Sunday, 12 May 2019

THƯƠNG MẠI : TRUMP DỌA BẮC KINH TÌNH HÌNH SẼ "TỒI TỆ HƠN NHIỀU" (tổng hợp)




Đăng ngày 12-05-2019

Sau vòng đàm phán thứ 11 thất bại, tổng thống Donald Trump lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc mau chóng đúc kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông Trump đe dọa, nếu bất đồng kéo dài đến nhiệm kỳ tổng thống mới, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề gấp bội.

Trong một thông điệp trên Twitter hôm qua, 11/05/2019, tổng thống Trump khẳng định :

"Tôi tin tưởng là phía Trung Quốc đã cảm thấy bị đòn đau trong vòng đàm phán vừa qua đến mức họ chỉ trông đợi đến kỳ bầu cử tới, năm 2020, với hy vọng họ sẽ gặp may, với chiến thắng của phe Dân Chủ, cho phép họ có thể tiếp tục cướp đi của nước Mỹ mỗi năm 500 tỉ đô la". Nhưng ông Trump cảnh cáo là, chắc chắn ông sẽ thắng cử, và lúc đó để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nhiều hơn. Như vậy, theo tổng thống Mỹ, "khôn ngoan" hơn hết với Trung Quốc là nên nhân nhượng ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, theo AFP, phản ứng của phía Trung Quốc cũng cứng rắn không kém, người phát ngôn bộ Thương Mại Trung Quốc nhấn mạnh : Bắc Kinh "sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực".

Tổng thống Mỹ đã khởi sự thủ tục áp đặt loạt tăng thuế mới với hơn 300 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đây đến khi quyết định có hiệu lực còn nhiều tháng nữa. Trong suốt thời gian này, Washington coi đây là một trong các biện pháp chủ yếu để gây áp lực với Trung Quốc. Trong một thông điệp trên Twitter trước đó, tổng thống Trump hối thúc giới công nghiệp Mỹ chuyển sang đầu tư cho sản xuất ngay tại Hoa Kỳ, hơn là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

Trên thực tế, một trong các nạn nhân đầu tiên của việc chính quyền Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc là các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ, buộc phải gánh chịu mức giá tăng. Giới trung lưu Hoa Kỳ cũng có nguy cơ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng tiêu thụ thông thường. Theo tổ chức Trade Partnership, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25%, có hiệu lực từ thứ Sáu tuần trước, sẽ khiến một gia đình Mỹ bốn người thiệt hại trung bình khoảng 767 đô la/năm.

Sau vòng đàm phán thất bại, Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ nối lại thương lượng. Tuy nhiên, trong hiện tại, chưa biết đến khi nào, các đàm phán được tổng thống Mỹ đánh giá là « thẳng thắn » và « mang tính xây dựng » sẽ tiếp tục.

------------------------

Người Việt
May 12, 2019

WASHINGTON, D.C. (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Năm, cảnh cáo Trung Quốc rằng nên ký thỏa thuận thương mại lúc này, vì sẽ “rất tệ hại cho họ nếu thương thảo trong nhiệm kỳ thứ nhì của tôi,” theo hãng thông tấn AFP.

Washington và Bắc Kinh đang có cuộc đối đầu về thương mại, khiến có sự gia tăng thuế quan ở cả hai phía, tạo lo ngại rằng cuộc tranh chấp sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.

Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại Washington, D.C. mới đây đã chấm dứt hôm Thứ Sáu mà không đạt được thỏa thuận gì.

Trưởng phái đoàn Trung Quốc, Phó Thủ Tướng Lưu Hạc (Liu He) nói hai bên sẽ lại gặp nhau ở Bắc Kinh vào một ngày hiện chưa được xác định.

Tuy nhiên ông Lưu cũng cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ “về những điều căn bản.”

Trong bản tweet gửi ra hôm Thứ Bảy, Tổng Thống Trump nói rằng: “Tôi nghĩ Trung Quốc cảm thấy bị đánh bại nặng nề trong các cuộc thương thảo gần đây nên họ có thể chờ đến sau cuộc bầu cử năm 2020, để xem họ có may mắn hơn không và có được chiến thắng của phía Dân Chủ – và họ sẽ tiếp tục lột của nước Mỹ số tiền $500 tỉ mỗi năm.”

Ông Trump nói thêm rằng: “Vấn đề là họ biết tôi sẽ chiến thắng (nền kinh tế tốt đẹp và số thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử Mỹ và còn nhiều thứ khác), do vậy thỏa thuận sẽ còn tệ hại hơn nữa cho họ nếu phải thương thuyết trong nhiệm kỳ nhì của tôi.”

Tổng Thống Trump cáo buộc Bắc Kinh là trở mặt về các điểm đã đồng ý sau khi thương thảo thời gian vừa qua. Ông ra lệnh tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với số mặt hàng trị giá $200 tỉ nhập cảng từ Trung Quốc, có hiệu lực hôm Thứ Sáu vừa qua.

Ông sau đó tạo thêm áp lực bằng cách ra lệnh tăng thuế quan đối với hầu như tất cả các mặt hàng còn lại, trị giá khoảng $300 tỉ, theo Đại Diện Thương Mại Mỹ, ông Robert Lighthizer.

Việc tăng thuế quan này sẽ không có hiệu lực trong mấy tháng nữa, vì còn phải có sự góp ý của công chúng.

Phía Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tăng thuế quan lên số hàng hóa trị giá khoảng $110 tỉ từ Mỹ, gồm nông phẩm và các sản phẩm khác.(V.Giang)

---------------------------------

Thanh Bình  -  GDVN
07:58 10/05/19

Thù hận của Mỹ đối với Trung Quốc không ngờ lớn đến vậy. Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là kẻ xâm lược kinh tế toàn cầu và là kẻ phá hoại quy tắc.


Trong tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đàm phán áp chót tại Bắc Kinh và đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán cuối cùng tại Mỹ vào hôm 8/5/2019 trước khi chốt lại bằng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau đó.

Cuộc đàm phán đi gần tới hồi kết và xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm như quyền sở hữu trí tuệ, vốn được cho là đã đạt “nhiều tiến bộ” tới khi ông Donald Trump nổi giận và tuyên bố sẽ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc cho dù đàm phán chưa kết thúc.

Theo đó, Mỹ sẽ tăng thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ 10/5/2019.

Tất cả ngôn từ hoa mỹ mô tả về những cuộc đàm phán Mỹ - Trung “tốt đẹp”, “tích cực”, “tiến triển tốt” đều trở thành vô nghĩa.

Tất cả thông báo từ các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho rằng cuộc đàm phán tuần trước tại Bắc Kinh rất hiệu quả chỉ là những lời nói cường điệu.

Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump nổi giận vì Trung Quốc nuốt lời, trở mặt.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer chia sẻ với báo giới rằng, các nhà đàm phán Trung Quốc đã “nuối lời” (renege) đảo ngược những điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận nháp trước đó.

Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện chiến thuật gây áp lực mạnh mẽ và buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trên bàn đàm phán lần này.

Theo Giáo sư Susan Shirk, Đại học California (Mỹ), quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu xấu đi không phải là hành động của phía Mỹ mà đến từ sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Giáo sư Shirk là một trong những chuyên gia có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực quan hệ Mỹ-Trung, từng giữ chức Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng khó khăn và căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu từ thời Hồ Cẩm Đào.

Năm 2008, Mỹ và các nước Tây Âu lâm vào khủng hoảng tài chính quốc tế. Khi đó, chính phủ Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ, không chỉ tránh được tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính mà còn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao.


Do đó, ở Trung Quốc đã xuất hiện những người theo chủ nghĩa thắng lợi quá sớm, cho rằng Trung Quốc đã tìm được đáp án cho tất cả các vấn đề.

Lãnh đạo và người dân Trung Quốc bắt đầu yêu cầu phải thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn hơn. Việc này có thể nhìn thấy rõ trong cách thức Trung Quốc xử lý vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đã có bước chuyển mình trong chính sách đối ngoại. Chính sách ngoại giao cứng rắn hơn, hành động nhiều hơn của Trung Quốc đã được tăng gấp đôi dưới thời Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, các xu thế phát triển nội tại của Trung Quốc gồm sửa đổi hiến pháp hay hủy bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước, tăng cường sự kiểm soát của đảng với chính quyền, quân đội và xã hội, thực hiện các chính sách mang tính áp đặt hơn đều khiến Trung Quốc bị phương Tây nhìn nhận như một mối đe dọa lớn hơn.

Chính sách và quyết định đối nội, đối ngoại của Trung Quốc đã khiến ngay cả những người bạn cũ của Bắc Kinh ở Mỹ như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson lo ngại và lên tiếng chỉ trích. Đồng thời vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, có lẽ Trung Quốc có một số điều không ngờ tới như sau:

Một là, thù hận của Mỹ đối với Trung Quốc không ngờ lớn đến vậy. Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là kẻ xâm lược kinh tế toàn cầu và là kẻ phá hoại quy tắc.
Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên truyền của Trung Quốc về quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Đó là trong anh có tôi, trong tôi có anh, không ai có thể rời khỏi ai.

Hai là, Bắc Kinh không thể ngờ được rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump lại thực sự là phái hành động, ra tay mạnh mẽ, quyết liệt, không cho phép đàm phán thêm nữa, khiến sách lược câu giờ của Trung Quốc hoàn toàn mất tác dụng.

Ba là, không ngờ được rằng trong chiến tranh thương mại, nhiều nước bất mãn với chính sách của Tổng thống Donald Trump, nhưng không có nước nào đứng ra đồng tình hay ủng hộ Trung Quốc, càng không thể nói tới việc xây dựng liên minh thống nhất chống Mỹ cùng Trung Quốc.

Bốn là, không ngờ rằng trên phương diện chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ lại thống nhất cao độ đến vậy. Trong Quốc hội Mỹ, không còn ai đứng ra nói ủng hộ Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng Donald Trump cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại chỉ là sách lược tạm thời phục vụ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, sau đó mọi việc sẽ như cũ.

Hơn nữa, Bắc Kinh còn lạc quan tin rằng việc áp thuế trừng phạt nhằm những nông dân ủng hộ Donald Trump sẽ khiến Tổng thống Mỹ phải xuống thang, không tin Trump có thể phá bỏ các quy tắc thương mại, gạt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sang một bên, xây dựng các quy tắc mới, gạt Trung Quốc ra ngoài.

-----------------------
Tài liệu tham khảo:



4. Tài liệu tham khảo 323-TTX của Thông tấn xã Việt Nam;

Thanh Bình

------------------------------------

David Lawder, Jeff Mason, Michael Martina
DCVOnline dịch
Posted on May 9, 2019 by editor

WASHINGTON/BEIJING (Reuters) – Theo ba nguồn tin của chính phủ Mỹ và ba nguồn khác thuộc khu vực tư nhân thì bản điện tín ngoại giao từ Bắc Kinh đã đến Washington vào tối thứ Sáu, với những thay đổi một cách có hệ thống trong hiệp định thương mại dài gần 150 trang, sẽ làm nổ tung cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những nguồn tin trên nói với Reuters rằng có đầy rẫy những thay đổi, rút lại những điểm đã cam kết trong hiệp định thương mại phá ngầm những yêu cầu cốt lõi của Hoa Kỳ.

Trong cả bẩy chương của bản dự thảo thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đã xóa các cam kết thay đổi luật để giải quyết các khiếu nại cốt lõi khiến Hoa Kỳ mở cuộc chiến tranh thương mại: Ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ; buộc chuyển giao công nghệ; chính sách cạnh tranh; đi vào thị trường dịch vụ tài chính; và thao túng tiền tệ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trả lời trong một tweet vào Chủ nhật thề sẽ tăng thuế nhập cảng trên tất cả hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc từ 10 lên 25% vào thứ Sáu —  ngay vào giữa chuyến thăm đã định  ​​của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để tiếp tục nói chuyện đàm phán.

Hoa Kỳ cho biết vào thứ Tư, mức thuế nhập cảng cao hơn sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu, theo một thông báo đã đăng trên Công báo Liên bang.

Trump nói hôm thứ Tư rằng Trung Quốc đã lầm to nếu họ hy vọng sẽ đàm phán thương mại sau đó với một chính quyền tổng thống của đảng Dân chủ. Trump đã tweet,

“Lý do khiến Trung Quốc rút lại và muốn đàm phán lại Hiệp định thương mại vì họ HY VỌNG chân thành sẽ có thể đàm phán với ông Joe Biden hoặc một trong những đảng Dân chủ rất yếu.”
Donald J. Trump

Trump cũng cho biết ông sẽ rất thoải mái đánh thuế nhập cảng trên hàng hóa của Trung Quốc.

Việc xóa ngôn ngữ pháp lý ràng buộc đã cam kết trong bản dự thảo đã đánh thẳng vào ưu tiên cao nhất của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer — người coi những thay đổi đối với luật pháp Trung Quốc là điều cần thiết để xác minh sự tuân thủ sau nhiều năm mà các quan chức Hoa Kỳ gọi là những lời hứa đổi mới rỗng tuếch.

Lighthizer đã thúc đẩy mạnh để có một chế độ thực thi giống như những quy địng đã sử dụng cho các biện pháp trừng phạt kinh tế — như đã áp đặt với Bắc Hàn hoặc Iran — hơn là một thỏa thuận thương mại thông thường.

Một nguồn tin có trụ sở tại Washington với kiến ​​thức về các cuộc đàm phán cho biết, “Điều này làm suy yếu kiến ​​trúc cốt lõi của thỏa thuận.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang (Cảnh Sảng) nói trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Tư rằng giải quyết các bất đồng về thương mại là một “quá trình đàm phán” và Trung Quốc không hề “tránh né các vấn đề”.

Geng đã chuyển các câu hỏi cụ thể về các cuộc đàm phán thương mại tới Bộ Thương mại, không trả lời ngay các câu hỏi do Reuters gời đến.

Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã sửng sốt trước mức độ thay đổi trong bản dự thảo. Hôm thứ Hai, hai viên chức nội các đã nói với báo giới rằng việc nuốt lời của Trung Quốc đã khiến chính phủ Hoa Kỳ phải dùng đến biện pháp đánh thuế nhập cảng, nhưng không nói rõ chi tiết về độ sâu và bề rộng của những sửa đổi trong bản dự thảo.

Hai trong số các nguồn tin cho biết, Lưu Hạc tuần trước đã nói với Lighthizer và Mnuchin rằng họ cần tin tưởng Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết đã hứa qua các thay đổi về hành chính và quy định. Cả Mnuchin và Lighthizer đều cho rằng điều đó không thể chấp nhận được, vì trong quá khứ Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết đổi mới.

Một nguồn tin thuộc khu vực tư nhân đã nói vắn tắt về các cuộc đàm phán cho biết vòng đàm phán cuối cùng đã diễn ra rất kém vì “Trung Quốc đã tham lam.” Nguồn tin cho biết thêm,

Trung Quốc đã nuốt lời, rút lại hàng tá cam kết, nếu không muốn nói là nhiều hơn … Cuộc đàm phán tệ hại đến nỗi phải thực sự ngạc nhiên là ông Trump đã đợi đến Chủ nhật mơi nổ tung trên twitter.
“Sau 20 năm tự tung tự tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc dường như vẫn tính toán sai với chính quyền này.”

Sẽ dàm Phán thêm trong tuần này

Sự suy sụp nhanh chóng của cuộc đàm phán làm náo loạn thị trường chứng khoán toàn cầu, trái phiếu và hàng hóa trong tuần này. Cho đến Chủ nhật, thị trường đã định giá với kỳ vọng rằng các giới chức của hai nước đã gần đến một thỏa thuận.

Giới đầu tư và phân tích đặt câu hỏi liệu tweet  của Trump có phải là một chiến thuật đàm phán để đạt thêm nhiều nhượng bộ từ phía Trung Quốc hay không. Các nguồn tin nói với Reuters rằng mức độ thiệt hại trong bản sửa đổi dự thảo là nghiêm trọng và phản ứng của Trump, không chỉ đơn thuần là một chiến lược đàm phán.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bên phải, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, giữa, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, bên trái, chụp ảnh trước khi họ vào cuộc họp tại Nhà khách Diaoyutai ở Bắc Kinh, Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2019. Nguồn: AP.

Vào sáng thứ Tư, các chỉ số thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ phần lớn kém đi, đó là ngày thứ ba liên tiếp mất giá trên Phố Wall. S&P 500 đã giảm hơn 2% trong tuần này. Lợi suất trên chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng.

Một trong những nguồn tin của chính phủ cho hay, nhân viên đàm phán Trung Quốc nói rằng họ không thể chạm vào luật pháp, và gọi đó là những thay đổi “lớn”.

Một viên chức Trung Quốc quen thuộc với cuộc đàm phán cho biết việc thay đổi bất kỳ luật nào ở Trung Quốc đòi hỏi một quy trình đặc biệt không thể điều hướng nhanh chóng được. Viên chức này đã không đồng ý với việc khẳng định rằng Trung Quốc đang rút lại với những lời hứa của họ, và nói thêm rằng các yêu cầu của Hoa Kỳ ngày càng trở nên khó khăn hơn và con đường dẫn đến một thỏa thuận “hẹp lại” khi cuộc đàm phán kéo dài.

Lưu Hạc dự định ​​sẽ đến Washington vào thứ năm để đàm phán hai ngày mà chỉ tuần trước đã được xem như là trụ cột — một vòng cuối cùng có thể trước một thỏa thuận thương mại lịch sử. Hai trong số các nguồn tin cho biết, hiện nay, các quan chức Hoa Kỳ có rất ít hy vọng rằng Lưu Hạc sẽ có bất kỳ đề nghị nào để có thể đưa cuộc đàm phán trở lại đúng hướng.

Để tránh sự leo thang chiến tranh, một số nguồn tin cho biết, Lưu Hạc sẽ phải bỏ hoàn toàn những đề nghi thay đổi của Trung Quốc trong bản dự thảo và đồng ý đưa ra luật mới. Trung Quốc cũng sẽ phải tiến gần hơn đến vị trí của Hoa Kỳ trên các điểm khúc mắc khác, chẳng hạn như yêu cầu kiềm chế trợ cấp kỹ nghệ Trung Quốc và đẩy nhanh quy trình phê duyệt hợp lý cho cây trái biến đổi gen của Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ cho biết việc leo thang thuế nhập cảng mới nhất sẽ có hiệu lực vào lúc 12:01 sáng thứ Sáu (0401 GMT), tăng thuế trên các sản phẩm của Trung Quốc như modem và bộ định tuyến internet, bảng mạch in, máy hút bụi và bàn tủ trong nhà.

Sự thoái lui của Trung Quốc có thể khiến nhóm chủ trương diều hâu với Trung Quốc trong chính quyền Trump, gồm cả Lighthizer, có lập trường cứng rắn hơn.

Mnuchin, người cởi mở hơn với thỏa thuận để Mỹ có thể vào thị trường được dễ dàng hơn, và đôi khi đụng độ với Lighthizer, đã thông nhất với Lighthizer khi mô tả các thay đổi của bản dự thảo với các phóng viên vào thứ Hai, trong khi vẫn để ngỏ khả năng thuế nhập cảng mới (25%) có thể rút lại nếu hai bên đạt được thỏa thuận.

Nhưng tweet của Trump không cho thấy có chỗ để lùi lại, và Lighthizer đã nói rõ rằng, mặc dù vẫn tiếp tục đàm phán, nhưng đến thứ Sáu, sẽ có tăng thuế nhập cảng.

Chiến tranh thương mại: Thị trường xuộng mức thấp trong năm tuần trước cuộc đàm phán Mỹ-Trung | Kinh doanh | The Guardian May 9, 2019.

© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn:  Exclusive: China backtracked on almost all aspects of U.S. trade deal – sources | David Lawder, Jeff Mason, Michael Martina | Reuters | May 8, 2019. Chris Prentice và Dan Burns ở NEW YORK, và Jing Xu và Ben Blanchard ở BEIJING  bổ túc bản tin; Simon Webb, Brian Thevenot và Paul Simao chỉnh sửa.






No comments:

Post a Comment

View My Stats