Wednesday 31 July 2013

DÂN TỘC THẮNG CHỦ NGHĨA (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, July 30, 2013 6:41:26 PM

Sử gia Benedict Anderson mở đầu cuốn sách bàn về các “phong trào dân tộc,” xuất bản năm 1983, ông nhắc ngay đến các cuộc chiến tranh ở bán đảo Ðông Dương, giữa Việt Nam với Campuchia từ cuối năm 1978, và Trung Quốc với Việt Nam đầu 1979.

Anderson thấy một hiện tượng đáng chú ý: Các chính quyền cộng sản nào phát động các cuộc chiến này không ai nhắc nhở gì đến “Chủ nghĩa Mác” để biện minh cho những cái chết của bao nhiêu người dân và binh sĩ mà họ gây ra. Nó khác hẳn “mô típ” quen thuộc của các chính quyền cộng sản trước đó.

Anderson nhắc lại các vụ quân Nga can thiệp vào nước Ðức (1953), Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968), Afghanistan (1980) và các cuộc đụng độ biên giới giữa Nga Xô và Trung Cộng năm 1969. Trong các cuộc dụng binh đó họ vẫn còn nêu lên các khẩu hiệu “bảo vệ chủ nghĩa xã hội” hoặc “chống đế quốc xã hội chủ nghĩa.” Những chữ “xã hội chủ nghĩa” hồi đó còn linh thiêng lắm. Các cuộc chiến ở Ðông Dương năm 1978, 1979 là chiến tranh giữa các chế độ cùng theo “chủ nghĩa xã hội” như nhau! Cái khác nhau là dân tộc, họ xúi người Việt, người Campuchia, người Trung Quốc đánh giết nhau. Dân tộc là một động lực thúc đẩy lịch sử, mà trong hàng thế kỷ trước đó, các người quá tin vào chủ thuyết của Karl Marx đã tự bịt mắt họ nên không chịu nhìn thấy. Rõ ràng, dân tộc là một hiện tượng xã hội rất cần nghiên cứu, đáng được phân tích kỹ lưỡng.

Benedict Anderson đã nhìn ra việc lợi dụng tinh thần dân tộc, tự ái dân tộc ngay trong quá trình phát triển phong trào cộng sản quốc tế. Ở những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, các đảng cộng sản chiếm được chính quyền không phải vì họ lôi cuốn được người dân tin vào chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa đó quá xa vời. Trong thực tế, các đảng cộng sản đã dựa vào làn sóng giải phóng dân tộc để kêu gọi người ta hy sinh. Ý thức dân tộc là một động cơ vừa mạnh vừa có nguồn gốc sâu xa mọi thứ chủ nghĩa. Không cần đợi tới năm 1989, khi các chế độ cộng sản sụp đổ hàng loạt như những quân bài domino người ta mới thấy như vậy. Sau năm đó thì cái gọi là chủ nghĩa cộng sản đã “hết thiêng” rồi, ngay các đảng viên cộng sản cũng mất hết niềm tin. Các đảng cộng sản còn sống sót cũng cố ý lờ đi không nói đến chủ nghĩa nữa.

Tại nước ta ngay bây giờ, chính quyền cộng sản đang nhân danh cái gì khi họ đàn áp những người đòi dân chủ tự do, khi họ bỏ tù những Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ? Tội danh họ thường gán cho các nhà tranh đấu dân chủ là tội “chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ nhà nước;” trong hình luật. Ðảng Cộng sản không hề nói đến chủ nghĩa xã hội, là thứ mà họ vẫn nhân danh để biện minh cho việc chiếm độc quyền cai trị 90 triệu người dân Việt. Trong khi đó thì những người Việt Nam yêu nước đang vận động khắp nơi trên thế giới để bảo vệ mạng sống và con đường tranh đấu của Ðiếu Cày, nhân danh quyền sống của dân tộc Việt Nam. Các nhà trí thức, các bloggers trong nước, các đoàn thể ở hải ngoại khi lên tiếng yêu cầu cả thế giới can thiệp bảo vệ Ðiếu Cày đều nhân danh dân tộc, nhân danh quyền bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước các âm mưu bành trướng của Cộng sản Trung Hoa. Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Ðỗ Thị Minh Hạnh, vân vân, được đồng bào yêu mến vì lòng yêu nước của họ chứ không phải vì một chủ nghĩa trừu tượng nào cả. Nói như Benedict Anderson, chúng ta đang sống trong một “Cộng đồng Tưởng tượng,” là dân tộc Việt Nam, cho nên cùng nhau tranh đấu.

Cuốn sách của Benedict Anderson đặt tựa đề là “Những Cộng đồng Tưởng tượng: Suy nghĩ về nguồn gốc và sự bành trướng của phong trào dân tộc” (Imagined communities: reflections on the origin and spread of nationalism, in lần đầu năm 1983).

Anderson mô tả một dân tộc (nation) là một “Cộng đồng Tưởng tượng,” vì người ta không cần phải gặp nhau, không cần nhìn thấy nhau, nhưng trong đầu vẫn nghĩ tất cả mọi người cùng thuộc vào một “cộng đồng” có thật. Một đặc tính của cộng đồng này là nó có giới hạn, dù biên giới của nó khá co giãn (elastic). Người Pakistan tự nhận họ thuộc một dân tộc dù họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Người Bangladesh thấy họ là một dân tộc, cần tách ra khỏi nước Pakistan. Ðó là những “Cộng đồng Tưởng tượng,” chỉ vì người ta muốn như thế. Người ta biết họ thuộc vào một dân tộc, và mặc nhiên coi những người khác cũng nghĩ như mình; bên ngoài biên giới đó là “người khác, dân khác.” Ðặc tính thứ hai mà Anderson nhấn mạnh là chủ quyền. Khi thấy mình là một dân tộc thì người ta cũng nghĩ họ có quyền quyết định trên cuộc sống chung của họ với nhau. Quyền này vượt trên các chế độ chính trị, các vương quốc hay đế quốc đang cai trị họ. Ở Châu Âu vào thế kỷ 19, nhiều nhóm dân sống rải rác trong các đế quốc hay vương quốc nhưng cùng chung một ngôn ngữ, chia sẻ những tập tục văn hóa với nhau. Ðến lúc họ ý thức được mối liên hệ này một cách nồng nhiệt, và bày tỏ ý nguyện được xác định ý thức dân tộc và đòi quyền sống như những dân tộc, phong trào này tiếp tục thay đổi bản đồ châu Âu trong hai thế kỷ.

Các đảng Cộng sản thành công ở nhiều nước nhờ đã đội lốt phong trào dân tộc trong các cuộc cách mạng gọi là giải phóng. Người dân Việt (hay dân Trung Hoa, dân Campuchia) nghe nói “giải phóng” thì nghĩ đến việc thoát khỏi vòng đô hộ và chính sách bóc lột của các đế quốc thực dân. Còn theo đúng chủ nghĩa cộng sản thì nói “giải phóng” có nghĩa là giai cấp công nhân vùng lên lật đổ giai cấp “tư bản bóc lột.” Nhưng ngay từ đầu, các đảng cộng sản cũng mạo danh cả chủ nghĩa Mác để lòe bịp người lao động. Vì nếu đúng theo chủ nghĩa của Karl Marx, thì không thể nào có cách mạng vô sản ở các nước như Trung Hoa, Việt Nam, và Campuchia. Marx xác định rằng cách mạng vô sản chỉ bắt đầu ở các xã hội với một nền kinh tế tư bản đã phát triển hết tiềm năng của nó, chính nó tạo ra giai cấp vô sản sống cực khổ trong các thành thị, những người lao động sẽ “đóng vai trò lịch sử” thay đổi trật tự, giúp cả xã hội cùng tiến lên. Bây giờ thì ai cũng biết các lời tiên đoán của ông Karl Marx sai hết. Lịch sử nhân loại đã quẹo qua một ngả rẽ khác hẳn. Nhưng vào những năm 1930 nếu người ta tin vào kịch bản do ông Marx vẽ ra thì những nước Trung Hoa, Việt Nam, và Campuchia cũng chưa hội đủ các điều kiện để có “cách mạng vô sản” như ông ta tiên đoán.

Một cuộc kiểm tra dân số ở Việt Nam năm 1937 cho thấy rõ điều này. Nước ta chưa thật sự công nghiệp hóa, 95% dân chúng sống ở nông thôn. Những người cộng sản lúc đó tuyên truyền là có một giai cấp tư bản bóc lột lao động ở nước ta. Nhưng trong thực tế cái gọi là giai cấp tư bản nội địa đó chỉ có khoảng 10,500 gia đình, gồm những địa chủ không tự mình làm ruộng mà chỉ thuê người khác làm, một số nhỏ các nhà kinh doanh, và các công chức làm cho chính quyền thuộc địa. Con số đó chỉ chiếm nửa phần trăm (0.5%) dân số cả nước. Có thể nói, nước ta chưa có một giai cấp tư sản.

Năm 1940 Phan Bội Châu đã cực lực bác bỏ dự định làm “cách mạng vô sản” ở nước ta, mặc dù nó trước đó cụ vốn có cảm tình với Liên Bang Xô Viết. Vì cụ cũng vạch ra rằng ở nước ta chưa có giai cấp tư bản, cũng chưa có giai cấp vô sản! Tại Campuchia cũng vậy.

Một cuộc điều tra dân số năm 1962 cho thấy cả nước có dưới 1,300 người thuộc “giai cấp tư sản” gồm những người tiểu tư sản và các công chức cao cấp, họ chiếm nửa phần trăm dân số. Còn nông dân chiếm hơn 78%, trong đó chỉ có dưới 2% là bần cố nông. Trong dân số hai triệu rưỡi người Campuchia chỉ có 2.5% có thể gọi là công nhân vô sản!

Các phong trào cộng sản đã mạo danh dân tộc, chỉ cốt để cướp lấy chính quyền. Sau khi lừa bịp được mọi người và nắm quyền bính rồi, họ mới lộ rõ bộ mặt thật, là đang theo đuổi giấc mộng xây dựng thiên đường vô sản, theo đường lối Stalin.

Bây giờ, không còn ai bị lừa gạt nữa. Cho nên bọn cộng sản cầm quyền cũng không còn dám nhắc đến chủ nghĩa Mác Lê.

Riêng tại nước ta, đến lượt chính các lãnh tụ cộng sản phải đối đầu với tinh thần dân tộc của dân Việt. Anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, chỉ phạm có một tội là yêu nước Việt Nam. Vì thế, anh đã đòi Trung Cộng phải trả lại quần đảo Hoàng Sa và các đảo họ chiếm ở Trường Sa. Bỏ tù Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên tức là muốn bỏ tù luôn cả tinh thần dân tộc của dân Việt Nam! Dân tộc Việt Nam sẽ không tha thứ cho hành động gian ác nối giáo cho giặc đó.

Trong cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm chúng tôi muốn chứng tỏ một điều: Người Việt Nam đã xây dựng ý thức dân tộc trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, nếu không phải đã sẵn có từ trước. Nếu vào thời đại Hùng Vương và văn minh Ðông Sơn dân Việt chưa thấy nhu cầu xác định “dân tộc tính” của mình, thì cuộc đụng chạm với các quan lại nhà Hán và văn minh Hán tộc cũng tự nhiên thúc đẩy dân mình ý thức một cách mạnh mẽ hơn về một “cộng đồng tưởng tượng” nối chặt họ với nhau. Nhờ ý thức dân tộc và ý chí tự chủ được rèn luyện trong ngàn năm Bắc thuộc, sau này dân Việt Nam tiếp tục giữ tinh thần quật cường, bất khuất, trong thời kỳ tự chủ, từ thế kỷ thứ 10. Cho nên Vương Thông, viên chỉ huy quân Minh xâm chiếm nước ta vào thế kỷ 15 đã từng viết mật báo về triều đình, nói ra thật rằng cái nước Ðại Việt này, “Có chiếm được cũng không giữ nổi” (Túng đắc chi, bất khả thủ chi - Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ nhà Lê). Những nhà Hán, nhà Ðường, nhà Minh đến Việt Nam và đã thất bại. Các vua quan mới ở Bắc Kinh cũng sẽ thất bại.



QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU SAU CUỘC GẶP SANG - OBAMA (Kính Hòa - RFA)




Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-07-31

Những nhận định sau chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang chia làm hai nhóm rõ rệt.

Không đột phá?
Chuyến đi công du nước Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm tốn khá nhiều thời gian và giấy mực của công luận trước khi ông lên máy bay. Thời gian và giấy mực lại tiếp tục hao tốn sau khi ông đã hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Sự chú ý đó có lẽ do một phần vào sự gấp rút của chuyến đi, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc trước đó của ông Sang. Và sự gấp rút đó lại nằm trong tương quan “lực lượng” khác nhau quá lớn giữa hai quốc gia.

Bình luận về tương quan hai nước Việt - Mỹ trong cuộc gặp này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason nói với đài RFA:
“Tôi nghĩ chuyến đi tương đối gấp rút và có lẽ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với cái ý vọng đó. Bởi vì ông cũng không muốn Trung Quốc tính toán sai lầm có thể gây ra những mâu thuẫn gọi là cái nẩy sảy cái ung.”

Nhận định thận trọng của một nhà chuyên môn về bang giao quốc tế cho thấy rằng một cuộc gặp dù ngắn ngủi, không có vẻ quan trọng lắm trên bàn nghị sự của tổng thống Hoa Kỳ nếu so với bao chuyện đau đầu khác trên hành tinh mà ông phải có quyết sách, nhưng cũng được tính toán rất thận trọng.

Sau cuộc gặp Sang - Obama, trên blog của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Hoa Kỳ, Giáo sư Hùng viết:
“Kết quả của cuộc gặp gỡ không phải là một đột phá gì cả đối với các nhà quan sát, nhưng đồng thời mỗi bên đều hoàn thành những mục tiêu chiến lược của mình trong chừng mực nào đó.”

Nhận định này là một sự nhất quán thận trọng của một nhà quan sát ngoại giao lâu năm. Nhưng bên cạnh đó cũng có những nhận định có vẻ nóng nảy hơn, đi kèm với những nhận xét rằng chuyến đi của ông Sang không được trọng thị.

Có lẻ tiêu biểu nhất trong các nhận định theo hướng này là của nhà báo Ngô Nhân Dụng ở hải ngoại, ông viết:
 “Phải nói là chuyến đi của Tư Sang về tay không, vì kết quả cụ thể duy nhất là lời hứa hẹn hai chính phủ sẽ ráo riết tiến tới trong vụ Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP để kết thúc vào cuối năm nay.”

Có thể nhận định trên đây là do không thấy điều chi cụ thể, cái mà Giáo sư Hùng nhận xét là “Không có đột phá”. Nhưng, nhà báo Ngô Nhân Dụng viết tiếp với rất nhiều xúc cảm về chuyến đi của ông Sang:
Chắc không riêng mình Tư Sang lo chạy chọt xin đi gấp. Cả bộ chính trị đảng cộng sản cũng lo.”

Có những vấn đề tích cực?

Trong khi đó, trước chuyến đi của ông Sang đã có nhiều mong mỏi từ giới bất đồng chính kiến trong nước mà tiêu biểu là lá thư gửi chủ tịch nước của các nhân sĩ trí thức, mong muốn ông Sang nhân cơ hội này xúc tiến công cuộc thoát Hán, tức là thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa mà nhiều người mong đợi. Ông Lê Hiếu Đằng, chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản, cũng là người có tên trong nhóm trí thức ấy. Ông Đằng cũng nổi tiếng với những ý kiến phản biện ở trong nước, nhiều lần lên tiếng thẳng thắn phê phán chế độ cai trị trong nước mà ông gọi là chế độ toàn trị.

Ông Lê Hiếu Đằng nhận xét về kết quả chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang như sau:
 “Nếu so với cuộc gặp với Trung Quốc trước đó với chuyến đi Mỹ của chủ tịch Trương Tấn Sang thì một bên là khô cứng còn đối với nước Mỹ thì mặc dù họ có những khó khăn không thể áp dụng tất cả những nghi thức ngoại giao nhưng mà thấy cũng vui vẻ mà nhất là có những vấn đề tích cực trong đó có đặt vấn đề về sự trở lại của Mỹ tại vùng châu Á Thái Bình Dương, coi đó là nhân tố giữ vững ổn định cho khu vực. Nếu mà so hai cuộc thăm viếng thì một bên là vui vẻ còn bên kia là lạnh lùng của một nước lớn khinh miệt tiếp một nước nhỏ... Tôi đánh giá cao kết quả của chuyến công du của chủ tịch Trương Tấn Sang.”

Một cuộc gặp giữa hai đối tác có nhiều khác biệt, lại có một lịch sử quan hệ nhiều đau thương đưa tới những nhận định trái ngược nhau thì cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, các ý kiến lại đưa ra từ nhiều cấp độ khác nhau, để đánh giá về một bàn cờ thế tay ba khó khăn Việt - Mỹ - Trung, và có thể xa hơn là ASEAN - Mỹ - Trung, chứ không phải ở thế lưỡng cực ta - địch của cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn hai thập niên.

Một ván cờ tay ba đã khó, sự thoát Hán theo đúng nghĩa văn hóa lịch sử địa chính trị hàng ngàn năm của nó có lẽ cũng khó không kém. Có thể sự khó khăn và phức tạp nằm ở cái khó khăn khi quyết định của những người cầm quyền ở Việt Nam cho những nước cờ tiếp theo của cuộc cờ tay ba mà Việt Nam bị lôi vào.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi ông Lê Hiếu Đằng nói:
“Vấn đề là tập thể bộ chính trị suy nghĩ như thế nào, nếu họ nhận ra xu hướng phát triển của sự việc, thì họ phải lựa chọn con đường tiến bộ hiện nay trên thế giới.”


CÁC NỀN KINH TẾ ĐANG LÊN SẼ LẠI XUỐNG (Nguyễn Xuân Nghĩa / Vũ Hoàng - RFA)




Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-07-31

Người ta thường nói "đỉnh cao là dấu hiệu thoái trào". Điều ấy có thể đúng với các nền kinh tế đang phát triển - đứng đầu có nhóm B.R.I.C. là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - vì năm nay các nền kinh tế này vừa lên tới vị trí cao nhất về sản lượng thì lại có dấu hiệu sa sút, nhất là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện đó, với một số dự đoán về hậu quả cho Việt Nam.

Nhóm B.R.I.C

Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nghĩa. Thưa ông, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì năm nay là năm đầu tiên mà sản lượng của các nền kinh tế đang phát triển, hay "đang lên", đã lần đầu tiên chiếm tới phân nửa sản lượng toàn cầu nếu tính theo tỷ giá của sức mua PPP. Trong số này, có bốn nước đông dân là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Liên bang Nga, thường được gọi là nhóm B.R.I.C. Tháng Tư năm ngoái, tại thượng đỉnh của nhóm này ở thủ đô Ấn Độ họ còn nói đến nỗ lực lập ra một ngân hàng phát triển gọi là "Ngân hàng Nam-Nam", với triển vọng thay thế Ngân hàng Thế giới để yểm trợ các nước nghèo. Nhiếu người nói đến một kỷ nguyên mới, khi các nước đang lên sẽ có vị trí quốc tế cao hơn nhờ tăng trưởng rất mạnh từ vài chục năm nay.
Thế rồi cũng năm nay, ta lại thấy có sự đảo chiều là tình trạng sa sút của các nền kinh tế đó, dẫn đầu là Trung Quốc với nhiều khó khăn của việc cải cách và đà tăng trưởng thấp hơn xưa. Vì vậy, xin đề nghị ông phân tích cho sự chuyển động khá đặc biệt này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng ta không nên dựa trên kết quả ngắn hạn, như của một năm, để nhận định về sự chuyển động chậm rãi và mạnh mẽ của trường kỳ, nhưng cũng phải xét về những yếu tố cơ bản của sự chuyển động lâu dài này để phần nào dự đoán tương lai.
Nói về trường kỳ thì trong ba chục năm, từ thập niên 60 đến 90 của thế kỷ 20, các nước nghèo đã có một số điều kiện phát triển khả quan hơn, chủ yếu nhờ việc thiết lập các định chế quốc tế nhằm yểm trợ đà tăng trưởng kinh tế sau Thế chiến II. Khi ấy, sức nặng của nhóm kinh tế này ở khoảng 30% của sản lượng toàn cầu, phần kia là của khối công nghiệp hoá Tây phương.
Sau đó, quãng 20 năm trước, khi Liên bang Xô viết tan rã và quy luật thị trường được đa số áp dụng, từ Trung Quốc đến Ấn Độ hay Liên bang Nga, thì các nền kinh tế đang lên tăng vọt nhờ lực lượng lao động được giải phóng và nhờ tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước. Vì khởi đi từ một mức thấp, các nước này có đà tăng trưởng cao và gây ra ấn tượng lạc quan.
Sau đấy bước qua thế kỷ 20, là hơn chục năm trước, các nước công nghiệp hóa Tây phương đều gặp vấn đề vì vay mượn quá nhiều, vì lâm vào cuộc chiến chống khủng bố hoặc bị suy trầm như trường hợp Nhật Bản. Đấy là lúc người ta lạc quan nói đến sự lớn mạnh của các nước đang lên khi họ hết tùy thuộc vào các nước công nghiệp và nếu so sánh với sản lượng toàn cầu đã sa sút kể từ năm 2008 vì nạn Tổng suy trầm. Nếu cứ vạch một đường tuyến từ quá khứ vào tương lai thì quả là các nước nghèo đã trở thành "tân hưng", cường quốc kinh tế mới, có triển vọng đoạt ngôi vô địch của các nước tiên tiến và phát triển riêng với nhau.

Vũ Hoàng: Như ông thường nói trên diễn đàn này, tương lai không nhất thiết là đường tuyến vạch ra từ quá khứ và chuyện thay bậc đổi ngôi này lại không xảy ra. Nhưng trước hết, từ đâu lại có khái niệm về bốn nước được gọi tắt là nhóm BRIC này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm 2001, một kinh tế gia và Chủ tịch phân vụ Quản trị Tài sản của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ là Jim O'Neill phát minh ra chữ B.R.I.C. là tên tắt của bốn nước có nền kinh tế đang lên của thế giới, là Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể là vì tiện dụng khi ông ta chọn tên tắt cho dễ đọc như thói quen đã thấy. Riêng tôi còn ngờ là ông ta cần chiêu dụ thân chủ nên bày đặt quảng cáo về ưu điểm hoặc triển vọng của bốn nước đó. Thực tế thì chỉ là dán nhãn hiệu đẹp lên cái chai rỗng, sau đó mới đổ vào trong một nội dung thống nhất, hoặc một dung dịch có thể hoà tan mà không thành nhũ tương hay chất nổ. Thực tế thì các nền kinh tế này đang gặp khó khăn và năm ngoái mà họ đòi lập ra một ngân hàng phát triển cho các nước nghèo như ông nhắc tới thì đấy chỉ là sự hồ hởi sảng.

