Thursday, 31 December 2020

THẾ GIỚI ĐÓN MỪNG NĂM MỚI 2021 TRONG TRẦM LẶNG DO COVID-19 (Người Việt)

 


Thế giới đón mừng năm mới 2021 trong trầm lặng do COVID-19

Người Việt

Dec 31, 2020

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/the-gioi-don-mung-nam-moi-2021-trong-tram-lang-do-covid-19/

 

SYDNEY, Úc (NV) – Lễ mừng Giao Thừa Dương Lịch đầu tiên của thế giới trong thời đại COVID-19 đã khởi sự vào sáng Thứ Năm, 31 Tháng Mười Hai, tại cảng Sydney Harbor, Úc, trong sự trầm lặng, và sẽ tiếp tục trong suốt ngày ở khắp các nơi khác trên thế giới, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.

 

Trong những năm trước đây, hàng triệu, triệu người lũ lượt kéo ra đường ở các thành phố trên quả địa cầu để nồng nhiệt đón mừng năm mới, nhất là ở những nơi mà việc này đã trở thành truyền thống, như tại khu Times Square ở thành phố New York và Sydney Opera House ở Úc. Năm nay, các nơi này sẽ phần lớn vắng vẻ khi đồng hồ chỉ lúc nửa đêm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-Sydney-123120-1536x962.jpg

Pháo bông sáng rực bầu trời Sydney Opera House và Harbour Bridge ở Úc, mừng năm mới 2021. (Hình: AP Photo/Mark Baker)

 

Do tình trạng đại dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề, giới hữu trách thành phố Sydney đã ra lệnh đóng khu vực cảng nơi đây để ngăn lây lan virus.

 

Cư dân thành phố Sydney Ezekiel Dioneda nói với tờ báo địa phương The Sydney Morning Herald rằng khu vực Sydney Opera House rất vắng vẻ và “ít khi nào thấy chỗ này vắng người như vậy.”

 

Sydney là một trong những nơi đầu tiên trên trái đất đi vào năm mới 2021, cùng với Melbourne, thủ đô Canberra và Auckland ở New Zealand. Vùng Nam Cực cũng là một trong những nơi đón năm mới sớm sủa nhất.

 

Các địa điểm thường có nhiều người lui tới ở Sydney Harbor đã bị rào lại và giới hạn chặt chẽ được ban hành cho khu trung tâm thương mại sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại đây.

 

Buổi bắn pháo bông ở Sydney vẫn diễn ra như lệ thường, tuy nhiên nay chỉ còn 7 phút, và người dân Úc được khuyến khích ở nhà, xem qua truyền hình hoặc online.

 

Các thành phố lớn đón năm mới 2021 sau đó sẽ là Tokyo, Seoul và Bình Nhưỡng (10 giờ sáng giờ Miền Đông nước Mỹ). Một giờ sau đó là ở Hồng Kông.

 

Cuộc đốt pháo bông ở Victoria Harbor tại Hồng Kông đã bị hủy bỏ, cũng vì COVID-19.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-Sydney02-123120-1536x928.jpg

Khu vực bắn pháo bông ở Sydney bị rào lại. (Hình: AP Photo/Mark Baker)

 

Ấn Độ, Afghanistan và các nơi khác ở vùng Trung Đông sẽ bước vào năm 2021 lúc đầu giờ trưa ở Mỹ, tiếp theo là Nga, Hy Lạp, Đức, Pháp và các quốc gia Tây phương khác.

 

Tại Anh, hầu như các cuộc đốt pháo bông đều đã bị hủy bỏ. Ông Sadiq Khan, thị Trưởng London, đã ra lệnh hủy bỏ các cuộc tụ tập đón mừng ngoài đường từ hồi Tháng Chín.

Năm mới sau đó sẽ tới vùng Bắc Mỹ. Khu Times Square ở thành phố New York sẽ vắng lặng trong đêm Giao Thừa Dương Lịch, khác hẳn truyền thống đã có từ nhiều thập niên nay.

 

Giới chức thành phố này khẳng định là sẽ không cho tụ tập ở Times Square để đón năm mới. Cả xe cộ và khách bộ hành đều bị cấm vào khu vực này. Người dân được khuyến khích xem diễn tiến quả cầu từ từ hạ xuống vào tối Thứ Năm tại nhà.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-Seoul-123120-1536x1024.jpg

Đường sá thủ đô Seoul, Nam Hàn vắng lặng vào đêm cuối năm 2020. (Hình: Chung Sung-Jun/Getty Images)

 

Sau Mỹ, Mexico và Canada, những nơi cuối cùng trên địa cầu đón năm mới Alaska và French Polynesia (lúc 4 giờ sáng Thứ Sáu, giờ Miền Đông Mỹ), Hawaii (lúc 5 giờ sáng), American Samoa và đảo Midway (6 giờ sáng giờ Miền Đông Mỹ) tiếp theo đó là một số đảo ở Thái Bình Dương như Baker và Howland Islands, lúc 7 giờ sáng. (V.Giang) [qd]

 

------------------------------------------------

.

.

Ít nhất 35 triệu người Mỹ đón năm mới 2021 trong thời tiết băng giá

Người Việt

Dec 31, 2020

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/it-nhat-35-trieu-nguoi-my-don-nam-moi-2021-trong-thoi-tiet-bang-gia/

 

NEW YORK, New York (NV) – Một trận bão hình thành vào cuối năm 2020 ở khu vực Texas và Bắc Mexico, với tuyết, băng đá và mưa sẽ tiến vào vùng Đông Bắc nước Mỹ sau đó, có thể làm mất điện, gây trở ngại giao thông, trong khu vực rộng lớn từ vùng Appalachians cho tới New England.

 

Theo bản tin của AccuWeather hôm Thứ Năm, 31 Tháng Mười Hai, thì các chuyên gia khí tượng ước tính có ít nhất 35 triệu người dân Mỹ, sống trong vùng Tây Bắc Virginia lên tới Maine sẽ gặp phải tình trạng đường sá phủ băng cho tới khuya Thứ Năm, ngày Thứ Sáu đầu năm 2021 và ngày Thứ Bảy.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-NewYork-123120-1536x964.jpg

Tuyết giá sau trận bão ở New York. (Hình minh họa: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)

 

Ở một số nơi, tuyết trút xuống có thể phủ đầy cây cối và cột dẫn điện, đưa đến nguy cơ ngã đổ, làm gián đoạn giao thông và làm mất điện.

 

Theo ông Dan DePodwin, chuyên gia khí tượng thuộc AccuWeather, thì một số nơi ở vùng phía Tây, Trung Bộ và Bắc Pennsylvania tới New York có thể bị đóng băng dầy tới 0.25 inch.

 

Khu vực từ Bắc Connecticut tới Tây Massachusetts và một số nơi ở Vermont cùng New Hampshire cũng có thể có đóng bang.

 

Bão đang tiến chậm nên các chuyên gia khí tượng tiên đoán rằng việc trực tiếp truyền hình chương trình đón Giao Thừa Dương Lịch ở thành phố New York sẽ không bị ảnh hưởng mưa tuyết.

 

Thời tiết khô ráo cũng sẽ thấy ít nhất là trong vài tiếng đầu của năm 2021 tại Washington, DC, Baltimore, Philadelphia, Boston, Pittsburgh, Buffalo, New York, Atlantic City thuộc New Jersey, và Burlington ở Vermont.

 

Tại vùng Nam California, thời tiết ngày cuối năm sẽ mát mẻ, khô ráo, cho đến ít nhất là đầu tuần tới.

 

Trong khi đó tại khu vực Houston có báo động lốc xoáy và mưa, trong ngày cuối năm 2020. Tuy nhiên tình hình thời tiết sẽ cải thiện hơn nhiều vào ngày đầu năm, với nắng ráo và nhiệt độ mát mẻ, chỉ hơn 60 độ F. (V.Giang) [qd]

 

 

 

 


CSVN HẢ HÊ VÌ FACEBOOK TIẾP TAY ĐỂ NGĂN GIỚI XÃ HỘI DÂN SỰ (NGười Việt)

 


CSVN hả hê vì Facebook tiếp tay để ngăn giới xã hội dân sự

Người Việt

Dec 31, 2020

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-ha-he-vi-facebook-tiep-tay-de-ngan-gioi-xa-hoi-dan-su/

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngày càng nhiều blogger trong giới xã hội dân sự lên tiếng than phiền về việc những bài bình luận về việc sắp ghế “tứ trụ” ở Đại Hội 13 bị Facebook thông báo chặn hiển thị tại Việt Nam.

 

Đến nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN, được ghi nhận là người thường xuyên mạnh miệng về chiến tích ép buộc các hãng Facebook, Google kiểm soát “thông tin xấu độc,” tức là những bài đăng mang tính tiêu cực hoặc bất lợi cho lãnh đạo CSVN.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/VN-Facebook-tiep-tay-CSVN-1-1536x941.jpg

Ông Võ Văn Thưởng (trái), trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, và ông Nguyễn Mạnh Hùng (giữa), bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN, thường xuyên lên giọng về “thông tin xấu độc.” (Hình: Zing)

 

Bản tin hôm 31 Tháng Mười Hai của báo Thanh Niên dẫn báo cáo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương cho hay, 2020 được ghi nhận “là năm mà công tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, chống phá đảng, nhà nước, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên không gian mạng, đạt được hiệu quả cao nhất từ trước tới nay.”

 

“Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2020, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin bôi nhọ, xuyên tạc về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của đảng, nhà nước, đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật để giám sát, phát hiện và chặn lọc các nguồn tin xấu độc trên không gian mạng,” tờ báo viết.

 

Ông Hùng được báo Kinh Tế Đô Thị hôm 16 Tháng Mười Hai dẫn phát ngôn: “Hiện tại, các giải pháp kỹ thuật chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook. Vì vậy, muốn chặn hết ngay lập tức các nội dung vi phạm pháp luật thì chỉ có thể chặn toàn bộ website nhưng nếu làm vậy sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước. Do đó, ngoài việc tính cực phối hợp, đưa ra yêu cầu với Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý các đối tượng trong nước cung cấp thông tin vi phạm pháp luật trên mạng Internet.”

 

Báo Kinh Tế Đô Thị cũng cho hay nhà cầm quyền CSVN đã buộc nền tảng xã hội này gỡ bỏ 286 tài khoản bị cho là “giả mạo lãnh đạo đảng, nhà nước, tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc kích động chống phá nhà nước, 2,786 bài viết gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo.”

 

Hồi cuối Tháng Mười Một, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International – AI) công bố bản nghiên cứu dài 76 trang cáo buộc hai nhà mạng khổng lồ Facebook và YouTube đồng lõa với nhà cầm quyền CSVN đàn áp nhân quyền tại Việt Nam qua các hành động “kiểm duyệt và đàn áp ở mức độ quy mô tầm mức kỹ nghệ.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/VN-Facebook-tiep-tay-CSVN-2-1536x1198.jpg

Thông báo của Facebook gửi giới xã hội dân sự về việc chặn hiển thị bài liên quan “tứ trụ” tại Việt Nam. (Hình chụp qua màn hình)

 

Ân Xá Quốc Tế lên án hai nền tảng thông tin toàn cầu nói trên đã công khai cho biết họ sẵn sàng chiều theo ước muốn của các chế độ độc tài. Bao lâu nay, những người đứng đầu các công ty nói trên lặp đi lặp lại rằng nền tảng thông tin của họ là “thành trì” (bastion) của “tự do biểu đạt.”

 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, xứ này chẳng khoan nhượng gì những người bất đồng chính kiến. Họ tuân theo hàng trăm lời đòi hỏi của CSVN yêu cầu kiểm duyệt nội dung các bài viết hay video clip của nhiều người chỉ trong năm nay. Các thứ bị Facebook và YouTube kiểm duyệt gồm cả những lời chỉ trích ôn hòa của giới bất đồng chính kiến đối với chế độ, vốn được bảo vệ theo luật lệ quốc tế về nhân quyền. (N.H.K) [qd]

 

 

 

 

 

 

 


PENCE YÊU CẦU TÒA BÁC ĐƠN GOHMERT KIỆN ĐÒI LẬT KẾT QUẢ BẦU CỬ (Người Việt)

 


Pence yêu cầu tòa bác đơn Gohmert kiện đòi lật kết quả bầu cử

Người Việt

Dec 31, 2020

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/mike-pence-yeu-cau-toa-bac-don-kien-doi-lat-ket-qua-bau-cu-cua-gohmert/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Phó Tổng Thống Mike Pence yêu cầu tòa liên bang bác đơn kiện trong nỗ lực đòi lật ngược kết quả bầu cử của Dân Biểu Louie Gohmert (Cộng Hòa-Texas) cùng một số thành viên đảng Cộng Hòa.

 

Đơn kiện của ông Gohmert và đồng minh cho rằng phó tổng thống có quyền hiến định để chọn bộ phiếu bầu cử của đại cử tri nào được đếm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-mike-pence-yeu-cau-toa-1-1536x1069.jpg

Phó Tổng Thống Mike Pence yêu cầu tòa liên bang bác đơn kiện đòi lật ngược kết quả bầu cử của Dân Biểu Louie Gohmert. (Hình: Zak Bennett/AFP)

 

Trong khi đó, Phó Tổng Thống Pence gởi một lá đơn dày 14 trang cho Chánh Án Jermy Kernodle, tòa liên bang địa hạt miền Đông Texas, trình bày: “Nguyên đơn đã kiện sai người. Chính Thượng Viện và Hạ Viện, không phải phó tổng thống, mới là đối tượng đáp ứng những vấn đề luật pháp mà nguyên đơn đưa ra.”

 

Các luật sư Bộ Tư Pháp đại diện cho văn phòng Phó Tổng Thống Mike Pence viết tiếp: “Ông Pence yêu cầu tòa từ khước yêu cầu của nguyên đơn, vì điều mà họ đòi hỏi không nằm trong vai trò của phó tổng thống.”

 

Dân Biểu Gohmert cùng một số người từng được đảng Cộng Hòa Arizona chọn làm đại cử tri trong trường hợp ông Trump thắng ở tiểu bang này đâm đơn kiện đòi ông Pence có đủ thẩm quyền và toàn quyền quyết định những lá phiếu đại cử tri nào nên được đếm.

 

Chuyện này bắt nguồn từ một số người được đảng Cộng Hòa chọn làm đại cử tri trong trường hợp ông Trump đắc cử, cũng đã “tự nhóm họp” trong ngày 14 Tháng Mười Hai, tự xưng “đại cử tri” chính thức, rồi “tự bỏ phiếu” và gởi kết quả đến những nơi quy định.

 

Họ muốn ông Pence đếm những lá phiếu đại cử tri “tự xưng” này.

 

Tuy nhiên, các đại cử tri “chính thức” đã bỏ phiếu hai tuần trước, 14 Tháng Mười Hai, đưa đến kết quả cựu Phó Tổng Thống Joe Biden được 306 phiếu đại cử tri – được hơn 36 phiếu quá mức cần thiết để chiến thắng là 270 – trong khi đó ông Trump chỉ có 232 phiếu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-mike-pence-yeu-cau-toa-2-1536x1024.jpg

Dân Biểu Louie Gohmert (Cộng Hòa-Texas). (Hình: Matt McClain-Pool/Getty Images)

 

Và chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là thời điểm ngày 6 Tháng Giêng, theo hiến định phó tổng thống là người chủ tọa phiên họp của Quốc Hội Lưỡng Viện nhóm họp để xác nhận kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri bầu cho ứng cử viên nào chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một vừa qua.

 

Trong Tu Chánh Án Thứ 12 của Hiến Pháp Hoa Kỳ chỉ nói đến việc phó tổng thống chỉ xem và tuyên bố kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri từng tiểu bang gởi về Quốc Hội mà không hề giao quyền cho phó tổng thống có toàn quyền quyết định đếm hoặc không đếm bất kỳ phiếu cử tri đoàn nào.

 

Sau khi cơ quan bầu cử tiểu bang xác nhận kết quả của cuộc bầu cử, và kết quả này được thống đốc tiểu bang xác nhận, đảng của ứng cử viên chiến thắng chọn ra những đại cử tri “chính thức.”

 

Tới ngày quy định, năm nay là ngày 14 Tháng Mười Hai, các đại cử tri “chính thức” tập họp về thủ phủ bỏ phiếu “chính thức,” do tiểu bang cung cấp, để bầu tổng thống và phó tổng thống.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/TS-mike-pence-yeu-cau-toa-3-1536x1024.jpg

Tổng Thống Trump trở về Tòa Bạch Ốc từ Mar-a-Lago vào ngày 31 Tháng Mười Hai. (Hình: Tasos Katopodis/Getty Images)

 

Kết quả cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri “chính thức” này được ủy ban bầu cử và thống đốc xác nhận và gửi đi những nơi quy định.


Các chuyên gia luật Hiến Pháp Mỹ nhận định, những lá phiếu của các đại cử tri “tự xưng, tự bỏ phiếu, tự nộp” không có giá trị pháp lý.

 

Giáo Sư Edward Foley, chuyên gia luật Hiến Pháp tại đại học Ohio State University, nhận xét lập luận này: “Ý tưởng cho rằng phó tổng thống có toàn quyền chọn đếm hoặc không đếm các lá phiếu cử tri đoàn đại diện từng tiểu bang gởi về so với những lá phiếu tự nộp tranh giành với lá phiếu chính thức, là thiếu sự hiểu biết đúng mực về luật Hiến Pháp.” 

(MPL) [qd]

 

-----------------------------

 

VIDEO :

TNS Josh Hawley sẽ chặn kết quả bầu cử, làm Mitch McConnell nhức đầu thêm

Dec 31, 2020

https://www.nguoi-viet.com/nvtv-tin-tuc/tu-thu-do-toi-nguyen-van-khanh/tns-josh-hawley-se-chan-ket-qua-bau-cu-lam-mitch-mcconnell-nhuc-dau-them/

 

Chuyện Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử tổng thống làm Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối đa số Thượng Viện lo ngại.

 

https://www.nguoi-viet.com/nvtv-tin-tuc/tu-thu-do-toi-nguyen-van-khanh/tns-josh-hawley-se-chan-ket-qua-bau-cu-lam-mitch-mcconnell-nhuc-dau-them/

 

 

 

 

 


CNN : TUYỆT VỌNG TRỞ THÀNH LIỀU LĨNH, 2 ĐIỀU ÔNG TRUMP LÀM CÓ THỂ KHIẾN NƯỚC MỸ TỔN THƯƠNG (SOHA)

 


CNN: Tuyệt vọng trở thành liều lĩnh, 2 điều ông Trump làm có thể khiến nước Mỹ tổn thương  

Minh Khôi | SOHA

01/01/2021 07:00

https://soha.vn/cnn-tuyet-vong-tro-thanh-lieu-linh-2-dieu-ong-trump-lam-co-the-khien-nuoc-my-ton-thuong-20201231230955917.htm

 

Trong vòng chưa đầy 30 ngày nữa, nước Mỹ sẽ chính thức có tân Tổng thống. Nhưng trước đó, câu hỏi là những hậu quả nào mà Tổng thống Trump có thể gây ra, CNN bình luận.

 

 

Hai cách ông Trump làm tổn thương nước Mỹ

 

Trong những ngày qua tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tiếp tục vùi mình với những viễn cảnh như việc áp dụng thiết quân luật, sử dụng quân đội để tịch thu máy bỏ phiếu hay can thiệp vào hoạt động kiểm phiếu Đại cử trị của Quốc hội vào ngày 6/1 tới.

 

Tuần trước, ông Trump đã xuất hiện cùng với một nhóm các nghị sĩ Cộng hoà, những người trước đó từng bày tỏ ý định sẽ thách thức tính toàn vẹn của cuộc bầu cử với những tuyên bố vô căn cứ về gian lận ngay tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội vào ngày 6/1.

 

Ông Trump có thể tiếp tục gây ra những tổn hại tới nước Mỹ trong những ngày tới bằng 2 cách, đó là tiếp tục ủng hộ cho những giả thuyết không cơ sở về cuộc bầu cử và đồng thời phớt lờ trách nhiệm của mình trong việc là người đứng đầu đất nước.

 

Nỗ lực của ông Trump trong việc phá bỏ truyền thống dân chủ của Mỹ khi tự tuyên bố "chiến thắng áp đảo" trong một cuộc bầu cử thất bại là một điển hình. Cách hành xử của Tổng thống đã làm dấy lên những nghi ngờ vào những giá trị căn bản của hệ thống chính trị Mỹ - đó là một cuộc bầu cử công bằng, trong số hàng triệu những cử tri, cũng như đe doạ tới tính pháp lý của chính quyền ông Biden sau này.

 

Thông tin từ CNN cho biết, đã xuất hiện những lo ngại trong các quan chức cấp cao và lãnh đạo quân đội rằng ông Trump có thể sử dụng quyền lực của Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội theo những chiều hướng nguy hiểm trong những ngày cuối cùng còn nắm quyền. "Chúng tôi không biết ông ấy sẽ làm gì", một quan chức tại Lầu Năm Góc nói. "Chúng ta đang sống trong một giai đoạn kì lạ", một người khác nói.

 

Sự phớt lờ của ông Trump đối với một loạt các cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang phải đối mặt cũng là một vấn đề đáng lo ngại, bao gồm sự vô cảm của ông trước đại dịch Covid-19 đã lây lan cho 18 triệu người dân và cướp đi sinh mạng của 320.000 người.

 

Trong bối cảnh này, ông Trump đã thể hiện sự thiếu quan tâm đến việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng quy mô lớn nhằm mang lại hi vọng sẽ sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch gây ra. Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng được cho đã thiếu quyết đoán trong những đối sách trước Nga, nhất là sau khi xảy ra những vụ tấn công mạng mà Mỹ cáo buộc có sự hỗ trợ của điện Kremlin.

 

Ngay cả những nhân viên Nhà Trắng đang lo ngại những gì có thể xảy ra trong thời gian tới. "Ông ấy vẫn sẽ là Tổng thống trong 1 tháng tới", một người nói.

