Đảng
Cộng Sản tròn 100 tuổi, Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ?
Minh
Anh -
RFI
Đăng ngày: 28/06/2021 - 14:56
Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 01/07/2021, mừng 100
năm tuổi và bắt đầu một thế kỷ thứ hai dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình,
người đã áp đặt một cách thức điều hành đoạn tuyệt với những người tiền nhiệm.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc học, Marc Julien, trên tạp chí Diplomatie (số ra
tháng 6-7/2021) đặt câu hỏi : Vào lúc những thách thức từ nội bộ và bên
ngoài ngày một lớn, Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ?
Tại Trung Quốc, đảng
Cộng Sản tổ chức rầm rộ dịp kỷ niệm 100 ngày thành lập Đảng, mùng 1 tháng 7 năm
1921. Ảnh minh họa. Hector RETAMAL AFP
Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể
từ thời Mao Trạch Đông là điều không ai phủ nhận. Lên cầm quyền trong bối cảnh
cạnh tranh quyền lực gay gắt (với Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang), Tập Cận Bình
buộc phải tập trung mọi nỗ lực để củng cố quyền lực và khẳng định thế mạnh của
đảng Cộng Sản Trung Quốc kể từ ngày đầu lên nắm quyền năm 2012. Điều này được
thể hiện rõ qua 3 đặc điểm trong cách thức điều hành của ông Tập Cận Bình.
Bộ máy an
ninh : Công cụ kiểm soát Đảng
Thứ nhất là khái niệm « an
ninh quốc gia ». Để kiểm soát, Đảng cần phải quản lý được bộ máy an
ninh. Khái niệm « an ninh quốc gia » vì vậy mà được phát triển
nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi hình thức đe dọa cổ điển và không cổ điển, cho đến
kinh tế, văn hóa và ý thức hệ, đến từ bên ngoài lẫn bên trong đất nước.
Để củng cố quyền kiểm soát Đảng, một mặt, Tập
Cận Bình năm 2014 cho thành lập Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Trung Ương (CNSC) – cơ
quan điều hành các ủy ban và cơ quan chuyên trách an ninh của Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, ông tiến hành cải cách rộng lớn Quân Ủy Trung Ương (CMC), cơ quan
lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nhân dân (APL) tối cao. Cả hai cơ quan này đều do
đích thân Tập Cận Bình chủ trì.
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy có xu hướng
quân sự hóa các lực lượng an ninh nội địa tại Trung Quốc, như công an vũ trang
nhân dân, lực lượng bán quân sự an ninh nội địa…
Thứ hai, với Tập Cận Bình, cần phải
chấn chỉnh lại nền kỷ luật và ý thức hệ, vốn dĩ là hai mặt của một vấn đề. Một
nền kỷ luật nghiêm ngặt cho phép áp dụng đúng đắn ý thức hệ, trong khi đó, ý thức
hệ biện minh cho nền kỷ luật do quyền lực đòi hỏi. Để thiết lập kỷ luật, Tập Cận
Bình có trong tay công cụ đáng gờm là Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương Đảng, cho phép
tiệt trừ mọi đối thủ tiềm tàng, bằng các chiến dịch chống tham nhũng « diệt
ruồi và hổ ».
Viết lại lịch sử
Để nâng cao ý thức hệ, Tập Cận Bình cho phát
huy hết công suất cỗ máy tuyên truyền, kêu gọi « gia nhập nghiêm túc đường
hướng của Đảng ». Ông không ngần ngại sử dụng lại khẩu hiệu thời
Mao Trạch Đông : « Đảng, Nhà nước, quân đội, xã hội và đại học,
Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung, Đảng lãnh đạo tất ! »
Thế nên, lịch sử của Đảng cũng phải được viết
lại, phải được đánh bóng. Những giai đoạn đen tối như cuộc Cách Mạng Văn
Hóa (1966-1976) hay vụ thảm sát Thiên An Môn (1989)… cũng chỉ được nói phớt qua,
bị cấm đoán hay được biện minh là một nỗ lực chống tham nhũng và những đặc quyền.
Phần lớn lịch sử đảng dành nói về công trạng của Tập Cận Bình, được coi là người
kế thừa Mao có một tầm nhìn tích cực.
Chỉ có điều hệ quả của việc tái khẳng định sức
mạnh siêu việt của Đảng và phổ biến khái niệm an ninh quốc gia của ông Tập Cận
Bình đã dẫn đến trạng thái củng cố hơn nữa chủ nghĩa chuyên chế và kiểm soát xã
hội, mà hai nạn nhân chính lại là khu tự trị Tân Cương và đặc khu kinh tế Hồng
Kông, siết chặt kiểm soát tôn giáo, văn hóa, sắc tộc và các quyền tự do cơ bản.
Phiêu lưu ngoại
giao
Trên phương diện đối ngoại, Bắc Kinh ngày càng
có thái độ xác quyết và hung hăng, không ngần ngại dùng vũ lực để đe dọa các nước
láng giềng tại châu Á. Với phương Tây, mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng
khi tiến hành một nền ngoại giao « chiến lang ». Trung Quốc giờ
cũng không còn do dự khi đáp trả các biện pháp trừng phạt của châu Âu hay trừng
phạt kinh tế những nước nào làm phật lòng mình. Khi tỏ thái độ tự tin, đảng Cộng
Sản Trung Quốc chứng tỏ sẵn sàng đối mặt với bất kể cuộc khủng hoảng nào, chống
lại bất kỳ đối thủ nào.
Cuối cùng, tác giả kết luận, đảng Cộng Sản
Trung Quốc lớn mạnh, nhưng rủi ro cũng tăng theo trên nhiều mặt : dân số,
bất bình đẳng xã hội, sinh thái, kinh tế, đối đầu với Mỹ và các rủi ro xung đột
khu vực. Tập Cận Bình đã thâu tóm thành công quyền lực, nhưng tham vọng hoàn
thành « giấc mơ một nước Trung Hoa hồi sinh » của ông có nguy
cơ gây ra những rạn nứt mới trong lòng đảng Cộng Sản. Và nhất là vì Trung Quốc
chọn đi theo con đường chủ nghĩa chuyên chế, nên sức mạnh kinh tế, công nghệ và
quân sự cũng đáng lo như chính những điểm yếu của nước này !
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Trường
thọ nhờ tàn bạo và kinh tế, Đảng Cộng Sản Trung Quốc trăm năm cô đơn
Đảng
Cộng Sản Trung Quốc : 100 tuổi và cuộc đấu đá nội bộ không ngơi nghỉ
No comments:
Post a Comment