Saturday 27 July 2024

MỸ CỦNG CỐ CĂN CỨ Ở MIỀN BẮC ÚC LÀM TIỀN ĐỒN HƯỚNG RA BIỂN ĐÔNG (Thu Hằng / RFI)

 


Mỹ củng cố căn cứ Miền Bắc Úc làm tiền đồn hướng ra Biển Đông  

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 26/07/2024 - 14:19     Sửa đổi ngày: 26/07/2024 - 14:51

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240726-m%E1%BB%B9-c%E1%BB%A7ng-c%E1%BB%91-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-mi%E1%BB%81n-b%E1%BA%AFc-%C3%BAc-l%C3%A0m-ti%E1%BB%81n-%C4%91%E1%BB%93n-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-ra-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Quân đội Mỹ đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền bắc nước Úc nhằm giúp họ triển khai lực lượng ở Biển Đông nếu xảy ra khủng hoảng với Trung Quốc. Thông tin được hãng tin Anh Reuters đăng ngày 26/07/2024 sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu và phỏng vấn một số quan chức quốc phòng Mỹ và Úc.

 

HÌNH :

(Ảnh minh họa) - Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đến căn cứ Darwin của Úc ngày 04/04/2012. REUTERS/Australian Department of Defence

 

Hải quân Mỹ có lực lượng đồn trú luân chuyển 6 tháng một lần ở quân cảng Darwin. Cách cảng này hơn 300 km về phía nam là căn cứ Không quân Tindal (RAAF Base Tindal), nơi đồn trú tạm thời của máy bay Mỹ trong các cuộc tập trận Pitch Black. Dựa vào kết quả phân tích các văn bản đấu thầu, hãng tin Anh cho biết nhiều công trình được Mỹ âm thầm xây dựng tại hai căn cứ này để hỗ trợ máy bay ném bom B-52, chiến đấu cơ tàng hình F-22, máy bay tiếp nhiên liệu.

 

Cụ thể, nhiều phòng họp để phổ biến tin tình báo, nhà kho, trung tâm dữ liệu và nhà chứa máy bay bảo dưỡng, đường băng được nâng cấp cho máy bay ném bom… đang được xây dựng. Rất nhiều kho dự trữ nhiên liệu lớn cũng đã hoàn tất, theo lời một số quan chức với Reuters trong một chuyến thăm hiếm hoi. Các dự án, theo dự kiến ​​được thi công năm 2024 và 2025, sẽ biến miền bắc Úc thành địa điểm nước ngoài được Không quân và Hải quân Hoa Kỳ đầu tư xây dựng nhiều nhất.

 

Úc trở thành nước có vị trí quan trọng trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lựa chọn này là điều dễ hiểu, theo đại tá Brian Mulvihill, chỉ huy Lực lượng luân phiên Hải quân Mỹ, « nếu nhìn vào vị trí của miền bắc Úc, đặc biệt là cảng Darwin », vì khu vực này nằm gần Philippines hơn cả thủ đô Canberra ở bờ đông nước Úc.

 

Theo Reuters, Hoa Kỳ còn dự kiến nhiều dự án khác trong khuôn khổ củng cố sức mạnh chống Trung Quốc. Ví dụ vào tháng 6/2024, Hải quân Mỹ gọi thầu cho các dự án lên tới 2 tỷ đô la để xây dựng cầu cảng, đường băng, kho nhiên liệu và nhà chứa máy bay tại nhiều khu vực khác trong vùng, như quần đảo Cocos của Úc và ở các nước láng giềng Papua New Guinea, Timor Leste,

 

Đây là những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm phân bổ lực lượng ra khắp khu vực, chứ không chỉ tập trung tại những căn cứ truyền thống ở Thái Bình Dương, như ở Guam và Okinawa, để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. Chính quyền Canberra khẳng định « tất cả các căn cứ đều là của Úc, nhưng có thể được các đối tác quốc tế sử dụng », do việc nước ngoài có căn cứ trên lãnh thổ Úc là một vấn đề chính trị nhạy cảm ở Úc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Phải chăng quân cảng Ream tại Cam Bốt bắt đầu trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc ở hải ngoại?

 

PHILIPPINES - HOA KỲ

Philippines loại trừ khả năng mở rộng thêm các căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ

 

PHÂN TÍCH

Philippines xác nhận cho Mỹ dùng thêm căn cứ quân sự gần Biển Đông và Đài Loan

 

 








No comments:

Post a Comment

View My Stats