Friday 31 July 2020

KHỦNG HOẢNG Y TẾ TÁC ĐỘNG MẠNH TRÊN CUỘC BẦU CỬ MỸ (Trọng Nghĩa - RFI)



Khủng hoảng y tế tác động mạnh trên cuộc bầu cử Mỹ

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 31/07/2020 - 15:33

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200731-khu%CC%89ng-hoa%CC%89ng-y-t%C3%AA%CC%81-ta%CC%81c-%C4%91%C3%B4%CC%A3ng-ma%CC%A3nh-tr%C3%AAn-cu%C3%B4%CC%A3c-b%C3%A2%CC%80u-c%C6%B0%CC%89-my%CC%83

 

Không hẹn mà gặp, các tờ báo lớn ra ở Pháp vào hôm nay 31/07/2020 nói nhiều nói về tác hại của dịch Covid-19 trên bình diện chính trị và kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và ở Pháp. Tại Mỹ, sự kiện được báo Pháp rất mực chú ý dĩ nhiên là gợi ý hôm qua tổng thống Donald Trump, cho rằng nên hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, vì có nhiều nguy cơ gian lận xuất phát từ hình thức bầu qua bưu điện.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e06f54d4-d28b-11ea-86c4-005056a964fe/w:980/p:16x9/8b5ca27c0d5d9411d909cf03b7845215fbb5d157.webp

Dân chúng vẫn thư giãn trên bờ biển trong vịnh Miami Beach, bang Florida, nơi đã ghi nhận những con số tử vong kỷ lục vì Covid-19 tại Hoa Kỳ. AFP

 

Trang nhất nhật báo Công Giáo La Croix đã nêu bật tình hình nước Mỹ với hàng tựa lớn ngắn gọn gồm hai vế: “Hoa Kỳ: Khủng hoảng y tế, bão tố chính trị”. Tờ báo xác định ngay: “Con virus corona đã công khai đe dọa việc tổ chức cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11”.

 

Florida bị “chìm trong cuồng phong Covid”

 

Trong hồ sơ bên trong, La Croix trước hết đề cập đến tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế trong bài phóng sự tại Miami mang tựa đề “Bang Florida bị trận cuồng phong Covid đánh chìm”.

 

Trong vỏn vẹn một tháng, bang này đã trở thành một trong những địa phương bị virus corana tác hại nặng nề nhất nước Mỹ, với hai số liệu nổi cộm: Kỷ lục đáng buồn về số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận trong một ngày trên toàn nước Mỹ (15.300 ca ngày 12 tháng 7), và bi thảm hơn là kỷ lục về số người chết cao nhất trong hai mươi bốn giờ (216 ca ngày 29/07).

 

Tại chỗ, một lệnh giới nghiêm đã được ban hành nhưng các tính toán chinh trị đã làm tình hình xấu đi thêm, nhất là khi giới lãnh đạo bang, thuộc đảng Cộng Hòa, đã coi trọng kinh tế và đã mau mắn giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa khi dịch bệnh vẫn hoành hành mạnh.

 

Ỷ tưởng hoãn bầu cử: không mới

 

Còn về cơn bão chính trị, La Croix đã nêu bật trong bài viết “Donald Trump đề nghị hoãn cuộc bầu cử”.

Tờ báo đã phân tích tuyên bố của tổng thống Mỹ về việc hoãn cuộc bầu cử tổng thống, nhấn mạnh trên những rủi ro gian lận mà theo ông, gắn liền với khả năng gia tăng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện do dịch Covid-19.

 

Đối với La Croix, thực ra ý định của ông Trump không có gì mới. Vào tháng Năm, con rể của ông là Jared Kushner, đã không trả lời rõ ràng khi được hỏi về việc liệu tổng thống có thể cam kết cho bầu cử theo đúng lịch trình hay không.

 

Trước đó, vào cuối tháng 4, Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, đã tỏ ý tin rằng ông Donald Trump sẽ cố gắng hoãn cuộc bỏ phiếu, bằng cách này hay cách khác.

 

Libération: Khi Trump chơi trò câu giờ

 

Có phần khác với nhận định của La Croix, báo Libération cho rằng đây là lần đầu tiên ông Trump gợi lên rõ ràng khả năng dời ngày bầu cử tổng thống.

 

Libération ghi nhận là sau khi bắn đi tin nhắn về việc trên, tối hôm qua ông Trump đã cố cải chính là ông không muốn dời lại cuộc bầu cử dự kiến vào 03/11. Thế nhưng báo chí đã phớt lờ lời cải chính đó, để tiếp tục bình luận về tin nhắn ra trước. Đối với Libération, phải nói là tổng thống Mỹ một lần nữa đã thành công trong việc thu hút sự chú ý !

 

Tờ báo Pháp đã xem tin nhắn Twitter đó là “vế đầu” của một chiến lược nhằm gây hoang mang về cuộc bầu cử sắp tới. Giờ đây, khi đã phải chấp nhận là dịch Covid-19 vẫn lan mạnh ở Mỹ, ông Trump nhấn mạnh lên việc dịch bệnh sẽ khiến việc đi bầu trở nên khó khăn nguy hiểm ở các phòng phiếu.

 

Nhưng ông Trump đã nhiều lần nói đến khả năng bỏ phiếu qua thư bưu điện - như thường thấy ở Mỹ - là nguồn gian lận bầu cử, và đưa ra giải pháp dời cuộc bỏ phiếu đến khi nào tình hình không còn nguy hiểm.

 

Theo Libération, rõ ràng là ông Trump muốn đợi đến khi kinh tế vươn lên để ông có khả năng thắng cử.

 

Le Monde: Người chết vì Covid-19 làm tăng sức ép lên Trump

 

Dĩ nhiên là Covid-19 không thể thiếu vắng trên Le Monde. Tờ báo chú ý đến một trong những hậu quả: “Số người chết tăng lên ở Hoa Kỳ đặt Donald Trump dưới sức ép”, tựa bài báo trang quốc tế.

 

Le Monde giải thích: Bản tổng kết Covid-19 đã phản ánh sự di chuyển của dịch bênh xuất hiện ở vùng ven biển rồi lan rộng sang các bang không mấy nghiêm khắc, chủ yếu do người thuộc đảng Cộng Hòa lãnh đạo.

 

Nhìn bản tổng kết thì dịch Covid-19 quả là không giảm sức ép lên tổng thống Mỹ. Theo số liệu của đại học Johns-Hopkins, Mỹ đã vượt qua số 150.000 ca tử vong do virus corona vào ngày 29/07.

 

Cố vấn an ninh của tổng thống, Robert O’Brien, đã bị cách ly vì nhiễm virus, đại diện đảng Cộng Hòa, Louie Gohmert, đáng lý ra phải đi cùng ông đến Texas hôm 29/07, đã bị xét nghiêm dương tính trong thời gian trước khi lên máy bay. Bấy nhiêu sự kiện đã đủ che mờ hành động hỗ trợ mà tổng thống Trump muốn mang lại cho bang Texas và ngành dầu hỏa tại đây, bị tác động nhiều do Covid-19 và vì kinh tế thế giới hoạt động chậm lại.

 

Dịch bệnh vuột khỏi tầm kiểm soát

 

Theo Le Monde, số ca tử vong tăng phản ánh một nạn dịch đã kháng cự lại sự kiểm soát của chính quyền Mỹ.

 

Xuất phát từ hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nạn dịch đã đổ xuống New York và New Jersey vào tháng 3. Những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm cho dịch giảm dần, nhưng virus lại lan ra kể từ cuối tháng 5 ở các bang ít nghiêm túc, phần lớn trong tay các thống đốc đảng Cộng Hòa: Arizona, Texas,  Florida, nhưng cũng bùng lên trở lại ở California.

 

Hơn một tháng rưỡi sau đó, cơ sở y tế chịu sức ép. Ca tử vong tăng lên mạnh mẽ. Phải nói là ca lây nhiễm bắt đầu khựng lại và giảm ở các bang trên, nhưng bây giờ lại tăng ở các bang khác: Oklahoma,  Arkansas, Tennessee hay Kentucky, đa số vẫn do người thuộc đảng Cộng Hòa lãnh đạo.

 

Trả lời viện thăm dò dư luận Gallup, 58% người ở các bang do người đảng Dân Chủ lãnh đạo, đánh giá là thống đốc của họ có một kế hoạch rõ ràng để chống nạn dịch. Thế nhưng chỉ 43% là có đánh giá tương tự ở các bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo.

 

Tại hai bang được cho là then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2020 - Florida và Arizona - các cuộc thăm dò cho thấy dân chúng đã ồ ạt không tán đồng việc thống đốc của họ đã chậm trễ trong việc đưa ra những biện pháp gò bó để chống dịch bệnh.

 

Le Monde đã  nhìn thấy sức ép đối với chính quyền tổng thống Trump khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến bầu cử tổng thống.

 

Le Monde: Airbus và Boeing đều bị nhiễm Covid-19

 

Trong hàng tựa đập vào mắt trên trang nhất hôm nay - “Airbus và Boeing lún sâu vào khủng hoảng - Le Monde báo động về một trong những hậu quả kinh tế nghiêm trọng bậc nhất mà Covid-19 gây ra.

 

Theo tờ báo, hai nhà chế tạo máy bay đã công bố kết quả hoạt động sáu tháng đầu năm: Thua lỗ và phải giảm sản xuất. Đây là hiện tượng bình thường trong hoạt động kinh tế, nhưng ở tầm vóc các tập đoàn này, thì hệ quả sẽ không bình thường chút nào.

 

Le Monde nhìn thấy là sau một khoảng thời gian rất lâu cứ tưởng rằng tăng trưởng không bao giờ chấm dứt, các tập đoàn hàng không không gian giờ phải chấp nhận đánh giá lại mô hình này. Ba chàng khổng lồ trong lãnh vực này - Airbus, Boeing và Safran - vừa công bố kết quả thảm hại.

 

Theo Le Monde, trước đây các tâp đoàn còn đặt cược trên triển vọng phục hồi hoạt động nhanh chóng, nhưng giờ họ thấy khủng hoảng còn sẽ kéo dài hơn là dự kiến. Theo đánh giá của Hiệp Hội Hàng Không Quốc Tế, các tuyến bay sẽ không lấy lại mức độ của 2019 trước năm 2024, phần lớn là vì những quy định mở hay đóng cửa đều dựa trên tình hình dịch bênh rất khó lường, có nơi thì vẫn chưa qua “đợt 1”, nơi khác thì lo ngại “đợt 2” trở lại.

 

Tuy nhiên, Boeing, theo Le Monde, đã có thể gỡ gạc với nhánh quân sự của mình. Trước lúc công bố kết quả thua lỗ, Boeing được Lầu Năm Góc đặt mua 23 tỷ đô la chiến đấu cơ cho Không Quân Mỹ.

 

Libération: Vì Covid-19, Air France sẽ bị quốc hữu hóa?

 

Có nên quốc hữu hóa Air France trở lại hay không?”, đây chính là câu hỏi được đặt thành tựa lớn trên trang nhất báo Libération.

 

Theo tờ báo thiên tả, dưới tác động kép của cuộc khủng hoảng Covid-19 và xu hướng xét lại lợi ích của ngành chuyên chở hàng không, tập đoàn Pháp hôm qua (30/07/2020) đã phải loan báo khoản lỗ 4 tỷ euro trong nửa đầu năm 2020 này.

 

Điều đáng nói, theo Libération, là trong một khoảng thời gian dài sắp tới đây, Air France sẽ không có khả năng bồi hoàn khoản vay 7 tỷ euro được nhà nước Pháp đứng ra bảo đảm. Hệ quả của tình trạng này sẽ là tập đoàn hàng không Pháp sẽ bị quốc hữu hóa trở lại trong thực tế.

 

 

 

 

 


TT TRUMP MUỐN HOÃN BẦU CỬ, LUẬT MỸ NÓI GÌ? (Võ Văn Quản - Luật Khoa)



 

TT Trump muốn hoãn bầu cử, luật Mỹ nói gì?

Võ Văn Quản  -  Luật Khoa

31/07/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/07/tt-trump-muon-hoan-bau-cu-luat-my-noi-gi/

 

Ngày 30/7, chỉ còn cách hơn ba tháng là đến hạn tổ chức cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang rất được mong đợi, người đương chức Donald Trump ngỏ ý muốn hoãn bầu cử. Ông viện dẫn lý do rằng tình hình dịch bệnh hiện nay sẽ dẫn đến việc các tiểu bang phải bầu cử bằng biện pháp bỏ phiếu qua hộp thư. Chúng sẽ dẫn đến gian lận bầu cử – Trump khẳng định chắc nịch.

 

Liệu Trump có thể dùng quyền lực hành pháp của mình để hoãn bầu cử hay không? 

 

Ai có quyền định ngày bầu cử?

 

Hiến pháp Hoa Kỳ xác định rất rõ ràng ai là người có thẩm quyền quy định hay điều chỉnh thời điểm diễn ra hai cuộc bầu cử quan trọng cấu thành nên cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Đó chính là Quốc hội.

 

Theo quy định của Điều 2, Khoản I, Mục 4 của Hiến pháp Hoa Kỳ: 

 

“Nghị viện có thẩm quyền xác định thời điểm để bầu chọn các đại cử tri, và ngày mà họ bỏ phiếu bầu chọn nên Tổng thống Hoa Kỳ…” 

 

Như vậy, không cần tranh cãi thêm nhiều, có thể khẳng định rằng không bất kỳ tổng thống nào có thẩm quyền xác định lại thời gian bầu cử. Đơn giản vì họ có thể cố tình kéo dài nhiệm kỳ mình thêm vài tháng, ban hành thêm nhiều chính sách hoặc giả bổ nhiệm thêm thẩm phán của Tối cao Pháp viện nếu có vị trí khuyết bất ngờ. Trong một số trường hợp, việc điều chỉnh ngày giờ bầu cử còn có thể làm thay đổi rất nhiều yếu tố để làm lợi cho một ứng cử viên nhất định. 

 

Do đó, để đảm bảo tính khách quan và nguyên tắc tam quyền phân lập trong bộ máy nhà nước Hoa Kỳ, chỉ có Nghị viện mới có thể quyết định thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. 

 

Họ cũng đã thực hiện quyền này trong U.S. Code 3 ban hành vào năm 1948, ghi nhận rằng các đại cử tri sẽ được bầu chọn tại mỗi bang vào ngày thứ ba liền kề ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 cứ sau bốn năm tiếp theo của mỗi cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống.

 

Sau khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra, vào ngày thứ hai tiếp liền ngày thứ tư đầu tiên của tháng 12, các đại cử tri sẽ tụ hội tại thủ phủ của tiểu bang mình để chính thức bầu ra tổng thống và phó tổng thống.

 

Vì những lý do trên, nếu có muốn thay đổi ngày giờ diễn ra cuộc bầu cử, Trump sẽ phải vượt qua đầu tiên là Hạ viện Hoa Kỳ đang do Đảng Dân chủ nắm giữ, và sau đó là Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm giữ. Trừ khi tình hình trở nên quá tồi tệ, khả năng hoãn bầu cử gần như không thể xảy ra.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/07/trum-delay-election-tweet.jpg

Tweet gợi ý hoãn bầu cử của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Chụp màn hình.

 

Chính quyền Trump hiện có thể can thiệp vào bất kỳ quá trình bầu cử nào không?

 

Ở trên là chúng ta nói về pháp luật, còn trong thực tiễn thì chính quyền Trump cũng không có bất kỳ công cụ nào cụ thể để ngăn chặn hay hoãn các cuộc bầu cử địa phương diễn ra tại tiểu bang. 

 

Có thể hiểu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ chia ra làm hai giai đoạn chính.

 

Một là giai đoạn bầu chọn ra đại cử tri của từng bang, những người đại diện cho một ứng cử viên tổng thống nhất định. Sau cuộc bầu cử này thì về cơ bản người ta đã biết chức danh tổng thống Hoa Kỳ thuộc về ai.

 

Hai là giai đoạn các đại cử tri bỏ phiếu bầu cuối cùng của mình, chính thức xác định tổng thống kế nhiệm của nhà nước liên bang Hoa Kỳ. 

 

Xem xét cả hai giai đoạn, khác với Việt Nam nơi mà quy trình bầu cử do chính quyền trung ương xác định, giám sát và kiểm soát; các tiểu bang Hoa Kỳ gần như nắm toàn bộ quyền hành trong quá trình bầu cử. Điều này được phân tích rất rõ trong bài viết 5 câu hỏi giúp bạn hiểu cách hệ thống bầu cử Mỹ vận hành được Luật Khoa đăng tải cách đây không lâu.

 

Theo đó, nhân sự, quy trình, phương cách bầu cử nói chung cho đến cách bỏ phiếu, cách đếm phiếu… đều thuộc quyền lựa chọn của tiểu bang. Kể cả việc bỏ phiếu đại cử tri cũng là tại tiểu bang.

 

Vậy nên chính quyền ông Trump cũng không có quá nhiều công cụ hành chính để cưỡng bức thực hiện việc tạm hoãn cuộc bầu cử. 

 

Các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ có từng hoãn hay chưa?

 

Nói đi phải nói lại, các cuộc bầu cử lớn nhỏ của Hoa Kỳ đã từng rất nhiều lần phải hoãn vì rất nhiều nguyên do. 

 

Gần đây nhất, trong một nỗ lực của tiểu bang Ohio nhằm hạn chế các nguồn lây nhiễm coronavirus, Giám đốc Y tế tiểu bang Amy Acton đã quyết định tạm hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ (của từng đảng) tại tiểu bang này vốn được sắp xếp diễn ra vào ngày 17/3. Bà thực hiện thành công điều này với sự hậu thuẫn của Thống đốc Mike DeWine (thuộc Đảng Cộng hòa) và Tối cao Pháp viện tiểu bang Ohio. 

 

Trước đó, sau vụ khủng bố chấn động 11/9, các cuộc bầu cử sơ bộ tại New York cũng đã phải bị hoãn.

 

Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử để bầu chọn ra tổng thống Hoa Kỳ vẫn là cố định, chưa từng bị trì hoãn xuyên suốt lịch sử, và chỉ có thể thay đổi bằng các biện pháp chúng ta đã nói ở trên. 

 

Cũng đặc biệt cần nhấn mạnh là vào năm 1864, khi toàn nước Mỹ đang chìm trong nội chiến, cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn diễn ra một cách bình thường. Vậy nên với trường hợp của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, trong hoàn cảnh các biện pháp bầu cử thay thế (chẳng hạn bầu qua thư) đã được áp dụng khá phổ biến từ trước đó, việc lý luận cho rằng vì dịch viêm phổi và các cáo buộc gian lận bầu cử (vốn không có căn cứ) nên phải hoãn bầu cử là không thuyết phục.

 

Trump có phương án dự phòng nào hay không?

 

Trump vẫn có thể khuyến khích các tiểu bang đang do Đảng Cộng hòa kiểm soát tự hoãn các cuộc bầu cử phổ thông. Dù cho đây là một hành vi vi hiến đi chăng nữa, đến cuối cùng chính quyền tiểu bang vẫn là cơ quan trực tiếp tổ chức cuộc bầu cử. Tính đến năm 2019, Đảng Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát toàn bộ quá trình lập pháp tại 30 tiểu bang. Một con số ấn tượng và rất đáng để Trump cân nhắc. 

 

Tuy nhiên, tự tiện hoãn bầu cử sẽ để lại một cái giá rất lớn không chỉ lên uy tín của Đảng Cộng hòa mà còn là uy tín của từng chính trị gia đang nắm vai trò thống đốc bang. Vậy nên phương án này sẽ rất khó thực hiện. 

 

https://lh4.googleusercontent.com/rZqYhg9G4Uc8k-WOI7IoxD4mx571jroIlr2OcUZGOsY7YytaEnaR4ShpTn0at8-io_xbeGAf9IqKjE0zOjxrRwzXatpkSVHk1tNvb9EVMt0B5zzAF4oJ8pftymMOAzwDMTxK1SF6

 

Nếu cuộc bầu cử thật sự bị hoãn, Trump có thể tiếp tục nắm giữ Nhà Trắng hay không?

 

Không. Đó là những gì mà Tu chính án thứ Hai Mươi của Hiến pháp khẳng định: Nhiệm kỳ tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ kết thúc vào đúng Ngọ ngày 20 tháng Một sau bốn năm nhiệm kỳ của người đó.

 

Không có bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp hay pháp luật Hoa Kỳ cho phép một tổng thống được phép nắm giữ nhiệm sở sau hạn này, cho dù trong tình trạng khẩn cấp quốc gia hay chờ một Tu chính án sửa đổi Hiến pháp được thông qua. 

 

Thêm vào đó, hoãn bầu cử lần này cũng khiến cho Hạ viện mới (vốn được bầu hai năm một lần) không thể được lập ra. Cơ quan quyền lực nhà nước duy nhất còn tồn tại là Thượng viện Hoa Kỳ, cơ quan sẽ có thẩm quyền bầu nên tổng thống kế nhiệm. Theo truyền thống, đảng chiếm đa số sẽ đưa Chủ tịch Thượng viện tạm quyền (President pro tempore) lên ghế tổng thống. 

 

Vấn đề là nếu không tổ chức bầu cử, vào ngày 3/1 tới đây, Đảng Cộng hòa sẽ mất đến 23 ghế tại Thượng viện trong khi Đảng Dân chủ chỉ mất 12 ghế (vì đến hạn bầu lại sau 6 năm). Điều này khiến Đảng Dân chủ lại là đảng chiếm đa số trong Thượng viện. Đây là một viễn cảnh mà ông Trump rõ ràng không mong muốn.

 

------------

Đọc thêm:

·         5 câu hỏi giúp bạn hiểu cách hệ thống bầu cử Mỹ vận hành

 

 

 

 

 

 

 


TẠI SAO ÔNG TRUMP CHỐNG ĐỐI HÌNH THỨC BỎ PHIẾU QUA ĐƯỜNG BƯU ĐIỆN? (Mai Vũ Phạm)



Tại sao ông Trump chống đối hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện?

Mai Vũ Phạm

31/07/2020

https://baotiengdan.com/2020/07/31/tai-sao-ong-trump-chong-doi-hinh-thuc-bo-phieu-qua-duong-buu-dien/

 

LTS: Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố, ông ta muốn hoãn cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm nay, với lý do đưa ra rằng “không chính xác và gian lận”, các nghị sĩ Cộng hòa bác ý tưởng hoãn bầu cử của ông. Bỏ phiếu qua đường bưu điện có phải “không chính xác và gian lận” như tuyên bố của ông Trump? Sau đây là bài tổng hợp của cô Mai Vũ Phạm, một cựu quân nhân Mỹ và là một cộng tác viên thường xuyên của Tiếng Dân.

____

 

Mai Vũ Phạm

31-7-2020

 

Thế nào là bỏ phiếu qua đường bưu điện (mail-in voting)?

 

Bỏ phiếu qua đường bưu điện là hình thức bầu cử bằng đường bưu điện (còn được gọi là bỏ phiếu vắng mặt – absentee voting), nhằm mang lại sự linh hoạt hơn cho các cử tri tham gia vào tiến trình dân chủ.

 

Hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện có từ thời Nội chiến, theo dữ liệu bầu cử của Viện Công nghệ Massachusetts, nhằm tạo cơ hội cho các binh sĩ bỏ phiếu từ chiến trường. Các tiểu bang bắt đầu mở rộng luật bỏ phiếu vắng mặt vào cuối những năm 1800 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cử tri vắng nhà hoặc bị bệnh vào ngày bầu cử.

 

Bỏ phiếu qua đường bưu điện có an toàn?

 

Tất cả phiếu bầu qua đường bưu điện đều được lưu trữ an toàn trong khi chưa được xử lý. Quy trình xử lý tuỳ thuộc vào mỗi tiểu bang. Chẳng hạn bang Washington sẽ “kiểm tra chữ ký và dấu bưu điện, sau đó lấy bì thư bên trong ra từ bì thư bên ngoài và lấy lá phiếu bầu từ bì thư bên trong. Các lá phiếu thường được bảo mật với con dấu có mã số và một bản ghi các mã số được lưu giữ để phát hiện bất cứ truy cập không phù hợp nào”.

 

Snopes, trang mạng Fact Check uy tín, chứng minh tuyên bố “Trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, các hệ thống bỏ phiếu qua đường bưu điện làm tăng nguy cơ gian lận cử tri đáng kể so với bỏ phiếu trực tiếp” hầu như sai hoàn toàn.

 

Theo cơ quan kiểm chứng của Hãng thông tấn Associated Press, nguy cơ gian lận phiếu bầu qua đường bưu điện là 0,0004% đến 0,0009% trong năm 2017.

 

Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Reagan, ông Larry Korb nói: “Toàn bộ quân đội Mỹ thường xuyên bỏ phiếu qua đường bưu điện. Tại sao phần còn lại của nước Mỹ thì không thể làm như vậy?”

 

Trang web uy tín chuyên tổng hợp các kết quả thăm dò, FiveThirtyEight, kết luận rằng, không có bất kỳ bằng chứng cho thấy việc bỏ phiếu qua đường bưu điện mang lại lợi ích đảng phái.

 

Justin Levitt, giáo sư luật hiến pháp tại đại học Luật Loyola, chỉ ra rằng mỗi hành vi gian lận cử tri liên quan đến bầu cử liên bang phải đối mặt với án tù 5 năm – là cái giá quá đắt để tiến hành gian lận bầu cử.

 

Làm thế nào ủy ban bầu cử có thể xử lý lá phiếu (vắng mặt) qua đường bưu điện một cách an toàn?

 

Theo trang thông tin của bang Washington hướng dẫn bỏ phiếu qua đường bưu điện, sau khi cử tri gửi lại lá phiếu đã bầu, ban bầu cử quận của cử tri sẽ thực hiện quá trình kiểm phiếu như sau nhằm bảo toàn tính trung thực của cuộc bầu cử:

 

– Chữ ký của cử tri ở bên ngoài bì thư gửi lại sẽ được đối chiếu với chữ ký trong hồ sơ đăng ký cử tri để bảo đảm rằng hai chữ ký đó trùng khớp với nhau.

 

– Cử tri được ghi lại về việc tham gia bầu cử trong cuộc bầu cử đó, nhằm bảo đảm rằng chỉ có một lá phiếu duy nhất từ mỗi cử tri được tính.

 

– Bì thư gửi lại bên ngoài được tách khỏi bì thư kín bên trong có chứa lá phiếu đã bầu của cử tri. Lá phiếu của mỗi cử tri sẽ không được truy nguyên đến cử tri đó, nhằm bảo đảm tính bảo mật của phiếu bầu của các cử tri.

 

– Tất cả các lá phiếu đều được kiểm tra kỹ lưỡng để chắc chắn rằng máy kiểm phiếu có thể đọc được tất cả các lá phiếu. Thiết bị kiểm phiếu sẽ được kiểm tra trước mỗi cuộc bầu cử để bảo đảm rằng nó sẽ hoạt động một cách chính xác.

 

– Các bước trên vẫn tiếp tục với tất cả các lá phiếu cho đến khi cuộc bầu cử được chứng nhận.

 

Bang nào cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện?

 

Hiện tại, tất cả tiểu bang cho phép ít nhất một phần cử tri bỏ phiếu vắng mặt qua đường bưu điện. Một số tiểu bang cho phép tất cả các cử tri đã đăng ký bầu cử nhận được một lá phiếu vắng mặt trong một bì thư gửi đến nhà qua đường bưu điện, và một số tiểu bang yêu cầu lý do cụ thể cho lá phiếu vắng mặt.

 

Mỗi tiểu bang có các chính sách và quy định khác nhau đối với các cử tri muốn bỏ phiếu qua đường bưu điện. Ví dụ một số tiểu bang chỉ yêu cầu chữ ký của cử tri, trong khi các tiểu bang khác yêu cầu chữ ký của nhân chứng hoặc công chứng của một phong bì gửi phiếu bầu.

 

Đảng Cộng hòa và Dân chủ có ủng hộ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện không?

 

Đồng thuận chung của hai chính đảng là ủng hộ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện bởi nó tạo điều kiện cho nhiều cử tri tham gia củng cố nền dân chủ. Hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện được cả đảng Cộng hòa và Dân chủ thường xuyên thực hiện tại các cuộc bầu cử Mỹ trong hơn 200 năm qua. Nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford chỉ ra rằng, không có lợi ích đảng phái bằng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney nói rằng 90% cử tri tại tiểu bang Utah của ông bỏ phiếu qua đường bưu điện.

 

Người Mỹ cảm thấy thế nào về việc bỏ phiếu qua thư?

 

Khoảng một phần tư cử tri Mỹ đã bỏ phiếu bằng đường bưu điện trong giai đoạn giữa năm 2018, nhiều hơn gấp đôi so với 20 năm trước đây. Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research Center cho thấy, hơn 70% người Mỹ, bao gồm 49% cử tri Cộng hòa, nhận định rằng, hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện nên dành cho mọi cử tri. Sự ủng hộ của cử tri Cộng hòa tăng gần 70% ở nhiều bang có thâm niên bỏ phiếu qua đường bưu điện.

 

Trong cuộc thăm dò mới đây của Reuters, 72% người trưởng thành ở Mỹ, bao gồm 65% cử tri đảng Cộng hòa, ủng hộ việc bỏ phiếu qua đường bưu điện nếu như đại dịch coronavirus tiếp tục đe doạ sự an toàn của cử tri.

 

Tại sao ông Trump chống đối hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện?

 

Thời gian gần đây, Trump thường xuyên phát biểu không căn cứ, chỉ trích bỏ phiếu qua đường bưu điện, cho rằng hình thức này gây ra gian lận bầu cử. Các phát biểu của Trump đều được các chuyên gia chứng thực là sai lệch và không căn cứ. Trong thực tế, Donald J. Trump và những người thân cận của ông cũng bỏ phiếu bằng đường bưu điện trong cuộc bầu cử năm 2016.

 

Sau những phát biểu liên tục tấn công hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Liên Bang, Ellen Weintraub, đã phải viết bài nhằm hướng dẫn dư luận về các thông tin đúng đắn. Bà viết:

 

“Đảng Dân chủ đã nghiên cứu về vấn đề này (bầu cử qua đường bưu điện), đảng Cộng hòa cũng nghiên cứu vấn đề này và không một chính đảng nào có thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự gian lận cử tri trong lịch sử hoặc đặc biệt trong cuộc bầu cử năm 2016. Không có bất kỳ cơ sở nào để tuyên bố rằng cuộc bầu cử sẽ gian lận tràn lan do in phiếu bầu bất hợp pháp. Không có bất kỳ cơ sở nào để tuyên bố rằng cuộc bầu cử sẽ là gian lận vì các lá phiếu có thẻ được ký gian lận. Tuyên bố việc bỏ phiếu qua đường bưu điện là gian lận đơn giản là một sự dối trá đã bị vạch trần. Sự giả dối này có thể làm suy yếu niềm tin của người dân Mỹ vào nền dân chủ của chúng ta. Các nhà lãnh đạo đúng nghĩa nói sự thật. Đặc biệt là trong một mùa bầu cử đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus, bất ổn kinh tế và những cái chết, người dân Mỹ xứng đáng không gì khác hơn ngoài sự thật từ các nhà lãnh đạo của chúng ta”.

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lý do Trump bôi đen hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện là vì Trump muốn vẽ ra một kịch bản để phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11 nếu ông thua cuộc. Trump sẽ đổ lỗi cho đảng Dân chủ gian lận bầu cử bằng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện, nên ông mới thua. Nói cách khác, Trump cố tình bôi nhọ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện để định hướng những cử tri trung thành của mình, rằng ông không thể thua trong một cuộc bầu cử công bằng và hợp pháp. Và nếu như ông thua, thì chỉ là do gian lận và bất hợp pháp.

 

Domingo Garcia, chủ tịch Liên minh Công dân Mỹ gốc Latinh, chia sẻ sự lo lắng: “Một lần nữa, tôi lo ngại rằng chúng ta có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu chúng ta có một tổng thống nói cuộc bầu cử đã bị phá hoại bởi cử tri đã bỏ phiếu qua đường bưu điện. Điều đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn với nền dân chủ Mỹ”.

 

--------------------------------------

 

XEM THÊM

Mỹ : Trump bị phản đối khi đề nghị dời ngày bầu cử tổng thống

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 31/07/2020 - 14:44

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200731-m%E1%BB%B9-trump-b%E1%BB%8B-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-khi-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-d%E1%BB%9Di-ng%C3%A0y-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng

 

Ngày 30/07/2020, tổng thống Donald Trump đề nghị dời ngày bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 03/11/2020. Tuy nhiên, đề xuất này của chủ nhân Nhà Trắng gặp phải nhiều phản ứng mạnh, kể cả trong nội bộ đảng Cộng Hòa.

 

Từ New York, thông tín viên Loudna Anaki tường trình :

 

« Ngay cả trong nội bộ những người thân cận nhất của ông Donald Trump, ý tưởng về khả năng lùi ngày bầu cử tổng thống cũng gây ra những phản ứng rất dứt khoát.

 

Mitch McConnell, người đứng đầu phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, đã khẳng định cuộc bầu cử sẽ vẫn diễn ra như dự kiến và trong quá khứ, ngay cả khi xảy ra khủng hoảng, ngày bầu cử tổng thống chưa bao giờ bị hoãn.

 

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người kiên quyết bảo vệ ông Donald Trump, cũng bác ý tưởng hoãn ngày bầu cử. Nhiều lãnh đạo Cộng Hòa khác cũng có chung quan điểm dù họ tránh công khai chỉ trích gợi ý của tổng thống.

 

Về phía đảng Dân Chủ, các dân biểu cũng bác những ẩn ý của chủ nhân Nhà Trắng liên quan đến nguy cơ gian lận hàng loạt do bỏ phiếu qua đường bưu điện, đang được triển khai rộng vì đại dịch.

 

Về nguyên tắc, tổng thống Donald Trump không có quyền thay đổi ngày bầu cử, chỉ có Nghị Viện mới có thể đưa ra một quyết định như vậy. Nhưng gợi ý của tổng thống sắp mãn nhiệm một lần nữa cho thấy ông ý thức được việc đang mất tín nhiệm trong cuộc tranh cử. Hoặc cũng có thể ông lại đánh lạc hướng dư luận như vẫn thường làm.

 

Hôm qua, các con số và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề vững mạnh như tổng thống vẫn nhắc đi nhắc lại. »

 

 

 

 

 


HỒNG KÔNG : BỊ LOẠI KHỎI BẦU CỬ, PHE DÂN CHỦ THỀ TIẾP TỤC ĐẤU TRANH (RFI)



Hồng Kông : Bị loại khỏi bầu cử, phe dân chủ thề tiếp tục đấu tranh

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 31/07/2020 - 13:57

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200731-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-b%E1%BB%8B-lo%E1%BA%A1i-kh%E1%BB%8Fi-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-phe-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-th%E1%BB%81-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-%C4%91%E1%BA%A5u-tranh

 

Hôm nay, 31/08/2020, Hoàng Chi Phong, gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, đã hứa sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh, mặc dù nhiều ứng cử viên Hội đồng Lập pháp, trong đó có bản thân anh, bị loại khỏi cuộc bầu cử.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9d5fc43e-bea5-11ea-9582-005056bff430/w:980/p:16x9/2020-06-30T000000Z_710607411_RC2FJH9812RV_RTRMADP_3_HONGKONG-PROTESTS-WONG.webp

Hoàng Chi Phong, gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông, bị loại khỏi cuộc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp. REUTERS - Joshua Roberts

 

Hôm 30/072020 chính quyền Hồng Kông đã thông báo 12 ứng cử viên của phe dân chủ là họ không được quyền ra tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 9 để bầu lại Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện của thành phố. Trong thông cáo, chính quyền đặc khu nêu lên các lý do của việc loại các ứng cử viên đó, chẳng hạn như một số ứng cử viên đã chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông, hoặc không chịu công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Một số ứng cử viên thậm chí còn bị loại với lý do là họ muốn … giành đa số ở Hội đồng Lập pháp !

 

Đúng là phe dân chủ đang hy vọng là, sau phong trào biểu tình rầm rộ năm 2019  và sau thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tháng 11 năm ngoái, họ sẽ có thể giành được đa số ở Hội đồng Lập pháp, mà cho tới nay vẫn do phe thân Bắc Kinh nắm giữ.

 

Đối với phe dân chủ, việc loại các ứng cử viên của họ là một vụ « gian lận bầu cử » chưa từng có trong lịch sử Hồng Kông. Trong cuộc họp báo hôm nay, Hoàng Chi Phong tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cự và chúng tôi hy vọng là thế giới sẽ đứng về phía chúng tôi trong những cuộc chiến đấu sắp tới ».

 

Theo nhận định của hãng tin AFP, việc loại các ứng cử viên phe dân chủ khỏi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp là một bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh siết chặt thêm sự kiểm soát đối với Hồng Kông, mặc dù cựu thuộc địa Anh Quốc phải được hưởng một quyền tự trị rộng rãi cho đến năm 2047, theo nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ ».

 

Hồng Kông hoãn bầu cử Hội đồng Lập pháp

 

Ngày 31/07/2020, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chính thức thông báo hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng Chín, do dịch Covid-19 tái bùng phát. Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đây là « quyết định khó khăn nhất trong 9 tháng vừa qua ». Cuộc bỏ phiếu bị dời lại đúng một năm, và dự trù được tổ chức vào ngày 05/09/2021. Chắc chắn phe đối lập sẽ phản đối mạnh mẽ quyết định nói trên.

 

-----------------------------------------------------

 

Nathan Law: “Tôi hy vọng rằng, tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua tự kiểm duyệt”

Phong trào DVHK

01/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/01/nathan-law-toi-hy-vong-rang-tat-ca-cac-ban-co-the-manh-me-de-chong-lai-khung-bo-trang-thay-vi-chiu-thua-tu-kiem-duyet/

 

Giống như tất cả các bạn, tôi phát hiện ra rằng tôi – cùng với năm người Hồng Kông khác hiện đang ở nước ngoài – nằm trong danh sách truy nã vì đã vi phạm NSL (luật ANQG) từ các báo tin tức. Tôi không biết tội phạm của tôi là gì và tôi không nghĩ rằng điều đó thậm chí có còn quan trọng không. Đây là những lời buộc tội vô căn cứ. Có lẽ, cuối cùng chỉ có một câu trả lời là tôi yêu Hồng Kông quá nhiều.

 

Kể từ năm 2014, tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm: Từ lãnh đạo sinh viên đến thành viên Hội đồng Lập pháp, và từ một tù nhân đến một nhà vận động quốc tế, tôi đã không một phút nào phản bội các giá trị và khát vọng dân chủ của Hồng Kông. Mọi người có thể nghĩ tôi không trung thực nếu tôi nói rằng tôi có thể tưởng tượng sáu năm trước rằng, vào thời điểm Hồng Kông bị phá hủy hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vào năm 2020, do đó tôi phải ra đi, đi xa quá thực sự không biết khi nào tôi có thể trở về nhà.

 

Tôi đã chuẩn bị tinh thần rời khỏi Hồng Kông để lưu vong; nhưng khi điều này trở thành hiện thực vẫn làm tôi thất vọng, mất năng lực và làm tôi sợ hãi. Thật vậy, ai có thể tận hưởng sự tự do khỏi nỗi sợ hãi khi đối mặt với bộ máy chính trị hùng mạnh của Trung Quốc? Điều chúng ta có thể chọn là làm thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi này: Đối với tôi, đó là hành động.

 

Tôi luôn luôn ủng hộ tự do và dân chủ ở Hồng Kông, cần có các lệnh trừng phạt của chính phủ nước ngoài đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người bóp nghẹt nhân quyền, cần có phản ứng quốc tế tích cực đối với các trại tập trung ở Tân Cương và sự sụp đổ của quyền tự trị Hồng Kông.

 

Các vụ bắt giữ, việc truất quyền ứng viên dân chủ, các bản tin truy nã – đây là những dấu hiệu cho thấy chúng tôi cần duy trì hoạt động trên mặt trận toàn cầu nhiều hơn nữa. Hồng Kông đã không có chỗ cho những quan điểm ôn hòa khi chúng ta nhấn mạnh sự phi lý của sự cai trị của Cộng sản Trung Quốc. Tôi thực sự yêu Hồng Kông: Địa hình, văn hóa, rung cảm. Nhưng điều tôi thích nhất là giá trị của người Hồng Kông và tương lai của mọi cư dân. Những gì tôi phải đối mặt là lớn hơn nhiều so với lợi ích và thua thiệt của riêng tôi. Cái giá của sự dịch chuyển là những gì tôi đã sẵn sàng trả giá.

 

Phương tiện truyền thông, mạng xã hội của tôi sẽ vẫn hoạt động. Tôi cũng hy vọng rằng tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua nó và tự kiểm duyệt. Đồng thời, tôi xin nhắc lại: Công việc vận động của tôi ở nước ngoài được thực hiện trong khả năng cá nhân của tôi, không có bất kỳ sự hợp tác nào với người khác. Kể từ khi rời Hồng Kông, tôi cũng đã ngừng liên lạc với các thành viên trong gia đình. Từ giờ trở đi, tôi sẽ cắt đứt mối quan hệ với họ.

 

Tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ sự an toàn của mình. Xin đừng lo lắng về tôi. Tôi vẫn có niềm tin vào tương lai.

 

Nguồn: FB Nathan Law

 

 

 

 

 


View My Stats