Sunday, 30 September 2018

NGƯỜI CỘNG SẢN TRIẾT LÝ VỀ CÁI CHẾT NHƯ THẾ NÀO? (Giang Nam - VNTB)




29/09/2018

Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741–1798) viết bằng chữ Nôm cả thảy 356 câu. Kiệt tác của ông có hàng trăm câu được nhắc nhở như những hạt ngọc tiếng Việt, trong đó có 4 câu thứ 101-104. 

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì !

Nhiều sách khác chép:
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì

Cho đến khi ai đó tìm được bản viết tay của cụ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều và thấy câu 104 cụ dùng chữ “cổ khâu” là đúng nhất (cổ: cũ , khâu: gò, mộ / chữ nho).

Các nhà nghiên cứu phê bình văn học theo quan điểm mác- xit chê rằng nhà thơ quí tộc Nguyễn Gia Thiều đắm chìm trong triết lý của chủ nghĩa hư vô, tiêu cực. Nhưng dân gian và nhất là các bậc hiền triết lại ưa thích câu thơ triết lý nhân sinh đó sau khi đã hoàn thành bổn phận con người.

Trước thời đại Nguyễn Gia Thiều, Đức Thánh Trần nguyên tước hiệu Hưng Đạo đại vương - Trần Quốc Tuấn (1228–1300) để lại Di cảo được tái hiện lại trong tiểu thuyết lịch sử “Đức Thánh Trần”. Tác giả: nhà văn Trần Thanh Cảnh, nhà xuất bản Hội nhà văn.

Nhà văn tâm đắc lời huấn dụ của Đức thánh Trần:
Đất chật người đông, xin đừng bắt ông làm quan lớn Mộ
Con yêu cháu quí, hãy để người hoá cỏ thành cây.

Thánh Trần sinh thời được phong chức Tiết chế, như bây giờ tương đương “đại tướng, tổng tư lệnh quân đội”. Ngài di chcu1 cho con cháu đốt xác, chôn xương, xóa dấu tích. Ngôi mộ của ngài được san phẳng trên bề mặt đất, để Ngài được mau chóng hoà vào đất nước theo đúng di nguyện của Ngài. Dòng họ Trần vinh hiển, quyền uy trấn thiên hạ nhưng không dám nại ra lý do nào để làm trái Di huấn của ngài. Trái lại dân chúng khắp nơi tự nguyện lập đền thờ Ngài. Người dân ba miền đều nhớ ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ ngài và họ hẹn rủ nhau hành hương vào dịp ấy. Thậm chí cái ấn giả bằng giấy do đời nay chế ra cũng trở nên thiêng liêng trong phong tục phát ấn Đền Trần. Bỏ qua việc những người lợi dụng phát ấn với sự đồng loã của chính quyền địa phương để trục lợi, nhưng chúng ta thấy niềm tín ngưỡng của dân gian chẳng phải ngẫu nhiên..

Tình cờ thay, đến thời Lê - Trịnh lại có nhà thơ quí tộc Nguyễn Gia Thiều tước hiệu Ôn Như Hầu có cùng quan niệm về “nấm cổ khâu”.

Và cũng tình cờ nữa, để hình dung “nấm cổ khâu”, có thể chiêm ngưỡng ngôi mộ cỏ của văn hào Lev Tolstoi nước Nga thế kỷ XIX –XX. Nhà văn Tolstoi niềm tự hào của nước Nga cổ cận đại, di sản của cả nhân loại. Chuyện kể rằng trong Thế chiến II, khi mặt trận chống phát xít Đức lan đến gần làng quê Iasnaia Poliana nơi sinh văn hào quí tộc Tolstoi, một sư đoàn trưởng pháo binh xe tăng của Hồng quân cho liên lạc gặp chỉ huy quân Đức hung hãn tàn bạo xin kéo quân đi nơi khác pháo kích để bảo tồn ngôi mộ cỏ của văn hào. Tên thủ lĩnh quân đội Đức đồng ý. Hẳn là anh ta cũng biết và cảm tiếng tăm đức độ nhà văn quí tộc Nga. Ngày nay làng quê và ngôi mộ cỏ được người du lịch văn hóa cả thế giới đến nước Nga chiêm bái và suy ngẫm.

Ngôi mộ của Lev Tolstoi. Nga. Ngày 30 tháng 4 năm 2017. Ảnh: pond5

Suốt các triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam chỉ có nhà Nguyễn làm lăng mộ kỳ công hơn cả. Tuy nhiên, đó là những công trình kiến trúc và phối cảnh chứa đựng đầy giá trị thẩm mỹ dân tộc và đặc biệt là tính khiêm tốn. Khiêm tốn ở chỗ không chiếm đất rộng, không xây hoành tráng. (ngày nay các Lăng vua nhà Nguyễn là những điểm nhấn của quần thể Di sản văn hóa thế giới tại Huế).

Ông Tổng bí thư thường hay nhắc nhở đảng viên cán bộ “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, thậm chí còn sinh ra Nghị quyết mang nguyên câu nói ấy (Đại hội X Đảng đã nhấn mạnh kế thừa, phát huy và phát triển giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế).

Thực ra thì chẳng biết ông Tổng thích “bản sắc nào ? - nhà Trần hay nhà Lê, nhà Nguyễn, hay là bản sắc dân gian thể hiện trong ca dao tục ngữ dân tộc ? Liệu di nguyện về cái chết và tang ma của người sáng lập Đảng (Di chúc) có được các đảng viên “học tập và làm theo” mà coi như triết lý không ?

Chỉ biết rằng, lời ông Tổng huấn thị như nước đổ đầu vịt. Bao nhiêu biệt phủ của quan chức đảng rải khắp nước Việt từ Yên Bái đến tận Bến Tre. Biệt phủ “dương trạch” ấy kiêm luôn cả chức năng “âm phần”. Họ chỉ khoe khoang giàu sang nhiều tiền lắm của chứ không có mấy năng lực thẩm mỹ văn hoá đặc trưng nào cả (trung tướng CA Hữu Ước xây sẵn âm phần ngoại ô Hà Nội và đặt tên mỹ miều là “Khu văn hóa tâm linh” được xây dựng trên mảnh đất rộng 1,5 ha, tiến hành xây dựng từ năm 2014. Trong không gian “tâm linh” này, tướng Ước đã xây dựng một quần thể bao gồm đình, chùa, khu thờ tự, ao cá, rất nhiều cây xanh và các phiến đá quý. Tướng Ươc rất khôn, xây cùng lúc cả “dương trạch” và “âm phần” lại đặt tên mơ hồ là “khu văn hoá tâm linh” ?! Ý hẳn anh ta xóa lằn ranh ngăn cách giữa hai cõi: “cõi tạm” và “cõi vĩnh hằng”. Khôn bá cháy !

Dân gian ngày nay

Người cao tuổi xứ mình bây giờ đa phần đều nói rất trơn tru từ “Cõi tạm”, rất thích khấn nguyện được siêu thoát. Thoát cho mau khỏi cõi đời cực nhọc bất công kêu trời không thấu. Tín ngưỡng thờ cúng đền chùa và lập thêm chùa mới tưng bừng cả nước từ bắc chí nam… Bà Q.chủ tịch Nước cũng cầu mong anh CT.Trần Đại Quang “giấc ngủ bình an” đi vào cõi “vĩnh hằng”, nghĩa là bà ấy cũng xem đời này là “cõi tạm” ! (xem sổ tang- báo Vietnamnet đăng và trang web văn phòng CTN).

Thế sao thực tế các vị lại chăm lo quá đáng cho cái xác phàm sau khi chết ? Phải chăng để linh hồn người mất quẩn quanh mãi cõi tạm không thể siêu thoát đến cõi vĩnh hằng? Hay là để tưởng thưởng cho gia đình người “có công” hưởng thụ?

Bởi vậy theo đà kinh tế thị trường, nghề dịch vụ hậu sự lại phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất xứ này.

Chỉ một thành phố nhỏ trung du có hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ tang ma, đặc biệt là mộ đá làm sẵn. Mồ mả đẹp kiên cốnhư thế thì siêu thoát thế nào được!. “Buông” làm sao bây giờ ? “Bỏ” thì tiếc hùi hụi. Nhất là khi những người được hưởng chính sách chẳng phải tốn tiền xây âm phần.

Liệu nghị quyết của Đảng CSVN có đi vào cuộc sống nếu các “ông to” không ai chịu làm gương ?

Thơ cố, triết lý cổ về sự sống và cái chết thực ra rất tương hợp với triết lý lành mạnh dân gian.

Một góc khu Văn hóa Tâm linh của tướng Nữu Ước. Ảnh: Dân Việt

Nữ nhà văn Y Ban suy ngẫm về sự cố lễ truy điệu “rụng một con chữ”: “Một cái lá rụng xuống cũng có lý do của nó thì chữ G cũng thế.

Chữ G rụng xuống khiến “Vô Cùng” thành “vô cùn”. Ừ thì cứ cho là ngẫu nhiên nó thế. Nhưng cái bỗng dưng này chẳng phải bỗng dưng của con người mà là bỗng dưng của đất trời. 
Chữ G rụng xuống khiến "Vô Cùng" thành "vô cùn".

Đất trời dung dưỡng“ba tấc đất” chứ không dung thứ “ba héc ta”. Hỏi có những vua chúa nào ở xứ này khiến Đất Mẹ phải bỏ ra đến 3 ha bờ xôi ruộng mật ở vùng đất thuần nông chỉ để dung nạp một thân xác ?”.

Tại sao lại phải vin vào đất trời ? Bởi còn biết tin vào ai nữa ở cái cõi này? Đất trời minh bạch lắm.

Đấy là suy ngẫm tâm linh của nhà văn ngày 27/9.

Còn tôi suy ngẫm tâm linh về đôi câu đối cổ nhân để lại.

未歸三尺土難保百年身
既歸三尺土難保百年墳

“Vị quy tam xích thổ, nan bảo bách niên thân.
Ký quy tam xích thổ, nan bảo bách niên phần”.

Dịch là:
“Chưa về với ba thước đất, khó mà giữ được thân mình đến trăm tuổi.
Đã về với ba thước đất, cũng khó mà giữ được cái mộ đến trăm năm”.

Đâu phải cứ đầu tư đá quí granite đá đỏ và đá trắng sẽ giữ ngôi mộ vĩnh cửu với thời gian!.







No comments:

Post a Comment

View My Stats