quan hệ tốt với Hoa Kỳ để bảo đảm phát triển kinh tế, liệu Việt Nam có thể học được gì từ các biện pháp ngăn ngừa Trung Quốc này?

1. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ Trung Quốc

Hoa Kỳ có một cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm thẩm tra ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng từ các dự án đầu tư nước ngoài: Ủy Ban về Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (Committee on Foreign Investment in the United States – CFIUS).

Được thành lập từ năm 1975 thông qua một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Gerald Ford, mục đích ban đầu của CFIUS là giúp các tổng thống Mỹ nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài tại Mỹ cho tiện việc giám sát vĩ mô.  

Từ thập niên 1980 trở đi, do lo ngại từ việc nhiều công ty Nhật đầu tư mua lại các công ty kỹ thuật công nghệ cao của Mỹ, Quốc hội Mỹ sửa luật để trao thêm cho Tổng thống Mỹ quyền được chặn các phi vụ đầu tư nước ngoài nào có khả năng đe dọa an ninh quốc phòng.

Trụ sở Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản của CFIUS. Lãnh đạo bộ này khẳng định sẽ sử dụng các quyền lực mới được trao cho để mở rộng thanh tra hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh: Justin T. Gellerson /The New York Times

CFIUS trở thành cơ quan tham vấn chính, là nơi hội họp các chuyên gia và đại diện từ nhiều phòng ban trong chính phủ Mỹ để giúp các tổng thống Mỹ đánh giá một dự án đầu tư nước ngoài có thể đe dọa an ninh quốc phòng như thế nào.

Nhờ tham vấn của CFIUS, Tổng thống Obama từng chặn hai dự án đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ năm 2012 và 2016. Cơ quan này cũng tham vấn cho Tổng thống Trump chặn ba dự án đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2017 tới nay.  

Quốc hội Mỹ đã nhiều lần cải cách luật để trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho CFIUS.

Năm 2017, một nhóm thượng nghị sỹ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đề xuất dự thảo Đạo luật Hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Risk Review Modernization Act – FIRRMA). Dự thảo này được Quốc hội Mỹ thông qua và sau đó được Tổng thống Trump phê chuẩn vào tháng 8 năm 2018.

Đạo luật FIRRMA trao thêm nhân lực và kinh phí hoạt động cho CFIUS. Đạo luật này cũng mở rộng phạm vi thẩm tra của CFIUS sang nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như đầu tư nước ngoài vào bất động sản nằm gần các khu vực nhạy cảm, và đầu tư nước ngoài trong các ngành kỹ thuật quan trọng.

Trả lời phỏng vấn của The Economist, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marc Rubio cho biết các ngành này bao gồm viễn thông, vi tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập nhiều dữ liệu điện tử.

2. Quản lý rủi ro đối với cơ sở hạ tầng quan trọng

Tháng 8/2018, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ tuyên bố thành lập Trung tâm Quản lý Rủi ro quốc gia(National Risk Management Centre – NRMC).

Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát các công ty lớn, tiềm tàng rủi ro cao, đang xây dựng và phục vụ cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.

Cơ quan này được thành lập để giám sát việc thi hành hai quyết định hành pháp từ thời Tổng thống Obama: Chỉ thị chính sách số 21 kêu gọi phân tích tổng thể cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, và Sắc lệnh hành pháp số 13636 xác định các cơ sở hạ tầng quan trọng nào có thể bị tấn công bằng mạng máy tính dẫn đến hậu quả tai hại cho an ninh quốc phòng. Trọng tâm ban đầu của NRMC là đánh giá các mối đe dọa chung và phòng bị cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ chống lại những vụ tấn công qua mạng máy tính. Các ngành năng lượng, tài chính, viễn thông sẽ được NRMC ưu tiên.

3. Giám sát, chế tài bằng tư pháp hình sự

Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách về những hiểm họa đến từ Trung Quốc, tên gọi China Initiative.

Theo The Economist, nhóm này bao gồm các công tố viên và điều tra viên đến từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Nhiệm vụ của nhóm là tập trung điều tra các vụ việc Trung Quốc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, và điều tra các cá nhân Trung Quốc nào tìm cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của công luận Mỹ.

Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, từ năm 2013 đến năm 2016, không có cá nhân nào bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến cuối năm 2018, bộ này đã buộc tội ba người làm gián điệp hoặc có âm mưu làm gián điệp cho Trung Quốc.

Tại thời điểm cuối năm 2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang truy tố sáu vụ việc liên quan đến đánh cắp bí mật thương mại mà bên hưởng lợi chính là chính phủ Trung Quốc, trong đó có vụ việc liên quan cả đến một nhà thầu Đài Loan của một công ty quốc doanh Trung Quốc.

Mới đây, một doanh nhân người Trung Quốc và một kỹ sư làm việc cho công ty General Electric của Mỹ cũng bị truy tố vì đánh cắp bí mật công nghệ từ General Electric.

Liên quan đến việc điều tra các cá nhân tìm cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân Mỹ, có vẻ là vẫn chưa có vụ việc nào cụ thể.

Tuy nhiên, giám đốc FBI là ông Christopher Wray đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan giáo dục và cơ quan nghiên cứu tại Mỹ phải để ý cảnh giác việc Trung Quốc cử sinh viên cao học và nghiên cứu viên sang Mỹ để đánh cắp sáng chế và kết quả nghiên cứu khoa học.

Ông Wray cũng bày tỏ quan ngại về các viện Khổng Tử được thành lập trong trường đại học Mỹ để dạy tiếng Hoa và tổ chức sự kiện văn hóa, với ngân sách của Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Marc Rubio cũng đã kêu gọi các trường đại học tại bang Florida của ông đóng cửa những viện Khổng Tử như thế.

Số liệu từ The Economist cho thấy năm 2018 chỉ có 10 viện Khổng Tử đóng cửa, và hiện còn khoảng 100 viện vẫn đang hoạt động tại Mỹ.

Việc điều tra các nỗ lực tác động đến tư tưởng và kêu gọi cảnh giác với các viện Khổng Tử cho thấy Hoa Kỳ khá dè chừng các hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc trong nội địa Mỹ. Riêng trong mảng tuyên truyền này thì người Mỹ có một phương cách khác chuyên biệt hơn.

4. Chú trọng phản tuyên truyền từ nước ngoài

Bộ Ngoại giao Mỹ từ đầu năm 2016 đã có Trung tâm Tương tác toàn cầu (Global Engagement Centre – GEC), nhưng nhiệm vụ trước đây của cơ quan này là chống, vô hiệu hóa các tuyên truyền ủng hộ và kích động khủng bố.

Từ cuối năm 2016, GEC được Quốc hội Mỹ mở rộng phạm vi hoạt động sang chống các hoạt động tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy hồi đầu năm nay, lãnh đạo mới của GEC (do Tổng thống Trump bổ nhiệm) cho biết là cơ quan này sẽ tập trung chống tuyên truyền và thông tin sai lệch đến từ Trung Quốc, Iran và Nga.

Hiện chưa có nhiều thông tin về cách thức cụ thể để GEC chống tuyên truyền từ Trung Quốc nhưng nhiều khả năng là cơ quan này sẽ tận dụng chiến lược và nguồn lực mà họ vẫn đang dùng để chống tuyên truyền ủng hộ và kích động khủng bố. Đó là đầu tư xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền từ cả chính phủ Mỹ và từ các “bên thứ ba” (third-party).

Theo đó, GEC có thể tiếp tục đầu tư xây dựng một mạng lưới các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu chuyên đưa thông tin có lợi cho Hoa Kỳ, đi ngược lại nội dung tuyên truyền từ các quốc gia thù địch như Trung Quốc.

5. Bảo vệ chuỗi cung ứng trang thiết bị quốc phòng

Theo The Economist, giới quân đội và an ninh Hoa Kỳ cũng nhận ra một rủi ro lớn tiềm tàng: trang thiết bị quốc phòng của Mỹ ngày càng hiện đại nhưng việc sản xuất các trang thiết bị này cũng ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng công nghệ và trang thiết bị, kể cả vào các công ty tư nhân.  

Một tướng quân đội Mỹ trả lời phỏng vấn The Economist cho biết rằng, nếu như hồi trước, 70% kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ thuộc sở hữu nhà nước, thì nay 70% kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, phần lớn là doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon.

Nếu các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ và các dây chuyền sản xuất linh kiện quan trọng, đóng góp vào sản xuất trang thiết bị quốc phòng của Mỹ, thì quân đội Mỹ có rủi ro cao sẽ bị Trung Quốc dùng công nghệ để tấn công, quấy phá.

Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã lập ra Phòng Phân tích Thương mại và Kinh Tế (Office of Commercial and Economic Analysis) với nhiệm vụ kiểm tra bảo đảm là các hợp đồng sản xuất trang thiết bị quốc phòng không có các công ty Trung Quốc. Họ kiểm tra kỹ đến cả những nhà thầu phụ.

Huawei chỉ là phần nổi của tảng băng chìm chống Trung Quốc của Hoa Kỳ. Ảnh: Techspot

Một chuyên gia phân tích an ninh điện tử cũng chia sẻ với The Economist rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định họ phải bảo vệ tới cùng nguồn cung cấp chất bán dẫn cho trang thiết bị quân đội Mỹ. Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn được xem là ngành công nghiệp cuối cùng mà Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu. Theo đó, chuyên gia này dự báo là các hợp đồng quốc phòng đắt giá nhất của Hoa Kỳ sẽ là với các nhà sản xuất chất bán dẫn đóng tại Mỹ.







CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI (Báo Cali Today)




Báo Cali Today
May 31, 2019

Trong cuộc nói chuyện thứ Hai đầu tuần, Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh với những người ủng hộ ông mạnh mẽ rằng Trung Cộng, chứ không phải là giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ, mới chính là người phải lãnh nhận những hậu quả của chiến dịch tăng thuế trên hàng hoá nhập cảng vào nước Mỹ mà ông vừa mới quyết định áp đặt, dù rằng lời nhận định quá lạc quan và sai lầm này đã bị phủ nhận bởi một chuyên viên và cũng là cố vấn kinh tế hàng đầu của ông: đó là ông Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế tại Toà Bạch Ốc.

Trong một mẩu tin nhắn mới nhất được bắn ra trên mạng Twitter, ông Trump đã viết: “Không có lý do gì khiến người dân tiêu thụ ở Mỹ phải trả chi phí cho thuế quan này. Những loại thuế quan này có thể được hoàn toàn tránh được nếu như bạn mua hàng từ một nước không nằm trong danh sách bị đánh thuế, hoặc là mua hàng sản xuất tại Hoa Kỳ. Như vậy sẽ không có thuế quan gì hết.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Fox News Sunday” của một đài truyền hình nổi tiếng là cương quyết bênh vực cho TT Trump và phe Cộng Hoà, ông Kudlow đã không thể phủ nhận một sự thật không mấy lạc quan để xác nhận rằng việc áp đặt thuế quan lên hàng hoá nhập cảng vào từ Trung Cộng thật ra chẳng khác gì một món tiền thuế tính thêm mà các công ty của Mỹ sẽ đổ lên đầu của dân chúng và các cơ sở tiểu thương ở Mỹ sẽ phải gánh chịu.

Trong chương trình này, nhà báo Chris Wallace đã cho chiếu lại một đoạn phim ngắn trong đó TT Trump phát biểu rằng nước Mỹ “có thể thu vào mỗi năm 120 tỷ Mỹ-kim từ tiền thuế quan này, phần lớn là do phía Trung Cộng sẽ phải chi trả, chứ chúng ta sẽ không phải trả. Nhiều người cứ tìm cách diễn giải theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nhưng quả thật là chi phí này cuối cùng sẽ do phía Trung Cộng chi trả.”

Và liền sau đó, ông Wallace đã chất vấn ngay vị cố vấn kinh tế cao cấp của chính quyền Trump: “Nhưng này anh Larry ơi, điều đó hoàn toàn không đúng. Không phải Trung Cộng là nước phải trả tiền thuế quan. Mà đó là những công ty của Mỹ nhập cảng hàng hoá của Tầu vào Hoa Kỳ, coi như họ phải trả thêm tiến thuế nhiều hơn, để rồi sau đó là sẽ chuyển sang cho người dân tiêu thụ của Mỹ phải lãnh đủ.

Ông Kudlow không còn cách nào khác hơn để xác nhận điều này: “Nói như vậy coi như cũng đúng. Thật ra, cả hai bên đều sẽ phải trả. Cả đôi bên đều phải trả giá cho những vụ như thế này.

Trong ngày thứ Sáu trước đó, chính quyền Trump đã tuyên bố chính sách tăng thuế quan tổng số khoảng 200 tỷ Mỹ-kim hàng hoá nhập cảng từ Trung Cộng từ 10% lên thành 25% sau khi những cuộc đàm phán thương mại giữa đôi bên trong những tháng vừa qua không đi đến kết quả tốt đẹp. Sau đó, TT Trump đã bắn ra một mẩu tin nhắn để nói rằng “Trung Cộng “đã hủy bỏ giao kèo” và muốn “tìm cách thương thuyết trở lại”.

Để phản ứng trước quyết định từ phía Hoa Kỳ, Trung Cộng cũng loan báo trong ngày thứ Hai sau đó rằng họ sẽ tăng thuế quan lên số hàng hoá của Hoa Kỳ mà phía Tầu nhập cảng vào với tổng trị giá khoảng 60 tỷ Mỹ-kim, bao gồm đủ loại sản phẩm như các cục pin và những thực phẩm như rau củ và cà-phê. Chính sách tăng thuế mới này sẽ bắt đầu được áp dụng vào ngày 1 tháng 6 sắp tới.

Trong một bài phân tích và tổng hợp đăng trên nhật báo New York Times, ba nhà báo Jeanna Smialek, Jim Tankersley và Mark Landler cũng thuật lại chi tiết về lời xác nhận của ông Larry Kudlow để cho thấy cái giá phải trả mà người dân và đất nước của đôi bên phải lãnh đủ, chứ không phải chỉ riêng có Trung Cộng, khi xảy ra một cuộc chiến, dù là chiến tranh quân sự hay thương mại.

Thật ra, nhận định của ông Kudlow cũng chẳng phải là điều gì mới lạ, vì đó cũng là nhận định chung của hầu hết các kinh tế gia trên toàn cầu dù theo bất cứ khuynh hướng nào. Nó không đơn giản như lời tuyên bố và hứa hẹn của TT Trump với khối đông cử tri vẫn còn ủng hộ ông cuồng nhiệt rằng Hoa Kỳ nhờ có sức mạnh vượt trội nên có thể mạnh tay và đơn phương quyết định, và rằng những cuộc chiến mậu dịch rất dễ thắng vì những quốc gia làm ăn với Hoa Kỳ phải gánh chịu phần lớn chi phí.

Nhưng ông Kudlow cũng nói thêm rằng một cuộc chiến mậu dịch kéo dài giữa đôi bên sẽ khiến cho nước Mỹ được lợi hơn về mặt tài chính. Do đó, cái giá phải trả cũng rất xứng đáng để cho người dân Mỹ phải chịu hy sinh trong những ngày tháng tới để từ đó có thể khiến cho phía Trung Cộng phải đối xử công bằng hơn với các công ty và hãng xưởng của Hoa Kỳ.

Sau đó, ông Kudlow đã giải thích tiếp: “Chúng ta bắt buộc phải làm điều mà chúng ta cần phải làm. Chúng ta đã phải chịu đựng những chính sách làm ăn không công bằng trong bao nhiêu năm qua; và vì thế trong nhận định của tôi, những hậu quả về kinh tế sẽ rất nhỏ để có thể đạt được sự cải thiện về mậu dịch và mở ra các thị trường mới cho Hoa Kỳ, và đó là điều đáng cho chúng ta phải cương quyết dấn thân để đạt được.”  

Đa số các thị trường trên thế giới đều trải qua những biến động phản ảnh những khó khăn sắp tới. Các thị trường cổ phiếu ở Á châu và Âu châu đều tụt giá trong ngày thứ Hai đầu tuần. Và những biến chuyển trên thị trường trao đổi trong tương lai cho thấy là thị trường Wall Street cũng tụt giá.

Các viên chức cao cấp phía Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng những cuộc thương thuyết giữa đôi bên đều mang tính xây dựng, và họ sẽ tiếp tục như vậy. Ông Kudlow còn nói thêm rằng cả hai bên có thể sẽ tiếp tục trong một cuộc họp tay đôi giữa TT Trump và lãnh tụ Xi-jinping của Trung Cộng trong kỳ họp của khối G20 tại thành phố Osaka, Nhật bản vào tháng tới. Tuy nhiên, TT Trump lại bắn ra những thông điệp không rõ rệt khi tỏ dấu hiệu rằng có thể ông sẽ hài lòng với việc duy trì biện pháp tăng thuế trong lâu dài.

Các chuyên viên nhận định rằng có lẽ TT Trump quá lạc quan về sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ nên tỏ vẻ tự tin trong quyết định leo thang cuộc chiến mậu dịch đối đầu với Trung Cộng lần này. Tuy nhiên, điều này có thể là một ván bài đánh cược có thể gây ra những hậu quả tai hại trong lâu dài tuỳ theo quyết định của TT Trump sẽ đánh mạnh đến mức nào và những thành quả hay hậu quả nào sẽ xảy ra trong những ngày tháng tới.

Đa số các chuyên gia đều cho rằng việc tăng thuế quan này sẽ không tác động xấu đến mức đẩy nền kinh tế Mỹ đi vào tình trạng suy thoái, nhưng nhiều phần là nó sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế, nhất là nếu như TT Trump quyết định “đánh tới cùng” trong trận chiến khi đe doạ là sẽ áp đặt tăng thuế quan lên tất cả mọi hàng hoá nhập cảng từ Trung Cộng. Thống kê của chính phủ Mỹ cho biết trong năm 2018 vừa qua, Hoa Kỳ đã nhập cảng số hàng hoá của Trung Cộng có trị giá lên đến khoảng 540 tỷ Mỹ-kim.

Một trong những cuộc nghiên cứu về hậu quả của cuộc chiến thương mại cho thấy là mức lợi tức của giới tiêu thụ Mỹ mỗi tháng bị tụt giảm khoảng 4.4 tỷ Mỹ-kim, xuyên qua việc tăng thuế quan khiến hàng hoá nhập cảng trở nên đắt hơn. Tính đổ đồng, có thể coi như mỗi gia đình ở Mỹ đã bị tụt giảm lợi tức khoảng $419 trong một năm. Với chính sách tăng thêm thuế quan lần này, sự tụt giảm về lợi tức có thể lên đến $800 cho mỗi gia đình.

TT Trump và các phụ tá kinh tế của ông đều nhấn mạnh rằng chính sách cứng rắn của ông cuối cùng sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế của Hoa Kỳ, xuyên qua hai diễn biến: một là buộc phía Trung Cộng sẽ phải mở rộng thị trường nội địa của mình, và hai là sẽ đối xử với các công ty và hãng xưởng của Mỹ hoạt động tại Trung Cộng một cách công bằng hơn, thay vì bị xử ép như từ trước tới nay. Hoặc một kết quả khác nữa cũng rất khả quan, đó là sẽ khuyến khích hoặc thúc đẩy các hãng xưởng phải chuyển hướng để trở về sản xuất và lắp ráp hàng hoá ngay trong nước Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định kéo dài cuộc chiến mậu dịch có thể làm đảo lộn tất cả những dự phóng đầy lạc quan về viễn tượng phát triển kinh tế mạnh mẽ như việc thuê mướn nhân viên, tăng trưởng đầu tư một cách mạnh mẽ, và có thể sẽ thay đổi những tiên đoán về tăng trưởng kinh tế đầy lạc quan trong năm 2019 có thể lên đến tỉ lệ 3.2%. Đó cũng là nhận định của ông Rob Martin một cựu trưởng toán của Ngân hàng Trung ương Mỹ và giờ đây là giám đốc điều hành của cơ quan UBS.

Ông Martin và nhiều chuyên gia cho rằng những biện pháp tăng thuế quan do TT Trump áp đặt, nếu được tiếp tục duy trì, có thể sẽ làm tăng lên rủi ro về suy thoái kinh tế. Nếu như chính sách tăng thuế quan được áp dụng lên mọi thứ hàng xuất cảng của Trung Cộng, điều này có thể dẫn đến hậu quả là mức GDP, tổng sản lượng nội địa, có thể bị tụt giảm đến 1%.

Dĩ nhiên một cuốn chiến mậu dịch kéo dài sẽ đem đến những hậu quả tai hại cho nền kinh tế của Trung Cộng. Trong 6 tháng sau cùng của năm ngoái, nền kinh tế của Trung Cộng đã tụt giảm so với trước đây, một phần vì chính sách áp đặt thuế quan của chính quyền Trump đã làm giảm niềm tin về thương mại khắp nơi. Sau đó, chính quyền Trung Cộng đã ồ ạt đổ ra hàng tỷ Mỹ-kim vào hệ thống tài chính và áp lực các ngân hàng quốc doanh hãy tiếp tục tài trợ tín dụng cho nhiều cơ sở thương mại. 

Trong lúc TT Trump tiếp tục lạc quan về những dự phóng trong tương lai, nhiều chuyên gia tài chính khác lại không có cùng quan điểm như vậy. Các chuyên gia thuộc cơ quan Tax Foundation, một viện nghiên cứu tại thủ đô Washington, trước đây đã đưa ra những dự phóng về sự tăng trưởng kinh tế to lớn từ chính sách cắt thuế do TT Trump đề nghị, giờ đây lại cho rằng những biện pháp áp đặt tăng thuế quan mà chính quyền Trump vừa mới áp đặt coi như sẽ triệt tiêu tất cả những lợi ích mà chính sách và dự luật cắt thuế thông qua từ năm 2017.

Nhiều chuyên gia tiên đoán rằng lợi tức thu về từ tiền thuế quan mới áp đặt sẽ giảm bớt dần, sau khi các công ty và hãng xưởng bắt đầu cảm thấy không thể tiếp tục chịu đựng chính sách phải trả thêm thuế quan này và sẽ chấm dứt việc nhập cảng hàng hoá từ Trung Cộng. Dĩ nhiên nhiều công ty và hãng xưởng của Trung Cộng cũng sẽ bị thiệt thòi khi các công ty khác sẽ mua hàng hoá sản xuất tại Hoa Kỳ hoặc quay qua việc tìm mua hàng hoá tại các quốc gia khác ngoài Trung Cộng, chẳng hạn như các nước Mã Lai Á hoặc Việt Nam v.v.

Một góc cạnh khác về cái giá phải trả trong một trận chiến mậu dịch mà ít người chú ý đến là nhiều nạn nhân trong giới nhà nông ở Hoa Kỳ phải lãnh đủ khi phía Trung Cộng trả đũa và tăng thuế quan trên những nông phẩm này xuất cảng sang nước Tầu, khiến giá thành trở nên quá đắt nên thương vụ đột nhiên tụt xuống đến đáy. Tại nhiều tiểu bang nhỏ có nông phẩm chiếm một tỉ lệ quan trọng trong nền kinh tế, rất nhiều các nông gia đã phải ngất ngư và lo âu từ một năm trước khi sản phẩm của họ, trước đây chỉ bán sang Trung Cộng, nhưng giờ đây không có ai chịu mua, ngoại trừ chính phủ Mỹ, xuyên qua quyết định trợ cấp để cho giới nhà nông này không phải lâm vào cảnh khốn đốn.

Vào năm ngoái, chính quyền Trump đã quyết định chi ra 12 tỷ Mỹ-kim để trợ giúp cho những nông gia vô tình trở thành nạn nhân của trận chiến mậu dịch này. Mới đây, chính quyền Trump lại loan báo một kế hoạch trợ giúp lần thứ nhì với số tiền lên đến 16 tỷ Mỹ-kim cũng để trợ giúp tiếp cho khối dân này, phải chăng vì TT Trump không muốn khối cử tri này không trở nên bất mãn vì biết rằng họ là thành phần đã ủng hộ mạnh mẽ trong kỳ bầu cử năm 2016. Nhưng nếu như món tiền (28 tỷ Mỹ-kim) trợ giúp cho khối nông dân không may này được trích từ tiền túi của TT Trump và những tỷ phú của phe Cộng Hoà thì đây là điều đáng ngưỡng mộ. Đằng này, số tiền trợ giúp đó được lấy từ ngân quỹ của Hoa Kỳ, tức là từ tiền thuế của hơn 320 triệu người dân sinh sống tại nước Mỹ, như bạn đọc và người viết bài này phải nai lưng ra trả.

Mới đây, trong một bài viết trên tạp chí Bloomberg chuyên về các đề tài thời sự kinh tế, với những biểu đồ đi kèm để giải thích rõ ràng về bảng đánh giá ai thắng ai thua (scorecard) trong trận chiến mậu dịch kỳ này, ba nhà báo Enda CurranLauren Leatherby và Alexandre Tanzi đã đi đến kết luận rằng trong lúc các cuộc đàm phán về mậu dịch đang trì trệ và hai cường quốc kinh tế đang cố trụ bảo vệ vị thế của mình, hậu quả trước mặt là một con đường dài đầy khó khăn. Kết quả hiện nay tương đối chưa rõ ràng hơn thua: Hoa Kỳ có thể đang dẫn trước trên nhiều mặt (tụt giảm mức thâm thủng mậu dịch, trị giá cổ phiếu, tụt giảm tang trưởng kinh tế) trong khi Trung Cộng cũng đang có lợi thế trên những điểm khác (giá hàng hoá tăng cao, đầu tử tư nước ngoài vào). Ngoài ra cũng phải kể đến chuyện cả hai bên đều bị thiệt hại trên nhiều điểm chung (làm giảm niềm tin của giới tiêu thụ, trận chiến về hối đoái).

Nói chung, coi như mọi người ở cả hai bên đều phải trả một cái giá nào đó (giống như lời kết luận của Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow). Kinh-tế-gia trưởng của tạp chí Bloomberg là ông Tom Orlik nhận định: “Nếu xét về mặt tăng trưởng kinh tế, chẳng có ai chiến thắng trong một cuộc trận chiến mậu dịch. Nhưng nếu xét về mặt so kè về chính trị địa dư, điều đáng chú ý là xem phía bên nào bị thiệt hại nhiều hơn. Phía Hoa Kỳ thì cho rằng Trung Cộng sẽ lãnh đủ. Nhưng phía Trung Cộng thì Hoa Kỳ (nhất là người dân Mỹ) nhiều phần là không có đủ kiên nhẫn để chịu đựng trong lâu dài.”  

 Để kết luận, các chuyên gia và nhà báo đều cho rằng không ai chối cãi rằng chính sách áp đặt thuế quan lên các hàng nhập cảng từ Trung Cộng sẽ khiến cho ngân sách của Hoa Kỳ sẽ gia tăng trong giai đoạn đầu, nhưng điều quan trọng là không phải người dân và chính quyền Trung Cộng sẽ phải đón nhận những hậu quả, nhưng chính những người dân tiêu thụ tại Hoa Kỳ mới chính là nạn nhân phải lãnh đủ, xuyên qua việc phải trả giá cao hơn vì những công ty nhập cảng hàng hoá của Tầu sẽ phải đóng thêm thuế quan này và sau đó sẽ chuyển sang cho giới tiêu thụ bằng cách tăng lên giá bán. Đó là chưa kể trong đường dài, những chính sách áp đặt thuế quan có thể sẽ làm đảo lộn tất cả những dự phóng đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế như tình trạng tốt đẹp hiện nay.

MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 18 tháng 5/2019

------------------------------

XEM THÊM

Báo Cali Today
May 31, 2019

(CNBC) – Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin và cố vấn thương mại Robert Lighthizer phản đối kế hoạch bất ngờ đánh thuế hàng hoá từ Mexico của Tổng thống Donald Trump, theo một nguồn tin thông thạo Toà Bạch Ốc.

Cũng theo nguồn tin này, ý tưởng đánh thuế Mexico do cố vấn diều hâu về di trú  Stephen Miller khởi xướng. Vai trò của Miller cũng được nguồn tin khác xác nhận.

