Friday, 26 July 2024

DI SẢN ĐỐI NGOẠI CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG : ĐỊNH HÌNH CHÍNH SÁCH CÂN BẰNG NƯỚC LỚN CỦA VIỆT NAM (Phan Xuân Dũng / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



Di sản đối ngoại của TBT Nguyễn Phú Trọng : Định hình chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam

Phan Xuân Dũng

26/07/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/07/26/di-san-doi-ngoai-cua-tbt-nguyen-phu-trong/

 

 

Sự ra đi của Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng đã để lại một khoảng trống lãnh đạo khó lấp đầy, không chỉ vì di sản chính trị mà ông để lại mà còn  vì sự nhạy bén ngoại giao của ông. Lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng, ông đã khéo léo thực hiện việc “xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước lớn”.

 

TBT Trọng nhậm chức vào năm 2011, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc năm đó, hai nước đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, bao gồm cả tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa. Động thái này thể hiện phương châm của TBT Trọng và Việt Nam trong việc tách biệt vấn đề Biển Đông khỏi các lĩnh vực hợp tác khác với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn xung đột trên biển, đồng thời xây dựng quan hệ song phương ổn định.

 

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị thách thức một cách nghiêm trọng khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014, dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài hai tháng. Sự kiện này không chỉ kích động các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam mà còn đe dọa làm rạn nứt quan hệ song phương. Một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN thậm chí đã kêu gọi Việt Nam từ bỏ chính sách “Ba Không” (nay là “Bốn Không”) để tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây nhằm tăng răn đe Trung Quốc trên biển. Tuy nhiên, TBT Trọng ưu tiên khôi phục quan hệ ổn định với Trung Quốc và tuân thủ thỏa thuận năm 2011. Chính vì vậy, sau cuộc khủng hoảng, ông đã cử đặc phái viên Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, tới Trung Quốc vào tháng 8 năm 2014.

 

Kể từ đó, mối quan hệ cá nhân của TBT Trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng của ông đã góp phần duy trì ổn định cho quan hệ song phương ngay cả khi căng thẳng trên biển vẫn tiếp diễn. Việc ông Tập đích thân tới Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh để viếng TBT Trọng là minh chứng cho điều này.

 

Do ở cương vị tổng bí thư và có cách tiếp cận được xem là nhượng bộ đối với Trung Quốc, TBT Trọng đôi khi được cho là thuộc phe “thân Trung Quốc” trong giới tinh hoa chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm này là không chính xác khi xét đến những đóng góp của ông cho quan hệ Việt-Mỹ. Trong thời kỳ lãnh đạo của ông, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ vào năm 2013. Đáng chú ý, năm 2015, TBT Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Washington, trở thành TBT ĐCSVN đầu tiên thăm Nhà Trắng. Trong dịp đó, TBT Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra tuyên bố tầm nhìn chung, bày tỏ quan ngại về “những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định”. Như nhận định của học giả Alexander Vuving, khủng hoảng giàn khoan 2014 đã đóng vai trò như một chất xúc tác để TBT Trọng tiếp cận Mỹ.

 

Năm 2023, trong một động thái gây bất ngờ đối với nhiều nhà quan sát, TBT Trọng đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam. Chuyến thăm này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất – đối tác chiến lược toàn diện. Trong thông điệp chia buồn, Tổng thống Biden đã ca ngợi TBT Trọng là “người tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ”, đồng thời ghi nhận vai trò lãnh đạo của ông trong việc vun đắp tình hữu nghị và quan hệ đối tác hiện nay giữa hai quốc gia.

 

Di sản nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của TBT Trọng là khái niệm “ngoại giao cây tre”, một trường phái ngoại giao độc đáo mà ông nỗ lực xây dựng cho Việt Nam. Lấy cảm hứng từ đặc tính của cây tre – “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, ông Trọng đã khắc họa nên bức tranh về ngoại giao Việt Nam: “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn […] kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia”. Năm 2023, ông cho xuất bản cuốn sách về ngoại giao cây tre, góp phần củng cố và đưa khái niệm này trở thành yếu tố cốt lõi trong diễn ngôn chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngoại giao cây tre đã trở thành một thuật ngữ phổ biến, được các nhà hoạch định chính sách cũng như giới học giả trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi khi nói về chính sách đối ngoại của Việt Nam.

 

Trong những năm gần đây, ngoại giao cây tre đã trở thành kim chỉ nam cho chiến lược cân bằng quan hệ với các cường quốc của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ thứ ba của TBT Trọng, Việt Nam thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và ba đồng minh của Mỹ là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Song song, Việt Nam cũng chú trọng củng cố mối quan hệ với các đối tác truyền thống, khẳng định vị thế trung lập của mình. Sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, TBT Trọng đã mời ông Tập thăm Việt Nam, và hai bên đã ra tuyên bố xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Đặc biệt, chỉ một tháng trước khi từ trần, TBT Trọng đã tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội, bất chấp nguy cơ làm phật lòng các đối tác phương Tây. Trong các cuộc gặp với ông Tập và ông Putin, TBT Trọng luôn nhấn mạnh nguyên tắc “Bốn Không”, nhằm trấn an hai nhà lãnh đạo rằng Việt Nam sẽ không liên minh với bất kỳ cường quốc nào để chống lại nước khác.

 

Mặc dù là một nhà tư tưởng được đào tạo tại Liên Xô, dấu ấn đối ngoại của TBT Trọng, thể hiện qua ngoại giao cây tre của Việt Nam, mang tính linh hoạt và thực tiễn hơn là cứng nhắc về mặt ý thức hệ. Do đó, ông không chỉ kế thừa mà còn nâng tầm chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ hậu Đổi Mới. Điều này được phản ánh rõ nét qua tầm ảnh hưởng cá nhân của TBT Trọng trong việc định hình quan hệ của Việt Nam với các nước lớn.

 

Chiến lược đa dạng hóa toàn diện quan hệ với các cường quốc đã mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho lợi ích kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phân cực và căng thẳng hiện nay, tính khả thi lâu dài của cách tiếp cận này đang bị đặt dấu hỏi. Quan hệ hữu nghị lâu đời của Việt Nam với Nga, vốn rất quan trọng cho việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ ở Biển Đông, đang bị thách thức bởi sự gắn kết chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc, cũng như những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục có những động thái thách thức chủ quyền và quyền lợi trên biển của Việt Nam. Chỉ một ngày trước khi ông Trọng qua đời, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ động thái đệ trình yêu sách mới cho thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông của Việt Nam.

 

Do đó, Tổng Bí thư ĐCSVN tiếp theo sẽ không chỉ cần duy trì di sản chính sách đối ngoại của ông Trọng mà còn phải phát triển tầm nhìn chiến lược dài hạn cho Việt Nam để ứng phó hiệu quả với những biến động địa chính trị ngày càng phức tạp.

 

----------------

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats