HỌC
VIỆN VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ (EFEO) TẠI HÀ NỘI TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 1946-1957
https://www.facebook.com/groups/373876840199844/posts/837128217208035/
Từ tháng 5-1946, nhờ chính sách mềm dẻo của
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, EFEO được quyền tự trị về hành chính và quản
lý các trụ sở của EFEO tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau những ngày lực lượng kháng
chiến rút khỏi Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc, EFEO đã gặp nhiều khó khăn: sau
chiến tranh, nước Pháp kiệt quệ về kinh tế, tài chính, không đầu tư được nhiều
cho Đông Dương nói chung trong đó có EFEO. Khó khăn nhất là về nhân sự: những
thành viên người Việt có uy tín của EFEO như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên,
Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Thiệu Lâu, Công Văn Trung .. đã theo
Chính phủ Hồ Chí Minh lên chiến khu và nhiều thành viên khoa học và cộng tác
viên tích cực người Pháp của EFEO như Madeleine Colani (1866-1943), Victor
Goloubew (1878-1945), Georges Groslier (1887-1945) đã mất tại Đông Dương, Jean
Przyluski (1885-1944), Paul Pelliot (1878-1945) mất tại Paris, Henri Maspero
(1883-1945) mất tại trại tập trung Buchenwald của Đức Quốc xã...... Mặt khác,
trong giai đoạn này cũng có những vướng mắc giữa EFEO với các cơ quan hành
chính có liên quan như Bộ Pháp quốc hải ngoại và Phủ Cao ủy Pháp ở Đông Dương.
Dần dần, với cố gắng của Paul Lévy, người thay George Coedès làm giám đốc, EFEO
đã tuyển được một số cộng tác viên, người Pháp và người Việt, tổ chức lại thư
viện và bảo tàng. Tập san nổi tiếng của EFEO cũng phải một thời gian dài sau mới
tiếp tục được xuất bản: số 43 cho các năm 1943-1946, số 47 cho 1947-1950. Vì
nhà máy in Viễn Đông, nơi có các phông chữ của nhiều ngôn ngữ khác nhau dùng
riêng cho EFEO bị cháy, nên tập san phải in tại Sài Gòn. EFEO cũng đã cố gắng
xuất bản tại Hà Nội được 3 số tập san song ngữ Việt-Pháp Dân Việt Nam / Le
Peuple vietnamien, tuy nhiên chất lượng in không cao. Trong hoàn cảnh như vậy,
EFEO đã tăng cường nghiên cứu về ngôn ngữ và dân tộc học Đông Dương. Giám đốc
Paul Lévy đã mời các nhà khoa học tài năng về làm việc, như nhà ngôn ngữ học
Jeanne Cuisinier (1890-1964) nghiên cứu, khảo sát về người Mường, André-Georges
Haudricourt (1911-1996) về ngữ âm học ngôn ngữ Hmông-Miến, François Martini
(1895-1965) về tiếng Tày, tiếng Việt và nhà dân tộc học Georgé Condominas
nghiên cứu dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa Tây Nguyên...
Nhưng những thay đổi lớn nhất trong giai đoạn
này là về tổ chức. Từ năm 1948, người Pháp ở Đông Dương đã lập được hệ thống
chính quyền địa phương trong vùng tạm chiếm, trao quyền “độc lập” cho các chính
phủ do Pháp dựng lên và được đặt trong khối Liên hiệp Pháp, một thể chế thay thế
cho hệ thống thuộc địa. Trong bối cảnh ấy, EFEO không còn của riêng Pháp nữa: một
thỏa thuận 4 bên về thay đổi tổ chức và chức năng của EFEO (Convention relative
à l’École française d'Extrême-Orient entre Le Gouvernement du Cambodge, Le
Gouvernement de la France, Le Gouvernement du Laos et Le Gouvernement du
Vietnam) đã được Pháp (do Cao ủy Pháp tại Đông Dương Léon Pignon đại diện) ký kết
với các “quốc gia” Campuchia, Lào, Việt Nam (do quốc trưởng Bảo Đại, thủ tướng
Nguyễn Phan Long và phó thủ tướng Nguyễn Văn Xuân đại diện). Quá trình ký kết
này đã kéo dài trong nửa năm (Pháp - Việt ngày 30/12/1949, Pháp - Lào ngày
6/2/1950, Pháp - Campuchia ngày 15/6/1950) (1) .
Mấy nét chính của thỏa thuận này là:
EFEO vẫn chịu sự kiểm soát về mặt khoa học của
Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương ở Pháp;
EFEO có một hội đồng quản lý bao gồm: đại diện
của Học viện Pháp quốc (là Chủ tịch), đại diện của 4 “quốc gia” Campuchia, Lào,
Việt Nam và Pháp, Giám đốc EFEO và Tổng Thư ký của EFEO;
Giám đốc EFEO, bắt buộc phải là công dân của 1
trong 4 quốc gia, được bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Viện Hàn lâm Văn khắc và
Văn chương và do cả 4 “quốc gia” quyết định. Nhiệm kỳ là 3 năm và có thể được bổ
nhiệm lại;
Chức danh Phó Chủ tịch được bầu trong số các
thành viên của Hội đồng và nhiệm kỳ là 1 năm;
Đại diện của “quốc gia” Việt Nam là đại biểu
thường trực của EFEO tại Hà Nội;
Hội đồng họp 1 năm 1 lần, trừ các trường hợp đặc
biệt;
Phía Pháp chịu 51% kinh phí cho các hoạt động
của EFEO, còn lại do các “quốc gia” Đông Dương chịu trách nhiệm;
Các bảo tàng và các bộ sưu tập của EFEO thuộc
quyền sở hữu của 4 “quốc gia” ký kết, do EFEO quản lý. Trong đó trên lãnh thổ
Việt Nam có Bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội và Bảo tàng Parmentier ở Đà Nẵng,
Campuchia có Bảo tàng Albert Sarraut. Các bảo tàng khác đặt trên lãnh thổ quốc
gia nào thuộc quyền sở hữu của quốc gia đó. Ở Việt Nam có Bảo tàng Blanchard de
la Brosse ở Sài Gòn, Bảo tàng Khải Định ở Huế.
Mọi quyết định liên quan tới EFEO phải được cả
4 “quốc gia” thông qua. Ví dụ để quyết định bổ nhiệm Louis Malleret làm Giám đốc,
phải có quyết định của Campuchia ký ngày 1/8/1950, của Lào ngày 18/8/1950, của
Việt Nam ngày 31/8/1950 và của Pháp ngày 8/9/1950. Người đại diện Chính phủ
Pháp ký quyết định chỉ là Cao ủy Pháp tại Đông Dương (2) .
Tuy nhiên, bản thỏa thuận trên không tồn tại
được bao lâu. Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết tháng 7/1954, Việt Nam tạm
thời bị chia cắt thành 2 miền: miền Bắc thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hóa, miền Nam còn nằm trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp một thời gian nữa. Những
biến động của thời cuộc đã đem lại những thay đổi lớn cho EFEO. Trụ sở chính của
EFEO chuyển vào Sài Gòn từ tháng 9/1954. Còn lại ở Hà Nội chỉ là một trung tâm
do Maurice Durand làm Giám đốc. Dưới quyền Giám đốc Louis Malleret và Chủ tịch
Hội đồng quản trị Jean Filliozat, đại diện của Học viện Pháp quốc, của cải của
EFEO đã được chia theo 4 địa chỉ: Hà Nội, Sài Gòn, Viêng Chăn và Phnom Pênh. Cuối
năm 1957, bảo tàng và thư viện của EFEO tại Hà Nội được giao lại cho chính quyền
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung tâm EFEO tại Hà Nội còn hoạt động đến năm
1959. Ở Sài Gòn, EFEO đặt trụ sở tại Bảo tàng Blanchard de la Brosse, tới
năm 1960 thì chuyển giao quyền quản lý cho chính quyền Sài Gòn và năm 1961
chính thức đóng cửa, kết thúc 60 năm hoạt động tại Việt Nam. EFEO phải tim
một phương thức hoạt động mới. Trong bài phát biểu ngày 24/5/1955 của Jean
Filliozat (1906-1982), Giáo sư Học viện Pháp Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của
EFEO tại cuộc họp của Hội đồng Quản trị của Hội Những người bạn của EFEO đã
nêu: “EFEO phải là một tổ chức thuần Pháp, làm việc ở nước ngoài và không chỉ tại
Đông Dương” và EFEO “có thể mở rộng hoạt động của mình, tận dụng các nhà nghiên
cứu Pháp tại các cơ quan khoa học trong tất cả các nước có nền văn minh Ấn Độ,
Trung Hoa cũng như Đông Dương” (3).