Tổng thống Mỹ thông báo chủ trương đánh thuế Mexico vào giữa lúc ông bị các đài phát thanh bảo thủ “chọc giận” về tình trạng di dân đổ về biên giới phía Nam ngày càng đông.  Ông Trump vào tối thứ 5 lên Twitter thông báo sẽ đánh 5% thuế lên tất cả các mặt hàng nhập cảng từ Mexico, bắt đầu từ ngày 10 tháng 6, và sẽ tăng từ từ tăng lên 25% “cho đến khi nào chấm dứt nạn di dân lậu băng qua Mexico và vào quốc gia chúng ta.”

Dự đoán thuế Mexico cộng với chiến  tranh thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu đã làm thị trường chứng khoán giảm mạnh vào hôm thứ Sáu, với các chỉ số giao dịch chính của Mỹ giảm 10% vào phiên giao dịch buổi chiều.

Sự phản đối của Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đánh dấu khoảnh khắc đoàn kết hiếm hoi giữa hai viên chức chính phủ hàng đầu với hai tư tưởng kinh tế hoàn toàn khác biệt.

Chủ trương thuế của ông Trump được  thông báo vào lúc những nhân vật ủng hộ tự do thương mại nổi bật như cố vấn kinh tế Larry Kudlow và Phó Tổng thống Mike Pence không có mặt để ngăn cản. Ông  Pence hiện đang công du sang Canada, còn Kudlow vừa mới được giải phẩu.

Sự phản đối của Lighthizer được tờ Wall Street Journal loan tin đầu giờ sáng. Toà Bạch Ốc hiện chưa đưa ra lời bình luận, còn Phát ngôn nhân của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bảo rằng, Lighthizer ủng hộ chiến lược của Tổng thống.

Cố vấn kinh tế của Toà Bạch Ốc Peter Navarro trên chương trình phỏng vấn với CNBC đầu giờ sáng thứ Sáu cho hay, đe doạ đánh thuế Mexico của ông Trump nhằm đáp lại việc quốc gia láng giềng “xuất cảng” những người bất hợp pháp. “Hãy nhìn vào những gì chúng ta đang tìm cách. Đây thực sự là một bước đi sáng suốt nhằm lôi kéo sự chú ý của Mexico, buộc họ phải giúp chúng ta, vì cho đến bây giờ Mexico vẫn án binh bất động,” ông Navarro nói.

Hương Giang (Theo CNBC)

------------------------------------

Báo Cali Today
May 31, 2019

Bloomberg Lời đe dọa của TT Trump tăng thuế nhập cảng lên hàng hóa Mexico nếu chính phủ xứ này không chịu làm gì để ngăn lại dòng người di dân lậu xâm nhập Mỹ sẽ có khả năng làm rối loạn kinh tế Hoa Kỳ trước năm bầu cử 2020.

TT Trump loan báo sẽ tăng thêm 5% thuế đánh vào tất cả hàng nhập cảng từ Mexico trừ phi chính phủ Mexico có ‘biện pháp quyết định’ nhằm ngăn lại dòng người di dân đổ vào Hoa Kỳ, theo thông báo của Tòa Bạch Ốc.

Được biết tỉ lệ tăng thuế mới sẽ được áp dụng vào ngày 10 tháng 6 và tăng đều đặn cho đến ngày 1 tháng 10 lại sẽ tăng tới 25%.

Quyết định bất ngờ của chính phủ Trump làm rối loạn các thị trường tài chính thế giới vì các nhà đầu tư đang có hy vọng Quốc Hội Mỹ có thể chấp thuận thỏa thuận mậu dịch mới giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico.

TT Trump mạnh mẽ chỉ trích tình trạng di dân hỗn loạn hiện nay tại vùng biên giới phía nam nước Mỹ là hậu quả của việc lơi là an ninh của Mexico và cũng không qưên chỉ trích phía Dân Chủ về chuyện di dân.

Đồng peso của Mexico giảm ngay 3% giá trị sau các bức điện tweets của TT Trump, đồng yen của Nhật tăng giá trong lúc các tín dụng phiếu của thị trường tài chính giảm và trái phiếu trị giá 10 năm đạt mức thấp nhất từ 20 tháng qua.

Các quan sát viên cho là TT Trump đang đánh quân bài mạo hiểm cho năm 2020, vì kinh tế Hoa Kỳ là thế mạnh để vận động tranh cử của ông và giờ đây ông đang đối diện với hiểm họa kinh tế rối loạn nếu ‘thẳng tay với Mexico’

Trần Vũ














PHẢN ĐỘNG LÀ GÌ? AI LÀ PHẢN ĐỘNG? (JB Nguyễn Hữu Vinh)






Ngày 29/5/2019, Nhà cầm quyền Nghệ An bắt Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Ảnh: internet

Thầy Tĩnh đã chống nhà nước như thế nào?

– Thầy Tĩnh đã là người đồng hành với những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội. Tôi đã từng đi với Thầy Tĩnh đến cứu trợ những người dân bên chân cầu Chợ Thượng, vùng vạn đò không nhà cửa, cuộc sống bấp bênh, trôi nổi với dòng nước sông Lam.

– Thầy Tĩnh đã đồng hành giúp đỡ những oan hồn bé bỏng bị nạo vét ra khỏi bụng mẹ từ khi mới hình thành trong nhóm Bảo vệ sự sống.

– Thầy Tĩnh đã xuống đường cùng với những người yêu nước lo lắng trước hiểm họa mất nước đã hiển hiện, phản đối bọn bành trướng Bá quyền Trung Cộng đã và đang xâm lược đất nước ta cũng như những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc.

– Thầy Tĩnh đã cùng đồng hành với những người dân bị thảm họa biển Miền Trung do Formosa gây nên sự khốn khổ và đe dọa cả đời sống, giống nòi Việt Nam.

– Thầy Tĩnh đã đem sức mình dạy cho các cháu, các học sinh biết yêu quê hương, bảo vệ nòi giống, đất nước này, đòi hỏi quyền được làm con người, không chấp nhận làm con vật trong một xã hội mà đảng cộng sản luôn kêu gào: “Của dân, do dân và vì dân” đồng thời luôn tuyên truyền về quyền làm chủ của nhân dân.

Vậy, tất cả những việc trên là “Chống nhà nước” thì nhà nước đó là gì? Nhà nước đó của ai? Của nhân dân Việt Nam nay của Tàu Cộng khi đã nhận giặc làm “bạn vàng” và quyền thề nguyền “4 tốt, 16 chữ vàng”?

– Ngược lại, Nguyễn Phú Trọng là TBT kiêm Chủ tịch nước đã từng nói rằng: Biển Đông không có gì mới” khi mà Tàu đang chiếm biển, đảo và đe dọa đất nước, hay “Không thể thay láng giềng được, và nếu có đụng độ trên biển Đông thì làm sao có thể ngồi yên bàn đại hội đảng được. Nghĩa là cứ để cho Tàu xâm lược để lo giữ đảng.

– Ngược lại, những tên trong Quốc hội, trong các cơ quan đứng đầu đất nước đã công khai nói rằng: Trường Sa, Hoàng Sa cứ giao Trung Quốc quản lý, để cho đời con, đời cháu ta sau này đòi.

– Ngược lại, những tên sư sãi do cộng sản dựng lên làm tay sai, lợi dụng cái áo cà sa giả danh nhà Phật mà tuyên truyền những điều đi ngược lại với truyền thống dân tộc, ru ngủ người dân chấp nhận nô lệ Trung Quốc, thả cá độc phá hoại môi trường, tập trung thanh niên đưa họ vào trụy lạc và lãng quên thực tại đất nước như Thích Chân Quang lại được coi là “Yêu nước”?

Phải chăng, nhà cầm quyền CSVN đang cố tình chứng minh sự đảo ngược của các giá trị truyền thống, lịch sử qua những việc này?

Phải chăng, chỉ vì Thích Chân Quang là cháu Hồ Chí Minh, là đứa con, cháu rơi rớt của Nguyễn Sinh Sắc – Bố Hồ Chí Minh – trên đường “Cứu nước” nên đã đi theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn? Và vì vậy nên đảng và nhà nước dung dưỡng, chăm chút nuôi để đi ru ngủ người dân hãy chấp nhận nô lệ giặc Tàu?

Việc bắt bớ thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, là hành động tự bóc lớp mặt nạ của chính quyền Cộng sản Việt Nam, để lộ đằng sau đó là một chính quyền phản động và bán nước, đi ngược lại lợi ích nhân dân và dân tộc này.

Mời quý vị xem và nghe những hình ảnh, video sau đây theo phương thức: Nói có sách, mách có chứng.



Tôi kêu gọi mọi người chia sẻ thông điệp, câu hỏi này đến mọi người dân nước Việt, để xem ai có thể giải thích được hợp lý việc bắt Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Họ đang làm vì lợi ích của Ai?







BẤT NHÂN! (Hoàng Đức Truật)





Trong cuộc đời gần 30 năm làm báo đảng của mình, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều đối tượng lao động. Họ là những công nhân trong các nhà máy xí nghiệp, công nhân trồng rừng, cạo mủ cao su, thợ đổ bê tông, công nhân dọn vệ sinh, giáo viên trong các vùng bản… đó là những người lao động cần cù chất phác. Họ chỉ biết bán sức lao động rẻ mạt để kiếm đồng lương còm cỏi nuôi sống bản thân, gia đình, cố bám công việc đến cùng để có đồng lương hưu, khi về già khỏi phiền lụy con cháu.

Nhìn những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, vì sốt rét rừng, vì thiếu dưỡng chất tôi không nghĩ đó là lực lượng nồng cốt, giai cấp tiên phong của cách mạng. Những khuôn mặt, những ánh mắt già nua ốm yếu của tầng lớp cần lao ấy vẫn còn ám ảnh tôi đến bây giờ…

Với tầng lớp lao động cùng khổ ấy, khát vọng lớn lao nhất của họ là được về hưu sớm, phải sớm hơn theo quy định của luật lao động là nam đủ 60 tuổi và nữ 55!

Nhưng những nguyện vọng chính đáng của họ chưa bao giờ được lắng nghe, luật lao động và nhóm lợi ích xây dựng luật bảo hiểm xã hội luôn nặn ra nhiều quy định quái ác để cướp đi những đồng tiền khó nhọc mà họ đã chắt chiu đóng góp hàng chục năm trời, nếu nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Mấy hôm nay trong cái nắng nóng kinh hoàng của đất trời lại được cộng hưởng bởi cái nóng rát của việc tăng giá điện giá xăng, trong Hội trường mát lạnh của quốc hội, các đại biểu của dân lại đem chuyện tăng tuổi hưu ra để thảo luận. Chưa nói việc này có được thông qua hay không, chỉ riêng việc chọn thời điểm đưa điều luật tăng tuổi nghỉ hưu ra thảo luận lúc này là chưa ổn. Bởi vì, chính phủ đang hô hào sắp xếp lại bộ máy tổ chức, giảm biên chế, hàng loạt người lao động dôi dư chưa sắp xếp được công ăn việc làm, rồi hàng trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm mà đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang chễm chệ trong bộ máy xem ra đây không chỉ là hành vi bất hợp lý mà còn bất nhân!

Từ việc này đã bộc lộ ra bản chất dối trá, đạo đức giả của những kẻ luôn rêu rao vì dân nhưng thực ra họ chỉ lo cho bản thân mình, chăm chút cho gia đình mình. Ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu? Chỉ những kẻ ăn trên ngồi trốc, việc nhẹ lương cao, sống ký sinh trong bộ máy quản lý nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể… là muốn tăng tuổi nghỉ hưu, để được hưởng nhiều bổng lộc, được đi giao lưu tham quan nghỉ dưỡng miễn phí, được kéo dài thời gian ngồi mát ăn bát vàng. Còn lại tất cả những người lao động vất vả đều muốn về hưu sớm!

Thật bi hài khi số ít những người ngồi trong phòng máy lạnh, mặc comple thắt caravat, mang khăn quàng cổ đắt tiền làm luật mà luật đó lại không đại diện lợi ích cho đông đảo những người lao động bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hoặc không đủ hơi sức gào thét trên bục giảng…







BẢN TIN NGÀY 31/05/2019 (Báo Tiếng Dân)




31/05/2019

Tin Biển Đông

Tướng Mỹ kêu gọi ‘hành động tập thể’ với Trung Quốc do thất hứa về Biển Đông, VTC đưa tin. Ngày 29/5, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết, ông không kêu gọi hành động quân sự, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải thực thi luật pháp quốc tế, “hành động tập thể” để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì đã từ bỏ cam kết không quân sự hóa Biển Đông.

Tướng Dunford nói: “Mùa Thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Barack Obama rằng họ sẽ không quân sự hóa các đảo. Vậy mà những gì chúng ta thấy ngày nay là đường băng 10.000 feet (3 km), kho chứa đạn dược, triển khai thường xuyên khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không…”.

Zing có bài: Dự luật mới của Mỹ đe dọa mạnh tay với Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết phân tích dự luật trừng phạt Trung Quốc vì các hành động gây hấn ở Biển Đông và Hoa Đông vừa được một số thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra Quốc hội nước này. Dự luật liệt kê 25 công ty ở Trung Quốc liên quan đến quá trình bồi lấp và xây dựng trái phép trên Biển Đông, trong đó có Công ty Nạo vét CCCC, một công ty con của Tập đoàn Xây dựng Đường bộ Trung Quốc (CCCC), đã nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Dự luật này còn đi kèm với chiến lược mới, khuyến khích các cuộc tập trận hải quân mở rộng và tăng cường sự phối hợp, hợp tác quân sự trong khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, cam kết triển khai 60% sức mạnh Hải quân Mỹ trong khu vực.


Hơn 200 hành khách và phi hành đoàn phải chờ vị khách VIP

Hôm qua, Tiếng Dân có bài của tác giả Hồng Hà, phản ánh chuyện hơn 200 hành khách và phi hành đoàn của Vietnam Airlines phải hoãn chuyến bay tới 72 phút, để chờ đón vị khách VIP Đỗ Trường Minh, TGĐ Bảo Việt. Chuyến bay bị hoãn theo yêu cầu của Phó TGĐ Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, bắt hơn 200 người phải chờ một vị khách VIP.

Khách VIP Đỗ Trường Minh – TGĐ Tập Đoàn Bảo Việt. Ảnh: HN News

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: 215 hành khách chậm chuyến bay đi Đức vì phải chờ một… “khách VIP”? Theo “thông tin từ flightradar24, một trong những website uy tín cung cấp cho người dùng mọi dữ liệu của tất cả các chuyến bay trực tiếp trên toàn thế cho thấy, chuyến bay VN31 dự kiến khởi hành 22h10, nhưng giờ cất cánh thực tế vào 23h22”. Vietnam Airlines lấy lý do, tối ngày 28/5, chuyến bay bị “ảnh hưởng của mưa dông” tại TP HCM.

Chuyến bay VN31 của Vietnam Airlines delay 72 phút để chờ một khách VIP. Ảnh: Chụp từ màn hình flightradar24/GDVN

Facebooker Đặng Như Quỳnh cho rằng, chuyện ông Lê Hồng Hà can thiệp vào các chuyến bay đã làm ảnh hưởng tới tiền bạc và thời gian của mọi người. Ông đề nghị Vietnam Airlines nên đổi tên thành Bảo Việt Airline. Ông Quỳnh viết: “Tôi đề nghị tất cả những ai bị nhỡ chuyến quốc tế hay trong nước, đặc biệt là nối chuyến, lần sau sẽ gọi cho Phó Tổng Giám Đốc Lê Hồng Hà để được ông ấy chỉ đạo máy bay chờ“.



Ngành điện độc quyền

Phó TT Vương Đình Huệ nói: “Không tăng giá điện trong tháng 3 thì giá tiêu dùng còn tăng cao hơn“, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông Huệ giải thích: “Thực tế trong 10 lần điều chỉnh tăng giá điện thì đã có 4 lần trong tháng 3. Nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác – như tháng 7 chẳng hạn – thì tỷ lệ phải cao hơn để bù đắp được khoản 20.000 tỷ đồng”.

Người dân đã quen các kiểu ngụy biện như vậy và hiểu rằng, quan chức CSVN đến lúc cần phải “tận thu” để giữ chế độ (ngoài chuyện vơ vét cho túi riêng) thì họ sẽ “tận thu”. Họ sẽ viện đủ mọi lý do họ để tận thu. Các cấp lãnh đạo từ Chính phủ đến các bộ, ngành và EVN đều đã đồng thuận phương án “móc túi” dân.

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp dẫn lời ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi về vụ tăng giá điện “phải chăng do độc quyền”? Ông Hiếu cho rằng, chuyện tăng giá điện, giá xăng dầu: “Phải chăng, nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có sự cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán truyền tải điện”.

Báo Dân Việt dẫn lời ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: “Tăng giá điện 8,36% người dân lợi chả thấy đâu mà răng chẳng còn”. Ông Cương nói: “Có một việc đáng so sánh là ở một số nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá điện cho người dân đỡ khó khăn sao chẳng thấy ai so sánh. Cứ rao giảng tăng giá điện các bên được lợi, nhưng thực tế với người dùng lợi đâu chả thấy mà răng chẳng còn”.

Trang An Ninh Tiền Tệ dẫn lời ĐBQH Nguyễn Thị Phúc: Tránh tình trạng ‘té nước theo mưa’ trong tăng giá điện. Bà Phúc cho rằng, chuyện tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng “té nước theo mưa”, làm cho hàng loạt mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá, khiến người dân bất bình.

Bà Phúc đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, đề phòng những yếu tố bất thường của thị trường. Đáng tiếc là làn sóng lạm phát không thể bị kiểm soát bởi nghị quyết, chỉ đạo, bởi lạm phát tăng khi giá điện, xăng tăng.
Trang Kinh Tế Đô Thị viết: Cảnh báo nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu. Tổng cục Thống kê thừa nhận, trong tháng 5/2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng, dầu, điện, tăng. Còn theo Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tăng trưởng GDP năm 2019 vẫn đạt mục tiêu của Quốc hội, nhưng lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn.


“Công bộc” của dân: Kẻ móc túi dân, kẻ quịt nợ dân

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Nữ cán bộ ở TP.HCM dùng 7,4 tỉ tiền ‘rút ruột’ quỹ hộ nghèo vào việc gì? Ngày 29/5, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ án Quách Vân Loan, cựu cán bộ chuyên trách giảm nghèo, tăng hộ khá, tại UBND phường 11, quận 6, tham ô tài sản gần 7,4 tỉ đồng, bằng cách ‘rút ruột’ ngân sách hỗ trợ người nghèo.

Theo cáo trạng, bà Loan đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để lập 267 hồ sơ khống, vay vốn quỹ xóa đói giảm nghèo, thu hồi vốn vay, nhưng không nộp lại mà chiếm đoạt gần 7,4 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo Loan khai, do thiếu nợ một khoản tiền lớn nên túng quẫn, làm liều.
Báo Giao Thông viết: Liên tục nghỉ ốm, Phó giám đốc một sở ở Bình Định bị tố nợ hàng chục tỉ. Ngày 30/5, ông Nguyễn Mỹ Quang, GĐ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của nhiều người về vụ ông Tr. H. A, PGĐ sở này nợ nần dây dưa của nhiều người với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng: “Những người này gửi đơn đến sở nhờ can thiệp để động viên ông A. trả nợ. Tuy nhiên chuyện nợ nần cá nhân giữa anh A. với họ là quan hệ dân sự, lãnh đạo sở không thể can thiệp được”.

Ông Quang xác nhận, ông A bắt đầu xin nghỉ phép để vào TP.HCM chữa bệnh từ cuối tháng 11/2018. Từ đó đến nay, ông A. liên tục xin nghỉ phép để chữa bệnh, thỉnh thoảng mới xuất hiện ở cơ quan.


Vấn nạn BOT tiếp tục hoành hành

Vụ “hỗn loạn” trạm BOT T2: Bộ Giao thông nghiên cứu phương án di dời trạm, theo báo Dân Trí. Đây là trạm BOT được đặt tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, vận hành để hoàn vốn đầu tư cho dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91, theo hình thức BOT. Đây là một trong các trạm BOT bị tài xế phản đối liên tục trong thời gian qua, vì không ít tài xế chỉ điều khiển phương tiện qua quãng đường không dài nhưng phải trả tiền bằng cả chặng.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật nói: “Bộ GTVT ghi nhận bất cập tại trạm thu phí này ở cả hướng các xe di chuyển trên QL80 theo hướng Kiên Giang – An Giang và hướng An Giang – Đồng Tháp khi qua trạm T2 trên QL91. Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án”.

UBND tỉnh An Giang chính thức dẹp bỏ trạm “BOT” đường lên đỉnh núi Sam. Hai trạm “BOT” do Công ty MGA tự ý lập ra “không còn nhân viên hay bảo vệ chặn đường yêu cầu khách phải vào mua vé như những ngày trước đó”.

Trước đó, ngày 27/5, một nhóm du khách đến từ tỉnh Đồng Tháp lên đỉnh núi Sam nơi Bà Chúa Xứ từng ngự, nhưng bị những bảo vệ, nhân viên của Công ty MGA chặn lại đòi thu phí với giá 10.000 đồng/người. Một người dân cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng lên đây cúng bái để cầu sức khỏe và làm ăn may mắn nhưng đâu có chuyện bị ai chặn đường thu tiền. Đi du lịch tâm linh mà bị thu tiền vô lý kiểu đó thì mai mốt ai dám tới đây nữa”.

Báo Đất Việt đưa tin: TP.HCM muốn chuyển nhiều dự án BOT, BT sang đầu tư công. Sở GTVT TP HCM đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án mở rộng QL13, QL22, QL1A, QL50, đường Vành đai 2, từ đầu tư theo hình thức BOT, BT sang đầu tư công bằng vốn ngân sách, do Chính phủ chưa có các quy định cụ thể về hoàn trả quỹ đất cho nhà đầu tư theo hình thức BT.


Bạo hành trẻ em

Báo Thanh Niên đưa tin: Ăn trộm 50.000 đồng, bé gái 12 tuổi bị công an đánh bầm tím mông. Sáng 30/5, ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xác nhận thông tin này và cho biết, nạn nhân là em Nguyễn Thị Cẩm Giang, bị đánh đến bầm tím mông vì ăn trộm tiền của hàng xóm là ông Nguyễn Song Thao, công an viên thôn Trần Phú.

Em Cẩm Giang bị đánh bầm tím mông. Ảnh: PNPL

Ông Lĩnh nói: “Sáng nay, chúng tôi đã gọi ông Thao lên lập biên bản sự việc và bắt ông này viết bản tường trình. Hiện Công an huyện Kỳ Anh cũng đã về phối hợp với công an xã để làm rõ. Ông Thao cũng thừa nhận đã hơi nặng tay với bé gái”,  em Giang bị bệnh thiểu năng trí tuệ, tính cách không bình thường nên gia đình đã cho nghỉ học.

Bố dùng búa đánh con gái 5 tuổi dập não vì không chịu đi chơi cùng, theo báo Tiền Phong. TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Hóa, quê An Giang về hành vi dùng búa đánh vào đầu con gái 5 tuổi gây chấn thương, dập não.

Theo cáo trạng nêu, tối 9/11/2018, Hóa tìm đến phòng trọ của vợ cũ ở thị xã Thuận An để đón con gái đi ăn tối. Tuy nhiên, bé Q không chịu đi mà bỏ trốn vào tiệm tạp hóa. Hóa cho rằng vợ cũ ngăn cản 2 bố con gặp nhau nên xảy ra cự cãi.

Hóa nói: “Một là tao chết, hai là nó chết tao đi tù” rồi cầm búa xông vào tiệm tạp hóa tìm bé Q, đánh vào phần thái dương của bé Q. làm bé ngất xỉu, phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.


Tin giáo dục

Báo Người Lao Động có bài: NÓI THẲNG: Hãy loại bỏ nền giáo dục nói dối! Nhà dột từ nóc. Đất nước này được xây dựng trên nền tảng dối trá, những người lãnh đạo đất nước gạt dân mấy chục năm rồi, nào là họ đang dẫn dắt dân đi tới “thiên đường XHCN”, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”… Cho tới bây giờ họ vẫn gạt dân. Nếu chỉ loại bỏ nền giáo dục nói dối không thôi, làm sao loại được?

Thông Tấn Xã VN dẫn lời ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: “Ngành giáo dục càng cải cách lại càng kém đi”. Ông Hiếu phân tích: “Giáo dục là lĩnh vực lớn, quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn loay hoay với hàng loạt vấn đề, chưa giải quyết được triệt để, rốt ráo những bất cập. Cải tiến nối tiếp cải tiến nhưng cải tiến không mang lại hiệu quả rõ ràng, chưa đáp ứng được sự phát triển của xã hội”.

Ông Hiếu cũng thừa nhận, người dân ngày càng mất niềm tin, sau làn sóng các sai phạm nối tiếp sai phạm, từ gian lận thi cử, đến bệnh thành tích, bạo lực học đường… diễn ra suốt mấy chục năm qua, với tầng suất càng ngày càng tăng.

ĐBQH Thái Trường Giang nói về chuyện khó tin ở VN: “Bây giờ tìm 1 học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể”, theo VietNamNet. Ông Giang bình luận: “Thực chất sao được, không phải là bệnh thành tích thì là gì khi mà lớp học có 43 học sinh thì có 42 học sinh giỏi, chỉ có duy nhất 1 học sinh loại khá. Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi là có rất nhiều nếu chúng ta tiến hành 1 cuộc khảo sát. Ngành giáo dục bây giờ tìm 1 học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể”.

Dĩ nhiên không có chuyện nền giáo dục VN đầy học sinh giỏi, mà là đầy những vở diễn. Có sinh viên kể với chúng tôi rằng bạn ấy vẫn nhớ những ngày tiểu học, trung học, mỗi khi có dự giờ các giáo viên “diễn tập” từ trước đó khoảng một tuần.

Báo Một Thế Giới có clip: Bé trai bị 4 bạn học đấm đá tới tấp, cô giáo mầm non ngó lơ, gây phẫn nộ. Clip ghi lại cảnh“bé trai bị bạn nữ cùng lớp đạp lên người. Chuyện chưa dừng lại ở đó khi bé trai này bị 3 bạn nam lao tới đấm đá tới tấp và chỉ biết ôm đầu”, trong khi cô giáo làm ngơ: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/05/B%C3%A9-trai-b%E1%BB%8B-4-b%E1%BA%A1n-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%E1%BA%A5m-%C4%91%C3%A1-t%E1%BB%9Bi-t%E1%BA%A5p-c%C3%B4-gi%C3%A1o-m%E1%BA%A7m-non-ng%C3%B3-l%C6%A1-.mp4?_=1


“Cát tặc” hoành hành


VnExpress có bài: Sông Hồng biến dạng trong cơn đói cát. Sông Hồng gắn liền với lịch sử văn minh người Việt ở Bắc Bộ, nhưng giờ đây “người dân bắt đầu thấy sợ dòng sông thiêng. Họ sợ thiếu nước tưới, sợ ruộng vườn biến mất dưới lòng sông và sợ dòng sông sẽ liếm căn nhà đi như vụn bánh. Sông Hồng biến dạng chưa từng thấy cả về dòng chảy, mực nước lẫn tính cách”.

Do vấn nạn “cát tặc” hoành hành, đến cả chính quyền thủ đô cũng làm ngơ, nên “đáy lòng dẫn bị hạ thấp, dẫn đến mực nước cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng”. Thông tin này được xác nhận bởi GS.TS Trần Đình Hòa, PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi VN. Hình dáng của sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội từ năm 1989 đến nay, ngày càng nhỏ lại.

Báo Công An TP Đà Nẵng đặt câu hỏi: Ngang nhiên khai thác cát sỏi trái phép, xã làm ngơ? Người dân khu vực suối Máu, giáp ranh giữa 2 xã Hồng Tiến và xã Bình Điền (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), phản ánh, mấy ngày gần đây, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép diễn ra rầm rộ giữa ban ngày. Họ ngang nhiên tập kết cả máy xúc, phương tiện vào đây để hoạt động khai thác.

Bài viết lưu ý, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực này, diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người, thậm chí là có cả chính quyền địa phương. “Đứng trên QL49 từ cầu Hồng Tiến nhìn vào, dễ dàng nhận thấy những chiếc xe ben sau khi ‘ăn’ đầy cát sỏi từ xe múc đã lần lượt di chuyển ra khỏi khu vực”.


***




View My Stats