Nhìn
lại 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc – những khoảnh khắc tự do
Willy Wo-Lap Lam
- The Jamestown Foundation
Lê Minh Nguyên, dịch
28/06/2021
Giới thiệu
Sau khi Mao Trạch Đông (1893-1976) trở thành
nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), năm
1936, ông bắt đầu thanh trừng toàn diện thế hệ trí thức có tư tưởng tự do từ sớm
trong đảng ngay trụ sở tạm thời của đảng ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây.
Kể từ đó, ĐCSTQ phần lớn tuân theo mệnh lệnh của
Mao rằng “quyền lực chính trị bắt nguồn từ nòng súng” và cả đảng viên cũng như
công dân phải là “răng bánh xe của cỗ máy” trong công cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa của đảng. Việc tẩy não và thanh trừng tàn nhẫn những ai phản đối chế độ độc
tài của Mao vẫn là mệnh lệnh cho đến khi kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa năm
1976.
Trước khi trở thành lãnh đạo tối cao của đảng
và nhà nước TQ vào năm 1949, Mao đã từng đóng vai trò là người ủng hộ dân chủ
trong nhiều cuộc phỏng vấn với các cơ quan truyền thông phương Tây. Trong một
cuộc họp báo năm 1944 với các thành viên báo chí châu Âu và Mỹ, ông nói “TQ có
nhiều thiếu sót, trong đó nghiêm trọng nhất là thiếu dân chủ”, ông nói thêm với
khán giả phương Tây “Người TQ cần dân chủ… chỉ có như vậy thì đất nước mới có
thể được xây dựng tốt đẹp”. Nhưng ông ta đang nói những lời dối trá để lợi dụng
cơ hội.
Những người theo
chủ nghĩa tự do bị thanh trừng và loại trừ từ sớm dưới thời Mao
ĐCSTQ kỷ niệm một trăm năm thành lập vào ngày
1/7/2021. Hơn 100 năm qua, đã có những đảng viên và trí thức dũng cảm nghĩ rằng
ĐCSTQ nên xoay chiều khỏi chủ nghĩa toàn trị Stalin và áp dụng ít nhất một số
giá trị phổ quát về tự do ngôn luận và pháp trị được ghi trong Hiến chương Liên
hiệp quốc.
Quan điểm tự do trong đảng — đáng tiếc không
bao giờ trở thành quan điểm chủ đạo — bắt đầu từ người đồng sáng lập Trần Độc
Tú (Chen Duxiu 1879-1942), từng là Tổng bí thư đầu tiên của ĐCSTQ và bị đuổi khỏi
đảng vào năm 1929, ông ủng hộ tự do dân chủ trong khi là một người theo chủ
nghĩa Marxist và sau đó là một Trotskyite. Năm 1940, ông Trần lưu ý rằng “nền
dân chủ vô sản… cũng giống như nền dân chủ tư sản, đòi hỏi mọi công dân phải có
quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do ngôn luận, xuất bản và đình công”.
Trong thời kỳ “độc tài của giai cấp vô sản” mà
đỉnh cao là Cách mạng Văn hóa (1966-1976), hầu hết các trí thức có tư tưởng độc
lập đều bị gán cho là “cánh hữu” và phần lớn những người bất đồng chính kiến đầu tiên này bị đày đến vùng biên giới Đông Bắc cằn cỗi hoặc Tân Cương
nghèo khó. Một số người theo chủ nghĩa tự do, bao gồm các sinh viên Lin Zhao
(1932-1969) và Zhang Zhixin (1930-1975), dám thách thức Mao và đã bị xử tử.
Các nhà văn nổi tiếng, bao gồm tiểu thuyết gia
Lão Cô hay còn gọi là Shu Qingchun (1899-1966), Deng Tuo (1912-1966) và Wu Han
(1909-1969) hoặc tự tử hoặc chết trong tù. Nó để lại cho Đặng Tiểu Bình
(1904-1997) và hai người kế vị đầu tiên được chỉ định của ông là Hồ Diệu Bang
(Hu Yaobang 1915-1989) và Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang 1919-2005) nhặt các mảnh
vụn sau khi Mao qua đời năm 1976.
Cải cách và mở cửa
của Đặng Tiểu Bình
Đặng, Hồ và Triệu đã dẫn đầu phong trào giải
phóng tư tưởng, có thể được tóm tắt bằng câu nói “thực hành là tiêu chí duy nhất
của chân lý.” Nó cho rằng một chính sách chỉ có thể được xác nhận sau khi thử
nghiệm thành công. Cuộc cải cách tư tưởng này đã giải phóng dân tộc khỏi sự sai
khiến mù quáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông.
Các cải cách chính trị thời hậu Mao của Đặng
bao gồm việc cho phép các cuộc bầu cử cấp làng xã, xóa bỏ sự sùng bái cá nhân,
thiết lập cơ chế nghỉ hưu và chuyển quyền lãnh đạo cũng như tách đảng và chính
phủ thành hai định chế riêng. Kiến trúc sư vĩ đại của Cải cách này
nói thêm rằng, cơ chế thị trường có thể được sử dụng bởi cả các nước xã hội chủ
nghĩa và tư bản, do đó mở ra con đường cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh
nghiệp nước ngoài đóng những vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Người kế nhiệm
họ Đặng là Triệu, từng giữ chức Thủ tướng TQ từ 1980-1987 và Tổng bí thư ĐCSTQ
từ 1987-1989, đã rất ấn tượng với hệ thống kinh tế thị trường tự do
(laissez-faire) của phương Tây đến mức ông thường xuyên tham khảo ý kiến của các nhà kinh tế phương Tây và Trung Quốc ở
nước ngoài về các hoạt động kinh tế tư bản.
Sự kiện Thiên An Môn đánh dấu một bước lùi
toàn diện của tiến trình tự do hóa chính trị theo kiểu Đặng, nhưng ngay cả sau
khi quay lưng lại với các cải cách chính trị, Đặng vẫn muốn thúc đẩy ít nhất một
số chính sách kinh tế theo định hướng thị trường. Nhờ vậy, cuối cùng nó đã tạo
điều kiện cho TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, mà
các nhà lãnh đạo hàng đầu vào thời điểm đó là chủ tịch Giang Trạch Dân (1926-)
và thủ tướng Chu Dung Cơ (1928-) nhận được một phần công lao.
Nhiều trí thức khi đó nêu ra viễn cảnh có hơi
lạc quan quá mức rằng việc TQ “bước vào thế giới” có nghĩa là quốc gia độc tài
này có thể không chỉ áp dụng các chuẩn mực tài chính kiểu phương Tây mà còn áp
dụng các giá trị toàn cầu trong quản trị dựa trên nền tảng luật pháp.
Theo ông Qin Benli (1918-1991) tổng biên tập của
tờ World Economic Herald – một tờ báo tiên phong bị đóng cửa vào năm 1989 – thì
một trong những mục tiêu chính của tiến trình hiện đại hóa TQ đã đạt được để trở
thành “Thành viên trên thế giới” là: Sự công nhận có tính cách toàn cầu rằng TQ
tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Các quan chức và học giả có khuynh hướng tự do
lạc quan rằng sau khi TQ gia nhập WTO, việc nước này áp dụng các tiêu chuẩn
toàn cầu trong quản trị sẽ đẩy nhanh các cải cách kinh tế và có lẽ cả cải cách
chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào (1942-), người
giữ chức vụ Tổng Bí thư ĐCSTQ từ năm 2002-2012, TQ nói chung trở nên tự do hơn
so với người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân. Hồ chủ yếu tuân theo chính
sách mở cửa kinh tế do quốc sư kinh tế Chu Dung Cơ đặt ra. Trong lĩnh vực chính
trị, Hồ đã khởi xướng cái gọi là “dân chủ trong nội bộ đảng”, thực hiện các cải
cách cho phép các quan chức cấp địa phương được lựa chọn một phần thông qua sự
giới thiệu của công chúng; cho phép bầu trực tiếp bí thư chi bộ thị trấn, thôn
quê; và bầu cử cha’e (cha’e xuanze) cho Ủy ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, có
nghĩa là số lượng ứng cử viên cho cơ quan cầm quyền cao nhất sẽ vượt quá các vị
trí hiện có.
Nhà khoa học chính trị của Đại học Bắc Kinh,
ông Yu Keping, bày tỏ hy vọng rằng các biện pháp tự do hóa tiệm tiến bên trong
ĐCSTQ sẽ dần dần lan toả xuống các khu vực phi đảng phái. Một tiến trình tự do
hóa khác do Hồ thúc đẩy là cho phép thế hệ đầu tiên của các tổ chức phi chính
phủ TQ được tự do hoạt động mà không cần sự giám sát trực tiếp của đảng, nó
mang lại lợi ích cho xã hội dân sự.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo (1942-), một phụ tá có tư
tưởng cải cách của Triệu, thậm chí trên lý thuyết còn ủng hộ cho việc TQ thông
qua Hiến chương Nhân quyền của Liên Hiệp quốc. Trong một bài báo gây
chú ý của Tân Hoa xã vào năm 2007, Ôn đã viết rằng, “khoa học, dân chủ, hệ thống
luật pháp, tự do và nhân quyền là… những giá trị chung mà nhân loại theo đuổi”.
Sau đó, ông nói với truyền thông phương Tây rằng “chúng ta cần xây dựng một hệ
thống tư pháp độc lập và công bằng” và rằng “chính phủ cần phải chấp nhận sự
giám sát của giới truyền thông và các tổ chức khác”.
Tuy nhiên, tiến trình tự do hóa cũng gặp phải
những trở ngại, khi mà các nhà lãnh đạo đảng vào đầu thế kỷ 21 tiếp tục ưu tiên
cho việc duy trì kiểm soát và ổn định. Chính quyền Hồ-Ôn cũng chịu trách nhiệm
về việc đàn áp phong trào Hiến chương 08, do người đoạt giải Nobel Hòa bình đã
quá cố Lưu Hiểu Ba (1955-2017) và 300 trí thức hàng đầu khác khởi xướng. Được
mô phỏng theo phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc do Liên Xô cai trị, Hiến
chương 08 kêu gọi đảng cho phép tự do ngôn luận, hội họp, tôn giáo và thành lập
một cơ quan tư pháp độc lập. Nó được ký tên ủng hộ bởi hơn 10.000 người ở cả TQ
và nước ngoài. Lưu bị bắt vào năm 2009 với tội danh lật đổ và bị phạt tù 11 năm.
Cuối cùng, ông đã chết trong tù vào năm 2017, chủ yếu do không được điều trị
căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Sự phục hồi chủ
nghĩa Mao của Tập Cận Bình
Tất cả các cải cách đều bị đóng băng dưới thời
quay về Mao của Tập Cận Bình (1953 -), là người đã trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ
năm 2012 và sau đó đã áp dụng lại nhiều chính sách chính trị và kinh tế dựa
theo tư tưởng Mao. Ông Tập thường nhắc lại khẩu hiệu của Hồ “Những gì chúng
ta sở hữu trong quá khứ không nhất thiết thuộc về chúng ta bây giờ; những gì
chúng ta sở hữu bây giờ có thể không phải là của chúng ta mãi mãi” – nhấn mạnh
nhu cầu quan trọng hàng đầu của ĐCSTQ là phải nắm giữ độc quyền hoàn toàn quyền
lực.
Bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ mà ông Tập – có
biệt danh là “Chủ tịch của mọi thứ” – tóm thu trong bộ máy đảng-nhà nước-quân đội,
một số nhà lãnh đạo chính trị và trí thức vẫn ủng hộ tự do hóa kinh tế và chính
trị theo kiểu Đặng. Ít nhất là trong vài năm đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng,
ông Lý Khắc Cường (1955-), người đứng đầu Hội đồng Nhà nước vào năm 2013, nhấn
mạnh việc hạn chế sự can thiệp của chính phủ và dành lối đi thoáng hơn cho các
lực lượng thị trường.
Ông [Lý] nói: “Chúng ta phải có quyết tâm của
một người lính dũng cảm [không sợ] chặt đứt cánh tay của chính mình”, khi đề
cập đến việc hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các lực lượng thị
trường. Thủ tướng Lý nói thêm rằng, phải giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ
để “tăng tốc độ phát triển lành mạnh của nền kinh tế, của xã hội và giảm bớt
gánh nặng của chính phủ”.
Giáo sư quan hệ quốc tế đã nghỉ hưu và là
chuyên gia TQ nghiên cứu về Mỹ, bà Zi Zhongyun (1930-) đã lập luận rằng sự gia
tăng cạnh tranh với phương Tây có thể là một điều tốt, khiến cho chính phủ “cuối
cùng phải khôi phục lại bản chất phục vụ nhân dân, chứ không phải duy
trì độc quyền”. Bà Zi, từng là thông dịch viên của Mao, cũng lưu
ý rằng TQ có nhiều điều để học hỏi từ Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục,
chăm sóc y tế và chăm sóc người già.
Bà nói: “Nếu các bệnh viện kiểu Mỹ phát triển
mạnh ở TQ thì mô hình y tế hút máu của TQ sẽ bị biến mất” và “Nếu nền
giáo dục kiểu Mỹ bắt rễ ở TQ thì sinh viên TQ không cần ra nước ngoài để tận hưởng
các khái niệm sư phạm tiên tiến”. Bà nói thêm rằng một hệ thống kinh tế đượm
phần tư bản chủ nghĩa sẽ có nghĩa là lãi suất thấp hơn, tiềm năng tăng trưởng lớn
hơn cho khu vực tư nhân và sự nở rộ của một xã hội tiêu dùng phát triển hơn.
Bà Cai Xia (1952-), một nhà bất đồng chính kiến
người TQ và là cựu giáo sư chính trị tại Trường Đảng Trung ương (CPS), thậm
chí còn mạnh dạn hơn khi chỉ trích sự thụt lùi của những cải cách. Bà gọi ĐCSTQ
là “thây ma chính trị” và thậm chí đề xuất rằng nên thay thế ông Tập như một bước
đầu tiên để cứu đảng khỏi sự tự huỷ. Bà lặp lại tuyên bố trước đó của cựu Thủ
tướng Ôn “Nếu cải cách chính trị không tiến triển thì cải cách kinh tế không
thể đạt được tiến bộ nào”.
Bà Cai kêu gọi cải tổ các cuộc bầu cử, mở rộng
tự do ngôn luận và tăng cường sự giám sát của truyền thông lên bộ máy đảng-nhà
nước. Nhưng, những chỉ trích của bà đã làm đảng phẫn nộ, bà bị tước quyền đảng
viên vào tháng 8/2020. Bà Cai hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.
Kết luận
Khi đảng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập,
nhà lãnh đạo tối cao Tập tuyên bố rằng, TQ đã bước vào “giai đoạn mới của chủ
nghĩa xã hội mang đặc tính TQ”. Bộ máy tuyên truyền chỉ ra rằng Tư tưởng Tập Cận
Bình sẽ là tinh thần chỉ đạo trong các vấn đề từ tài chính, phúc lợi xã hội đến
chính sách đối ngoại và quân sự. Theo ông Tập, “con đường Trung Quốc” thích hợp
hơn là “mô hình phương Tây” cho sự phát triển trong tương lai của thế giới, và
ông cũng đã đưa ra tầm nhìn quốc tế về một “cộng đồng có vận mệnh chung cho
nhân loại” được dẫn dắt bởi sự lãnh đạo chủ yếu của TQ trong cộng đồng
toàn cầu.
Mặc dù nhiều người đã viết về “mô hình Trung
Quốc” mà cơ bản nó bao gồm chủ nghĩa độc tài cứng rắn, bộ máy nhà nước-công an
trị, sự kiểm soát của đảng-nhà nước lên hầu hết nền kinh tế, và chủ nghĩa dân tộc
cực đoan công khai. Đặc biệt, chính quyền Tập đã dựa vào sự thao túng lịch sử để
củng cố tính chính danh của đảng. Lễ kỷ niệm một trăm năm có ý nghĩa quan trọng
đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ, các phương tiện truyền thông đã nhấn mạnh cách TQ
thành công trong việc chống lại các chủ nghĩa đế quốc cũ và mới — bao gồm cả
các cường quốc phương Tây do Mỹ lãnh đạo kể từ Thế chiến II — và đồng thời cho
thấy “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc TQ”.
Những sai lầm tồi tệ bao gồm Ba năm chết đói của
Mao, thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 của Đặng, hệ thống giám sát và đàn áp
bằng kỹ thuật số của Tập – những điều xảy ra ở Tân Cương dẫn đến cái mà ngày
càng nhiều nước phương Tây gọi là tội ác chống lại loài người và diệt chủng –
là các chủ đề mà hiếm khi được các phương tiện truyền thông nhà nước, với sự kiểm
duyệt gắt gao, đề cập đến.
Trong những năm qua, Chủ tịch Tập đã đề cao nhu
cầu ổn định chính trị và an ninh quốc gia để tránh các sự kiện bất ngờ (black
swan). Sự siết chặt của ĐCSTQ đối với xã hội dân sự – thể hiện qua việc gần đây
tăng án tù ngay cả đối với những người bình luận trên Internet – việc gia tăng
đàn áp này nó phản bội lại nỗi sợ hãi dữ dội của giới lãnh đạo đảng cho rằng nền
kinh tế lớn thứ hai thế giới và sức mạnh quân sự toàn cầu đang phát triển nhanh
không thể chỉ dựa vào vũ lực đối với các công dân để họ phục tùng.
Nhưng không có gì cho thấy ông Tập và các cố vấn
của ông sẽ xem xét lời khuyên đầy ý nghĩa của các cán bộ và trí thức theo
khuynh hướng tự do kể từ khi thành lập ĐCSTQ, rằng con đường phía trước cần phải
bao hàm các giá trị quốc tế đích thực.
No comments:
Post a Comment