Tuesday, 30 July 2024

NGUYỄN PHÚ TRỌNG : GƯƠNG KHÔNG NGƯỜI SOI (Nguyễn Anh Tuấn | Blog RFA)

 



Nguyễn Phú Trọng: Gương không người soi

Nguyễn Anh Tuấn  |  Blog RFA  

Chủ Nhật, 07/28/2024 - 13:15 — nguyenanhtuan

https://www.rfavietnam.com/node/8121  

 

“Nghĩa tử là nghĩa tận”

 

Lâu nay khi có nhân vật công chúng nào nằm xuống, người ta thường dẫn thành ngữ này vừa nhắc mình vừa khuyên người rằng dù sao người ta cũng đã chết rồi, nếu không thể thương tiếc ngợi ca những điều họ đã làm được thì cũng nên im lặng xí xóa những gì chưa được. 

 

Cách ứng xử này có thể phù hợp cho ai đó, nhưng chưa hẳn đã là điều nên làm với chính khách. Cả đời lăn lộn trong vòng tranh cãi của dư luận, điều một chính khách sợ khi chết đi không phải là thiếu lời khen hay thừa lời chê, mà là sự thờ ơ. 

 

Không gì đau đớn hơn cho một chính khách khi nằm xuống trong sự ơ hờ của công chúng. Càng lấy làm xúc phạm hơn nếu chỉ được tiễn đi bởi những lời tụng ca phần nhiều là sáo rỗng, vì thâm tâm những chính khách thực thụ hiểu rằng trong chính trị, tụng ca tuyệt đối tiềm ẩn sỉ nhục tuyệt đối. Một chính khách xứng danh hiểu thấu giới hạn của đời người lúc nằm xuống sẽ trân trọng một lời phê bình cay đắng mà chân thành hơn một triệu lời ngợi khen a dua phong trào.

 

Công dân lại càng có lý do chính đáng để phê bình chính khách khi người đó nằm xuống. Đầu tiên là bởi lời phê bình chính khách thường gắn với sản phẩm của họ - những chính sách - vốn đã và đang ảnh hưởng tới đời sống người dân. Quan trọng hơn, phê bình chính khách là một thực hành dân chủ của tinh thần công dân cao quý mà trừ khi tự nhận là độc tài, không một chính khách nào dám hoặc nên khước từ nó.

 

Tóm lại, nếu thực sự tôn trọng một chính khách và mong người đó ngậm cười chín suối hãy còn vui lây, công dân, trớ trêu thay, có thể phải cần phê bình nghiêm túc, thay vì tụng ca bừa bãi, người đó. 

 

Đó cũng là nghĩa tận với chính khách vậy.

 

 

Ông Trọng & tiền bạc

 

Không thể phủ nhận công cuộc đốt lò của ông Trọng đã làm nức lòng công chúng vốn đã nhiều năm mệt mỏi bởi nạn nhũng lạm của quan quyền. Lòng căm phẫn chất chứa của người dân được dịp tuôn xả mỗi lần thấy bóng quan chức được đưa đi. Tuy nhiên, thay vì khai triển một lộ trình cải cách thể chế để lò lửa được tiếp liệu lâu dài, nỗi lo mất chế độ đã khiến ông Trọng lựa chọn một giải pháp không thể kém bền vững hơn là nêu gương đức trị với ảo tưởng cảm hóa lòng tham lam cố hữu của con người vốn càng nảy nở trong môi trường quyền lực không kiểm soát.

 

Mà gương ông nêu cũng chẳng hề trọn vẹn. Đúng là không có bằng chứng gì cho thấy ông Trọng ôm giữ quyền lực nhằm vinh thân phì gia như nhiều đồng chí mà ông cho vào lò. Song, khi hàng chục lão thành cách mạng và trí thức kêu gọi ông làm gương cho cấp dưới công khai tài sản để nhân dân giám sát, theo đúng một quy định của Đảng, ông lại phớt lờ và né tránh. Sau đó, nhân dịp họp cử tri, ông lại gửi đi một thông điệp mơ hồ rằng “kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân”. 

 

Có thể chẳng phải ông có của chìm của nổi gì để giấu diếm, mà vì hơn ai hết, ông hiểu rõ việc người đứng đầu công khai tài sản sẽ có hiệu ứng domino. Cấp dưới của ông, bao gồm hơn chục Ủy viên Bộ Chính trị, gần 200 Ủy viên Trung ương và hàng ngàn quan chức cấp tỉnh sẽ không có cách nào để che giấu tài sản của họ trước hàng triệu con mắt dò xét của công chúng ngoài việc kê khai gian dối để rồi dễ dàng bị bóc mẽ. Đó sẽ là cơn hồng thủy chính trị cuốn bay chút chính danh đạo đức cuối cùng còn sót lại của Đảng Cộng sản. Sự nêu gương của ông Trọng, bởi thế, chỉ nửa chừng, gắn liền với những giai thoại về sự giản dị của bản thân rồi sẽ xuống mồ cùng với ông, thay vì giúp xây dựng hoặc duy trì những thiết chế thúc đẩy minh bạch có thể tồn tại lâu dài ngay cả khi ông còn nữa.

 

Cũng không nên lấy làm lạ khi cách nêu gương của ông vẫn chiếm được cảm tình của một bộ phận công chúng. Cách đây gần 100 năm, học giả-nhà báo Phan Khôi, đại diện nổi bật của tinh thần canh tân duy lý, đã mạnh mẽ phê phán cách mà dân chúng và sĩ phu An Nam đánh giá quan chức. Phan Khôi lấy làm kỳ quặc việc khen chê một ông quan chỉ ở chỗ ông ấy có ăn hối lộ hay không. Bởi lẽ, theo ông, không ăn hối lộ là đòi hỏi tối thiểu nơi người làm quan, cũng như không ăn trộm ăn cướp là đạo đức tối thiểu của người làm dân. Theo Phan Khôi, chẳng ai khen một người dân vì không ăn trộm ăn cướp, hà cớ gì khen một ông quan vì không ăn hối lộ. Khen ngợi quan chức lẽ ra phải ở những điều kinh bang tế thế mà người đó đã làm để đem lại ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Nếu chỉ chăm chăm chuyện không ăn của đút lót thì lời khen ấy không phải là phước phần mà là chỉ dấu tai họa cho xã hội, vì đa phần quan chức tham ô quá nên chỉ cần không ăn hối lộ là đủ để được ngợi khen. 

 

100 năm trước đã thế, giờ cũng như thế, thì có gì làm lạ?

 

 

Ông Trọng & quyền lực

 

Trên đỉnh cao quyền lực của Đảng Cộng sản, ông Trọng là người thứ ba, sau Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, qua đời khi tại nhiệm. Trong khi hai lãnh tụ cộng sản tiền bối không hề bị giới hạn nhiệm kỳ bởi bất kỳ quy định nào để có thể cầm quyền suốt đời, ông Trọng, trái lại, đã bất chấp Điều lệ Đảng để làm điều này, dù không ai răn dạy đồng chí việc tuân thủ Điều lệ Đảng nhiều bằng ông, trong tư cách Đảng trưởng.

 

Ông Trọng và những người ủng hộ đã đưa ra những lý do để biện minh cho sự vi phạm Điều lệ Đảng này. Với ông Trọng, ông từng trả lời báo giới sau Đại hội XIII (2021) rằng mặc dù nhận thức được bản thân tuổi cao, sức yếu, năng lực có hạn nhưng Đảng và nhân dân giao phó thì không thể thoái thác. Tương tự, với những người đang thương tiếc ông Trọng vì đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng đến hơi thở cuối cùng, họ tin rằng ông Trọng có quyền vi phạm Điều lệ Đảng để tiếp tục cầm quyền vì những gì ông đã làm được và uy tín của ông trong Đảng và nhân dân. 

 

Nhìn ra thế giới, những lý lẽ này thực kém sức thuyết phục.

 

Sau khi dẫn dắt Cách mạng Mỹ thành công hơn 200 năm trước, Tổ phụ Lập quốc kiêm Tổng thống đầu tiên Washington đã từ chối lời kêu gọi của công chúng tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba vì không muốn gửi một thông điệp sai lầm đến công chúng rằng tổng thống nên cầm quyền đến chết, mặc dù ông chắc thắng nếu chịu ra tranh cử, ở thời điểm mà Hiến pháp Mỹ chưa hề quy định giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống.

Hay gần đây là hơn Tổng thống Biden, dù chậm trễ nhưng cuối cùng cũng đã nhận ra giới hạn về tuổi tác và sức khỏe của mình để có lựa chọn sáng suốt là đứng qua một bên cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo bước tới.

 

Không phải chỉ ở nước phát triển như Mỹ, điều tương tự cũng xảy ra ở những nước có trình độ phát triển kém hơn. Tổng thống Brazil Lula da Silva, sau hai nhiệm kỳ với vô số thành tựu kinh tế và uy tín to lớn trong nhân dân, đã bác bỏ ý tưởng của đảng cầm quyền và những người ủng hộ tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp bằng cách sửa đổi Hiến pháp. Ông đã có một phát biểu để đời lý giải cho quyết định của mình“Tôi không bao giờ chấp nhận ý tưởng về một nhà lãnh đạo nghĩ rằng mình không thể bị thay thế. Khi nhà lãnh đạo nghĩ rằng mình không thể bị thay thế chính là lúc chúng ta bắt đầu thấy ló dạng một kẻ độc tài, hoặc là nảy nòi một chế độ độc tài.”

 

Nhận thức về những giới hạn của đời người để hòa giải và rồi hóa giải sự thúc bách cám dỗ của khát khao quyền lực, những lãnh đạo kể trên đã quyết định bước xuống để nới rộng chân trời cho những thế hệ kế tiếp. Họ đều đã nêu gương tốt về sự tuân thủ luật chơi và khiến cho những lãnh đạo kế tiếp phải nghĩ kĩ hơn nếu muốn thành biệt lệ. Trái lại, những lãnh đạo sau thời ông Trọng hoàn toàn có lý do để tiếp bước ông dẫm lên giới hạn nhiệm kỳ và cầm quyền suốt đời.

 

Ở nơi tột đỉnh quyền thế, người ta có thể phải thường xuyên trả lời những câu hỏi cho bản thân mình về cách ứng xử nên có trước tiền bạc và quyền lực. Tấm gương ông Trọng để lại trong tư cách lãnh đạo tối cao có thể có vài mảng sáng ở khả năng tự chế trước tiền bạc, song lại tăm tối vô cùng khi soi chiếu vào quyền lực. 

 

nguyenanhtuan's blog






No comments:

Post a Comment

View My Stats