Monday 29 July 2024

CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU? (Krishna Trần / Báo Tiếng Dân)

 



Chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ đâu?

Krishna Trần  -  Báo Tiếng Dân

28/07/2024

https://baotiengdan.com/2024/07/28/chan-hung-phat-giao-bat-dau-tu-dau/  

 

Đàn áp hay không đàn áp?

 

Một anh bạn tôi quen ở tòa lãnh sự Việt Nam tại San Francisco nói với tôi qua điện thoại: “Ông Minh Tuệ có lẽ là người đắc quả A La Hán rồi anh ạ!”

 

Câu nói của anh ấy khẳng định hơn về điều mà tôi quan sát và kết luận khi theo dõi vụ tu sĩ hành giả Minh Tuệ, đó là nhà cầm quyền Việt Nam đã giải quyết việc này khá ổn. Họ giải quyết được nỗi lo ngại thường trực là không kiểm soát được đám đông, cùng với ý định thu phục cảm tình của dân chúng trong sự ngưỡng mộ của họ đối với ông Minh Tuệ.

 

Có lẽ họ quan sát rất kỹ phản ứng của dư luận dân chúng lẫn giới học giả trong và ngoài nước, nhất là sau sự phản ứng vụng về của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tuyên bố rằng ông Minh Tuệ không phải tu sĩ Phật giáo (cơ khổ, ông ấy có nói ông ấy là tu sĩ đâu!)

 

Ý kiến của tác giả Hoang Thi Ha từ Singapore trên trang Fulcrum, có lẽ cũng được nhà cầm quyền lắng nghe. Tác giả viết rằng: “Thay vì cấm hẳn một sự việc mà họ không kiểm soát được, nhà cầm quyền có thể dựa vào đó mà nói rằng Việt Nam có tự do tôn giáo, từ đấy mà thanh toán sự nhũng lạm của hệ thống Phật giáo trong nước. Điều đó sẽ làm cho họ gần với dân chúng, những người đang ngưỡng mộ vị hành giả, và đang tìm kiếm sự khám phá chính mình”.

 

Nhận xét của tôi có lẽ trái ngược với nhiều người tại hải ngoại. Sau khi ông Minh Tuệ đồng ý ngừng khất thực với nhà cầm quyền, và đám đông đi theo ông bị giải tán, tại hải ngoại nổi lên hai bức thư, của dân biểu tiểu bang California Tạ Đức Trí và của bà dân biểu liên bang Michelle Steel, yêu cầu nhà cầm quyền ngừng đàn áp ông Minh Tuệ.

 

Theo tôi thì những người này không cảm nhận được hết tình cảnh trong nước. Việt Nam dưới lăng kính của họ có một lằn ranh rõ rệt trắng đen. Sự thật về xã hội Việt Nam hiện nay phức tạp hơn như thế.

 

Chấn hưng như thế nào với Phật giáo trong nước?

 

Thời gian diễn ra “hiện tượng” Minh Tuệ đã đủ dài, để cho ta có kết luận rằng “hiện tượng” này là một phản ứng của một xã hội đang khao khát những hành vi đạo đức liêm chính, trong đó có đông đảo phật tử Việt Nam ngao ngán trước cảnh chùa to tượng lớn tốn kém vô số kể, và sự nhũng lạm của một số tu sĩ.

 

Có lẽ không phải ngẫu nhiên rằng sau khi vụ Minh Tuệ gần như kết thúc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định kỷ luật một loạt các tăng sĩ dưới quyền của Giáo hội.

 

Tuy nhiên việc chấn hưng Phật giáo trong nước không thể hoàn tất từ vài quyết định kỷ luật như thế, nhất là giáo hội trong nước vẫn chịu hoàn toàn sự chi phối của đảng chính trị cầm quyền. Một tôn giáo vốn rất mềm dẻo như Phật giáo, nay lại đặt trong một “hệ thống có tổ chức” (nói cho đẹp), hay nói khác hơn là một hệ thống quan liêu, với các quan Phật giáo thay vì các nhà lãnh đạo tinh thần và tâm linh. Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng thì là ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo chính là kết quả của hệ thống quan liêu ấy.

 

Tuy nhiên, với thế đứng của một người bên ngoài Việt Nam, tôi xin nhường việc phân tích hay bình luận những vấn đề của Phật giáo trong nước, cho người trong nước.

 

 

Thế còn Phật giáo hải ngoại?

 

Tại hải ngoại không có Mặt trận Tổ quốc, lẫn sự kiểm soát của đảng cầm quyền đối với Phật giáo.

 

Tự do như vậy thì liệu Phật giáo Việt Nam hải ngoại có cần chấn hưng hay không? Hay tất cả đều hoan hỉ?

 

Tuy bề ngoài có vẻ khác nhau, về mặt tên tuổi, quan điểm chính trị, đa số các chùa chiền, tăng đoàn trong nước đứng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý, trong khi đó đa số chùa chiền, tăng đoàn tại hải ngoại mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng sự hoạt động của các chùa, các cộng đồng phật tử trong và ngoài nước không khác nhau là mấy.

 

Có hai lý do cho chuyện giống nhau này. Thứ nhất là đa số chùa chiền trong lẫn ngoài nước đều theo pháp môn Tịnh Độ, sử dụng tha lực (lực bên ngoài) như là tụng kinh gõ mõ, lời giáo huấn của các vị sư, niềm tin, chứ không mang tính tranh luận, triết lý.

 

Điều thứ hai là rất đông các tu sĩ tại hải ngoại cũng đến từ trong nước trong thời gian hai chục năm gần đây. Những tăng sĩ này học hành và lớn lên hoàn toàn trong khung cảnh sinh hoạt Phật giáo trong nước, nằm dưới sức nặng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước Việt Nam quản lý.

 

Vì thế Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng mang hoàn toàn hình thức lẫn nội dung của một truyền thống Phật giáo mang đậm màu sắc giai đoạn triều Nguyễn, triều đại vua chúa cuối cùng của Việt Nam, thời mà các vị sư được vua chúa sủng ái, thời mà trật tự Khổng giáo cũng lên đến đỉnh cao của lịch sử Việt Nam.

 

Nếu trong nước có nhiều vụ bê bối liên quan đến chùa chiền và các vị sư, thì hải ngoại cũng không ngoại lệ. Sự kiện gần đây nhất, và cũng chưa kết thúc, là vụ bê bối ở chùa Bát Nhã, miền Nam California. Trong vụ này sư cô trụ trì đi vay tiền rồi không trả, kết quả là một trong những ngôi chùa lớn nhất và giàu có nhất của người Việt hải ngoại bị phát mãi.

 

Nếu trong nước có khuynh hướng xây chùa to tượng lớn, thì tại hải ngoại cũng tượng lớn chùa to. Đạo Phật vốn là một tôn giáo và triết lý gần gũi với thiên nhiên, nhưng hiện nay, Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại, trở thành một động lực góp phần tàn hại môi trường qua các hành động phá rừng xây chùa, đào núi lấy đá tạc tượng. Nói không ngoa rằng khung cảnh chùa chiền trong nước lẫn hải ngoại dần dần trở thành những… Disney Land. Các chùa ở hải ngoại có đỡ hơn một chút vì phải qua quy trình đánh giá tác động môi trường của nước sở tại, nhưng việc chuyên chở hàng ngàn bức tượng bằng đá tự nhiên từ Việt Nam, hay từ Trung Quốc sang, góp phần không ít vào lượng xăng dầu tiêu thụ, khí thải phát ra, tốn kém vô kể.

 

Phản ứng của cộng đồng Phật giáo hải ngoại trước “hiện tượng” tu sĩ hành giả Minh Tuệ cũng khá giống cộng đồng Phật giáo trong nước. Đa số các tu sĩ tán thán công hạnh của hành giả Minh Tuệ, một số vị sư lại lên tiếng phản bác, lo ngại rằng hành giả Minh Tuệ làm cho phật tử không cúng dường chùa chiền nữa. Lo ngại này cũng có phần đúng, một công ty tin học tại Hà Nội quyết định thay đổi truyền thống đi cúng chùa hàng tháng, thay vào đó là đưa ngân quỹ này giúp đỡ các bệnh viện. Một số nhà sư, trong nước cũng như hải ngoại còn đi đến một thuyết âm mưu rằng, hành giả Minh Tuệ là công cụ của một thế lực nào đó đánh phá … Phật giáo (sic).

 

Bắt đầu từ đâu?

 

Một cựu giáo sư đại học sống ở miền Bắc California và cũng là một phật tử thuần thành, có lần nói với tôi rằng, ông đã làm các vị tăng ni sửng sốt khi nói trong một cuộc họp mặt rằng, ba ngôi tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) hiện nay chỉ còn có hai, vì ngôi Tăng đã rệu rã, vì các vị tăng sĩ không được học hành đến nơi đến chốn, cả Phật pháp lẫn kiến thức tự nhiên và xã hội.

 

Điều đáng ngại là khi một số vị tăng sĩ giảng sang cả những lĩnh vực mà họ tưởng rằng họ am tường. Có lần tôi chứng kiến một vị sư Việt Nam ở Mỹ nói rằng, người già thì ngủ nhiều hơn. Một phật tử đưa ra câu hỏi hoài nghi và bị trấn áp ngay. Không thấy vị phật tử này đến ngôi chùa đó nữa.

 

Ảnh hưởng của trật tự phong kiến Khổng giáo trong pháp môn Tịnh độ của Phật giáo Việt Nam cũng là một trở ngại không ít. Các tăng sĩ trẻ, dù có học thức cũng phải chịu quyền điều khiển của các vị cao tuổi hơn, nhưng ít học hơn. Một vị sư kể với tôi rằng, tại một tu viện ở California, một ni cô trẻ tuổi vốn là một kỹ sư máy tính, không thể làm gì được khi có các quyết định sai của các bậc trưởng thượng. Một quyết định như vậy làm cho tu viện này bị địa phương phạt hàng trăm ngàn Mỹ kim. Đây cũng là một trong những lý do làm cho Phật giáo hải ngoại có hiện tượng “nhất tự nhất sư”, tức là vị tăng ni nào cũng thích lập chùa, một mình một cõi.

 

Truyền thống Tịnh Độ với việc sử dụng phương tiện bên ngoài cá nhân (tha lực), cũng cản trở rất nhiều sự tiếp cận của Phật giáo đối với thế hệ trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ. Những người này chịu ảnh hưởng nhiều từ suy nghĩ của người phương Tây, tức là phải thấy và được thuyết phục trước thì mới tin (chả phải đức Phật cũng đã từng nói như vậy sao!). Thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại cũng sẽ như thế. Họ sẽ không tin khi các nhà sư không thuyết phục được họ, tệ hơn là những lời giảng đi ngược lại với khoa học. Các tăng ni người Việt tại hải ngoại sẽ đối diện với một lớp người Việt trẻ tuổi có học thức hơn cha mẹ họ di cư từ Việt Nam qua rất nhiều. Đó là chưa kể rào cản ngôn ngữ. Rất đông các tăng ni ở các chùa Việt di cư từ Việt Nam qua theo dạng visa tôn giáo, khả năng Anh ngữ của họ không cao.

 

Tuy nhiên cũng có những tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại. Khi vụ chùa Bát Nhã bị phát mãi bùng nỗ, thượng tọa Đạo Quảng (ông có bằng tiến sĩ tâm lý học tại Mỹ), trụ trì một ngôi chùa ở Louisiana, nói với tôi rằng, các ngôi chùa cần có một cơ chế kiểm soát (ông dùng từ check and balance) để hạn chế những hành động sai. Ông cũng nói rằng ,các tăng ni ở Mỹ nên xem xét lại sự mơ hồ của họ về việc “sỡ hữu” các ngôi chùa, vì các tăng ni là những người dẫn dắt tinh thần chứ không phải là chủ sở hữu.

 

Khi xảy ra hiện tượng Minh Tuệ, thượng tọa Đạo Quảng nói với tôi rằng, việc đó làm cho các tu sĩ ở hải ngoại xét lại cuộc sống dư thừa vật chất của mình. Ông cho biết, một tu sĩ trẻ nói với ông rằng vị này quyết định không mua xe mới nữa, sau khi theo dõi câu chuyện sư Minh Tuệ.

 

Ảnh hưởng của Khổng giáo trong Phật giáo Việt Nam cũng làm cho tình trạng kỳ thị phụ nữ trong tăng đoàn khá nghiêm trọng. Một vị hòa thượng nêu ý kiến rằng, phật tử không được quy y với các vị ni sư. Điều đáng mừng là vai trò của các vị ni trong tăng đoàn tại hải ngoại đã khá hơn trước, nhất là vai trò của các ni trong tăng đoàn Làng Mai do cố thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập. Một người bạn của tôi tại Thụy Sĩ quy y với một ni sư của pháp môn Làng Mai, cho biết.

 

Để kết thúc, xin dẫn lời thượng tọa Đạo Quảng nói với tôi sau vụ chùa Bát Nhã tại Nam California: Đây là lúc phải cải cách và thay đổi, nếu không thì là lúc nào?






No comments:

Post a Comment

View My Stats