Thoái trào toàn cầu hóa

Vũ Hoàng: Nhóm quốc gia này gặp khó khăn như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, đà tăng trưởng của Brazil chỉ còn có 2% một năm sau khi sụt tới mức 1% vào năm ngoái. Liên bang Nga thì chỉ tăng 2% một năm mặc dù đang có lợi thế là giá dầu thô mấp mé ở mức 100 đô la một thùng. Ấn Độ thì đã có tốc độ tăng trưởng cao là hơn 11% năm 2010 và gần 8% vào 2011 rồi năm ngoái chỉ còn có 4%, trong khi lại lo sợ hai tệ nạn là lạm phát và tham nhũng. Còn Trung Quốc thì đã hết đà 10% của ba chục năm liền và đang e ngại một vụ hạ cánh nặng nề trước khi bước vào một thập niên thoái trào. Mà không chỉ có mấy xứ đó, nói chung các nền kinh tế đang lên đã từng có mức tăng trưởng cao trong mấy năm qua đều đang bị suy giảm nặng, kể cả trường hợp của Việt Nam.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao lại như vậy, có phải rằng do những trở ngại nhất thời của kinh tế toàn cầu hay vì những lý do thuộc về cơ cấu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lý do tại sao thì ta có chuyện nhất thời như ông hỏi, mà cũng có nguyên do thuộc về cơ cấu. Trước hết là sau nạn Tổng suy trầm toàn cầu vào các năm 2008-2009, nhóm quốc gia này tung ra biện pháp kích thích và đạt mức tăng trưởng cao vào các năm 2010-2011 rồi thổi lên nguy cơ lạm phát nên phải giảm đà tăng trưởng kể từ năm ngoái. Thứ hai, là trái với sự lạc quan về khả năng phát triển tự túc mà khỏi cần các nước công nghiệp hóa, họ vẫn bị hiệu ứng bất lợi khi khối Âu-Mỹ-Nhật giảm đà nhập khẩu và bớt đầu tư ra ngoài. Thứ tư, nhiều nước đang lên đã kiếm lời nhờ bán thương phẩm, là nguyên nhiên vật liệu và nông sản, nhưng giá thương phẩm hết tăng mà bắt đầu giảm.
Khi một xứ tiêu thụ thương phẩm quá lớn như Trung Quốc mà phải giảm đà sản xuất để điều chỉnh thì các nước xuất khẩu thương phẩm đều bị ảnh hưởng. Một lý do nhất thời khác là ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vừa bật ra tín hiệu là có thể đảo ngược quyết định bơm tiền với lãi suất rẻ thì các thị trường đang lên này đều bị chấn động, cổ phiếu và trái phiếu đều sụt giá. Đó là những chuyện có thể gọi là nhất thời.

Vũ Hoàng: Tức là ngoài ra còn có những nguyên nhân thuộc về cơ cấu nữa hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy. Xưa kia, nhiều nước trong nhóm này vẫn đạt thặng dư trong trương mục vãng lai nay lại bị thiếu hụt, và họ tài trợ bằng tín dụng nên bị rủi ro lớn, thí dụ như Ấn Độ, Brazil, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi. Họ còn vay ngắn hạn để tài trợ dài hạn hoặc tìm vào thị trường đen ở ngoài hệ thống ngân hàng và chất lên một núi nợ sẽ đổ là trường hợp nổi tiếng ở Trung Quốc với những khoản nợ xấu chẳng ai tính cho ra. Song song, còn nhược điểm khác về cơ cấu là bội chi quá lớn, rủi ro lạm phát quá cao và thiếu ổn định về vĩ mô.  Nhưng đáng chú ý nhất trong các nguyên do suy sụp là một chuyện mà Việt Nam nên để ý.
Khi bùng nổ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Âu Châu, cả nhóm BRIC lẫn nhiều xứ khác lầm tưởng rằng quy luật thị trường là vấn đề và nhà nước, cùng khu vực kinh tế của nhà nước, mới là giải pháp. Vì vậy, thay vì nâng đỡ tư doanh, họ lại tăng cường vai trò của nhà nước với ảo vọng xây dựng "chủ nghĩa tư bản nhà nước". Kết quả là nạn tham ô của hệ thống tư bản thân tộc, sự lãng phí của khu vực nhà nước khi được tài trợ theo diện chính sách, là phản ứng bảo hộ mậu dịch và kiểm soát tư bản hay ngoại hối để bảo vệ đặc quyền của các nhóm lợi ích. Các quốc gia này đi ngược những quy luật đã từng giúp họ tăng trưởng cao.

Việt Nam học được gì

Vũ Hoàng: Chúng ta bắt đầu bước qua phần lượng định về hậu quả. Thưa ông, từ ngắn hạn đến dài hạn thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau 20 năm lạc quan về một trật tự mới của kinh tế thế giới với hiện tượng toàn cầu hóa sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi quốc gia, chúng ta đang bước qua giai đoạn điều chỉnh khá bất thường. Trong giai đoạn ấy, tôi e là sẽ thấy nhiều đột biến bất ngờ.
Một thí dụ là nếu dầu thô lên giá quá 120 đồng một thùng thì Liên bang Nga có lợi lớn vì là một xứ bán năng lượng mà Trung Quốc sẽ khủng hoảng. Trường hợp ngược lại là dầu thô sụt giá nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm khi Hoa Kỳ trở thành một nước bán dầu!
Nói chung, hiện tượng toàn cầu hóa sẽ thoái trào như chúng ta đã trình bày trên diễn đàn này, mà phản ứng quốc gia cực đoan đi cùng trào lưu bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi riêng sẽ làm kinh tế thế giới thêm sa sút và nguy cơ xung đột càng gia tăng. Người ta cứ lầm tưởng rằng các nước buôn bán với nhau thì khó gây chiến, sự thật lại không lạc quan như vậy nếu ta nhớ tới Thế chiến I cách nay gần trăm năm với hậu quả lan rộng khỏi Âu Châu qua tới Châu Á.
Quan trọng nhất, sau ba chục năm đã lạc quan tin vào sự lớn mạnh của Trung Quốc với dân số rất đông để là hãng xưởng ráp chế toàn cầu và nơi tiêu thụ thương phẩm của các nước nghèo, thế giới sẽ trải qua giai đoạn tôi xin gọi là "Trung Quốc thoái trào". Sự sa sút của nền kinh tế hạng nhì thế giới sẽ là một vấn đề về an ninh và kinh tế cho các nước, nhất là tại khu vực Đông Á.

Vũ Hoàng: Thưa ông, trong kịch bản gay go của giai đoạn thoái trào của Trung Quốc, Việt Nam đứng ở đâu và nên làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là xứ chưa giàu đã già và chưa hùng mà đã hung, Việt Nam nên học bài học ba chục năm cải cách rồi đứt gánh giữa đường của quốc gia láng giềng này.
Trung Quốc là xứ chưa giàu đã già và chưa hùng mà đã hung, Việt Nam nên học bài học ba chục năm cải cách rồi đứt gánh giữa đường của quốc gia láng giềng này.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thứ nhất, chiến lược thu hút đầu tư và tìm đà tăng trưởng nhờ nhân công rẻ đã có ưu thế trong vài chục năm nhưng không vĩnh viễn. Các nước đông dân, kể cả Việt Nam có thể trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại, nhưng phải ý thức rằng lực lượng lao động với lương rẻ sẽ không là lợi thế lâu dài nên phải chú ý tới năng suất, giáo dục và đào tạo chứ đừng ép sức dân để làm giàu cho nhà nước.
Thứ hai, với dân số khá cao, Việt Nam nên chú ý đến khả năng tiêu thụ nội địa thay vì chỉ nghĩ tới xuất khẩu khi kinh tế toàn cầu rơi vào phản ứng bảo hộ mậu dịch. Một giải pháp là ưu tiên cải tổ để mau chóng gia nhập hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong việc cải cách, hãy học sự sai lầm của Trung Quốc mà phát triển tư doanh, đi theo quy luật tự do và sớm ra khỏi chế độ tư bản nhà nước. Nhìn về lâu dài thì Việt Nam nên thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc, chấm dứt sự lệ thuộc về chính trị và kinh tế vào thế lực của họ theo khái niệm sai lầm là "Đồng thuận Bắc Kinh". Đây là một cơ hội không nên bỏ lỡ để khỏi chết chùm với Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã trả lời từ California.



THƯỢNG VIỆN MỸ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT LÊN ÁN HÀNH VI HUNG HĂNG CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG (RFI / VOA)




Trọng Nghĩa   -  RFI
Thứ tư 31 Tháng Bẩy 2013

Trong một nghị quyết được toàn thể các nghị sĩ thông qua ngày 29/07/2013, Thượng viện Mỹ đã lên án mọi hành động cưỡng bức và đe dọa do các lực lượng trên biển tiến hành tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lời lên án không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hầu như toàn bộ các sự kiện nêu lên đều chỉ rõ Bắc Kinh là thủ phạm gây bất ổn.

Nghị quyết mang số hiệu S. RES. 167, sau khi nêu bật các diễn biến đáng quan ngại tại hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đã đưa ra 7 “quyết nghị” mà đầu tiên hết chính lời lời tố cáo không chút mập mờ các hành động : “Sử dụng các biện pháp cưỡng chế, đe dọa hay võ lực do các lực lượng hải quân, an ninh trên biển, tàu đánh cá, phi cơ quân sự hay dân sự tiến hành trên vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải hoặc thay đổi nguyên trạng hiện nay.” 

Bên cạnh đó, Nghị quyết 167 của Thượng viện Mỹ cũng kêu gọi các bên tranh chấp biển đảo trong khu vực là nên cố gắng tự kềm chế, tránh các hành động có nguy cơ làm căng thẳng leo thang, trong đó có các hành vi “đưa người đến cư ngụ tại những hòn đảo lớn nhở, bãi cạn, bãi ngầm hay các thực thể địa dư khác”. 

Văn kiện đặc biệt khẳng định hậu thuẫn của chính quyền Mỹ đối với tiến trình đi đến một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như các hoạt động ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho khu vưc. 

Sau cùng, Nghị quyết cũng xác nhận sự ủng hộ của Thượng viện Mỹ đối với các hoạt động liên tục của Lực lượng Võ trang Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương “bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác với lực lượng vỡ trang các nước khác trong vùng, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo việc tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được toàn thế giới công nhận, trong đó có việc giải quyết một cách hòa bình các vấn đề chủ quyền và giao dịch thương mại hợp pháp mà không bị cản trở”. 

Trong phần trình bày tình hình dẫn đến bản nghị quyết 167, Thượng viện Mỹ đã liệt kê hàng loạt các hành vi lấn lướt của Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền trên Biển Đông với Philippines và Việt Nam, và trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản. 

