Tuesday 31 August 2021

40 NĂM THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM : 4 VẤN ĐỀ GIÁO HỘI KHÔNG MUỐN NHẮC ĐẾN (Thái Thanh - Luật Khoa)

 


40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 4 vấn đề giáo hội không muốn nhắc đến

THÁI THANH  -  LUẬT KHOA

29/08/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/08/40-nam-thanh-lap-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-4-van-de-giao-hoi-khong-muon-nhac-den/

 

Những phần lịch sử bị lãng quên của Phật giáo Việt Nam.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image1-1024x536.jpg

Đoàn Phật giáo diễu hành trong lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5 năm 1985 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tim Page/ CORBIS.

 

                                                        *

 

Sau ngày 30/4/1975, tương lai mà các nhà sư miền Nam mong đợi đã không đến. Sự tự do ở miền Nam trở thành một trong những vấn đề của Bắc Việt. Các tổ chức, hiệp hội, phong trào, giáo hội, v.v. đều là mối đe dọa đối với miền Bắc vì mối nghi ngờ họ có thể dính líu với CIA – Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ.

 

Trong số những người bị nghi ngờ đó có cả các nhà sư của khối Ấn Quang, những người đã góp phần lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 rồi tái lập một giáo hội có thanh thế lớn ở miền Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

 

Năm 1977, ba nhà sư của khối Ấn Quang bị đưa đi thẩm tra, nhưng chỉ có hai người bước ra khỏi nhà giam. Đó là Thượng tọa Thích Quảng Độ và Thượng tọa Thích Huyền Quang. Người còn lại, Thượng tọa Thích Thiện Minh, đã chết trong trại giam vào tháng 10/1978. [1]

 

Theo Hòa thượng Thích Đôn Hậu, trước khi thành viên của Viện Hóa Đạo của giáo hội đến chứng kiến, thi thể của Thượng tọa Thiện Minh đã được đưa vào quan tài chỉ để lộ mỗi gương mặt. Các nhà sư cũng không được phép mang thi thể ông về an táng. [2]

Tháng 11 tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kỷ niệm 40 năm thành lập. Sau đây là bốn vấn đề có thể bạn chưa biết và có lẽ giáo hội cũng không muốn nhắc đến.

 

 

1. Quan điểm thật sự của Hòa thượng Thích Đôn Hậu về việc thống nhất Phật giáo năm 1981 không được nói rõ

 

Nếu đọc các bài viết về kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN, bạn sẽ cảm giác như tất cả các nhà sư đều đồng lòng thống nhất Phật giáo vào năm 1981. Bài viết Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đăng vào tháng 5/2021 là một ví dụ. [3]

 

Bài viết ghi: “HT. Thích Đôn Hậu phát biểu: ‘Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo’.” Tiếp theo: “Toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão HT. Thích Đức Nhuận và HT. Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp”. Kết quả là Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 13/2/1980.

 

Với thông tin như vậy, bạn sẽ nghĩ rằng Hòa thượng Đôn Hậu hết lòng ủng hộ việc thống nhất Phật giáo vào năm 1981 để lập ra GHPGVN như ngày nay. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa sự thật.

 

Theo ông Đỗ Trung Hiếu (Mười Anh), người từng là cán bộ Ban Tôn giáo TP. Hồ Chí Minh và có vai trò quan trọng trong việc thành lập GHPGVN, Hòa thượng Đôn Hậu đã rời khỏi cuộc họp đó trong buổi sáng và không tham gia nữa do bất đồng quan điểm về việc thống nhất Phật giáo. Chi tiết này được ông kể lại trong cuốn sách “Thống nhất Phật giáo Việt Nam”, do nhà xuất bản Quê Mẹ phát hành năm 1995. [4]

 

Theo tài liệu này, “quan điểm trước sau như một” của Hòa thượng Đôn Hậu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ở miền Nam và Hội Phật giáo Thống nhất ở miền Bắc hợp lại thành một, hàng giáo phẩm, tăng ni, Phật tử tự quyết định mọi việc. [5]

 

Quan điểm này không được chính quyền và các nhà sư ủng hộ nhà nước đồng ý, do lo ngại giáo hội nếu được thống nhất theo cách này sẽ tuột khỏi sự kiểm soát của đảng.

 

Trong lá thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa nhậm chức khi ấy, Hòa thượng Đôn Hậu viết: “… khi Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, tuy quý vị có ghi tên tôi vào Ban vận động… nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật”. [6]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image2-1-1024x512.jpg

Hòa thượng Thích Đôn Hậu.  Ảnh: Phật học Đời sống.

 

Vì sao sự hiện diện của Hòa thượng Đôn Hậu lại quan trọng đến mức giáo hội không muốn tiết lộ quan điểm bất đồng của ông và phải đưa bằng được tên ông vào Hội đồng chứng minh?

 

Theo hiến chương năm 1964, GHPGVNTN có hai viện: Viện Tăng thống và dưới viện này là Viện Hóa Đạo.

 

Từ năm 1979, Hòa thượng Thích Đôn Hậu là tăng thống của GHPGVNTN. Với chức vụ này, ông trở thành người lãnh đạo giáo hội. [7]

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam, không thể thống nhất Phật giáo sau năm 1975 mà không có sự đồng thuận của họ. Trong khi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo đã đồng ý tham gia theo chủ trương, việc còn lại là dàn xếp sự hiện diện của Hòa thượng Thích Đôn Hậu sao cho có vẻ như hai viện của giáo hội đều tán đồng thống nhất Phật giáo vào năm 1981, dù thực tế không đúng như vậy.

 

Có thể thấy, GHPGVN ngày nay được thành lập không dựa trên sự tán thành của tất cả thành viên cấp cao của GHPGVNTN, đặc biệt là Hòa thượng Đôn Hậu, Tăng thống của giáo hội.

 

 

2. Quần chúng Phật tử không còn là trung tâm của giáo hội trong Hiến chương 1981

 

Quần chúng Phật tử là thành phần quan trọng của Phật giáo miền Nam. Nếu các nhà sư là gốc rễ của một cái cây thì Phật tử là những cành, lá của cây. Các cuộc tranh đấu trước năm 1975 của Phật giáo sẽ không thể thành công mà không có quần chúng Phật tử dũng cảm đứng bên cạnh các nhà sư.

 

Tổ chức quần chúng Phật tử là hoạt động được coi trọng trước năm 1975.

 

Hiến chương 1964 của GHPGVNTN thừa nhận tín đồ Phật tử là một thành phần của giáo hội trong một chương riêng. [8]

 

Theo hiến chương, Viện Hóa Đạo được tổ chức thành sáu tổng vụ, trong đó có Tổng vụ Thanh niên. Tổng vụ này bao gồm các vụ: Gia đình Phật tử, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Thanh niên Phật tử. Ở mỗi tỉnh có một đặc ủy thanh niên. Tổng vụ Thanh niên do Hòa thượng Thiện Minh – người chết trong trại giam được nhắc đến ở đầu bài viết này – coi sóc.

 

Đơn vị cơ sở của giáo hội là xã hoặc phường, với ban đại diện được quy định cụ thể.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-77-1024x672.jpeg

Thượng tọa Thích Quảng Độ (góc trái) cùng các tăng ni, Phật tử xô xát với cảnh sát ở Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các lãnh đạo Phật giáo đã yêu cầu chính quyền tôn trọng giáo kỳ Phật giáo, đối xử công bằng, tôn trọng tự do truyền đạo và hành đạo, ngừng đàn áp Phật tử và bồi thường cho những người thiệt mạng. Ảnh: HORST FAAS/ AP.

 

Đến năm 1981, Hiến chương của GHPGVN không có một chương riêng về tín đồ. [9] Về tổ chức quần chúng, giáo hội chỉ còn lại một chức danh là trưởng ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Hội đồng trị sự, không còn các chức danh phụ trách cụ thể về gia đình, sinh viên, học sinh, và thanh niên.

 

GHPGVN chỉ tổ chức các ban trị sự cấp tỉnh. Ở cấp huyện và xã có thể không có ban đại diện. Đáng chú ý nhất là đơn vị cơ sở của giáo hội đã thu hẹp hết mức, chuyển từ xã, phường thành các “Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường”.

 

Theo ông Đỗ Trung Hiếu, việc thay đổi đơn vị cơ sở của giáo hội cho thấy giáo hội đã lấy chùa làm trung tâm, thay vì quần chúng Phật tử như trước đó. [10]

 

Sau 40 năm thành lập GHPGVN, số tín đồ Phật giáo theo Tổng Điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019 chỉ còn 4,6 triệu người, giảm hơn 30% so với năm 2009, trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ hai tại Việt Nam, sau Công giáo. [11]

 

 

3. Cờ Phật giáo bị loại bỏ trong Hiến chương GHPGVN trong 26 năm

 

Có một điều vô cùng bất thường trong Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo năm 1981 là không một lá cờ Phật giáo nào được treo, thay vào đó là cờ đỏ sao vàng và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-78.jpeg

Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Cờ Phật giáo được Hòa thượng Thích Tố Liên treo lần đầu tiên tại chùa Quán Sứ vào năm 1951, và rồi trong ba mươi năm sau đó, cũng tại ngôi chùa này, các nhà sư tham gia hội nghị thống nhất Phật giáo lại để lá cờ tuột khỏi hiến chương của giáo hội.

 

Trong 40 năm thành lập, GHPGVN có đến 26 năm (1981 – 2007) không đưa được giáo kỳ – một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế – vào trong hiến chương của mình. [12]

 

Cờ Phật giáo không đơn giản là một mảnh vải năm màu. Dưới lá cờ này, các nhà sư và Phật tử đã tranh đấu quyết liệt, đánh đổi bằng nhiều tánh mạng để bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo, gầy dựng thanh thế của Phật giáo ở miền Nam và trên trường quốc tế.

 

Cũng chính vì để giữ lấy giáo kỳ mà nhiều tăng, ni đã tự thiêu để phản đối chế độ mới cấm treo cờ Phật giáo sau năm 1975, điển hình như vụ tự thiêu của 12 tăng, ni chùa Dược Sư, tỉnh Cần Thơ vào tháng 11/1975. [13]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-79-1024x692.jpeg

Cờ Phật giáo được treo cùng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 1/5/1975 tại khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Sau đó, chính quyền đã cấm treo cờ Phật giáo. Ảnh: Herve GLOAGUEN/ Gamma-Rapho via Getty Images.

 

4. Phủ nhận sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

 

Lời nói đầu trong Hiến chương năm 1981 của GHPGVN tuyên bố “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”. [14]

 

Trong khi đó, Hòa thượng Đôn Hậu đã tuyên bố ông vẫn lãnh đạo GHPGVNTN. Từ đây, các nhà sư đã chia ra thành hai phe. Nhà sư hợp pháp theo GHPGVN khoác lên mình chiếc áo mới hợp thời hơn, đồng thời đẩy những nhà sư từng tranh đấu với họ trước năm 1975 trở thành các nhà sư bất hợp pháp.

 

Hơn ba tháng sau khi GHPGVN ra đời, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh trục xuất Thượng tọa Quảng Độ và Thượng tọa Huyền Quang ra khỏi thành phố vào ngày 25/2/1982. [15] Năm tháng sau, Ấn Quang Tự, trụ sở của GHPGVNTN bị cưỡng chiếm. Trong năm ngày, toàn bộ tài liệu của giáo hội đã bị đốt bỏ. [16]

 

Năm 1997, GHPGVN sửa đổi hiến chương với lời nói đầu ghi: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam”. [17]

 

Sau khi Hòa thượng Đôn Hậu qua đời vào tháng 4/1992, Hòa thượng Huyền Quang nhậm chức tăng thống, tiếp tục lãnh đạo GHPGVNTN cho đến năm 2008. Chức tăng thống sau đó được Hòa thượng Thích Quảng Độ đảm nhận cho đến năm 2020. Hiện nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đảm trách Xử lý Viện Tăng Thống của GHPGVNTN. [18]

 

Trong khi GHPGVN được phép xây dựng những ngôi chùa cao lớn, GHPGVNTN chật vật với việc duy trì các hoạt động và chịu đựng các hành động đe dọa của chính quyền.

 

Hòa thượng Thích Huyền Việt, người điều hành Văn phòng 2 Viện Hóa đạo của GHPGVNTN tại Texas, Mỹ (đề phòng văn phòng trong nước không hoạt động được), nói với VOA rằng dù hàng giáo phẩm của giáo hội trong nước còn ít người nhưng “từ tăng, ni cho đến Phật tử vẫn còn hàng hàng lớp lớp”. [19]

 


Cập nhật (30/8/2021, 14:52): Bài viết sửa lại đúng tên Hòa thượng Thích Huyền Quang. Do sơ suất, bản gốc viết nhầm thành Thích Huyền Trang. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc.

 

*

 

Chú thích :

 

1.  Trần Phương. (2021, March 1). Hòa thượng Thích Quảng Độ: Một đời tranh đấu. Luật Khoa. 

https://www.luatkhoa.org/2020/03/hoa-thuong-thich-quang-do-mot-doi-tranh-dau/

 

2.  RFA. (2015, April 27). Cuộc đàn áp quy mô Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau 30/4

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/scale-of-a-crackdown-yl-04272015154522.html

 

3.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2021, May 15). Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam

https://web.archive.org/web/20210806080143/https%3A%2F%2Fphatgiao.org.vn%2Ftien-trinh-van-dong-thong-nhat-phat-giao-viet-nam-d47140.html

 

4.  Đỗ Trung Hiếu. (1995). Thống nhất Phật giáo Việt Nam, trang 29. Quê Mẹ. 

https://pttpgqt.org/wp-content/uploads/2013/12/Thong-nhat-Phat-giao_Do-Trung-Hieu.pdf

 

5.  Xem [4], trang 13, 14.

 

6.  Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. (1981, November 28). Thư gửi Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt nam. Tu Viện Quảng Đức. 

https://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htdonhau/05thugoihttrithu.html

 

7.  Tu viện Quảng Đức. (2010). Tiểu sử Hòa thượng Thích Đôn Hậu

https://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htdonhau/02nienbieu.html

 

8.  Nam Thanh. (1964). Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

http://thuvienhoasen.org/images/file/DsjMXp1G0QgQAFAw/cuocdautranhlichsu-pgvn.pdf 

 

9.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2012). Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Đại hội I).

https://phatgiao.org.vn/hien-chuong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-dai-hoi-i-d9066.html

 

10.  Xem [4], trang 44.

 

11.  Luật Khoa. (2021, February 18). Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng

https://www.luatkhoa.org/2021/02/thong-ke-so-tin-do-phat-giao-nha-nuoc-noi-giam-giao-hoi-hut-hang/

 

12.  Ban Dân vận, Tỉnh ủy Tuyên Quang. (2021). Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Web Archive. 

http://web.archive.org/web/20210807040435/https://bdv.tuyenquang.dcs.vn/DetailView/2309/6/Doi-net-ve-dao-Phat-va-Giao-hoi-Phat-giao-Viet-Nam.html

 

13.  Luật Khoa. (2020, March 8). Phật giáo miền Nam sau 30/4/1975: Khi các nhà sư vỡ mộng

https://www.luatkhoa.org/2020/03/mien-nam-sau-30-4-1975-khi-cac-nha-su-vo-mong/

 

14.  Xem [9]

 

15.  Luật Khoa. (2020, March 1). Hòa thượng Thích Quảng Độ: Một đời tranh đấu

https://www.luatkhoa.org/2020/03/hoa-thuong-thich-quang-do-mot-doi-tranh-dau/

 

16.  Xem [2]

 

17.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2012b). Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu chỉnh năm 1997

https://phatgiao.org.vn/hien-chuong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-d9937.html# 

 

18.  SBS. (2020, April 29). HT Thích Tuệ Sỹ phụng thừa di huấn của Đức Cố Đệ Ngũ Tăng Thống lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

https://www.sbs.com.au/yourlanguage/audiotrack/tuong-lai-vien-tang-thong-ghpgvntn

 

19.  VOA. (2020, July 21). Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tìm cách duy trì hoạt động

https://www.voatiengviet.com/a/gi%C3%A1o-h%E1%BB%99i-ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-vi%E1%BB%87t-nam-th%E1%BB%91ng-nh%E1%BA%A5t-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-duy-tr%C3%AC-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng/5510520.html





CHÍNH TRỊ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TẤT CẢ CHÚNG TA, NHỮNG NGƯỜI BÌNH DÂN Ạ (Nguyên Sa - Luật Khoa)

 


 

Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, những người bình dân ạ

NGUYÊN SA  -  LUẬT KHOA

31/08/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/08/chinh-tri-anh-huong-den-tat-ca-chung-ta-nhung-nguoi-binh-dan-a/

 

Nếu thờ ơ, bạn đang để yên cho các chính trị gia muốn làm gì cuộc đời bạn thì làm.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/DS-1024x536.jpg

Minh họa: Nerial/ Wired

 

                                                        *

 

Tôi nghĩ không có lúc nào thích hợp hơn để nhắc lại điều này: Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

 

Nếu nhìn lại chỉ vài tháng trước đây, khi COVID-19 cùng biến chủng mới Delta vẫn chưa hoành hành ở Việt Nam, có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn đang ngồi ngoài quán café, lướt Facebook và bĩu môi chê một người nào đấy hay viết bài chất vấn chính quyền là “chính trị quá”.

 

Bây giờ đã khác. Những ngày qua, chúng ta phải miệt mài google để hiểu Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 10, 12, 19 khác nhau như thế nào. Chúng ta ngơ ngác hỏi nhau không biết từ chối tiêm vaccine thì có bị phạt không, từ chối xét nghiệm thì có bị phạt không, muốn nhận hỗ trợ vì mất việc làm thì phải liên hệ với phòng ban nào, theo văn bản nào.

 

Nếu từ chối quan tâm đến chính trị như trước kia, e là khó sống.

 

Nếu bạn sống ở những địa phương đang bùng phát dịch nghiêm trọng như TP. Hồ Chí Minh, những ngày này, quan hệ với chính trị lại còn căng thẳng gấp bội.

 

Chính trị quyết định ngày mai bạn có được tự đi chợ không hay phải nhờ bộ đội. Chính trị quyết định bạn có được đi làm không. Chính trị quyết định bạn có được gọi shipper không, trong quận hay liên quận. Nó quyết định bạn có được đi thăm gia đình không, có được đi tập thể dục không, có được đi nhận thùng rau mà gia đình gửi không, có thể mua sách giáo khoa cho con bạn không – chính trị quy định cái gì là thiết yếu trong đời bạn. Chưa bao giờ những quá trình chính trị làm nên chính sách công của trung ương và địa phương lại ảnh hưởng đến từng miếng ăn của bạn – theo đúng nghĩa đen – như vậy.

 

Giai đoạn này nên được ghi lại trong lịch sử hiện đại của Việt Nam không chỉ với từ khóa đại dịch COVID-19, mà còn như một trong những thời điểm mà chính trị trở nên sát sườn nhất với từng người dân.

 

 

Chính trị là gì?

 

“Chính trị quá”, ở Việt Nam, đã luôn là một nhận xét tiêu cực. Thái độ tiêu cực này đến từ hai quan điểm phổ biến. Một là chính trị là nơi người ta tranh giành quyền lực với nhiều thủ đoạn đê hèn (có lẽ là từ phim ảnh mà ra), và hai là người ta có thể (và nên) chọn sống một cuộc đời vô tư không cần quan tâm đến chính trị (một phần do giáo dục trong chế độ độc tài).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/da-co-dang-va-nha-nuoc-lo-1024x529.jpg

Chính trị chính em làm gì cho mệt, đã có Đảng và Nhà nước lo! Minh họa: Luật Khoa.

 

Tính sơ sơ theo tìm hiểu của tác giả Phạm Đoan Trang trong cuốn “Chính trị bình dân” (2017), [1] có ít nhất bốn cách hiểu khác nhau về chính trị. [2]

 

1. Chính trị là quá trình ra các chính sách công (tức là chính sách của chính quyền).

 

2. Chính trị là việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước, do các đảng phái tổ chức chính trị và các cá nhân là chính trị gia thực hiện.

 

Hai cách hiểu hẹp này có hàm ý chính trị là những chuyện chỉ xảy ra trên chính trường và do một thiểu số người thực hiện. Nói nôm na, nó không phải việc của bạn, tất cả đã có Đảng và Nhà nước lo.

 

Nhưng đó mới chỉ là phân nửa câu chuyện. Vẫn còn hai cách hiểu về chính trị khác.

 

3. Chính trị là những gì diễn ra trong lĩnh vực công, tức những gì thuộc không gian chung, của cộng đồng. Những gì diễn ra trong khu vực tư thì không phải là chính trị.

 

Như vậy, ngoài những gì diễn ra trong gia đình, câu lạc bộ, công ty của bạn – tức khu vực tư – những không gian bên ngoài đều là địa bàn của chính trị.

 

Sân chơi rộng hơn rồi nhỉ. Vẫn còn một định nghĩa khác nữa:

 

4. Chính trị là việc gây ảnh hưởng đến người khác, chẳng hạn và rõ rệt nhất là tác động lên chính sách.

 

Với định nghĩa này thì chính trị là thứ có mặt trong mọi hoạt động, tương tác xã hội. Khi bạn muốn tác động đến một ai đó để thay đổi tình huống theo cách bạn muốn, bản chất của việc đó đã là làm chính trị rồi.

 

Nếu hiểu theo nghĩa này, có lẽ chúng ta đang làm chính trị mỗi ngày.

 

Giả sử một tình huống quen thuộc: Có lệnh cấm người dân tự đi chợ, thay vào đó phải đăng ký qua tổ dân phố để nhờ đi chợ hộ. Tổ trưởng tổ dân phố của bạn lại không nhiệt tình lắm. Bạn sẽ phải nghĩ, bạn cần liên hệ với ai, gây tác động thế nào, trao đổi trên nền tảng nào, cơ chế đặt hàng sao cho hợp lý. Bạn đi đến quyết định là rủ mọi người trong xóm thành lập một nhóm Zalo và mời cô tổ trưởng, hội trưởng hội phụ nữ và công an khu vực cùng tham gia. Quá trình xây dựng nhóm Zalo đó không gì khác hơn chính là tham gia chính trị – gọi tắt là tham chính.

 

 

Tác động để tạo ra thay đổi – có phải là chuyện viển vông?

 

Nếu không phải bị đặt vào tình huống rủi ro thiếu lương thực trong đại dịch này, có lẽ bạn cũng giống tôi, chẳng cần biết tổ trưởng tổ dân phố nơi mình sống là ai.

 

Thờ ơ với chính trị và những gì thuộc về nhà nước từ lâu đã là một lối sống được cổ xúy. Chính quyền độc tài thích việc này, vì họ sẽ chẳng bị ai giám sát, phàn nàn hay đòi hỏi gì cả, muốn làm gì tùy ý. Như một hệ lụy, những module giáo dục pháp luật trong trường học hướng đến mục tiêu dạy nên những công dân biết tuân thủ chứ không biết phản biện; ở cấp đại học, người ta không tìm ra một trường nào có ngành khoa học chính trị đường hoàng; sách viết về chính trị cho người bình dân hầu như không có.

 

Những nhà hoạt động xã hội không thích chuyện đó. Họ miệt mài kêu gọi để người dân quan tâm đến chính trị hơn và tích cực tham chính – tham gia vào chính trị để biết và gây tác động đến những quyết định hệ trọng với cuộc sống của chính họ.

 

Có những người như Phạm Đoan Trang, cô viết miệt mài để cung cấp những kiến thức bị giấu giếm cho người bình dân, dù thêm một cuốn sách ra đời là cô tiến một bước gần hơn đến cánh cửa nhà tù.

 

“Chính trị bình dân” là cuốn sách hiếm hoi bằng tiếng Việt cung cấp cho một người bình dân nhất những chỉ dẫn mà họ cần để sinh tồn trong nền chính trị này. Trong đó, có những cách để tạo ra thay đổi mà họ muốn thấy (Chương II – Hoạt động chính trị).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/deo-nguoc-khau-trang-1024x731.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra công tác chống dịch tại Bình Dương ngày 27/8. Bạn nhìn kỹ một chút sẽ thấy ông ấy đeo ngược khẩu trang (chữ 3M ngược). Ảnh đăng trên trang chinhphu.vn sau đó đã được sửa lại cho… xuôi. Bạn có nghĩ rằng các chính trị gia này lúc nào cũng ra quyết định đúng đắn?

 

Hai lời khuyên sát sườn nhất vào lúc này có lẽ là biểu tình và làm truyền thông.

