Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 29-09-2018
Cuộc
chiến thuế Mỹ-Trung dữ dội đang diễn ra chỉ là màn mở đầu cho cuộc đọ sức toàn
diện. Đó là nhận định của Courrier International tuần này. Tuần báo quốc tế Pháp,
số ra cuối tháng 9/2018, giới thiệu một tổng thuật về cuộc chạy đua công nghệ số, mà Bắc Kinh đang
nếm đòn, do ảo tưởng có thể nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kỳ, trích từ báo South
China Morning Post (SCMP) (1).
Trong cuộc chạy đua dành vị trí thống trị thế giới về
công nghệ cao, chính tham vọng bị đánh giá là « hung hãn » của
Trung Quốc đã đẩy Bắc Kinh vào tình thế « lẩy bẩy như Cao Biền dậy
non ».
SCMP nêu một ví dụ tiêu biểu. Đó là trường hợp công ty tin học khởi nghiệp Redcore Trung Quốc,
hồi tháng 08/2018 vừa qua đã kiêu hãnh tuyên bố « phá vỡ được thế độc
quyền của Hoa Kỳ », nhờ một phần mềm trình duyệt chưa từng có. Tuy
nhiên, ngay sau đó Redcore đã buộc phải cải chính, sau khi phát hiện ra rằng
trong sản phẩm này có chứa nhiều dấu ấn của phần mềm trình duyệt Google Chrome
nổi tiếng của Mỹ.
Thất bại lồ lộ nói trên có thể được hiểu theo hai
cách. Về phía phương Tây, điều này thể hiện rõ chiến lược đánh cắp công nghệ của
Bắc Kinh trong tham vọng trở thành siêu cường công nghệ số. Về phía Trung Quốc,
vụ Redcore một lần nữa cho thấy « vực thẳm » mà Bắc Kinh phải
vượt qua, nếu muốn đuổi kịp Mỹ.
Tham vọng của Redcore, cùng rất nhiều công ty tin học
Trung Quốc khác, bắt nguồn từ chương trình MIC 2025, được chính quyền Bắc Kinh
khởi sự vào năm 2015. Bắc Kinh đặt mục tiêu trong 10 năm sau đó đưa Trung Quốc
lên vị trí ngang hàng với các tập đoàn phương Tây hàng đầu, trong hàng loạt
lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, như robot, công nghệ không gian, vật liệu mới hay
xe chạy bằng các loại năng lượng mới. Công nghệ tin học là một trong 10 lĩnh vực
mũi nhọn này (xem thêm : Trí thông minh nhân tạo: "Bước đại nhảy vọt mới" của
Trung Quốc?).
« Đại nhảy vọt» thời công nghệ số ?
Vấn đề là : 10 năm, thời gian quá ngắn để Trung Quốc
thực hiện được tham vọng ghê gớm như vậy.
Bộ trưởng Công Nghiệp và Công Nghệ Tin Học Trung Quốc,
hồi 2015, cũng thừa nhận là Trung Quốc phải cần đến 30 năm nữa mới có thể trở
thành một siêu cường về công nghiệp. Hiện tại, Trung Quốc rất phụ thuộc vào
« các công nghệ cơ bản », mà nước này chủ yếu phải mua của nước
ngoài. Sau hơn 20 năm tồn tại, và cho dù đã có hàng tỉ đô la đầu tư, ngành tin
học Trung Quốc vẫn không đưa ra được thị trường một « hệ điều hành »
máy tính riêng, hay tự chế được các vi mạch tích hợp (SCMP : tính dễ tổn thương
của Trung Quốc về công nghệ có thể thấy rõ qua vụ công ty viễn thông Trung Quốc
ZTE phải ngừng hoạt động, vì bị Mỹ cắt nguồn linh kiện. Xem thêm : ZTE, yếu tố chính trị trong cuộc đọ sức kinh tế Mỹ-Trung).
SCMP nhận xét là : Dự án MIC 2025 – được triển khai
từ ba năm nay, với tham vọng nhanh chóng đưa Trung Quốc lên đỉnh cao thế giới –
đã gây ra một cơn sốt săn lùng công nghệ mới, với việc các công ty Trung Quốc
tăng cường mua lại các doanh nghiệp mũi nhọn nước ngoài, hay cưỡng bức công ty
nước ngoài làm việc tại Trung Quốc phải « chuyển giao » công
nghệ… Nhiều cường quốc cũng có những dự án đầy tham vọng trong các công nghệ đỉnh
cao, nhưng riêng trường hợp Trung Quốc, các can thiệp trực tiếp, và thô bạo của
Bắc Kinh khiến các cường quốc công nghệ, trước hết là Hoa Kỳ, rất cảnh giác.
Muốn
lên đỉnh, nhưng thiếu « cơ bản »
Nhà nghiên cứu Lô Tuấn Vĩ (Lu Jiun-wei), làm việc tại
một viện kinh tế Đài Loan, chỉ ra một điểm yếu sâu xa trong chiến lược phát triển
công nghệ cao của Trung Quốc. Đó là Bắc Kinh chủ yếu trông chờ vào việc lấy lại
các công nghệ sẵn có của nước ngoài, mà không tự đầu tư đúng mức cho « các
nghiên cứu cơ bản ». Theo Lô Tuấn Vĩ, trong kế hoạch MIC 2025, chỉ có
5% số tiền được dùng cho nghiên cứu cơ bản, tỉ lệ chỉ bằng một phần ba, một phần
tư so với các nền kinh tế phát triển.
Bị chỉ trích mạnh, Trung Quốc đã buộc phải tỏ ra bớt
hung hăng hơn. Hồi tháng 06/2018, Bắc Kinh chỉ đạo báo chí ngừng nói đến kế hoạch
MIC 2025. Tổng biên tập một tờ báo của bộ Khoa Học và Công Nghệ thừa nhận Trung
Quốc đã « tự dối mình » khi nghĩ rằng có thể nhanh chóng đuổi
kịp Mỹ.
Chiến
thuật của « Bình đầu cá »
MIC 2025 tạm thời bị Bắc Kinh cho vào hậu trường,
nhưng tham vọng chạy đua công nghệ của Trung Quốc không vì thế mà ngừng lại. Tập
đoàn Alibaba vừa quyết định cho ra đời một doanh nghiệp sản xuất vi mạch điện tử
riêng, để không phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Xã luận Courrier International tóm lược không khí cuộc
chiến Mỹ-Trung với hình ảnh : « Vũ điệu chiến tranh của loài lửng mật
Trung Quốc ». « Lửng mật » hay « lửng mật ong »
(tiếng Trung là Bình đầu cá/Pingtouge) là tên gọi mà tập đoàn hàng đầu của
Trung Quốc Alibaba đặt cho một doanh nghiệp sản xuất vi mạch, vừa được khai
trương rầm rộ, đúng vào lúc ông chủ Alibaba tuyên bố sẽ không thực hiện kế hoạch
tạo thêm một triệu chỗ làm mới cho nước Mỹ, như đã hứa với Donald Trump hồi mới
đắc cử.
Là một động vật ăn thịt nhỏ bé, nhưng hết sức dữ tợn,
lửng mật ong không ngại huyết chiến với các loài ăn thịt to lớn như hổ báo.
Trong cuộc đọ sức với các động vật to hơn gấp bội, loài chồn mê mật ong có cách
tấn công riêng : Đó là lùi một bước, để tiến hai bước. Chiến thuật này được so
với điều mà Bắc Kinh đang làm.
Sự ra đời của công ty sản xuất vi mạch mang tên
« Bình đầu cá » được Courrier International coi là một « phát
súng mới nhất » từ phía Bắc Kinh, trong cuộc chiến thương mại với Hoa
Kỳ. Cho dù, đòn đánh thuế mới đây của chính quyền Trump nhắm vào hàng xuất khẩu
Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la đang « bóp nghẹt » kinh tế nước
này, nhưng tuần báo Pháp dự kiến là, kể từ giờ, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận « nhìn
Trái đất quay theo giờ Washington » nữa, và sẵn sàng cho cuộc đấu lâu
dài với Hoa Kỳ, theo chiến thuật của loài lửng.
Còn tờ The Atlantic, được Courrier International
trích dẫn, dự báo quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay đang đi đến « một
vùng xám », không hoàn toàn là sự đoạn tuyệt về kinh tế, giống như
quan hệ Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng khác xa với giai đoạn mật thiết
đầu thế kỷ XXI. Giờ đây, mỗi bên sẽ tìm cách ngày càng ít phụ thuộc nhau hơn.
Kinh tế
Mỹ sung mãn : Phải thừa nhận công Trump
Về phía nước Mỹ, Le Point có bài xã luận « Khi
Trump làm nên phép lạ », ca ngợi kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng
sung mãn. Tổng thống Donald Trump cách đây ít hôm đưa ra nhận xét là « tăng
trưởng kinh tế (4,2%) còn cao hơn tỉ lệ thất nghiệp (3,9%) ». Donald
Trump khoe đây là điều chưa từng có từ hơn một thế kỷ nay. Le Point khẳng định
ngay nhận định này là hoàn toàn sai trái (fake news) (tình hình tương tự
đã xảy ra lần gần nhất là vào năm 2006), nhưng không thể không thừa nhận tình
trạng tốt đẹp về nhiều mặt của nền kinh tế Mỹ, với tỉ lệ thất nghiệp rất thấp,
lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh, lương bổng cũng tăng trở lại, tỉ lệ dân cư
nghèo sụt mạnh…
Le Point cho rằng, cho dù chính quyền tiền nhiệm
Obama đã đặt nhiều nền tảng cho tình trạng kinh tế khỏe mạnh của nước Mỹ hiện
nay, nhưng không thể phủ nhận các đóng góp của Donald Trump, với các biện pháp
giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp, tăng đầu tư công. Le Point nhấn mạnh là kinh tế
Mỹ vững mạnh khiến toàn thế giới, vì không có giải pháp tốt hơn, tiếp tục mua
nhiều trái phiếu của bộ Tài Chính Mỹ, « cho dù toàn thế giới có thể
ghét Donald Trump ». Và điều này góp phần làm nên « phép mầu »
của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Amazon
: Ông chủ mới của thế giới
Cũng về Hoa Kỳ, l’Obs dành hồ sơ chính tuần này cho
chủ đề : « Ông chủ mới của thế giới. Jeff Bezos đã lập trình để Amazon
xâm nhập vào đời sống của chúng ta như thế nào ». Từ chủ một hiệu sách
nhỏ bán hàng qua mạng, hơn 20 năm sau, Jeff Bezos đã biến Amazon thành tập đoàn
thương mại hàng đầu thế giới.
Đối với ông chủ Amazon, thế giới hiện nay cũng giống
như miền trung tây Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19, với cuộc đua chinh phục các miền đất
mới. « Tất cả đều có thể. Tất cả đều mong manh. Tất cả đều cần phải làm
lại ». Một trong các bí quyết thành công của doanh nhân được người Mỹ
rất hâm mộ này, là phục vụ khách hàng đến mức tối đa.
Amazon không chỉ là công ty chuyển phát nhanh với tốc
độ kỉ lục, mà còn buộc chân khách hàng bằng nhiều ưu đãi, quà tặng. Để chinh phục
được khách hàng, thì phải nắm được tối đa các thông tin về họ. Dịch vụ lưu giữ
thông tin của Amazon trên đám mây điện toán, Amazon Web Service, chỉ chiếm 20%
doanh số của tập đoàn, nhưng đem lại hơn 50% lợi nhuận cho Amazon.
Ủy Ban Châu Âu vừa mở điều tra về nghi án Amazon lợi dụng các dữ liệu về khách hàng, để khẳng định
vị thế độc quyền.
Trong bài « Những gói hàng bị đặt bẫy »,
l’Obs đưa ra một giải thích khác về nguyên nhân thành công kỳ lạ của Amazon. Đó
là việc tập đoàn Mỹ khai thác triệt để sức lao động của nhân viên, với « áp
lực thường trực », « nhịp độ làm việc hết sức căng thẳng »,
đồng lương rẻ mạt (theo một điều tra đầu năm nay, có đến 10% nhân viên Amazon
phải vắng mặt vì ốm đau, hay bệnh nghề nghiệp). Tuổi trung bình của nhân viên
Amazon (làm việc tại hãng) là 32, thời gian làm việc trung bình tại công ty
là... « một năm », đứng cuối bảng trong số 500 doanh nghiệp lớn
nhất nước Mỹ.
Làm thế
nào kháng cự lại yêu tinh Mỹ ?
Về Amazon, l’Obs có một bài khác mô tả nỗ lực tự vệ
của các tập đoàn phân phối Pháp, với tựa đề : « Làm thế nào để kháng cự
lại yêu tinh Mỹ ? ». Sau một thời gian choáng váng vì uy lực áp đảo của
Amazon, các công ty Pháp đã quyết định phản công để giành lại vị trí trên sân
nhà.
Tập đoàn phân phối hàng hóa đa chủng Casino
Cdiscount chọn cách cạnh tranh trực diện, và giữ được vị trí thứ hai trong số
các địa chỉ bán hàng điện tử được nhiều người lui tới nhất. Trong khi đó, tập
đoàn siêu thị Monoprix chọn cách hợp tác với Amazon, để hãm bớt đà tiến của
« yêu tinh Mỹ ». Về phần mình, Fnac-Darty chọn cách liên minh
với Google. Kể từ năm tới khách hàng Fnac-Darty có thể ra lệnh mua hàng, với
loa thông minh Google Home.
« Con
Đường Tơ Lụa » chọn Marseille: Cơ hội hay cạm bẫy ?
Sự kiện Marseille, hải cảng miền nam nước Pháp đang
trở thành một « đầu cầu chiến lược » của Trung Quốc tại châu
Âu gây lo ngại là chủ đề của phóng sự điều tra của nhật báo hàng đầu nước Áo
Der Standard, được Courrier International dẫn lại (mời xem thêm : LHCA đề ra chiến lược cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa Trung
Quốc).
Sau nhiều năm cân nhắc, Trung Quốc quyết định đầu tư
vào Marseille, thay vì Barcelona. Tập đoàn vận tải biển số một của Trung Quốc
Cosco Shipping, thuộc sở hữu Nhà nước, nắm trong tay hơn 100 tàu hàng chở
contenơ, mùa xuân năm nay, đã chính thức chọn Marseille làm căn cứ chính tại
khu vục Địa Trung Hải.
Pháp :
Lo ngại xử sự thô lỗ nở rộ
Lo ngại về các liên hệ cộng đồng, có vẻ đang trở nên
xấu đi tại Pháp, là chủ đề lớn của Le Point. Tuần báo chú ý trước hết đến các xử
sự « mất lịch sự » (incivilité) trong đời sống hàng ngày, với
hàng tựa trang nhất : « Đồ bẩn thỉu ! ». Tuần báo liệt kê trước
hết các hành động văng tục, phá phách, phóng uế bừa bãi, bật nhạc ồn ĩ, gian lận
hay đặt chân lên ghế nơi công cộng….
Theo Insee hồi năm ngoái, nơi ở của hơn 600.000 người
Pháp, xe hơi của hơn một triệu người bị xâm hại ở các mức độ khác nhau. Năm
ngoái, cảnh sát Paris đã tăng cường xử phạt, với tổng cộng hơn 1.200 trường hợp
để chó phóng uế lên vỉa hè, hơn 1.000 người vứt đầu lọc thuốc lá xuống đường,
hơn 4.500 trường hợp vứt rác sai chỗ. Le Point cũng đưa ra nhiều con số đầy ấn
tượng, theo một điều tra, có đến 42% người làm công ăn lương gặp phải các ứng xử
bất lịch sự nơi làm việc, 81% bị đồng nghiệp làm ồn, 77% không chào hỏi…
Thực ra theo Le Point, hiện tại chưa có đủ số liệu
thống kê để khẳng định tất cả những con số nói trên cho thấy nạn ứng xử không
văn hóa đang tăng lên hay giảm xuống tại Pháp. Nhà xã hội học Laurent
Mucchielli (CNRS) khẳng định có nhiều hành động phá phách bị xử phạt hơn trên
toàn quốc, cũng như tại nhiều thành phố lớn, nhưng đồng thời ông cho rằng cần
nhìn vấn đề một cách công bằng và toàn diện hơn, bởi tại những xã hội như Pháp,
« hiện nay chúng ta đang được an toàn chưa từng có ».
Còn nhà xã hội học Sebastian Roché (CNRS) lưu ý các
chuẩn mực, mà dựa trên đó, người ta đánh giá các ứng xử thế nào thì bị coi là « mất
lịch sự », cũng thay đổi rất nhiều theo thời gian, theo hoàn cảnh, hay
môi trường xã hội. Ví dụ, trong những năm 1970, tại một khu phố công nhân, việc
một bà mẹ lớn tiếng gọi con qua cửa sổ được coi là chuyện rất bình thường, thì
hiện nay không phải vậy. Hay tại trung tâm Paris, do áp lực giao thông, việc đỗ
xe tại một số điểm bị cấm giờ được nhiều người cho là có thể chấp nhận được…
Tuy nhiên, theo một chuyên gia khác (nhà xã hội học
Julien Damon), « các dấu hiệu (đáng lo ngại) này cần được xử lý khẩn cấp ».
« 21
bài học cho thế kỷ XXI »: Con người ngày càng liên đới
Tiếp theo hai cuốn sách bán rất chạy, được dịch ra
hơn 30 thứ tiếng (« Sapiens » và « Homo deus »,
nói về quá khứ và tương lai của nhân loại), nhà sử học Israel Yuval Noah Harari
vừa ra mắt cuốn sách thứ ba, mang tựa đề « 21 bài học cho thế kỷ
21 ». Trả lời phỏng vấn l'Obs, Yuval Noah Harari nói ông muốn đưa ra một
cái nhìn với hy vọng giúp làm « sáng tỏ » các xu thế của thế
giới hiện nay. Một thế giới vốn đang bị chìm ngập trong vô số thông tin « vô
bổ ».
Tác giả cuốn « 21 bài học cho thế kỷ
XXI » lưu ý đến ba thách thức chủ yếu đe dọa sự sống còn của nhân loại: chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và đảo lộn công nghệ.
Theo ông, cho dù có tránh được hai hiểm họa đầu, thì trí thông minh nhân tạo và
công nghệ y sinh học (thách thức thứ ba) sẽ làm biến đổi sâu sắc thị trường lao
động, trật tự thế giới, cũng như chính cơ thể và tâm hồn con người (mời đọc
thêm : Trí thông minh nhân tạo sẽ còn đi đến đâu ?).
Theo Yuval Noah Harari, cho dù « nền dân chủ tự do » (démocratie libérale)
hiện nay đang bị thách thức nghiêm trọng, cũng như bất lực trước thách thức lớn
thứ ba nói trên, thì đây vẫn là phương tiện tốt nhất trong hiện tại, để bảo vệ
trật tự thế giới. Nền dân chủ tự do là một trong ba thể chế chủ yếu của nhân loại
thế kỷ 20, cùng với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Hai học thuyết
kia đều đã phá sản: chủ nghĩa phát xít với Thế chiến Hai, và chủ nghĩa cộng sản
với sự sụp đổ của khối Liên Xô.
Hiện tại, cho dù có những bất đồng, xung đột ghê gớm
ở nơi này, nơi khác, theo nhà sử học Israel, nhân loại hiện nay đã thuộc về
« cùng một hệ thống chính trị, kinh tế, khoa học ». Trong thế
giới đang toàn cầu hóa, số phận con người ngày càng liên hệ mật thiết với nhau.
Người ở đầu này của hành tinh làm nên thực phẩm, quần
áo, cho người ở đầu kia, trong khi cuộc sống của chính họ lại bị đe dọa trong một
cuộc chiến vì giá cả xăng dầu, mặt hàng mà chúng ta tiêu thụ. Cuộc sống của họ
cũng có thể lâm nguy, khi chúng ta thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường. Không ai
có thể phủ nhận trách nhiệm của mình với người khác, với lý do những con người ấy
chẳng liên quan gì đến ta, vì họ sống ở một nơi nào đó xa tít tắp.
Ghi
chú
1. Việc tập đoàn Alibaba Trung Quốc, năm 2006, mua lại
nhật báo Anh ngữ Hồng Kông vốn có truyền thống hơn một thế kỷ, đã gây nhiều lo
ngại lớn: tính độc lập và chất lượng bài sẽ bị suy yếu, và thậm chí tờ báo có
thể biến mất (ghi nhận của Courrier International).
No comments:
Post a Comment