Sunday 30 September 2018

THÔNG TƯ 19 & NHỮNG CÂU HỎI PHẢI ĐƯỢC TRẢ LỜI (Nguyễn Gia Kiểng)




30/09/18

Xã luận

Thông tư 19 và những câu hỏi phải được trả lời

Cùng với Thông tư 19 và sự phát giác của Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN đã đến lúc Đảng cộng sản phải trả lời một loạt câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và ngày càng gây lo âu và phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam.

Trên thực tế đồng nhân dân tệ đã được người Việt ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc sử dụng từ lâu - Ảnh minh họa (BBC tiếng Việt)

Thông tư 19 (số 19/2018/TT-NHNN) đã gây một xúc động lớn trong dư luận rồi sau một hai tuần không còn được nhắc lại nữa. Người ta xúc động mạnh vì thấy chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nhưng không biết nói gì vì thông tư này dài, nhập nhằng, khó hiểu, nhiều chi tiết và quy chiếu tới nhiều văn bản khác. Tuy vậy không nên để bị lạc lõng trong các chi tiết và để cho cây che khuất rừng.

Điều chắc chắn là Thông tư 19, có hiệu lực từ ngày 12/10/2018, chính thức nhìn nhận, đúng ra là tái xác nhận, đồng Nhân dân tệ (CNY) như là đồng tiền chính thức trong bảy tỉnh biên giới Việt Trung (theo các điều 3 và 8). Các điều khoản khác trong Thông tư chủ yếu có mục đích giới hạn hậu quả của việc cho lưu hành đồng CNY. Thí dụ như quy định rằng việc xuất và nhập đồng CNY của các thương nhân phải có chứng từ ; một hợp đồng thanh toán bằng CNY chỉ được sử dụng một tài khoản ngay cả nếu thương nhân có nhiều tài khoản CNY tại nhiều chi nhánh ngân hàng biên giới ; các ngân hàng phải báo cáo mỗi quý khối lượng CNY xuất và nhập ; cư dân Việt Nam tại biên giới không được nộp tiền mặt CNY vào tài khoản v.v. Tuy nhiên tất cả đều mơ hồ và lúng túng, thí dụ như quy chế "cư dân có hoạt động thương mại biên giới". Có khác gì một thương nhân ?

Quan trọng nhất trong Thông tư này là câu :

"Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực thi hành".

Vậy Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 là gì ?

Một cách vắn tắt, đó là quyết định cho phép đồng Nhân dân tệ (CNY) được lưu hành tự do, tương đương với đồng tiền Việt Nam tại các tỉnh biên giới và vì, một mặt, mọi ngân hàng đều có thể mở chi nhánh tại các tỉnh biên giới và, mặt khác, không có gì trong quyết định này phân biệt một chi nhánh biên giới với các chi nhánh khác nên đồng CNY trên thực tế cũng là một phương tiện thanh toán như đồng tiền Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành theo chỉ thị của thủ tướng.

Thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải nhưng người ta phải hiểu đây là một quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng lúc đó là phó thủ tướng thường trực nhưng có quyền hành áp đảo hơn hẳn ông Khải. Ông là con đỡ đầu của ông Lê Đức Anh -nhân vật có mọi quyền lực vào lúc đó- và được công khai chuẩn bị để làm lãnh tụ của chế độ trong khi ông Khải gần như chỉ là một gia nhân của Lê Đức Anh. Hơn nữa ngoài chức vụ phó thủ tướng thường trực, ông Dũng còn là chủ tịch Hội đồng Tài chính và Tiền tệ. Ông cũng đã là thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi giao chức vụ này cho ông Lê Đức Thúy. Ngoài ra Nguyễn Tấn Dũng còn giữ một chức vụ đặc biệt quan trọng khác là Thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản.

Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ 5/1998 đến 12/1999 (Báo Mới, 11/04/2016)

Quyết định 689/2004 này rất nghiêm trọng. Tuy ngoài mặt và trên nguyên tắc nó chỉ áp dụng cho các tỉnh biên giới phía Bắc (còn có hai quyết định khác cho các vùng biên giới với Lào và Campuchia) nhưng vì không có quy định ngân hàng nào được có chi nhánh biên giới và cũng không có phân biệt một tài khoản biên giới với một tài khoản bình thường nên có thể nói tóm tắt là trên thực tế bất cứ ai, doanh nghiệp cũng như cá nhân, đều có thể có tài khoản CNY và tài khoản này có thể được sử dụng trên toàn lãnh thổ. Hơn nữa quyết định này còn cho phép mọi ngân hàng và doanh nghiệp đều được mở những "bàn đại lý" để trao đổi tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc, các ngân hàng Việt Nam và Trung Quốc còn được quyền tự do thỏa thuận hối suất trao đổi. Nếu dụng tâm của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, hay ít nhất của các ông Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh, không phải là chuyển giao dần dần chủ quyền Việt Nam cho Bắc Kinh thì quyết định này hoàn toàn không thể hiểu được.

Và tại sao đây lại là một "quyết định" thay vì một đạo luật do quốc hội biểu quyết ? Tiền là một vấn đề chủ quyền đặc biệt quan trọng. Vô tình hay cố ý quyết định 689/2004 là một hành động vừa lạm quyền vừa phản quốc.

Đàng sau đồng tiền nào cũng là một uy quyền. Khi một người đổi một tài sản của mình –một con gà, một chiếc xe hay một căn nhà- lấy một tờ giấy, dù tiền mặt hay chi phiếu, thì phải hiểu là người đó tin rằng đàng sau tờ giấy đó có một uy quyền bảo đảm sẵn sàng trao lại một tài sản tương đương bất cứ lức nào. Tiền là chủ quyền. Nhìn nhận cho tiền Trung Quốc tự do lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam tương đương với nhìn nhận quyền lực của Bắc Kinh trên đất nước Việt Nam, cụ thể là chấp nhận hậu quả của những quyết định kinh tế tài chính của Bắc Kinh.

Không thể ngụy biện rằng việc cho lưu hành một đồng tiền nước ngoài đã có tại một số nước. Chỉ có một vài nước hoặc quá nhỏ để vấn đề chủ quyền không đặt ra hoặc đã quá suy sụp về mặt kinh tế khiến đồng tiền quốc gia mất hết giá trị mới phải chấp nhận một đồng tiền nước ngoài làm phương tiện thanh toán.

Quyết định 689/2004 đồng thời cũng là một hành động gian trá dấm dúi, gần như lén lút, vì ngay cả nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính làm việc trong bộ máy nhà nước cũng không biết tới. Dĩ nhiên các ngân hàng đều nhận được để thi hành và quyết định này có lẽ cũng được đăng trên Công Báo nhưng nó đã bị chìm khuất trong vô số công bố khác. Mọi người đều có thể biết nhưng thực tế là hầu như không ai biết. Một số biết được thì im lặng thay vì báo động dư luận. Do thiếu tinh thần trách nhiệm hay thiếu hiểu biết hay cả hai ? Kết quả là một hành động gây tác hại nghiêm trọng cho chủ quyền và quyền lợi quốc gia đã bị giấu nhẹm.

Một câu hỏi mà bây giờ nhiều người có thể đặt ra là tại sao dù được ban hành từ năm 2004, Quyết định 689/2004 đã không khiến đồng CNY tràn ngập Việt Nam và gây sự phẫn nộ đáng lẽ phải có ? Đó là vì một lý do thuần túy kỹ thuật. Cho đến gần đây đồng CNY được coi là một đồng tiền rất mạnh, tỷ giá hối đoái so với các đồng tiền khác, kể cả đồng tiền Việt Nam, chỉ có thể lên chứ không thể xuống, Mỹ và Châu Âu có lúc còn gây áp lực để Trung Quốc tăng giá đồng CNY. Vì thế nên đồng CNY đã không được dùng làm đồng tiền thanh toán mà là đồng tiền để cất giữ. Tiền xấu đuổi tiền tốt và đồng CNY là một đồng tiền tốt.

Nhưng ngày nay tình hình đã thay đổi, kinh tế Trung Quốc dù trên mặt thống kê chính thức vẫn còn tăng trưởng ở tỷ lệ hoang đường gần 7% mỗi năm nhưng trên thực tế đã suy thoái từ nhiều năm nay. Bắc Kinh ngày càng khó che đậy sự suy thoái ngày càng lộ liễu này bằng những chi tiêu công cộng và xây dựng kết cấu hạ tầng. Thế giới đã dần dần nhận ra là Trung Quốc sắp khủng hoảng. Trong một năm qua các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã xuống giá gần 20% và đồng CNY cũng đã sụt giá gần 10% so với đồng đô la Mỹ trong khi đồng tiền Việt Nam chỉ sụt giá khoảng 5%. Hậu quả là đồng CNY trở thành một đồng tiền xấu so với đồng tiền Việt Nam. Đồng CNY vì vậy đang trở thành đồng tiền để tiêu xài thay vì để cất giữ và nó đe dọa tràn ngập thị trường Việt Nam. Trên thực tế người ta có thể thấy từ mấy năm qua du khách Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu mua sắm trong các cửa hàng Trung Quốc để thanh toán bằng đồng CNY. Tình trạng mới này chắc chắn đã là lý do ra đời của Thông tư 19 : thay thế để giảm bớt hậu quả độc hại của Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN.

Chưa đủ. Chúng ta cần một quy định rõ ràng và dứt khoát rằng đồng CNY cũng chỉ là một ngoại tệ như mọi ngoại tệ khác và đồng tiền duy nhất được dùng làm phương tiện thanh toán là đồng tiền Việt Nam, trừ những hợp đồng hợp tác quốc tế trong đó các đối tác đã thỏa thuận trước về một đồng tiền thanh toán. Quản lý tiền tệ là một vấn đề phức tạp, các nước phát triển đã có kinh nghiệm và đã cùng rút ra những kết luận căn bản. Việt Nam cần học hỏi và áp dụng những kết luận của họ thay vì đòi phát minh lại môn tài chính quốc tế, nhất là với trình độ hiểu biết rất sơ sài và sự vô trách nhiệm của các quan chức tài chính.

Phải rất cảnh giác. Bãi bỏ thẳng thắn và toàn bộ mọi quan hệ đặc biệt với đồng CNY không chỉ cần thiết mà còn khẩn cấp. Nền kinh tế Trung Quốc và đồng CNY có thể khủng hoảng bất cứ lúc nào. Trung Quốc khó còn che đậy lâu hơn nữa tình trạng suy thoái và một căn bệnh bị cố tình che giấu có thể sẽ rất dữ dội khi không còn che giấu được nữa. Việt Nam có thể bị lôi kéo vào một khủng hoảng lớn cùng với Trung Quốc. Càng nguy hiểm hơn vì về mặt kinh tế "biên giới Việt - Trung" không chỉ là các tỉnh phía Bắc. Lào và Campuchia trên thực tế đã gần như là những vùng kinh tế của Trung Quốc. Đây cũng là một thành tích đáng ghi nhận của Đảng cộng sản Việt Nam và khiến chúng ta bị Trung Quốc bao vây.

Cùng với Thông tư 19 và sự phát giác muộn màng của Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN đã đến lúc Đảng cộng sản phải trả lời một loạt câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và ngày càng gây lo âu và phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam.

- Việt Nam nợ Trung Quốc bao nhiêu và trong những điều kiện nào ?

- Các khu rừng đầu nguồn cho Trung Quốc thuê dài hạn có quy chế nào ?

- Dự án Bôxit Tây Nguyên sẽ bị đình chỉ hay không ?

- Vũng Áng là một đặc khu kinh tế hay là một nhượng địa ?

- Có hay không có một mật ước Thành Đô?

Cho tới nay Đảng cộng sản vẫn cố tình làm ngơ nhưng càng ngoan cố không chịu trả lời họ càng mặc nhiên nhìn nhận giả thuyết bất lợi nhất cho đất nước và cho chính họ.

Nguyễn Gia Kiểng
(30/09/2018)








SAO LẠI LÊN GIỌNG 'DẠY DỖ' ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC? (Thảo Vy - VNTB)




1/10/2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73. Góc nhìn là một thư ký từng soạn diễn văn cho quan chức cấp hàm thứ trưởng, ông N.C.K nói rằng người chấp bút bài phát biểu cho ông thủ tướng tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, dường như đã quá sơ sảy khi quen dùng giọng điệu tuyên giáo để huấn thị…

Tầm nhìn đến đâu?

Ông N.C.K có trong tay bài diễn văn tiếng Việt của ông Nguyễn Xuân Phúc dùng để cho người phiên dịch chuyển ngữ [tải về tại http://bit.ly/2ImOURp].

Trong bài diễn văn này, cách diễn đạt của ông thủ tướng Việt Nam dễ làm quan khách nước ngoài bật cười, khi ông sử dụng kiểu câu mệnh lệnh: “Tôi đề nghị vấn đề ‘trách nhiệm kép’, mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu”. “Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu Vì một thế giới hoà bình, công bằng, và phát triển bền vững”.

Bật cười vì những ‘đề nghị’ đó của ông Thủ tướng giống như thành ngữ ví von của người Việt: “Chân mình thì lấm mê mê…”.

“Nhiều sáo ngữ mang tính xu nịnh và không tôn trọng lịch sử”. Ông N.C.K nhận xét. Đây là điểu tối kỵ của thư ký soạn diễn văn dành cho chính khách đọc trên các diễn đàn quốc tế, vì nó sẽ gây tranh cãi và tạo phản cảm tức thì đối với người nghe.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: SCMP

Trong bài diễn văn có những đoạn không đúng sự thật lịch sử như sau: “Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc trong hơn 70 năm qua”; “Như phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Phiên khai mạc đã nhắc lại phát biểu của cố Tổng Thư ký Kofi Annan kính mến: “Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lý do tại sao chúng ta có Liên hợp quốc”. Đó cũng là lý do vì sao, sau khi tuyên ngôn thành lập nước ngày 2/9/1945, tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc”.

Vào ngày 20/9/1977, tại Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đã thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. Khi ấy, tham dự kỳ họp của đoàn đại biểu Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, và lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức là thành viên của Liên hợp quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam chỉ ‘đồng hành’ với Liên Hiệp Quốc mới có 41 năm.

Thông tin chi tiết hơn, thì vào năm 1957, Việt Nam Cộng hòa đứng đơn gia nhập Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ đề cử. Đại hội đồng (General Assembly) bỏ phiếu 40 thuận, 8 chống. Việc này chuyển lên Hội đồng Bảo an quyết định. Liên Xô muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng gia nhập, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối việc này với lý do đất nước Việt Nam là thống nhất, và chỉ có thể có một chính phủ đại diện ở Liên Hiệp quốc. Vì vậy, đề nghị này bị Liên Xô phủ quyết. Cho đến khi chấm dứt tồn tại (năm 1975), Việt Nam Cộng hòa vẫn không phải là thành viên của Liên Hiệp quốc. [Nguồn:http://bit.ly/2zBh6gF]

“Tôi nghĩ rằng ngoài tình tiết số liệu thiếu tôn trọng lịch sử, thì khó phù hợp ngữ cảnh khi chuyển ngữ cụm mỹ từ ‘… kính yêu của nhân dân Việt Nam, đã gửi đơn gia nhập Liên hợp quốc’. Phát biểu này khiến người ta được quyền nghi ngờ về tính xác thật của những lời mà ngài thủ tướng Việt Nam đã đọc trước diễn đàn”.

Xỏ lá…

“Tôi nghĩ rằng nếu chụp mũ chính trị, thì thư ký soạn diễn văn này cho ngài thủ tướng phải chịu án hình sự về tội tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng”. Ông N.C.K nhận xét.

“Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Việt Nam cũng đã nỗ lực bảo vệ tốt các di sản văn hóa và thiên nhiên, gìn giữ bản sắc dân tộc” – trích diễn văn của ông Nguyễn Xuân Phúc đọc tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73.

Các nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đang đầu tư rải khắp Việt Nam, Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee & Man tại Hậu Giang… là những dẫn chứng dễ thấy nhất cho sự thật của phát biểu “hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường” của ngài thủ tướng Việt Nam.

Theo nghiên cứu công bố hồi cuối quý 1-2018 của Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế), đã có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi; trong đó có 40 nhà hoạt động xã hội và môi trường, 57 tín đồ các tôn giáo. Về độ tuổi, có hai người dưới 25 tuổi, và 18 người trên 65 tuổi, số còn lại từ 25 đến 64 tuổi.

Thế nhưng ngài thủ tướng lại đọc diễn văn rằng Việt Nam “bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người”.

“Xỏ lá nữa còn là chuyện thư ký soạn đoạn Việt Nam tham gia vào Liên Hiệp Quốc mà ngài thủ tướng đã tỉnh bơ đọc, mà không biết rằng mình đang bị chơi đòn đau về kiến thức”. Ông N.C.K nói thêm.

Số là ngày 30/4/1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị thay thế bởi chính quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMN), nhưng vẫn giữ vị thế một nhà nước độc lập đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tại miền Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua hai lá đơn xin tham gia Liên Hiệp Quốc riêng biệt của VNDCCH – Bắc Việt và CHMN – Nam Việt vào năm 1975. Đến ngày 8/8/1975, Hội đồng Bảo an đã đồng thuận chấp nhận và đề cử với Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cho cả hai quốc gia VNDCCH – Bắc Việt lẫn CHMN – Nam Việt được tham gia vào Liên Hiệp Quốc.

Sau khi hai nhà nước VNDCCH và CHMN thống nhất và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào ngày 2/7/1976, thì Việt Nam mới trở thành một quốc gia với một chính phủ duy nhất. Sau đó, CHXHCN Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 1977 như đã nói ở phần trên của bài viết.

Bản lãnh chính trị của một chính khách còn thể hiện qua những gì họ đăng đàn. Phải chăng ở đây ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Bộ Chính trị cho sắm vai vượt quá tầm?






NGƯỜI CỘNG SẢN TRIẾT LÝ VỀ CÁI CHẾT NHƯ THẾ NÀO? (Giang Nam - VNTB)




29/09/2018

Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741–1798) viết bằng chữ Nôm cả thảy 356 câu. Kiệt tác của ông có hàng trăm câu được nhắc nhở như những hạt ngọc tiếng Việt, trong đó có 4 câu thứ 101-104. 

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì !

Nhiều sách khác chép:
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì

Cho đến khi ai đó tìm được bản viết tay của cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều và thấy câu 104 cụ dùng chữ “cổ khâu” là đúng nhất (cổ: cũ , khâu: gò, mộ / chữ nho).

Các nhà nghiên cứu phê bình văn học theo quan điểm mác- xit chê rằng nhà thơ quí tộc Nguyễn Gia Thiều đắm chìm trong triết lý của chủ nghĩa hư vô, tiêu cực. Nhưng dân gian và nhất là các bậc hiền triết lại ưa thích câu thơ triết lý nhân sinh đó sau khi đã hoàn thành bổn phận con người.

Trước thời đại Nguyễn Gia Thiều, Đức Thánh Trần nguyên tước hiệu Hưng Đạo đại vương - Trần Quốc Tuấn (1228–1300) để lại Di cảo được tái hiện lại trong tiểu thuyết lịch sử “Đức Thánh Trần”. Tác giả: nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhà xuất bản Hội nhà văn.

Nhà văn tâm đắc lời huấn dụ của Đức thánh Trần:
Đất chật người đông, xin đừng bắt ông làm quan lớn Mộ
Con yêu cháu quí, hãy để người hoá cỏ thành cây.

Thánh Trần sinh thời được phong chức Tiết chế, như bây giờ tương đương “đại tướng, tổng tư lệnh quân đội”. Ngài di chcu1 cho con cháu đốt xác, chôn xương, xóa dấu tích. Ngôi mộ của ngài được san phẳng trên bề mặt đất, để Ngài được mau chóng hoà vào đất nước theo đúng di nguyện của Ngài. Dòng họ Trần vinh hiển, quyền uy trấn thiên hạ nhưng không dám nại ra lý do nào để làm trái Di huấn của ngài. Trái lại dân chúng khắp nơi tự nguyện lập đền thờ Ngài. Người dân ba miền đều nhớ ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ ngài và họ hẹn rủ nhau hành hương vào dịp ấy. Thậm chí cái ấn giả bằng giấy do đời nay chế ra cũng trở nên thiêng liêng trong phong tục phát ấn Đền Trần. Bỏ qua việc những người lợi dụng phát ấn với sự đồng loã của chính quyền địa phương để trục lợi, nhưng chúng ta thấy niềm tín ngưỡng của dân gian chẳng phải ngẫu nhiên..

Tình cờ thay, đến thời Lê - Trịnh lại có nhà thơ quí tộc Nguyễn Gia Thiều tước hiệu Ôn Như Hầu có cùng quan niệm về “nấm cổ khâu”.

Và cũng tình cờ nữa, để hình dung “nấm cổ khâu”, có thể chiêm ngưỡng ngôi mộ cỏ của văn hào Lev Tolstoi nước Nga thế kỷ XIX –XX. Nhà văn Tolstoi niềm tự hào của nước Nga cổ cận đại, di sản của cả nhân loại. Chuyện kể rằng trong Thế chiến II, khi mặt trận chống phát xít Đức lan đến gần làng quê Iasnaia Poliana nơi sinh văn hào quí tộc Tolstoi, một sư đoàn trưởng pháo binh xe tăng của Hồng quân cho liên lạc gặp chỉ huy quân Đức hung hãn tàn bạo xin kéo quân đi nơi khác pháo kích để bảo tồn ngôi mộ cỏ của văn hào. Tên thủ lĩnh quân đội Đức đồng ý. Hẳn là anh ta cũng biết và cảm tiếng tăm đức độ nhà văn quí tộc Nga. Ngày nay làng quê và ngôi mộ cỏ được người du lịch văn hóa cả thế giới đến nước Nga chiêm bái và suy ngẫm.

Ngôi mộ của Lev Tolstoi. Nga. Ngày 30 tháng 4 năm 2017. Ảnh: pond5

Suốt các triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam chỉ có nhà Nguyễn làm lăng mộ kỳ công hơn cả. Tuy nhiên, đó là những công trình kiến trúc và phối cảnh chứa đựng đầy giá trị thẩm mỹ dân tộc và đặc biệt là tính khiêm tốn. Khiêm tốn ở chỗ không chiếm đất rộng, không xây hoành tráng. (ngày nay các Lăng vua nhà Nguyễn là những điểm nhấn của quần thể Di sản văn hóa thế giới tại Huế).

Ông Tổng bí thư thường hay nhắc nhở đảng viên cán bộ “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, thậm chí còn sinh ra Nghị quyết mang nguyên câu nói ấy (Đại hội X Đảng đã nhấn mạnh kế thừa, phát huy và phát triển giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế).

Thực ra thì chẳng biết ông Tổng thích “bản sắc nào ? - nhà Trần hay nhà Lê, nhà Nguyễn, hay là bản sắc dân gian thể hiện trong ca dao tục ngữ dân tộc ? Liệu di nguyện về cái chết và tang ma của người sáng lập Đảng (Di chúc) có được các đảng viên “học tập và làm theo” mà coi như triết lý không ?

Chỉ biết rằng, lời ông Tổng huấn thị như nước đổ đầu vịt. Bao nhiêu biệt phủ của quan chức đảng rải khắp nước Việt từ Yên Bái đến tận Bến Tre. Biệt phủ “dương trạch” ấy kiêm luôn cả chức năng “âm phần”. Họ chỉ khoe khoang giàu sang nhiều tiền lắm của chứ không có mấy năng lực thẩm mỹ văn hoá đặc trưng nào cả (trung tướng CA Hữu Ước xây sẵn âm phần ngoại ô Hà Nội và đặt tên mỹ miều là “Khu văn hóa tâm linh” được xây dựng trên mảnh đất rộng 1,5 ha, tiến hành xây dựng từ năm 2014. Trong không gian “tâm linh” này, tướng Ước đã xây dựng một quần thể bao gồm đình, chùa, khu thờ tự, ao cá, rất nhiều cây xanh và các phiến đá quý. Tướng Ươc rất khôn, xây cùng lúc cả “dương trạch” và “âm phần” lại đặt tên mơ hồ là “khu văn hoá tâm linh” ?! Ý hẳn anh ta xóa lằn ranh ngăn cách giữa hai cõi: “cõi tạm” và “cõi vĩnh hằng”. Khôn bá cháy !

Dân gian ngày nay

Người cao tuổi xứ mình bây giờ đa phần đều nói rất trơn tru từ “Cõi tạm”, rất thích khấn nguyện được siêu thoát. Thoát cho mau khỏi cõi đời cực nhọc bất công kêu trời không thấu. Tín ngưỡng thờ cúng đền chùa và lập thêm chùa mới tưng bừng cả nước từ bắc chí nam… Bà Q.chủ tịch Nước cũng cầu mong anh CT.Trần Đại Quang “giấc ngủ bình an” đi vào cõi “vĩnh hằng”, nghĩa là bà ấy cũng xem đời này là “cõi tạm” ! (xem sổ tang- báo Vietnamnet đăng và trang web văn phòng CTN).

Thế sao thực tế các vị lại chăm lo quá đáng cho cái xác phàm sau khi chết ? Phải chăng để linh hồn người mất quẩn quanh mãi cõi tạm không thể siêu thoát đến cõi vĩnh hằng? Hay là để tưởng thưởng cho gia đình người “có công” hưởng thụ?

Bởi vậy theo đà kinh tế thị trường, nghề dịch vụ hậu sự lại phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất xứ này.

Chỉ một thành phố nhỏ trung du có hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ tang ma, đặc biệt là mộ đá làm sẵn. Mồ mả đẹp kiên cốnhư thế thì siêu thoát thế nào được!. “Buông” làm sao bây giờ ? “Bỏ” thì tiếc hùi hụi. Nhất là khi những người được hưởng chính sách chẳng phải tốn tiền xây âm phần.

Liệu nghị quyết của Đảng CSVN có đi vào cuộc sống nếu các “ông to” không ai chịu làm gương ?

Thơ cố, triết lý cổ về sự sống và cái chết thực ra rất tương hợp với triết lý lành mạnh dân gian.

Một góc khu Văn hóa Tâm linh của tướng Nữu Ước. Ảnh: Dân Việt

Nữ nhà văn Y Ban suy ngẫm về sự cố lễ truy điệu “rụng một con chữ”: “Một cái lá rụng xuống cũng có lý do của nó thì chữ G cũng thế.

Chữ G rụng xuống khiến “Vô Cùng” thành “vô cùn”. Ừ thì cứ cho là ngẫu nhiên nó thế. Nhưng cái bỗng dưng này chẳng phải bỗng dưng của con người mà là bỗng dưng của đất trời. 
Chữ G rụng xuống khiến "Vô Cùng" thành "vô cùn".

Đất trời dung dưỡng“ba tấc đất” chứ không dung thứ “ba héc ta”. Hỏi có những vua chúa nào ở xứ này khiến Đất Mẹ phải bỏ ra đến 3 ha bờ xôi ruộng mật ở vùng đất thuần nông chỉ để dung nạp một thân xác ?”.

Tại sao lại phải vin vào đất trời ? Bởi còn biết tin vào ai nữa ở cái cõi này? Đất trời minh bạch lắm.

Đấy là suy ngẫm tâm linh của nhà văn ngày 27/9.

Còn tôi suy ngẫm tâm linh về đôi câu đối cổ nhân để lại.

未歸三尺土難保百年身
既歸三尺土難保百年墳

“Vị quy tam xích thổ, nan bảo bách niên thân.
Ký quy tam xích thổ, nan bảo bách niên phần”.

Dịch là:
“Chưa về với ba thước đất, khó mà giữ được thân mình đến trăm tuổi.
Đã về với ba thước đất, cũng khó mà giữ được cái mộ đến trăm năm”.

Đâu phải cứ đầu tư đá quí granite đá đỏ và đá trắng sẽ giữ ngôi mộ vĩnh cửu với thời gian!.







TRUNG QUỐC BẮT ĐẦU ĐÀN ÁP CÁC NHÓM SINH VIÊN MÁC XÍT (Trần Hà Linh - The New York Times)




Posted on 29/09/2018

Một chuyện nghe có vẻ trớ trêu mới xảy ra ở Trung Quốc: chính quyền trấn áp hàng chục sinh viên và thanh niên thuộc các nhóm theo chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông.

Những sinh viên và thanh niên này lập ra các nhóm để đọc các tác phẩm của Mác, Lê-nin và Mao Trạch Đông; thảo luận về những khía cạnh tiến bộ của chủ nghĩa xã hội.

Họ treo hình Mao Trạch Đông, hát các bài hát cách mạng và gọi nhau là “đồng chí”. Họ ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình và còn được truyền cảm hứng từ chiến dịch chống tham nhũng của ông.

Họ cổ xuý cho những lý tưởng cộng sản mà chính quyền ép họ học trong nhiều năm qua. Họ lập ra các nhóm thảo luận trên mạng về những lý tưởng này.

Các nhà hoạt động sinh viên biểu tình ở Activists in Quảng Đông tháng 8/2018 để ủng hộ quyền công nhân. Ảnh: Sue-Lin Wong/Reuters

Mọi chuyện xuôi chèo mát mái, cho đến khi họ trực tiếp thực hành lý tưởng đó bằng cách lên tiếng về những vấn đề cốt lõi mà chủ nghĩa cộng sản luôn tỏ ra quan tâm: đói nghèo, quyền của giai cấp công nhân và bình đẳng giới.

Các nhóm sinh viên đã tổ chức điều tra về cách nhà trường đối xử với các thành phần vô sản trong trường, bao gồm cả nhân viên gác cổng, nhân viên nhà bếp và công nhân xây dựng.

Zhang Shengye, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh hồi tháng 6 vừa qua, đã cùng với khoảng 60 sinh viên khác lập ra Hội Nghiên cứu Mác-xít và xuất bản một báo cáo về tình trạng vi phạm quyền lao động ở trường mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên tìm cách tổ chức công đoàn gần các nhà máy và biểu tình đòi cải thiện chế độ làm việc cho công nhân. Chuyện này mới xảy ra ở thành phố Huệ Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông hồi tháng 8 vừa qua.

Số là nhiều công dân ở đây bị một nhà máy ngăn cản thành lập công đoàn độc lập và phàn nàn về việc bị đối xử tồi tệ cũng như chỉ nhận được đồng lương bèo bọt. Công nhân liền tổ chức ký kiến nghị và bị cảnh sát can thiệp, một số người bị bắt giữ.

Các nhóm sinh viên Mác-xít biết được việc này qua Internet và quyết định phải hành động.
Yue Xin, một sinh viên vừa tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh, ngành ngoại ngữ, nói “Tôi không thể ngồi yên được. Tôi không thể chỉ thuần tuý chém gió trên mạng. Tôi phải đứng lên”.
Họ quyết định lên đường vào Quảng Đông.

Nhóm sinh viên Mao-ít (những người theo chủ nghĩa Mao) trong căn phòng trọ của họ ở Quảng Đông. Ảnh: Sue-Lin Wong/Reuters.

Họ mặc áo có khẩu hiệu “Đoàn kết là sức mạnh” và biểu tình bên cạnh các nhóm công nhân. Họ hô khẩu hiệu “Các bạn là xương sống của giai cấp công nhân” và giương cao biểu ngữ “Thành lập công đoàn không phải là tội”.

“Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm cảm thông dành cho công nhân và khát khao về một tương lai tốt đẹp hơn của chủ nghĩa cộng sản”, Zhang Shengye nói.

Dù theo chủ nghĩa cộng sản, các nhóm sinh viên này rất quyết đoán trong việc khước từ các phương pháp đấu tranh bạo động.

Chen Kexin, sinh viên năm cuối của Đại học Renmin ở Bắc Kinh, một trong những người tham dự cuộc biểu tình nói trên, cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là hoàn toàn hợp pháp và hợp lý. Chúng tôi là những người Mác-xít. Chúng tôi ngợi ca chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi bênh vực công nhân. Chính quyền không thể nhắm vào chúng tôi được”.
Nhưng họ đã lầm.

Sáng ngày 24/8, cảnh sát bố ráp căn phòng trọ của họ ở Quảng Đông, bắt đi 50 người. Khi bị bắt, họ đồng thanh hát vang bài “Quốc tế ca”, bài hát truyền thống của những người theo chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.

Cho đến nay, cảnh sát vẫn còn giam giữ 14 người và cáo buộc họ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Trước khi bị bắt, cô Yue, một người biểu tình, viết một bức thư ngỏ cho Chủ tịch Tập Cận Bình, nói rằng cô được truyền cảm hứng từ chiến dịch chống tham nhũng của ông và thời gian ông lao động ở nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá. Cô cũng nói rằng chiến dịch biểu tình ở Quảng Đông không bắt nguồn từ tư tưởng nước ngoài, mà từ Phong trào Ngũ Tứ năm 1919, vốn là một cuộc nổi dậy của sinh viên Trung Quốc mà Đảng Cộng sản vẫn coi là đêm trước của cuộc cách mạng vô sản.

Cũng trong tuần này, khoảng năm trường đại học đã phải tìm cách ngăn cản các nhóm sinh viên Mác-xít tụ tập. Còn năm ngoái, cảnh sát Quảng Đông đã bắt giữ Zhang Yunfan, lãnh đạo của một nhóm đọc sách Mao Trạch Đông và cáo buộc anh về tội “tập trung đông người gây mất trật tự công cộng”.

Khi năm học mới bắt đầu, nhiều nhà hoạt động sinh viên thề sẽ thúc đẩy chiến dịch của họ. Zhang và bạn bè đã biểu tình ở thành phố Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam, quê của Mao Trạch Đông, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho bạn bè của anh.

Thanh niên Trung Quốc thường bị cho là thờ ơ, ích kỷ và bị ám ảnh về tiền bạc. Nhưng Eric Fish, một nhà báo đã từng nghiên cứu về thế hệ trẻ Trung Quốc, cho rằng, thế hệ sinh sau cuộc thảm sát Thiên An Môn không có nỗi sợ hãi mang tính bản năng với chính quyền như các thế hệ trước đó.

“Họ dám liều mạng xông ra đường hơn. Họ không dễ dàng bỏ qua những gì sai trái như trước”, ông nói.


Lược dịch từ: China’s Leaders Confront an Unlikely Foe: Ardent Young Communists, The New York Times.

Sửa lỗi: Chúng tôi sửa lỗi dịch cụm “May Fourth Movement” từ “Phong trào Lục Tứ” thành “Phong trào Ngũ tứ”. 







PHI HẠT NHÂN : BẮC HÀN ĐẶT ĐIỀU KIỆN VỚI MỸ (RFI | BBC)




Thanh HàRFI
Đăng ngày 30-09-2018 

Trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 29/09/2018, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên tuyên bố, Washington cần tạo dựng lòng tin với Bình Nhưỡng và coi đây là điều kiện thiết trên con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN -Singapore 04/08/2018REUTERS

Ngoại trưởng Ri Yong Ho bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng "đơn phương từ bỏ các chương trình nguyên tử" trong bối cảnh Mỹ vẫn chủ trương trừng phạt Bắc Triều Tiên. Bởi vì lập trường cứng rắn đó càng khiến Bình Nhưỡng "hoài nghi" về thái độ của Washington.

Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên nói rõ, từ nhiều tháng qua, chính quyền Kim Jong Un đã có những quyết định "quan trọng" chứng tỏ thiện chí, từ việc ngừng các vụ thử nguyên tử và tên lửa đến việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Punggye Ri. Ngược lại về phía Mỹ, Bình Nhưỡng "không ghi nhận được những quyết định tương xứng". Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng, "không tin tưởng vào Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên không có phương tiện để bảo đảm cho an ninh quốc gia".

Trong suốt bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Ri Yong Ho tuyệt đối không đả động đến khả năng hai nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên họp thượng đỉnh lần thứ nhì, trong khi đó, ông nhắc nhiều đến những bước tiến quan trọng mà hai nước Triều Tiên đã đạt được sau ba cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều và cho rằng nếu như quả bóng được đặt ở sân chơi của Hàn Quốc chứ không phải là của Mỹ, thì tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã "không lâm vào bế tắc".

Dù vậy, theo giới quan sát, giọng điệu của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên lần này tại New York hòa dịu hơn hẳn so với bài phát biểu của ông nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm 2017. Chính ông Ri Yong Ho, năm ngoái, đã dọa phóng hỏa tiễn tới tận lãnh thổ Hoa Kỳ.

Donald Trump ca ngợi thái độ "thân ái" với Kim Jong Un
Về phía tổng thống Trump dường như không gì lay chuyển được những tình cảm "thân ái" mà ông đã và luôn dành cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore.

Vận động cho cuộc bầu cử giữa kỳ tại Wheeling, khu vực tây bang Virginia ngày hôm qua 29/09/2018, tổng thống Mỹ đã dành cho ông Kim Jong Un rất nhiều lời khen, thậm chí nhấn mạnh đến quan hệ thắm thiết giữa đôi bên. Donald Trump nói :

"Quý vị không còn thấy các vụ thử nguyên tử. Họ bắt đầu đóng cửa các cơ sở hạt nhân. Quý vị không còn thấy các vụ bắn tên lửa … Tôi quý ông ấy và ông ấy quý tôi. Tôi nghĩ điều này tốt đấy chứ ? Ít ra tôi có quyền nói lên điều ấy hay không ?  Các bạn biết không, điều thú vị là ban đầu tôi cũng khó khăn với ông ấy lắm chứ, mà ông ấy cũng cứng rắn với tôi. Thế rồi chúng tôi trao đổi với nhau và rồi chúng tôi đồng cảm với nhau. Không, sự thực là như vậy mà. Ông ấy viết cho tôi những bức thư tuyệt vời. Chúng tôi đồng cảm với nhau. Truyền thông sẽ chê bai, cho rằng, 'Donald Trump đã yêu ! Thật là điều ghê gớm, không xứng đáng với một vị tổng thống".

-------------------------------------
BBC Tiếng Việt
30 tháng 9 2018

Ngoại trưởng Bắc Hàn cảnh báo "không đời nào" nước ông giải giáp trong khi Mỹ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho nói Mỹ cứ nhất định theo chính sách "phi hạt nhân trước đã".  AFP

Ri Yong-ho nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng các biện pháp trừng phạt đào sâu thêm sự ngờ vực của Bắc Hàn về Mỹ.

Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ và điều này được Nga và Trung Quốc ủng hộ.
Nhưng chính quyền Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bắc Hàn tiến hành phi hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt vào tháng 6/2018, tại sự kiện này ông Kim cam kết nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.
Có rất ít tiến bộ về điều này từ thời điểm đó.

Lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Hàn đã thu hút sự quan tâm của quốc tế và khu vực trong thời gian gần đây.  KCNA

Ông Ri nói gì?
Ông cho biết Mỹ cứ nhất định theo chính sách "phi hạt nhân trước đã" và "gia tăng áp lực bằng chế tài".
"Sự bế tắc gần đây là vì Mỹ vẫn giữ các biện pháp mang tính cưỡng ép mà có thể tổn hại đến việc tạo dựng lòng tin," ông Ri phát biểu.
"Nếu không có bất kỳ niềm tin nào vào Mỹ thì sẽ không có sự tin tưởng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi và trong hoàn cảnh như vậy không đời nào chúng tôi đơn phương giải giáp trước."
"Nếu ai đó cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể khiến chúng tôi phải quỳ gối thì đó là chuyện viễn vông và họ không biết gì về chúng tôi", ông nói thêm.

Điều gì đã xảy ra kể từ cuộc gặp tại Singapore?
Một thỏa thuận đạt được ở đó cho biết Bắc Hàn sẽ tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng không đề cập bất kỳ mốc thời gian, chi tiết hoặc cơ chế để xác minh quá trình này.
Tháng trước, Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc, đồng minh của Bắc Hàn, phá hoại tiến trình phi hạt nhân do căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Các cáo buộc đưa ra là gì?
Dưới đây là những gì được truyền thông Mỹ nêu ra hồi tháng 7/2018:
§  Địa điểm làm giàu hạt nhân chính thức duy nhất của Bắc Hàn tại Yongbyon đang được nâng cấp.
§  Nước này đang đẩy nhanh việc làm giàu ít nhất là hai hoặc có thể hơn nữa các địa điểm, bên cạnh Yongbyon.
§  Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất thêm các xe chở bệ phóng tên lửa đạn đạo di động.
§  Bình Nhưỡng cũng đã phát triển việc sản xuất tên lửa với động cơ sử dụng nhiên liệu khô, có khả năng di động cao hơn và dễ phóng hơn.
Các tường thuật này có độ tin cậy đến đâu? Đó "chỉ là" các tường thuật, nhưng có vẻ như chính xác, theo đánh giá của những nhà quan sát đáng nể trọng chuyên theo dõi tình hình Bắc Hàn.
Thông tin được đưa ra dựa trên các nguồn ẩn danh từ giới tình báo Hoa Kỳ cũng như từ nghiên cứu của trang 38 North đối với các ảnh chụp vệ tinh địa điểm Yongbyon.

Nhiên liệu khô và các bệ phóng di đông sẽ là một bước tiến lớn cho Bình Nhưỡng.  KCNA

Các cáo buộc nghiêm trọng đến đâu?
"Không hoạt động nào trong số này vi phạm tới bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra tại kỳ họp thượng đỉnh Singapore giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un," Vipin Narang, giáo sư ngành khoa học chính trị tại MIT và là chuyên gia về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, nói.

Trong tuyên bố ra cuối kỳ họp thượng đỉnh, Bình Nhưỡng chỉ đồng ý hợp tác hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng coi là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn.
Chi tiết về tiến trình này vẫn đang được hai bên bàn thảo.

"Sẽ không bao giờ là chuyện đơn phương, ngay lập tức," ông Narang nói. "Cho nên Kim Jong-un tự do tiếp tục vận hành các địa điểm đã có."
Tuy nhiên, các tường thuật về việc Bắc Hàn tiếp tục hoạt động hạt nhân vẫn bị coi là hành động làm xói mòn tới tinh thần cuộc họp thượng đỉnh, và gây nghi ngờ về sự thành thật của Bình Nhưỡng trong việc phi hạt nhân hóa.
"Bức tranh lớn hơn ở đây là chương trình hạt nhân của Bắc Hàn vẫn tiếp diễn, được thực hiện dưới sự điều hành của Kim Jong-un, thể hiện qua bài diễn văn của ông hồi tháng Giêng, khi ông thúc giục viêc tiếp tục sản xuất đầu đạn và tên lửa đạn đạo," Ankit Panda, biên tập viên tạp chí The Diplomat nói.

Ông Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa.  REUTERS

Việc gây áp lực có đem lại hiệu quả không?
Câu hỏi hiện nay là liệu trong thời hậu kỳ họp thượng đỉnh Singapore thì kiểu gây áp lực thế này liệu có ép Bình Nhưỡng đi vào đúng hướng được không.
Từ những gì mới được công bố trong các tường thuật mới đây thì việc Bắc Hàn tiếp tục nỗ lực hạt nhân, quân sự cho thấy nước này có ý duy trì năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thậm chí còn đang tiếp tục sản xuất các thứ vũ khí này.
"Có thể là Bình Nhưỡng đang tính toán rằng bất kể thế nào thì Trung Quốc cũng đã có những hành động tối đa trong vấn đề trừng phạt Bắc Hàn. Và Hoa Kỳ thực sự không thể tiếp tục mà không có sự ủng hộ của Trung Quốc," ông Narang nói.
"Kim Jong-un có thể đơn giản nói rằng 'Tôi đã làm những gì cần phải làm để phá vỡ chiến dịch gây áp lực tối đa' - và tôi cho rằng có lẽ ông ấy đã đúng."






CỰU CHIẾN BINH, ANH ĐI VỀ ĐÂU? (Trần Thảo)




Trần Thảo
30/09/2018

Cách đây không lâu, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho phổ biến một clip, quay nhóm cờ đỏ Trần Nhật Quang, đem loa phóng thanh tới trước cửa nhà của anh để quấy rối, với lý do chúng nêu ra là anh Thắng đã mạo phạm tới Hồ Chủ Tịch của chúng. Chúng yêu cầu anh Thắng phải công khai xin lỗi. Sau đó ít hôm thì anh Thắng lại phổ biến một thêm clip khác, cũng một nhóm người tới quấy rối sự yên tĩnh của khu phố nhà anh Thắng, cùng một lý do là anh Thắng đã mạo phạm ông Hồ, nhưng lần này không phải nhóm Quang lùn mã tử, mà là một nhóm cựu chiến binh, có cả thương binh của bộ đội CSBV trước đây.

Nhìn thái độ hung hăng của mấy người này, tôi tự hỏi, không biết mấy ông cựu chiến binh và thương binh này tới quấy rối anh NLT vì thực tâm cảm thấy phẫn nộ khi cho rằng anh NLT xúc phạm ông Hồ, hay vì được thuê mướn để làm ba cái chuyện mang ý hướng tuyên truyền như thế?

VIDEO ;

Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy bởi vì trước đây, tại Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ An, bí thư huyện ủy ở đó đã từng mướn cựu chiến binh, phụ nữ, và ép buộc học sinh địa phương xuống đường đả đảo hai linh mục là Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục!
Nếu các cựu chiến binh này vì cần tiền để sống qua ngày mà phải bán linh hồn cho quỷ thì tôi thấy cũng bình thường và có thể hiểu được. Nhưng nếu các anh thực sự tức giận, bất mãn vì cho rằng anh NLT đã xúc phạm tới ông Hồ thì, theo tôi, đây quả thực là một vấn đề tư tưởng cần phải được khai thông.

Có lẽ không ít người đã từng nghe nhiều về những phong trào nổi dậy của nông dân tỉnh Thái Bình, đòi công bằng xã hội, đòi lại ruộng, vườn bị cường hào ác bá, cán bộ đảng địa phương cưỡng chế, ăn cướp trong thập niên 1980 – 1990, mà cao trào là vào năm 1997.

Phong trào nổi dậy vào thời gian đó ở Thái Bình, sau đó lan rộng ra các tỉnh Hải Hưng, Vĩnh Phú, Quảng Ninh v.v… thực ra được phát động bởi những cựu chiến binh, những người một thời đã nghe theo “bác đảng”, cống hiến máu xương của mình để thực hiện tham vọng nắm quyền lực ở miền bắc và cưỡng chiếm miền nam Việt Nam của tập đoàn cộng sản Hà Nội.

Sau khi cưỡng chiếm xong miền nam, hoàn toàn đặt cả nước dưới sự thống trị tàn bạo, chế độ cộng sản Hà Nội đã cho giải ngũ nhiều bộ đội. Những người mặc áo lính đó trở về địa phương và trở thành những nông dân, và ở đó họ bắt đầu phải đối diện với sự đối xử bất công phi lý, sự bóc lột tàn tệ của những cán bộ, đảng viên nắm quyền h̀ành nghiêng trời lệch đất ở địa phương.

Những nông dân cựu chiến binh ở Thái Bình, đã cố gắng chịu đựng để được yên thân, nhưng rồi khi đã quá mức chịu đựng thì chuyện gì đến sẽ phải đến. Đó là nguyên nhân của phong trào nổi dậy của nông dân, cựu chiến binh ở Thái Bình mà cao trào là năm 1997.

Phong trào nổi dậy này đã gây tiếng vang ra truyền thông quốc tế, thu hút khá nhiều phóng viên, nhà báo tụ tập ở Hà Nội để chờ chế độ cho phép tới Thái Bình để làm phóng sự.

Nhưng dễ gì mà Hà Nội dám để cho dân chúng biết! Những phóng viên, nhà báo quốc tế được đón tiếp tử tế với hứa hẹn khi nào “tình hình an ninh” cho phép, sẽ để cho giới nhà báo, phóng viên tới Thái Bình tác nghiệp.

Dần dà những phóng viên, nhà báo đấu không lại với chế độ Hà Nội về mặt kiên nhẫn, thế là họ từ từ rút lui, và đó cũng là lúc mà phong trào nổi dậy đòi lại đất đai của nông dân, cựu chiến binh Thái Bình và các tỉnh lân cận bắt đầu bị đàn áp dã man, tàn bạo nhất. Trong đêm đen, những chiếc xe cây của công an lùng bắt tất cả những khuôn mặt nổi bật mà chế độ cho là xương sống của phong trào, và đem giam giữ họ ở đâu thì nhân thân không hề được biết.

Chế độ CSVN có quá nhiều kinh nghiệm trong việc thủ tiêu những thành phần mà chúng cho là nguy hiểm cho sự sống còn của chế độ, đặc biệt trong những năm cuối của thế kỷ 20, khi truyền thông mạng chưa có, thì việc giấu giếm những hành động ác độc, phi nhân tính lại càng dễ dàng hơn.

Cộng sản Việt Nam cho phân tán các tù nhân cựu chiến binh về những trại tù hình sự trên khắp miền bắc. Chế độ ăn rơ với các tù hình sự, âm mưu thủ tiêu các cựu chiến binh trong đêm tối, thần không biết quỷ không hay! Tù hình sự dùng loại đũa vót bằng tre cật, vào lúc tù cựu chiến binh ngủ say, đóng vào tai nạn nhân từ bên này thấu bên kia, không kịp kêu một tiếng đã bị thảm sát. Mỗi một tù cựu chiến binh bị giết, tù hình sự được giảm án 2 năm.
Phong trào bị dập tắt, và trong một thời gian khá lâu không ai biết những cựu chiến binh bị bắt giờ đang ở đâu! Nhưng rồi không có bí mật nào mãi mãi được giữ kín. Những nhân thân của cựu chiến binh dần dần biết được cái âm mưu thủ tiêu đối lập một cách tàn bạo của chế độ, từ đó lan truyền khắp nơi.

Trong cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam trước đây, Thái Bình là địa phương được chế độ CSVN tại miền bắc tuyên truyền là lá cờ đầu, không thiếu một hạt thóc thuế nông nghiệp, không thiếu một người lính trong Nghĩa Vụ Quân Sự v.v… Nhưng đó chỉ là mồm mép của lũ tuyên giáo gian manh, ra rả tuyên truyền để xúi người ta góp máu, đi vào chỗ chết để cho tập đoàn Hồ Chí Minh thực hiện được tham vọng nuốt trọn miền Nam của chúng.

Chế độ CSVN không hề tiếc máu xương của nhân dân, miễn sao đạt được tham vọng đặt nền thống trị cộng sản độc tài trên cả nước, điều đó được chứng minh rất rõ ràng khi một phóng viên báo Pháp phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp rằng ông có hối tiếc khi có hơn 4 triệu người Việt Nam đã chết vì cuộc nội chiến ý thức hệ cộng sản? Tướng Võ Nguyên Giáp đã lạnh lùng trả lời rằng: Non, pas du tout! Không, không hề hối tiếc!

Tượng thần Hồ Chí Minh, tượng thần Võ Nguyên Giáp, trong đầu thế kỷ 21, đã không còn nguyên vẹn như thế kỷ trước. Khi những lời ca ngợi, sùng bái cá nhân đã không còn đất sống thì bộ mặt giả trá của những lãnh tụ thần thánh cũng rơi xuống lộp độp!

Trong suốt 43 năm qua, những cựu chiến binh của thời kháng chiến chống Pháp và của thời chống Mỹ đã được chế độ CSVN đối xử bạc bẽo như thế nào thì đã quá rõ. Với truyền thông mạng ngày càng phổ cập khắp nơi, những âm mưu đen tối của CSVN từ trước cho tới nay đã được bạch hóa phần lớn. Nếu bây giờ mà vẫn còn có cựu chiến binh tỏ ra bất bình, giận dữ khi cho rằng anh Nguyễn Lân Thắng mạo phạm “Bác Hồ” của họ thì quả là hết còn nói nỗi!

Khi bị màn tối u minh bao bọc, không thấy không nghe được sự thật thì còn có thể hiểu, nhưng khi tất cả đã rõ ràng mà còn có người vẫn u mê với những tín điều cũ rích thì chỉ có thể nói họ là những con người bất hạnh, không có duyên với ánh sáng của chân lý! Người cựu chiến binh, với niềm tin mù mờ, đặt sai chỗ như thế, anh sẽ đi về đâu?







View My Stats