 

Chắc bạn chưa quên vụ bánh mì không phải thực phẩm ở Nha Trang. Sau khi báo chí và cộng đồng mạng lên tiếng thì vị phó chủ tịch phường thô bạo đã phải xin lỗi và chịu kiểm điểm, thành phố Nha Trang đã phải ra văn bản làm rõ những mặt hàng thiết yếu. [3]

 

Ở Hà Nội, khi mới giãn cách, chính quyền ra yêu cầu người dân ngoài giấy đi đường còn phải trình lịch làm việc thì mới được lưu thông. Quy định này bị bãi bỏ chỉ sau một ngày bị phản đối. [4]

 

Ngày 27/8, hàng trăm người dân ở quận 9 đã kéo nhau xuống đường phản ứng vì sau hai tháng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước. Ngay sau đó một ngày, chính quyền địa phương mang tiền xuống phát cho họ. [5]

 

Mới đây nhất, sau một tuần thử nghiệm mô hình đi chợ hộ đầy những điểm vô lý, chính quyền đã từ bỏ ý định thay một hệ thống phân phối chuyên nghiệp bằng một lực lượng tình nguyện chạy bằng cơm và cho shipper trở lại hoạt động. [6]

 

Những sự thay đổi kể trên không thể xảy ra nếu như không có những đoạn phim người dân tự quay đăng lên Facebook rồi trở thành viral – được nhiều người biết đến. Đó chính là làm truyền thông. Chính quyền cũng sẽ không đời nào thay đổi nếu như người dân không biểu đạt tình cảm của mình, dưới đường phố hay trên mạng. Nghĩa đơn sơ của biểu tình chỉ là như thế: làm cho chính mình được nhìn thấy, được lắng nghe. Đòi quyền của mình – nghĩa đơn sơ nhất của việc người dân tham gia vào chính trị chỉ là như thế.

 

                                                        ***

Tôi nghĩ không có lúc nào thích hợp hơn để bạn cùng ghé mắt vào những trang sách tâm huyết mà Phạm Đoan Trang viết ra, để hiểu hơn về chính quyền mà chúng ta đang có – một chính quyền bỏ tù những nhà báo tự do.

 

Trong mùa dịch này, nếu bạn có từng một lần bất bình vì hệ thống truyền thông một chiều liên tục giấu giếm thông tin, ca ngợi chính quyền và lên án người dân, bạn hãy hiểu rằng đó là hệ quả của một nhà nước không ngừng siết chặt tự do báo chí. Ngày hôm nay, nếu như bạn vẫn còn thấy những tiếng nói trái chiều được cất lên, hãy hiểu rằng những cá nhân đó đang một mình chống lại cả một hệ thống đàn áp khổng lồ được vận hành bằng tiền thuế của chính bạn.

 

Trước đây, khi Đoan Trang và những nhà bất đồng chính kiến như cô bị bắt vì tội chống nhà nước, bạn có thể quay mặt đi nói rằng “ôi phản động thế thì bị bắt phải rồi”. Hôm nay, người bị bắt ấy hoàn toàn có thể là người vừa chở bình oxy đến giúp một người bệnh đang hụt hơi, một nhà báo chiều nào cũng đạp xe đến giúp những người vô gia cư ở những khu phố bần cùng, một bác sĩ dốc lòng cứu chữa và tư vấn miễn phí cho những bệnh nhân nguy kịch, một người dân đói không được cứu trợ lao vào ẩu đả với dân phòng, hay một người mà bạn quen, vì bất bình mà phản biện. Tất cả họ đều có thể bị chụp mũ phản động, chống phá, bị kết án. Mà bạn thấy không, thời này, trừ những người giàu sụ và thờ ơ ra, ai mà chẳng bất bình?

 

Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Dù bạn ghét hai từ chính trị đến mức nào, vài tháng quay cuồng trong những chính sách chống dịch tồi tệ vừa qua có lẽ cũng khiến bạn, như tôi, phải nghĩ ngợi.

 

Tại sao mình lại phải sống trong một đất nước quản trị tệ đến thế nhỉ?

 

Mình muốn sống trong một tập thể/ cộng đồng/ đất nước như thế nào?

 

Mình làm sao để góp phần tạo ra cộng đồng đó?

 


Bạn có thể tải cuốn sách Chính trị bình dân qua đường link: https://doantrang.liv.ngo/book-chinh-tri-binh-dan/

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

 

------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Chú thích :

 

1.  Phạm Đoan Trang (2017) Chính trị bình dân

https://doantrang.liv.ngo/book-chinh-tri-binh-dan/

 

2.  Tham khảo: Heywood, A. (1994). Politics (3rd Revised ed.). Palgrave Foundations

 

3.  Bình A. (2021, July 22). Kiểm điểm phó chủ tịch phường giam xe người đi mua bánh mì. ZingNews.vn.

https://web.archive.org/web/20210830192007/https:/zingnews.vn/kiem-diem-pho-chu-tich-phuong-giam-xe-nguoi-di-mua-banh-mi-post1240835.html

 

4.  VnExpress. (2021, August 10). Hà Nội bỏ yêu cầu người đi đường phải có “lịch trực, lịch làm việc.” vnexpress.net. 

https://vnexpress.net/ha-noi-bo-yeu-cau-nguoi-di-duong-phai-co-lich-truc-lich-lam-viec-4338188.html

 

5.  Tuổi Trẻ Online. (2021, August 29). Người dân phường Phú Hữu “chưa nhận được tiền hỗ trợ” đã được hỗ trợ. TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/nguoi-dan-phuong-phu-huu-ra-duong-vi-chua-nhan-duoc-tien-ho-tro-da-duoc-ho-tro-20210829163749004.htm?

 

6.  VnExpress. (2021, August 29). Shipper được hoạt động ở 8 quận huyện “vùng đỏ” TP HCM. vnexpress.net. 

https://vnexpress.net/shipper-duoc-hoat-dong-o-8-quan-huyen-vung-do-tp-hcm-4347844.html




TÁC ĐỘNG LAN RỘNG CỦA CUỘC THAY ĐỔI QUYỀN LỰC Ở AFGHANISTAN (Pablo Uchoa - BBC)

 


 

Tác động lan rộng của cuộc thay đổi quyền lực ở Afghanistan

Pablo Uchoa

BBC World Service

31 tháng 8 2021, 21:32 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-58385628

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1663E/production/_120301719_6f418717-b580-4d4a-a8e4-926732a110c1.jpg

Các sự kiện chính trị tại Afghanistan có tác động tới toàn khu vực và cả nhiều nơi khác trên thế giới

 

Vào lúc Taliban đang dần ổn định trong vai trò là nhà cầm quyền mới tại Afghanistan, các quốc gia khác đang chạy đua trong việc thích nghi với sự thay đổi quyền lực này.

 

Sự xáo trộn trong các trao đổi ngoại giao đã diễn ra tại nhiều thủ đô các nước trên thế giới, từ Moscow cho tới Bắc Kinh, từ Berlin cho tới Islamabad.

 

Taliban thu được nhiều vũ khí, khí tài Mỹ hiện đại

Nguồn gốc Taliban, làm thế nào ‘thắng Mỹ’?

Taliban sản xuất bao nhiêu thuốc phiện?

 

Và, như cuộc đánh bom kép nhắm vào sân bay Kabul hôm 26/8 cho thấy, các nhóm nổi dậy cũng đang có những phản ứng đối với việc Taliban lên nắm quyền.

 

Lợi ích mà những thế lực này đạt được hay mất đi là thế nào sau khi Taliban cầm quyền? Dưới đây là những ảnh hưởng có thể có từ việc thay đổi quyền lực ở Afghanistan đối với một số thế lực quốc tế quan trọng.

 

Pakistan

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/167B5/production/_120258029_ab2bdec6-6e26-4047-9485-01c4a9531d4d.jpg

Khoảng 1,4 triệu người Afghanistan đã đăng ký tị nạn tại Pakistan, nhưng ước tính còn rất nhiều người khác chưa đăng ký

 

Quốc gia láng giềng của Afghanistan có rất nhiều thứ để được hoặc mất từ việc thay đổi quyền lực tại Kabul.

 

Hai nước có chung đường biên giới 2.400km, và 1,4 triệu người tị nạn Afghanistan hiện đang đăng ký tại Pakistan với rất nhiều người nữa được cho là đang sống tại đó mà không có giấy tờ.

 

Biden cảnh cáo có khả năng còn thêm cuộc tấn công khác vào sân bay Kabul

Afghanistan: Mỹ bị áp lực về thời hạn sơ tán

'Hỗn loạn' ở Afghanistan là thất bại 'rõ ràng' của chính quyền Biden

 

Do vậy, nước này thiệt hại rất nhiều từ tình trạng bất ổn tại Afghanistan.

 

Nhưng đây có lẽ cũng là nước có mối quan hệ gần gũi nhất với Taliban.

 

Taliban, có nghĩa là "sinh viên" trong tiếng Pashto, nổi lên từ hồi đầu thập niên 1990 vùng bắc Pakistan, nơi có hàng chục triệu dân cùng nói ngôn ngữ này với người ở bên kia biên giới, thuộc Afghanistan.

 

Nhiều người Afghanistan ban đầu gia nhập phong trào này là những người đã được đào tạo tại các trường tôn giáo (madrasas) Pakistan.

 

Tuy luôn bác bỏ việc đã giúp đỡ Taliban, nhưng Pakistan là một trong ba quốc gia duy nhất, bên cạnh Ả-Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) công nhận nhóm này khi khi họ lên nắm quyền tại Afghanistan hồi thập niên 1990.

 

Pakistan cũng là quốc gia cuối cùng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Taliban.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/422F/production/_120334961_afghans_abroad_vietnamese_640_2x-nc.png

Các nước láng giềng có nhiều người Afghanistan đến nhất trong năm 2020

 

Mặc dù mối quan hệ về sau đã trở nên không suôn sẻ , Umer Karim, một học giả vãng lai từ viện nghiên cứu Royal United Services Institute London (RUSI) nói rằng "cảm nhận chung giữa các nhà ra chính sách tại Pakistan là họ đã được một số lợi ích" vào thời điểm này.

 

Với những người tại Pakistan nhìn thế giới thông qua lăng kính cạnh tranh với Ấn Độ thì việc Taliban lên nắm quyền đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan sẽ bị giảm bớt.

 

Karim nói rằng "Pakistan đặc biệt lo lắng về sự hiện diện của các văn phòng lãnh sự Ấn Độ ở dọc biên giới Afghanistan-Pakistan, tại các thành phố như Jalalabad và Kandahar.

 

"Họ coi đây như những nhà bảo trợ chính cho các thành phần chống Pakistan, chẳng hạn như nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan ở miền Bắc và một số các nhóm nổi dậy Baloch ở miền Nam."

 

Với việc Taliban lên nắm quyền, Pakistan tin rằng họ có thể sẽ tái thiết lập được ảnh hưởng của mình, Karim nói.

 

"Hầu hết hoạt động thương mại của Afghanistan diễn ra thông qua Pakistan, kể cả các sản phẩm cơ bản như bột mì, gạo, rau quả, xi măng và vật liệu xây dựng," ông nói.

 

Thêm vào đó, Pakistan muốn tạo ra một "cầu nối kinh tế đường bộ" với các quốc gia Cộng hòa Trung Á thông qua Afghanistan, nhằm kết nối nước này với nền kinh tế khu vực rộng lớn hơn.

 

Sự phụ thuộc kinh tế này có thể sẽ khiến Taliban muốn hợp tác với Pakistan trong một loạt các vấn đề, gồm cả vấn đề an ninh.

 

"Một chính phủ Taliban đã phải đối diện với sự cô lập toàn cầu thì sẽ không thể chống lại Pakistan," Karim nói.

 

Nga

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/F285/production/_120258026_whatsubject.jpg

Military officers from Russia, Uzbekistan and Tajikistan carry out a joint drill near the Tajik-Afghan border on 10 August

 

Nước Nga vẫn còn nhớ cuộc chiến kéo dài cả thập kỷ và sự thất bại của Liên Xô trước các thành phần nổi dậy Afghanistan trong thời gian từ 1979 tới 1989.

 

Mặc dù ngày nay lợi ích của Nga tại Afghanistan là không đáng kể, nhưng sự bất ổn tại Afghanistan lúc này có thể sẽ có ảnh hưởng to lớn tới các quốc gia láng giềng của Nga ở miền Bắc, vốn là các cựu thành viên Liên bang Xô viết vẫn còn những quan hệ gần gũi với Nga.

 

Mối quan tâm chính của Nga là liệu Afghanistan có trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm thánh chiến từ vùng Caucasus hay không, đặc biệt là những nhóm có liên hệ với tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), vốn là kẻ thù của cả Nga và Taliban.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/693F/production/_120334962_afghanistan_roads_checkpoints_vietnamese_640-nc_2x-nc.png

Người Afghanistan có vài  lựa chọn khi bỏ chạy

 

Moscow đã nhanh chóng công nhận quyền lực của Taliban và bắt đầu có các liên hệ với nhóm này ngay từ trước khi binh lính phương Tây bắt đầu rút lui.

 

Fyodo Lukyanov, biên tập viên tạp chí Russia in Global Affairs, nói với BBC rằng Moscow sẽ tiếp tục "chính sách kép" của mình trong vấn đề Afghanistan.

 

"Một mặt nỗ lực kết nối với Taliban trong các mối quan hệ nhằm đảm bảo an ninh chính trị. Mặt khác, Nga đang đưa ngày càng nhiều lính tới Tajikistan và hợp tác quân sự ráo riết với Tajikistan và Afghanistan để ngăn chặn những kẻ cực đoan từ lãnh thổ Afghanistan xâm nhập vào các nước này," ông nói.

 

Nhìn rộng ra thì việc Mỹ rút lui khỏi vùng Trung Á sẽ làm giảm ảnh hưởng của Washington đối với khu vực, và Nga coi đó là cơ hội để mình gia tăng ảnh hưởng.

 

"Điều tốt cho chúng tôi thì là điều xấu cho người Mỹ, và điều xấu cho chúng tôi thì là điều tốt cho người Mỹ. Ngày nay, tình hình đang xấu cho người Mỹ và do đó là tốt cho chúng tôi," Arkady Dubnov, phân tích gia chính trị tại Moscow nói với ạp chí Financial Times.

 

 

Trung Quốc

 

Các lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan liên quan tới cả kinh tế và an ninh.

Với việc rút quân của Hoa Kỳ, các công ty Trung Quốc đang trong vị thế tốt để khai thác tiềm năng khai mỏ của Afghanistan, trong đó gồm cả khai thác đất hiếm, chất liệu sử dụng để sản xuất microchip và các sản phẩm công nghệ cao.

 

Trữ lượng của Afghanistan được các chuyên gia Hoa Kỳ ước tính trị giá 1.000 tỷ đô la, còn theo tính toán của chính phủ Afghanistan thì cao gấp ba lần mức đó

Nhưng các công ty Trung Quốc vẫn đang cân nhắc với những rủi ro chính trị và an ninh, như Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc tường thuật hôm 24/8.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/11995/production/_120258027_whatsubject.jpg

Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Vladimir Putin (phải) đồng ý hợp tác chống lại bất kỳ mối đe dọa nổi dậy nào có thể đến từ Afghanistan

 

Thêm vào đó, khả năng của các hãng trong việc tự hoạt động tại Afghanistan sẽ phụ thuộc vào việc họ có bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lệnh cấm nào mà Phương Tây có thể đưa ra hay không, báo này nói.

 

Các công ty tư nhân Trung Quốc đang rất nóng lòng được xâm nhập vào một thị trường trong đó "có hàng ngàn thứ đang chờ để được hoàn tất", theo Hoàn Cầu Thời báo.

 

Nhìn từ khía cạnh chiến lược, chính phủ Trung Quốc có lý do tốt để tham gia nhiều hơn vào Afghanistan - quốc gia nằm tại vị trí giao thương quan trọng cho sáng kiến vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa Trung Quốc, vốn liên quan tới các dự án thương mại và hạ tầng ở cả Iran và Pakistan.

 

Và cũng giống như Moscow, Bắc Kinh lo ngại về việc Afghanistan, nước có biên giới chung tuy không quá dài với Trung Quốc có thể được sử dụng làm nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm cực đoan trong khu vực, đặc biệt là khi tính tới tình hình tại Tân Cương.

 

Jonathan Marcus, phân tích gia ngoại giao và là cựu phóng viên BBC, nói rằng Trung Quốc "có chung một đoạn đường biên giới ngắn với Afghanistan. Nước này đang tích cực đàn áp nhóm người Hồi giáo thiểu số ở nước mình và rất quan ngại về khả năng các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan chống Bắc Kinh có thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công. Không nghi ngờ gì, giới ngoại giao Trung Quốc trong những tuần gần đây đang rất ráo riết trong việc ve vãn Taliban."

 

Trong một cuộc điện thoại hôm 25/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý sẽ sẵn sàng đẩy mạnh các nỗ lực nhằm chống lại những mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố và buôn lậu ma túy đến từ trong lãnh thổ Afghanistan.

 

 

Iran

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/FFCD/production/_120258456_b6244b5e-cdb7-46f2-b65e-1cbcfb71f728.jpg

Việc Taliban bị cô lập trên toàn cầu sẽ có lợi cho Iran, theo Umer Karim

 

Iran đã có sự kết nối với Taliban "trong một số năm", Karim nói, đặc biệt là thông qua Lực lượng Quds, một chi nhánh của Quân đoàn Phòng vệ Cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps - IRGC) - một nhóm chuyên tiến hành chiến tranh không quy ước và bị Hoa Kỳ coi là một nhóm khủng bố.

 

Karim nói nhóm này "tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác với Taliban".

 

"Họ đã tiếp đón các lãnh đạo Taliban và cũng đã cung cấp vũ khí cùng những ủng hộ tài chính. Đổi lại, Taliban đã hỗ trợ nhiều hơn đối với người Shia Afghanistan, đặc biệt là cộng đồng người Hazara, và đó là lý do vì sao các vùng đất chính của người Hazara đã rơi vào tay Taliban mà không cần tốn một viên đạn."

 

Tuy nhiên, bất chấp việc Taliban đã mềm hoá quan điểm, vẫn có một số tường thuật nói về tình trạng các tay súng Taliban đối xử tệ đối với cộng đồng thiểu số Hazara.

Sự cô lập Afghanistan trên toàn cầu có thể sẽ khiến Iran tăng ảnh hưởng của mình đối với nước này, Karim nói.

"Iran cũng sẽ quan tâm tới việc có thể có được và phân tích, mổ xẻ một số các thiết bị drone tân tiến, hỏa tiễn và các hệ thống vũ khí khác mà Hoa Kỳ đã bỏ lại hoặc hiện đang trong tay Taliban để dùng cho các chương trình sản xuất vũ khí quốc phòng của mình."

 

Đem lại sự ổn định cho Taliban cũng sẽ làm giảm bớt dòng người di dân tới Iran, nơi vốn đang tiếp nhận 780.000 người tị nạn và xin tị nạn Afghanistan, theo Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc.

 

 

Các nước phương Tây

 

Các nhà lãnh đạo Phương Tây có lẽ sẽ nỗ lực đưa ra hình ảnh thành công của một chiến dịch quân sự 20 năm, nhưng không nghi ngờ gì, Taliban tin tưởng rằng chiến thắng thuộc về họ.

