Saturday, 29 September 2018

VIỆT NAM BỊ TỐ BÍ MẬT BẮT GIAM 9 NGƯỜI THUỘC NHÓM 'HIẾN PHÁP' (RFA | BBC)




RFA
2018-09-28

An ninh Việt Nam bắt giữ 9 thành viên của 1 nhóm có tên ‘Hiến Pháp’ vào đầu tháng 9 vừa qua. Mục tiêu nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình tự phát xảy ra khi mà tình trạng bất mãn đang ngày càng tăng trong xã hội.

Nhóm Vietnam Human Rights Defenders hôm 24 tháng 9 dẫn lời bà Nguyễn Uyên Thuỳ, một trong 18 thành viên của nhóm Hiến Pháp, như vừa nêu.

Theo lời bà Nguyễn Uyên Thuỳ nói với Vietnam Human Rights Defenders, biện pháp bắt giữ được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh trước khi nhóm Hiến Pháp có kế hoạch tập trung vào ngày 4 tháng 9 nhân dịp lễ Quốc khánh 2 tháng 9. Nhóm muốn kêu gọi tiến hành biểu tình ôn hoà để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, cũng như quản trị tồi của chính phủ Hà Nội dẫn đến thực tế ô nhiễm môi trường trầm trọng trên cả nước.

Cũng theo bà Nguyễn Uyên Thùy thì lực lượng an ninh đã bắt 8 thành viên của nhóm mà không thông báo cho gia đình họ về vụ bắt giữ. Chỉ riêng trường hợp ông Huỳnh Trương Ca là được thông báo trên truyền thông nhà nước.

Một số thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị bắt được bà Thuỳ nêu tên là ông Đỗ Thế Hòa (Facebooker Bang Lĩnh) bị bắt vào tối ngày 1 tháng 9, cô Đoàn Thị Hồng (Facebooker Xuân Hồng) bị bắt ngày 2 tháng 9, ông Ngô Văn Dũng (Facebooker Ngô Văn Dũng) bị bắt giam sau khi tiến hành phát livestream trực tiếp tại TP HCM vào sáng ngày 4 tháng 9.

Bà Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, hôm 28/9 phủ nhận thông tin chồng bà là thành viên của nhóm Hiến Pháp: "Ông ấy là một nhà báo độc lập, không thuộc nhóm Hiến Pháp. Có điều là liên lạc với nhau trên Facebook thì có nói chuyện kết bạn trên Facebook thôi".

Theo thông tin từ bà Kim Nga, cho đến lúc này gia đình bà vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc bắt giữ chồng mình dù bà đã làm đơn gửi Công an tỉnh Dak Lak, và Thủ tướng chính phủ. Đích thân bà Nga cùng con đã đến công an tỉnh Dak Lak để hỏi về tung tích của chồng mình nhưng được phía công an tỉnh cho biết họ không bắt giữ ông Dũng.

-----------------------

BBC Tiếng Việt
28 tháng 9 2018

Gia đình những người này cho biết đến nay vẫn chưa được chính quyền thông báo về việc bắt giam, lý do bắt, và nơi giam giữ họ.

Một trong số những người bất đồng chính kiến 'mất tích' từ hồi đâu tháng Chín là blogger Ngô Văn Dũng sống tại Đắk Lắk.
Ông Dũng thường đăng các bài viết bày tỏ chính kiến và livestream về các vấn đề nhức nhối trong xã hội trên Facebook cá nhân.
Theo tin từ Vietnam Human Rights Defenders, blogger Ngô Văn Dũng nằm trong số chín thành viên của nhóm tên gọi 'Hiến pháp' bị bắt hồi đầu tháng Chín trong nỗ lực ngăn chặn biểu tình của chính quyền.
Vợ ông Dũng nói với BBC là vừa 'tìm thấy' ông bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn sau 25 ngày bặt vô âm tín. Nhưng chỉ được cán bộ 'thông báo miệng' chứ chưa được gặp và đến nay vẫn không có thông tin gì thêm.

"Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng"

"Theo Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị bắt, giữ, cơ quan điều tra cần thông báo cho gia đình, chính quyền nơi người đó cư trú, làm việc, sinh sống, " luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC hôm 27/9.
"Trong trường hợp xét thấy việc thông báo đó cản trở việc truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì có thể thực hiện sau khi cản trở đó không còn."
"Tuy nhiên, như thế nào là cản trở thì luật không quy định cụ thể nên cơ quan điều tra có thể lạm dụng lý do này để trì hoãn việc thông báo."
"Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài tối đa đến chín ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người tạm giữ. Do đó, nếu những người bất đồng chính kiến bị tạm giữ trên 10 ngày thì chứng tỏ họ không còn tạm giữ nữa mà đang bị tạm giam."
"Cũng theo bộ luật này, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho gia đình và chính quyền địa phương, hoặc tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết."
"Đối với trường hợp chín người bất đồng chính kiến nói trên, cơ quan điều tra nếu đang giam giữ họ thì cũng cần thông báo cho gia đình, địa phương của họ. Không có ngoại lệ."
"Nếu không, cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này."

Theo luật sư Sơn, đây không phải lần đầu tiên gia đình của những người bất đồng chính kiến lên tiếng về tình trạng 'bị chính quyền bắt giữ mà không thông báo'.
"Việc này chỉ có thể làm xấu hình ảnh của chính quyền chứ không tạo được sự tôn trọng từ gia đình cũng như xã hội khi xử lý những người bất đồng chính kiến."
"Theo tôi, để cải thiện điều này, cơ quan điều tra cần tuân thủ luật pháp, thông báo kịp thời cho gia đình khi tạm giữ, tạm giam họ."

