Một
cuộc “chiến tranh lạnh” có thật sự xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ?
Việt
Linh
01/07/2021
Khi Ngoại trưởng Antony Blinken nói về Trung
Quốc trong một cuộc phỏng vấn của New York Times ở Paris, ông đã đưa ra một
trong những hiểu biết sâu sắc nhất về chính sách đối ngoại của chính quyền
Biden.
Blinken nói rằng, Pháp và Mỹ “cùng quan điểm”
về nhu cầu bảo vệ trật tự thế giới tự do khi Trung Quốc đang ngày càng giành được
nhiều ảnh hưởng hơn. Ông đã lên tiếng cảnh báo, lựa chọn thay thế do Trung Quốc
đem đến sẽ không phải là trật tự toàn cầu hay trật tự thế giới trong sự tôn trọng
lẫn nhau, mà những gì Trung Quốc đem đến chỉ là một “bản chất hoàn toàn phi
đạo đức“.
Blinken, người đưa ra thông điệp cứng rắn của
Mỹ đối với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán ở Alaska vào tháng 3, đã đưa những
lời cảnh báo gần đây của Tổng Thống Joe Biden, rằng nền dân chủ thế giới đang bị
đe dọa không hoàn toàn bởi các xu hướng phi tự do cực đoan ở phương Tây, mà
nhân tố tác động chính là từ Trung Quốc.
Khái niệm về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa
Mỹ và Trung Quốc đang trở thành tâm điểm trong chính sự của Tổng Thống Joe
Biden. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc hoàn
toàn không hề giống một cuộc đụng độ ý thức hệ giữa các nhà tư bản phương Tây
và những người cộng sản thuộc khối Xô Viết trước đây. Hiện tại, thực chất là Mỹ
và Trung Quốc đang trong một cuộc đọ sức kinh tế giữa một cường quốc đang lên
và một cường quốc đang suy giảm, nhưng ý thức hệ khác nhau vẫn tồn tại đâu đó
trong nhận thức của các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ tổ
chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã áp dụng quan điểm
cứng rắn hơn nhiều của Trung Quốc đối với thế giới với bằng chứng là Bắc Kinh
đang phát triển sức mạnh của mình ở Thái Bình Dương và nhiều nơi khác.
Nhưng liệu Bắc Kinh có quan tâm hoặc có khả
năng để tiến hành một cuộc chiến toàn cầu chống lại các nền dân chủ hay không lại
là một câu hỏi khác. Việc Tập Cận Bình sử dụng chủ nghĩa dân túy cực đoan chủ yếu
được thiết kế chỉ để duy trì sự ủng hộ từ người dân và quân đội đối với một đảng
cầm quyền chuyên quyền như đảng Cộng sản Trung Quốc, hay đó là biểu hiện đích
thực của một chính sách đối ngoại đầy tham vọng toàn cầu của Trung Quốc?
Cần phải nhìn nhận rằng, Trung Quốc đã trở nên
quyết đoán hơn về hệ thống kinh tế và chính trị của chính họ, và khả năng ngày
càng tăng của Trung Quốc trong việc thách thức quyền lực công nghệ của Mỹ. Thực
tế là Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách thu nhập và công nghệ so với Mỹ
kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt giữa Chiến
tranh Lạnh Mới và Chiến tranh Lạnh cũ.
Điểm thứ nhất: Chiến
tranh Lạnh mới là cuộc chiến một chiều. Trong khi Mỹ coi ĐCSTQ là kẻ thù ý thức
hệ, thì Trung Quốc không đáp lại. Chính phủ Trung Quốc có quan điểm chỉ trích
chính phủ Mỹ về nhiều hoạt động chính trị của nước này, nhưng họ không lên án
các giá trị của Mỹ. Một phần nguyên nhân là do hầu hết người Trung Quốc đều chấp
nhận những giá trị đó.
Điểm thứ hai: Chính
sách Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang ở thế phòng thủ đối với
các chính sách Trung Quốc của Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc đã không trả đũa các lệnh cấm
công nghệ của Mỹ ngay cả khi họ có một số công cụ để làm như vậy.
Điểm thứ ba: Không
giống như mối quan hệ lạnh lẽo giữa Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh cũ,
Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục có mối quan hệ nhịp nhàng và tương đối ổn
định qua thương mại, đầu tư. Nhưng, chính những điều này lại làm tăng đáng kể mức
độ phức tạp của một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu Mới.