 

 

"Khi sự tuyệt vọng trở thành liều lĩnh"

 

Những kế hoạch điên khùng mà một số phụ tá của ông Trump đã đề xuất, ví như tướng Micael Flynn trong việc gửi quân đội tới các bang chiến trường nhằm thay đổi kết quả bầu cử, rõ ràng khó có thể xảy ra. Kể cả khi bộ máy của ông Trump có thể triển khai một kế hoạch như vậy, hệ thống toà án rõ ràng sẽ không để ông Trump phá huỷ nền dân chủ của Mỹ. Khó có thể tưởng tượng quân đội sẽ có hành động để thay đổi ý chí chọn lựa của người dân ngay trên nước Mỹ.

 

Tuy nhiên, điều đáng buồn và khó có thể tưởng tượng là ông Trump vẫn tiếp tục nghe về những giả thuyết điên rồ như thiết lập thiết quân luật ngay trong Phòng Bầu Dục, nơi được coi là sự tập trung của những giá trị dân chủ nhất của nước Mỹ.

 

"Phần còn lại của thế giới đang nhìn vào chúng ta. Tất cả những gì đang xảy ra chỉ khiến tất cả đặt câu hỏi những gì đang xảy ra ở nước Mỹ?" John Kasich, cựu Thống đốc bang Ohio thuộc đảng Cộng hoà nói.

 

Việc một Tổng thống như ông Trump mất đi sự sáng suốt đã là một vấn đề nghiêm trọng từ góc độ nội tại của nước Mỹ. Nhưng chưa hết, điều đó còn gửi đi một thông điệp tới các quốc gia đối địch rằng nước Mỹ đang thiếu sự lãnh đạo từ cấp cao nhất. Việc ông Trump từ chối để chính phủ đưa ra tuyên bố về việc Nga đứng đằng sau vụ tấn công mạng cho thấy các đối thủ sẽ có khoảng thời gian 30 ngày tới đây để tiếp tục gây ảnh hưởng tới các lợi ích cốt lõi của nước Mỹ.

 

Cuộc gặp giữa ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa là bước đi mới nhất cho thấy ông sẵn sàng phá bỏ tính liêm chính của hệ thống bầu cử Mỹ trước khi rời bỏ Nhà Trắng. Nhóm nghị sĩ này đã sẵn sàng "để lật lại kết quả bầu cử trước những núi chứng cứ về gian lận bầu cử", Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows viết trên Twitter, qua đó tiếp tục nhóm lên những hi vọng giả tưởng về khả năng thay đổi kết quả bầu cử sau khi liên tiếp các vụ kiện pháp lý của phe ông Trump bị các toà án từ cấp Liên bang đến địa phương bác bỏ.

 

"Tôi nghĩ rằng chúng ta thấy ông Trump đang ngày càng trở nên tuyệt vọng, và mọi việc đều có thể xảy ra khi sự tuyệt vọng trở thành liều lĩnh", Lawrence Wilkerson, cựu trợ lý của nguyên Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói.

 

-----------------------

 

Động thái bất thường của Trump trước khi Quốc hội họp xác nhận Biden thắng

 

Vì sao ông Trump rút ngắn kỳ nghỉ, về Washington trước khi xác nhận phiếu Cử tri đoàn?

 

Hành động hậu bầu cử của Trump sẽ làm “lung lay” ghế của đảng Cộng hòa tại Thượng viện

 

Phe ông Trump nộp đơn kiện để ép ông Mike Pence lật ngược kết quả bầu cử

 

 

 

 

 

 


NGƯỜI SÀI GÒN ĐỔ RA ĐƯỜNG XEM PHÁO HOA CHÀO NĂM 2021, CÁC NGÃ ĐƯỜNG KÍN NGƯỜI (Thanh Niên Online)

 


Người Sài Gòn đổ ra đường xem pháo hoa chào năm 2021, các ngã đường kín người

Thanh Niên Online

01:33 - 01/01/2021 

https://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-sai-gon-do-ra-duong-xem-phao-hoa-chao-nam-2021-cac-nga-duong-kin-nguoi-1323957.html

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/134800669_304760730977606_804121169967206221_n2_updy.jpg

Phố đi bộ Nguyễn Huệ không còn chỗ chen chân thời khắc giao thừa, đón năm mới 2021

THÀNH TRUNG

 

Ngay từ 22 giờ các ngã đường vào phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) đã kẹt cứng. Dòng người theo lối từ Hàm Nghi rẽ vào hải gửi xe từ xa để đi bộ vào trong. Hàng chục ngàn người đậu xe dọc theo tuyến Hàm Nghi, tòa nhà Bitexco để chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao năm cũ 2020 sang 2021.

 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ từ 23 giờ đêm đã không còn chỗ trống, mọi ánh nhìn hướng về bến Bạch Đằng để chờ đợi khoảnh khắc chia tay năm cũ đón năm mới. Lực lượng CSGT chốt chặn nhiều ngã đường nhưng đành "bất lực" khi lượng xe vượt quá khả năng kiểm soát.

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/134320099_395889371524212_6486230180070159757_n_brnl.jpg

Phố đi bộ Nguyễn Huệ kín người thời khắc giao thừa, đón năm mới 2021. THÀNH TRUNG

 

Cả phố đi bộ Nguyễn Huệ không còn một chỗ trống. Từng gia đình, từng cặp đôi tay trong tay chờ đợi khoảnh khắc giao thừa năm mới, mong một năm mới 2021 sung túc hơn, an toàn hơn và bớt ảm đạm hơn 2020 bị bóng đen Covid-19 bao trùm.

 

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rất nhiều người tụ tập xem pháo hoa tại khu vực Thủ Thiêm (Q.2), dừng xe giữa đường hơn 15 phút để "đắm chìm" trong khoảnh khắc đặc biệt này. 

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/20201231234125_img_9103-01_bwgf.jpeg

Đông người tụ tập tại khu vực Hầm Thủ Thiêm để chào năm mới 2021. LÊ NGỌC THẢO

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/20210101002716_img_9159-01_utju.jpeg

Những màn trình diễn pháo hoa thu hút rất đông người xem.  LÊ NGỌC THẢO

 

Dù có việc gấp, anh Nguyễn Thiên Phú (21 tuổi, Q.Gò Vấp) vẫn không thể về nhà vì đám đông kẹt xe. “Tôi cũng không thể nhúc nhích được vì xe kẹt cứng. Tuy nhiên, là năm mới nên tôi cũng không quá khó chịu. Nhờ vậy mà tôi được dừng lại để ngắm pháo hoa, mừng một năm mới ý nghĩa”, anh Phú nói. 

 

“Pháo bông năm nay bắn đẹp quá, tôi đã quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội để lấy may mắn. Mong rằng năm nay tôi sẽ gặt hái được nhiều thành công. Ra đường có kẹt cứng thật, nhưng những khoảnh khắc giao thừa, tôi có cảm giác mọi người nhích lại gần nhau hơn. Ra đường hít khói bụi tí cũng xứng đáng”, anh Hồ Chí Huỳnh (22 tuổi, Q.Gò Vấp) cười nói.

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/20210101002838_img_9162-01_itoh.jpeg

Cùng nguyện cầu một năm mới bình an.  LÊ NGỌC THẢO

 

Gần 20 phút pháo hoa bùng nổ trên bầu trời TP.HCM thật cảm xúc bởi những ngọn sóng hoa cứ như ập sát vào hàng ngàn con người. Những sắc màu xanh đỏ khiến những cảm xúc cũng vỡ òa theo khi những bông hoa đủ muôn trùng sắc cứ như bùng nổ trên bầu trời. Điểm đặc biệt khiến nhiều khán giả thích thú là màn tạo hình những trái tim trên không trung thu hút những tiềng "ồ ồ" ngạc nhiên của người dân TP.

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/134646976_162445442303806_5378709583956609153_n_bkze.jpg

Năm 2021 đến mang theo nhiều hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. LÊ NGỌC THẢO

 

Bắt đầu từ 22 giờ, đoạn đường từ Xa lộ Hà Nội rẽ vào Khu Công nghệ cao TP.HCM (Q.9) trở nên ùn tắc. Đây là năm đầu tiên quận 9 có 1 điểm bắn pháo hoa, người dân không biết chính xác hướng bắn nên đã đứng tràn ra khắp nơi, gây cản trở giao thông ở tuyến đường vốn đã có nhiều xe container qua lại. Tuy nhiên, tình hình ở khu vực bắn pháo hoa Khu Công nghệ cao quận 9 vẫn nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng CSGT. Khoảng 15 phút sau khi màn trình diễn pháo hoa chào mừng năm mới 2021 kết thúc, các con đường xung quanh điểm bắn tại quận 9 đều trở lại vắng vẻ.

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/134758057_420109566012108_5449292450691763352_n_xlum.jpg

Người dân tụ tập tại khu vực Khu Công nghệ cao TP.HCM để xem pháo hoa. THANH KHƯƠNG

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/133354720_1145253622596384_2852131719671582566_n_jjui.jpg

Những bạn trẻ gởi niềm hy vọng vào năm mới 2021.  THANH KHƯƠNG

 

https://image.thanhnien.vn/980/uploaded/thanhhang/2021_01_01/134669013_3834219669934652_3670517870318373916_n_rwep.jpg

 

Trung tâm TP.HCM trở thành 1 biển người với khắp các ngã rẽ khỏi phố đi bộ Nguyễn Huệ là dòng xe ken đặc nối đuôi nhau. Hàm Nghi kẹt cứng, Võ Văn Kiệt kẹt cứng, những đường giao nhau với 2 trục chính trên cũng không lối thoát nhưng không hề có cảnh hỗn loạn. Ai nấy cũng từ tốn hơn trong những khoảnh khắc đầu năm mới 2021. Dòng người nối đuôi nhích từng chút một khỏi đám đông. Đến hơn 1g sáng ngày 1.1.2021 dòng người vẫn còn đang rời khỏi trung tâm TP.HCM.

 

========================================

 

XEM THÊM

 

Người dân đổ ra đường đón năm mới

VnExpress

.

Pháo hoa tưng bừng đón chào năm 2021 | Xã hội | PLO

(PLO)

.

Chiêm ngưỡng màn pháo hoa chào đón năm mới 2021 tại phố Nguyễn Huệ

Lao Động

 

Người dân TP HCM đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ chào đón năm mới 2021

Người Lao Động

.

Chiêm ngưỡng clip “tiệc ánh sáng“ chào đón năm mới 2021 trên cả nước

24h

.

Chùm ảnh: Pháo hoa tuyệt đẹp chào đón năm 2021

24h

.

Ngắm “trận địa” pháo hoa chào đón năm mới ở TP.HCM trước giờ G

24h

 

 

 

 

 

 


TIỄN 2020, CHÀO 2021 ! (Diễn Đàn)

 


Tiễn 2020, chào 2021 !    

Diễn Đàn 

31/12/2020

https://www.diendan.org/tien-2020-chao-2021


Chắc không mấy ai trong chúng ta, ngoại trừ với những lý do riêng tư, sẽ luyến tiếc cái năm đại dịch này.

 

Một con virut có độ lớn chỉ khoảng vài chục nano-mét (một nano-mét, kí hiệu nm, là một phần tỉ mét) nhưng với khả năng lây lan khủng khiếp, đã làm đảo lộn cuộc sống của cả thế giới, gây ra tử vong cho gần 2 triệu người trong chỉ một năm trời, hàng trăm triệu người khác bị nhiễm bệnh dù tất cả không nặng tới mức phải vào nhà thương nhưng nhiều cơ sở y tế đã thường xuyên sống trong tình trạng quá tải nhiều tháng trời. Các cuộc giao lưu, thăm viếng người thân buộc phải bãi bỏ hay hoãn lại, gây thiệt hại tinh thần không dễ đo đạc. Những nền kinh tế vững mạnh nhất bị suy sụp do lệnh phong toả hay giới nghiêm mà các chính phủ phải đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virut và cứu vãn các cơ sở y tế. Thiệt hại của nhiều lĩnh vực hoạt động tính bằng các con số ngàn tỉ euro, những phương án giải cứu mà nhiều chính phủ đề ra cho nền kinh tế của nước mình tất nhiên cũng cần tới các khoản ngân sách khổng lồ không kém. Ngôn ngữ hàng ngày của các dân tộc tràn ngập những từ mới (hoặc cũ nhưng được làm mới) liên quan tới đại dịch. Covid-19SARS-CoV-2 không còn xa lạ với người Việt, cũng như các cuộc xét nghiệm khi xuất, nhập cảnh để được biết mình dương hay âm tính, có bị cách ly tập trung hay được về nhà... Còn khẩu trang thì dĩ nhiên đã mau chóng được làm mới để đủ khả năng ngăn ngừa virus thay vì chỉ đeo phòng chống ô nhiễm thành phố, và trở thành bắt buộc trong các hoạt động xã hội song song với yêu cầu giãn cách mà những người tham dự phải tuân thủ. Cái khẩu trang y tế đó cũng trở thành đối tượng của một nền ngoại giao sói lang mà Trung Quốc tưởng có thể thực hiện để o ép toàn thế giới, dù chính mình có trách nhiệm không nhỏ khi đã để cho virus lan đi nhiều ngày trước khi đưa tin ra thế giới – đã trễ !

 

Năm 2020 không chỉ là năm của đại dịch Covid-19. Năm năm sau Hiệp định Paris về khí hậu (COP21, 2015), Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi thiết lập "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" hầu mong đạt được tình trạng "trung tính carbon" (neutralité carbonne), vì những cam kết giảm khí thải CO2 trong không khí không hay chưa được bao nhiêu hiệu quả ! Năm 2019, theo báo cáo của Chương trình LHQ về Môi trường (viết tắt theo tiếng Anh: UNEP), lượng khí có hiệu ứng nhà kính thải trong không khí đã đạt kỷ lục 59 tỉ tấn "tương đương CO2", tăng 5% so với 2015. Sự hâm nóng trái đất được thể hiện trước mắt với hai vụ cháy rừng lịch sử, một ở Úc cuối năm 2019, đầu năm 2020, và một ở California tháng 10.2020. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu được coi như nguyên nhân chính (làm gia tăng hệ quả của các chính sách về rừng, thuỷ điện...) của trận lũ lịch sử ở miền Trung hè năm nay.

 

2020 cũng là năm chính trường Việt Nam nổi cộm với các vụ đàn áp, bắt bớ. Mở đầu là cuộc tấn công của 3000 binh sĩ trong lực lượng công an vào nhà cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm vào 4 giờ sáng ngày 9/1/2020, nổ súng giết cụ và bắt đi khoảng 30 người thân thuộc. Phiên toà xử 29 bị cáo ở Đồng Tâm được tiến hành 9 tháng sau đã tuyên án tử hình hai con trai của cụ Kình và nhiều án tù khác, nặng nhất là án chung thân được dành cho người cháu nội của cụ Kình. Mấy ngày sau phiên toà, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội khi diễn ra vụ Đồng Tâm, bị bắt và tháng 12 bị đưa ra xử, nhận án 5 năm tù. Nhưng đó là chuyện khác, hoàn toàn không liên quan tới vai trò của ông trong vụ Đồng Tâm, mà chỉ là chuyện "thường ngày ở huyện", chuyện tham nhũng mà nhiều quan chức khác cũng sa lưới pháp luật trong năm qua nhưng vẫn chưa đủ gãi ngứa cho tình trạng tồi tệ này, cơ bản do sự độc quyền của đảng CS gây ra, như nhiều người dân, trí thức đã kiên trì chỉ ra dù họ luôn luôn bị bộ máy cầm quyền làm khó dễ, truy bức. Những đàn áp, bắt bớ trong câu đầu đoạn này không liên quan gì tới Nguyễn Đức Chung và đồng bọn. Đây là những người dân, người trí thức, nhà báo không đứng cùng chiến tuyến với đám quan lại kia. Chỉ kể sơ vài trường hợp : Tháng 3 (sơ thẩm) rồi tháng 10 (phúc thẩm), nhà báo Trương Duy Nhất bị xử 10 năm tù sau khi dã bị bắt cóc ở Băng Cốc đầu năm trước; tháng 5, tới phiên hai nhà báo độc lập Phạm Thành và Nguyễn Tường Thuỵ bị bắt. Tháng 10 là Phạm Đoan Trang, và tháng 12, Trương Châu Hữu Danh. Theo tổ chức RSF (Nhà báo Không Biên giới) thì các chính quyền độc tài trên thế giới đã lợi dụng tình thế đại dịch để tăng cường các cuộc bắt bớ các nhà báo. Nhưng ở VN, có vẻ như không phải hay không chỉ là thế. Để chuẩn bị cho cái gọi là đại hội 13 ĐCSVN, được dự tính sẽ diễn ra đầu năm 2021, song song với việc xử lý nội bộ một số cán bộ cao - trung cấp "có vấn đề" như Nguyễn Đức Chung, chính quyền cũng cần bịt miệng những tiếng nói phản kháng của người dân, đó mới là lý do chính !

 

Trên đây là sơ lược một "tổng kết buồn" của năm 2020.

 

Vậy thì, 2020 cứ đi, sẽ không ai níu giữ !

 

Tin tức liên quan về các "mặt trận" nêu trên, dù không phải tất cả đều sáng sủa như mọi người mong ước, đã để lộ những vệt sáng cuối đường hầm. Chí ít là với đại dịch Covid-19 : với quãng thời gian được rút ngắn như chưa bao giờ thấy, nhiều loại thuốc tiêm chủng (vắc xin) đã được bào chế, thử nghiệm với mức thành công cao, kể cả loại vắc xin với công nghệ sinh học, hoàn toàn mới, và đã được nhiều nước châu Âu bắt đầu tiến hành tiềm chủng dân chúng của họ. Logic khó phản bác là nước giàu bỏ tiền ra nghiên cứu, được ưu tiên phân phối trước, tuy nhiên Liên Âu cũng đồng thời khẳng định sẽ phân phối miễn phí cho những nước ít phương tiện hơn. Dù sao, Việt Nam hoàn toàn có lý khi tiến hành nghiên cứu phục vụ cho yêu cầu của nước mình. Theo Cổng thông tin điện tử bộ Y tế, tin ngày 20/12, đơn vị nghiên cứu thuộc Học viện Quân Y cho biết đã hoàn thành vắc xin mang tên Nano Covax, và đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm trên người. Sức khoẻ của ba người đầu tiên tình nguyện được tiêm thuốc hoàn toàn bình thường, không gặp phản ứng nào, khiến bộ trưởng bộ Y tế tuyên bố là sẽ tạo điều kiện tốt nhất để rút ngắn các giai đoạn thử nghiệm mà vẫn bảo đảm các bước đi an toàn. Bộ cũng cho biết các đơn vị liên quan đã và đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm 2 và 3. Theo một thông tin khác, dự tính Nano Covax có thể được đưa ra sử dụng vào tháng 9-10 năm nay (2021).

 

Cuộc chiến đấu bảo vệ môi trường, như đã nói, sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và lâu dài hơn, vì đụng chạm tới nền tảng sản xuất và tiêu thụ của xã hội hiện tại, song ý thức về thảm hoạ môi trường rõ ràng mỗi ngày một cao trong xã hội, đi kèm là những áp lực lên các chính phủ của nhiều nước. Ở Pháp, Luật Chuyển tiếp năng lượng (transition énergétique) năm 2015 ngay sau COP21 đã đưa khái niệm chuyển tiếp này dần dần vào cuộc sống, với nhiều sáng kiến của các đô thị lớn, và gần đây, với sự hình thành của Hội nghị Công dân vì Khí hậu (Convention Citoyenne pour le Climat) đề ra 149 biện pháp sẽ được luật hoá (còn nhiều tranh cãi, nhưng cũng là bình thường) cho mục tiêu giảm ít nhất 40% các loại khí thải có hiệu ứng nhà kính từ đây tới năm 2030. Quan trọng hơn, vì là nước mà lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính lớn nhất nhì thế giới (cùng với TQ), Hoa Kỳ mà tổng thống đắc cứ Joe Biden đã ghi trong chương trình nghị sự của mình việc trở lại với Hiệp định Paris về khí hậu, mà người tiền nhiệm, Donald Trump đã buông bỏ. Việc Donald Trump rớt đài, suy cho cùng, phải chăng cũng là một hiệu ứng tích cực của Covid-19, mà ông ta khăng khăng cho là không tồn tại !

 

"Măt trận" thứ ba, cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, chống lại sự độc quyền của đảng CS, có vẻ như ở quy mô nhỏ hơn cuộc chiến bảo vệ môi trường - ở mức toàn cầu, song chắc chắn sẽ không kém phần gian nan. Vì một lẽ khá hiển nhiên, dân chủ không do ai ban phát mà chỉ có thể có được qua đấu tranh. Những người nêu trong phần nhập bài là những người dấn thân trong cuộc đấu tranh đó. Họ cần được bảo vệ, được nhiều người dân lên tiếng hỗ trợ, đòi chính quyền trả tự do cho họ, tôn trọng quyền tự do ngôn luận của họ. Và nhiều người đã lên tiếng, qua những kênh thông tin phù hợp nhất của thời hiện tại: Internet, mà những nỗ lực ngăn cản chính quyền không thể bịt hết - trái với chỉ cách đây chừng một thập kỷ. Sự thực là đảng cầm quyền ngày càng co cụm - mà các cuộc bắt bớ chỉ là một biểu hiện, biểu hiện gần đây hơn là việc đưa vào danh sách "tuyệt mật" các bàn cãi trong đảng về việc chọn người vào các cơ quan "lãnh đạo". Đó cũng là một minh chứng của sự phát triển của xã hội, tiến bộ của dân chủ. Không có gì để bi quan !

 

Vậy thì, 2020 cứ đi. Những người có thiện tâm trên thế giới và trên đất nước VN này hoàn toàn có thể vững lòng tiến bước vào năm mới 2021.

 

Diễn Đàn, trong vị trí nhỏ nhoi của mình, xin gửi tới tất cả lời chúc sức khoẻ, bình an, và lời hứa sẽ đồng hành cùng nhau, vượt qua Covid, vượt qua những trở ngại dù tới từ đâu, bước vào năm mới, vào những tiến bộ mới trong dân chủ và phát triển đất nước.

 

Diễn Đàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 


View My Stats