Về Biển Đông, các nhà lập pháp Mỹ trước hết ghi nhận « nhiều sự cố nguy hiểm và gây bất ổn trong những năm gần đây, trong khu vực này ». Đó là vụ « tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam vào tháng 5 2011 », kế đến là vụ « tàu Trung Quốc chặn lối vào bãi Scarborough vào tháng Tư năm 2012 », rồi vụ « Trung Quốc phát hành một bản đồ chính thức mới, xác định ‘đường chín đoạn’ gây tranh cãi là biên giới quốc gia của Trung Quốc ». 

Thượng viện Mỹ cũng ghi nhận vụ việc gần đây nhất nhắm vào Philippines : “Kể từ ngày 08 tháng Năm năm 2013, tàu Hải quân và Hải giám Trung Quốc hiện diện thường xuyên ở vùng biển xung quanh bãi Second Thomas Shoal, nằm cách khoảng 105 hải lý về phía Tây bắc của đảo Palawan của Philippines. 

Về Biển Hoa Đông, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã có những lời lẽ rất mạnh, cảnh cáo Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào trên quần đảo Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản, lên án việc Bắc Kinh đã gửi tàu của các cơ quan nhà nước đến khu vực gần đảo, làm cho tình hình căng thẳng thêm lên. 

Nghị quyết đặc biệt lưu ý rằng quần đảo Senkaku thuộc quyền quản lý của Tokyo, và theo hiệp ước an ninh song phương với Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn cam kết « đáp trả bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào các vùng lãnh thổ dưới quyền quản lý của Nhật Bản ». 

Theo đài truyền hình Nhật Bản NHK, sở dĩ Thượng viện Mỹ - một định chế có uy thế rất lớn trong lãnh vực đối ngoại - đã thông qua nghị quyết cứng rắn vừa kể, đó là vì đã thấy rõ quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh trên các tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung hồi tháng Sáu vừa qua. 

Mặt khác, Trung Quốc được cho là còn xem nhẹ một nghị quyết từng được Thượng viện Mỹ thông qua năm ngoái tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi áp dụng của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

-----------------------

VOA
31.07.2013

Thượng viện Hoa Kỳ ngày 29/7 thông qua với tỷ lệ áp đảo Nghị quyết 167 kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bảo trợ thúc giục các nước có tuyên bố chủ quyền tại hai vùng biển này nhanh chóng hình thành và thông qua một bộ quy tắc ứng xử để tránh xung đột.

Nghị quyết 167 dẫn ra nhiều vụ việc nguy hiểm liên quan đến các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong số này có vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam, việc Bắc Kinh phát hành bản đồ chính thức xác nhận chủ quyền theo đường lưỡi bò 9 đoạn ở Biển Đông và thành lập thành phố Tam Sa.

Nghị quyết yêu cầu Thượng viện Mỹ lên án hành động đe dọa, áp bức, và dùng võ lực để
giành chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thượng nghị sĩ Menendez cho biết Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào các cuộc tranh chấp qua đường lối ngoại giao.

Ông Menendez nói với lịch sử giao tiếp lâu nay tại khu vực, Mỹ hết sức quan tâm đến việc hợp tác với tất cả các bên để phát triển, thực thi, và duy trì trật tự dựa trên luật lệ tại đây. Và việc này, theo Chủ tịch Menendez, được bắt đầu bằng cách ủng hộ-khuyến khích một giải pháp hòa bình và đưa vào hoạt động các cơ chế hữu hiệu để xử lý tranh chấp làm ảnh hưởng đến ổn định khu vực.

Cùng lúc đó, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tuyên bố các hành động gây hấn của Bắc Kinh hầu dành chủ quyền có nguy cơ là những sự tính toán sai lầm, nhưng đồng thời cũng giúp Washington củng cố các mối quan hệ với các nước trong khu vực.

Reuters dẫn phát biểu của Tướng Herbert Carlisle hôm 29/7 nói rằng mỗi một hành động của Bắc Kinh đều dẫn tới các hậu quả không mong muốn cùng nhiều hiệu ứng kéo theo sau.

Vẫn theo lời Tư lệnh Carlisle, trong một số trường hợp, các đồng minh của Mỹ ở khu vực có thể ngưng mua thiết bị quốc phòng từ các nhà cung cấp không phải là Hoa Kỳ và muốn Washington tăng cường sự hiện diện nhiều hơn như lực lượng đối trọng với Trung Quốc.

Tướng Carlisle cho biết Ngũ Giác Đài đang nỗ lực gia tăng việc luân phiên các binh sĩ Mỹ xuyên suốt khu vực Châu Á nhiều như mức ở Châu Âu trong thời Chiến Tranh Lạnh.

Nguồn: ABS-CBNnews.com, Foreign.senate.gov, Philstar.com, Reuters





View My Stats