Wednesday 31 August 2016

VIỆT NAM TRƯỚC 3 LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC (Anders Corr - Forbes)




Anders Corr  -  Forbes
Tuấn Khanh  lược dịch
Thứ Tư, 08/31/2016 - 12:01 — tuankhanh

Trên tờ Forbes, bài viết mang tên Vietnam's Three Strategic Options của nhà phân tích thời sự Anders Corr đã có một cái nhìn khá rõ ràng về vấn đề biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt làm ảnh hưởng đến các quốc gia chung quanh. Bài viết ​​đáng đọc này, trích từ bài thuyết trình hội nghị 17-08-2016 tại thành phố Nha Trang, Việt Nam. Các hội nghị, được tài trợ bởi Đại học Phạm Văn Đồng và Đại Học Nha Trang, với chủ đề 'Tình trạng pháp lý của đảo và đá Trong Luật Quốc Tế Và Thực hành Trong Biển Đông.

----------------------

Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng đầy tính quân sự. Còn Việt Nam thì đang trở thành một quốc gia dễ xâm lấn từ Trung Quốc, do cách chọn đứng một mình, thiếu các hiệp ước liên kết chặt chẽ để tạo đồng minh. Trong tình hình an ninh đang xấu đi của Việt Nam, việc đối phó với Trung Quốc có thể  cần lựa chọn một trong ba chiến lược sau: 1) tiếp tục các chiến lược hiện tại đi dây giữa các mối quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Nga; 2) Liên kết đồng minh với Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc; hoặc 3) phát triển khả năng quân sự của Việt Nam, bao gồm cả tiềm năng về vũ khí hạt nhân.

Hành động của Trung Quốc lúc này, đang nhắm vào lãnh thổ của Việt Nam, và từ cách đối phó của Việt Nam, kết quả của sự đối đầu qua lại này, sẽ tạo ra một hiệu ứng toàn cầu. Nếu giả sử Trung Quốc đánh thắng Việt Nam, hậu quả này sẽ khiến các nước khác lo ngại và nhượng bộ phần nào với Trung Quốc. Về mặt quân sự thì Trung Quốc lúc đó cũng sẽ nổi bật hơn. Vì lẽ này, các quyết định chiến lược của Việt Nam đối phó với Trung Quốc trong những năm tới, cần được xem như mối quan tâm chính trị chung của thế giới.

Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam, là âm mưu chiếm lấy vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), vốn là quyền sở hữu mà Việt Nam đã được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật dự trữ Biển (UNCLOS) nhìn nhận. Nhưng đến nay, Việt Nam chỉ có khả năng giải quyết các mối đe dọa này, bằng cách điều đình và ngăn cản. Tương lai thì Việt nam chỉ còn có thể chọn lựa một trong ba chiến lược đã nói trên.

Tất cả ba chiến lược này, cái nào cũng buộc phải chịu về chi phí, kèm những theo rủi ro, và rất có thể sẽ gây ra những thay đổi cơ bản trong chính trị và kinh tế của Việt Nam. Sự lựa chọn của Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều diễn biến trong nước và quốc tế, trong tương lai gần, bao gồm việc Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện của nước này trên lãnh hải của Việt Nam, ảnh hưởng sự ổn định của lãnh đạo hiện nay của Việt Nam, cũng như các ứng phó của Trung Quốc đối với các nước khác.

Chiến lược hiện nay của Việt Nam, đi dây giữa các mối quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Nga, là phức tạp nhất, nhưng ít có khả năng dẫn đến các xung đột ngoại giao, kinh tế, hoặc quân sự. Việt Nam là rất có khả năng đi theo lộ trình này. Vì cách này bao gồm các yếu tố tương đối vô hại: luôn để mở các cuộc đàm phán, nhận tài trợ phát triển và có được các hợp đồng mua bán với tất cả các đồng minh tiềm năng, bao gồm Mỹ. và Trung Quốc. Việt Nam chỉ cần giữ mối hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh một cách vừa phải, có cơ hội mua và mua thêm vũ khí mới như một cách răn đe.

Việc quá nghiêng về một phía của một trong ba chiến lược có thể sẽ dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn. Cách tính quá kỹ của Việt Nam sẽ khiến họ bị xa lánh bởi các đồng minh lớn, và làm mất khả năng thuyết phục Hà Nội có thể là một đồng minh đáng để cam kết. Liên minh quá chặt với Mỹ. chống lại Trung Quốc sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc và có lẽ thêm cả Nga. Còn nếu nghĩ đến việc tạo một khả năng răn đe hạt nhân thì ắt sẽ gây ra nhiều phản ứng ngoại giao tiêu cực, ít nhất là từ cả Mỹ.

Chính sách đi dây có thể làm giảm nguy cơ của một cuộc chiến, nhưng khiến Việt Nam yếu đuối và dễ bị tổn thương khi ảnh hưởng từ Trung Quốc gia tăng. Vì lẽ Trung Quốc muốn đẩy mạnh sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này ở châu Á, ảnh hưởng của nước này với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Và khi đó, Việt Nam có thể lại phải nhượng bộ các mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc trong vòng hai thập niên tới.

Nếu Việt Nam lựa chọn chính sách đi dây như một chiến lược chính, thì Hà Nội sẽ phải đối mặt với các đòi hỏi của Trung Quốc, nhượng  Trung Quốc trong đường 9 đoạn. Từ đó sẽ cùng cam kết phát triển chung và chia sẻ doanh thu tài nguyên, hydrocarbon và đánh bắt cá, và thậm chí Bắc Kinh có thể hình thành  kín đáo việc đánh thuế thương mại hàng hải của Việt Nam. Nhưng chịu ảnh hưởng Trung Quốc tại Việt Nam, và các kiểu nhượng bộ sẽ tạo ra sự bất mãn trong dân chúng Việt Nam, thậm chí gây rủi ro ổn định chính trị và nhiệm kỳ của các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Chiến lược thứ hai là giả thuyết về việc đa số lãnh đạo của Việt Nam muốn loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam, và dựng mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ và các nước khác, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Úc và Ấn Độ. Một phần của chiến lược này, là Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế, thông qua UNCLOS. Chiến lược thứ hai này sẽ giúp duy trì sự độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Nhưng các đồng minh mới được gần gũi của Việt Nam sẽ theo thời gian, cũng sẽ có ảnh hưởng của mình đối với Việt Nam về vấn đề cải cách dân chủ hóa và tự do ngôn luận.

Việc cải cách dân chủ có thể dẫn đến các phong trào xã hội, yêu cầu lãnh đạo hiện tại ra đi để ưu tiên cải cách hiến pháp, và cuối cùng là một chính phủ dân chủ qua bầu cử. Những người chống lại chiến lược thứ hai này, thường vẽ ra một viễn cảnh về hỗn loạn chính trị, nội chiến, cũng như làm ảnh hưởng mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vốn được coi là rất ấn tượng.

Chiến lược thứ ba là phát triển khả năng quân sự của Việt Nam đến mức Trung Quốc không muốn tấn công nữa. Hiện Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm kilo-class từ Nga trong vài năm qua. Có nhiều loại phi đạn tấn công trên đất liền có thể với tới đảo Hải Nam, thậm chí là các thành phố sát biển như Thượng Hải. Đây là sự đa dạng diesel-điện im lặng, và mang tên lửa hành trình đất tấn công có khả năng đạt các căn cứ hải quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, thành phố ven biển lớn như Thượng Hải. Việt Nam lần lần có thể mua hoặc phát triển đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa này.

Chiến lược tăng cường quân sự có một điểm lợi cho Hà Nội, là ít có khả năng gây ra sự thay đổi chế độ. Nhưng nó sẽ mất thời gian, kích động một cuộc chạy đua vũ trang, vốn đã có ở châu Á. Và nếu là vũ khí hạt nhân, thì chắc chắn sẽ kéo theo những chi phí rất lớn từ các cuộc phản ứng ngoại giao quốc tế cũng như các đòn trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng có tính rủi ro cao. Việc xây dựng hệ thống vũ khí hạt nhân của Việt Nam, có thể khiến Trung Quốc nảy sinh việc muốn tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng các chiến thuật đối với Việt Nam như đâm tàu chìm, khiêu khích một cuộc chiến tranh, mà bình thường Trung Quốc cũng chưa tính tới.

Trung Quốc cũng có thể nhấn mạnh ưu thế riêng của mình trong một cuộc chiến tranh toàn diện với Việt Nam, kích động xung đột quân sự cường độ thấp để chứng tỏ quyết tâm của mình. Điều này có thể sẽ khiến Việt Nam phải nhượng bộ, dù có vũ khí hạt nhân hay không. Chạy đua quân sự thì tốn kém và mệt sức về chính trị, nhưng lại không mấy hiệu quả đối với một Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Thật vậy, Trung Quốc đã chứng minh một sự thèm khát mạnh mẽ đối với rủi ro trong vài năm qua. Do lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam khác hơn những nước khác là không may phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn. Các lựa chọn tốt nhất cho giới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, theo ý kiến ​​của tôi, là liên minh chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Úc và Ấn Độ, trong khi vẫn tăng cường khả năng quân sự của mình.

Giới lãnh đạo của Việt Nam hiện nay đang trong tay một cơ hội mang tính lịch sử. Nếu biết nắm bắt đúng lúc, nhân dân Việt Nam chắc chắn dành sự trọng vọng trong bài khải hoàn ca, cho những người xứng là người hùng của tổ quốc






NỮ DÂN BIỂU CANADA GỐC VIỆT & NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (Kính Hòa - RFA)




Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-08-31
.
Ảnh chụp sau khi bà Vũ Minh Khánh (thứ ba từ phải) trình bày trước Quốc hội Canada trường hợp chồng mình là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị cầm tù ở Việt Nam. Bà Anne Quach Minh Thu là người thứ hai từ trái sang. Ảnh do bà Anne Quach Minh Thu cung cấp

Vào tháng Sáu năm nay, bà Vũ Minh Khánh vợ của tù nhân chính trị Luật sư Nguyễn Văn Đài có mặt tại quốc hội Liên bang Canada để trình bày về trường hợp của chồng mình. Giúp đỡ bà Khánh trong các cuộc gặp mặt các giới chức Canada có nữ dân biểu trẻ tuổi Anne Quach Minh Thu. Bà Anne Quach Minh Thu là thành viên đảng Tân dân chủ của Canada, năm nay 34 tuổi, được bầu làm Hạ nghị sĩ liên bang hai lần, năm 2011 và 2015. Cha mẹ bà là người Việt Nam đến Canada tị nạn sau biến cố 1975.

Từ Canada bà Anne Quach Minh Thu dành cho Kính Hòa một cuộc trò chuyện về nhân quyền Việt Nam .

Kính HòaThưa bà, câu hỏi đầu tiên là với tư cách thành viên của Quốc hội Canada, bà thấy cuộc đấu tranh vì nhân quyền bên trong Việt Nam như thế nào?
Bà Anne Quach Minh Thu: Tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh vì nhân quyền bên trong Việt Nam rất quan trọng, rất chính danh. Vì thế mà mỗi lần tôi có cơ hội gặp các vị đại diện của chính quyền Việt Nam, Ngài Đại sứ, hay là ai đó nói chuyện với tôi về Việt Nam thì tôi đều nói về tầm quan trọng của nhân quyền, và tầm quan trọng bảo vệ quyền ấy. Tôi nghĩ rằng tất cả con người sống trên hành tinh này đều có quyền được tôn trọng những quyền cơ bản, điều đó rất quan trọng đối với tôi, cũng như tất cả những thành viên của Hạ viện, vì chúng tôi đại diện cho khu vực bầu cử của chúng tôi, và cả nước Canada. Trên bình diện quốc tế chúng tôi muốn cải thiện điều kiện sống của những người xung quanh chúng ta.
Bởi vì Việt Nam và Canada có quan hệ với nhau về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, vì thế rất quan trọng chuyện đề cập tới vấn đề nhân quyền, điều đó là một trong những giá trị mà tôi tôi trọng, tôi rất hài lòng khi làm việc theo hướng đó.

Kính HòaBà đã giúp đỡ vợ của một luật sư bị cầm tù tại Việt Nam cất lên tiếng nói khi bà ấy sang Canada, bà có ngại là điều ấy sẽ làm xấu đi quan hệ của bà với các nhà ngoại giao Việt Nam ở Ottawa không?
Bà Anne Quach Minh Thu: Tôi đã đề nghị các bạn tôi trong đảng Tân Dân chủ, như là phát ngôn nhân Hélène Laverdière ở bộ ngoại giao, Cheryl Hardcastle ở tiểu ban nhân quyền quốc tế của Hạ viện, gửi một lá thư tới Bộ trưởng Bộ ngoại giao Stephane Dion để nêu lên trường hợp của ông Nguyễn Văn Đài. Vợ ông ấy là bà Vũ Minh Khánh đã đến đây nói về trường hợp của chồng bà để cho ông Bộ trưởng ngoại giao có thể nêu lên vấn đề nhân quyền trong các quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng điều đó là quan trọng nếu chúng ta muốn tiếp tục quan hệ ngoại giao với Việt Nam cũng như với những quốc gia khác, khi chúng ta có những mối quan hệ thương mại, trao đổi sinh viên, quan hệ văn hóa, thì chúng ta muốn những người Canada đến Việt Nam, những người Việt Nam đến Canada có thể nói những vấn đề về nhân quyền mà không bị đe dọa. Tôi nghĩ là tôi không cần phải đặt câu hỏi là điều đó được những người đại diện Việt Nam đón nhận như thế nào. Tôi nghĩ là nên tố cáo những bất công theo một cách thức ngoại giao và tôn trọng nhau. Đó là những điều tôi làm mỗi khi gặp các vị đại diện Việt Nam hay Ngài Đại sứ. Không phải lúc nào họ cũng đồng ý những gì tôi nói. Và tôi nghĩ việc quan trọng ở đây là nói chuyện được với những người đó, tạo ra một lối mở hướng về tự do, và một ngày nào đó chúng ta có thể cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Bà Anne Quach Minh Thu. Hình do bà gửi RFA.

Người Việt tại Canada

Kính HòaBà vừa là một nhà chính trị Canada, và cũng là người gốc Việt Nam, từ vị trí đó bà thấy sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Canada như thế nào?
Bà Anne Quach Minh Thu: Chúng ta có nhiều nhà hoạt động nghệ thuật, thể thao ở Canada là người Việt Nam, tôi có thể đưa cho ông một danh sách những người Việt đoạt những giải thưởng ở Canada, những trường hợp rất vinh dự. Chúng ta có những bác sĩ, luật sư, nhạc sĩ, giáo sư. Người Việt hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống Canada. Từ khi những người đầu tiên đến đây, tức là những thuyền nhân tị nạn, người Việt dấn thân vào mọi mối quan tâm của đất nước Canada. Tôi rất tự hào mình là thành viên của một cộng đồng như vậy.
Ngoài ra còn có sự giao hòa văn hóa nữa, từ khi người Việt đến, ngoài những nhà hàng Việt Nam còn có những sự kiện văn hóa nữa, chẳng hạn như tổ chức lễ Tết ở Montreal chẳng hạn, cả cộng đồng dân cư đều chung vui, đẹp tuyệt vời. Đó là sự chia sẻ văn hóa với nhau, những nền văn hóa song hành với nhau, phát triển hài hòa với nhau, tôi rất tự hào về điều đó. Tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên là thành viên Hạ viện Canada, nếu tôi nhớ không lầm thì tôi là người thứ ba. Và tôi nghĩ là sẽ còn nữa. Và như thế là chúng ta sẽ có những cách nhìn khác nhau, suy nghĩ khác nhau, và đó là nền dân chủ.

Kính HòaCâu hỏi cuối cùng thưa bà, là một phụ nữ thuộc nhóm thiểu số, bà có khó khăn gì không khi vươn lên làm chính trị tại Canada?
Bà Anne Quach Minh Thu: Nói chung mọi sự diễn ra tốt đẹp. Tại khu vực bầu cử của tôi, ở thành phố lớn, nơi có đại đa số người dân là người Quebec da trắng, thì cứ nghĩ là sẽ gặp khó khăn, nhưng mà thực ra là ngược lại. Người ta dễ dàng chấp nhận tôi, một phụ nữ trẻ Việt Nam, và khuyến khích tôi. Có người nghĩ là tôi không nói được tiếng Pháp, rồi họ ngạc nhiên một cách thú vị khi tôi nói tôi là giáo viên dạy tiếng Pháp, họ rất vui. Họ nhìn những thành quả tôi làm được chứ không nhìn xem tôi thuộc sắc tộc nào. Người ta công nhận những việc làm của tôi, nhìn tôi như một người của cả cộng đồng mà không phân biệt nguồn gốc chủng tộc. Tôi rất mong mọi người có thể có những trải nghiệm đẹp như thế của tôi.

Kính HòaXin cám ơn bà.

-----------------------------------

Tin, bài liên quan






View My Stats