Nhờ những
lợi thế nào mà Cộng Sản chiếm được miền Nam Việt Nam?
Vann
Phan/Người Việt
June 26, 2021
SANTA ANA, California (NV) – Cuộc Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, tức
là cách nay gần nửa thế kỷ, với kẻ thắng cuộc là Cộng Sản Bắc Việt và bên thua
cuộc là Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/CCB-Cong-San-chiem-mien-Nam-1-1068x730.jpg
Tàu HQ-504 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đón người
tị nạn Cộng Sản tại cảng Vũng Tàu ngay khi Cộng Sản cưỡng chiếm Sài Gòn. (Hình minh họa: STAFF/AFP via
Getty Images)
Lúc kẻ thắng, người bại đã được phân định rõ
cũng chính là lúc bên phía kẻ thắng cuộc nảy sinh xu hướng khoe khoang và tranh
giành công lao, trong khi bên phía người thua cuộc lại xảy ra tình trạng đổ lỗi
lẫn nhau.
Về phía kẻ thắng, Tướng Văn Tiến Dũng, người
chỉ huy cuộc tổng tấn công đánh chiếm miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt hồi
năm 1975, trong quyển “Đại Thắng Mùa Xuân” (1976), cứ nhất định cho là nhờ tính
“rất thông minh” của “Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta trong phạm vi chiến lược
và chiến dịch” mà quân Cộng Sản đã toàn thắng, chứ tuyệt nhiên không đề cập tới
những lợi thế chính trị và quân sự do thế giới bên ngoài đưa đến để giúp phe Cộng
Sản đạt thắng lợi.
Ngày nay, 46 năm đã trôi qua sau ngày Sài Gòn
sụp đổ, khi nhìn lại lịch sử cuộc xung đột Quốc-Cộng tại Việt Nam, phần đông
các nhà viết sử và phê bình thời cuộc đều nhận định rằng, như thực tế cho thấy,
số phận của các nước nhược tiểu như Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa, phần lớn, đều được quyết định trước trên bàn cờ quốc tế.
Nói khác đi, chính các đại cường như Hoa Kỳ, Liên Xô và Cộng Sản Trung Quốc,
vào thời điểm đó, đã tác động tích cực và mạnh mẽ đến kết quả là Cộng Sản Bắc
Việt trở thành kẻ chiến thắng và Việt Nam Cộng Hòa không thể tiếp tục tồn tại
được nữa.
Những lợi thế nào
giúp Cộng Sản chiếm được miền Nam Việt Nam?
Những lợi thế sau đây, tức là những yếu tố
mang tính khách quan nhiều hơn là chủ quan, đã giúp Cộng Sản Bắc Việt đánh bại
chính phủ và quân đội miền Nam Việt Nam qua cuộc tổng tấn công sau cùng vào Sài
Gòn trong một thời gian tương đối nhanh, từ 10 Tháng Ba đến 30 Tháng Tư, 1975:
Thứ nhất, cho dù cuộc Chiến Tranh
Việt Nam có được gọi bằng những tên khác đi nữa, như nội chiến, chiến tranh giải
phóng miền Nam, chiến tranh chống Cộng Sản xâm lược… thì, trong cốt lõi, cuộc
chiến tranh đó cũng chỉ là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) của thời
Chiến Tranh Lạnh trong thế kỷ trước.
Theo đó Miền Nam Tự Do và Miền Bắc Cộng Sản đều
bị Hoa Kỳ và phía bên kia là Cộng Sản Liên Xô và Trung Quốc xúi giục và điều
khiển, với lời hứa sẽ cung cấp đầy đủ viện trợ quân sự và kinh tế cho hai bên
yên tâm đánh nhau mãi.
Chính Tổng Bí Thư Cộng Sản Bắc Việt Lê Duẩn
cũng từng thừa nhận: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc,
cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang
đâm vào lưng ta.”
Lợi
thế của Cộng Sản Bắc Việt ở đây là trong khi Liên Xô và Trung Quốc cùng những
nước Cộng Sản khác (như Cuba, Bắc Hàn, Tiệp Khắc…) vẫn tiếp tục chi viện người
và của cho Hà Nội để đánh chiếm miền Nam thì Hoa Kỳ lại cúp toàn bộ viện trợ
quân sự và kinh tế cho Sài Gòn kể từ đầu năm 1975.
Thứ nhì, công bằng mà nói, bộ đội
Cộng Sản rất mực tin tưởng vào ý thức hệ Cộng Sản và đảng Cộng Sản lãnh đạo nhờ
luôn được nhồi sọ về những cái tốt đẹp của chủ nghĩa này, trong khi người chiến
sĩ Cộng Hòa không hề bị nhồi nhét bất cứ chủ nghĩa nào và cũng không hề bị buộc
phải trung thành với bất cứ đảng phái nào ngoài việc được giáo dục về Tổ Quốc-Danh
Dự-Trách Nhiệm để làm phương châm phục vụ đất nước và dân tộc.
Vì thế, người lính Cộng Sản thường là những kẻ
cuồng tín và luôn nghĩ rằng họ đang chiến đấu vì độc lập của đất nước và tự do
cho dân tộc, để rồi lặng lẽ chấp nhận mình bị buộc chân vào ổ súng phòng không
hoặc xích cẳng vào ghế ngồi trong chiến xa, thề chiến đấu cho tới chết.
Thứ ba, người lính Cộng Hòa nơi
tiền tuyến, dù sao đi nữa, cũng nặng nợ gia đình, với con thơ, vợ dại và mẹ già
nơi hậu phương, như lời ca trong nhạc phẩm “Lá Thứ Người Lính Chiến” của Nguyễn
Văn Đông: “Mẹ ơi, sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con… mẹ ơi, vợ hiền
con có còn chăm lo luống khoai tháng ngày…”
Trong khi đó, với chủ trương “tam vô” của Cộng
Sản, phần lớn bộ đội từ Bắc vô Nam đều nhẹ gánh gia đình vì họ thường là những
người rất trẻ, chưa lập gia đình, và số người có vợ con để lại nơi hậu phương
trên đường “sinh Bắc, tử Nam” cũng không nhiều lắm.
Sức chiến đấu của người lính ngoài mặt trận,
dù nhiều, dù ít, cũng bị ảnh hưởng của thân nhân ruột thịt nơi quê nhà, chả thế
mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết câu “ra đi không vương thê nhi miền Bắc núi tuyết
rét mướt, quen vui trong muôn phân ly, sống trên ngàn trùng sóng…” trong bài “Hải
Quân Việt Nam Hành Khúc.”
Thứ tư, người lính Cộng Sản,
trong chiến trận, được quyền dùng bạo lực và hỏa lực tối đa để tiêu diệt quân địch,
mặc dù trong đám quân địch đó có cả thường dân vô tội, bởi vì họ luôn được dạy
rằng “cứu cánh biện minh cho phương tiện” tức là hễ chiến thắng rồi thì “chính
nghĩa” sẽ thuộc về mình, và việc bắn giết thường dân là điều cần phải làm để
giành chiến thắng.
Như ai cũng biết, những cảnh cho thấy vô số
người già, đàn bà và trẻ em trong đám thường dân bị thiệt mạng và bị thương vì
đạn pháo kích và bắn tỉa của quân Cộng Sản trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” hồi 1972 (ở
Quảng Trị”) và “Liên Tỉnh Lộ 7B, Con Lộ Máu” hồi 1975 (ở Phú Bổn) nói lên tính
tàn bạo của chiến tranh.
Cũng chính vì sợ gây thiệt hại đến tính mạng
và tài sản của người dân mà công cuộc giải tỏa Đô Thành Sài Gòn và Cố Đô Huế khỏi
tay Cộng Quân hồi Tết Mậu Thân 1968 đã làm hao tổn nhiều thì giờ và xương máu của
người lính Cộng Hòa.
Thứ năm, các phong trào chống
chiến tranh tại Hoa Kỳ và tại các quốc gia Âu Châu ganh ghét với vị thế của Mỹ
trên trường quốc tế – mặc dù chính Mỹ đã giúp họ đánh bại phát xít Đức và bỏ tiền
ra tái thiết Âu Châu sau Đệ Nhị Thế Chiến – là món quà quý giá cho Cộng Sản Bắc
Việt và Cộng Sản Quốc Tế.
Những cái loa tuyên truyền từ Hà Nội và Bắc
Kinh cho tới Havana và Bình Nhưỡng đã rập ràng hòa nhịp với luận điệu phản chiến
từ Washington, New York, và Stockholm cho tới Paris, Rome và Bonn. Một mặt thì
đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi Việt Nam và mặt khác thì tô vẽ cho chính quyền Hà
Nội trở thành nạn nhân vô tội trong cuộc chiến, đồng thời bôi nhọ chính quyền
Sài Gòn là hiếu chiến, không chịu chấp nhận hòa bình bằng mọi giá để cứu dân…
Thứ sáu, mục tiêu chiến tranh của
Hoa Kỳ tại ba nước Đông Dương cũ rất là giới hạn, nghĩa là chỉ mong đánh bật
quân xâm nhập Cộng Sản ra khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, Vương Quốc Lào và Cộng
Hòa Khmer mà thôi, chứ không nhằm tiêu diệt Cộng Sản Bắc Việt, và lại càng
không hề muốn khiêu khích Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hồi Tháng Sáu, 1964 (thời
Ngoại Trưởng Dean Rusk), đã thông báo cho Thủ Tướng Cộng Sản Bắc Việt Phạm Văn
Đồng rằng: “Chúng tôi (Hoa Kỳ) không được quyền tiêu diệt chế độ Hà Nội, không
cưỡng ép dân chúng Bắc Việt Nam phải thay đổi nhà cầm quyền, và không tàn phá Bắc
Việt Nam. Chúng tôi chỉ đơn giản muốn Bắc Việt Nam ngừng điều khiển và yểm trợ
Việt Cộng nổi dậy ở trong Nam và đưa lực lượng Bắc Việt Nam trở ra Bắc…”
Đã thế, khi giao tranh, quân đội Hoa Kỳ còn phải
tuân thủ những quy tắc tham chiến (rules of engagement) nghiêm ngặt, khiến Thượng
Nghị Sĩ Barry Goldwater của Arizona phải thốt lên: “Những quy tắc này bảo đảm rằng
quân đội Hoa Kỳ không thể nào chiến thắng trong khi quân Cộng Sản thì không thể
nào thua.”
Thứ bảy, giữa lúc chiến cuộc đang
tiếp diễn trên khắp các mặt trận tại miền Nam Việt Nam và trong khi Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa, với kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh, đang trở nên thiện chiến
hơn và hùng mạnh hơn, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản
Bắc Việt, thì Quốc Hội Mỹ lại áp lực chính quyền Richard Nixon và Geral Ford phải
chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tại ba nước Việt-Miên-Lào, chủ yếu
là cắt đứt mọi viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa.
Thế là Miền Nam Tự Do, từ đó, không còn khả
năng tiếp tục cuộc chiến tranh chống quân Cộng Sản xâm lược nữa. Và, nói theo
ngôn ngữ dân gian, Việt Nam Cộng Hòa “không bị Cộng Sản đánh chiếm cũng uổng!”
Chính nghĩa đã thắng
hay chỉ là Ác thắng Thiện?
Thế giới rung chuyển vì chiến thắng lớn lao của
các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam, với việc Sài Gòn sụp đổ
vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Phần lớn báo chí truyền thông quốc tế đều đưa
tin và ca ngợi chiến thắng này của phe Cộng Sản, với niềm tin tưởng hầu như
không có gì lay chuyển nổi, là nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ nay, sẽ được
sống trong hòa bình, tự do, thịnh vượng, và hạnh phúc dưới quyền cai trị duy nhất
của đảng Cộng Sản Việt Nam, mà chưa ai biết chắc là lành hay dữ ra sao. Trong
các buổi “lên lớp” đầu tiên sau ngày “giải phóng Miền Nam,” kẻ chiến thắng luôn
cao giọng nói với những thành phần bại trận rằng vì họ có “chính nghĩa” nên họ
đã chiến thắng.
Nhưng, như lời nhạc “tình người về giữa đêm Xuân
chưa dứt cuộc vui” (trong ca khúc “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy” của Trầm Tử
Thiêng về biến cố Tết Mậu Thân 1968), chẳng bao lâu, sự thật đã chứng minh ngược
lại. Chỉ một tháng sau ngày “Sài Gòn giải phóng,” chế độ mới đã hiện nguyên
hình là nhà cai trị hà khắc và bất nhân. Chính quyền Cộng Sản khắp nơi khởi sự
bắt giam các cựu sĩ quan, viên chức, linh mục, thượng tọa, trí thức, và văn nghệ
sĩ “phản động” thời Việt Nam Cộng Hòa tại các nhà tù từ Nam ra Bắc, rồi phát động
các đợt đổi tiền, đánh tư sản, tịch thu tài sản của giới tư sản mại bản, tiêu hủy
sách báo và văn hóa “đồi trụy” của miền Nam, cưỡng bách các gia đình “ngụy
quân, ngụy quyền” phải đi vùng kinh tế mới…
Thế rồi, từ cuối năm 1975, diễn ra những cuộc
vượt biên, vượt biển để trốn thoát ách Cộng Sản của hằng triệu bộ nhân và thuyền
nhân Việt Nam sang các quốc gia thứ ba trong vùng Đông Nam Á trên đường tìm đến
các nước Tây phương tự do, dân chủ, tạo nên cuộc khủng hoảng thuyền nhân không
tiền khoáng hậu trên toàn thế giới, kéo dài mãi cho tới cuối thập niên 1990 mới
thôi.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/06/CCB-Cong-San-chiem-mien-Nam-2-1068x751.jpg
Tổng Thống Dương
Văn Minh (giữa) tại Dinh Độc Lập sau lúc tuyên bố đầu hàng quân Cộng Sản Bắc Việt.
(Hình: AP Photo/Billy)
Ngay cả sau khi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam khởi sự kế hoạch Đổi Mới kinh tế (vào năm 1986) và, kế đó, bình thường
hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (vào Tháng Bảy, 1995), Hà Nội vẫn nổi tiếng
trên thế giới là một trong những quốc gia không có tự do, dân chủ và thường
xuyên vi phạm nhân quyền, với thành tích bắt giam và ngược đãi hằng trăm nhà bất
đồng chính kiến cùng các tù nhân lương tâm.
Ngày nay, chỉ cần theo dõi các cuộc biểu tình
của dân chúng Việt Nam cùng với những lời nguyền rủa Trung Quốc (chỉ vì người
dân không dám trực tiếp xúc phạm chính quyền Hà Nội), hoặc chứng kiến các cuộc
biểu tình của “dân oan” khắp nơi, hoặc đọc những ngôn từ ta thán và chỉ trích
chế độ trên mạng lưới xã hội tại Việt Nam thì ai cũng đủ biết rằng, nói gì thì
nói, chiến thắng của Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam hồi năm 1975 chỉ
là một biến cố trong ngọn sóng trào Ác thắng Thiện, đã và đang dâng lên tại nhiều
vùng đất khác nhau trên thế giới từ ngày đó cho đến bây giờ. (Vann
Phan) [qd]
No comments:
Post a Comment