"Thông báo miệng"

Bà Kim Nga, vợ blogger Ngô Văn Dũng, người được cho là 'mất tích' tại Sài Gòn từ đầu tháng Chín, nói với BBC hôm 27/9 rằng bà đã 'tìm thấy chồng'.
"Tôi tìm thấy chồng tôi rồi. Bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn."
"Một cô tiếp dân ở đó bảo tôi trình hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn. Rồi cô gọi điện vào trong hỏi có tên chồng tôi không thì thấy bảo có."
"Nhưng cô cũng chỉ nói miệng vậy chứ không có thông báo chính thức nào. Tôi không có thêm thông tin nào từ đó đến nay. Cũng chưa hề được gặp mặt chồng," bà Nga nói với BBC từ Đắk Lắk.

Bà nói cán bộ ở đó hỏi 'có muốn gửi gì vào không' nên bà đã gửi cho chồng một ít tiền. "Nhưng 'họ cầm tiền rồi đi chứ cũng không có giấy tờ biên nhận gì," bà Nga nói.
Bà Nga cũng nói trong suốt 25 ngày ông Dũng 'mất tích', bà đã bốn lần lặn lội vượt 400km từ Đăk Lắk lên Sài Gòn, tìm kiếm khắp nơi, "cả gia đình không còn làm ăn được gì".

Hiện bà Nga cho hay "chưa biết phải làm gì tiếp theo", nhưng cán bộ số Trại giam số 4 Phan Đăng Lưu nói ngày 4/10 tới đây là lịch người nhà được gửi đồ ăn vào cho người đang bị giam giữ, nên bà sẽ đi Sài Gòn để tiếp tế cho chồng.
Điều bà Nga phân vân là không biết chồng bà bị bắt vì tội gì, sẽ bị giam bao lâu, có bị xét xử hay không. Và có chắc ông đang bị giam ở đó hay không.

"Chính quyền không thông báo gì cho gia đình tôi. Họ làm ăn kiểu gì thật kỳ quặc."
Bà Nga cũng nói bà không thấy chồng làm gì sai.
"Là nhà báo tự do, trong suốt hai năm qua anh ấy đã viết hàng trăm bài báo. Nội dung anh viết đều là sự thật chứ không hề nói xấu lãnh đạo hay vu khống ai."
"Ví dụ gần đây có vụ hàng trăm giáo viên ở Đăk Lắk bị mất việc trong khi đã đóng hàng chục triệu đồng cho hiệu trưởng để có một chỗ làm, anh ấy có đi viết bài và bị công an giữ, tịch thu điện thoại."

Ông Dũng cũng đã từng nhận được nhiều 'thư mời', lệnh triệu tập từ công an Đắk Lắk, "cỡ phải tới 7 cái", bà Nga nói.
"Chồng tôi lên công an làm việc vài lần. Anh ấy luôn nói với họ là anh thượng tôn pháp luật, không làm gì sai. Nếu không thì công an Đắk Lắk đã bắt anh ấy từ lâu rồi."

Bà Nga cũng nói theo bà được biết thì hồi đầu tháng Chín, ông Dũng lên Sài Gòn để tham gia biểu tình phản đối sử dụng chữ tiếng Việt của Giáo sư Bùi Hiền.

'Tổ chức nhân quyền sẽ vào cuộc'

Gia đình của hầu hết chín thành viên nhóm Hiến pháp không hề được chính quyền báo tin, trừ trường hợp Huỳnh Trương Ca đã bị khởi tố, theo Vietnam Human Rights Defenders.

Blogger Nguyễn Uyên Thùy, một thành viên của nhóm Hiến pháp nói với Vietnam Human Rights Defenders rằng việc bắt giữ này nhằm trong nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn biểu tình nổ ra hôm 2/9.

Vietnam Human Rights Defenders cũng cho biết nhóm này đã tham gia vào cuộc biểu tình hôm 10/6 và dự định biểu tình ôn hòa hôm 4/9 nhưng đã bị đàn áp trước đó.
Theo thông tin về nhóm Hiến Pháp đăng tải trên Vietnam Human Rights Defenders, đây là một nhóm "cổ suý nhà nước pháp trị", ủng hộ quyền dân sự có trong Hiến pháp Việt Nam 2013.

Cũng theo trang tin của tổ chức này, Liên Hiệp Quốc đã được thông báo về vụ việc và Cao uỷ về Nhân quyền sẽ có trao đổi với Chính phủ VIệt Nam về việc bắt giữ mà không thông báo cho gia đình.

Sau các cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu hôm 6/10 nổ ra tại nhiều tỉnh thành, chính quyền Việt Nam dường như mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn người dân xuống đường dịp Quốc Khánh 2/9.

Một số nhà hoạt động nói với BBC rằng nhà họ bị một nhóm an ninh canh cửa 24/24. Một số khác được công an địa phương 'mời' cà phê và đề nghị 'không xuống đường' hôm 2/9.
Cùng lúc là các vụ xét xử người bất đồng chính kiến tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên truyền thông chính thống của nhà nước không hề đưa tin về những người được cho là bị 'bắt nguội', như vụ chín người của nhóm Hiến pháp.
Báo Việt Nam thời điểm đó đăng các bài viết kêu gọi người dân tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

-----------------
Tin liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats