Monday, 29 July 2024

HUMAN RIGHTS WATCH YÊU CẦU CHÍNH PHỦ ÚC ÁP LỰC VIỆT NAM CHẤM DỨT VI PHẠM NHÂN QUYỀN (VOA Tiếng Việt)

 



HRW yêu cầu chính phủ Úc gây sức ép để Việt Nam chấm dứt vi phạm nhân quyền

VOA Tiếng Việt

29/07/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7717122.html

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 29/7 cho biết họ đã gửi một tờ trình cho chính phủ Australia và yêu cầu “gây sức ép” với chính quyền Việt Nam trong các cuộc gặp sắp tới tại sự kiện Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần thứ 19 diễn ra vào ngày 30/7 tại Canberra.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-d048-08dc453a55d3_cx0_cy3_cw0_w1023_r1_s.jpg

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) Thủ tướng Úc Anthony Albanese trao đổi tài liệu trong buổi lễ ký kết nâng cấp quan hệ Việt - Úc tại Canberra, ngày 7/3/2024.

 

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 29/7 cho biết họ đã gửi một tờ trình cho chính phủ Australia và yêu cầu “gây sức ép” với chính quyền Việt Nam trong các cuộc gặp sắp tới tại sự kiện Đối thoại Nhân quyền Australia – Việt Nam lần thứ 19 diễn ra vào ngày 30/7 tại Canberra.

 

“Trong hai thập niên qua, Australia đã tổ chức 18 cuộc đối thoại nhân quyền hầu như vô hiệu với Việt Nam và cần có cách tiếp cận mới”, bà Daniela Gavshon, Giám đốc quốc gia Australia của HRW nói trong thông cáo. “Thay vì tiếp cận theo kiểu thụ động về nhân quyền, chính phủ Australia nên gây sức ép để có những cải tổ mang tính hệ thống, dựa trên các mốc đánh giá rõ ràng.”

 

Tổ chức theo dõi nhân quyền toàn cầu cũng nhắc lại những thành tích tiêu cực của Việt Nam về nhân quyền, bao gồm hơn 160 người đang bị giam giữ vì lên tiếng phê phán chính quyền, việc các nhà hoạt động môi trường đang trở thành đối tượng bị chính quyền nhắm tới, đứng thứ 3 thế giới về số lượng nhà báo bị cầm tù...

 

HRW khuyến nghị chính phủ Úc cần tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm: phóng thích các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ tùy tiện; chấm dứt đàn áp các nhà hoạt động môi trường; tôn trọng quyền của người lao động; bảo đảm trình tự tố tụng công bằng đối với các nghi can và bị cáo hình sự; và chấm dứt đè nén quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

 

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia vừa được nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 3 khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến thăm Canberra theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

 

Trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ, hai bên “tái khẳng định cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền con người phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy và đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ chế liên quan”, đồng thời cam kết “tiếp tục duy trì đối thoại chân thành, thẳng thắn và xây dựng, bao gồm thông qua cơ chế Đối thoại nhân quyền thường niên”, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

 

“Chính phủ Australia không cho biết nhiều về các vấn đề nhân quyền đã nêu với phía Việt Nam trong các cuộc đối thoại trước, nhưng rõ ràng những cuộc đối thoại đó không có tác động gì mấy”, bà Gavshon đưa ra nhận định trong thông cáo.

 

Đại diện của HRW đề nghị chính phủ của Thủ tướng Albanese hãy có cách tiếp cận hiệu quả hơn với Hà Nội về vấn đề nhân quyền bằng cách “đặt nhân quyền vào vị trí trung tâm trong tất cả các cuộc thương lượng với chính phủ Việt Nam” thay vì chỉ giới hạn trong một cuộc đối thoại song phương thường niên tách biệt và “không mấy quan trọng”.

 

Việt Nam thường xuyên bị một số chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền chỉ trích về tình trạng vi phạm nhân quyền.

 

Hôm 22/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền năm 2023, nói rằng chính quyền Việt Nam vẫn không có thay đổi đáng kể nào về nhân quyền. Báo cáo của Mỹ ghi nhận vẫn có những vi phạm tại Việt Nam như tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện; thực hiện những hành động trả thù vì động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, hạn chế nghiêm trọng tự do Internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội...

 

Hà Nội sau đó lên tiếng bác bỏ vi phạm nhân quyền, nói rằng báo cáo của Mỹ “tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam” và khẳng định chính sách nhất quán của mình là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

 

Việt Nam hiện đang kêu gọi các nước ủng hộ để tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026 - 2028. Tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 26/2, tại Geneva, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã đưa ra kêu gọi này và khẳng định những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người, trang tin của Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats