Monday, 31 August 2015

Khu đèn đỏ thành Hồ (Lê Diễn Đức)





Lê Diễn Đức
Monday, August 31, 2015 3:18:51 PM 

Dư luận vừa qua lại dấy lên chủ đề về mại dâm khi ông Lê Minh Quý, phó Chi Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội thành phố Sài Gòn, nói rằng, nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn. 

Những cô gái bán dâm đón khách trên vỉa hè Sài Gòn. (Hình: Zingnews)

Việc thí điểm sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng điểm như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng...
 “Thành phố sẽ lập khu vực quy hoạch, sau đó có cơ chế khuyến khích như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp để mời gọi các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vào. Tất nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ giám sát và xử lý mạnh tay nếu xảy ra sai phạm,” ông Quý nói.

Đây không phải lần dầu tiên, một quan chức của chế độ có đề nghị như vậy. Trong năm 2011, tờ Lao Động ngày 29 tháng 6 đăng bài “Đã đến lúc không coi mại dâm là tệ nạn” cho biết, “ngày 28 tháng 6, tại hội nghị triển khai trương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 ở Quảng Ninh, Bộ Trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chính thức đưa ra quan điểm tiếp cận để phòng, chống mại dâm trong thời gian tới là không nên coi đây là tệ nạn xã hội nữa.”

Đầu năm 2013, thành phố Sài Gòn cũng đưa rà lời đề nghị tương tự với chính phủ.

Chủ đề hợp thức hóa mại dâm không mới và luôn là vấn đề gây tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Đứng về góc độ nhân bản và quyền con người, mại dâm, một trong những nghề lâu nhất của loài người, theo tôi nghĩ, nên được luật pháp quan tâm bảo vệ.

Những người phụ nữ hành nghề lâu nhất này cần phải được chăm sóc sức khỏe, không bị xếp vào hạng tận cùng trong xã hội, bởi vì cũng như phần còn lại, họ là những con người với đầy đủ mọi đức tính tốt, xấu.

Trong văn học nghệ thuật người ta đã xây dựng hình ảnh những cô gái lầu xanh tuyệt đẹp với duyên kiếp bất hạnh, tủi nhục, nhưng cao thượng. Đó là nàng Kiều trong “Truyện Kiều” bất hủ của thi hào Nguyễn Du, nàng Marguerite Gautier trong “Trà hoa nữ” của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (con), hay nàng geisha Chiyo của Nhật trong phim “Memoirs of a Geisha” của Steven Spielberg.

Mại dâm trên thế giới

Ở Hà Lan nghề mại dâm hợp pháp gần 200 năm nay. Biểu tượng mại dâm tự do là tượng đài cô gái điếm làm bằng đồng với khuôn mặt của Astrid, một người chuyển đổi giới tính nổi tiếng của Amsterdam, do nghệ sĩ Hà Lan nổi tiếng Els Ruiers thiết kế và đặt ở khu mại dâm “Red Light Distric” của thủ đô Amsterdam.

Đức, Pháp, Hà Lan, Thái Lan... cũng là số ít khác những quốc gia hợp pháp hóa mại dâm. Dịch vụ mại dâm phục vụ khách một cách chuyên nghiệp, sang trọng, vệ sinh và tận tình. Các cô gái hành nghề có công đoàn riêng để bảo vệ quyền lợi, họ đóng thuế thu nhập, bảo hiểm và được hưởng chế độ hưu trí.

Ở Hungary chính quyền đã có lúc muốn tái lập hệ thống nhà thổ công khai, nhưng vì Công Ước New York ngăn cản, nên đành chấp nhận các hiện tượng lách luật, cho phép mở những “tiệm mát-xa” (mà ai cũng biết là lầu xanh trá hình) hoạt động hợp pháp, có đăng ký theo diện “xoa bóp y tế.” Từ năm 1999 nghề mại dâm ở Hungary được chính thức thừa nhận, có nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi và vài năm sau khi Hungary gia nhập Liên Hiệp Âu Châu thì những đại diện “sáng giá” trong nghề còn được tham dự một số chương trình đào tạo để trở thành “doanh nhân cá thể.”

Tại Ba Lan, hơn 90% dù dân số theo đạo Công Giáo và Hiến Pháp cấm sử dụng thân thể phụ nữ để kinh doanh, nhưng nếu người phụ nữ tự nguyện thì không phạm luật. Vì thế thành phố nào cũng có các dịch vụ “giao lưu bạn hữu.” Cảnh sát thường bất lực, bởi vì nếu có bắt quả tang trai trên gái dưới mà cô gái phủ nhận chuyện tiền bạc thì cũng không làm gì được, thậm chí đương sự có thể kiện cảnh sát ra tòa nếu bị xúc phạm.

Tuy nhiên nghề mại dâm, dưới các quan điểm đạo đức xã hội, tôn giáo, vẫn bị xem là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia, không phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế hay mức sống.

“Tàn dư Mỹ-Ngụy” phát triển

Nhà nước Cộng Sản Việt Nam thường nói các tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay mại dâm là “tàn dư của Mỹ-Ngụy.” Thế nhưng hơn 40 năm qua, khi cả nước làm theo gương đạo đức của Hồ Chí Minh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, tàn dư này chẳng những không mất đi và còn phát triển vượt bậc.

Nạn mại dâm ở Việt Nam hiện nay có quy mô rộng khắp, từ thành thị tới nông thôn, diễn biến phức tạp và đa dạng.

Có những “thánh địa” của gái mại dâm như đường Phạm Văn Đồng, gần công viên Hòa Bình, ở Hà Nội hay khu vực đường Nguyễn Chí Thanh giáp ranh giữa quận 10 và quận 5, ở Sài Gòn. Trong nội thành nơi mồi chài khách chủ yếu ở các quán cà phê máy lạnh, vũ trường, quán bar, còn ở ngoại thành là ở những quán cà phê sân vườn, bia ôm chòi lá. Ngoài ra còn có các đường dây gái gọi cao cấp, được tổ chức quy mô, bài bản với sự tham gia của các người mẫu, diễn viên.

Tình trạng mại dâm trong những năm gần đấy còn có xu hướng “xuất khẩu” ra nước ngoài.

Tờ Đất Việt ngày 15 tháng 8, 2015 cho biết, chiều ngày 14 tháng 8, Ông Jeremey Douglas, trưởng Đại Diện Khu Vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương của Cơ Quan Phòng Chống Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) nói rằng, mỗi năm có 18,000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Tiền thu được từ dịch vụ phi pháp này có thể dùng để mua bất động sản, các công ty và gây tham nhũng ở bất cứ đâu.

Dọc theo đại lộ Klang Lama của Kualar Lumpur (Malaysia), hay khu Geylang (Singapore) là những khu đèn đỏ mà gái mại dâm Việt Nam sôi động hành nghề. Dịch vụ phát triển, tai tiếng đến mức hàng trăm cô gái Việt vừa qua bị Singapore từ chối cho nhập cảnh.

Kết luận

Tôi đã từng làm một cuộc thăm dò nhỏ trên trang Faceebok của mình, có rất nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến phản đối.

Có bạn cho rằng, trong các cách định nghĩa “Xã Hội Chủ Nghĩa” về phương diện kinh tế, sản xuất, cung cầu, phân phối tài nguyên, không thấy chúng loại trừ dịch vụ tình dục. Nói cách khác, dịch vụ tình dục và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có thể tồn tại song song. Là một nghề nghiệp liên quan nhiều đến sức khỏe thân thể, nó rất cần một chế tài bảo vệ quyền lợi người lao động, như khái niệm “công đoàn hóa,” ngoài việc hợp pháp hóa nó. Không nên mỉa mai đề xuất này bằng các lý lẽ chính trị mà nên giải quyết nó theo góc độ an sinh, nhân quyền...

Mại dâm bị xem là một thứ tệ nạn chính vì luật pháp và quan niệm xã hội coi nó là phi pháp, là xấu. Nhưng nếu không coi mại dâm là “tệ nạn” (không cố triệt phá nó mà đối mặt chấp nhận thực tế và lành mạnh hóa nó), thì sẽ bớt đi được một số hệ lụy đáng kể, ít ra là nạn bảo kê, tú bà bóc lột thân xác họ, hay những bệnh tật liên quan.

Một quan điểm khác cho rằng, không nên hợp thức hóa nghề mại dâm ở Việt Nam vì ba lý do chính, đơn giản, là:

- Nhà nuớc Cộng Sản Việt Nam có hệ thống quản lý xã hội và an sinh xã hội kém, khó bảo đảm cho những phụ nữ hành nghề này tiếp cận với dịch vụ y tế, khám bệnh, ngừa bệnh thường xuyên, chưa nói đến quyền lợi hưu trí...

- Việt Nam vẫn là nước nghèo, trình độ dân trí chưa cao, thành phần bán dâm đại đa số là thất học, hợp thức hóa bán dâm sẽ bị hiểu sai và trở thành một “excuse” cho giới trẻ sa ngã, sa đọa hơn thêm. Giới trẻ chưa được nhìn thấy một sự việc qua nhiều góc cạnh. Không thể gọi nghề bán dâm là một sự lựa chọn khi không có tới cái chọn thứ hai, thứ ba để mà... lựa!

- Khi hợp thức hóa nghề này, có nghĩa là ngoài sự kiềm tỏa của các đàn anh ma cô, gái mại dâm họ lại phải đóng thuế và chịu sự kiểm soát của nhà nước trong bối cảnh nạn hối lộ tràn làn trong Ngành Công An.

Do đó, với cái nhìn tổng thể về chế độ chính trị, xã hội, tập quán văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam việc hợp pháp hóa nghề mại dâm ở Việt Nam rất khó khả thi.

Sẽ chỉ là những đề nghị nằm trên bàn, cho vui! Dù sao đi nữa thì thực tế tại thành Hồ vẫn tồn tại các khu đèn đỏ nhộn nhịp, “thời trang” và đậm đà “bản sắc dân tộc!”







Dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo và lập hội: VN có thay đổi não trạng? (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng
Friday, August 28, 2015 5:30:07 PM 

“Bản Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người” - Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, tổng thư ký, thay mặt Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nói thẳng thừng về dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo được đạo diễn bởi các nhân vật quen thuộc trên sân khấu “tự do tôn giáo trong luồng.”

Tháng 5, 2015, trong một động tác gấp rút như thể cố tình, Bộ Nội Vụ và Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã “chuyển gấp” dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo lần thứ tư đến các tôn giáo trong nước “để xem và góp ý,” nhưng chỉ được góp ý trong một thời gian rất ngắn. Ngay lập tức sau đó, một số tổ chức tôn giáo như Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và hai Tòa Giám Mục Bắc Ninh cùng Kontum chính thức có phản hồi với người chịu trách nhiệm tối cao về luật ở VN - Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và Ban Tôn Giáo Chính Phủ được phụ trách bởi một viên tướng công an “biệt phái” - về dự thảo luật đó.

Lịch sử lặp lại

Vào năm 2015, một lần nữa khung luật pháp về tín ngưỡng và tôn giáo lại được nhà nước VN mang ra “cải thiện.” Ðến tháng 5, 2015, dự luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo đã được dự thảo đến lần thứ tư. Thời điểm này lại trùng với khoảng thời gian mà Bộ Ngoại Giao và Bộ Công An VN “đang chuẩn bị tích cực cho chuyến đi Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng.”

Chính quyền VN đã chứng tỏ họ là người vẫn có thể uốn nắn lịch sử, nếu quả tình lịch sử không diễn biến đúng với ý họ.

Tám năm trước, vào năm 2007, VN cũng chấp chới “điều chỉnh” một số nội dung liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo, trùng với khoảng thời gian mà chính thể này được tham dự vào bàn tiệc WTO, được người Mỹ bóc tách khỏi Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo và nhân quyền (CPC), và lần đầu tiên Nguyễn Minh Triết - chủ tịch nước với triết lý sống mãi “Việt Nam và Cuba thay nhau thức canh cho hòa bình thế giới” - đặt chân lên đất nước cựu thù để tương đạo với Tổng Thống Mỹ George Bush.

Hiển nhiên và cứ như một quy luật, cứ mỗi lần “VN có nhu cầu đối ngoại,” chính thể này lại bắt đầu xem xét nhằm cởi nới đôi chút những nội dung nhân quyền và tôn giáo mà thường bị Hoa Kỳ và phương Tây đặc biệt lên án.

Tuy nhiên vào năm nay, mọi sự đã biến đổi hẳn so với năm 2007 về mức độ phản đối và phản kháng của phong trào dân chủ. Nếu năm 2007 chưa thể xem là có được hoạt động xã hội dân sự rộng rãi ở VN, thì từ năm 2013 đến nay đã chứng kiến nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập ra đời, trong đó có một số tổ chức tôn giáo độc lập của Phật Giáo Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Cao Ðài Nhơn Sanh, và được đẩy lên cao hơn mang tính mạng lưới kết nối như Hội Ðồng Liên Tôn VN với sự phát triển hơn về số lượng và phản biện.
Thậm chí ngay cả khối tôn giáo còn nằm trong vòng kiềm tỏa của chính quyền cũng không giữ nỗi thái độ bình thản trước quá nhiều từ “xin-cho” cứ liên tục biến hiện trong dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo.

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã phản ứng dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo với ba kiến nghị. Thứ nhất “Không đồng ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.” Thứ hai “Ðề nghị soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.” Và thứ ba “Bản dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo; đặc biệt các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.”
Còn nhận định của Tòa Giám Mục Bắc Ninh do Linh Mục Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Ðức Hiểu ký tên thay mặt giáo phận thì không giấu vẻ mỉa mai: “Theo nhiều nước tiên tiến trên thế giới, những văn bản quy phạm pháp luật sinh ra nhằm ngăn chặn những người thực thi pháp luật lạm dụng quyền đối với người dân; nhưng nhìn nhận cách khách quan, những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin-Cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ chế Xin-Cho biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép.”

Mới đây, Khối Nhơn Sanh Cao Ðài còn tổ chức một cuộc hội thảo với yêu cầu hủy bỏ dự thảo lần thứ 4 của dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo. Vào cuối tháng 8, 2015, một phái đoàn của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ (USCIRF) đã đến Sài Gòn và đã có cuộc tiếp xúc với những giáo chức thuộc Khối Nhơn Sanh Cao Ðài để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay và tình hình hoạt động của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Kết quả đầu tiên

Sau một thời gian đấu tranh không mệt mỏi, các tôn giáo ở VN có vẻ đã đạt được kết quả đáng khích lệ đầu tiên. Tại phiên họp vào giữa tháng 8, 2015 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, một số quan chức có trách nhiệm đã phải nêu ra những “chuyển đổi” đáng chú ý về dự luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo:

“Việc quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; còn nhiều quy định, trình tự, thủ tục can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo” - Chủ nhiệm Ðào Trọng Thi.

“Kết cấu của dự thảo luật cho thấy hơi nghiêng nhiều về quản lý Nhà nước. Rất nhiều điều, khoản nhắc đến các thuật ngữ như điều kiện, cho phép, chấp nhận...” - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội Trương Thị Mai.

“Thường trực Ủy ban cho rằng, cần chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; từ cơ chế xin phép - cấp phép hoặc đăng ký - chấp thuận sang cơ chế đăng ký - thẩm định theo các điều kiện được quy định cụ thể, rõ ràng, tăng cường hình thức thông báo trước một thời hạn nhất định.”

Dường như Quốc Hội VN đang dần phải thay đổi quan điểm và “cách làm” cho phù hợp hơn với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước VN đã ký kết từ năm 1982, sau một số lần dự thảo nhưng bị giới chức sắc trong tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo, phản ứng mạnh mẽ về quan điểm tiếp tục bó trói và cơ chế xin-cho.

Tín hiệu song trùng

Song trùng với dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, chỉ đến gần đây mới le lói một vài tín hiệu cho thấy các cơ quan chuyên trách của VN bắt đầu cởi nới hơn đôi chút đối với những nội dung siết đóng trong dự luật về hội.

Hội Ðồng Tư Vấn các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013 - một cơ quan then chốt về soạn thảo luật - vào giữa tháng 8, 2015 đã có một số đề nghị với chính phủ về dự thảo luật về hội mà Bộ Nội Vụ đang xây dựng.

Theo cơ quan này, dự luật về hội nên ghi nhận quyền lập hội của công dân theo tinh thần bảo đảm quyền tự quyết, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội, thay vì quá tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước với hội.

Cũng theo Hội Ðồng Tư Vấn, Nhà nước không nên can thiệp vào công tác nhân sự của các hội bằng cơ chế công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu. Thay vào đó, Nhà nước nên tôn trọng kết quả bầu cử ban lãnh đạo do chính thành viên tổ chức xã hội quyết định. Hội chỉ cần báo cáo kết quả bầu cử cho cơ quan nhà nước để các cơ quan này có thông tin thực hiện quản lý nhà nước.

Về việc hình thành các hội, nhóm tự phát, hoạt động mang tính nội bộ thời gian qua là vận động tự nhiên của xã hội. Theo Hội Ðồng Tư Vấn, loại hội tự phát này khá nhiều, đa dạng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự luật về hội không nên đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với việc hình thành loại hội này nhưng nên có quy định mang tính nguyên tắc để tạo khuôn khổ các hội tự phát hoạt động theo pháp luật. Nhà nước chỉ can thiệp khi có vi phạm pháp luật.

Hội Ðồng Tư Vấn cũng đề nghị giảm bớt thủ tục, điều kiện lập hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền hiến định. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động mang tính nội bộ của hội mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật...

Thay đổi luật pháp mới là sự đổi thay căn bản để cải thiện nhân quyền. Vào cuối năm 2014, trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đến Hà Nội và bực tức lên án “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này rồi lại bắt thêm một chục người khác.” Kể từ đó, người Mỹ đã chuyển hướng rõ rệt sang việc đòi hỏi chính quyền VN phải cải tổ mạnh mẽ các khung luật liên quan đến nhân quyền như Bộ Luật Hình Sự, Luật Lập Hội, Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Luật Tiếp Cận Thông Tin...




View My Stats