Thursday, 27 September 2018

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 27/09/2018 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
27/09/2018

Sáu ngư dân mất tích gần vùng biển Hoàng Sa
Báo Thanh Niên dẫn thông báo ngày 24/9 của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ Cứu nạn, thuộc Bộ Quốc phòng, cho biết, tàu cá số hiệu BĐ 97640, tỉnh Bình Định, đã mất liên lạc với gia đình từ ngày 14/9 khi đang hoạt động đánh bắt trên vùng biển cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 hải lý. Tàu cá này gồm 6 ngư dân, do ông Châu Thành Hưng làm thuyền trưởng. 

Zing cho biết, trước đó ngày 28/8, con tàu này rời bến Tam Quan ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy sản. Từ ngày 14/9 đến nay, gia đình các ngư dân đã không còn liên lạc với họ được nữa nên đã phải cầu cứu cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm. Vị trí cuối cùng xác định được của tàu cá là 15 độ 55 phút vĩ độ bắc và 116 độ 57 phút kinh độ đông.

Ngày 25/9, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn, cho biết, ông đã đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao gửi văn bản thông báo đến Đại sứ quán Trung Quốc và Philippines về vụ việc và đề nghị Trung Quốc và Philippines yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này hỗ trợ tham gia tìm kiếm tàu cá cùng các ngư dân.

Tàu Hải quân Hoàng gia Canada ghé thăm Đà Nẵng
Truyền thông trong nước đưa tin, ngày 26/9, tàu Hải quân Hoàng gia Canada do Trung tá Blair Saltel, chỉ huy tàu, đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm thành phố 4 ngày, kể từ ngày 26 đến 30/9.

Theo báo Người Lao Động, mục đích chuyến thăm này nhằm “củng cố các quan hệ đối tác quốc phòng hiện có và thiết lập quan hệ mới với nhiều quốc gia nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng và tác chiến quốc phòng cho các hoạt động trong tương lai”.

Trang Tin Tức dẫn lời Trung tá Blair Saltel, sĩ quan chỉ huy tàu Hải quân Hoàng gia Calgary, cho biết: “Đoàn thủy thủ tàu Hải quân Hoàng gia Calgary mong chờ chuyến thăm tới Việt Nam. Điểm nhấn của chuyến viếng thăm là việc thực hiện một hoạt động chung trên biển với tàu Hải quân Nhân dân Việt Nam nhằm mở rộng và cải thiện mạng lưới quan hệ đối tác quốc phòng của chúng tôi trong khu vực”.

Tàu Hải Quân Ấn Độ Sẽ Thăm TP. Hồ Chí Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông dẫn nguồn tin từ thông cáo của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết, tàu INS RANA của Hải quân Ấn Độ sẽ có chuyến thăm cảng Nhà Rồng, TPHCM, từ ngày 27 đến 30/09/2018.

Chuyến thăm nhằm mục đích “tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, tình hữu nghị giữa hai nước và đóng góp vào ổn định an ninh trong khu vực và trên thế giới“. Chuyến thăm này là một phần hoạt động của Hải quân Ấn Độ, liên tục triển khai tàu đến khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tuyên bố tầm nhìn chung Việt – Pháp về hợp tác quốc phòng
Như tin đã đưa, từ ngày 15 đến ngày 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam và Pháp đã có cuộc gặp gỡ ở Pháp theo lời mời của Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly. Một điểm quan trọng trong cuộc họp này là, hai bên ký tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng.

Rất ít thông tin chi tiết về bản tuyên bố này được công bố. Theo tạp chí The Diplomat, nói về tầm quan trọng của tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nói rằng, cuộc gặp này thể hiện mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, sẽ tiến một bước phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược, và điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho cả hai nước mà cả trong khu vực.

Không thể phủ nhận bản tuyên bố tầm nhìn chung, chắc chắn thể hiện tiến bộ theo hướng đó. Tuy nhiên hai nước có thể đạt được điều này ở mức độ nào thì sẽ còn phụ thuộc vào khả năng của họ tối đa hoá cơ hội phía trước và giảm thiểu những thách thức tồn tại.


Hoạt động ngoại giao của Việt Nam
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin, sáng 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ở New York, Hoa Kỳ.

Tham dự phiên họp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh thông điệp: “Tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân”, trong đó “đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực“.

Ngoài ra, Việt Nam nhấn mạnh “sự cần thiết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu chia sẻ trách nhiệm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ để Liên hợp quốc trở nên mạnh mẽ, dân chủ, hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển”.










No comments:

Post a Comment

View My Stats