Thursday 31 May 2012

TẠI SAO LÀ MIẾN ĐIỆN MÀ KHÔNG PHẢI VIỆT NAM ? (Huỳnh Thục Vy)




1-6-2012

Đã gần hai tháng trôi qua nhưng dư âm của cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ở Miến Điện vẫn có sức lan tỏa lớn. Vẫn còn nhiều dè dặt, thậm chí là hoài nghi về những đổi thay chính trị chóng vánh ấy, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không được quyền tin tưởng vào một tương lai mới, tốt đẹp hơn cho xứ sở vàng này.

Miến Điện thay đổi, Việt Nam thì chưa

Nhiều nguyên nhân của sự thay đổi được nói đến: 1/do tác động của Hoa Kỳ và phương Tây lên chính quyền Miến Điện vì họ không muốn Miến Điện với vị trí địa chính trị quan trọng, rơi vào tay Trung cộng; 2/do sức ép về sự nghèo khổ, lạc hậu và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc; 3/do tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của những người lãnh đạo Miến Điện trước hiện trạng đất nước bị cô lập với thế giới ; 4/do sự đấu tranh ngoan cường của nhân dân Miến Điện dưới biểu tượng Aung San Suu Kyi, cùng với tác động của các cuộc nổi dậy ở Ả Rập khiến Nhà cầm quyền nhận thấy sự cần thiết phải nới lỏng chính sách cai trị “bàn tay sắt” của mình nếu không muốn chịu chung số phận với những kẻ độc tài đã ra đi ở Ả Rập…

Có thể mức độ tác động của những nhân tố này lên sự cải cách chính trị ở Miến Điện là không giống nhau, nhưng thiển nghĩ nguyên nhân của vấn đề nằm trong mối quan hệ cộng hưởng tất cả các nhân tố này. Không phải là cái này hay cái kia mà là tất cả; vấn đề là nhấn tố nào đóng vai trò cốt yếu, thúc đẩy các nhân tố còn lại.

Với nguyên nhân đầu tiên, tức là vị tri chiến lược của Miến Điện đã giúp họ, ta có thể đặt câu hỏi là Việt Nam với bờ biển dài nhìn ra một vùng biển chiến lược không quan trọng trong con mắt người phương Tây và Mỹ sao? Nếu căn cứ vào nguyên nhân thứ hai, tức tình trạng nghèo khổ và bị cô lập, thì ta ngỡ ngàng tự hỏi: Bắc Triều Tiên không nghèo khổ và bị cô lập với thế giới ư? Về nguyên nhân thứ ba, nếu tập đoàn độc tài Miến Điện yêu nước thì sao lại khiến Miến Điện kiệt quệ như thế rồi mới đổi ý, tại sao mới đây họ vẫn đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình năm 2007; lâu nay họ vẫn cai trị bằng chính sách khắc nghiệt, tại sao bỗng nhiên trở nên đầy lương tri như thế? Và với nguyên nhân cuối cùng, ta có thể nhận thấy rằng, người Mỹ và phương Tây chỉ can thiệp vào những nơi mà tự nó đã có một phong trào vững mạnh và cũng chính sự phản kháng mạnh mẽ ấy của người dân Miến mới là điều gợi lên trong tâm trí những kẻ cầm quyền ý muốn thay đổi nhiều nhất, vì họ cảm thấy thực sự bất an về tương lai của mình. Với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi nghĩ, đây mới là nguyên nhân nền tảng, là điều kiện tiên quyết, ảnh hưởng đến các nguyên nhân còn lại.

Miến Điện phản kháng mạnh mẽ, Việt Nam thì chưa

Từ cách nhìn nhận rằng một phong trào quần chúng phản kháng bền vững và mạnh mẽ là vô cùng quan trọng, nhiều câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tôi, và có lẽ cũng ám ảnh khá nhiều người. Tại sao ngay từ năm 1974 đã có những cuộc biểu tình lớn ở Miến Điện, và năm 1988 đã có nửa triệu người tham gia meeting nghe bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn? Tại sao năm 2007, hơn 20.000 người bao gồm các nhà sư và dân chúng Miến Điện đi biểu tình, còn Việt Nam vào năm 2011, số người đi biểu tình chỉ bằng 1/10 con số ấy vào lúc cao điểm (dù ở ta, chỉ là biểu tình phản đối Trung Quốc chứ không phải là biểu tình đòi tự do dân chủ-một đòi hỏi tiến bộ, quan trọng và cũng nhạy cảm hơn nhiều)?

Người Miến Điện không sợ hãi sao? Không, đã là con người không ai muốn mang sự an toàn và sinh mạng của mình ra thách đố, đặc biệt là thách đố những kẻ cai trị có vũ trang. Người Miến Điện cũng vậy. Bằng chứng là theo các phóng viên quốc tế có mặt tại Miến Điện, sau những tuyên bố cải cách của chính quyền, nhiều người dân còn rất dè dặt, có người còn không dám dừng lại nhìn ảnh Aung San và con gái quá lâu vì họ e ngại những sự “cởi trói” này là giả dối (kiểu như năm 1986 Nguyễn Văn Linh “cởi trói văn nghệ sĩ “).

Người Miến Điện dám dấn thân vì họ từng có kinh nghiệm với nền dân chủ ư? Đồng ý kinh nghiệm về một nền dân chủ là điều kiện thúc đẩy lòng kháo khát được sống tự do. Nhưng người dân bình thường rất dễ quên, trong một khoảng thời gian đủ dài bị cai trị quá khắt nghiệt, họ sẽ quên mất mình từng được hưởng điều gì; huống chi lớp người đã từng kinh qua nền dân chủ ở Miến Điện vào thời điểm năm 1988 đã già và những người hăng hái đấu tranh nhất trong cuộc nổi dậy 8888 lại là những người trẻ. Và một câu hỏi quan trọng được đặt ra ở đây là : người miền Nam Việt Nam không có kinh nghiệm với dân chủ sao?

Hay vì dân Miến Điện quá đói khổ và thiếu thốn mọi phương tiện khiến họ phải đấu tranh, còn ở Việt Nam dù sao vẫn còn có thể chịu đựng được? Chúng ta hãy nhớ lại, năm 1962 khi Ne Win thiết lập chế độ độc tài, thì đến năm 1974, tức là 12 năm sau, đã có những cuộc biểu tình phản kháng chế độ. Còn ở miền Bắc Việt Nam, từ năm 1954 trải qua cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu cùng thời kỳ tem phiếu bao cấp đói khổ cùng cực, cho đến năm 1986 là hơn ba mươi năm, thành thị và làng quê tan hoang nhưng không có cuộc phản kháng nào xảy ra cả. Ở miền Nam, từ năm 1975 đến 1986 trải qua thời kỳ bao cấp quằn quại cũng gần 12 năm nhưng mọi thứ vẫn im ắng. Bởi vậy, sự nghèo đói không thể là động lực giúp dân chúng vượt qua sợ hãi để đứng lên, nếu không muốn nói là nó có thể làm kiệt quệ tinh thần phản kháng.

Vậy thì tại sao Miến Điện có một phong trào phản kháng mạnh mẽ như thế, còn chúng ta thì không? Có lẽ nếu muốn đơn giản hóa vấn đề, ta chỉ cần quy kết cho vận mệnh mỗi dân tộc. Nhưng dù sao trước tiên chúng ta hãy tự cho mình cơ hội suy nghĩ một chút về vấn đề này.

Người Miến Điện giữ được nội lực, Người Việt Nam thì đã mất nội lực

Từ trước khi bà Aung San Suu Kyi về nước năm 1988, những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra; nhưng không thể phủ nhận sự tham gia và lãnh đạo của bà đối với Liên Đoàn quốc gia vì Dân chủ đã làm phong trào đấu tranh dân chủ Miến Điện có thêm sức mạnh và sự gắn kết. Nhận định và đánh giá cao vai trò của bà-con gái một vị anh hùng dân tộc trong việc kết nối mọi thành phần đấu tranh, các trưởng lão dày dạn kinh nghiệm đã mời bà tham gia và trở thành người lãnh đạo Liên đoàn cũng như phong trào đối lập, dù trước đó bà chưa có kinh nghiệm chính trị nào. Tôi thật sự khâm phục những con người khả kính này, những con người đã đặt quyền lợi dân tộc lên trên cái tôi hão huyền để có được một người lãnh đạo có uy tín, một biểu tượng của phong trào-điều mà những người đối lập ở Việt Nam chưa có được. Bởi, như một người bạn mà tôi quý trọng đã nói rằng : “những người hoạt động ở Việt Nam có một tâm lý rất lạ: một mặt họ chống lại lãnh đạo (hiểu theo nghĩa lãnh tụ), mặt khác họ hành xử đầy tính lãnh tụ”. Vậy là ngay từ bước đầu tiên này chúng ta đã không thể sánh với người Miến Điện; còn chuyện thế nào là lãnh đạo, thế nào là lãnh tụ và vai trò của người lãnh đạo, tôi xin được nói trong một bài khác.

Có một người lãnh đạo nhiều uy tín là một điều quan trọng, nhưng sẽ là vô ích nếu người dân không hưởng ứng. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, khi nói về sự lớn mạnh của phong trào phản kháng ở Miến Điện chính là cái NỘI LỰC của họ. Dù sợ hãi chế độ độc tài, người Miến Điện đã có được một thứ NỘI LỰC mà người Việt Nam không có. NỘI LỰC ấy nằm ở sức mạnh văn hóa.

Mặc dù dưới những năm cầm quyền của mình, Ne Win muốn học tập Trung Quốc, định hướng cho Miến Điện theo con đường XHCN. Nhưng nhìn chung Miến Điện không bị áp đặt một chủ thuyết nào lên toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế. Chế độ cầm quyền ở đó là quân phiệt chứ không phải cộng sản như Việt Nam. Một chính thể độc tài không mang theo mình một chủ thuyết độc hại như chủ nghĩa cộng sản thì bản chất nó cũng gần giống với một nền quân chủ chuyên chế; nó có thể làm cho xã hội trì trệ và lạc hậu, nhân cách xuống cấp ở một mức độ nào đó nhưng ít ra nó không phá hủy triệt để những giá trị văn hóa truyền thống của xã hội, để thay vào đó là một loại văn hóa, loại mô hình xã hội bệnh hoạn, duy ý chí như trường hợp Việt Nam, Trung Quốc.

Ở Miến Điện, văn hóa, đạo đức và tôn giáo vẫn giữ được giá trị nội tại, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vẫn nhân văn và thuần phác. Một nền luân lý Phật giáo đúng nghĩa đứng ở vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần của họ. Như những nhà báo quốc tế ghi nhận thì, người dân Miến tuy sống nghèo khổ nhưng rất hiền lành, đa số họ thiền định mỗi ngày. Nghèo khổ và lạc hậu ở họ không đồng nghĩa với sự hèn nhát và sự xuống dốc về văn hóa và đạo đức. Chính vì giữ được sức mạnh tinh thần ấy, chính vì đứng trên cái trụ văn hóa nhân bản, trong đói khổ, đàn áp và sợ hãi, người dân Miến không ngừng phản kháng, đòi tự do, dân chủ.

Trái lại, dưới chế độ cộng sản Việt Nam, văn hóa, đạo đức và các truyền thống tôn giáo tốt đẹp đã gần như bị hủy hoại tận gốc rễ. Một xã hội hiện đại nửa mùa, một nền văn hóa mới theo kiểu Tây phương chưa xây dựng được (mà chỉ bắt chước người ta những thói xấu), còn cội nguồn văn hóa truyền thống thì đã biến thái thành những thứ quái dị. Những nhân đức hiền lành, chất phác, lòng yêu nước thiết tha biến thành những mánh mung, lừa đảo, vị kỷ. Một tôn giáo truyền thống từng góp phần to lớn xây dựng nên khí chất Việt Nam, bây giờ đã trở thành một thứ mê tín dị đoan. Đã mấy mươi năm sống dưới một chế độ độc tài hủy diệt văn hóa, bóp méo ý chí lành mạnh và làm thui chột năng lực tinh thần thì lúc đói khổ chúng ta chỉ lo miếng cơm, lúc sung túc chúng ta chỉ lo hưởng thụ. Mất cái gốc tinh thần (văn hóa, luân lý) chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về ý chí và nhân cách. Cái gốc của mọi hành động là tinh thần, ý chí yếu đuối, tinh thần bạc nhược, thì chẳng thể làm những việc lớn lao (nếu không có những điều kiện đột biến làm đòn bẩy).

Vì thế, giáo dục dân trí thông qua những luận bàn nghiêm túc về văn hóa (kể cả văn hóa chính trị), đạo đức, xã hội, chính trị… sẽ là cực kỳ cần thiết để vực dậy cái nội lực đã hư hao ấy; để chính sự phục hồi này, nếu không tạo được một biến cố cho sự đổi thay thì nó cũng giúp cho một thể chế tiến bộ trong tương lai dễ vận hành hơn. Và như John Stuart Mill đã nói: “Một dân chúng có thể còn chưa sẵn sàng cho một thiết chế tốt đẹp, nhưng việc nhen nhóm lên lòng mong ước có được thiết chế ấy phải là phần việc cần thiết cho sự chuẩn bị”. Văn hóa suy đồi, tinh thần khiếp nhược chính là những thứ chúng ta phải chung tay từng giờ để tháo gỡ, hầu mang lại một nội lực mới cho dân tộc. Có nội lực ấy rồi, không những chúng ta có thể dễ dàng xóa bỏ chế độ độc tài, mà còn có thể tiến vào chế độ dân chủ tự do không chút trở ngại.

Sài Gòn, ngày 25 tháng 5 năm 2012







ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA SỰ NỔI GIẬN (Nguyễn Hưng Quốc)




Thứ năm, 31/05/2012

Theo dõi báo chí trong nước về các vụ công an đánh người - đánh một cách vô cùng tàn bạo, thậm chí, có khi đánh đến chết, trong đó hầu hết nạn nhân là những người vô tội, tôi có hai sự ngạc nhiên lớn:

Thứ nhất, đối với công an, tôi không hiểu tại sao người ta lại tàn nhẫn đến như vậy? Đánh những người yếu đuối đã nhẫn tâm. Đánh những người yếu đuối không có bất cứ một phản ứng nào kháng cự lại mình, thì lại càng nhẫn tâm hơn nữa.

Thứ hai, đối với dân chúng - không chỉ các nạn nhân mà là dân chúng Việt Nam nói chung, tôi cũng ngạc nhiên là tại sao người ta lại ít phẫn nộ khi chứng kiến những cảnh đánh đập người khác một cách dã man như vậy. Dĩ nhiên là có người phẫn nộ. Trên các blog của một số người, chúng ta có thể thấy rõ sự phẫn nộ ấy. Trong cách tường thuật. Trong sự lên án. Trong các kiến nghị, thậm chí, trong một số hành động kiện tụng cụ thể. Nhưng con số ấy rõ ràng là không nhiều. Nếu không muốn nói là cực ít. Còn lại hầu hết đều im lặng. Im lặng vì dửng dưng hay vì muốn né tránh một vấn đề “nhạy cảm”? Tôi không biết. Nhưng dù vì bất cứ lý do nào thì sự im lặng ấy cũng đều rất đáng ngạc nhiên. Nó giống như một sự nhẫn tâm.

Cả hai hình thức nhẫn tâm ấy – sự nhẫn tâm của các công an và sự nhẫn tâm của những kẻ chứng kiến, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, qua các phương tiện truyền thông – đều có một điểm chung: thiếu sự giận dữ.

Thường, người ta bạo động vì giận dữ. Giận dữ nảy sinh từ quan hệ và sự tương tác. Cãi qua cãi lại: giận. Đẩy qua đẩy lại: giận. Công an đánh người, thậm chí, giết người không phải vì giận. Ngay cả khi dân chúng phản đối thì sự phản đối của họ cũng khá hiền lành và nhẫn nhục. Vậy mà công an cứ nhào đến đánh. Đánh như một phản xạ có điều kiện. Nhìn cảnh họ đánh dân trên Youtube, không thể không nhớ đến những tên mật vụ phát xít. Chúng cũng đánh người và giết người một cách cực kỳ dã man nhưng không hề có chút thù hận nào cả.

Dân chúng, kể cả giới trí thức, khi nhìn cảnh dân bị đàn áp như vậy, cũng không nổi giận. Việc không nổi giận ấy không chừng cũng là kết quả của quá trình điều kiện hóa lâu dài. Hình như người ta xem đó là chuyện bình thường. Trong phần Ý kiến trên blog này, một số người, để bênh vực cho chính quyền Việt Nam, cũng xem đó là chuyện bình thường. Ừ, thì công an ở đâu mà chả đánh dân? Ở Trung Quốc cũng có. Ở các nước Phi châu cũng có. Ngay cả ở Mỹ và các quốc gia Tây phương cũng có. Có gì đáng ngạc nhiên đâu?

Bỏ qua chuyện điều kiện hóa hay không điều kiện hóa trong lý thuyết của Ivan Pavlov. Ở đây, tôi chỉ nhìn sự giận dữ từ góc độ đạo đức học.


Trong quan hệ cá nhân, nổi giận là điều không nên. Đó là lúc lý trí bị mất quyền kiểm soát và cũng là lúc các bản năng đen tối và hủy diệt ở con người lên ngôi. Trong trường hợp này, không phải sự nổi giận mà việc chiến thắng sự nổi giận mới là dấu hiệu của văn minh và văn hóa. Nhưng ở bình diện xã hội, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, nổi giận trước những bất công và phi lý lại là điều cần thiết. Ở đây, nổi giận không phải là kẻ thù của lý trí. Ngược lại, nó gắn liền với lý trí: nó xuất phát từ cảm giác bất bình khi thấy bảng giá trị chung, vốn được hình thành từ lý trí, bị xâm phạm. Đó là những sự nổi giận trí thức. Từ cấp độ này, sự nổi giận của con người mới thoát khỏi tính bản năng và xa cách hẳn với các loài động vật khác. Đó là sự nổi giận nảy sinh khi con người đóng vai trò chứng nhân hơn là nạn nhân, khi ở ngoài hơn là trong cuộc, khi bản thân mình không trực tiếp bị đe dọa.

Vì có tính trí thức như vậy, sự nổi giận trước bất công và phi lý cũng gắn liền với đạo đức. Người ta thường gọi đó là những sự giận dữ hay phẫn nộ đạo đức (moral anger/outrage). Gọi là đạo đức vì ba lý do chính: một, nó xuất phát từ ý thức về sự công bằng và công chính; hai là, nó vì người khác, nó muốn nhìn thấy người khác, dù đó chỉ là những người hoàn toàn xa lạ với mình, cũng được đối xử một cách công bằng và công chính; cuối cùng, nó là một trong những nguyên nhân làm cho người ta trở thành can đảm.

Can đảm không phải là không biết sợ. Can đảm là biết vượt qua cảm giác sợ hãi. Thời gian vượt qua được cảm giác sợ hãi kéo dài dài hay ngắn tùy từng người. Một trong những yếu tố giúp duy trì tình trạng không sợ hãi ấy chính là sự nổi giận.

Ngày nào dân chúng không nổi giận ngày ấy những kẻ cầm quyền độc tài và hung ác còn ăn ngon ngủ yên.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ




PHỎNG VẤN TÁC GIẢ "NHÂN VĂN GIAI PHẨM & VẤN ĐỀ NGUYE4ENX ÁI QUỐC" (Hà Vũ - VOA)





Phỏng vấn
Thứ năm, 31/05/2012

Phỏng vấn nhà văn Uyên Thao, Thụy Khuê

Nhà biên khảo Thụy Khuê sang Pháp du học vào tháng 9 năm 1962 và bắt đầu viết tiểu luận phê bình văn học từ năm 1987.

Bà được biết đến nhiều kể từ khi phụ trách chương trình Văn học Nghệ Thuật của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI từ tháng 12 năm 1990 cho đến tháng 3 năm 2009. Cuốn “Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc” là tác phẩm mới nhất, công phu nhất của bà, dày gần 1.000 trang sau 5 tác phẩm khác xuất bản từ năm 1995 đến 2005.

Trong lời tựa của tác phẩm ‘Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc’ nhà biên khảo Thụy Khuê cho biết dự định tìm lại dấu vết Nhân văn Giai phẩm bắt đầu đến với bà từ cuối thu năm 1984 khi trở lại Hà Nội lần đầu sau 30 năm xa cách. Trong vòng 20 năm qua lúc nào bà cũng nghĩ đến Nhân văn Giai phẩm.

Bà nói:
“Mỗi lần có một mẫu giấy nhỏ hay là một tin tức gì liên quan đến Nhân văn Giai phẩm tôi cắt giữ lại. Nhưng nếu chỉ làm những công việc đó không thì cũng không thể nào viết được một cuốn sách như thế. Đây là một duyên nợ của mình đối với những bậc đàn anh trong Nhân văn Giai phẩm. Đó là sự tình cờ, không hiểu tại sao tôi lại gặp được các ông trong Nhân văn Giai phẩm một cách thân tình như thế và họ có một niềm tin tuyệt đối vào mình như thế.”

Bà Thụy Khuê đã có dịp gặp hay nói chuyện với những người còn sống sót trong vụ Nhân văn Giai phẩm như nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Văn Cao, ông Nguyễn Hữu Đang, họa sĩ Trần Duy.

Được hỏi là trong thời gian bà sưu tầm tài liệu để viết về Nhân văn Giai phẩm có hai nhân chứng còn sống sót là nhà thơ Hữu Loan và nhà văn nhà thơ Phùng Quán nhưng không thấy bà đề cập đến trong tác phẩm của bà, nhà văn Thụy Khuê giải thích:
“Tôi lựa chọn những người đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức Nhân văn Giai phẩm và nếu không có vai trò quan trọng trong Nhân văn Giai phẩm nhưng sau đó có những tác phẩm bề thế hoặc đưa ra những vấn đề sâu sắc như trường hợp cụ Nguyễn Mạnh Tường, không đóng góp gì hết trong Nhân văn Giai phẩm, chỉ viết có một bài thôi. Anh Phùng Quán là một người can đảm nhưng lúc đó là đàn em không đóng vai trò gì hết. Anh Hữu Loan cũng là một người rất can đảm nhưng về tác phẩm anh cũng không đóng góp được gì nhiều.”

Nhà biên khảo Thụy Khuê cho biết là trong việc tiếp xúc với những nhân chứng sống thời Nhân văn Giai phẩm bà cũng gặp rất nhiều khó khăn khi về Việt Nam và sau này bà bị chính quyền cấm không cho vào Việt Nam nữa. Tuy nhiên bà có cơ hội nói chuyện thỏa mái với nhà thơ Lê Đạt khi ông sang Pháp.

Nhà văn Thụy Khuê nói thêm là tác phẩm viết về Nhân văn Giai phẩm được xuất bản trong những năm 1960 của cụ Hoàng văn Chí ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành hình của cuốn ‘Nhân văn Giai phẩm và vấn đề Nguyễn Aùi Quốc’

Bà nói:
“Có thể nói là nếu không có cuốn sách của Hoàng Văn Chí thì chưa chắc có cuốn Nhân văn Giai phẩm của Thụy Khuê. Đó là cuốn sách đầu tiên vạch ra những đường chính mà cho tới bây giờ qua bao nhiêu năm rồi khi kiểm soát lại những tài liệu mới tôi cũng thấy có những điều chỉ có cụ Hoàng Văn Chí viết tại vì cụ có một vị trí đặc biệt lắm. Cụ
và gia đình Phan Khôi, cụ quen biết cả. Cụ lại sống trong thời năm đó ở miền Bắc. Tuy sau đó cụ vào nam chỉ đọc được những tài liệu do Ủy hội Kiểm soát Đình chiến mang vào nhưng ngược lại tất cả những giai đọan kháng chiến chẳng hạn như khi cụ viết về Văn Cao có đứa cháu bị chết đói, tất cả những chi tiết đó hoàn toàn không có những sách khác.”

Nhà văn Thụy Khuê cũng cho biết là hai học giả Nguyễn Hiến Lê và Hoàng Xuân Hãn ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến phương pháp nghiên cứu và tiến trình làm việc của bà:
“Ông Nguyễn Hiến Lê có một lần nói là không biết một vấn đề gì đó thì viết về vấn đề đó và sau khi viết về vấn đề đó rồi thì phải biết về vấn đề đó nếu không thì đừng viết. Đó là kim chỉ nam chỉ dẫn cho con đường tôi đi từ trước đến giờ. Và điều thứ hai nữa là ông Hoàng Xuân Hãn. Ông là một nhà khoa học nên khi ông làm điều gì, ông soi kính hiển vi vào, ông khoanh tròn vào vấn đề và ông kiếm cho ra, nhưng mà điều ông Hoàng Xân Hãn kiếm ra không phải chỉ là qua kinh nghiệm không thôi mà ông còn dẫn luận, làm mọi thứ khác nữa để cho người đi sau đọc không những biết được chuyện đó mà còn chỉ dẫn cho người đi sau tìm kiếm.”

Tác phẩm ‘Nhân văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc’ do ‘Tủ sách Tiếng nói Quê hương’ được nhà văn Uyên Thao thành lập vào năm 2000 tại Virginia xuất bản. Đây là tác phẩm thứ 53 do ‘Tủ sách Tiếng Quê hương ấn hành.’ Nhà biên khảo Thụy Khuê cho biết trong quá trình chuẩn bị và in ấn, bà và nhà văn Uyên Thao đã nhiều lần trao đổi, thảo luận, góp ý về tác phẩm này.

Phát biểu trong buổi ra mắt sách, nhà văn Uyên Thao
cho biết là tính đến nay Tủ sách Tiếng Quê Hương đã có mặt hơn 10 năm và giới thiệu được gần 60 tác phẩm theo chủ hướng là gom nhặt những chứng liệu sống để góp phần phản ánh chính xác thực tế của đời sống Việt Nam. Tuy nhiên ông cho rằng mức đóng góp này chỉ là hạt cát trong sa mạc bởi vì thực tế đời sống Việt Nam như một khu rừng chồng chất những cỏ cây, gai góc che lấp tất cả những sự thực. Ngay chính những người sống giữa rừng chưa chắc đã có thể nhìn thấy hết những thực tế xảy ra. Đồng thời cũng không thể phủ nhận khả năng giới hạn của những người cầm viết khi diễn tả lại những điều mình đã thấy, đã nghe.

Ông quả quyết:
“Tôi có thể đoan chắc rằng không có ngòi bút nào có thể diễn tả hết được mức kinh hoàng của một tấn kịch một thiếu phụ muốn trở thành người độc thân để bước thêm một bước nữa đã dắt đứa con gái nhỏ chưa tới 5 tuổi của mình ra bờ sông dìm chết và mức kinh hoàng còn lớn hơn nữa là chuyện đó xảy ra ở trước mắt rất nhiều người và tất cả đều lặng lẽ, thản nhiên quay đi

Nhà văn Uyên Thao mong muốn:
“Tục ngữ Việt Nam có câu quen thuộc ‘một cây làm chẳng nên non’ nên chúng tôi hiểu rất rõ rằng mong mõi của mình sẽ khó thành thực tế nếu thiếu sự chung tay hợp sức của mọi người vì thế dù vô cùng xúc động khi tiếp nhận được những tình cảm ưu ái dành cho chính bản thân mình chúng tôi mong mõi được thấy một sự khích lệ đặc biệt đó là sự ưu tư về thân phận bị dập vùi của người dân Việt Nam gần 100 năm nay.”

Nhà biên khảo Thụy Khuê cũng như nhà văn Uyên Thao cho biết việc xuất bản bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp các tác phẩm văn học là điều cần thiết để giới thiệu cho các bạn trẻ Việt Nam một giai đoạn lịch sử bi hùng đã qua và đồng thời giới thiệu cho các dân tộc trên thế giới văn hóa Việt Nam, nhưng theo nhà văn Uyên thao tất cả mọi chuyện phải chờ vượt qua những điều kiện thực tế và chưa biết có thể vượt qua nổi những việc này hay không nhưng chắc chắc Tủ Sách Tiếng Quê hương sẽ có một tủ sách bằng tiếng Anh chứ chưa dám nói bằng các thứ tiếng khác nữa.


------------------------------------------










VIỆT NAM CẦN NGHIÊM TÚC V Ề NHÂN QUYỀN (BBC)




BBC
Cập nhật: 14:17 GMT - thứ năm, 31 tháng 5, 2012

Thượng nghị sỹ John McCain của Hoa Kỳ lên tiếng thúc giục Việt Nam ‘nghiêm túc hơn nữa’ trong vấn đề nhân quyền để có thể kết thân thêm với Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi của BBC trong buổi họp báo hôm 31/5 tại Malaysia, nơi ông McCain đang ở thăm trước khi sang Singapore dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á, vị Thượng nghị sỹ trước hết nói về bước tiến trong quan hệ Việt – Mỹ:
“Thông điệp của tôi cho Việt Nam là chúng ta đã đạt những tiến bộ lớn.
“Chúng tôi tự hào đã hàn gắn những vết thương của cuộc chiến ghê gớm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ chỉ trừ cuộc nội chiến của chúng tôi.
“Quan hệ của chúng tôi với Việt Nam là tuyệt vời. Có nhiều đầu tư của Hoa Kỳ ở đó”.
Nhưng ông McCain không giấu sự không hài lòng của Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
“Hiện vẫn có sự thật, mà tôi đã nói thẳng với các người bạn Việt Nam, rằng vẫn có sự đàn áp những người thiểu số, các tín đồ Phật giáo, Thiên Chúa giáo, những người thiểu số sống tại các vùng cao và chúng tôi mong đợi có tiến bộ về nhân quyền.
 “Chúng tôi mong đợi tiến bộ chứ không phải là thay đổi tức thì”.

Ông McCain là tù nhân có tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam sau khi máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.
Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ hồi năm 1994, ông McCain đã nhiều lần tới thăm Việt Nam và là người có quan điểm ôn hòa hơn so với nhiều dân biểu Hoa Kỳ khác trong vấn đề nhân quyền.

Cũng trong họp báo tại Malaysia, ông McCain nói:
“Thực tế là chúng tôi tin rằng quan hệ của chúng tôi là gần gũi và có thể gần gũi hơn.
“Nhưng những vấn đề đó [quyền con người] phải được chính quyền Việt Nam xem xét nghiêm túc hơn và chúng tôi hy vọng họ sẽ làm điều đó”.

‘Chuyển trọng tâm‘
BBC cũng hỏi ông McCain về sự ‘trở lại Châu Á’ của Hoa Kỳ và ông nói đây không phải là sự thay đổi bước ngoặt mà là chuyện Hoa Kỳ “tái khẳng định cam kết” với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Ông McCain nhắc lại rằng Hoa Kỳ đã hiện diện ở khắp Châu Á – Thái Bình Dương trong hơn 100 năm qua và nói thêm:
“Một trong những lý do thuyết phục [cho việc tái khẳng định cam kết với Châu Á - Thái Bình Dương] là kinh tế thế giới đã chuyển trọng tâm sang Châu Á – Thái Bình Dương và chỉ lý do này không thôi đã buộc chúng tôi phải có thêm hoạt động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Ông McCain cũng nói chuyện cam kết nhiều hơn với Châu Á không có nghĩa là Hoa Kỳ bỏ rơi những người bạn Châu Âu như một số người nghĩ.

Thượng Nghị sĩ Joseph Lieberman, người cùng tham dự họp báo với ông McCain, bổ sung thêm rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chú tâm tới những khu vực quan trọng khác trên thế giới trong đó có Trung Đông.




View My Stats