 

"Chúng tôi đã chiến thắng cuộc chiến và người Mỹ đã thua," một lãnh đạo Taliban nói với Secunder Kermani của BBC hồi tháng Tư, thậm chí ngay cả trước khi họ có chiến dịch chiến thắng thần tốc tại mọi thành phố lớn và thủ đô.

 

Với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây, việc xây dựng hình ảnh của mình sau thất bại to lớn này sẽ mất một thời gian.

 

Nhưng phát biểu tại Quốc hội Đức hôm 25/4, Thủ tướng Angela Merkel nói việc rút quân "không có nghĩa là chấm dứt các nỗ lực bảo vệ những người Afghanistan từng hỗ trợ phương Tây và giúp đỡ những người Afghanistan bị bỏ lại trong tình trạng khẩn cấp do sự trở lại nắm quyền của Taliban".

 

"Mục tiêu của chúng ta phải là đảm bảo an toàn ở mức tối đa có thể đối với những gì đã đạt được tại Afghanistan trong vòng 20 năm qua," bà nói.

 

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến khối G7 hôm 24/8, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói rằng hiện còn "quá sớm để quyết định chúng ta sẽ phát triển kiểu quan hệ nào với nhà cầm quyền mới tại Afghanistan".

 

Mối quan hệ mới này sẽ phụ thuộc vào "hành động và thái độ của chế độ mới", Michel nói.

 

"Cả trong việc cần phải bảo vệ những thành quả đã đạt được về mặt chính trị kinh tế và xã hội cho người dân Afghanistan, và nhân quyền dành cho họ, đặc biệt là những quyền dành cho phụ nữ, các bé gái và các cộng đồng thiểu số. Và trong vấn đề nghĩa vụ quốc tế đối với Afghanistan - cụ thể là trong lĩnh vực an ninh, cuộc chiến chống khủng bố và chống nạn buôn bán ma túy."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/331D/production/_120258031_db205ead-8048-4fb0-abb6-0a65d22dc312.jpg

 

Ngăn ngừa một làn sóng mới người tị nạn và người xin tị nạn cũng sẽ là một mối ưu tiên hàng đầu của các quốc gia phương Tây, ngoài việc nỗ lực ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi dung dưỡng chủ nghĩa cực đoan.

 

Mối đe dọa này thể hiện một cách rõ rệt trong các cuộc tấn công gần sân bay mà nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (viết tắt là ISIS-K hoặc ISKP) - một nhóm có liên hệ với IS tại Afghanistan - đã đứng ra nhận trách nhiệm.

 

Phát biểu sau cuộc tấn công, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng những kẻ đã thực hiện vụ tấn công sẽ "bị truy lùng bằng được".

 

"Với những kẻ đã hiện vụ tấn công này cũng như bất kỳ những ai muốn gây hại cho nước Mỹ, hãy biết rằng: Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng các người và khiến các người phải trả giá. Tôi sẽ bảo vệ các lợi ích của chúng tôi và của nhân dân chúng tôi bằng mọi biện pháp tôi có," ông nói.

 

Một phần của Thỏa thuận Doha giữa Taliban và Hoa Kỳ quy định rằng Taliban phải cấm các nhóm cực đoan sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ để tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Hoa Kỳ.

 

Vụ tấn công gần đây tại sân bay Kabul cho thấy những nhóm này đã có mặt bên trong Afghanistan và đang hoạt động mạnh.

 

 

Các nhóm Hồi giáo cực đoan

 

Như cuộc tấn công cho thấy, không chỉ chính phủ các nước mới phải lo thích nghi với trật tự mới trong khu vực.

 

Quyền lực mới của Taliban tác động tới sự cân bằng sức mạnh giữa các nhóm nổi dậy.

Một mặt, các chuyên gia cảnh báo về khả năng tái nhóm của al-Qaeda - tổ chức đã tiến hành các vụ tấn công 11/9 tại Hoa Kỳ, từ đó dẫn tới việc Hoa Kỳ và đồng minh đưa quân vào Afghanistan hồi 2001.

 

Mặt khác, các nhóm thánh chiến được IS truyền cảm hứng nay sẽ "bị áp lực phải chứng tỏ vai trò liên quan của mình", Sana Jafffrey, giám đốc Viện Phân tích Sách lược Xung đột (Institute for Policy Analysis of Conflict - IPAC) từ Jakarta, nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/17ED0/production/_120300089_3e26f4e3-854d-4e48-9676-3b228a632b1a.jpg

 

Các nhóm ủng hộ IS đã "lên án" chiến thắng của Taliban là "một thứ có được từ thỏa thuận bất chính với Hoa Kỳ thay vì là một cuộc thánh chiến chân chính," Jafffrey nói với BBC.

 

Nhưng ngay cả như vậy thì chiến thắng của Taliban vẫn được coi là "tin tốt lành nhất mà các nhóm al-Qadea từng chứng kiến kể từ một thời gian dài qua", bà nói.

 

"Trong phạm vi Đông Nam Á, chúng tôi nhìn thấy trên các trang mạng xã hội do các nhóm cực đoan điều hành và cả các tuyên bố chính thức của họ nữa, đều là thái độ ăn mừng nói chung trước thực tế là Taliban đã chiến thắng."

 

"Thông điệp chính mà họ đưa ra, đó là sự kiên cường, bền bỉ đã đem lại kết quả. Và không nghi ngờ gì, điều này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều kẻ cực đoan trong khu vực."

 

                                                           ***

TIN LIÊN QUAN

.

Taliban: Từ AK47 lên trực thăng Black Hawk, xe Humvee và súng Mỹ

30 tháng 8 năm 2021

.

Nguồn gốc Taliban, làm thế nào ‘thắng Mỹ’?

17 tháng 8 năm 2021

.

Afghanistan: Biden cảnh báo có thể còn một cuộc tấn công khác vào sân bay Kabul

29 tháng 8 năm 2021

.

Afghanistan: Taliban sản xuất bao nhiêu thuốc phiện?

27 tháng 8 năm 2021

.

Afghanistan: Mỹ đặt mục tiêu hoàn tất việc sơ tán trước thời hạn

24 tháng 8 năm 2021

.

'Hỗn loạn' ở Afghanistan là thất bại 'rõ ràng' của chính quyền Biden

20 tháng 8 năm 2021




View My Stats