Điểm thứ tư: Sự
cạnh tranh địa chính trị đã không phát triển thành đối đầu quân sự trực tiếp giữa
hai nước, cũng như, sẽ không dẫn đến bất kỳ cuộc chiến tranh ủy nhiệm nào.
Nhưng không có gì bảo đảm rằng, xung đột quân sự sẽ không bao giờ xảy ra giữa
hai nước. Vì Biển Đông, Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan đều đang là những điểm
nóng có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào.
Nhiều nhìn nhận khác biệt đã dần trở thành điểm
khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có
một điều không thể chối cãi là chính cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa Mỹ và khối
Xô Viết trước đây đã ảnh hưởng rất nhiều đế sự mở màn một cuộc chiến tranh lạnh
kiểu mới trong thế kỷ 21, một phần khác là Mỹ sẽ phải bảo vệ các giá trị của nước
Mỹ khỏi ảnh hưởng độc tài và quyết đoán của Trung Quốc.
Người Mỹ giờ đây cảm thấy tiếc nuối vì đã lỡ
chào đón người Trung quốc vào hệ thống của riêng mình qua việc chính thức kết nạp
Trung Quốc vào hệ thống WTO tháng 12 năm 2001 bởi Tổng thống khi đó là ông Bill
Clinton, dù nước Mỹ khi đó đã có thành lập một uỷ ban hành pháp trong Quốc Hội
để bảo đảm việc Trung Quốc sẽ tuân thủ luật nhân quyền, đáp ứng các tiêu chuẩn
lao động và cạnh tranh, chống bán phá giá, gây lũng đoạn thị trường của Mỹ,
Trung Quốc đã rất khôn ngoan, ẩn nhẫn chờ thời, thực thi nghiêm chỉnh những lời
hứa đến khi có được quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với nước Mỹ.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian đủ chín muồi, người Trung Quốc vẫn chưa bao
giờ tuân thủ các cam kết với WTO, người Trung Quốc đã cảm thấy đủ mạnh mẽ để đứng
lên và cạnh tranh sòng phẳng với chính người đã dang rộng vòng tay giúp mình
ngày xưa, câu thành ngữ: “Ăn cháo đá bát” có thể được dùng cho Trung Quốc
ngày nay, vì thế, hiện thực một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới là không thể nào
tránh khỏi.
Dù hai quốc gia có thể sẽ phải bắt buộc hợp
tác với nhau trong một số lãnh vực, thí dụ rõ nét là vấn đề biến đổi khí hậu,
nhưng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc mới chính là định mệnh đối với nước
Mỹ, cường quốc số 1 hiện nay trên thế giới, và đối với Trung Quốc, cường quốc số
2 mới nổi lên. Theo đó, cạnh tranh công nghệ và kinh tế giữa hai nước sẽ chỉ
ngày càng gay gắt hơn, bởi vì nó cuối cùng sẽ quyết định bên nào thắng trong cuộc
cạnh tranh địa chính trị trong cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21?
Để kết thúc bài bình luận này, với câu hỏi: “Việc
Mỹ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có phải là một
sai lầm hay không?”
Các chuyên gia kinh tế và chính phủ của Tổng
thống Biden chắc sẽ không thể nào quên những phát biểu đầy hoài nghi và mang
tính cảnh báo của ông Robert Lighthizer, khi cho rằng, việc Mỹ cho phép Trung
Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO dưới thời Tổng Thống Bill Clinton
là một quyết định sai lầm lịch sử, khiến nước Mỹ mất đi hàng triệu việc làm và
hàng ngàn tỷ Mỹ kim thâm hụt thương mại từ năm 2001 đến nay, người Mỹ đã tự tạo
nên một đối thủ xứng tầm để đấu với chính mình, giờ đây, người Mỹ tự hỏi có thể
sửa sai bằng cách đẩy Trung Quốc ra khỏi WTO để cứu vãn tình thế hay không? Câu
trả lời giờ đây rất ngắn gọn, đơn giản: “Đã quá trễ để làm điều đó!”
*
Tham khảo:
https://edition.cnn.com/2021/06/27/world/meanwhile-in-america-june-28-intl/index.html
https://www.wsj.com/articles/when-the-world-opened-the-gates-of-china-1532701482
https://link.springer.com/article/10.1007/s42533-021-00071-1
No comments:
Post a Comment