Wednesday 30 June 2021

BẢN TIN NGÀY 30/06/2021 của AJ WILLINGHAM, từ CNN  (Thụy Mân lược dịch)

 



BẢN TIN NGÀY 30/06/2021 của AJ WILLINGHAM, từ CNN  

Thụy Mân lược dịch

13:45  30/06/2021    

https://www.facebook.com/thuyman.tran.54/posts/1487269684944465

 

(CNN) Giá xăng đang ở mức cao nhất trong bảy năm kể từ cuối tuần lễ này. Vấn đề khan hiếm xăng ở một số trạm xăng do nhu cầu đi lại tăng lên và do thiếu tài xế các xe bồn vận chuyển xăng.

 

1. Chung cư bị sập ở Miami

Đã gần một tuần kể từ khi một chung cư ở Miami bị sập một phần, và hai câu hỏi nhức đầu vẫn còn đó: Làm thế nào điều này có thể xảy ra, và tại sao lại mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm các nạn nhân trong vụ phá hủy?

 

Các mảnh vỡ của ngôi nhà và sự dịch chuyển, khối lượng lớn của đống đổ nát và các mối nguy hiểm khác như hỏa hoạn liên tục và các hiện tượng thời tiết đang làm chậm các nỗ lực cứu trợ. Cho đến nay, 12 người đã được xác nhận đã chết và 149 người chưa được xác nhận. Cư dân của khu chung cư Surfside cho biết họ thường xuyên phàn nàn rằng việc xây dựng ở một tòa nhà kế bên đã làm cho khu chung cư của họ rung chuyển, và đã có người bày tỏ sự lo ngại việc xây dựng đó đang ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà. Một đơn kiện khác của một nhóm cư dân đã được đệ trình lên hiệp hội chung cư Champlain Towers South, cho rằng hiệp hội đã không giữ được an toàn cho tòa nhà.

 

2. Coronavirus

Rõ ràng Mỹ sẽ không đến được mục tiêu của White House là đưa 70% dân số trưởng thành tiêm chủng ít nhất một phần vào ngày 4 tháng 7, nhưng đây là con số thực tế: 16 tiểu bang đã đạt được mục tiêu, 16 tiểu bang cũng đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa số cư dân của họ. Bốn tiểu bang đã có khoảng một nửa số người lớn tiêm ít nhất một liều. Khoảng 847.000 liều vắc xin đang được tiêm cho dân mỗi ngày.

 

Trong khi đó, biến thể Delta hiện chiếm 26% các trường hợp nhiễm coronavirus ở Mỹ; trong khi vài tuần trước, tỷ lệ đó chỉ hơn 10%. Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo rằng có thể sẽ có "hai nước Mỹ" - ​​một nơi hầu hết mọi người đều được tiêm chủng và một nơi khác với tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể dẫn đến sự tăng nhiễm đột ngột.

 

3. Luật về các chính sách

Một cuộc đại tu luật chính trị đang gặp nguy hiểm khi các nhà lập pháp và cảnh sát vẫn còn chia rẽ, chưa hoàn toàn thoả thuận về các cải tổ luật pháp. Tuần trước, các nhà đàm phán lưỡng đảng cho các dự luật này tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận về khuôn khổ chung của nó, nhưng vấn đề mấu chốt về quyền miễn trừ đủ điều kiện - biện pháp bảo vệ dành cho nhân viên cảnh sát tại tòa án dân sự - vẫn chưa được giải quyết. Ngoài ra, một số nhóm cảnh sát đã thẳng thắn nói rằng họ sẽ chống lại bất kỳ thay đổi lớn nào. Các nhà lập pháp Quốc hội nói rằng họ cần phải có quyết định vào tháng 8 về việc có thể đồng ý về một dự luật hay từ bỏ hoàn toàn nỗ lực này.

 

4. Đợt nắng nóng khắc nghiệt ở vùng Tây Bắc

Hơn 230 trường hợp chết người đã được báo cáo ở British Columbia kể từ thứ Sáu khi đợt nắng nóng lịch sử bao trùm vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Đó là một sự gia tăng lớn trong khoảng thời gian bốn ngày. Các nhà chức trách đang làm việc để biết được bao nhiêu người trong số các trường hợp tử vong có liên quan đến trận nắng nóng.

 

Ở Tây Bắc Hoa Kỳ, ít nhất 60 trường hợp chết người đã được báo cáo. Số người được nhận vào các phòng cấp cứu cũng tăng lên: Tại Washington, ít nhất 676 người đã đến khoa cấp cứu vì các triệu chứng liên quan đến nắng nóng từ thứ Sáu đến Chủ nhật, và điều này xảy ra trước khi mức nhiệt độ lên đến đỉnh điểm ở tiểu bang này. Một mối quan tâm lớn trong bối cảnh nhiệt độ kỷ lục là người dân trong khu vực đã không chuẩn bị cho cái nóng khắc nghiệt. Seattle và Portland lần lượt xếp hạng nhất và hạng ba trong số các thành phố có tỷ lệ gia đình không có máy lạnh cao nhất.

 

5. Tigray

Lực lượng nổi dậy ở khu vực Tigray của Ethiopia đã từ chối đề nghị ngừng bắn từ chính quyền trung ương một ngày sau khi lực lượng những người Tigray chiếm lại thủ phủ Mekelle của khu vực. Việc tái chiếm thành phố và sự rút lui của quân đội chính phủ Ethiopia đánh dấu một bước ngoặt đáng kinh ngạc trong cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 8 tháng: Từ tháng 11 năm ngoái, quân đội Ethiopia đã kiểm soát phần lớn Tigray, khi họ tấn công vào khu vực với sự hỗ trợ của binh lính nước láng giềng Eritrea và dân quân địa phương trong nỗ lực loại bỏ đảng chính trị cầm quyền của khu vực Tigray - Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray. Kể từ đó, cuộc xung đột đã trở thành bạo lực kéo dài khiến hàng nghìn người thiệt mạng, và hàng triệu người phải bỏ chạy và gây ra nạn đói và bất ổn trên toàn khu vực.

 

7 BÌNH LUẬN

 

 

 


CON ĐƯỜNG TỪ JIM CROW ĐẾN DONALD TRUMP và CUỘC CHIẾN GIÀNH LẠI LINH HỒN CỦA NƯỚC MỸ (Việt Linh)

 



Con đường từ Jim Crow đến Donald Trump và cuộc chiến giành lại linh hồn của nước Mỹ

Việt Linh

30/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/30/con-duong-tu-jim-crow-den-donald-trump-va-cuoc-chien-gianh-lai-linh-hon-cua-nuoc-my/

 

Nếu chúng ta muốn biết “Big Lie” – “Những lời nói dối lớn” được xem là slogan của Donald Trump sẽ đi về đâu, vậy hãy cùng nhìn qua một chút về cuộc nội chiến ở Miền Nam trước đây.

 

Ở thời điểm hiện tại, khi Trump đang được xem là một linh hồn quỷ dữ, dẫn đầu một đảng Cộng Hòa ươn hèn và nhu nhược, thì những lời dối trá là một mệnh lệnh của quyền lực. Lời nói dối càng lớn, càng nhiều, nó càng đại diện cho sức mạnh bao trùm lên cả đảng phái chính trị lớn nhất nhì của nước Mỹ.

 

Donald Trump luôn khẳng định ông ta là người chiến thắng thật sự trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2020. Và bằng chứng trước mắt người dân Mỹ là đảng Cộng Hòa đang đẩy mạnh việc thông qua nhiều dự luật đàn áp quyền bỏ phiếu của người da đen, da màu, mà theo Tổng Thống Mỹ Joe Biden, đã cho rằng, đó là những dự luật bệnh hoạn, không mang bản sắc của người Mỹ, đáng khinh bỉ và tồi tệ hơn những dự luật đàn áp thời Jim Crow thể chế hóa phân biệt chủng tộc ở Mỹ trước đây.

 

Quay trở lại thời xa xưa, cuộc nội chiến không thực sự chiến đấu chống lại sự ly khai ô nhục của các bang miền Nam và chế độ nô lệ, nhưng đó được xem là một cuộc chiến đấu cho “danh dự” của miền Nam. Chính từ cuộc nội chiến này, nền tảng của sự phân biệt chủng tộc đã được sử dụng để duy trì và biện minh cho tội ác chủng tộc của thời đại Jim Crow với các chính sách phân biệt chủng tộc của miền Nam trong những năm 1860, đã ảnh hưởng sâu sắc đến người Mỹ gốc Phi và người thiểu số, khi người Mỹ da đen ở miền Nam bị tước quyền bỏ phiếu và tách biệt với người da trắng, đồng thời phải gánh chịu các hành vi phân biệt đối xử chính trị và xã hội nguy hiểm của quyền tối cao của người da trắng thượng đẳng.

 

Chỉ có những ai đã từng sống trong những năm tháng ô nhục dưới thời đại Jim Crow mới có thể so sánh những gì đã xảy ra hầu như vẫn còn đang hiện diện trong thế kỷ 21 tại các tiểu bang đỏ, dưới ảnh hưởng của đảng Cộng Hòa. Những thành phần tôn thờ chủ nghĩa Jim Crow tại những tiểu bang đỏ này vẫn tiếp tục ủng hộ Donald Trump vô điều kiện, một cách điên cuồng, mất lý trí, vẫn tiếp tục gửi tiền hoặc mua các đồ vật kỷ niệm MAGA, vẫn tiếp tục vẫy cờ Trump 2020 và cờ Liên Minh Miền Nam trong ngày bạo loạn tại điện Capitol ngày 06.01 và trong các cuộc rally của Trump tại Ohio, Georgia, North Carolina và Florida.

 

Theo Tổng Thống Biden, các dự luật đàn áp được ban hành bởi các tiểu bang đỏ của đảng Cộng Hòa như Florida, Georgia, Texas và Arizona, đang tiếp tục nhắm vào các thành phố lớn khác, nơi có một lượng lớn cử tri người Mỹ gốc Phi và các cộng đồng thiểu số có xu hướng ủng hộ đảng Dân Chủ, do đó áp lực đang đè nặng lên Quốc Hội và Tổng Thống Joe Biden để đưa ra các dự luật liên bang, để bảo đảm các nỗ lực đàn áp ở cấp tiểu bang của đảng Cộng Hòa có thể bị hạn chế hay huỷ bỏ.

 

Donald Trump và đám nha trảo đảng Cộng Hòa có mưu kế đưa ảnh hưởng cực đoan từ những lời vu cáo gian lận bừa bãi của cuộc bầu cử năm 2020 vào cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 nếu họ bị thua cử.

 

Đa số những người ủng hộ Donald Trump đều hiểu đâu là nguyên nhân thất bại của miền Nam trong cuộc nội chiến cách đây hơn 150 năm, vậy tại sao họ không chịu hiểu đâu là nguyên nhân thất bại của Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020?

 

Chỉ cần xem những gì những người ủng hộ Donald Trump đã làm trong cuộc tấn công vào điện Capitol, họ đã thất bại trong việc ngăn chặn việc chứng nhận các lá phiếu của Đại cử tri đoàn, ông Joe Biden đã được xác nhận làm Tổng Thống chính thức của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, những kẻ nổi loạn đã thua cuộc tại đồi Capitol, gần 500 người đã bị truy tố, và giờ đây, những kẻ ủng hộ Trump hoàn toàn không gặt hái được điều gì, ngoại trừ vướng vòng lao lý, thanh danh bị huỷ hoại, tiền bạc không còn và lại vướng vào nợ nần.

 

Chính quyền của Tổng Thống Biden đang thật sự phải đối mặt với những thách thức lớn trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Biểu hiện của riêng ông Biden bằng sự phẫn nộ cá nhân được xem là chưa đủ, dù ưu tiên của ông khi tranh cử là mong muốn chữa lành một nước Mỹ đã bị xé tan thành từng mảnh nhỏ, cần phải có thêm tiếng nói và sự phẫn nộ đến từ lưỡng viện Quốc Hội và đại đa số người dân Mỹ cùng bày tỏ để có câu trả lời mạnh mẽ nhất đến với một đảng Cộng Hòa, nhưng thực chất đây chính là tiền thân của chủ nghĩa Jim Crow đang ngọ nguậy sống lại trong thế kỷ 21 với mục đích làm suy yếu nền dân chủ Mỹ và đẩy niềm tin của người Mỹ gốc Phi và cộng đồng thiểu số xuống mức thấp nhất trong mọi thời đại. Chúng ta không được phép để sự bất bình đẳng có thể tồn tại và bấu víu vào những khe hở của hệ thống luật pháp Mỹ một lần nữa.

 

Tóm lại, như Tổng Thống Joe Biden đã tuyên bố một câu nói ngắn gọn nhưng tôi cho là quá đủ để hiểu và thực hành khi ông nói: “Giữ được nền dân chủ bằng lá phiếu của mỗi chúng ta“. Tất cả mọi người hãy đi bầu thật đông trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, bằng lá phiếu của chúng ta, sẽ lôi cổ được những tên tay sai của chủ nghĩa Jim Crow ra khỏi Quốc Hội.

 

Từ tiểu bang này qua tiểu bang khác dưới ảnh hưởng của đảng Cộng Hòa, người dân Mỹ đang thấy một đảng Cộng Hòa đã tự biến mình từ một đảng chính trị hợp pháp thành một cánh tay của các tập đoàn khổng lồ và các tỷ phú mà họ đã tạo ra để tiến hành một chiến lược gian lận có hệ thống. Đặc biệt đối với ngành công nghiệp súng đang kiếm được hàng tỷ Mỹ kim trong khi nước Mỹ lại phải trải qua các vụ xả súng hàng loạt nhưng đảng Cộng Hòa luôn từ chối làm bất cứ điều gì để ngăn chặn bạo lực súng đạn và an toàn của người dân, họ đã không còn là những người Cộng Hòa chân chính và bảo thủ đúng nghĩa kể từ sau thời của Ronald Reagan, công việc của họ không còn đơn thuần là bảo vệ và giúp đỡ người dân, mà là đàn áp và xiết chặt tự do.

 

Dwight Eisenhower, vị Tổng Thống thứ 34th của Hoa Kỳ, đã có câu tuyên bố đi vào lịch sử: “Nếu một đảng chính trị không có nền tảng trong quyết tâm thúc đẩy một nguyên nhân đúng đắn và đạo đức, thì đó không phải là một đảng chính trị; nó chỉ đơn thuần là một âm mưu chiếm đoạt quyền lực“.

 

Một sự thật hiển nhiên đáng buồn, đảng Cộng hòa của Eisenhower đang thực hiện những âm mưu để chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp, họ giờ đây là một tổ chức mafia muốn giành lấy quyền lực, nếu chúng ta lặng thinh, thụ động, thì một kết quả bi thảm sẽ xảy ra trong tương lai, đó là một nước Mỹ suy yếu, chia rẽ và hỗn loạn.

 

______

 

Tham khảo:

 

https://www.salon.com/2021/06/19/donald-trump-and-the-new-lost-cause/

 

https://thefederal.com/opinion/biden-has-to-act-to-counter-racist-jim-crow-era-laws-on-voting-rights/

 

http://www.milwaukeeindependent.com/syndicated/path-jim-crow-donald-trump-continuing-fight-soul-america/

 

https://www.salon.com/2021/06/20/one-of-them-has-to-go-the-gop-or-america-as-we-know-it_partner/

 

 

 

 

TỔNG THỐNG BIDEN GIẢI THÍCH VỚI VOGUE VÌ SAO ÔNG ĐÃ RA TRANH CỬ TỔNG THỐNG NĂM 2020 (Grace Panetta - Business Insider)

 



Tổng thống Biden giải thích với VOGUE tại sao ông đã ra tranh cử tổng thống năm 2020    

Grace Panetta  -  Business Insider

Lien Nguyen tạm dịch

09:00  30/06/2021    

https://www.facebook.com/lienmalden/posts/1967432470073199

 

Trong khi Melania Trump đã bị VOGUE — một tạp chí thời trang nổi tiếng và uy tín — từ chối, thì Jill Biden, và phần lớn những đệ nhất phu nhân khác đều được đăng hình trên trang bìa của tạp chí và được ca ngợi trong những câu chuyện bên trong tạp chí.

 

============

 

Tựa đề bài báo:

 

JOE BIDEN NÓI “THỰC SỰ KHÔNG CÓ ĐẲNG CẤP HAY THƯỢNG LƯU (no real upside)” GÌ KHI SỐNG TRONG TÒA BẠCH ỐC BỞI VÌ ÔNG VÀ ĐỆ NHẤT PHU NHÂN CHƯA TỪNG BAO GIỜ THÈM MUỐN MỘT “CUỘC SỐNG KIỂU CÁCH, XA HOA, PHÔ TRƯƠNG, HÀO NHOÁNG”

 

Business Insider

Grace Panetta, June 29, 2021

Lien Nguyen tạm dịch

 

Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đã chia sẻ về niềm tin của họ rằng “thực sự không có đẳng cấp hay thượng lưu” gì khi sống trong Tòa Bạch Ốc trong một câu chuyện hàng tháng của tạp chí Vogue vừa được xuất bản trên mạng hôm thứ Ba.

Hình của đệ nhất phu nhân sẽ xuất hiện trên trang bìa tháng Tám của tạp chí Vogue, bà đã được chụp hình bởi Annie Leibovitz và phỏng vấn bởi Jonathan Van Meter.

 

"Đó là 'Hail to the Chief'* và tất cả những thứ đó khi tôi còn là một thượng nghị sĩ trẻ tuổi. Nhưng tôi đã chưa từng bao giờ có một sự thèm muốn cho đoạn nhạc đó," Biden nói, và nói thêm với Vogue rằng gia đình Obamas chắc cũng đã cảm thấy như vậy. "Thực sự đã không có đẳng cấp hay thượng lưu gì khi thực sự sống trong Tòa Bạch Ốc. Đó là vinh dự lớn nhất trên thế giới... nhưng không có sự riêng tư. Và cuộc sống kiểu cách, xa hoa, phô trương, hào nhoáng chưa từng bao giờ là thứ mà chúng tôi đã nỗ lực để tìm kiếm hay đạt cho bằng được."

 

[* Hail to the Chief: Một đoạn nhạc, hay một giai điệu, được phát ra khi tổng thống Hoa Kỳ đến thăm một địa điểm hoặc tham dự một buổi lễ. Mọi người có mặt ở sự kiện đó ​​sẽ đứng lên trong suốt thời gian đoạn nhạc được phát ra để thể hiện sự tôn trọng với tổng thống.]

 

Như đã được tường thuật trước đây, Biden đã do dự khi tranh cử tổng thống vào năm 2020. Đó là lần tranh cử thứ ba của ông, sau hai lần tranh cử không thành công vào năm 1988 và năm 2008, và sau 8 năm phục vụ trong Tòa Bạch Ốc của Obama với tư cách là phó tổng thống và bị mất con trai Beau Biden vì ung thư vào năm 2015.

 

Cuối cùng thì, nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã thúc đẩy Biden ra tranh cử một lần nữa.

 

"Jill nói, ‘Anh cần phải ra tranh cử. Bởi vì có quá nhiều thứ đang bị đe dọa,’” Joe Biden nói với Vogue. "Vì vậy, đó là lần đầu tiên tôi đã ra tranh cử... mà không hề suy nghĩ về bất kỳ bổng lộc hay quyền lợi gì, anh biết đấy, chẳng hạn như, ‘Tôi có thể sẽ có chiếc chuyên cơ Air Force One’ hoặc ‘Tôi có thể sẽ có v.v…’ Tôi nghĩ sở dĩ như vậy một phần bởi vì sự thèm muốn này nọ đã bị đánh gục bởi 8 năm làm phó tổng thống. Và tôi đã nhận ra rằng tôi rất có thể — cho dù tôi đúng hay không đúng — đã biết về nhiều vấn đề nhiều hơn hầu hết mọi người bởi vì tôi đã ở đây quá lâu."

 

Và trong khi vợ chồng tổng thống không phải là người xa lạ gì với cuộc sống của người phục vụ công chúng, tổng thống cũng đã tiết lộ rằng những đòi hỏi và áp lực của việc làm tổng thống khiến ông và đệ nhất phu nhân vô cùng khó khăn để có chút thời gian ở cùng nhau.

 

Đệ nhất phu nhân đã đi khắp đất nước để thúc đẩy những sáng kiến ​​của chính quyền Biden, từ việc chích ngừa đến Kế Hoạch Giải Cứu Nước Mỹ, thêm vào cho việc tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Anh tại Northern Virginia Community College.

 

"Tôi nhớ bà ấy. Tôi thực sự tự hào về bà ấy. Nhưng bây giờ thì không giống như chúng tôi có thể tự do đi đây đi đó như trước đây. Khi chúng tôi ở Delaware và kết hôn, mỗi tháng một lần chúng tôi sẽ đến một khu vực địa phương, ngủ ở đó, và ăn sáng ở đó, giữa hai chúng tôi, để bảo đảm rằng chúng tôi đã có một khoảng thời gian lãng mạn, rời khỏi nhà và đi chơi với nhau," Biden nói với Vogue như vậy, và nói thêm rằng bây giờ, “không thể như vậy được nữa. Tôi không phàn nàn gì. Đó là một phần của sự đồng lòng. Và cuộc sống này đối phó được điều đó."

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo?fbid=1967432093406570&set=pcb.1967432470073199

Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden tại Đại Hội Toàn Quốc Đảng Dân Chủ, ngày 20/08/2020, ở Wilmington, Delaware.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1967432090073237&set=pcb.1967432470073199

Jill Biden trên trang bìa của tạp chí VOGUE, tháng 8, 2021, với hàng chữ “TIẾN SĨ JILL BIDEN, MỘT ĐỆ NHẤT PHU NHÂN CHO TẤT CẢ CHÚNG TA.”

 

============

 

NGUỒN :

 

Joe Biden says there's 'no real upside' to living in the White House since he and the first lady have never coveted 'the pomp-and-circumstance part'  

Grace Panetta 

Jun 29, 2021, 10:08 AM

Business Insider  

 

 

5 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

PUTIN NÓI THẾ GIỚI ĐANG THAY ĐỔI, MỸ CẦN SUY NGHĨ LẠI VỀ NHỮNG ƯU TIÊN (VietNamNet)

 



Putin nói thế giới đang thay đổi, Mỹ cần suy nghĩ lại về những ưu tiên 

VietNamNet

30/06/2021    21:15 GMT+7

https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ong-putin-thang-than-neu-quan-diem-ve-hang-loat-van-de-quoc-te-751693.html

 

Trong chương trình hỏi đáp trực tuyến trên truyền hình hôm nay (30/6), Tổng thống Nga Putin đã nêu cảm nghĩ của bản thân về nhiều vấn đề quốc tế.

 

Đối diện ông Putin, Tổng thống Biden khẳng định gặp mặt trực tiếp tốt hơn

Quan hệ Nga-Mỹ “tồn đọng nhiều vấn đề”

Lãnh đạo Nga-Mỹ chụp ảnh chung, bắt đầu tiến hành hội đàm

 

“Nước Mỹ hiểu rằng thế giới đang thay đổi, nhưng họ vẫn muốn duy trì vị thế thống trị. Tôi hy vọng trong khi thế giới đang thay đổi, nước Mỹ sẽ suy nghĩ lại về các vấn đề ưu tiên của riêng họ cũng như các lợi ích. Và điều này khiến trật tự thế giới sau cùng sẽ trở nên hấp dẫn hơn”, ông Putin nói với hãng tin Sputnik.

 

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, nhiều học giả Mỹ có tiếng tăm đã thảo luận vấn đề này với chính quyền Washington và giải thích rằng thời kỳ của một thế giới đơn cực đã qua đi, và nước Mỹ phải ghi nhớ thế giới đang thay đổi mỗi khi họ đưa ra hành động.

 

https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/2021/06/30/21/ong-putin-neu-cam-nghi-ve-cac-van-de-quoc-te.jpg

Tổng thống Nga Vladmir Putin trong chương trình hỏi đáp trực tuyến hôm 30/6. Ảnh: Sputnik

 

“Những biện pháp cấm vận, các đòn trừng phạt, các cuộc tập trận – Tất cả những điều này xuất phát từ mong muốn của chính quyền Washington trong việc duy trì quyền bá chủ của họ. Cần lưu ý rằng nhiều quốc gia đồng minh không vui vẻ trước nhiều hành động và thái độ của Nhà Trắng. Nhân tiện, các đối tác truyền thống, hay thậm chí đồng minh, mọi người nghĩ họ sẽ vui theo cái cách mà họ bị đối xử. Không ai thích bị đối xử như vậy”, ông Putin nói.

 

Khi được hỏi về vụ tàu HMS Defender của Hải quân Anh xâm nhập lãnh hải Nga gần bán đảo Crưm hồi tuần trước, ông chủ điện Kremlin nói rằng cho dù các máy bay và tàu tuần tra của Nga có đánh chìm chiến hạm Anh, thì Chiến tranh thế giới lần thứ ba cũng sẽ không xảy ra. Bởi con tàu trên đã xâm phạm lãnh hải nước này.

 

“Trước hết, đây là một hành động khiêu khích phức tạp, khi nó được thực hiện không chỉ bởi người Anh, mà người Mỹ cũng nhúng tay vào. Máy bay trinh sát của Mỹ đã cất cánh ở căn cứ quân sự NATO ở Hy Lạp cũng vào sáng hôm đó”, Tổng thống Nga Putin nói.

 

“Tiếp đó, chúng ta hãy nói về khía cạnh chính trị của vụ việc này. Tại sao họ thực hiện hành động khiêu khích như vậy chỉ vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh ở Geneva. Ngay cả khi các nước phương Tây không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của người dân Crưm, thì không có nghĩa lý gì khi thực hiện các hành động khiêu khích”, ông Putin nói thêm.

 

Khi được hỏi về vấn đề Ukraina, ông Putin nói rằng bản thân ông không hề coi đó là một quốc gia không thân thiện.

 

“Tại sao Ukraina lại không bị liệt vào danh sách các quốc gia không thân thiện với Nga. Bởi bản thân tôi không nghĩ rằng người dân Ukraina không thân thiện với chúng tôi. Cần lưu ý rằng, Chính phủ Ukraina hiện nay chắc chắn không thân thiện với nước Nga”, ông Putin nói.

 

Ngoài ra, người đứng đầu nước Nga cũng lên tiếng chỉ trích một dự luật của chính quyền Kiev về quyền lợi của người bản địa, khi người dân Nga sinh sống ở nước này không có tên trong danh sách các dân tộc bản địa của Ukraina.

 

“Điều này sẽ làm giảm số lượng người Nga tại Ukraina. Nếu đưa ra so sánh thì hậu quả của nó có thể coi tương đương với hậu quả của việc sử dụng một số loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, và đây là vấn đề nghiêm trọng”, ông Putin nói.

 

Tuấn Trần

 

 

Chiến thắng ngoại giao lớn của ông Putin

Kể cả trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin, kỳ vọng về một sự ....

 

Nga và Mỹ "cần đảm bảo ổn định chiến lược toàn cầu”

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã kết ....

 

 

 


MỘT CUỘC "CHIẾN TRANH LẠNH" CÓ THẬT SỰ XẢY RA GIỮA TRUNG QUỐC và HOA KỲ? (Việt Linh)

 



Một cuộc “chiến tranh lạnh” có thật sự xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ?

Việt Linh

01/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/01/mot-cuoc-chien-tranh-lanh-co-that-su-xay-ra-giua-trung-quoc-va-my/

 

Khi Ngoại trưởng Antony Blinken nói về Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn của New York Times ở Paris, ông đã đưa ra một trong những hiểu biết sâu sắc nhất về chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.

 

Blinken nói rằng, Pháp và Mỹ “cùng quan điểm” về nhu cầu bảo vệ trật tự thế giới tự do khi Trung Quốc đang ngày càng giành được nhiều ảnh hưởng hơn. Ông đã lên tiếng cảnh báo, lựa chọn thay thế do Trung Quốc đem đến sẽ không phải là trật tự toàn cầu hay trật tự thế giới trong sự tôn trọng lẫn nhau, mà những gì Trung Quốc đem đến chỉ là một “bản chất hoàn toàn phi đạo đức“.

 

Blinken, người đưa ra thông điệp cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán ở Alaska vào tháng 3, đã đưa những lời cảnh báo gần đây của Tổng Thống Joe Biden, rằng nền dân chủ thế giới đang bị đe dọa không hoàn toàn bởi các xu hướng phi tự do cực đoan ở phương Tây, mà nhân tố tác động chính là từ Trung Quốc.

 

Khái niệm về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở thành tâm điểm trong chính sự của Tổng Thống Joe Biden. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn không hề giống một cuộc đụng độ ý thức hệ giữa các nhà tư bản phương Tây và những người cộng sản thuộc khối Xô Viết trước đây. Hiện tại, thực chất là Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc đọ sức kinh tế giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc đang suy giảm, nhưng ý thức hệ khác nhau vẫn tồn tại đâu đó trong nhận thức của các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã áp dụng quan điểm cứng rắn hơn nhiều của Trung Quốc đối với thế giới với bằng chứng là Bắc Kinh đang phát triển sức mạnh của mình ở Thái Bình Dương và nhiều nơi khác.

 

Nhưng liệu Bắc Kinh có quan tâm hoặc có khả năng để tiến hành một cuộc chiến toàn cầu chống lại các nền dân chủ hay không lại là một câu hỏi khác. Việc Tập Cận Bình sử dụng chủ nghĩa dân túy cực đoan chủ yếu được thiết kế chỉ để duy trì sự ủng hộ từ người dân và quân đội đối với một đảng cầm quyền chuyên quyền như đảng Cộng sản Trung Quốc, hay đó là biểu hiện đích thực của một chính sách đối ngoại đầy tham vọng toàn cầu của Trung Quốc?

 

Cần phải nhìn nhận rằng, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn về hệ thống kinh tế và chính trị của chính họ, và khả năng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc thách thức quyền lực công nghệ của Mỹ. Thực tế là Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách thu nhập và công nghệ so với Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

 

Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt giữa Chiến tranh Lạnh Mới và Chiến tranh Lạnh cũ.

 

Điểm thứ nhất: Chiến tranh Lạnh mới là cuộc chiến một chiều. Trong khi Mỹ coi ĐCSTQ là kẻ thù ý thức hệ, thì Trung Quốc không đáp lại. Chính phủ Trung Quốc có quan điểm chỉ trích chính phủ Mỹ về nhiều hoạt động chính trị của nước này, nhưng họ không lên án các giá trị của Mỹ. Một phần nguyên nhân là do hầu hết người Trung Quốc đều chấp nhận những giá trị đó.

 

Điểm thứ hai: Chính sách Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang ở thế phòng thủ đối với các chính sách Trung Quốc của Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc đã không trả đũa các lệnh cấm công nghệ của Mỹ ngay cả khi họ có một số công cụ để làm như vậy.

 

Điểm thứ ba: Không giống như mối quan hệ lạnh lẽo giữa Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh cũ, Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục có mối quan hệ nhịp nhàng và tương đối ổn định qua thương mại, đầu tư. Nhưng, chính những điều này lại làm tăng đáng kể mức độ phức tạp của một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu Mới.

 

Điểm thứ tư: Sự cạnh tranh địa chính trị đã không phát triển thành đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai nước, cũng như, sẽ không dẫn đến bất kỳ cuộc chiến tranh ủy nhiệm nào. Nhưng không có gì bảo đảm rằng, xung đột quân sự sẽ không bao giờ xảy ra giữa hai nước. Vì Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan đều đang là những điểm nóng có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào.

 

Nhiều nhìn nhận khác biệt đã dần trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có một điều không thể chối cãi là chính cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa Mỹ và khối Xô Viết trước đây đã ảnh hưởng rất nhiều đế sự mở màn một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới trong thế kỷ 21, một phần khác là Mỹ sẽ phải bảo vệ các giá trị của nước Mỹ khỏi ảnh hưởng độc tài và quyết đoán của Trung Quốc.

 

Người Mỹ giờ đây cảm thấy tiếc nuối vì đã lỡ chào đón người Trung quốc vào hệ thống của riêng mình qua việc chính thức kết nạp Trung Quốc vào hệ thống WTO tháng 12 năm 2001 bởi Tổng thống khi đó là ông Bill Clinton, dù nước Mỹ khi đó đã có thành lập một uỷ ban hành pháp trong Quốc Hội để bảo đảm việc Trung Quốc sẽ tuân thủ luật nhân quyền, đáp ứng các tiêu chuẩn lao động và cạnh tranh, chống bán phá giá, gây lũng đoạn thị trường của Mỹ, Trung Quốc đã rất khôn ngoan, ẩn nhẫn chờ thời, thực thi nghiêm chỉnh những lời hứa đến khi có được quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với nước Mỹ. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian đủ chín muồi, người Trung Quốc vẫn chưa bao giờ tuân thủ các cam kết với WTO, người Trung Quốc đã cảm thấy đủ mạnh mẽ để đứng lên và cạnh tranh sòng phẳng với chính người đã dang rộng vòng tay giúp mình ngày xưa, câu thành ngữ: “Ăn cháo đá bát” có thể được dùng cho Trung Quốc ngày nay, vì thế, hiện thực một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới là không thể nào tránh khỏi.

 

Dù hai quốc gia có thể sẽ phải bắt buộc hợp tác với nhau trong một số lãnh vực, thí dụ rõ nét là vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc mới chính là định mệnh đối với nước Mỹ, cường quốc số 1 hiện nay trên thế giới, và đối với Trung Quốc, cường quốc số 2 mới nổi lên. Theo đó, cạnh tranh công nghệ và kinh tế giữa hai nước sẽ chỉ ngày càng gay gắt hơn, bởi vì nó cuối cùng sẽ quyết định bên nào thắng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị trong cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21?

 

Để kết thúc bài bình luận này, với câu hỏi: “Việc Mỹ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có phải là một sai lầm hay không?

 

Các chuyên gia kinh tế và chính phủ của Tổng thống Biden chắc sẽ không thể nào quên những phát biểu đầy hoài nghi và mang tính cảnh báo của ông Robert Lighthizer, khi cho rằng, việc Mỹ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO dưới thời Tổng Thống Bill Clinton là một quyết định sai lầm lịch sử, khiến nước Mỹ mất đi hàng triệu việc làm và hàng ngàn tỷ Mỹ kim thâm hụt thương mại từ năm 2001 đến nay, người Mỹ đã tự tạo nên một đối thủ xứng tầm để đấu với chính mình, giờ đây, người Mỹ tự hỏi có thể sửa sai bằng cách đẩy Trung Quốc ra khỏi WTO để cứu vãn tình thế hay không? Câu trả lời giờ đây rất ngắn gọn, đơn giản: “Đã quá trễ để làm điều đó!

 

                                                              *

Tham khảo:

 

https://edition.cnn.com/2021/06/27/world/meanwhile-in-america-june-28-intl/index.html

 

https://www.wsj.com/articles/when-the-world-opened-the-gates-of-china-1532701482

 

https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/is-the-us-china-strategic-competition-a-cold-war/

 

https://link.springer.com/article/10.1007/s42533-021-00071-1

 

 

 

 

ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC KỶ NIỆM 100 NĂM : NHỮNG BÍ QUYẾT KHIẾN ĐẢNG CSTQ SỐNG DAI (The Economist)

 



Đảng CSTQ kỷ niệm 100 năm: Những bí quyết khiến Đảng CSTQ sống dai

The Economist

Vũ Văn Lê, dịch

Nghiên cứu Việt – Mỹ 

30/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/30/dang-cstq-ky-niem-100-nam-nhung-bi-quyet-khien-dang-cstq-song-dai/

 

Vào ngày 1 tháng 7 tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của chế độ luôn luôn tự cho mình là “tuyệt vời, vinh quang, và đúng đắn”. Khi ngự trị bắt đầu bước sang thế kỷ thứ hai, Đảng có lý do chính đáng để khoe khoang. Chế độ CSTQ không những đã tồn tại lâu hơn nhiều so với những dự đoán của học giả, mà dường như uy thế lại đang lên.

 

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều giới phân tích tin tưởng sẽ có một cường quốc cộng sản lớn khác rụng tiếp theo. Để thấy thế giới đã sai lầm như thế nào, hãy xem xét Tổng thống Joe Biden, tuyên bố tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 13 tháng 6 vừa qua, “đã đến lúc cần phải nhận thực rằng, không phải chỉ Hoa kỳ mới có mâu thuẫn với Trung quốc, mà cả thế giới đang thắc mắc, đặt câu hỏi:“liệu ​​các nền dân chủ có thể nào cạnh tranh được với chế độ cộng sản Tầu?”

 

Đảng CSTQ đã cai trị nước Tầu ròng rã 72 năm mà không hề có sự ủy quyền nào của cử tri. Đó không phải là một kỷ lục thế giới. Lenin và những người thừa kế ảm đạm của ông ta đã nắm quyền ở Matxcơva lâu hơn thế, hệt như sự ngự trị của Đảng Công nhân ở Bắc Triều tiên. Nhưng phải nhận là không có chế độ độc tài nào khác ở thế giới có thể chuyển hóa từ thảm cảnh đói rệp dưới thời Mao Trạch Đông, thành nền kinh tế lớn mạnh thứ hai thế giới, với công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến, khiến những xa lộ và đường sắt xe lửa ọp ẹp của Mỹ phải xấu hổ. Quả thật, lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc là những nhà độc tài thành công nhất trên thế giới.

 

Đảng CSTQ có thể duy trì được quyền lực vì ba lý do. Một là, cực kỳ tàn nhẫn. Đúng thế, đã tưởng sẽ tàn lụi vào năm 1989 trước khi đè bẹp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, nhưng cuối cùng chế độ đã đáp trả một cách điên cuồng bằng xe tăng súng đạn, khiến đất nước phải cúi đầu khuất phục. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không hề tỏ vẻ ngờ vực hay hối hận về vụ thảm sát đó. Mà ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chép miệng giảng giải: “Liên Xô sụp đổ vì các lãnh đạo Sô Viết không đủ can đảm để trỗi dậy kháng cự vào thời điểm quan trọng.” Khi nói như thế, Tập công khai để lộ bản chất tàn bạo, đại ý: khác hẳn đám chúng tôi, lãnh đạo Sô Viết không có gan tàn sát những người biểu tình hòa bình bằng súng máy.

 

Hai là, nhanh nhạy về ý thức hệ. Chỉ vài năm sau khi Mao qua đời vào năm 1976, một nhà lãnh đạo mới, Đặng Tiểu Bình, đã bắt đầu loại bỏ chế độ công xã để chấp nhận kinh tế thị trường ở nông thôn. Những kẻ mù quáng chủ nghĩa Mao nhăn mặt lúc ban đầu, nhưng sản lượng tăng vọt. Sau khi Thiên An Môn và Liên Xô sụp đổ, Đặng đã công khai bác bỏ chủ nghĩa Mao, và chấp nhận chủ nghĩa tư bản một cách mạnh bạo hơn. Sự thể này dẫn đến việc đóng cửa nhiều xí nghiệp quốc doanh, và bắt đầu chấp nhận tư nhân hóa nhà cửa cho dân chúng. Tuy hàng triệu công nhân bị sa thải, nhưng Trung Quốc đã phát triển vượt bậc.

 

Dưới thời Tập Cân Bình, đảng CSTQ thay đổi một lần nữa, tập trung vào chủ nghĩa và ý thức hệ. Những người tiền nhiệm của Tập chấp nhận cho bất đồng chính kiến ​​nhẹ. Tập khởi sự đường hướng mới: Mao lại được hoan hô ca tụng. Các cán bộ Đảng bắt buộc phải thấm nhuần “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Bộ máy hành chính, quân đội và cảnh sát phải trải qua những cuộc thanh trừng sát phạt, những quan chức ý tưởng lệch lạc và tham nhũng bị trừ khử thẳng tay. Doanh nghiệp lớn được nối nhau vào hệ thống. Tập nỗ lực xây dựng lại cơ sở đảng, tạo ra một mạng lưới gián điệp kiểm soát từ trên xuống dưới, đưa cán bộ vào các công ty tư để theo dõi. Kể từ thời Mao, chưa bao giờ nước Tầu bị kềm xiết chặt chẽ như vậy.

 

Ba là, Trung Quốc không hề là một chế độ dân chủ thuần túy, mà trở thành một chế độ độc tài, trong đó kẻ giàu sụ đều là những trự có quan hệ tốt. Tham nhũng tràn lan, những gia thế quyền lực nhất đều là những kẻ siêu giàu. Tuy thế, nhiều người dân TQ cảm thấy cuộc sống của họ được cải thiện, và Đảng đủ sắc sảo tinh khôn để nhận thức được những yêu cầu của dân. Thuế má nông nghiệp liền được bãi bỏ. Một hệ thống phúc lợi tức thì được thành lập, cấp lương hưu trí, chăm sóc sức khỏe cho hết mọi người. Dù lợi ích chưa thể gọi là đầy đủ, nhưng được nhận là hữu ích, tích cực.

 

Trong nhiều năm qua, giới quan sát phương Tây đã tìm đủ lý do để dự đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Bởi lẽ, chắc chắn sự kềm xiết của một nhà nước độc đảng không thể nào phù hợp được với quyền tự do mà kinh tế hiện đại đòi hỏi. Một ngày nào đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phải cạn kiệt, dẫn đến vỡ mộng, biểu tình. Thêm nữa, khi tầng lớp trung lưu rộng lớn cùng tăng trưởng mạnh mẽ, chắc chắn người dân sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn – đặc biệt là con cái họ đã được nếm mùi dân chủ đầu tiên khi du học ở phương Tây.

 

Những chẩn đoán kể trên đã sai lầm bởi Đảng Cộng sản liên tục được chấp nhận. Nhiều người dân Trung Quốc ghi nhận Đảng đã cải thiện đời sống họ. Quả thật, nhân lực của Trung Quốc đang thu hẹp lại vì tình trạng già nua của dân số, và lề lối nghỉ hưu sớm một cách vô lý, nhưng đó là những khó khăn mà mọi chính phủ phải đối mặt, cho dù là độc tài hay dân chủ. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung quốc dường như sẽ tiếp tục trong một thời gian.

 

Nhiều người dân Trung Quốc lại tỏ vẻ ngưỡng mộ bàn tay mạnh mẽ của Đảng Cộng sản. Họ thấy Trung Quốc đã nghiền nát covid-19, phục hồi kinh tế nhanh chóng, trong khi phương Tây vấp ngã. Họ cực kỳ hãnh diện, tự hào về quyền lực và vị thế siêu cường của Trung Quốc ở thế giới. Chủ nghĩa dân tộc do Đảng khởi xướng đang lan tràn. Truyền thông nhà nước liên hệ Đảng với Quốc gia và Văn hóa của nước Tầu. Trong khi đó guồng mày tuyên truyền châm biếm Hoa kỳ là vùng đất của bạo loạn chủng tộc và thảm sát bằng súng ống. Đảng CSTQ nghiêm khắc cảnh cáo: giải pháp thay thế chế độ độc đảng sẽ dẫn đến hỗn loạn.

 

Mỗi khi bất đồng chính kiến ​​nổi lên, Tập Cận Bình sử dụng công nghệ để ngăn chặn trước khi nó lan tràn. Đường phố khắp nước Tầu tràn ngập camera, được tăng cường bởi phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Các phương tiện truyền thông xã hội bị theo dõi kiểm duyệt. Các quan chức có quyền giải quyết bắt bớ mọi tầng lớp công dân vốn là nguồn nuôi nấng chế độ. Những người có tư tưởng “sai trái” có thể mất việc làm hay bị giam giữ. Cái giá của sự thành công của Đảng CSTQ nhờ đàn áp tàn bạo, thật là vô cùng khủng khiếp.

 

Không có bữa tiệc nào kéo dài mãi mãi

 

Mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Tập Cận Bình sẽ không đến từ quần chúng, mà từ chính nội bộ đảng. Bất chấp mọi nỗ lực cải sửa, đặc trưng của chế độ vẫn là chủ nghĩa bè phái, phản phúc, và tự ti ý thức hệ. Dù nhiều đối thủ bị buộc tội về âm mưu chiếm quyền đã bị bỏ tù, xử lí, nhưng chính trị Trung quốc không sáng sủa hơn nhiều thập kỷ qua, và cuộc thanh trừng bất tận của Tập để lộ rõ sự kiện hiển nhiên là đương kim lãnh đạo CSTQ vẫn còn rất nhiều kẻ thù giấu mặt hơn trước.

 

Thời điểm bất ổn nhất cho Tập có thể sẽ là giai đoạn kế thừa. Không ai biết nhân vật nào sẽ thay thế Tập, và quy tắc nào sẽ chi phối quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Khi loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch vào năm 2018, Tập đã báo hiệu là muốn nắm giữ quyền lực vô hạn. Nhưng điều đó chỉ làm cho công cuộc chuyển quyền tương lai thành bất ổn hơn. Mặc dù nguy cơ đối với Đảng CSTQ không nhất thiết sẽ dẫn đến những xán lạn mà những người yêu thích tự do mong muốn, nhưng đến một lúc nào đó, ngay cả triều đại Cộng sản Trung quốc này cũng sẽ phải kết thúc.

 

 

 


NHÀ BÁO ĐỘC LẬP LÊ VĂN DŨNG BỊ BẮT (VOA Tiếng Việt)

 



Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng bị bắt

VOA Tiếng Việt

30/06/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-doc-lap-le-van-dung-bi-bat/5947977.html

 

https://gdb.voanews.com/2EAD2AD8-3FE0-4588-9FCF-22DF3D730624_w650_r1_s.png

Ông Lê Văn Dũng phát biểu trực tiếp vào tháng 4-2021 trên trên kênh CHTV. Photo Lê Dũng VoVa.

 

Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn được biết là Lê Dũng Vova, vừa bị bắt sáng ngày 30/6/2021 tại quê nhà ở Hà Nội sau hơn một tháng bị công an truy nã "đặc biệt", theo tin từ gia đình.

 

Từ thủ đô Hà Nội, bà Bùi Thị Huệ, vợ ông Dũng, cho VOA biết rằng ông bị bắt khi đang ở nhà của một người quen và chủ ngôi nhà này cũng bị an ninh đưa đi.

 

Bà nói:

“Sáng nay tôi nhận được tin từ người thân là anh Dũng đã bị bắt ở quê nhà.”

 

“Trong quá trình họ bắt anh Dũng thì người nhà cũng bị bắt đi,” bà Huệ cho biết thêm.

 

VOA đã liên lạc chính quyền, công an huyện Ứng Hoà, và công an Hà Nội để xác nhận thông tin ông Dũng bị bắt, nhưng chưa được phản hồi.

 

Hôm 30/6, tổ chức nhân quyền Article 19 có trụ sở ở London, Anh, bày tỏ quan ngại trên Twitter về việc ông Dũng bị bắt. Tổ chức này viết: “Chúng tôi rất quan ngại về vụ bắt giữ nhà báo độc lập Lê Văn Dũng (Dũng Vova) sáng nay với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước””.

 

“Việt Nam tiếp tục sách nhiễu và bỏ tù những tiếng nói độc lập,” tổ chức Article 19 viết.

 

 

VIDEO :

Blogger Lê Dũng Vova bị truy nã vì ‘tuyên truyền chống nhà nước

 

Được biết, trước đó ông Dũng từng bị bắt hụt ngày 25/5. Vào ngày 28/5, công an Hà Nội ra lệnh truy nã ông với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117- Bộ Luật Hình sự.

 

Ông Lê Dũng Vova, được biết là người điều hành kênh CHTV trên YouTube, một kênh “truyền thông lề dân” phát sóng trên mạng xã hội với nội dung tố cáo các sai phạm của nhà nước, tư vấn pháp lý cho dân oan và cổ vũ cho các quyền tự do công dân.

 

Vào tháng 3, ông Dũng cho VOA biết ông có ý định ứng cử Quốc hội khóa XV và rằng ông liên tục bị an ninh gửi giấy triệu tập liên quan đến các clip “có nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước”.

 

Truyền thông nhà nước Việt Nam nói rằng ông Lê Dũng Vova là “một trong những đối tượng chống đối cộm cán núp dưới vỏ bọc “nhà báo độc lập””.

 

Trang Công an Nhân dân (CAND) viết: “Lê Dũng Vova là một đối tượng chống đối nổi tiếng trên mạng internet với những màn “hồ ngôn loạn ngữ” khi xuất hiện trên cái gọi là “Đài truyền hình CHTV”, “CHTV Vietnam” được phát trên nền tảng Youtube, Facebook.”

 

Cơ quan truyên truyền của Bộ Công an nhận định: “Rõ ràng, hoạt động của Lê Dũng vova đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Báo chí, đi ngược lại với chức năng, mục đích của báo chí là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.”

 

11 COMMENTS   

 

 

 

 


View My Stats