Saturday 28 February 2015

Từ bỏ cộng sản (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa  -  RFA
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 27 Tháng 2 2015 11:14

Chủ nghĩa cộng sản, Ảo tưởng và bi kịch...

Ngày 30 tháng Tư năm nay đánh dấu 40 năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền thống trị trên toàn bộ nước Việt Nam. Dưới chế độ độc đảng, xã hội Việt Nam được qui định chỉ có một hệ tư tưởng duy nhất mà thôi đó là chủ nghĩa cộng sản. Song người ta thấy rằng những người không đồng tình với chủ nghĩa này càng đông, đồng thời họ cũng không đồng ý rằng Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị đất nước.

Trong chương trình kỷ niệm Ký ức 40 năm, chúng tôi xin điểm lại sự hình thành và phát triển của dòng ý tưởng trái chiều đó ở Việt Nam. Bài đầu tiên nói về những người đầu tiên chống lại sự độc quyền tư tưởng.

Vùng lên hỡi những nô lệ ở thế gian
Vùng lên hỡi ai cơ khổ bần hàn

***

Đó là lời ca trong bài Quốc tế ca xuất phát từ phong trào cộng sản quốc tế vào cuối thế kỷ 19, nói lên niềm hy vọng xây dựng một xã hội lý tưởng của loài người. Đó là lý tưởng cộng sản và cốt lõi đấu tranh giai cấp của nó.

Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và từng bước nắm quyền trên toàn cõi đất nước. Đảng này thiết lập một hệ thống toàn trị với vài triệu đảng viên kiểm soát hết mọi cơ cấu tổ chức trong xã hội, từ cấu trúc cầm quyền tối cao cho đến những chi bộ ở thôn ấp, làng xã.

Nhưng ngay bước đầu tiên cầm quyền của nó, sự không tưởng đã lộ ra với một thực tế đẫm máu của cải cách ruộng đất, về mặt lý thuyết cộng sản là được tiến hành để tạo công bằng xã hội.

Bi kịch

Ông Nguyễn Minh Cần, một đảng viên cao cấp thời cách mạng tháng tám 1945, nhớ lại :

"Từ sau cuộc cải cách ruộng đất, đầu óc tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi cảm thấy là vì sao một cái đảng nhân danh nhân dân, nhân dân lao động mà lại đi đàn áp, giết chóc, những người lao động, những người nông dân, những người rất là bình thường một cách tàn bạo như vậy. Và cũng từ đó càng ngày tôi càng suy nghĩ hơn, rồi tiếp theo là cái cuộc đấu đá anh chị em trong phong trào Nhân văn giai phẩm, thì tôi thấy một sự bất công rất rõ rệt, nó bắt buộc tôi phải suy nghĩ lại vì sao ?".

Ông Nguyễn Minh Cần tị nạn ở nước Nga từ những năm 1960, từ bấy đến nay ông không một lần về thăm quê hương, điều đó ông cho là một sự đau khổ và bi kịch.

Bi kịch cũng được một đảng viên cao cấp giấu tên đề cập đến:

"Trước đây có những người yêu nước, có lòng với nhân dân, nhưng không có chổ nào, có một chổ đó thì người ta vào. Cái đảng theo mô hình Lê Nin này nó lợi dụng nhân dân làm công cụ, đánh cắp lòng yêu nước của nhân dân để thực hiện chế độ đảng trị. Tôi thấy đó là một bi kịch".

Việc nhận ra tính bi kịch của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam đến với những số phận khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Mấy mươi năm sau khi ông Nguyễn Minh Cần tị nạn chính trị tại Nga, sau ngày 30/4/1975, người cha của luật sư Lê Công Định, một cán bộ cộng sản cao cấp tại Sài Gòn vỡ mộng về thực tại cộng sản.

Luật sư Định kể lại :
"Ba tôi là một người cộng sản xuất thân từ miền Nam, có một sự tranh chấp về mặt nội bộ với những đảng viên từ Hà Nội vào. Họ là những người đi vào đây với tư thế của những người đi chiếm đóng. Còn ba tôi là một người cộng sản với tư cách của một người đang xây dựng một xã hội mới, một hệ thống mới".

Người đảng viên đó bị bắt giam, được thả ra, rồi người ta dự định phục hồi danh dự cho ông với điều kiện ông phải làm bảng kiểm điểm. Ông khước từ và nói rằng công cuộc đi theo đảng của ông đã là một bảng kiểm điểm vĩ đại.

Con đường Đông Âu

Có một con đường đi của những tư tưởng không cộng sản đến Việt Nam là từ chính những quốc gia cộng sản từ rất sớm. Nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa vào năm 1967 được sang Tiệp Khắc du học. Gia đình ông là một gia đình tham gia cách mạng cộng sản từ những năm 1930. Tại Tiệp khắc ông chứng kiến mùa xuân Prague 1968, được nghe kể cuộc nổi dậy Hungary 1956, được các bạn đồng học kể cho nghe câu chuyện sinh viên Tiệp tự thiêu phản đối Hồng quân Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc:

"Dù Tiệp Khắc cũ là một xã hội cộng sản đóng nhưng cũng có hở, có phim ảnh, rồi những tờ báo ca ngợi cuộc sống ở Mỹ ở Đức, rồi dần dần tôi thấy phải suy nghĩ lại tư tưởng của mình, phải có ý thức về chính trị".

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, người đã có những suy nghĩ về sự bất hợp lý của mô hình cộng sản ngay khi bắt đầu nghiên cứu khoa học tại Việt Nam trong những năm 1960, khẳng định được những điều đó sau khi ở Tiệp khắc trở về:

"Sau khi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp về, mình thấy rõ hơn về mặt chính trị, là cái hệ thống cộng sản nó vướng những mâu thuẫn rất là căn bản".

Con đường Sài Gòn

30/4/1975, Sài Gòn và Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Nhưng những giá trị của nó không mất đi, mà tác động ngược lại lên những người đến từ miền Bắc. Vài ngày sau cái ngày lịch sử ấy Tiến sĩ Hà Sĩ Phu vào Sài Gòn.

"Đó là một cú chuyển biến rất mạnh. Tức là nhảy vào Sài Gòn thì mình thấy nó phát triển, đầy đủ mà trước đây mình không biết. Trước đây miền Bắc tuyên truyền rằng miền Nam đau khổ. Tôi vẫn còn nhớ bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hà rằng :
Hôm nay em mặt đôi áo mới
Màu áo nâu non hồng tươi
Chúng ta có cơm và áo rồi
Nhưng trong Nam còn đang rối bời
Mong sao rồi đây cơm áo được khắp Bắc Nam cùng vui.
Tôi tưởng miền Nam khổ lắm".

Miền Nam Việt Nam cũng gây ấn tượng cho Tiến sĩ Địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, người từng đi bộ đội Việt Minh thời chiến tranh chống thực dân Pháp. Khi tiếp xúc với các đồng nghiệp người miền Nam ông thấy rằng họ là những nhà khoa học thực thụ, và ông còn thấy những điều khác trong lần đầu ông vào miền nam.

"Và không chỉ là vấn đề khoa học, mà khi tôi đi quan hệ ngoài xã hội, tôi thấy con người miền Nam họ sống với lễ giáo phương Đông rất là nền nã, chứ không bị pha tạp, bị hủy hoại như ở miền Bắc".

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong những người đầu tiên trong giới khoa học ở miền Bắc sang Mỹ tham dự hội thảo khoa học. Ông nhớ lại :

"Tôi vỡ nhẽ ra rằng những điều tôi được nhồi sọ từ trường phổ thông tới đại học là không đúng. Họ bảo rằng tư bản giãy chết, xã hội tư bản đầy dẫy những xấu xa. Lúc bấy giờ thì trong đoàn có năm người, trong đó có ông Phạm Quốc Tường là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, tôi vỡ nhẽ ra và nói với ông ấy rằng anh ơi đây mới chính là xã hội chủ nghĩa chứ không phải là Liên Xô đâu anh !".

Vào giữa những năm 1980 Tiến sĩ Hà Sĩ Phu công bố bài viết của mình mang tên Dắt tay nhau đi dưới tấm bảng chỉ đường của trí tuệ, một bài viết chống lại sự áp đặt của tư tưởng cộng sản. Ông bị bắt giam sau đó.

Những bi kịch của những người cộng sản còn có thể kể ra trường hợp ông Bùi Tín, Đại tá cộng sản Việt Nam có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30/4. Sau khi tị nạn chính trị tại Pháp, ông viết Hoa Xuyên Tuyết, để nói lên niềm hy vọng của ông là những đóa hoa bé nhỏ sẽ xuyên thủng bức màn che đậy tư tưởng vô minh của chế độc độc tài.

Một người khác là Thiếu tướng Trần Độ, người từng nói với các sĩ quan Pháp sau trận Điện Biên Phủ rằng binh lính Việt Minh của ông bừng bừng khí thế chiến đấu vì căm thù giai cấp và dân tộc bị áp bức, đã kết thúc cuộc đời với tư cách tội đồ trong tay những người đồng chí cũ.

Trong phần tiếp theo của loạt bài này chúng tôi xin điểm lại sự chuyển biến nhận thức của những người trẻ tuổi hơn, hoặc những người nhận thức trễ hơn về một ý tưởng xã hội khác với cộng sản. Xin mời quí vị theo dõi.

Phần 2

Luật đất đai theo kiểu cộng sản Việt Nam

Trong phần đầu chúng tôi đã điểm lại những người theo đảng cộng sản từ những ngày đầu tiên và vỡ mộng. Sự suy nghiệm về xã hội và chính trị vẫn tiếp tục dưới chế độ độc đảng đưa tới một thế hệ thứ hai ý thức rằng họ không đồng tình với chủ nghĩa cộng sản.

Suy nghiệm bản thân

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21, trên truyền thông chính thống của đảng cộng sản, lẫn các phương tiện truyền thông quốc tế người ta thấy liên tục xuất hiện các bài viết về luật pháp của một luật sư trẻ tuổi là Lê Công Định. Các bài viết này mang nội dung phản biện xã hội hướng tới một mục đích xây dựng một chế độ pháp quyền tại Việt Nam. Năm 2009 ông Lê Công Định bị bắt cùng các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, và Nguyễn Tiến Trung. Nhà cầm quyền buộc tội họ là âm mưu lật đổ.

Năm 2014 luật sư Lê Công Định được trả tự do. Ông cho chúng tôi biết là sự nhận thức về chủ nghĩa cộng sản của ông bắt đầu từ ngay trong gia đình ông, một gia đình mà hầu hết mọi thành viên đều tham gia cách mạng cộng sản.

"Sau năm 1975, tất cả đều thất vọng, tất cả đều sụp đổ về niềm tin. Những lời kể của họ, qua những kinh nghiệm cuộc đời họ, qua những nhận thức trực tiếp từ xã hội trước năm 75 mà họ có được, họ truyền lại cho thế hệ của tôi. Vì tôi là người quan tâm về chính trị sớm, nên tôi ý thức được sự thất vọng đó, sự đỗ vỡ về niềm tin đó, và từ đó tôi bắt đầu tôi tìm hiểu".

Sự quyết định rõ ràng về chính kiến của luật sư Định diễn ra sau hai sự kiện quan trọng, đó là ba ông, một người cộng sản bị bỏ từ bởi những đồng chí của mình, và sau đó là cuộc cách mạng Đông Âu làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản trên chính quê hương của nó.

"Với thực trạng xã hội sau năm 1975, dù đã được tô hồng, dù đã được nói những lời tuyên truyền rất hay ho, nhưng mà thực trạng thì hoàn toàn khác, cho nên tôi ngày càng thay đổi nhận thức của mình. Tôi thấy rõ là cái mô hình cộng sản, hay người ta nói là mô hình xã hội chủ nghĩa, hoàn toàn sụp đổ, vì nó không có tương lai, nó sai từ cái nền tảng lý thuyết của nó".

Ở đầu kia của đất nước, một đảng viên cao cấp của đảng cộng sản tỉnh Lạng Sơn là ông Vi Đức Hồi cũng thay đổi nhận thức nhờ vào thực trạng xã hội, và từ những bậc tiền bối bị thất vọng về thực tại tại cộng sản.

"Lúc tuổi trẻ tôi rất nhiệt quyết với chế độ cộng sản, tôi đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản rất là nhiều năm. Sau đó thì tôi thấy chế độ của Đảng Cộng sản Việt Nam nó lừa dối, nói một đàng làm một nẻo. Tôi cũng đã nghe những bậc tiền bối của tôi như là cụ Hoàng Minh Chính, cụ Trần Độ, rồi sau đó là Trần Xuân Bách, tôi nhận thức được điều đó rất lâu, và đến năm 2006 thì tôi quyết định bắt đầu cuộc đấu tranh dân chủ của tôi một cách công khai".

Một người cộng sản kỳ cựu khác là Trung tá Trần Anh Kim vào đảng từ năm 1968 nói rằng nhận thức của ông bắt đầu từ không khí chính trị cởi mở sau đại hội lần thứ 6 của đảng vào năm 1986. Nhưng mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn với ông khi ông về quê là tỉnh Thái Bình.

"Tôi không ngờ rằng khi tôi về Thái Bình thì tình hình tham nhũng, ức hiếp nhân dân, ăn cướp của dân nó ở mức độ tôi không thể tưởng tượng được. Trong đại hội đảng lần bảy (người ta nói) có bốn nguy cơ, trong đó có nguy cơ vong quốc và vong đảng. Tôi nói vong đảng thì tôi không quan tâm, nhưng vong quốc thì tôi không thể chấp nhận được vì cả cuộc đời tôi đi chiến đấu để bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Nhân dân bây giờ khổ, tổ quốc sẽ vong do bọn tham nhũng nên tôi kiên quyết đấu tranh. Tôi đấu tranh từ năm 1991".

Ông Trần Anh Kim cũng bị bỏ tù và vừa được trả tự do vào đầu năm 2015.

Mở cửa kinh tế và Internet

Tại Hà Nội, cựu du học sinh Nguyễn Quang A trở về từ Hungary sau năm 1975. Ông cho biết đến thời điểm đó ông vẫn chưa có quan tâm về chính trị, và cũng như mọi du học sinh khác ông nghĩ rằng sau khi học hành thành đạt sẽ trở về phục vụ đất nước. Ông Nguyễn Quang A hiện nay là một trong những người hay lên tiếng phản biện xã hội, và công khai bày tỏ quan điểm là Việt Nam cần một chế độ đa nguyên chính trị. Ông nói rằng sự nhận thức của ông là lâu dài, nhưng cũng có những sự kiện làm cho nhận thức đó rõ ràng hơn

"Có lẽ một cột mốc làm mình suy nghĩ rất là kỹ là năm 1989, sự biến đổi ở Đông Âu. Nhưng lúc đấy tôi cũng chỉ là một nhà kinh doanh không quan tâm đến chính trị. Đến năm 1992, khi mà tôi kinh doanh khá là thành công, người ta vu cho tôi là trốn lậu thuế, một cái vụ lớn nhất từ khi thành lập nước Việt Nam đến lúc đó, mình phải đương đầu với những lời vu cáo từ bên chính quyền, rồi có đến ba ông ủy viên Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam này, viết lời khen những người vu cáo tôi. Không thể chấp nhận một chế độ mà nó vu oan giá họa như vậy".

Năm 1992 mà ông Nguyễn Quang A đề cập là thời điểm mà Việt Nam mở cửa ra với bên ngoài được sáu năm. Cũng vào giai đoạn mở cửa kinh tế này mà nhiều thanh niên Việt Nam được sang du học tại phương Tây, và tại đây họ bắt đầu thay đổi nhận thức. Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung sinh sau năm 1975, trong một gia đình có tham gia cuộc cách mạng cộng sản nói :

"Phải đến lúc qua Pháp thì Trung mới nhận thức ra được, vì trong nước mình không có thông tin và internet chưa phát triển nhiều. Và nói chung là mình bị nhồi sọ từ nhỏ nên không có nhận thức xã hội. Sau khi đến Pháp thì mới tìm hiểu đọc thêm, nói chung là thanh niên thì lúc nào cũng có nhiệt huyết cống hiến cho đất nước. Từ trước đến giờ mình cứ nghĩ là chủ nghĩa xã hội của đảng cộng sản tuyên truyền là đúng. Sau khi đến Pháp mới thấy là người ta dân chủ, kinh tế thị trường mới phát triển được, nhờ đó mới vỡ lẽ ra là bao năm nay mình bị lừa, từ đó mới quyết tâm thay đổi để những thế hệ sau này không còn bị lừa bịp nữa".

Tiến Trung cũng nói thêm rằng sự nhận thức của anh là một quá trình dài lâu.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường, một yếu tố khác góp phần thay đổi nhận thức xã hội nữa xuất hiện đó là Internet.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói là mặc dù ông đã ý thức được những vấn đề không ổn của mô hình cộng sản từ năm 1968, nhưng mãi đến khi tiếp cận Internet thì mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn. Một đảng viên cao cấp, xin giấu tên, thì nói với chúng tôi là ông quyết định từ bỏ chủ nghĩa cộng sản sau khi xem được câu chuyện về nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc mang tên Mao Trạch Đông ngàn năm công tội trên internet.

Trong phần tiếp theo cũng là phần cuối của lọat bài này chúng tôi sẽ nói đến những người từ bỏ đảng tịch và một thế hệ thanh niên trẻ bắt đầu nghĩ rằng sự cai trị của duy nhất đảng cộng sản ở Việt Nam là không hợp lý cho sự phát triển của đất nước.

Phần 3

Trong phần thứ ba, cũng là phần cuối của loạt bài này, chúng tôi giới thiệu câu chuyện những đảng viên cộng sản bỏ đảng trong những năm gần đây, bên cạnh sự thách thức ngày càng tăng của giới trẻ Việt Nam đối với ý thức hệ cộng sản, cũng như sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các đảng viên từ bỏ đảng

Ngày 3 tháng 2 năm 2014, đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tin tức về một đảng viên cộng sản làm trong bộ ngoại giao Việt Nam bỏ đảng và xin cư trú chính trị tại Thuỵ sĩ, được nhiều hãng tin lớn trên thế giới loan tải. Đó là ông Đặng Xương Hùng nhân viên Bộ ngoại giao Việt Nam. Khi được hỏi động cơ nào khiến ông từ bỏ đảng, ông đáp rằng ông thấy sự thất bại của đảng cộng sản trong việc điều hành đất nước, cũng như sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới từ khi bức tường Berlin sụp đổ.

Một đảng viên trẻ tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh cũng nói với chúng tôi là anh cảm thấy sự không ổn trong việc điều hành đất nước của đảng cộng sản nên làm đơn ra khỏi đảng vào năm 2013.

Một đảng viên từng đứng đầu một khoa trong trường Đại học An giang là ông Phùng Hoài Ngọc cũng bỏ đảng trong thời gian gần đây. Qua trao đổi email, ông cho biết suy nghĩ và quyết định chính trị của mình đã hình thành từ lâu :

"Bắt đầu từ thời điểm Đổi mới 1986 nhen nhóm một quá trình nhận thức mới trong tâm trí mình, nhận thức thay đổi lên cao trào khi dồn dập đọc được nhiều thông tin qua internet và ý kiến tâm huyết của các bậc trí thức lão thành đăng tải trên BauxiteVN. Bên cạnh đó, bản thân mục sở thị đám quan chức tham nhũng trắng trợn khắp đất nước. Sinh hoạt chi bộ đảng cơ sở chẳng có ý nghĩa gì nữa. Đặc biệt là ứng xử rụt rè, lép vế, mất thể diện của lãnh đạo cao cấp VN trước nạn xâm lấn điên cuồng của Trung Quốc là cú hích cuối cùng khiến mình hạ quyết định rời khỏi Đảng".

Tuy nhiên việc đi đến quyết định rời bỏ đảng của nhiều đảng viên là không dễ dàng. Trong năm 2014 có hai đảng viên có tiếng là ông Lê Hiếu Đằng, từng giữ những trọng trách trong đảng, và nhà báo tự do, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, tuyên bố từ bỏ đảng. Ông Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi :

"Khi anh Lê Hiếu Đằng sắp mất, tôi vào thăm thì thấy anh ấy ngân ngấn nước mắt. Sau đó anh ấy viết thư từ bỏ đảng. Tôi nghĩ rằng có lẽ là quá trình đấu tranh nội tâm của anh cũng không kém gì cơn ung thư đang hành hạ anh ấy. Anh Đằng vào đảng như vậy là 40 năm, tôi chỉ mới 20 năm thôi. Quá nửa đời người thì cái tâm cảm, tâm thức của họ đối với đảng tha thiết tới mức nào! Bắt buộc phải dứt ra thì như chém lìa cánh tay của mình, điều đó kinh khủng".

Anh Nguyễn Văn Nhân, nguyên giảng viên Đại học tại Nha Trang cho biết là anh cũng có nhiều giằng vặt để đi đến quyết định bỏ đảng cộng sản, vì đó là một lý tưởng mà anh có trong thời tuổi trẻ sôi nổi, và khi là thành viên của một tổ chức, hy sinh vì tổ chức ấy mà từ bỏ thì không dễ dàng. Tuy nhiên anh cho biết :

"Tôi nhận thấy là một con người có lòng tự trọng, biết đúng biết sai, thì cảm thấy xấu hổ khi vỗ ngực xưng tên mình là đảng viên đảng cộng sản".

Anh Nhân quyết định đưa đơn rời khỏi đảng sau một việc nhũng lạm tiêu cực xảy ra nơi anh làm việc. Và sau khi viết đơn từ bỏ đảng anh bị đưa từ vị trí giảng viên sang bộ phận làm công việc tưới câycủa trường đại học.

Thế hệ trẻ và chủ nghĩa cộng sản

Ngoài những thành viên của đảng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản cũng được giảng dạy trong tất cả các trường đại học Việt Nam, và được xem là duy nhất đúng trong tất cả các ý tưởng của nhân loại. Ở các cấp học thấp hơn, hình ảnh Đảng Cộng sản Việt Nam và người thành lập nó là ông Hồ Chí Minh cũng được ca tụng rất nhiều, tạo nên niềm tin cho thế hệ trẻ vào hình ảnh ấy.

Internet đã và đang phá vỡ sự độc quyền tư tưởng và hình ảnh đó.

Một cựu sinh viên khoa Luật nói là cho đến năm anh học lớp chín, anh vẫn là người yêu đảng cộng sản, tin vào đảng cộng sản, vì thực ra xung quanh không có thông tin nào khác. Khi tham gia các diễn đàn trên mạng, anh thấy rằng không phải như thế :

"Khi tham gia những diễn đàn như thế thì mình biết là trong xã hội có những thứ khác, và có những người nói những điều khác về xã hội nói chung và về đảng nói riêng".

Cô Phạm Thanh Nghiên, xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu mến đảng cộng sản và ông Hồ Chí Minh. Vài năm trước khi mất cha cô lặng lẽ tháo dỡ bàn thờ đảng và ông Hồ Chí Minh đi. Mặc dù vậy lúc ấy cô vẫn tin yêu ở đảng cộng sản. Cô giải thích điều đó :

"Tôi vẫn tiếp tục yêu Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh, mặc dù không có lý do gì để yêu cả. Chỉ là vì đi học, rồi xem vô tuyến, nói chung là sự nhồi nhét của chế độ".

Nay cô Phạm Thanh Nghiên không còn tin ở đảng cộng sản nữa. Sự rộng mở thông tin cũng làm cho cô Phạm Thanh Nghiên có một sư hoài nghi. Và thực tế xã hội cho cô một ý thức chính trị rõ ràng hơn về sự độc tôn của chủ nghĩa cộng sản, cùng sự độc quyền của đảng cộng sản.

"Đảng cộng sản Việt Nam luôn nhận họ là lương tâm của thời đại, là trí tuệ của nhân loại, tôi mới tự hỏi là tại sao đất nước Việt Nam lại nghèo khó như thế. Không có vấn đề chính trị gì ghê gớm ở đây cả. Từ các vấn đề xã hội mà người ta có thể nhận thức nhiều vấn đề khác".

Cũng như các đảng viên từ bỏ đảng, quan hệ ý thức hệ của Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí Trung Quốc của họ cũng góp phần làm cho các thanh niên Việt Nam thấy rằng họ không tin vào đảng cộng sản và sự cầm quyền của họ nữa. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, một người làm ăn sinh sống bình thường cho đến cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên nổ ra ở Hà Nội

"Cuộc xuống đường bị công an Hà Nội đàn áp rất là thô bạo. Điều đó làm cho tôi suy tư về tình hình đất và tôi thức tỉnh. Tôi tìm hiểu và tôi thấy rằng nền chính trị Việt Nam hiện nay không ổn, không đảm bảo được quyền công dân".

Người cựu sinh viên luật mà chúng tôi đề cập bên trên cho biết ý thức chính trị của anh trở nên rõ ràng sau khi tốt nghiệp Đại học :

"Sau khi ra trường hai năm thì ý thức chính trị của em trở nên rất rõ ràng. Đó là sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ nghĩa Mác Lê Nin của nó có những khuyết tật rất là lớn. Và nguyên tắc một đảng lãnh đạo là không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh".

Theo anh Nguyễn Văn Nhân, thì sự ảnh hưởng của đảng cộng sản hiện nay đối với giới trẻ có thể phân biệt làm hai vùng khác nhau. Ở những vùng thiếu phương tiện thông tin, như những vùng nông thôn thì thanh niên vẫn còn kính yêu đảng cộng sản. Ngược lại ở các vùng đô thị, đối với các thanh niên tiếp cận được thông tin thì họ không coi đảng cộng sản là quan trọng, thậm chí xem thường nó.

Quan điểm chống lại sự độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ở giới trẻ này ngày càng trở nên công khai. Trong những tháng cuối năm 2014 người ta chứng kiến phong trào "Tôi không thích đảng cộng sản" bùng phát. Và mới nhất, là phong trào của nghệ sĩ nhạc Rap trẻ tuổi Nguyễn Vũ Sơn, dùng loại âm nhạc phản kháng này công khai thách thức Đảng Cộng sản Việt Nam. Một điều thú vị là loại nhạc vốn xuất phát từ sự bất công về sắc tộc và kinh tế trong lòng chủ nghĩa tư bản nay lại trở thành công cụ chống đảng cộng sản, một đảng được xem là đấu tranh cho quyền lợi của nông dân và công nhân. Chính vì thế phong trào của Nguyễn Vũ Sơn gây ra một làn sóng mới trong giới trẻ thu hút hàng ngàn người hưởng ứng.

Ghi chú: Trong phần âm thanh của bài này có sử dụng lời Việt của bài Quốc tế ca, bài hát của đảng cộng sản, và bảng nhạc Rap của Nguyễn Vũ Sơn.

Kính Hòa, phóng viên RFA

------------------------

XEM THÊM :







 







View My Stats