Sunday, 12 May 2019

EU HIỆN ĐANG MẠNH HƠN BAO GIỜ HẾT (Klaus Geiger)




Klaus Geiger
Tôn Thất Thông dịch
12/05/2019


Tất cả những người tiên đoán thảm họa trong cuộc bầu cử định mệnh sắp tới đã đánh giá sai các dấu hiệu của thời đại: nhờ các cuộc khủng hoảng của những năm gần đây, EU không suy yếu mà dân chủ hơn - và sống động hơn. Điều này có ba lý do chính.

Cuộc bầu cử châu Âu sắp tới được cho là một cuộc bầu cử định mệnh. Nhưng EU không đối mặt với sự sụp đổ của nó, mà là sự phục hưng. Và quả đúng là nghịch lý, ba sự kiện đã làm cho Liên hiệp châu Âu trở nên mạnh mẽ là: khủng hoảng đồng Euro, khủng hoảng tị nạn và Brexit [Anh rời EU].

EU đang ở ngã ba đường trước cuộc bầu cử châu Âu trong hai tuần tới. Giấc mơ về một lục địa hòa bình, thống nhất đang gặp thử thách. Những người theo chủ nghĩa dân túy đang làm cho những người dân chủ thành trò cười - và đào thêm những hố ngăn cách sâu thẳm trên khắp EU. Đó là những điều bạn nghe thường xuyên trong những ngày này. Điều đó không tương ứng với tình hình thực tế. Bởi vì EU chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Ý tưởng châu Âu trở nên sống động hơn bao giờ hết. Và như một nghịch lý, điều đó mới thoạt nhìn có ba lý do chính: khủng hoảng đồng euro, khủng hoảng tị nạn và Brexit.

Mười năm trước, EU còn là một thực thể hết sức xa vời đối với nhiều người châu Âu. Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, EU đã thực hiện hai dự án lớn nhất của mình - khu vực Schengen và đồng Euro. Brussels và các chính phủ quốc gia - EU về cơ bản là một hỗn hợp của cả hai - dường như thật xa cách và kiêu ngạo dưới mắt nhìn của nhiều công dân. Và họ cũng tồi như thế thật, điều đó không có gì phải tranh cãi.

[Trước đây], nếu ai đó nói rằng khu vực Schengen không có biên giới là một ý tưởng hay, nhưng không nên tiến hành quá nhanh, anh ta được coi là một "người hoài nghi EU". Nếu người ấy nói rằng biên giới bên ngoài phải được bảo vệ, để cho sự trao đổi hợp tác giữa các cơ quan an ninh bên trong được lồng quyện vào nhau tốt đẹp, anh ta sẽ bị gọi là người phản giáo vô thần trong mắt các môn đệ tôn thờ những dự án lớn ở châu Âu. Và những ai cho rằng, thật vô trách nhiệm khi thống nhất nhiều quốc gia với nhiều nền kinh tế khác nhau – để rồi sau đó vi phạm các nguyên tắc của Maastricht – người đó sẽ bị gán cho nhãn hiệu là theo chủ nghĩa hoài nghi.

Đó là thời gian không có lựa chọn thay thế. Một thuật ngữ được sáng chế đầu tiên bởi Thủ tướng Angela Merkel khi xảy ra cuộc khủng hoảng đồng Euro, cũng là một nguyên tắc hành xử đã được xây dựng từ thời Helmut Kohl và Gerhard Schröder trong liên hệ với Brussels. Một nguyên tắc cơ bản của chế độ chuyên chế! Thông điệp của họ là: Những người đang nắm trách nhiệm biết họ phải làm gì và đối với người dân thường, những gì xảy ra ở Brussels thực chất là quá phức tạp. Chính thái độ này đã làm cho chủ nghĩa dân túy trở nên hấp dẫn tuyệt vời. Đảng AfD (Alternative für Deutschland) đã hình thành từ sự phản kháng đối với tư tưởng bảo hộ kiêu ngạo này.

Cuộc khủng hoảng đồng Euro và cuộc khủng hoảng tị nạn đã đưa EU đến bờ vực sụp đổ. Cuộc khủng hoảng đồng Euro gây ra cuộc chia rẽ giữa Bắc và Nam, cuộc khủng hoảng tị nạn thì chia rẽ Tây và Đông. Nhưng hai cuộc khủng hoảng ấy cũng khiến cho EU thức tỉnh và phải hành động nghiêm chỉnh hơn. EU cần phải thú nhận rằng, việc kiến tạo khu vực đồng Euro xuất phát từ mong muốn chính trị đã gây ra những sai lầm về mặt kinh tế. EU cũng cần phải thừa nhận rằng, thật là một sự vô lý quá hiển nhiên khi mở cửa các biên giới nội bộ của EU trong quá trình thực hiện Schengen - nhưng lại để biên giới bên ngoài không được bảo vệ gì hết.

Tuy nhiên, hai cuộc khủng hoảng cũng làm cho lục địa châu Âu lần đầu tiên lay chuyển được con người châu Âu. Thật bất ngờ, châu Âu không còn là một bộ máy quan liêu ở Brussels, nơi chỉ chuyên sản xuất hàng núi bơ và đưa ra qui định về độ cong của chuối. Các vấn đề châu Âu và EU đã bất ngờ biến thành đề tài nóng hổi quanh bàn ăn sáng và những nơi gặp gỡ thường xuyên. Từ Lisbon đến Helsinki, từ Paris đến Warsaw, đó cũng chính là những chủ đề lôi kéo mọi người tham gia tranh luận.

Các câu hỏi không còn trừu tượng và xa vời nữa, giờ đây chúng đã chạm đến từng công dân về các vấn đề cốt lõi của khả năng sinh tồn. Cuộc khủng hoảng đồng Euro đe dọa tình trạng tài chính của họ; cuộc khủng hoảng tị nạn đã và đang dằng xé công dân châu Âu vì nó đụng chạm đến các vấn đề văn hóa - đạo đức liên quan đến bản sắc con người, lòng khoan dung và tinh thần đoàn kết.

Bây giờ nó mới thực sự được thảo luận và tranh luận. Cuối cùng, những gì mà một nền dân chủ cần làm, thì cũng đã được thực hiện. Cả lục địa đã và đang vật lộn để tìm kiếm giải pháp. Sự vươn dậy của chủ nghĩa dân túy phi tự do thường là triệu chứng của một chính sách châu Âu không đặt trên nền tảng tự do dân chủ. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng, những người dân túy cuối cùng không làm suy yếu nền dân chủ châu Âu, mà ngược lại là củng cố nó. Những người theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy thường tạo nên tình trạng, rằng các lực lượng tự do buộc phải thoát ra khỏi vùng an toàn thoải mái của họ, rằng họ phải trực diện với những đối thủ thực sự, rằng hình tượng dân chủ phải trở thành nền dân chủ đa nguyên mang tính cạnh tranh thực sự. Điều này sẽ được thấy rõ trong cuộc bầu cử châu Âu sắp tới.


Cạnh tranh về ý tưởng và niềm tin

Những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người được gọi là dân túy có thể sẽ trở nên mạnh hơn qua cuộc bầu cử. Thì có sao đâu? Còn lâu lắm họ mới nắm được đa số. Dấu ngắt duy nhất trong bản nhạc có thể là: các khối dân biểu chính của nhóm Bảo thủ và Dân chủ Xã hội sẽ không còn chiếm đa số dù liên minh với nhau, điều mà từ trước đến nay họ thường dùng để đạt được những thỏa hiệp lớn. Sau cuộc bầu cử, sẽ có một lực lượng đối lập thực sự, một cuộc cạnh tranh thực sự về ý tưởng và niềm tin.

Sau cùng, cuộc khủng hoảng lớn thứ ba của EU, Brexit, đã làm cho mọi người ở EU nhận thức rõ rệt hơn, việc rút khỏi cộng đồng chung thực sự có nghĩa là gì. Nó cho thấy là thực tế phức tạp đến mức nào - và chứng minh điều mà nhiều người đã biết: rằng những thông điệp ngây ngô của những người theo chủ nghĩa dân tộc, hữu cũng như tả, chưa bao giờ thực sự đứng vững sau một cuộc trắc nghiệm thực tế - và chắc hẳn lần này cũng thế. Hôm nay, mức độ đồng thuận trong EU đã lấy lại vị trí cực cao.

Như các cuộc thăm dò cho biết, phần lớn người dân châu Âu, cho dù ở Ý, Đức hay Ba Lan, đều muốn duy trì EU và muốn một châu Âu thống nhất. Phần lớn người dân châu Âu là những người dân chủ có xác tín. Đó là lý do tại sao họ thích châu Âu hiện tại, một châu Âu đang đấu tranh cho các giải pháp tốt đẹp.

Nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng trở lại, sau mười năm kể từ cuộc khủng hoảng đồng Euro. Ngay cả cho dù cốt lõi của hệ thống chưa phải là ổn định. Cuộc khủng hoảng tị nạn đã dẫn đến một cách nhìn thực tế. Và EU phải làm những bước đi đã quá muộn mà công dân EU còn có thể chấp nhận, theo các cuộc thăm dò dư luận: giúp đỡ nạn nhân của các vùng có khủng hoảng chính trị, đồng thời bảo vệ biên giới bên ngoài và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Nếu ai đó còn phạm sai lầm và tuyên bố rằng mọi thứ đều ổn thỏa, điều đó sẽ khiến mọi người nổi giận. Đó là cách đã xảy ra trước các cuộc khủng hoảng. Nếu ai đó lỡ phạm sai lầm, nhưng thừa nhận nó và cố gắng tránh lỗi lầm sau này, thì người khác có thể tha thứ. Bằng cách này, các cuộc khủng hoảng đã đưa nhiều người EU đến gần nhau, hơn là thời kỳ cách đây nhiều thập kỷ với những bài diễn văn viễn vông.

Dù sao, những người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi đã vượt quá đỉnh cao của họ - và hầu như không thể phát triển thêm, như các cuộc thăm dò cho thấy. Sự chia rẽ trong châu Âu vốn dĩ bị lên án nhiều chỉ là một chặng trung gian trên đường tiến đến một cảm giác gắn kết mới mẻ, nếu như các lực lượng dân chủ tự do bây giờ hành xử khôn khéo hơn.

Trên cơ sở này, người ta có thể sẵn sàng đối đầu với những nguy hiểm thực sự: Những nghi ngờ về lòng trung thành của chính phủ Mỹ với đồng minh, các cuộc tấn công từ các chế độ phi tự do của Nga và Trung Quốc đối với châu Âu. Những cuộc khủng hoảng lớn dường như rất cần thiết để làm cho châu Âu nghiêm chỉnh và mạnh mẽ hơn để có thể vượt qua những thách thức đó.

----------------------
Nguồn: Die EU ist derzeit so stark wie noch nie – WELT.de, 9.5.2919






No comments:

Post a Comment

View My Stats