Friday, 17 January 2025

VIỆT NAM PHẠT NẶNG LỖI GIAO THÔNG : ĐƯỜNG SÁ RỐI LOẠN, DÂN TÌNH TA THÁN (VOA Tiếng Việt)

 



Việt Nam phạt nặng lỗi giao thông: đường sá rối loạn, dân tình ta thán

VOA Tiếng Việt

17/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-phat-nang-loi-giao-thong-duong-sa-roi-loan-dan-tinh-ta-than/7939539.html

 

Tình hình giao thông ở Việt Nam dịp cận Tết đã trở nên căng thẳng với kẹt xe lan rộng, kéo dài ở các thành phố lớn trong lúc người dân than oán về những mức phạt giao thông mà họ cho là quá mức chịu đựng theo nghị định mới vừa có hiệu lực,  

 

https://gdb.voanews.com/5c30e502-9538-476a-a8cf-130ada51c6e6_cx0_cy6_cw0_w1023_r1_s.jpg

Người dân dừng đèn đỏ trên một con đường ở Hà Nội sau khi nghị định 168 có hiệu lực

 

Nghị định 168

 

Nghị định 168 về tăng mức phạt đối với các vi phạm giao thông được áp dụng kể từ ngày 1/1 năm 2025 là đạo luật hà khắc nhất từ trước đến nay về giao thông ở Việt Nam, quốc gia mà ý thức kỷ luật giao thông của người dân được cho là không cao với nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người.

 

Trong năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận gần 25.000 vụ tai nạn giao thông với gần 11.000 người chết và 17.000 người bị thương, theo con số thống kê của nhà chức trách được Thanh Niên dẫn lại.

 

Để tăng sức răn đe, nghị định 168 đã nâng mức phạt lên gấp nhiều lần, theo tìm hiểu của VOA. Chẳng hạn như đối với lỗi vượt đèn đỏ, một lỗi phổ biến ở Việt Nam, xe máy sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng còn xe hơi sẽ bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng. Mức phạt 6 triệu đồng là gần bằng cả tháng lương của một người lao động cấp thấp ở Việt Nam.

 

Nặng hơn nữa là người vi phạm không những bị phạt tiền mà còn bị trừ điểm trên bằng lái, chẳng hạn với lỗi vượt đèn đỏ bằng lái sẽ bị trừ 4 điểm cho cả xe hơi và xe máy, còn nếu vượt đèn đỏ gây tai nạn sẽ bị trừ đến 10 điểm. Nghị định 168 quy định mỗi bằng lái được cho 12 điểm, và khi bị trừ hết điểm thì người vi phạm sẽ bị tước bằng và phải đợi 6 tháng mới được thi lấy bằng lại.

 

Ngoài ra, những vi phạm phổ biến khác như lấn làn, chạy ngược chiều, leo lề, không xi nhan khi quẹo, không có gương chiếu hậu, chạy quá tốc độ, không đem theo giấy tờ, chạy xe mượn của người khác mà không phải người thân trong gia đình… cũng đều bị phạt nặng hơn so với trước.

 

Trong khi đó, cánh tài xế đường dài đặc biệt ta thán về quy định không được chạy liên tục quá 4 tiếng và trong vòng 1 ngày không được chạy quá 10 tiếng và trong vòng 1 tuần không chạy quá 48 tiếng, cũng theo tìm hiểu của VOA. Nếu phạm lỗi này, tài xế sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và bị trừ 2 điểm bằng lái.

 

Giao thông căng thẳng

 

Mức phạt nặng tay đã dẫn đến tâm lý hoang mang trong những người tham gia lưu thông ở Việt Nam, khiến họ không dám chạy, không dám vượt, không dám lấn như trước, gây ùn tắc kéo dài trên diện rộng, từ sáng đến tối, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng này khiến người lưu thông mệt mỏi, hàng hóa chậm trễ, ùn ứ, chi phí gia tăng, xe ôm và xe giao hàng mất cuốc, mất khách, mất doanh thu, theo tường thuật của báo chí trong nước.

 

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội đang trải qua những ngày ùn tắc nghiêm trọng, trang VOV cho biết, với dòng xe cộ bị nghẽn lại tại các nút giao và nhiều phương tiện phải chờ nhiều nhịp đèn đỏ mới qua được giao lộ. Mặc dù đường phố tắc cứng nhưng không còn tình trạng xe máy leo vỉa hè như trước.

 

Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Bùi Hòa An, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết kể từ đầu năm 2025 đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên nhiều tuyến đường. Ông cho biết lưu lượng lưu thông ở thành phố đã tăng khoảng 17% nhưng cũng nhìn nhận rằng lưu thông qua các ngã tư chậm hơn và chu kỳ đèn xanh không thể giải tỏa hết xe sau khi nghị định 168 có hiệu lực. Tờ báo này cho biết trên đường Phạm Văn Đồng, một con đường lớn cửa ngõ của thành phố, xe cộ rồng rắn nối đuôi nhau kéo dài chờ đèn đỏ trong nhiều giờ.

 

Trang Znews dẫn lời ông Lê Trường Sơn, phó tổng giám đốc Saigon Co-op cho biết chuỗi siêu thị của ông đang đối mặt ‘đứt hàng tươi sống’ do tình hình giao thông, và ông Lê Hoàng Phong, phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết giá các loại thực phẩm như thịt heo cũng sẽ tăng cao nếu các xe chở thịt về chợ không kịp.

 

Trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về các giao lộ ken đặc xe cộ đợi đèn đỏ, thậm chí khi đèn đỏ quá lâu đến hàng chục phút do bị lỗi, hoặc không có đèn hoặc đèn hỏng thì các phương tiện cũng không ai dám nhúc nhích và đều dừng trước vạch dừng. Có những trường hợp đèn đỏ vừa xong lại đèn đỏ tiếp hay đèn xanh chỉ bật có vài giây. Nhiều người chờ đèn đỏ quá lâu đã phải xuống xe dắt bộ qua giao lộ. Cá biệt có trường hợp xe cứu thương, cứu hỏa phải chôn chân trong dòng người vì không phương tiện nào dám vượt lên để nhường đường. VOA không thể kiểm chứng những hình ảnh này.

 

Ông Nguyễn Thành Lợi, phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố, được trang Vietnamnet dẫn lời cho biết người dân do sợ bị phạt lỗi đèn đỏ nên có tâm lý đi chậm hơn khi tới giao lộ và dù đèn xanh chưa hết, nhiều người đã dừng xe.

 

Cũng ông Lợi trong buổi họp báo vào chiều 16/1 về tình hình kinh tế-xã hội thành phố đã nhìn nhận rằng kẹt xe ở thành phố đang xảy ra thường xuyên vào hầu hết các khung giờ trong ngày, Tuổi Trẻ cho biết. Trong số các nguyên nhân ông chỉ ra có việc ‘người dân không dám đi lên vỉa hè như trước’ và ‘lỗi kỹ thuật’ ở các tín hiệu đèn cộng với nhu cầu đi lại tăng cao dịp cuối năm.

 

Răn đe hữu hiệu?

 

Tuy nhiên, trước những bức xúc của dư luận, tờ An ninh thủ đô, cơ quan ngôn luận của Công an Hà Nội, lập luận rằng với tình trạng ý thức kỷ luật giao thông của người dân như hiện nay, biện pháp đánh mạnh vào kinh tế là cần thiết và ‘hữu hiệu’ để khắc phục tình trạng ‘nhờn luật’, từ đó giúp giảm tai nạn. Tờ báo này nói chỉ mới vài ngày thực hiện nghị định 168, ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân ‘đã thay đổi thấy rõ’.

 

Tờ Thanh Niên ghi nhận ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày thi hành nghị định 168, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn vạch, lấn làn, đi lên vỉa hè, đi ngược chiều ‘đã giảm rõ rệt’.

 

Tờ báo này dẫn lời một đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố là ông Trần Quang Thắng cho rằng ‘cần phạt nặng để răn đe lúc đầu’, và sau 2 - 3 năm khi mọi việc đi vào nề nếp thì sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp. Ông Thắng nói mọi người đừng viện dẫn cho hạ tầng yếu kém để bao biện cho việc chạy ẩu.

 

Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Đình Dương, phó giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nghị định 168 đã giúp giảm 24% tai nạn giao thông ở thành phố này so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tuy nhiên, giới chức thành phố lớn nhất nước cũng thừa nhận những bất cập và đã có điều chỉnh. Chẳng hạn, họ đã lắp hơn 130 biển phụ ở các giao lộ cho phép quẹo phải khi đèn đỏ, cũng theo trang mạng này. Còn việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên sẽ không bị xử phạt, Thượng tá Lê Mạnh Hà, phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an thành phố, được tờ Người Lao Động dẫn lời nói tại buổi họp báo hôm 16/1.

 

‘Hoang mang’

 

Một vài người dân ở thành phố Hồ Chí Minh mà VOA hỏi thăm cho biết họ sợ bị phạt đến mức không dám dừng xe trên vỉa hè để ghé mua ở các hàng, quán như trước.

 

Anh Lê Thành Nhân, một công nhân vệ sinh cư trú ở Quận 10, nói với VOA rằng từ ngày có nghị định 168, quãng đường 45 phút từ nhà anh đến Hóc Môn mà anh đi thường xuyên giờ phải mất đến một tiếng rưỡi.

 

Theo lời anh thì Quốc lộ 22 mới có 2h chiều mà ‘đã kẹt xe quá trời’ do ‘đèn đỏ lâu quá mà không ai dám vượt đèn đỏ cũng như leo lề hết’.

 

“Người dân không biết chừng nào đèn đỏ sẽ bật nên họ không dám chạy qua khi gần tới giao lộ đang đèn xanh”, anh Nhân kể và cho biết anh nhìn thấy ở quận Thủ Đức, xe cứu thương phải dỡ lan can ngăn cách làn xe mới thoát được kẹt xe.

 

Anh cho biết lúc trước mỗi khi kẹt xe thì các phương tiện tìm cách leo lề hay ‘chặt hẻm’, tức luồn lách vào các hẻm nhỏ’, để tìm lối thoát, nhưng hiện giờ hiện tượng này không còn nữa.

 

“Bây giờ người dân hoang mang lắm. Đi làm tháng được nhiêu tiền mà lỡ bị phạt coi như đi hết. Nhiều người thà bắt Grab chứ không dám đi xe cá nhân nữa”, anh nói.

 

“Mình đang đi trên đường rủi mình tránh xe người ta chạy đến mà lỡ vô làn xe bốn bánh thì cũng bị lụm (bị công an phạt)”, anh nói khi được hỏi về những bất cập trong Nghị định 168.

 

Người công nhân này lo lắng về việc bị ghi hình phạt nguội do tính chất công việc anh phải kéo thùng rác đi vào các tuyến đường một chiều mà camera thì không phân biệt được, anh nói. Anh cũng bức xúc về việc ‘đã bị phạt tiền rồi còn bị trừ điểm nữa’. “Chỉ cần bị trừ vài lần thôi là hết điểm”, anh bày tỏ.

 

Khi được hỏi có lo ngại sẽ bị người dân dùng điện thoại ghi hình mình vi phạm rồi nộp lên công an lãnh thưởng hay không vì theo nghị định 168 hành động này sẽ được thưởng 5 triệu đồng, anh Nhân nói ‘ở Sài Gòn không có ai rảnh làm vậy đâu, mà nếu có làm thì sẽ bị truy đến nhà đập luôn’.

 

Anh thừa nhận rằng luật nghiêm khắc là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng mà ‘luật khắc nghiệt quá, chỉ nhích lên vạch trắng một chút ở giao lộ thôi là đã bị dính rồi’.

 

‘Tài xế bỏ việc’

 

Cánh tài xế lái xe tải hay xe khách đường dài trong những ngày qua ‘đều rất buồn phiền’ về nghị định 168 này, anh Lâm Tịnh, tài xế xe khách cư trú tại Quy Nhơn và chạy tuyến Sài Gòn-Quy Nhơn nói với VOA.

 

“Tài xế chạy một chuyến bao nhiêu mà bị phạt tới 20 triệu (cho lỗi vượt đèn đỏ)?”, anh than thở. “Tiền phạt gấp 3-4 lần tiền cước. Bị một lần là đứt cước, vợ con ở nhà đói ai lo?”

 

Anh chỉ ra những bất cập như đèn tín hiệu chuyển từ xanh qua vàng, nhưng ‘đèn vàng chỉ có 1 giây rồi chuyển qua đỏ luôn’ nên tài xế giờ ‘có tâm lý phòng thủ đèn đỏ’ khi đến giao lộ. “Họ chạy chậm đợi đèn đỏ thì vô vạch dừng luôn, chờ đến nhịp đèn xanh sau mới dám chạy”, anh nói.

 

Về quy định không lái liên tục 4 tiếng, anh Tịnh cho là ‘vô lý đùng đùng’ vì theo lập luận của anh, sức khỏe của tài xế ‘họ biết tự lo’. “Bao nhiêu năm nay vẫn chạy vậy có gì đâu, sao bây giờ lại viện lý do lo cho sức khỏe tài xế?”, anh bức xúc.

 

Anh cho biết bây giờ nhà xe phải tốn thêm chi phí trang bị thẻ từ cho các tài xế để mỗi khi bị kẹt xe không di chuyển được, tài xế quẹt thẻ để không bị tính thời gian chờ vào thời gian chạy để có gì trình ra khi bị kiểm tra.

 

“Ở những đoạn đường dài không có cây xăng, không có trạm nghỉ thì làm sao?”, anh đặt vấn đề.

 

Theo lời anh thì mỗi chuyến xe bây giờ nhà xe phải bố trí đến 3 tài thay vì 2 tài xế như trước đây để luân phiên chạy, tránh cho mỗi tài xế chạy quá 4 tiếng liên tục vì vào những ngày giáp Tết, xe phải được xoay vòng liên tục không nghỉ.

 

“Thời gian bị dội lên rất nhiều, ngày trước Sài Gòn-Quy Nhơn đi chừng 10-11 tiếng nhưng giờ phải 14 tiếng”, anh nói và cho biết do đặc thù xe khách, anh phải đi vào nội đô để đón trả khách nên bị mất nhiều thời gian chờ đèn đỏ.

 

Anh cho biết nhiều tài xế xe tải có giao kèo với chủ hàng là nếu giao hàng trễ hạn thì phải đền cả xe hàng nên nhiều người ‘không dám nhận hàng nữa’.

 

Về quy định phải bật đèn xe từ 6h chiều đến 6h sáng hôm sau, anh Lâm Tịnh dẫn ra trường hợp mùa hè lúc 6h chiều trời vẫn còn sáng hay vào nội đô sáng đèn tài xế quên bật đèn sẽ bị phạt.

 

Người tài xế này còn lo ngại về việc ‘bẫy vi phạm’. Chẳng hạn đoạn đường bình thường cho chạy 40-50km/h bỗng nhiên giảm xuống 10-20 km/h khi có làm đường, nếu tài xế không để ý biển phụ mới vừa đặt thì sẽ ‘bị dính’.

 

Anh không đồng tình với lập luận ‘luật nặng để nâng cao ý thức người dân’ vì theo anh, ‘từ ngày có camera khắp nơi thì đâu ai dám vượt đèn đỏ nữa đâu’.

 

Do đó, anh cho rằng nghị định 168 là ‘lợi bất cập hại’ và bày tỏ nguyện vọng ‘Nhà nước bãi bỏ hoàn toàn’ để ‘người dân an cư lạc nghiệp’. Nếu không, anh nói anh sẽ cố cầm cự một thời gian nữa rồi sẽ chuyển nghề.

 

Tuy nhiên, không như anh Lâm Tịnh, anh Võ Hữu Long, tài xế xe tải đường dài tại Nghệ An, nói với VOA rằng anh ‘sẽ phải thay đổi và thích nghi với nghị định 168’ mà anh cho là ‘vì sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông’.

 

Người tài xế này nói anh đồng tình với mức phạt nặng ‘để mọi người thay đổi tư duy văn hóa tham gia giao thông’. Tuy nhiên, anh đề nghị nên xem xét lại quy định chỉ được lái xe 10 tiếng/ngày và 48 tiếng/tuần và nên giữ lại bộ đếm giây đi cùng tín hiệu đèn ở các giao lộ.

 

Chỉ trong 10 ngày đầu tiên thi hành Nghị định 168, số tiền mà Hà Nội đã đã xử phạt là hơn 21,5 tỷ đồng, tờ Tuổi Trẻ dẫn số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, cho biết.

 

.

 15 BÌNH LUẬN   







Thursday, 16 January 2025

CPJ : NĂM 2024 VIỆT NAM GIAM CẦM 16 NHÀ BÁO, XẾP THỨ 7 TRÊN THẾ GIỚI (VOA Tiếng Việt)

 



CPJ: Năm 2024 Việt Nam giam cầm 16 nhà báo, xếp thứ 7 trên thế giới

VOA Tiếng Việt

16/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/cpj-nam-2024-viet-nam-giam-cam-16-nha-bao-xep-thu-7-tren-the-gioi/7938672.html

 

Chính quyền Việt Nam tiếp tục bị xem là một trong các nhà nước độc tài giam cầm nhiều nhà báo nhất trong năm 2024, với 16 nhà báo bị bỏ tù, đứng thứ 7 trên thế giới, theo thống kê mới nhất của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-7982-08dc3d71f046_w1023_r1_s.jpg

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình.

 

“Việt Nam giam giữ 16 nhà báo, đồng mức với Iran và Eritrea, là quốc gia giam cầm nhà báo thứ bảy trong năm qua”, CPJ cho biết trong thông báo ngày 16/1.

 

“Trong số ba tù nhân mới của Việt Nam trong năm 2024, hai người là ông Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Chí Tuyến – lần lượt bị kết án bảy và năm năm tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Người thứ ba, ông Trương Huy San, đang bị tạm giam chờ xét xử sau khi viết bài bình luận chỉ trích hai nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước – người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm”, thông cáo đưa ra đánh giá.

 

Theo thống kê mới nhất của CPJ, Châu Á vẫn là khu vực có số lượng nhà báo bị bỏ tù cao nhất trong năm 2024, chiếm hơn 30%, với 111 người, trong tổng số 361 nhà báo bị bỏ tù trên thế giới, tính đến ngày 1/12/2024. Dẫn đầu trong danh sách này là Trung Quốc (50 người), Myanmar (35) và Việt Nam (16).

 

Con số 361 nhà báo bị giam cầm trong năm 2024 chỉ sau mức cao kỷ lục năm 2022 với 370 nhà báo bị bỏ tù vì công việc của họ. Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhà báo bị bỏ tù trong năm 2024 là sự đàn áp độc tài đang diễn ra, chiến tranh và bất ổn chính trị hoặc kinh tế, theo CPJ, tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ.

 

“Những con số này sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo hầu như luôn đi trước sự gia tăng các cuộc tấn công vào các quyền tự do khác – quyền tự do cung cấp và nhận thông tin, quyền tự do hội họp và đi lại tự do, quyền tự do biểu tình”, bà Jodie Ginsberg, giám đốc điều hành CPJ, cho biết trong thông cáo.

 

“Những nhà báo này đang bị bắt và bị trừng phạt vì vạch trần tham nhũng chính trị, suy thoái môi trường, sai phạm tài chính – tất cả những vấn đề quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, bà Ginsberg nhấn mạnh.

 

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về thống kê và phát biểu trên của CPJ, nhưng chưa được trả lời.

 

 

XEM THÊM:

Mỹ và Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền lần thứ 28

 

Trong khi chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm quyền tự do báo chí, cho rằng những thông tin và dữ liệu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có CPJ, là “thiếu khách quan” và “không đúng sự thật”, giới hoạt động cho rằng việc bỏ tù các nhà báo trong nước là “vi phạm” các công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

 

“Hiện tại ở Việt Nam bất kỳ một ai dù có ba livestream thôi hoặc ba bài viết phản biện thôi thì đều có thể bị bắt giam”, nhà hoạt động, blogger Đặng Thị Huệ chia sẻ với VOA. “Mức độ vi phạm nhân quyền cực kỳ lớn đối với những người bất đồng chính kiến, chính quyền càng ngày càng tàn bạo và mạnh tay hơn”.

 

Tương tự, bà Anh Thu Võ, trưởng phòng nghiên cứu và vận động chính sách của Trung tâm Tự do Sáng tác PEN/Barbey thuộc Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America), chia sẻ quan điểm với VOA rằng quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị đàn áp mạnh mẽ trong năm qua, nơi có 19 nhà báo/ký giả bị bỏ tù.

 

“Việt Nam bị xếp hạng là quốc gia tồi tệ thứ ba trên thế giới về việc giam giữ các nhà văn/ký giả, chỉ sau Trung Quốc và Iran, với 19 nhà văn/ký giả đang bị giam giữ và con số này có khả năng sẽ tăng lên”, bà Anh Thu nói.

 

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nhà văn/ký giả bị bắt, bỏ tù vì những phát biểu ôn hòa của họ. Sự gia tăng phản ảnh sự đàn áp liên tục của chính quyền đối với bất đồng chính kiến… theo các điều luật ‘chống nhà nước’ rất mơ hồ”, vẫn bà Anh Thu.

 

Liên quan đến Trung Quốc, quốc gia bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới trong nhiều năm qua, và năm 2024 là 50 người, CPJ nhận định rằng do sự kiểm duyệt tràn lan ở Trung Quốc, việc thống kê chính xác số nhà báo thực sự bị bắt là rất khó khăn do gia đình quá sợ hãi khi lên tiếng việc chính quyền bắt giữ người thân. “Tình cảnh khắc nghiệt này phản ánh sự không khoan dung của Trung Quốc đối với tiếng nói độc lập”, CPJ đánh giá.

 

VIDEO :

CPJ: Việt Nam giam cầm nhà báo đứng hàng thứ bảy trên thế giới  

 

 

 

 

 



TBT TÔ LÂM PHÁT THÔNG ĐIỆP CHỚ 'NGỘ NHẬN, TỰ HUYỄN HOẶC' VỀ CÔNG NGHỆ, CHẾ TẠO (An Tôn - VOA)

 



TBT Tô Lâm phát thông điệp chớ ‘ngộ nhận, tự huyễn hoặc’ về công nghệ, chế tạo

An Tôn - VOA

17/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/tbt-to-lam-thong-diep-cho-ngo-nhan-tu-huyen-hoac-cong-nghe-che-tao/7940076.html

 

Ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo có thực quyền quyết sách cao nhất Việt Nam, mới đây nêu rõ những bất cập về khả năng sản xuất và tự chủ công nghệ của đất nước, được nhiều người khen ngợi trên mạng rằng ông dũng cảm, thẳng thắn nhìn vào và nói ra sự thật, tạo hy vọng về những thay đổi.

 

https://gdb.voanews.com/5350a0b8-6960-49bd-83e2-4cbe79ea42e1_cx0_cy5_cw0_w1023_r1_s.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm của Việt Nam tại một hội nghị ở Hà Nội hôm 15/1/2025.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm của Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu hôm 15/1 tại một diễn đàn cấp quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số rằng Việt Nam “vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia”, theo nội dung bài diễn văn của ông được Báo Điện Tử Chính Phủ đăng lại.

 

Nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam chỉ ra một “điểm yếu lớn” là năng lực nghiên cứu và phát triển, gọi tắt theo tiếng Anh là R&D, “vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài”. Ông nói thêm rằng, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, ảnh hưởng đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

 

Tiếp đến, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật thực trạng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt “nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

 

Nêu ra thông tin là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, đứng thứ 5 về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ 6 về xuất khẩu thiết bị máy tính; thứ 7 về gia công phần mềm, thứ 8 về thiết bị linh kiện điện tử, song vị tổng bí thư đặt ra các câu hỏi “Chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài”.

 

“Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là ‘ngộ nhận’, là ‘tự huyễn hoặc’, là ‘tự ru mình’ không”, ông Tô Lâm nói, theo Báo Điện Tử Chính Phủ.

 

Vẫn ông Tô Lâm đưa ra dữ liệu rằng khu vực FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài) xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này.

 

Dẫn ra hoạt động của hãng Samsung của Hàn Quốc ở Việt Nam, ông Tô Lâm chỉ ra rằng trong số gần 240 đối tác của Samsung, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 7% và “chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải”...

 

“Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng”, nhà lãnh đạo số 1 của Việt Nam nhấn mạnh.

 

Vị tổng bí thư cũng lưu ý rằng sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp. Chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, ông nói và đề nghị: “Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm ‘lắp ráp - gia công’, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì”.

 

Theo quan sát của VOA, sau khi bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm được công bố, nhiều người - trong đó có Phó Giáo sư Mạc Văn Trang và chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh - đã bày tỏ trên mạng những lời khen ngợi về việc ông “can đảm”, “thẳng thắn”, “dám đối diện với sự thật”, “phân tích sâu và trúng bản chất căn bệnh”, có “tư duy đột phá”…

Từ đó, họ nhận xét rằng ông Tô Lâm nhen lên hy vọng về một sự thay đổi lớn, thậm chí có thể xem là khởi đầu cho “một cuộc cách mạng” dù có lẽ sẽ phải vượt qua những thách thức lớn.

 

 

Trong các thảo luận trên mạng, cũng có những người tỏ ra điềm tĩnh hơn, nêu ý kiến rằng những điều ông Tô Lâm nói không hề mới mà thực ra trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động và các chuyên gia phản biện đã từng trình bày, phân tích rồi, song thường bị giới dư luận viên thuộc chính quyền chỉ trích, thóa mạ là “tự nhục”, “phản động”, “phản quốc”, “3 que”, “đu càng”…

 

Nhóm người có cách nhìn thận trọng này bình luận rằng điều quan trọng là liệu ông Tô Lâm và bộ máy của ông sẽ vạch ra những giải pháp ra sao và hành động như thế nào, đó mới là những gì người dân đang chờ đợi.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, một học giả Việt Nam hiện thỉnh giảng tại American University ở thủ đô Washington của Mỹ, đưa ra so sánh với VOA rằng khác với người tiền nhiệm đã qua đời là ông Nguyễn Phú Trọng, một người đề cao vấn đề tư tưởng và đạo đức, đương kim Tổng Bí thư Tô Lâm là người quyết liệt, thực tiễn, muốn thúc đẩy cải cách lớn và có tham vọng cao về đưa Việt Nam phát triển.

 

Vì vậy, việc ông Tô Lâm chỉ ra những bất cập, thiếu sót làm hạn chế sự phát triển của Việt Nam là một động thái tốt, theo Ts. Hải, và ông nói thêm: “Nó bắt mạch được đúng cái căn bệnh hiện nay của Việt Nam. Việc thẳng thắn chỉ ra điều đó sẽ thôi thúc, tạo ra động lực cho cả xã hội, cho cả chế độ cần phải vận động, cần phải phát triển vì lâu ra chúng ta cứ ru ngủ với nhau. Việc phát triển lâu nay của chúng ta chưa phát huy được tiềm năng mà chúng ta có”.

 

Nhận định về những giải pháp, chiến lược sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng, của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, Ts. Hải, vốn là giảng viên cao cấp thuộc Đại học Vin ở Việt Nam, nói: “Mục tiêu, trọng tâm mà chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành trong năm nay không phải là đổi mới ngay, ra chính sách ngay, mà trọng tâm là chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 14”.

 

“Sự thành công của Đại hội 14 và ai lên làm lãnh đạo sẽ quyết định về chuyển hóa những quyết tâm, những nghị quyết thành hiện thực trong 5 năm tiếp theo”, Ts. Hải nói thêm.

 

Đưa ra cái nhìn toàn cảnh gắn với việc Tổng Bí thư Tô Lâm có những tuyên bố và động thái thúc đẩy cải cách thể chế, tinh giản bộ máy nhà nước và đổi mới công nghệ, Ts. Hải đánh giá rằng Việt Nam nhìn chung “đang đi đúng hướng” nhưng người dân và giới quan sát sẽ vẫn phải chờ đợi cho đến sau Đại hội 14 để thấy rõ hơn các quyết tâm của bộ máy lãnh đạo Việt Nam như thế nào, được triển khai ra sao.

 

 

8 BÌNH LUẬN >>>>>

 





TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM : PHÍA SAU THÔNG ĐIỆP 'NGỘ NHẬN, TỰ HUYỄN HOẶC, TỰ RU MÌNH' (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Tổng Bí thư Tô Lâm: phía sau thông điệp 'ngộ nhận, tự huyễn hoặc, tự ru mình'

BBC News Tiếng Việt

16 tháng 1 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cy8xyxmre9xo

 

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có những phát biểu gây xôn xao, trong đó ông đã thẳng thắn chỉ ra những "điểm yếu chết người" của Việt Nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/edff/live/2ca0cbb0-d329-11ef-94cb-5f844ceb9e30.png.webp

Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương hôm 8/1

 

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về Doanh nghiệp Công nghệ Số Việt Nam lần thứ 6 tại Hà Nội vào sáng 15/1, ông Tô Lâm đã đặt ra một loạt câu hỏi về vị trí thực sự của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Diễn đàn lần này có chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".

 

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào ngày 13/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban chỉ đạo) đã được thành lập. Ban này trực thuộc Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.

 

Ở phần đầu bài phát biểu hôm 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh chuyển đổi số là yếu tố sống còn để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

 

Ông khẳng định điều này không chỉ là cơ hội để nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo mà còn là điều kiện tiên quyết để thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

 

Tiếp đến, ông đề cập đến những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, chẳng hạn như doanh thu ngành công nghệ số đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, cao hơn 35,7% so với năm 2019.

 

 

'Ngộ nhận, tự huyễn hoặc, tự ru mình'

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/796d/live/70a66d10-d3d3-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Ông Tô Lâm cho rằng trình độ công nghệ còn thấp khiến doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các khâu đơn giản trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Bên cạnh ghi nhận những gì mà ông cho là sự phát triển ấn tượng của khoa học công nghệ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm nói:

 

"Tuy nhiên, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia."

 

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra năng lực nghiên cứu và phát triển của Việt Nam còn nhiều hạn chế, phụ thuộc lớn vào nguồn lngoại lực, khiến cho khả năng tự chủ công nghệ gặp khó khăn.

 

Việc thu hút nhân tài công nghệ cao chưa hiệu quả dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cản trở quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

 

Trình độ công nghệ còn thấp khiến doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các khâu đơn giản trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Ông Lâm cho biết ông đã được báo cáo rằng Việt Nam giữ vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh, thứ năm về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ sáu về xuất khẩu thiết bị máy tính, thứ bảy về gia công phần mềm và thứ tám về xuất khẩu thiết bị linh kiện điện tử.

 

Phát biểu của ông Tô Lâm được coi là "một góc nhìn khác" so với những thông điệp lạc quan, một bức tranh tươi sáng mà các lãnh đạo Việt Nam thường vẽ ra. Vào năm 2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt mục tiêu mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một điện thoại thông minh, hạ tầng di động 4G/5G phủ rộng cả nước. Ông Hùng thậm chí còn đánh giá Việt Nam có khả năng đi đầu thế giới trong lĩnh vực internet vạn vật - mạng lưới các thiết bị vật lý được kết nối với nhau thông qua internet.

 

Báo cáo của Bộ Công thương vào tháng 6/2024 rằng Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nước xuất khẩu điện thoại không dây, đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu máy tính đã tạo ra bầu không khí lạc quan, hứng khởi khắp các mặt báo.

 

Tạp chí điện tử Kinh Doanh viết Việt Nam được nhiều nước ngưỡng mộ, học tập còn báo Thanh Niên gọi Việt Nam là "ông lớn" xuất khẩu.

 

Nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm lại đặt ra hàng loạt câu hỏi, chỉ ra vấn đề nằm sau những số liệu này:

 

"Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài?"

 

"Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình."

 

"Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là 'ngộ nhận', là 'tự huyễn hoặc', là 'tự ru mình' không?" Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

 

Ông Tô Lâm dẫn chứng với trường hợp của Samsung.

 

"Nhân đây tôi muốn nói thêm: ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài."

 

Trước nay truyền thông trong nước luôn dành những lời có cánh về đầu tư của Samsung ở Việt Nam, có thể dẫn ra một vài nhan đề bài báo như Việt Nam thành cứ điểm chiến lược R&D của Samsung; Điểm sáng từ Samsung: Thu hút FDI tại Việt Nam; ... nhưng ít đề cập tới thực trạng rằng ít có doanh nghiệp nội địa cung cấp linh kiện cho tập đoàn này, như lời ông Tô Lâm nói.

 

Ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Đây là thực tế được thừa nhận rộng rãi.

 

Điều này dẫn đến một thực trạng rằng, tuy đất nước thu hút được nhiều công ty nước ngoài đến, nhưng lại không thể tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp trong nước bán sản phẩm cho các ông lớn này.

 

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường mà ông Tô Lâm nhắc đến ở trên, sản xuất công nghiệp ở Việt Nam tạo ra gánh nặng khá lớn cho việc xử lý rác thải trong nước.

 

Một báo cáo xuất bản vào tháng 4/2024 của Liên Hợp Quốc cho thấy Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm nhập khẩu rác thải, phế liệu, đặc biệt là rác thải nhựa hàng đầu thế giới.

 

Nguyên nhân đến từ việc thiếu phế liệu nhựa chất lượng cao để làm nguyên liệu sản xuất. Thế nhưng, việc thiếu cơ sở xử lý, phân loại đạt chuẩn đã dẫn tới tình trạng  tình trạng rác chồng rác.

 

Hay xa hơn, hẳn nhiều người dân miền Trung vẫn chưa quên được thảm họa môi trường năm 2016 khiến cá chết hàng loạt.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0d36/live/39473cd0-d3c6-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Việt Nam được nhận định là sớm mất đi lợi thế lao động giá rẻ

 

 

"Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng."

 

"Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm 'lắp ráp - gia công', là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì," ông Tô Lâm nhấn mạnh.

 

Nhiều năm qua, không khó để tìm thấy các bài viết của truyền thông trong nước ca ngợi thành tựu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

 

Những từ, cụm từ như "hấp dẫn", "điểm sáng", "điểm nóng", "làn sóng đầu tư" hay "bùng nổ đầu tư" được ồ ạt sử dụng.

 

Một trong những lợi ích to lớn mà FDI mang lại là tác động lan tỏa (spillover) hay tác động tràn, tức sự có mặt của các doanh nghiệp FDI thúc đẩy doanh nghiệp trong nước thay đổi hành vi như đổi mới công nghệ, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh,...

 

Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon (Mỹ), nhận định với BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2024 rằng Việt Nam đang không hưởng lợi nhiều từ tác động lan tỏa.

 

Và dường như đây là bất cập dai dẳng của Việt Nam trong nhiều năm khi Bộ Tài chính thừa nhận vào năm 2018 rằng "tác động lan tỏa của khu vực FDI đối với doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ".

 

Chính việc không tận dụng được tác động lan tỏa này, như Kinh tế gia Trần Văn Thọ nhắc đến trong cuốn sách Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam xuất bản năm 2015, là một trong những nguyên nhân khiến đất nước vuột mất cơ hội để đạt được những thành tựu phát triển kinh tế kinh ngạc như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

 

Việt Nam từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, hưởng lợi từ xu hướng "Friendshoring" và "China+1" trong bối cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra căng thẳng.

 

"Friendshoring" là chuyển sản xuất sang các nước thân thiện hơn, còn "China+1" (Trung Quốc+1) là đa dạng hóa chiến lược kinh doanh sang các nước khác, tránh tập trung toàn bộ vào Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp ở Việt Nam vẫn đang chủ yếu là "lấy công làm lãi", lắp ráp, không sử dụng nhiều chất xám.

 

Điển hình, Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất bán dẫn nhưng chỉ ở khâu hậu kỳ như đóng gói, kiểm định, lắp ráp,... chứ không phải ở khâu tiền kỳ mang tính chiến lược hiện do Trung Quốc và Đài Loan thống trị.

 

Thậm chí, các lợi thế mà Việt Nam đang có hiện nay cũng đang dần mai một. Nhiều chuyên gia nhận định việc thu hút FDI ở Việt Nam chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế và nhân công giá rẻ.

 

Thế nhưng từ năm 2022, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã dự báo Việt Nam sẽ sớm mất đi lợi thế nhân công giá rẻ vì xu hướng già hóa cũng như chi phí lao động tăng.

 

Việt Nam đã bước qua đỉnh cao dân số vàng. Theo Bộ Y tế, tỉ lệ sinh ở Việt Nam năm 2024 là khoảng 1,91 con/phụ nữ - mức thấp nhất trong lịch sử. Bộ cũng dự báo tỉ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo, đặt ra thách thức về tình trạng thiếu hụt lao động.

 

Không những thế, việc Việt Nam hưởng lợi khi các nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc cũng có thể đương đầu rủi ro dưới chính quyền Trump 2.0.

 

Rủi ro này càng lớn khi thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 11 tháng đầu 2024 vượt mức 113 tỷ USD, mức cao nhất trong 11 tháng của một năm so với bất kỳ năm nào trước đây.

 

Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, mối quan hệ song phương về mặt kinh tế đã xấu đi khi ông Trump cho rằng Việt Nam lạm dụng thương mại với Mỹ để trục lợi.

 

Theo Tổng cục Thống kê, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu 2024 với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD.

 

Và vào cuối tháng 12/2024, trang Nikkei Asia đã đề cập tới khái niệm "Vietnam+1", cho rằng các công ty lo ngại nhiệm kỳ Trump thứ hai đã chuẩn bị phương án dời nhà máy khỏi Việt Nam.

 

Đây thực sự là những thách thức lớn cho một nền kinh tế phụ thuộc FDI nhiều như Việt Nam.

 

-------------------

Tin liên quan

·         

'Thủ phủ rác' ở Hưng Yên đánh vật với rác nhựa

29 tháng 11 năm 2024

·         

Báo cáo LHQ: Việt Nam là điểm đến hàng đầu của rác thải

2 tháng 5 năm 2024

·         

AI chủ quyền - cơ hội cho Việt Nam hay thêm một công cụ kiểm soát nữa của chính phủ?

9 tháng 1 năm 2025

 

 

 

 


VIỆT NAM MUỐN HỌC TƯ TƯỞNG TẬP CẬN BÌNH 'NHIỀU NHẤT CÓ THỂ'? (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam muốn học Tư tưởng Tập Cận Bình 'nhiều nhất có thể'?

BBC News Tiếng Việt

16 tháng 1 2025, 17:14 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c77rjm6eky3o

 

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/1 được truyền thông hai nước đưa tin với một số khác biệt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d929/live/3db51c40-d3dc-11ef-87df-d575b9a434a4.png.webp

Tô Lâm & Tập Cận Bình

 

Đây là cuộc điện đàm nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950-18/1/2025).

 

Theo truyền thông hai nước, tại cuộc điện đàm, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược giữa hai Đảng, hai nước; thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh, hợp tác kinh tế, ưu tiên đẩy nhanh dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa hai nước.

 

Báo chí hai nước tường thuật hai nhà lãnh đạo đề nghị giải quyết các bất đồng giữa hai bên, nhưng báo chí phía Việt Nam đưa thêm chi tiết "trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Ông Tô Lâm cũng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục "ưu tiên hàng đầu" việc phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong chính sách đối ngoại, đồng thời tiếp tục thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

 

Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập "rất vui" khi điện đàm với ông Tô Lâm, nhắc đến chuyện hai người, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tô Lâm tới Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái, "đã có những cuộc trao đổi sâu rộng và đạt được sự đồng thuận rộng rãi về việc làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai đảng và hai nước, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa."

 

Ông Tập đã kêu gọi hai nước tăng cường kết nối, cùng nhau xây dựng các nền tảng hợp tác biên giới, xây dựng chuỗi cung ứng và công nghiệp xuyên biên giới ổn định và thông suốt, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.

 

Theo ông Tập, năm 2025 đánh dấu thời điểm kết thúc của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, trong khi là năm then chốt để chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 14 của Việt Nam, nên "là năm có ý nghĩa to lớn đối với cả hai nước".

 

Ông Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần tiếp tục trẻ hóa và củng cố hai đảng, tăng cường trao đổi lý thuyết xã hội chủ nghĩa và kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ.

 

Ông Tập nói rằng cần phải tận dụng tối đa sự chỉ đạo chính trị của các cuộc trao đổi cấp cao, cũng như thực hiện các cuộc giao lưu nhân dân và văn hóa "nồng ấm và thiết thực", "kết nối trái tim mọi người".

 

Ông nói thêm hai nước cũng cần tăng cường phối hợp quốc tế và khu vực, bảo vệ công lý và công lý quốc tế, cùng nhau xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại.

 

 

Tư tưởng Tập Cận Bình

 

Tân Hoa Xã đưa tin ông Tô Lâm "thực sự ngưỡng mộ các thành tựu phát triển to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tin tưởng Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế về quy mô kinh tế và phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển."

 

Ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam tích cực ủng hộ ba sáng kiến toàn cầu lớn do ông Tập đề xuất và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ này.

 

Ba sáng kiến mà Tân Hoa Xã nhắc chính là sáng kiến "Văn minh toàn cầu", "Phát triển toàn cầu" và "An ninh toàn cầu".

 

Cũng theo Tân Hoa Xã, ông Tô Lâm cho biết, với mục tiêu chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

 

Trên con đường hướng tới "kỷ nguyên vươn mình", ông Tô Lâm nói rằng "Việt Nam sẽ học hỏi tối đa kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là sự đổi mới lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".

 

Đây là chi tiết không được tìm thấy trên báo chí ở Việt Nam khi viết về cuộc điện đàm.

 

Năm 2018, "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" đã được ghi trong hiến pháp Trung Quốc.

 

Đó là một hệ tư tưởng mang tên ông Tập.

 

Trước ông Tập, mới chỉ có lãnh tụ Mao Trạch Đông có được một hệ tư tưởng mang tên mình.

 

Ngay cả Đặng Tiểu Bình, người được mệnh danh là kiến trúc sư của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, cũng chỉ có một "lý luận" mang tên ông, trong khi những người tiền nhiệm của ông Tập, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, không có bất kỳ tư tưởng hay lý luận nào mang tên họ.

 

Chính xác thì Tư tưởng Tập Cận Bình có ý nghĩa gì vẫn gây tranh cãi, nhưng giới phân tích nhận định rằng đó không phải là vấn đề - đó là một động thái quyền lực.

 

"Tư tưởng của ông Tập chủ yếu nhằm mục đích củng cố tính chính danh và quyền lực của ông Tập vượt trên bất kỳ ai khác trong Đảng và trong toàn đất nước. Đó là một phần của sự sùng bái cá nhân, liên tưởng ông Tập không chỉ với Mao mà còn với các vị hoàng đế hiển hách và thành công nhất của Trung Quốc," Jean-Pierre Cabestan, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, từng bình luận với BBC vào năm 2022.

 

 

Cơ chế '3+3'

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/665b/live/bc66f610-d3cf-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam - Trung Quốc ngày 10/12/2024 tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh

 

Trước đó không lâu, hôm 9/12/2024, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại chiến lược "3 + 3" về ngoại giao, quốc phòng và an ninh - một sự kiện được truyền thông Trung Quốc hết sức nhấn mạnh về tầm quan trọng.

 

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin chi tiết về sự kiện "3+3", trong khi tin tức này không được đăng tải trên các tờ báo lớn của Việt Nam.

 

Một số website tại Việt Nam đề cập thoáng qua về sự kiện, nhưng không nhắc đến cái tên "3+3" và gọi đây là cuộc họp "cấp thứ trưởng".

 

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc bàn chi tiết hơn, nhấn mạnh rằng "3+3" là một sự kiện "chưa từng có" trong cơ chế đối thoại chiến lược của cả hai nước với bất cứ một quốc gia đối tác nào khác.

 

Cơ chế "3+3" do các quan chức thuộc các bộ ngoại giao, quân đội và công an của hai nước đồng chủ trì, theo Hoàn Cầu Thời báo, đánh dấu cách thức đối thoại chiến lược chính thức đầu tiên giữa hai nước trên 3 lĩnh vực này.

 

Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại "2+2" về ngoại giao và quốc phòng với các nước như Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Indonesia nhưng vẫn chưa thiết lập cơ chế "3+3" với bất kỳ quốc gia nào khác.

 

Ngược lại, Việt Nam có các cuộc đối thoại chiến lược về ngoại giao (hoặc chính trị), quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ, Nga và Hàn Quốc, cũng như các cuộc đối thoại ngoại giao (hoặc an ninh) và quốc phòng với Úc và Pháp.

 

 

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm

 

VIDEO :

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đi Trung Quốc: những điểm đáng chú ý?

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c77rjm6eky3o

 

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị mới sau khi ông được bầu làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8/2024.

 

Trong chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc, bắt đầu tư 18/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có một lịch trình nghị sự dày đặc, với các nội dung về hợp tác chính trị, kinh tế và giải quyết bất đồng trên Biển Đông.

 

Chuyến thăm của ông Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 14, còn Trung Quốc vừa tổ chức xong Hội nghị Trung ương 3 khóa 20.

 

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lúc bấy giờ nói với BBC rằng chuyến đi Trung Quốc của ông Tô Lâm là phù hợp với một quy tắc bất thành văn trong nghi thức đối ngoại của Việt Nam:

 

"Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nên đến Trung Quốc trước khi đến Hoa Kỳ. Làm như vậy sẽ báo hiệu sự tôn trọng của Hà Nội đối với Bắc Kinh, đây là một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc," ông Vuving nói.

 

Với việc nắm giữ cùng lúc hai chức danh then chốt là chủ tịch nước (lúc bấy giờ) và tổng bí thư, ông Tô Lâm được coi là "đồng cấp" với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và việc hai lãnh đạo đồng cấp sớm gặp nhau được đánh giá là bước quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân hai ông cũng như phát triển quan hệ hai nước.

 

------------------------

Tin liên quan

 

Vì sao ông Tô Lâm nhanh chóng thăm Trung Quốc ngay sau khi làm tổng bí thư?

18 tháng 8 năm 2024

·         

Ông Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Trung Quốc: những điểm đáng lưu ý

20 tháng 8 năm 2024

·         

Có gì sau cơ chế đối thoại chiến lược '3+3' Trung Quốc và Việt Nam vừa thiết lập?

13 tháng 12 năm 2024

·         

Trung Quốc củng cố quan hệ quốc phòng với Việt Nam nhằm ‘chia để trị’ ở Biển Đông?

4 tháng 11 năm 2024

·         

Trung Quốc 75 năm và bài học cho Việt Nam

7 tháng 10 năm 2024

·         

Tướng Trung Quốc thăm Việt Nam, ký kết gì với tướng Phan Văn Giang?

25 tháng 10 năm 2024

 

 

 

 

 



View My Stats