Friday, 27 February 2015

Mê Cung Năm Mùi (Hùng Tâm/Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, February 25, 2015 4:23:45 PM

Chúng ta chẳng biết là mình không biết về quá nhiều chuyện - mà vẫn thản nhiên...

*

Bóc tờ lịch hay lật tờ báo đầu năm, người ta thấy những gì?

Tại thủ đô Âu Châu là Bruxelles, các nước liên hệ tìm ra giải pháp tạm bợ cho món nợ không thể trả của Hy Lạp. Giải pháp tạm để cứu lấy đồng Euro và sự thống nhất cũng tạm của Liên hiệp Âu Châu. Ngay trang bên, hay tại một thủ đô khác là Minsk của Cộng Hòa Belarus, nguyên thủ bốn nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine cũng tìm ra giải pháp ngưng bắn tạm cho Ukraine, dù sau đó súng vẫn nổ, người vẫn chết. Tại trung tâm Geneva của Thụy Sĩ, đại diện của năm quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Đức đã đạt thỏa thuận với chính quyền Iran về một giải pháp cũng tạm bợ cho kế hoạch vũ khí hạch tâm của Iran.

Chưa nói đến sự lúng túng của Hoa Kỳ về chiến lược đối phó với lực lượng ISIL - đế chế đang ôm tham vọng lãnh đạo khối Hồi Giáo bằng khủng bố - ba vấn đề kể trên là Euro, Ukraine và Iran vẽ ra một mê cung làm người ta hoa mắt chẳng hiểu gì cả. Sự thật còn đáng sợ hơn: Chính những người trong cuộc, lãnh đạo các quốc gia liên hệ, cũng chẳng hiểu gì về những việc phải làm.

Họ không hiểu mà vẫn làm như biết hết. Còn chúng ta thì tin rằng họ biết nên sẽ phải giải quyết những mâu thuẫn này. Nếu không thì thế giới sẽ loạn to. Vào buổi đầu năm, Hồ Sơ Người Việt xin nói về mầm loạn của sự thiểu hiểu biết này.
Vì sao lại như vậy thì xin để vào... phần kết luận!

Âu Châu loạn to

Mọi sự khởi đầu vào Xuân Mậu Tý 2008, lâu lắm rồi, khi trái bóng gia cư địa ốc tại Mỹ bị bể, dẫn tới một vụ khủng hoảng tài chánh với sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp đầu tư Âu Châu và Hoa Kỳ.

Sau đó, giữa chu kỳ suy trầm kinh tế Mỹ, nạn ách tắc tín dụng, ngân hàng thiếu thanh khoản để cho vay, đã gây ra tổng suy trầm 2008-2009. Khi kinh tế bị suy trầm và sản xuất đình trệ, Âu Châu bắt đầu bị khủng hoảng. Người ta lầm tưởng Âu Châu mắc họa là vì Hoa Kỳ, sau đó mới biết rằng cả khối Euro lẫn các nước trong Liên hiệp Âu Châu đều có nhiều nhược điểm nội tại, như những vi khuẩn có dịp phá tác khi cơ thể bị suy yếu.

Phải chi Ngân hàng Trung ương Âu Châu có thẩm quyền giải quyết. Hoặc, phải chi hệ thống tiền tệ thống nhất của khối Euro được xây dựng trên một hệ thống ngân sách thống nhất. Giới kinh tế giải thích như vậy. Toàn những chuyện “phải chi” có vẻ luyến tiếc. Còn chuyện phải chi thật thì ai chi ai hưởng?

Hỏi giới lãnh đạo chính trị và kinh tế Âu Châu, họ nói lung tung!

Nguyên chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, cơ chế có trách nhiệm Hành pháp, là Jacques Delors, cựu Thủ tướng Pháp thuộc cánh tả, thì phê phán lãnh đạo Âu Châu là gây ra khủng hoảng mà chẳng tìm cách cấp cứu, lại cứ đòi xây dựng lại một cơ chế lành mạnh hơn. Cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing thuộc cánh hữu, một công trình sư của bản Hiến Pháp Âu Châu, phản bác rằng cơ chế Âu Châu thật ra vững mạnh mà chỉ vì các nước không chấp hành kỷ luật ngân sách qua thỏa ước Ổn định tài chánh. Nguyên thủ tướng Felipe Gonzales của cánh tả Tây Ban Nha lại tìm ra một nguyên nhân khác: Các nước lâm nạn không chịu cải cách cơ chế. Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu là Mario Draghi thì khẳng định từ 2012 là sẽ làm mọi cách để giảm nợ cho mấy xứ lâm nạn và cứu lấy đồng Euro - mà hai năm sau vẫn chưa làm được gì.

Khi những người am hiểu mà giải thích như vậy thì làm sao báo chí hay công luận biết được nguyên nhân và giải pháp? Năm năm sau vụ khủng hoảng - không, bảy năm sau - người trong cuộc vẫn chưa xác định được bệnh tình nên chẳng thể thống nhất quan điểm về phương thuốc.

Cộng Hòa Liên Bang Đức là trung tâm

Trong vụ khủng hoảng, cường quốc kinh tế số một Âu Châu là nước Đức đang giữ vị trí bản lề.

Kinh tế Đức lệ thuộc vào xuất cảng đến 50% nên cần bảo vệ đồng Euro và sự ổn định của kinh tế Âu Châu. Thủ Tướng Angela Merkel biết mình muốn gì cho nước Đức. Nhưng ưu tiên của bà lại khác với ưu tiên của các nước kia. Cử tri Đức ủng hộ bà trong một chừng mực nhất định để cứu đồng Euro, nhưng không muốn tiếp tục chi tiền cho giải pháp cấp cứu tốn kém ấy. Đấy là một ưu tiên khiến Đức thủ vai ông Ác và lắc đầu trước những đòi hỏi xóa nợ của Hy Lạp. Đã xóa cho xứ này thì sao không xóa cho xứ khác, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Và xóa đến bao giờ?

Huống hồ, Đức còn có một ưu tiên cao hơn vậy.

Làm sao khoanh vùng vụ khủng hoảng Ukraine để duy trì quan hệ tương đối thân hữu với liên bang Nga, một nguồn cung cấp năng lượng và một thị trường đầu tư có lợi cho kinh tế Đức? Giữ vị trí bản lề trong vụ khủng hoảng Euro, Thủ Tướng Merkel phải đặt trên bàn cân của mình những tính toán về lợi hại cho nước Đức, giữa nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, an ninh của Âu Châu và sự toàn vẹn của đồng Euro.

Vì những tính toán quá phức tạp ấy, Đức có thể lấy những quyết định làm xứ khác nổi điên. Nổi điên như chính quyền cực tả của tập hợp Syriza tại Hy Lạp khi nói chuyện nhạy cảm là Hitler và Đức quốc xã! Chẳng lẽ bà Merkel không hiểu gì sao?

Bà rất hiểu nên muốn cầu hòa với Tổng Thống Vladimir Putin của Nga - làm Ukraine giật mình và nhìn qua Hoa Kỳ - để mình rộng tay giải quyết chuyện Euro. Thà là Hy Lạp ra khỏi hệ thống Euro còn hơn là để cả kiến trúc của Liên Âu bị lung lay. Dường như những người trong cuộc có thể biết nhiều chuyện, mà không thể có giải pháp vẹn toàn.

Như chưa đủ nhức đầu, xin hãy châm thêm hồ sơ Iran trong cảnh rối bù này.

Liên bang Nga và Iran

Nhìn từ giác độ của Tổng Thống Putin, việc tấn công Ukraine chỉ là... thế thủ!

Sau khi Liên Xô tan rã, sự bành trướng của trào lưu dân chủ tại Đông Âu và Trung Âu khiến hệ thống phòng thủ của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO lặng lẽ Đông Tiến tới sát biên giới Nga. Khi đưa quân, và các nhóm “dân quân” thân Nga, vào Crimea và quậy phá các tỉnh miền Đông của Ukraine, Putin muốn lập ra vành đai bảo vệ, một vùng trái độn ngăn ngừa thế công của một cơ chế được Hoa Kỳ và Âu Châu lập ra từ thời Chiến tranh lạnh để giữ thế thủ.

Nghĩa là làm sao? Putin tấn công trước để tự vệ, chuyện không dễ hiểu mà rất dễ bị kết án!
Khi tổng thống Ukraine là Petro Poroshenko cầu cứu Hoa Kỳ, chính quyền Barack Obama bật tín hiệu là có thể cung cấp võ khí sát thương cho Ukraine. Có loại võ khí này là phải có lính Mỹ đến tận nơi để huấn luyện cách sử dụng. Với Putin, Mỹ sẽ tung quân vào Ukraine làm kỳ đà cản mũi. Chẳng cần đến NATO, vì Ukraine chưa là thành viên của minh ước phòng thủ này, Hoa Kỳ vẫn đẩy tấm khiên vào tới biên giới Nga.

Đã vậy, biên giới miền Nam của Nga cũng bị đe dọa khi Ngoại Trưởng John Kerry gặp Ngoại Trưởng Javad Zarif của Iran tại Geneva. Nếu Mỹ hòa dịu với Iran và giải tỏa dần lệnh cấm vận kinh tế, cái trục đối nghịch giữa hai nước có thể chuyển. Khi quyền lợi của đôi bên có được một số đồng thuận thì Putin không chỉ bị tấn công tại miền Đông, từ Ukraine, mà còn bị bao vây tại miền Nam. Chuyện quyền lợi tương đồng giữa Tehran và Washington đã manh nha khi lực lượng ISIL xuất hiện và đe dọa cả nước Mỹ và các đồng minh, lẫn Iran và một đồng minh là chế độ Bashar al-Assad tại Syria. Đôi bên dẹp bớt mâu thuẫn để tập trung vào kẻ thù chung.

Đã vậy, với Putin thì ngoài Iran, Hoa Kỳ còn có nhiều cơ sở bành trướng khác như Saudi Arabia hay Turkey. Dân Mỹ nhìn vào chuyện ISIL theo một lẽ, Putin nhìn vào chuyện ISIL thì nghĩ đến Iran và Turkey, những cái chốt có thể khóa đường tiến của Nga xuống vùng biển nóng.

Chúng ta ra khỏi mê cung của Euro, hay phép chuyển hàng hai của Thủ Tướng Merkel và những bấp bênh tại Ukraine. Nỗi lo sợ của Putin mới là vấn đề! Chưa kể đến nạn suy thoái kinh tế Nga khi dầu thô cứ tuột giá và trái phiếu Nga bị đánh sụt xuống loại giấy lộn...

Có tiền là có quyền và có thế

Từ khi đắc cử, đám Syriza cực tả đã hứa chuyện viển vông với cử tri Hy Lạp vì tin là sẽ tống tiền các nước Âu Châu để vừa xóa nợ vừa tăng lương mà khỏi phải cải cách kinh tế. Một tháng sau họ gặp thực tế phũ phàng là chẳng bắt được xu nào và có khi bị cử tri trừng phạt để bầu lên một đám cực hữu. Các lãnh tụ của Syriza không hiểu rằng muốn có quyền, hay ít ra có thế, thì phải có tiền, là điều họ không hề có.

Trong trận này, có quyền và thế vì có tiền, chính là nước Đức. Nhờ vậy mới đi nước đôi với liên bang Nga là xứ có thế mà chẳng có tiền. Bị kẹt giữa hai sức ép là Ukraine thì chẳng có gì trừ lòng dân và chính nghĩa. Hình như điều ấy chưa đủ trong trò chơi phũ phàng của quyền lực.

Và ngần ấy kẻ trong cuộc đều nhìn vào Hoa Kỳ, tương đối là có tiền nhất, có dầu lại còn có cả súng. Nhưng Tổng Thống Barack Obama còn tính chuyện khác nữa ở bên trong nước Mỹ. Những éo le này vào đầu năm Mùi mới là thách đố cho mọi người!

Ngày xưa, vào buổi đầu năm, các quan Thái bốc đều phải gieo quẻ cát hung cho hoàng đế. Họ khấn vái Thần linh cho quốc dân thì ít mà cho bản thân thì nhiều vì đoán sai là mất chức, có khi mất mạng. Ngày nay, chẳng ai có thể bói ra ngần ấy chuyện vì có quá nhiều điều mà chính những người trong cuộc còn không thể biết hết. Và mỗi nước cờ hay động thái của họ lại làm nội vụ thêm rối bời vì phản ứng của người khác, hoặc của thị trường hình tròn như địa cầu và xoay vần với tốc độ điện tử 24 tiếng một ngày.

Kết luận ở đây là gì?

Làm sao truyền thông có thể trình bày sự thể nhiêu khê như vậy trong một phút trên truyền hình hoặc qua nửa trang báo? So với thời xưa thì người nay biết đã nhiều hơn, nhưng thời nay sự việc còn rắc rối gấp triệu lần. Vì vậy, hãy nên nghi ngờ các lãnh tụ cứ làm ra vẻ biết hết và làm được mọi chuyện. Và đừng tin vào chân lý chính thức của kẻ cầm quyền. Họ có thể đổi trắng thay đen!






1 comment:

View My Stats