Friday, 26 July 2024

VIỆT NAM và MỸ : HAI CUỘC 'ĐỔI NGÔI' KHÁC BIỆT SONG HÀNH (VOA Tiếng Việt)

 



Việt Nam và Mỹ: Hai cuộc ‘đổi ngôi’ khác biệt song hành

VOA Tiếng Việt

26/07/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7713187.html

 

Tại Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đời ở tuổi 80. Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố từ bỏ tranh cử nhiệm kỳ mới, ở tuổi 81. Ngẫu nhiên, hai quốc gia với hai thể chế khác biệt đều đang trải qua một cuộc thay đổi lãnh đạo rất quan trọng, thu hút sự chú ý không chỉ trong nước mà cả bên ngoài.

 

https://gdb.voanews.com/71916968-da96-4a9e-9af5-2574df4abaf5_cx0_cy3_cw0_w1023_r1_s.jpg

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) trong lễ tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 10/9/2023 khi tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam.

 

Hai bức tranh tương phản

 

Bề ngoài, hai cuộc “thay ngôi đổi vị” tại Việt Nam và Mỹ có những điểm tương đồng khi cả hai đều có những lãnh đạo cao tuổi, hoặc quá tuổi trong trường hợp Việt Nam, vẫn gánh vác chuyện nước non và cả hai vị đều được một số người trong dân chúng ca ngợi có tinh thần “vì nước vì dân”.

 

Ông Trọng được nhiều người, trong đó có Chủ tịch nước Tô Lâm, người đang được giao nhiệm vụ tạm thời đảm nhiệm công việc tổng bí thư, ca ngợi là “nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” trong bài viết được đăng trên trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam hôm 22/7. Trong khi đó, ông Biden được các đảng viên Dân chủ và một số nhà phân tích ca ngợi quyết định từ bỏ tham vọng cá nhân cho lợi ích của đất nước và lợi ích đảng khi ông đưa ra thông báo chấn động – dừng tranh cử - hôm 21/7 khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng là đến ngày bầu cử.

 

Giới quan sát nhìn những vấn đề này như thế nào? Giáo sư (GS) Vũ Tường, thuộc Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Mỹ, thì, với ông Biden, phía đảng Cộng hoà sẽ không cho quyết định từ bỏ tranh cử là vì nước vì dân, mà là vì đảng Dân chủ của ông trước tiên. Nhưng ngược lại, vẫn theo GS Vũ Tường, những người khác có thể lý luận rằng, để ngăn cản ông Trump lên làm tổng thống, điều mà họ cho là sẽ mang đến nhiều tai hại như đe doạ nền dân chủ của Mỹ, thì quyết định từ bỏ của ông Biden để người khác có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn trước ông Trump tiếp tục cuộc đua có thể xem là một hành động vì lợi ích của đất nước và dân chúng.

 

Trở lại với “cuộc đổi ngôi”, chuyển giao quyền lực ở Mỹ và tại Việt Nam, các nhà quan sát cho rằng nó giống như hai bức tranh tương phản. Một bên thầm lặng diễn ra trong căn phòng kín, không được công chiếu, khán giả không được theo dõi. Một bên diễn ra trên sân khấu lớn, được truyền hình trực tiếp và khán giả toàn cầu có thể theo dõi từng diễn tiến.

 

“Cách thức chuyển giao quyền lực của hai quốc gia có sự khác biệt mà tôi cho là mang tính cách cơ bản rất rõ”, Luật sư (LS) Đặng Đình Mạnh, nhà quan sát chính trị có kinh nghiệm làm việc nhiều năm với hệ thống công quyền tại Việt Nam và hiện đang sống tại Mỹ, nói với VOA. “Ví dụ ở Hoa Kỳ chẳng hạn, thì do lá phiếu của người dân quyết định. Mọi việc tấn phong và chuyển giao đều thực hiện theo quy định của hiến pháp và pháp luật. Nhưng tại Việt Nam thì không thực hiện được điều đó. Tất cả đều do một nhóm đảng viên cao cấp trong Đảng Cộng sản quyết định”.

 

Theo LS Mạnh, những biến chuyển chính trị trong giai đoạn gần đây cho thấy quyết định về việc tấn phong, chuyển giao quyền lực lúc này còn tùy thuộc vào tương quan lực lượng giữa các phe nhóm trong Đảng Cộng sản. Còn người dân vẫn phải buộc đứng ngoài lề mọi cuộc tấn phong, chuyển giao quyền lực chính trị trong quốc gia của mình.

 

GS Vũ Tường cũng có quan điểm tương đồng, nhưng ông nhấn mạnh thêm vai trò của báo chí, truyền thông tại Mỹ, một trong những yếu tố góp phần giúp ông Biden “nghe” được tiếng nói của dân chúng, bên cạnh sức mạnh của lá phiếu người dân. Đối lập với nó là bối cảnh tại Việt Nam, sức khoẻ của ông Trọng được cho là đã rơi vào tình trạng nguy kịch trong một thời gian dài trước khi qua đời, và thực tế này có thể nhìn thấy rõ ràng trong tấm ảnh chụp cuộc gặp của ông với Tổng thống Vladimir Putin vào tháng trước. Nhưng những thông tin này đã hoàn toàn bị bưng bít cho đến một ngày trước khi tin ông qua đời được loan báo công khai.

 

https://gdb.voanews.com/b0e880f6-a1d9-45a9-b39a-25d240322297_cx0_cy7_cw100_w650_r0_s.jpg

Trong tấm ảnh của hãng tin Nga Sputnik, ông Nguyễn Phú Trọng lộ rõ dáng vẻ phù nề (được cho là do tác dụng phụ của thuốc) trong cuộc gặp Tổng thống Putin ở Hà Nội hôm 20/6/2024, nhưng hình ảnh này và thông tin sức khoẻ của ông hoàn toàn không xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.

 

“Cơ bản là vì Việt Nam là một thể chế độc tài, không chịu sự giám sát của công luận, không phải tranh cử, tranh luận trên truyền hình… và họ kiểm soát báo chí rất chặt chẽ. Thành ra, không có tin tức gì lộ ra ngoài và họ cũng không có nhu cầu phải cho dân chúng biết về những gì đang xảy ra đối với các nhà lãnh đạo của dân chúng”, GS Vũ Tường nói.

 

 

Lộ rõ khuyết điểm

 

Cuộc chuyển giao quyền lực ngẫu nhiên song hành ở hai quốc gia, Việt Nam và Mỹ, vào thời điểm này càng cho thấy rõ những ưu, khuyến điểm của mỗi hệ thống. Trong đó, theo các nhà phân tích, những khuyết điểm trong hệ thống chính trị tại Việt Nam càng bị phơi bày rõ ràng hơn khi dân chúng có dịp chứng kiến cách thức chuyển giao quyền lực rất dân chủ tại Hoa Kỳ.

 

Nêu ví dụ từ cuộc chiến chống tham nhũng, một trong những dấu ấn lớn nhất trong di sản của ông Trọng, GS Vũ Tường nói việc hàng loạt các quan chức cấp cao bị đưa ra toà hoặc bị cách chức trong các vụ đại án càng cho thấy rõ khuyết điểm của hệ thống chính trị độc đảng.

 

“Nếu có chế độ dân chủ với giới báo chí được tự do và với những đảng đối lập, thì việc đó [tham nhũng] sẽ khó xảy ra hơn rất nhiều mặc dù không phải là không thể. Đối với những người tham nhũng ở cấp cao như vậy, trong những vụ như vụ Việt Á hay ‘chuyến bay giải cứu’… thì nó sẽ không diễn ra được vì nó sẽ bị báo chí và công luận săm soi ngay từ đầu, và sẽ không có tham nhũng ở mức độ to lớn như vậy diễn ra”, GS Vũ Tường phân tích.

 

Tham nhũng ở Việt Nam những năm qua đã ở mức độ được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với sự tồn vong của đảng. Đây cũng chính là nguyên nhân mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi lên nắm quyền đã phát động chiến dịch chống tham nhũng được ví von là “chiến dịch đốt lò”.

 

Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 77 trên 180 quốc gia về tham nhũng, cao hơn 12 bậc so với năm 2019. Trung Quốc được xếp hạng 65 và được coi là “nước cải thiện đáng kể”. Năm 2022, 64% người dân Việt Nam coi tham nhũng là một “vấn đề lớn”.

 

Năm 2023, Việt Nam bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) giảm điểm và cho tụt hạng, xếp hạng thứ 83 trên 180 quốc gia, nằm trong số các nước có nhiều tham nhũng, và đặc biệt tham nhũng trong khu vực công bị xem là “rất nghiêm trọng”.

 

Ngoài tham nhũng, theo GS Vũ Tường, hệ thống độc đảng cũng lộ nhiều khuyết điểm khác trong cuộc chuyển giao quyền lực hiện nay.

 

Ông nói: “Ví dụ riêng chuyện một lãnh tụ như ông Trọng, đã già yếu rồi, không còn khả năng để quyết định nữa mà vẫn cứ ngồi làm tổng bí thư, làm lãnh tụ cao nhất cho đến khi chết, là chuyện khó xảy ra ở một thể chế dân chủ.”

 

Một tình huống như vậy, theo ông, không thể xảy ra ở Mỹ, khi thông tin sức khoẻ của các lãnh đạo được công khai và không bị xem là “bí mật quốc gia” như tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, với thể chế hiện nay tại Việt Nam, việc một ứng cử viên, mà dư luận cho là nhiều khả năng sẽ là ông Tô Lâm, nếu được đưa lên “kế vị” ông Trọng thì đâu sẽ là thước đo hay tiêu chuẩn, dựa trên nền tảng nào để công chúng xác nhận đó là ứng cử viên tốt nhất cho vị trí lãnh đạo hàng đầu?

 

Đối với LS Đặng Đình Mạnh, người lần đầu tiên chứng kiến trực tiếp một cuộc bầu cử tại Mỹ, thì “sự chuyển giao quyền lực chính trị tại Hoa Kỳ thực sự được vận hành trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Trong đó, lá phiếu của người dân mang tính quyết định trong quá trình chọn ra một nguyên thủ quốc gia, thể hiện đúng khái niệm chính quyền của dân, do dân và vì dân, và quá trình này hầu như hoàn toàn minh bạch, được kiểm chứng bởi cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm sự ngay thẳng, đúng đắn.”

 

Còn tại Việt Nam, ông nói: “Sự tấn phong tổng bí thư, người đứng đầu đảng Cộng Sản và mặc nhiên là người đứng đầu quốc gia hoàn toàn là việc nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và được thực hiện theo điều lệ của đảng này. Tuy hiến pháp quy định mọi quyền lực quốc gia thuộc về nhân dân, nhưng trong thực tế, nhân dân không hề được tham gia gì về quá trình tấn phong người đứng đầu, lãnh đạo quốc gia. Điều này là một khuyết điểm rất nặng nề, vì người đứng đầu, lãnh đạo quốc gia không được tấn phong bởi chính người dân, cho nên, họ hoàn toàn không có tính chính danh cần thiết”.

 

Chính vì thế, mô hình độc đảng nắm quyền lãnh đạo quốc gia, theo ông, chỉ mang đến những hệ luỵ tiêu cực cho đất nước chứ không có ưu điểm gì, trong khi ông nói cho đến nay, ông “chưa tìm thấy” khuyết điểm nào trong cách vận hành mà Hoa Kỳ đang áp dụng.

 

Việt Nam cần “dân chủ” hơn bao giờ hết

 

Theo GS Vũ Tường, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa thị trường và kinh tế phát triển tương đối tốt, khi đầu tư nước ngoài và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng đang nhắm đến Việt Nam, quốc gia Cộng sản này càng cần “dân chủ” hơn để dân chúng có thể tham gia giúp cho chính quyền hoạt động tốt hơn và có trách nhiệm hơn đối với người dân, và quan trọng hơn, giúp cho đảng Cộng sản có tính chính danh hơn.

 

Ông nói: “Thực tế mà nói, Việt Nam có thể dân chủ hoá và đảng Cộng sản có thể lãnh đạo quá trình đó. Đảng Cộng sản vẫn có thể tranh cử, thắng cử và cầm quyền với tính chính danh lớn hơn nhiều”.

 

GS Vũ Tường nói ông Nguyễn Phú Trọng trong 10 năm qua đã nhận thấy tham nhũng là điều đang làm xói mòn đảng Cộng sản Việt Nam nên đã “loay hoay” tìm cách chống lại nó. Mặc dù đạt được một số thành quả nhất định, nhưng theo GS. Tường, “chống tham nhũng mà không có sự tham gia của công luận, báo chí và đảng đối lập thì sẽ rất hạn chế”, hậu quả là hệ thống công quyền vẫn còn rất nhiều quan chức tham nhũng khác, chỉ là “những đồng chí chưa bị lộ” mà thôi.

 

Việc đảng Cộng sản chủ động “dân chủ hoá”, vẫn theo GS Tường, chỉ mang lại lợi ích, thậm chí giúp ngăn ngừa khả năng đảng Cộng sản bị mất quyền lực khi tính chính danh không còn nữa.

 

.

22 BÌNH LUẬN  

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats