Friday 26 August 2016

TỔNG THỐNG PHILIPPINES & THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM (Ts Dương Danh Huy)




Tiến sĩ Dương Danh Huy
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
26 tháng 8 2016

Mặc dù ngày 20/8/2016 Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines tuyên bố “Có lẽ chúng tôi sẽ phải quyết định ly khai với Liên Hiệp Quốc”, thế nhưng sẽ không hề có nguy cơ Philippines làm điều đó.

Tuyên bố của Duterte chỉ là ngôn từ trả miếng của một nhân vật hay loạn ngôn và đã từng bị ví là “Donald Trump của phương Đông”. Thay vì suy diễn một cách tùy tiện, cần đánh giá tuyên bố đó trong văn cảnh của nó cũng như cùng với khái niệm “ly khai với LHQ".

Bối cảnh của tuyên bố này là Duterte kêu gọi cảnh sát và dân chúng Philippines giết những người bị nghi là buôn bán ma túy, thậm chí giết cả những người sử dụng ma túy. Ông cũng tuyên bố sẽ bảo vệ trước pháp lý những cảnh sát nào giết người như thế.

Từ khi ông nhậm chức, ngày 30/6/2019, đến nay đã có hơn 1.900 người bị giết dưới chính sách bắn không cần xử này, trung bình khoảng 35 người mỗi ngày.

Một trong những luật sư nhân quyền hàng đầu của Philippines, Jose Manuel Diokno, cho rằng Duterte đã “tạo ra một vụ nổ bom nguyên tử không kiểm soát được cho bạo lực và tạo ra một quốc gia không có quan tòa”.

Bộ Ngoại giao Mỹ, các chuyên gia LHQ về nhân quyền, về ngăn trừ tội phạm, về việc tử hình không tòa án, cũng như Tổng Thư ký LHQ đã phê phán chính sách này và kêu gọi Duterte và chính quyền Philippines chấm dứt nó.

Phản pháo lại, Duterte tuyên bố tại một buổi họp báo, “Có lẽ chúng tôi sẽ phải quyết định ly khai với LHQ", và "Nếu anh xấc xược như thế... tôi sẽ bỏ anh.”

Ông thậm chí còn nói ông "không quan tâm" khi được hỏi về hệ quả của tuyên bố đó.

Ông nói thêm là có lẽ ông sẽ sáng lập một tổ chức mới để cạnh tranh với LHQ, ông sẽ mời mọi quốc gia tham gia, ông sẽ mời Trung Quốc và các nước Châu Phi. Và ông cũng đả kích Mỹ.

Hai ngày sau, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay bác bỏ chuyện Philippines rút ra khỏi LHQ, khẳng định rằng Philippines vẫn hết lòng với LHQ, và thanh minh rằng tuyên bố của Duterte chỉ là “sự diễn đạt về sự thất vọng và bức xúc sâu sắc” trong lúc ngài Tổng thống đang mệt và đói.

Duterte cũng nói ông chỉ đùa cợt. Rõ ràng tuyên bố “ly khai” chỉ là phát biểu hồ đồ, xả xú páp của một “người hùng” thích dùng ngôn từ không phù hợp với cương vị của một nguyên thủ.

Khả năng ly khai khỏi LHQ

Việc Philippines, hay bất cứ quốc gia nào, rút ra khỏi LHQ không khơi khơi như sự diễn đạt của Duterte.

Các thành viên sáng lập của LHQ đã rút kinh nghiệm từ việc nước Nhật quân phiệt ly khai với Hội Quốc Liên năm 1933 khi tổ chức này đề nghị Nhật rút quân ra khỏi Mãn Châu, trả chủ quyền cho Trung Quốc, và họ có chủ ý là việc tham gia LHQ sẽ là vĩnh viễn, trừ khi bị trục xuất. Trong Hiến chương LHQ, không có quy định về việc ly khai.

Mặc dù một quốc gia có thể viện dẫn điều khoản về có “sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh” trong Công ước Vienna về Luật Điều ước Quốc tế để biện minh cho việc rút ra khỏi LHQ, khó có thể cho rằng mâu thuẫn giữa Duterte và LHQ là “sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh”.

Trên thực tế, cho tới nay, nếu không tính trường hợp Syria sáp nhập với Ai Cập năm 1958, do đó không thể tiếp tục là thành viên LHQ, chỉ có duy nhất một quốc gia đã từng tuyên bố ly khai với LHQ. Đó là Indonesia năm 1965 khi nước này phản đối việc Malaysia vào Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng chỉ trong vòng một năm nước này đã tiếp tục làm thành viên trở lại.

Tổng kết lại, không hề có nguy cơ Philippines sẽ rút ra khỏi LHQ.

Việc cho nó là nguy cơ là quá đáng. Việc đặt vấn đề Quốc hội Philippines phê chuẩn nó và phân tích về hệ quả của trường hợp đó là không cần thiết. Việc để sang một bên nguyên nhân của tuyên bố của Duterte để rồi suy diễn ra một nguyên nhân khác là không hợp lý.

Cũng vô lý nếu cho rằng tuyên bố của Duterte giới hạn hiệu lực của phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài về Biển Đông hay củng cố lại yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc.

Tuyên bố của Duterte không làm cho phán quyết của Tòa giảm hiệu lực pháp lý ở bất cứ mức nào, không làm cho yêu sách biển của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn hợp pháp thêm ở bất cứ mức nào.

Chính sách của Philippines qua các thời tổng thống

Thật ra nguy cơ đặc thù từ Duterte không phải là “Philippines rút ra khỏi LHQ” hay tuyên bố của ông “giới hạn hiệu lực của phán quyết” mà là những điều khác.

Trước tình hình ngàn cân treo sợi tóc tại Biển Đông, trong những năm qua một trong những điểm sáng đem lại hy vọng là thiện chí và sự phối hợp giữa Việt Nam, Philippines và Mỹ.
Trong thời gian đó, Tổng thống của Philippines là Benigno Aquino.

Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Aquino nói mỗi sáng thức dậy ông thường nghĩ về Biển Đông và tự hỏi tại sao Trung Quốc lại làm những điều họ làm. Phát biểu này và việc Aquino kiên trì theo đuổi vụ kiện Biển Đông bất kể áp lực từ Trung Quốc cho thấy ông có một sự đam mê về Biển Đông xuyên suốt từ suy nghĩ đến hành động.

Chính phủ của Aquino cũng đã tương đối sáng suốt và khéo léo trong quan hệ với Việt Nam.
Chẳng hạn, khi Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012, trong đó có khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, và Trung Quốc phản ứng bằng việc thành lập thành phố Tam Sa, Philippines đã không phản đối Việt Nam nhưng lại phản đối Trung Quốc. Dưới thời Aquino, các nhà ngoại giao và các học giả Philippines cũng khéo léo vận động sự ủng hộ của Mỹ.

Để có thể đoàn kết chống sự bành trướng của Trung Quốc, cần có sự đam mê, tầm nhìn, sự khôn ngoan và khéo léo của tất cả các bên.

Nhưng Duterte vừa không có sự đam mê về Biển Đông, vừa có vẻ kém khéo léo, nếu không muốn nói là kém khôn ngoan và có tầm nhìn ngắn.

Khi thì ông nói sẽ cưỡi mô tô trượt nước phi ra đảo đòi chủ quyền, khi thì ông nói nếu Trung Quốc xây đường sắt cho ông, ông sẽ im miệng về tranh chấp.

Trong khi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Philippines, chỉ vì Mỹ phê phán ông giết người không tòa án là vi phạm nhân quyền, ông sẵng sàng đả kích Mỹ và nói sẽ mời Trung Quốc.

Với LHQ, ông là một vị nguyên thủ nhưng dùng ngôn từ thô tục. Một trong những tờ báo lớn ở Anh, tờ Telegraph, đã gọi đó là “miệng bẩn”.

Thách thức cho Việt Nam

Thách thức cho Việt Nam là một nhà lãnh đạo như Duterte sẽ khó kiên trì chống sự bành trướng của Trung Quốc, có nhiều khả năng ông sẽ không quý trọng hay tôn trọng luật quốc tế và các cơ quan quốc tế, sẽ thiếu sự tế nhị cũng như những hiểu biết tế nhị và tầm nhìn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong tranh chấp Biển Đông.

Ông có thể dễ bị Trung Quốc dụ dỗ bằng củ cà rốt kinh tế, bằng cách ủng hộ các chính sách của ông, bất kể về nhân quyền, bất kể về sự nguy hại của các chính sánh đó cho nền pháp trị của Philippines, bằng cách ve vuốt, hay những cách khác.

Trung Quốc có thể khai thác những sự mâu thuẫn giữa Philippines và Việt Nam, Malaysia, thậm chí giữa Philippines và Mỹ, với ông.

Trong khi đó, làm việc với một người như ông sẽ có nhiều thử thách cho Việt Nam, Mỹ, cũng như Malaysia. Những điều này đem lại nguy cơ tiềm tàng cho thiện chí và sự phối hợp Việt-Phi-Mỹ ba nước đã xây dựng được trong những năm qua.

Trong khi Malaysia đã có khuynh hướng không tin cậy Philippines và điều đó là một yếu tố cản trở sự đoàn kết giữa các nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông, với một Tổng thống như Duterte, sẽ khó mà Malaysia sẽ tin cậy Philippines hơn.

Tóm lại, thách thức ở Duterte cho Việt Nam chính là việc ông có thể gây thêm khó khăn cho việc đoàn kết vốn đã có nhiều khó khăn nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, trong khi Việt Nam là nước cần sự đoàn kết đó nhất.

*
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Tác giả cảm ơn Phan Văn Song và các thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đã góp ý cho bài viết.

-------------------------

Trương Nhân Tuấn   -   23 tháng 8 2016
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats