Tuesday 29 May 2012

NHÀ VĂN THỤY KHUÊ RA MẮT SÁCH "NHÂN VĂN GIAI PHẨM & VẤN ĐỀ NGUYỄN ÁI QUỐC" TẠI CALIFORNIA 27-5-2012 (Người Việt - Việt Báo)




Nguyên Huy/Người Việt
Tuesday, May 29, 2012 6:47:49 PM

Nhà văn Thụy Khuê ra mắt sách

WESTMINSTER - Hai trăm cuốn sách, mỗi cuốn gần một ngàn trang khổ sách lớn, bìa cứng - “Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Ðề Nguyễn Ái Quốc” - của nhà văn, nhà biên khảo Thụy Khuê do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành, bán hết ngay trong buổi ra mắt sách tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều 27 tháng 5.

Ðộc giả xếp hàng dài chờ xin được chữ ký của tác giả làm kỷ niệm sau khi mua được sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðây là buổi ra mắt sách do nhật báo Người Việt cùng nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đồng bảo trợ tổ chức. Hơn ba trăm đồng hương tại Nam California đến tham dự đông chật phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt. Có rất nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo, tham dự buổi ra mắt sách.

Ðiều đó không lạ vì tác giả, nhà văn, nhà biên khảo Thụy Khuê đã tạo được uy tín trong văn giới, truyền thông từ nhiều năm nay về những hoạt động văn học nghệ thuật nghiêm chỉnh của tác giả. Hơn nữa, nội dung cuốn sách được ra mắt hôm nay là nhắc lại “vụ Nhân Văn Giai Phẩm” đã gây chấn động tại miền Bắc và đưa đến hậu quả khốc liệt cho các văn nghệ sĩ trong nhóm.

Ðó là thời gian năm 1955 sau khi đất nước bị chia đôi. Gần cả hơn 50 năm sau đó không thấy được nhắc tới sau cuốn “Trăm Hoa Ðua Nở trên đất Bắc” của Hoàng Văn Chí xuất bản trong thời Ðệ I Cộng Hòa ở miền Nam.

Giới thiệu về tác giả, nhà văn Ðỗ Quý Toàn tức nhà báo Ngô Nhân Dụng, cho biết: “Tác giả Thụy Khuê là người đã trình bày những vấn đề văn học trên đài phát thanh quốc tế RFI từ mấy chục năm nay. Bà có những liên lạc khá mật thiết với những nhân vật tiếng tăm trong giới văn học nên những bài viết, biên khảo của bà được viết rất cẩn trọng, có nghiên cứu kỹ lưỡng. Nên bà đã là một nhà biên khảo chững chạc, nghiêm minh nhất của thế hệ chúng tôi.”

Phát biểu về cuốn sách này, nhà báo Ngô Nhân Dụng nhận định: “Hơn một nửa thế kỷ qua, đã không có một cuốn sách nào viết thêm về vụ Nhân Văn Giai Phẩm ngoài cuốn của Hoàng Văn Chí. Nên cuốn sách được ra mắt hôm nay đã là một cuốn sách được đón đợi. Chúng ta sẽ được sống lại cái thời gian 1955-1958 khi miền Nam đang xây dựng một thể chế tự do đối kháng với thể chế độc tài miền Bắc thì tại miền Bắc đã nổ bùng phong trào văn nghệ sĩ đứng lên đòi hỏi tự do, làm ngỡ ngàng mọi người dân miền Nam.”

Nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng thú nhận khi ấy mọi người, nhất là giới trẻ, hầu như chỉ mang máng biết đến Nhân Văn Giai Phẩm là những số báo đặc san do một số những nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi từ trước thời Cách Mạng Tháng Tám sau khi kháng chiến trở về Hà Nội đã chủ trương sự tư do trong sáng tác, phê phán đường lối văn nghệ một chiều của chế độ... qua một vài bài thơ của Trần Dần “Tôi đi không thấy phố, thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” hay của Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, không thể nói yêu thành ghét....”

Vẫn theo nhà báo Ngô Nhân Dụng thì “nay nhờ có Thụy Khuê mới biết thêm được nhiều chi tiết về những ý nghĩ, những tư tưởng trong thời gian đó để chúng ta mới hiểu là Nhân Văn Giai Phẩm không chỉ là đòi hỏi tự do cho văn nghệ sĩ mà là cho đất nước và dân tộc.”

Trước khi kết thúc bài giới thiệu tác giả và tác phẩm, nhà báo Ngô Nhân Dụng đề nghị “tác giả nên tiếp theo một cuốn tuyển tập những bài mà tác giả đã trích trong cuốn sách này” và tham khảo thêm với trong nước để “kể rõ thêm về thảm kịch con người trong chế độ cộng sản VN mà chỉ có người ở trong nước mới thấu hiểu được.”

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người được gọi là “Ngục Sĩ,” trong dịp này cũng phát biểu: “Nhân Văn Giai Phẩm khi ấy đã gây một tiếng vang vang dội khắp miền Bắc, nhưng tất cả đã nhầm lẫn khi đòi hỏi tự do vì chế độ cộng sản làm gì có tự do mà đòi. Nhờ cuốn sách này, với những chứng liệu mà chúng ta mới rõ Hồ Chí Minh là người dốt thực sự.”

Sau phần phát biểu của một số thân hữu, tác giả Thụy Khuê đã tâm tình với các độc giả đứng ngồi đông chật phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Bà nhắc nhớ đến những người bạn thiết, những bạn văn thế hệ trước như Mai Thảo, Ðỗ Ngọc Yến, Nguyễn Ðình Toàn, Võ Thắng Tiết, Nhật Tiến, những người đã gợi ý cho bà lao vào công việc văn học nghệ thuật để sau nhiều năm hoạt động bà đã nhận ra rằng “khi đã làm đúng được công việc văn học nghệ thuật thì chúng ta sẽ nối kết lại được với nhau không khó khăn gì.”

Tác giả cũng cho biết trong cuốn sách này bà đã gặp gỡ phỏng vấn nhiều người trong nước vào thời gian ấy cũng như đối chiếu nhiều nguồn khác nhau về một sự việc hay một sự kiện, kể cả việc thẩm định lời nói ngày nay với lời nói ngày xưa của một nhân vật.

Tác giả Thụy Khuê nói chuyện về công việc soạn thảo cuốn “Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Ðề Nguyễn Ái Quốc” trong dịp ra mắt sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Sau cùng tác giả kết luận, “Người viết nào cũng muốn đi tìm sự thật. Trong lãnh vực biên khảo chứng từ mới nói lên được sự thật nên trong nhiều năm qua tôi đã cố gắng thực hiện được việc đó trong cuốn sách này.”

Buổi ra mắt sách cũng được ban tổ chức giới thiệu cơ sở xuất bản Tiếng Quê Hương, một nỗ lực đáng ca ngợi của nhà văn Uyên Thao cùng một số anh chị em văn nghệ nay đã in và phát hành được 54 cuốn sách.

Nhà văn Uyên Thao có mặt trong dịp này cho rằng “những đóng góp của mình là mong đóng góp vào sự chuyển hóa trước tình trạng ‘trí não bị tê liệt’ ở trong nước, đóng góp để mong quê hương “người sống được quyền sống và người chết có được nấm mồ.”
Top of Form
Bottom of Form

----------------------------------------------


Việt Báo
05/29/2012

WESTMINSTER (Việt Báo) – Buổi ra mắt tác phẩm mới của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã thu hút người tham dự vào chật cả hội trường nhật báo Người Việt hôm Chủ Nhật 27-5-2012.

Nhà biên khảo Thụy Khuê đã dày công tới 20 năm để thực hiện tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc,” một cuốn sách dày tới 980 trang trong đó có những thông tin mới và những khám phá dò ra từ những năm nghiên cứu công phu.

Nhà văn Trần Phong Vũ, sau khi được MC Đinh Quang Anh Thái giới thiệu, đã thay mặt NXB Tiếng Quê Hương bày tỏ vui mừng vì số người tham dự quá đông; ông nói lời chào mừng và cảm ơn trước sự đón nhận của người đọc đối với tác phầm đồ sộ cả lượng và phẩm này.

Nhà bình luận Ngô Nhân Dụng tiếp lời, rằng nhà biên khảo Thụy Khuê là người ai cũng biết, bà đã trình bày những vấn đề văn học nghiêm trang nhiều thập niên qua. Theo ông, tác phong nghiên cứu của bà Thụy Khuê gần với 2 nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, những người cùng ở Paris mà bà có cơ duyên thân cận và tham khảo. Ngô Nhân Dụng, tức nhà văn Đỗ Quý Toàn, nói rằng Hoàng Văn Chí là người đầu tiên viết về Nhân Văn Giai Phẩm, và bây giờ sách Thụy Khuê là cuốn được những người quan tâm chờ đợi. Ông nói, khi ông đọc, ông sống lại một Hà Nội 1955-58 với những trí thức can đảm, đứng lên đòi tự do dân chủ.

Ngô Nhân Dụng nói, người đọc thường nhớ nhất là thơ Trần Dần, với những dòng “mưa sa trên màu cờ đỏ,” hay Phùng Quán với những dòng “yêu ai cứ bảo là yêu...” Nhưng đọc sách Thụy Khuê xong, mới thấy thâm sâu là phần tư tưởng, với những người như Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Mạnh Tường đã thực sự đòi xây dựng tự do dân chủ cho VN. Ngô Nhân Dụng nói, cụ Phan Khôi đã nói, “Không thể có tự do văn nghệ, nếu người dân không có tự do,” và Thụy Khuê đã làm nổi bật đặc tính đó. Ông Tường và ông Đang đã kêu gọi cai trị bằng luật pháp. Bây giờ cũng thế... Ông đề nghị bà Thụy Khuê làm tiếp cuốn thứ nhì, vì cần một cuốn sách kể về những trù dập nhắm vào Nhân Văn Giai Phẩm, về vợ con các nhà văn đó, về hoàn cảnh đói tới phải ăn thịt cóc...

Hình trái, nhà văn Thụy Khuê (áo dài xanh) nhận hoa tặng; hình phải, nhà văn Uyên Thao.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trình bày ý kiến rằng, tập sách này đầy đủ và nhiều chi tiết, trong đó bà Thụy Khuê đã mô tả được không khí Đảng CS khủng bố giới cầm bút, tới nỗi nhạc sĩ Văn Cao từng hoạt động trong Ban Ám Sát mà khi bị thẩm vấn mà áo cũng ướt đẫm mỗ hôi như tắm. Nguyễn Chí Thiện nói, bà Thụy Khuê trích lời Nguyễn Mạnh Tường khi phê bình Cải Cách Ruộng Đất đã đòi đưa ra tòa vì không có chế độ pháp trị nào giết địa chủ theo chỉ tiêu 5% mà không có tòa nào xét xử, và nếu ra tòa thì ông Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị sẽ lãnh án treo cổ vì tội sát nhân nhiều chục ngàn người.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng nói, tôi chưa bao giờ dám nói ông Hồ Chí Minh dốt tiếng Pháp, nhưng đọc Thụy Khuê tôi mới ngã ngửa, rằng ông Hồ Chí Minh, qua một đoạn video, đã nói tiếng Tây bồi, và tiếng Pháp không có gì. Ông nói, Nhân Văn Giai Phẩm là một cuộc cách mạng bất thành, và mọi người nên giới thiệu sách này với bạn bè.

Tiếp theo, nữ tài tử Kiều Chinh được mời phát biểu, đã chúc mừng và cảm ơn Thụy Khuê đã để lại cho các thế hệ sau một tác phẩm biên khảo giá trị về Nhân Văn Giai Phẩm.

Nhà biên khảo Thụy Khuê được mời phát biểu, đã nói rằng bà ngồi viết văn từ Pháp, nhưng lòng luôn luôn hướng về Hoa Kỳ, cụ thể là California vì là nơi đâù tiên khi bà viết văn đã gửi bài, và được nâng đỡ và khuyến khích bởi nhiều người đi trước.

Bà nói, năm 1993 bà về nước, được Văn Cao tiếp đón, nói là làm sao để Văn Cao kể hết chuyện NVGP. Bà Thụy Khuê lúc đó đang làm việc ở Đài RFI, mới nộp đơn xin “visa làm việc” thì bị tòa đại sứ từ chối khéo và đề nghị Thụy Khuê mượn máy thu âm và làm việc chung với Đài Phát Thanh Việt Nam... thế nên lúc đó không thực hiện được các cuộc ghi âm cần thiết. Những cuộc ghi âm về sau chỉ là nói qua điện thoại từ Pháp về VN, nhiều lần bị tổng đài VN cúp máy bất ngờ. Lúc đó, bà Thụy Khuê nói với nhà văn Lê Đạt là “anh nói thật nhé, khi anh chết rồi, em mới đưa ra ánh sáng,” sau vì một số sự kiện, nên bà Thụy Khuê mới phổ biến trước khi Lê Đạt từ trần. Tình hình tổng đàì cắt phone phỏng vấn là phổ biến, theo bà Thụy Khuê, vì có năm vào dịp gần ngày 2 tháng 9, bà muốn phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp mà mới phỏng vấn là bị cắt phone liền.

Tác giả Thụy Khuê nói, vì tài liệu quá nhiều, nên không thể viết về Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phùng Quán... những người trong NVGP nhưng không ảnh hưởng trụ cột. Bà nói, trong khi nghiên cứu, bà thấy người cha tinh thần của NVGP là Phan Khôi, và trụ cột tư tưởng là Nguyễn Mạnh Tường, Phùng Cung... Bà đã phỏng vấn nhiều người, và đối chiếu với nhau. Trên đường nghiên cứu, bà khám phá thấy Phan Khôi là người được cụ Phan Châu Trinh trước khi từ trần đã ủy thác cho việc viết về cuộc đời họ Phan và hướng đi cứu nước, và rồi từ đây bà khảo sát các văn bản và khám phá ra rằng ông Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Tất Thành, không thể nào là người viết nổi các bản văn tiếng Pháp ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bà nói, do vậy, bà viết về thời gian 4 năm của ông Hồ Chí Minh tại Pháp. Đặc biệt, bà cảm ơn nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã in sách này, mà bà nói rằng từ trước tới giờ, trong nhiều thập niên viết văn, chưa bao giờ bà lãnh nhuận bút, kể cả với cuốn sách 980 trang này; bà chỉ nhận một số ấn bản sách này để tặng cho bằng hữu văn nghệ thôi. Nhưng bà nói, hy vọng độc giả hưởng ứng để giúp NXB Tiếng Quê Hương có tiền in thêm nhiều sách khác.

Ba diễn giả, từ trái: Ngô Nhân Dụng, Nguyễn Chí Thiện, Trần Phong Vũ.

Sau đó, nhà văn Trần Phong Vũ lên giới thiệu về Uyên Thao, người khai sinh ra NXB Tiếng Quê Hương. Họ Trần nói rằng, ông vui mừng vì Tiếng Quê Hương in tới cuốn thứ 53 là “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc” của chị Thụy Khuê, và cuốn thứ 54 sẽ là một tập thơ 600 trang của Cung Trầm Tưởng, vài tháng nữa sẽ xuất hiện. Ông nói, Uyên Thao sau hơn 10 năm ở tù CS, năm 1999 mới sang Mỹ định cư, và sức yếu, bệnh, dạ dày bị cắt chỉ còn ¼ và ông muốn nói lời tuyên dương Uyên Thao.

Nhà văn Uyên Thao trình bày rằng trong 10 năm ở Mỹ, lòng ông chỉ lôi cuốn về những chuyện ở VN. Ông nói rằng bây giờ, lịch sử còn 2 vấn đề lớn chưa được viết đầy đủ: năm 1968 ở Huế, và năm 1972 ở Mỹ Chánh. Ông nói, CSVN hiện dạy học sinh rằng chính quân Mỹ và quân VNCH đã tấn công giải vây Huế, và là thủ phạm tàn sát nhiều ngàn người ở Huế trong trận Mậu Thân. Ông nói, những người Huế lớn tuổi đều biết sự thật rằng chính CSVN đã gây ra thảm sát, và bây giờ cần một cuốn biên khảo để các thế hệ sau biết về Huế 1968. Ông cũng kể rằng năm 1972, có 4,000 xác nằm phơi thây trên đường lộ, ở Mỹ Chánh, và chính ông cùng nhiều ký giả đã đi lượm xác, trả được 2,000 xác cho thân nhân người chết, còn laị 2,000 xác không ai nhận nên mới lập nghĩa trang và chôn ở Phong Điền. Ông nói, sau 1987, khi ra tù, nghe bạn bè nói là nghĩa trang này bị dẹp rồi. Xã hội CS không để cho cả người sống và cả người chết được bình an.

Sau đó, những ý kiến và câu hỏi nêu lên. Bà Thụy Khuê đã trả lời thỏa đáng.

Trong những người nêu ý kiến có LS Trần Thanh Hiệp, nhà báo Bùi Bảo Trúc...

Trong những người tham dự còn có các văn nghệ sĩ như Thái Lân, Nhật Tiến, Phạm Xuân Đài, Phạm Quốc Bảo, Viên Linh, Nguyễn Tà Cúc, Nguyên Khai, Phan Nhật Nam, Trần Huy Bích, Nguyễn Mạnh Trinh...

Độc giả cần mua xin liên lạc:
Tủ sách Tiếng Quê Hương
P.O. Box 4653
Falls Church, VA 22044
Sách giá 40 MK, để sách giao tận nhà, thêm bưu phí 3 MK (tại Mỹ), hay 10 MK (ngoài Hoa Kỳ).
Check, Money Orger xin ghi trả cho: VLAC/Tiếng Quê Hương.





No comments:

Post a Comment

View My Stats