*
Hiện nay, trụ sở chính của EFEO được đặt trong
Maison de l’Asie (Nhà Á châu), số 22 đại lộ Président Wilson, quận 16, Paris và
có tên bằng tiếng Anh là French School of the Far East. Tại trụ sở chính, EFEO
cũng có một thư viện và một phòng lưu trữ ảnh. Thư viện tại Paris hiện có khoảng
100.000 tên sách, hơn 1700 tên tạp chí (trong đó có 700 tên tạp chí còn đang tiếp
tục xuất bản) về các lĩnh vực khoa học nhân văn của Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật
Bản và các nước Nam Á và hàng nghìn bản văn khắc. Phòng lưu trữ ảnh cũng có khoảng
150.000 ảnh về các lĩnh vực khảo cổ học, kiến trúc, tôn giáo, điêu khắc, tranh ảnh,
văn khắc, dân tộc học, bảo tàng... của các nước Campuchia (30.000 ảnh), Việt
Nam (khoảng 7.000 ảnh), Trung Quốc (khoảng 3.000 ảnh), Lào (khoảng 3.000 ảnh),
Thái Lan (khoảng 2.000 ảnh), Ấn Độ. Nhiều ảnh đã được số hóa.
Ngoài trụ sở chính ở Paris, EFEO còn có 18
trung tâm tại 12 quốc gia như Phnôm Pênh, Siêm Riệp (Campuchia), Seoul (Hàn Quốc),
Pondichéry, Pune (Ấn Độ), Jakarta (Indonésia), Kyoto, Tokyo (Nhật Bản),
Vientiane (Lào), Kuala Lumpur (Malaisia), Rănggun (Mianma), Bắc Kinh, Hồng Kông
(Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok, Chiềng Mai (Thái Lan), Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Ngày 10/2/1993, một thỏa thuận về việc thành lập
Văn phòng Đại diện của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã được ký kết
giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thay mặt Chính phủ Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Quốc vụ khanh Pháp ngữ và quan hệ văn hóa Catherine
Tasca, thay mặt Chính phủ Cộng hòa Pháp. EFEO trở lại Việt Nam, lúc đầu là tại
26 Lý Thường Kiệt (trụ sở của Viện Thông tin Khoa học xã hội) và từ năm 1995 có
trụ sở tại 5a xóm Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và thực hiện các hoạt động của
mình theo khuôn khổ các điều khoản đã được thỏa thuận. Tại trụ sở này, EFEO
cũng có một thư viện nhỏ có khoảng 1 vạn cuốn sánh tiếng Việt, Pháp, Anh chủ yếu
về khoa học nhân văn của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực (Campuchia,
Lào, Thái Lan). Tháng 9/2013, EFEO mở thêm Văn phòng dự án tại 113 Hai Bà
Trưng, quân 1, Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích mở rộng hoạt động nghiên cứu
khoa học xã hội và nhân văn và quan hệ hợp tác về phía Nam Việt Nam (4).
Các Trưởng đại diện của EFEO tại Hà Nội:
- Bertrand de Hartingh (1993-1996);
- Philippe Papin (1996-2006);
- Andrew Hardy (2006-2011);
- Olivier Tessier (2011-2014);
- Andrew Hardy (2014 – 2020)
- Philippe le Failler (2020 đến nay)
Và Trưởng chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh:
- Pascal Bourdeaux (2013-2015);
- Olivier Tessier (2015- đến nay)
Chú thích
1. Textes et documents concernant le fonctionnement
de l’École française d’Extrême Orient sur le territoire du Viet Nam.
2. Journal officiel de l’Indochine, 1950, tr.
1647.
3. Situation actuele de l’École (Tình hình hiện
nay của EFEO) trong Cahier de la Société des Amis de l’EFEO, no1, 1955, tr.6-7.
4. Un siècle d’histoire - École française
d'Extrême-Orient au Vietnam, tr. 219.
(Phần 8 trong cuốn Học viện Viễn Đông Bác cổ.
Giai đọan 1898-1957 của Ngô Thế Long và Trần Thái Bình. Nhà xuất Bản Đại
học Sư phạm Hà Nội, năm 2021)
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1610144472522375&set=pcb.837128217208035
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1610144589189030&set=pcb.837128217208035
No comments:
Post a Comment