Monday, 29 July 2024

CHUYỆN ANH EM NHÀ CHÀY, CỐI : THẦN TƯỢNG NGỒI TRÊN ĐỐNG CÁT (Quốc Anh / Báo Tiếng Dân)

 



Chuyện anh em nhà Chày, Cối: Thần tượng ngồi trên đống cát

Quốc Anh  |  Báo Tiếng Dân

29/07/2024

https://baotiengdan.com/2024/07/29/chuyen-anh-em-nha-chay-coi-than-tuong-ngoi-tren-dong-cat/

 

Thằng Cối nghĩ, thời đại mạng xã hội phát triển mới thấy mình “dốt” mọi thứ lộn tùng phèo, xã hội phân hoá chẳng biết đâu là đúng, sai, đâu là phải trái, đâu là sự thật.

 

Cùng con người ấy, kẻ thì chê bai, khinh miệt, kẻ thì ca ngợi anh minh, sáng suốt, kẻ khóc hơn cả cha mẹ chết, kẻ thì ngất ngây sung sướng như trúng giải độc đắc…

 

Nó tâm sự với thằng Chầy, tưởng thằng Chầy hiểu biết thế nào, hóa ra cũng chẳng hơn gì, cũng trong cơn rối trí, mất phương hướng… bảo cái này nên hỏi ông nội xem lý giải ra sao.

 

Ông nội Chầy, Cối thấy hai thằng hỏi thế nào là anh minh, sáng suốt, thế nào là hiền nhân quân tử, thở dài rồi nói:

 

– Hai đứa, nói như người xưa thuộc loại có ăn, có học “rường cột quốc gia” mà không phân biệt được thế nào là anh minh, sáng suốt, hiền nhân quân tử thì chắc chắn là đang sống trong một xã hội có vấn đề, một trong những tiêu chí đánh giá về một quốc gia thất bại.

 

Anh minh sáng suốt, hiền nhân quân tử đừng nghĩ rằng nó là phẩm chất riêng của bậc vua chúa, của người đứng đầu đất nước.

 

Ngày xưa đúc kết đạo làm người phải có “Tam cương ngũ thường”, Tam cương là chỉ ba mối quan hệ trọng yếu trong xã hội: vua-tôi, cha-con, vợ-chồng. Ngũ thường chỉ năm đạo đức mà một người thường có và nên có: nhân-nghĩa-lễ-trí-tín.

 

Bất cứ ai thực hiện được như thế đều là hiền nhân quân tử.

 

Trong đạo vua – tôi không có chuyện luận về vua thế này, thế khác, đấy là phạm tội khi quân bị chém đầu… đây chính là sự hạn chế của chế độ phong kiến.

 

Cái câu “anh minh sáng suốt” xem ra từ xưa đến nay cũng chẳng phải dành riêng cho vua chúa, lãnh đạo quốc gia…

 

Là ai, làm gì cũng cần phải thông minh sáng suốt.

 

Dĩ nhiên thông minh sáng suốt của vua chúa, người lãnh đạo quốc gia nó phải khác người thường.

 

Khác thế nào?

 

Để cai trị, hay dẫn dắt quốc gia cần phải phân biệt đâu là Quốc sách, chính sách, đối sách, quyết sách.

 

Làm người đứng đầu đất nước phải biết lo quốc sách, dân mới được nhờ, đấy mới là anh minh trí tuệ; còn quanh quẩn toàn thứ giáo điều, làm những việc dọn dẹp đống thối do mình làm ra… lý luận lòng vòng, ê a… toàn đối sách vụn vặt, khôn lỏi không thể gọi là kiệt xuất, tấm gương này nọ.

 

Đi vào thực tiễn, ông hỏi:

 

Ngoại giao “cây tre” là quốc sách, chính sách, hay đối sách?

 

Thằng Cối nhanh nhau trả lời:

 

– Thưa ông, đấy là đối sách.

 

– Đúng rồi, nên nhớ quốc sách thường là bất di, bất dịch. Ví dụ “Chủ quyền đất nước là thiêng liêng, bằng mọi giá phải giữ và đòi lại từng tấc đất, biển đảo” đấy là quốc sách. Còn chính sách và đối sách có thể thay đổi theo tình hình.

 

Đến đây cho thấy vị trí của người đứng đầu đất nước phải lấy quốc sách làm tư tưởng bất di, bất dịch để chỉ đạo, không thể uốn lượn cây tre được, việc uốn lượn không phải là vị trí của người đứng đầu đất nước.

 

Và dễ nhận thấy khi nghiên cứu “Ngoại giao cây tre” họ cho đấy chính là quốc sách, cái này rất nguy hại.

 

Chính vì nhầm lẫn đối sách với quốc sách nên mới bế tắc về chính sách, không có quyết sách khiến cho mục tiêu đòi lại đất đai, biển đảo trở nên mù mịt.

 

Cũng có thể họ không nhầm lẫn, họ đang tung hỏa mù, che đậy một thứ quốc sách đớn hèn, nô lệ.

 

Bây giờ ông hỏi hai đứa, chống tham nhũng là quốc sách hay chính sách?

 

Thằng Chầy trả lời:

 

– Thưa ông là quốc sách.

 

– Đúng rồi, chống tham nhũng đó là quốc sách, đây chính là công việc của người đứng đầu đất nước. Nhưng người đứng đầu đất nước trong một nhà nước pháp quyền, không phải là một ông vua, phải lấy hiến pháp, luật pháp chỉ đạo thực hiện, không được làm thay hệ thống, vô hiệu hoá bộ máy nhà nước đã hiến định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hiến pháp… Người đứng đầu đất nước cái gì cũng thò tay vào với tư cách phán quyết thì bộ máy nhà nước sẽ tê liệt và ông ấy là kẻ lộng quyền… đấy là một dạng nhà nước độc tài kiểu mới …

 

Với cách làm như thế, khi ông ấy không còn nắm quyền lực nữa, sẽ để lại một hậu quả rất to lớn, vì bộ máy nhà nước đã bị suy yếu, những con người trong bộ máy ấy chỉ biết phục tùng, lo vun vén cho bản thân, trở nên dối trá, đạo đức giả … nền tảng pháp quyền lung lay đấy là tai họa.

 

Quay lại câu chuyện kẻ khóc người cười cũng dễ hiểu thôi.

 

Tại sao phải khóc? Cái đấy chẳng có tội tình gì nó là tình cảm con người. Nhưng khóc vì tính giản dị, liêm chính, gần gũi, đức hy sinh… và cho đấy là tấm gương vĩ đại hiếm có sẽ rất không công bằng, vì xung quanh ta không thiếu những người như thế bằng mắt thấy tai nghe, không phải qua sự màu mè của truyền thông định hướng bị hiệu ứng bầy đàn cứ thế nức nở …

 

Người xưa có câu: “Ngồi trên đống cát, ai cũng là hiền nhân, quân tử. Ngồi trên đống vàng mới biết ai thật sự là quân tử, hiền nhân”.

 

Khi một nhà lãnh đạo được hưởng các tiện nghi cao hơn, chế độ tốt hơn chính là để có điều kiện làm việc, cống hiến nhiều hơn, cái này nó có quy định cho tất cả các chức danh lãnh đạo, cớ gì phải từ chối?

 

Đi một chiếc xe cà tàng, người bảo vệ, người lái xe khổ khi làm nhiệm vụ – mình được tiếng thơm là làm khó cho họ… rồi lại để truyền thông ca ngợi vung vít “giản dị, liêm khiết”, đấy là hành động thao túng tâm lý quần chúng để đánh bóng bản thân.

 

Sự giống nhau giữa một diễn viên hoàn hảo và một kẻ làm chính trị chính là họ rất giỏi làm trò ảo thuật.

 

Đừng lên án việc người ta khóc, còn ai bảo là tấm gương vĩ đại hãy xem họ đánh giá trên góc độ nào? Người ta là lãnh tụ thì đánh giá bằng tiêu chí dành cho lãnh tụ để xem có xứng đáng là “kiệt xuất”.

 

Khóc thương chỉ là một cảm xúc, nhiều khi nhất thời.

 

Ông nói với hai đứa, theo nghiên cứu, khóc hay cười có thể là một căn bệnh lây nhiễm. Trong đám đông có một điều gì xảy ra, một người khóc, rồi hai người khóc, cuối cùng tất cả đều khóc…

 

Hồi ông 6,7 tuổi, ông Hồ mất, lúc ấy các trụ sở Ủy ban nhân dân đều lập bàn thờ, người dân tập trung đến khấn vái khóc ghê lắm, trẻ em, thiếu niên, thanh niên có đứa chỉ biết ông Hồ qua “5 điều bác Hồ dạy” đi chân đất, quần áo vá chằng vá đụp, mặt mày xanh xao… thấy người lớn khóc cũng tỉ tê, nước mắt ngắn nước mắt dài…

 

Cái chuyện khóc, hay cười, nó đều có lý của nó, vấn đề là giá trị của nó có xứng tầm với vị trí cái ghế ngồi hay không, thì phải biết phân loại, có tiêu chí đánh giá rõ ràng.

 

Đem tiêu chí của cái anh chân đất mắt toét để bảo đấy là tấm gương vĩ đại thì khóc cũng như ca ngợi đều giống nhau, tâm thần cả một lũ.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats