Friday 30 November 2012

KHẤU ĐẦU hay HỢP TÁC Ở CHÂU Á ? (Yuriko Koike)





Người dịch: Hu Zi
30-11-2012

TOKYO - Khi chuyến đi thăm nước ngoài đầu tiên của tổng thống Mỹ Obama sau khi tái đắc cử là châu Á, người ta có thể chắc chắn rằng ở Châu Á đang có sự chuyển biến lớn. Thật vậy, ông Obama đã quyết định tới thăm Miến Điện - một quốc gia nghèo khó bị cô lập lâu nay trên trường quốc tế đã minh chứng cho những biến đổi to lớn đang diễn ra ở nước này, cũng minh chứng cho thấy nước Mỹ đã nhận thức được người khổng lồ trong khu vực là Trung Quốc đang nỗ lực bắt Châu Á khấu đầu về kinh tế và chính sách ngoại giao.

Trạm dừng chân quan trọng tiếp theo của ông Obama tại Phnom Penh nhân sự kiện hội nghị lãnh đạo thượng đỉnh Asean và Đông Á đã khẳng định điều này. Ở hội nghị thượng đỉnh các nước Asean, thủ tướng nước chủ nhà Cam Bốt là Hun Sen, kẻ đã cai trị đất nước của ông ta trong 30 năm qua với chính sách bàn tay sắt đã phát biểu trong diễn văn bế mạc hội nghị rằng, tất cả lãnh đạo các quốc gia trong khối ASEAN đều đồng thuận không “Quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Thủ tướng Trung Quốc là Ôn Gia Bảo có mặt tại hội nghị đã nở nụ cười nhẹ nhàng cùng cái gật đầu, trong thời gian hội nghị ở Phnom Penh, ông Ôn cùng Hun Sen đã ký kết những hiệp định thương mại mới giữa hai bên với những khoản tiền cho vay khổng lồ nhiều triệu USD đã được đổ vào Cam Bốt.

Sự việc không nhanh như thế, ngay trong hội nghị thì thủ tướng Phi là Benigno S. Aquino III đã nói rằng họ không đạt được hiệp nghị nào như vậy giữa tất cả các nước thành viên ASEAN. Hun Sen đã truyền đạt sai lệch những kết quả hội đàm giữa các nhà lãnh đạo với nhau. Thủ tướng Nhật Bản là Yoshihiko Noda cũng hiện diện tại Phnom Penh, đồng ý với lời nói của Aquino. Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore tham gia với Aquino yêu cầu Hun Sen sửa đổi, bổ sung bản tuyên bố chung. Các nước này đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc đàm phán đa phương với ASEAN để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Trong khi đó đối thủ to lớn hơn họ gấp nhiều lần là Trung Quốc lại khăng khăng chỉ muốn đàm phán song phương để giải quyết vấn đề.

Hành động của Hun Sen đã chứng minh một điều: nước nào quá phụ thuộc vào viện trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc sẽ có sự điều chỉnh chính sách. Trong hơn 20 năm qua, những hành động của Miến Điện và Cam Bốt không có sự khác biệt nào cả, cho tới lúc Trung Quốc chơi trò chơi hơi quá tay, nhất là gần đây Miến Điện đã hủy bỏ dự án đập thủy điện Myitsone, tiết lộ mối quan hệ mật thiết với dã tâm bừng bừng của Trung Quốc. Trên thực tế, sự ngạo mạn của Trung Quốc - thể hiện ở việc họ muốn đưa 100% sản lượng điện của đập Myitsone xuất sang Trung Quốc đã thúc đẩy nhanh hơn tiến trình dân chủ hóa ở Miến Điện, bắt đầu mở cửa và là một nhân tố mới tích cực tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa.

Tuy nhiên Châu Á không nên hiểu sai thông điệp từ chuyến thăm của ông Obama. Cho dù nước Mỹ đã nhiều lần khẳng định quay lại Á Châu là chiến lược trọng tâm trong thế kỷ 21, nhưng chỉ dựa vào một mình nước Mỹ thì có vẻ như là hơi quá sức, không thể xây dựng được một cơ cấu an tòan cho khu vực. Từ Ấn Độ tới Nhật Bản, mỗi quốc gia Châu Á đều cần phải là một thành viên trong đó.

Không có một phương án thay thế nào cả, bởi sự trỗi dậy của con rồng Trung Quốc đã kéo theo những thay đổi to lớn về kinh tế và xã hội trên khắp Châu Á, trong một số trường hợp thì đưa lại sự hỗn loạn cho khu vực. Tất nhiên nền kinh tế Châu Á trong mấy chục năm gần đây đã tiến thêm nhiều bước trong tiến trình nhất thể hóa, nhất là thông qua những chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất. Tuy vậy sự nhất thể hóa này lại không xảy ra ở mặt trận ngoại giao. Ngay cả hai nền dân chủ lớn, có lợi ích gần như tương đồng trong khu vực Châu Á là Nhật Bản – Hàn Quốc cũng bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp lãnh thổ, việc này phản ánh xung đột từ những vấn đề do lịch sử để lại – không thể tiến hành hợp tác với nhau một cách thân mật.

Quá trình chuyển giao lãnh đạo một cách lâu dài và hiển nhiên là chưa kết thúc ở Trung Quốc đã bị sự kiện Bạc Hy Lai làm gián đoạn cùng với quá trình thanh lọc phe cánh của ông ta đã cho thấy con đường mà tầng lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn dắt Trung Quốc trên con đường trỗi dậy trở thành siêu cường không phải là quá chắc chắn. Điều này làm tăng sự thiếu vắng của một cơ chế được các quốc gia trong khu vực Châu Á chấp nhận rộng rãi và càng ngày càng nguy hiểm.

Trật tự quốc tế được định hình thông qua sự đồng thuận hoặc bằng những giải quyết vũ lực. Nhiệm vụ lớn cho Obama, chủ tịch nước sắp tới của Trung Quốc – Tập Cận Bình, thủ tướng Ấn Độ Singh cũng như lớp lãnh đạo mới của Nhật Bản và Hàn Quốc sau cuộc bầu cử vào tháng 12 tới, cũng như những nước thành viên Asean khác cần phải giải quyết là đảm bảo sự đồng thuận chiếm ưu thế ở Châu Á và không làm cho nỗi lo sợ bị bao vây bởi chiến lược chuỗi đảo của Trung Quốc thêm trầm trọng

Tất cả các quốc gia Châu Á đều cần biết rằng, bất kể lúc nào chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa, nó đều tìm đến vũ lực làm phương cách giải quyết – Chiến tranh Triều Tiên 1950, chiến tranh biên giới Trung - Ấn 1962, chiến tranh Xô – Trung 1969 và chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979. Nhưng nỗi sợ hãi khiêu khích Trung Quốc không nên ngăn cản giới lãnh đạo các quốc gia Châu Á tìm được sự đồng thuận trong vấn đề an ninh cho khu vực. Ví dụ như cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Chỉ có những quốc gia hèn yếu nhất Châu Á mới cho rằng nên can tâm tình nguyện khấu đầu trước sự bá quyền của Trung Quốc - hoặc lo lắng về một cuộc chiến tranh lạnh do Mỹ dẫn đầu để chống lại Trung Quốc.

Thật vậy, các quốc gia Châu Á cần phải lựa chọn quan điểm về một Trung Quốc tương lai hay nước Mỹ tương lai là sai lầm. Nhưng sự lo lắng của Châu Á đối với chủ nghĩa bá quyền cũng như sự bao vây về quân sự của Trung Quốc có được hóa giải không?

Chỉ có chia sẻ nhận thức về theo đuổi sự đồng thuận chung mới có thể tránh cho cả khu vực bị quân sự hóa. Đã có thể nhìn thấy bước tiến đầu tiên của quá trình này. Hoa Kỳ đã tham gia mời một số nước khác tham gia vào mối quan hệ đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương Trans-Pacific Partnership – một khối tự do thương mại liên kết Mỹ và các nước Châu Á. Đảng cầm quyền của Nhật Bản và đảng đối lập hàng đầu đều ủng hộ hiệp định này, Obama đang mời Trung Quốc tham gia hiệp định như là một động thái chứng minh nước Mỹ đang tiến hành tạo nên sự đồng thuận ở nơi mà nó có thể.

Tuy nhiên ở trước mắt thì Trung Quốc đã có biện pháp khác, Trung Quốc cùng ASEAN thúc đẩy thành lập khu vực mậu dịch tự do phi thuế quan CAFTA mà không có sự tham gia của Mỹ và Nhật Bản.

Bất luận thế nào, những hiệp định tự do thương mại có to lớn thế nào chăng nữa, cũng không thể làm biến mất những tranh chấp chủ quyền ở khu vực Châu Á, ở vấn đề này – kẻ đầu sỏ làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực, những mục tiêu chung không những là có thể, mà việc duy trì hòa bình là điều kiện cần thiết. Suy cho cùng, Châu Á không có quốc gia nào – cho dù đó là những thể chế dân chủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi hay những quốc gia độc đảng chuyên chế như Trung Quốc, Việt Nam hay chế độ quân chủ lập hiến nhỏ bé như Brunei – có thể tiếp tục tồn tại khi mặc nhiên thừa nhận những vấn đề như vậy.

Chủ nghĩa ngoại giao hiện thực không nhất định là dẫn đến kết quả bằng không, quá trính nhất thể hóa Âu Châu là một minh chứng. Cũng như ngành sản xuất than đá và thép của Châu Âu hiện đã nhất thể hóa, tất cả các nước Châu Á đều được hưởng lợi từ việc tiếp cận và chia sẻ nguồn tài nguyên phong phú từ đại dương ( mà không có bất kì sự tuyên bố từ bỏ chủ quyền nào), mặc dù điều này có thể chính là ngòi nổ của những tranh chấp trong khu vực.


[Tác giả Yuriko Koike là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản (July 4, 2007 – August 27, 2007), Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên của Thủ tướng Nhật (September 26, 2006 – July 4, 2007), nguyên Chủ tịch Đảng Tự do tại Quốc hội, đương kim lãnh đạo khối đối lập ở Quốc hội Nhật Bản].


Nguồn tiếng Trung: 亚洲,是叩头还是合作? Tiếng Anh: Kowtow or Cooperation in Asia?


Nguồn: Khấu đầu hay là hợp tác ở châu Á? Hu Zi. Facebook.Tuesday, November 27, 2012






LÝ TƯỞNG CỘNG SẢN CÓ CÒN KHÔNG TRONG GIỚI LÃNH ĐẠO ĐẢNG CSVN ? (Le Nguyen - Danlambao)




1-12-2012

Thời đại tin học, không khó để cho chúng ta tiếp cận số lượng lớn thông tin trung thực nhanh nhạy, đa chiều và chuyện bưng bít thông tin, tuyên truyền dối trá như nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev nói “...cộng sản chỉ có tuyên truyền và dối trá...” là sự thật cộng sản không có gì lạ, không có gì để bàn cãi. Thế nhưng như chúng ta thấy, nói theo ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam “... một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên...” đã bị một số lớn lãnh đạo đảng lợi dụng sự ngu dốt lẫn cuồng tín cộng sản quăng ra một cục xương thừa cho đám thuộc hạ để mua chuộc sự trung thành mù quáng, bảo vệ lý tưởng “ảo”nhằm phục vụ cho tham vọng quyền lực lẫn quyền lợi cho đám tàn dư cộng sản, suy đồi đạo đức thâu tóm.

Hẳn chúng ta đã thấy, thực tế hiện tình Việt Nam đã chỉ ra lý tưởng cộng sản chỉ còn tồn tại trên đầu môi chót lưỡi chứ không còn hiện hữu trong tư tưởng của một bộ phận rất lớn đám lãnh đạo trung, cao cấp đương thời và lý tưởng cộng sản cũng đã nhạt nhòa trong tư tưởng của nhiều cá nhân cán bộ, đảng viên cộng sản Việt Nam. Thật sự với họ, giá trị cộng sản, lý tưởng cộng sản chỉ còn là cái con c... như tên trung tá công an Vũ Văn Hiền ở thành Hồ xác định, và ý nghĩa cộng sản hiện nay cũng chỉ là tấm bình phong để chúng đấu đá, diễn kịch cho mưu đồ cướp bóc thu tóm quyền lực, quyền lợi về cho băng đảng, phe nhóm, gia dình của riêng chúng.

Phải công nhận, đám tàn dư cộng sản này không ngu đến độ không hiểu cộng sản là gì nhưng hơn ai hết chúng biết còn đảng thì còn mình, còn đảng độc quyền lãnh đạo thì chúng còn quyền còn tiền, tha hồ công khai giết người cướp của nên chúng bám chặt, cấu kết với nhau ra sức bảo vệ bằng mọi giá, kể cả giá máu giá khổ đau của đồng bào mình.

Cũng vì quyền, tiền chúng thi nhau trấn áp những ai chống độc quyền lãnh đạo của đảng, chúng lừa phỉnh những ai còn lưng chừng, chúng tạo ảo tưởng về sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của bác đảng để tìm kiếm sự trung thành của những tên tay sai chuyên nghề điếu đóm. Chúng tưởng tượng, sáng chế thế lực thù địch tuyên truyền chống phá âm mưu lật đổ, chúng lu loa thay đổi chế độ sẽ có tắm máu ra hù dọa tay chân phe nhóm. Chúng diễn giải bôi đen diễn biến hòa bình, về nguy cơ dân chủ đa đảng sẽ hổn loạn, chỉ độc đảng như đảng cộng sản lãnh đạo mới giữ được sự ổn định phát triển, để chúng được còn quyền còn tiền.

Theo chiều hướng cố ra sức bảo vệ độc quyền lãnh đạo nên ai cũng thấy trong biến cố Mùa Xuân Ả Rập, người dân Bắc Phi, Trung Đông tràn xuống đường phố đòi hỏi chính phủ độc tài phải thay đổi, phải bước xuống trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân. Thời gian này hệ thống truyền thông của đảng mở hết công suất khuếch âm gây nhiễu loạn thông tin, ra sức định hướng thông tin chống lại dư luận thế giới ủng hộ các yêu sách đòi hỏi thay đổi chính đáng của người dân Trung Đông Bắc Phi. Chúng phớt lờ sự thật, phớt lờ những mặt tích cực, chúng cho rằng nhu cầu thay đổi chính trị là do âm mưu của nước ngoài xúi dục dựng lên gây mất ổn định đòan kết quốc gia, là bị thế lực thù địch can thiệp vào nội bộ vì quyền lợi dầu hỏa và những người xuống đường chỉ là thiểu số bất mãn, là thành phần xấu, là bọn du thủ du thực, còn đa phần nhân dân sống hạnh phúc, tin tưởng vào sự lãnh đạo tài tình của các ông Ben Ali, Hosni Mubarak, Muammar Qaddafi và sự thật của cái gọi là người dân sống hạnh phúc, yêu mến lãnh tụ, vừa lòng với chế độ đã được phơi bày trần trụi khi các nhà nước độc tài này sụp đổ!

Rời khu vực Trung Đông về lại vùng Đông Nam Á, hẳn chúng ta không quên những cuộc xuống đường biểu tình kéo dài liên tục rầm rộ của hai phe áo đỏ, áo vàng ở nhiều tỉnh thành và ở cả thủ đô Bankok, Thái Lan. Các cuộc biểu tình của hai phe đỏ vàng, từ ôn hòa chuyển sang bạo động gây chết người đến lửa cháy rợp trời tưởng chừng như Vương Quốc Thái Lan sắp rơi vào khủng hoảng chính trị thậm chí như sắp lâm vào nội chiến.

Không bỏ lỡ cơ hội, đảng cộng sản Việt Nam sử dụng các hình ảnh biểu tình bạo động vượt mức luật pháp cho phép, qua loa đài chúng tuyên truyền trong đảng, trong nhân dân về sinh hoạt chính trị dân chủ đa đảng của Thái Lan là nguyên nhân gây bạo loạn và luôn mồm tuyên xưng cái gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa do duy nhất đảng cộng sản lãnh đạo là chọn lựa đúng đắn cho con đường ổn định phát triển kinh tế xã hội?

Thế rồi thời điểm sinh hoạt sôi động ở nghị trường, trên đường phố Thái qua đi, mọi mâu thuẫn xung đột quyền lợi của các thành phần xã hội được thể hiện bằng cách xuống đường biểu tình của người dân đều được giải quyết ổn thỏa đi vào ổn định, giúp cho chính trị dân chủ Thái trưởng thành đi vào chiều sâu dân chủ và quyền bày tỏ thái độ chính trị qua biểu tình cũng đã giúp kinh tế xã hội Thái điều chỉnh khiếm khuyết bất cặp đưa đất nước Thái Lan phát triển công bằng, vững mạnh theo hướng văn minh chung của nhân loại, khiến các loa đài của đảng nhà nước cộng sản Việt Nam phải tắt tiếng không còn lải nhải “đa đảng là loạn!”

Bên cạnh biến động chính trị trong nước dân chủ Thái lan còn có nước Miến Điện, một nước độc tài quân phiệt có nhiều điểm tương đồng với chế độ độc tài cộng sản Việt nam, nó cũng dã man tàn ác không thua kém chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Thế nhưng gần đây thôi, trong lúc giữ chức chủ tịch luân phiên của khối Asean, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi nhà nước độc tài Miến Điện thực hiện triển khai lộ trình dân chủ, tổ chức bầu cử tự do công bằng với nhiều đảng phái tham dự. Đến hôm nay tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã từng bước cải tổ dân chủ nhưng đảng cộng sản Việt nam vẫn còn xếp dưới cuối danh sách các nước độc tài và vẫn còn ì ạch loay hoay đấu đá tranh giành quyền tiền, nhất là vẫn còn toan tính nhiều thủ đoạn thâm độc để đảng cộng sản giữ vững độc quyền lãnh đạo?

Chúng ta cũng thấy trong tham vọng quyền lực và động thái bảo vệ độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản thường sử dụng thói quen có tính toán, đổ vấy cho hành động người dân của bất cứ nước nào đứng lên đòi hỏi quyền lợi chính đáng hoặc quyết liệt hơn xuống đường làm cuộc cách mạng đường phố chúng đều cho rằng có bàn tay của thế lực thù địch nước ngoài âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền chứ không chấp nhận thực tế là một chính quyền không chính danh, không hợp lòng dân, bắn giết dân thì phải bị thay thế.

Thế cho nên, chuyện người dân của các nước Trung Đông, Bắc Phi xuống đường đuổi cổ các tên độc tài xuống giành lại quyền làm chủ đất nước về cho nhân dân của họ ai cũng thấy. Có thể, ngay cả lãnh đạo cộng sản Việt Nam đa phần cũng nhận biết đó là sự thật nhưng vì độc quyền lãnh đạo và để đối phó với tình thế cách mạng, sợ làn sóng cách mạnh dân chủ lây lan, cộng sản Việt nam trơ trẽn đổ vấy cho âm mưu nước ngoài xen vào nội bộ xúi dục lật đổ. Thật ra chiêu trò cũ rích, đổ vấy cho thế lực nước ngoài, một kẻ thù tưởng tượng do đảng cộng sản Việt nam tạo ra, không ngoài mục đích hù dọa những tay chân phe nhóm có cùng quyền lực lẫn quyền lợi, xem ra vẫn hiệu nghiệm đối với nhiều kẻ giả vờ lẫn mù quáng tin, nghe vào luận điệu tuyên truyền dối trá để bảo vệ độc quyền lãnh đạo của đảng.

Tạm gác lại chuyện cách mạng dân chủ, mang tên các loài hoa ở các nước Bắc Phi, Trung Đông có hay không có bàn tay của thế lực nước ngoài can dự vào, vì các nước này nằm ở vị trí địa chính trị khá xa Việt nam và các nước độc tài này bị lật đổ bởi sức mạnh nhân dân tràn xuống đường phố chứ không tự chuyển đổi dân chủ như xứ Chùa Tháp, Miến Điện có vị trí địa chính trị cận kề Việt Nam. Do đó, để nhận định khách quan chúng ta cần lướt sơ qua tiến trình chuyển đổi dân chủ đang diễn ra ở hai nước trong khu vực gần gủi, dễ tìm hiểu dễ kiểm chứng với đa số người dân Việt nam.

Qua thời gian chuyển đổi dân chủ buông lỏng kiểm soát quản lý dài ngắn khác nhau và tại sao xứ Chùa Tháp, xứ Miến Điện kẻ trước người sau mở cửa hội nhập, từng bước tháo gỡ độc tài, thiết lập xây dựng tiến trình dân chủ vẫn chưa bị thế lực thù địch nước ngoài âm mưu lật đổ thôn tính?

Trong chúng ta những ai có theo dõi thông tin đều biết, gần hai thập niên binh biến, vào năm 1993 Vương Quốc Campuchia được thành lập sau thời kỳ chiếm đóng của quân đội cộng sản Việt Nam và nước Campuchia còn được gọi là xứ Chùa Tháp tổ chức nhà nước theo thể chế quân chủ đại nghị, nghĩa là chính trị dân chủ trong thể chế quân chủ (1), tuy còn nhiều khiếm khuyết chưa hoàn chỉnh nhưng họ đã thiết lập được nền tảng dân chủ, tạo nên những điều kiện thực thi dân chủ (2) cần thiết để hình thành, hoàn thiện chính thể dân chủ trong tương lai. Chẳng hạn như có nhiều đảng phái chính trị sinh hoạt tham gia tranh cử, có báo tư nhân, có nhà báo hoạt động độc lập không lệ thuộc vào nhà nước...

Sau xứ Chùa Tháp là nhà nước quân phiệt Miến Điện đã có những bước chuyển tích cực khá nhanh đầy bất ngờ và đang từng bước tháo gở cơ cấu độc tài chuyển đổi sang thể chế dân chủ qua việc đối thoại, hủy bỏ án tù tại gia cho lãnh tụ đối lập Ang san Suu Kyi, cho phép bà được quyền sinh hoạt đảng phái tham gia tranh cử với đảng cầm quyền. Bên cạnh đó nhà nước Miến Điện thả tù chính trị, hủy bỏ chế độ kiểm duyệt cho phép ra báo tư nhân và các nhà báo, các bloggers hoạt động bí mật được công khai lẫn tị nạn ở nước ngoài được trở về hoạt động báo chí hợp pháp ở trong nước...

Qua quá trình từng bước chuyển đổi lẫn thực hiện lộ trình dân chủ của Miến Điện và xứ Chùa Tháp, thành thật mà nói chúng ta không thấy các nước dân chủ tiên tiến trong đó có Hoa Kỳ cùng với các nước Tây Phương thực hiện âm mưu lật đổ, chống phá thôn tính Miến Điện, Campuchia. Chúng ta chỉ thấy các nước dân chủ giàu mạnh này thực tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cũng như nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy hai nước Miến Điện, Campuchia thực hiện ý chí nguyện vọng dân chủ của nhân dân họ theo đường hướng hòa bình, tránh thay đổi chế độ cai trị độc tài qua hình thức bạo lực vũ trang.

Điển hình là tiến trình thực hiện dân chủ của xứ Chùa Tháp diễn ra khá chậm so với các nước chuyển đổi độc tài sang dân chủ khắp nơi trên thế giới nhưng các nước dân chủ giàu mạnh trên thế giới không áp đặt ý chí dân chủ, mô hình dân chủ lên đất nước Chùa tháp, họ giành quyền dân tộc tự quyết cho người Campuchia, họ không xen vào công việc nội bộ của nước này, họ chỉ giữ vai trò quan sát và chỉ lên tiếng khuyến cáo nếu nhà nước Campuchia vi phạm các cam kết quốc tế.

Nhìn chung, quan sát diễn biến chính trị bạo loạn lật đổ của các nước Bắc phi, Trung Đông và chuyển đổi dân chủ trong hòa bình của hai nước Miến Điện, Campuchia giúp cho chúng ta thấy rằng thời nay các nước dân chủ văn minh tiên tiến không nước nào có âm mưu lật đổ cướp nước làm sống lại thời thực dân đế quốc, trừ các nước còn man rợ như Trung Cộng mới có tham vọng xâm lăng thôn tính các nước nhỏ và chuyện đạo đức suy đồi của đám tàn dư cộng sản đam mê quyền lực, quyền lợi vì quyền vì tiền, tuyên truyền dối trá tạo ra vô số kẻ thù ảo nhằm lôi kéo, hù dọa những tên ngu trung mù quáng lẫn những kẻ tham lam cuồng tín, hung hăng điên cuồng bảo vệ đảng cho mục đích độc quyền lãnh đạo để còn quyền còn tiền chứ không vì lý tưởng cộng sản vớ vẩn nào cả.

Đối với đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, cộng sản chỉ còn là giá trị lợi dụng quyền tiền của đám tàn dư cộng sản, những ai mê cuồng đừng có ngu mà trung thành với hình bóng ảo không có thật trên cõi đời này cho lãnh đạo đảng lợi dụng để phải lưu xú vạn niên!



_____________________________________

Chú thích:

1) Danlambao:Tiến Trình Hình Thành Chính Thể Dân Chủ.
2) Danlambao: Điều Kiện Thực Thi Dân Chủ.






BẢN LÊN TIẾNG CỦA THÂN NHÂN, GIA ĐÌNH CÁC THANH NIÊN CÔNG GIÁO SẮP BỊ ĐƯA RA TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN "BỎ TÚI" (Thanh Niên Công Giáo)




30-11-2012

Kính gởi:

Quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
Quý vị lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức người Việt trong và ngoài nước,
Các cơ quan thông tấn, truyền thông trong và ngoài nước,
Các tổ chức đấu tranh bảo vệ nhân quyền, dân chủ trên khắp thế giới,
Chúng con là người nhà của các Thanh niên Công Giáo và Tin Lành đã bị Công an Việt Nam bắt cóc, giam cầm trái pháp luật trong hơn 01 năm qua.

Chúng con xin tri ân toàn thể quý vị, đã nổ lực bằng sự lên tiếng và vận động kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho con em chúng con trong hơn 1 năm qua. Việc làm của quý vị đã giúp chuyển tải đến toàn thế giới về sự vi phạm trắng trợn nhân quyền, nhân phẩm của nhà nước Việt Nam đối với những người con yêu nước của Tổ Quốc Việt Nam. Kính mong quý vị tiếp tục thực hiện những việc làm mang nhiều ý nghĩa này. Sự lên tiếng của quý vị đã mang lại nhiều sự an ủi, động viên và làm cho chúng con yên tâm, tự tin hơn để tiếp tục đấu tranh đòi tự do cho con em mình.

Để chuẩn bị cho phiên toà “Bỏ Túi” xét xử các thanh niên yêu nước sẽ diễn ra từ đây đến cuối năm. Chúng con kính xin quý vị cầu nguyện cho con em của chúng con can đảm, kiên cường và khôn ngoan trước cường quyền “hèn với giặc, ác với dân” của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Chúng con kính xin quý vị phổ biến rộng rãi thông tin về phiên toà “Bỏ Túi” bất công và phi pháp này đến nhiều người, nhiều nơi. Đối với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, chúng con đề nghị gởi phóng viên đến hiện trường, nhiều phần tại thành phố Vinh, Nghệ An, để lấy thông tin. Ngoài ra, kính mong đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài vận động các chính phủ để toà đại sứ gởi nhân viên sứ quán đến tham dự phiên toà. Chúng con cũng mong mỏi có được nhiều các cơ quan quốc tế đấu tranh cho nhân quyền, gởi người đến tham dự phiên toà, để thấy rõ bản chất vi phạm nhân quyền, các công ước quốc tế của nhà nước Việt Nam.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi các tổ chức nhân quyền và cộng đồng những người yêu chuộng công lý và sự thật tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới tổ chức cầu nguyện, cùng lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho các Thanh niên này và các tù nhân lương tâm khác.

Xin các Blogger, các phóng viên và các cơ quan truyền thông tiếp tục đưa tin, viết bài đấu tranh cho người thân của chúng con.

Chúng con thành kính tri ân!

Nghệ An, ngày 30 tháng 11 năm 2012.

Các gia đình đồng ký tên

Nguyễn Thị Hoá mẹ của Phêrô Nguyễn Đình Cương

Đặng Xuân Hà anh trai của Đặng Xuân Diệu

Thái Văn Hoà anh trai của Thái Văn Dung

Trần Khắc Hiển anh trai của Trần Minh Nhật

Hồ Thị Thuyền chị gái của Hồ Văn Oanh

Trần Thị Liệu mẹ của Nguyễn Văn Oai

Nguyễn Văn Chắc bố của Nguyễn Văn Duyệt

Hồ Đức Hiền bố của Hồ Đức Hoà

Đỗ Văn Phẩm

------------------------------

Bản phóng ảnh :







PHẢN HỒI VỀ ĐỀ NGHỊ THỦ TƯỚNG VIỆT NAM TỪ CHỨC [Phần 2] - (Trà Mi - VOA)




30.11.2012

Trà Mi xin chào đón quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA.

Tạp chí Thanh Niên hôm nay gửi đến qúy vị và các bạn phần 2 cuộc thảo luận ghi nhận phản hồi của người trẻ trong nước về câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước lời đề nghị ông từ chức. Tại Quốc hội hôm 14/11, đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn ông Dũng về trách nhiệm với dân và kêu gọi Thủ tướng làm gương từ chức.

Trong cuộc gặp tuần này, ba bạn trẻ từ Sài Gòn và Hà Nội là Việt, Quang, và Sơn phân tích vai trò và sự cần thiết của văn hóa từ chức và thảo luận về biện pháp buộc các lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam phải có trách nhiệm trước dân và phải biết tự trọng từ chức khi không tròn phận sự.

Trà Mi: Tuần rồi các bạn phân tích câu trả lời của Thủ tướng trước chất vấn đề nghị ông từ chức và bàn về những nguyên do dẫn tới những nghịch lý tồn tại trong xã hội Việt Nam. Vậy theo các bạn, cách tốt nhất có thể giúp thay đổi những nghịch lý đó là gì? Làm thế nào để buộc Thủ tướng hay quan chức lãnh đạo nhà nước phải biết tự trọng và có trách nhiệm với dân?

Sơn Hà Nội: Không, thật sự là không có cách nào. Ông Dương Trung Quốc là đại biểu của dân, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và bầu ra nhà nước. Nhưng kỳ thực Quốc hội không có một chút quyền hành nào trong vấn đề bãi nhiệm. 92% trong Quốc hội là người của đảng. Thế cho nên, ở đây sẽ là một việc viễn vọng, mơ tưởng hão huyền nếu hy vọng là Quốc hội bầu ra thì có quyền bãi nhiệm. Vì vậy, nên ông Quốc mới nêu câu hỏi "văn hóa từ chức," tức là kêu gọi từ chức. Quốc hội gần như là cái dấu của đảng, để đóng dấu những nghị quyết-chính sách của đảng, nghĩa là mượn dân để thông qua, để nói là nghị quyết này, chính sách này đã được dân thông qua rồi, đảng cứ việc thi hành thôi.

Trà Mi: Ý kiến của Sơn là hiện giờ không có cách nào có thể buộc quan chức lãnh đạo cấp cao phải có trách nhiệm với dân trong cơ chế guồng máy đang vận hành hiện nay. Chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi nhìn nhận những yếu kém trong bộ máy nhà nước chỉ nói là đáng kỷ luật một đồng chí X mà không dám nêu. Trước guồng máy bị một thế lực rất quyền uy bao trùm như lời anh Sơn nói, không dễ có sự thay đổi khi chưa có sự minh bạch và chưa có một cơ quan độc lập chế tài quyền uy đó, làm thế nào dân có được một vị Thủ tướng có thể đại diện cho nguyện vọng và tiếng nói của mình?

Sơn Hà Nội: Tôi xin cắt lời một chút. Khi ông Trương Tấn Sang nói "không kỷ luật đồng chí X" thì chúng ta phải hiểu ngầm ý ông rằng "Thực chất tao rất muốn kỷ luật mày, và mày đáng bị kỷ luật rồi. Nhưng vì một cái gì đó mà tao chưa kỷ luật mày." Bởi vì chúng ta nên hiểu một nguyên tắc cơ bản rằng xã hội cộng sản là khép kín và bưng bít. Nghĩa là nếu không kỷ luật thì đóng cửa im, không cần phải báo cáo. Chẳng ai có thể bắt ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Trương Tấn Sang phải đi báo cáo vấn đề đó cả. Nhưng khi họ đã nói ra trước quốc dân đồng bào thì nghĩa là chính trong nội bộ của họ đang mâu thuẫn với nhau. "Đồng chí X," "đồng chí Y" ý là chỉ thẳng vào ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trà Mi: Việt có ý kiến thế nào? Bạn nghĩ có cách nào có thể giúp cải thiện tình hình, cải thiện những điều mà ngay cả trong nội bộ đảng cũng thấy, người dân cũng thấy, nhưng không thể làm gì được hơn?

Việt Sài Gòn: Với cơ chế hiện nay, với một người đứng đầu đất nước yếu kém như vậy, hoàn toàn không có cách nào có thể thay đổi được.

Trà Mi: Sơn và Việt đều nghĩ là không thể thay đổi được tình hình ở Việt Nam hiện nay. Nhưng người ta thường nói "tích tiểu thành đại," vậy nếu không thay đổi lớn được, mình có thể nghĩ đến những chuyện thay đổi nho nhỏ để góp phần chuyển hóa môi trường xã hội Việt Nam minh bạch, lành mạnh hơn hay không?

Quang Hà Nội: Với cuộc "chấn chỉnh" của đảng vừa rồi cầm đầu là ông Tổng Bí thư và ông Chủ tịch nước, tôi không nghĩ là họ không kỷ luật được "đồng chí X." Chỉ có điều là họ không tìm được một gương mặt nào có thể thay thế "đồng chí X" nếu "đồng chí X" bị buộc phải ra đi. Đảng Cộng sản Việt Nam như một cuộc hôn nhân cận huyết làm thui chột dần giống nòi. Ở thời điểm hiện tại, dù đảng Cộng sản thấy rằng anh cần bị thay thế, nhưng họ không tìm được ai để thay thế anh cả, cho nên anh cứ ngồi đấy đã. Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là không có người giỏi. Nhưng những người giỏi không có cơ hội phát huy được ở Việt Nam. Thường những người giỏi cũng không sống chung được với cơ chế làm việc hiện tại. Ở đây có thể nói từ cơ chế chính trị tới cơ chế làm việc trong nhà nước. Cơ chế hiện tại ở Việt Nam không khuyến khích những người làm được việc và những người có khả năng làm việc, mà chỉ khuyến khích sự đấu tranh quyền lực, bè phái thay vì làm những việc có ích cho nước, cho dân. Chúng ta phải nghĩ đến chuyện làm thế nào có thể thay đổi được cơ chế này để những người có khả năng thật sự có điều kiện cất lên tiếng nói.

Sơn Hà Nội: Đây đảng Cộng sản muốn tránh một scandal tức sợ hiệu ứng của nó sẽ gây tác động xã hội và để tránh "thế lực thù địch lợi dụng" này nọ, như lời ông Nguyễn Phú Trọng. Thế thôi. Ông Trọng nói thẳng trong báo cáo tổng kết luôn. Có nghĩa là "mày thì xấu lắm rồi, tao cũng muốn cho mày nghỉ rồi, nhưng chẳng qua làm vậy là bôi tro trát trấu vào mặt cái đảng này, tao không muốn."

Việt Sài Gòn: Đúng. Trước đại hội đảng, người dân trông chờ vào sự thay đổi. Trước đại hội, râm ran trên báo lề trái như "Quan làm báo," "Đảng làm báo" các thông tin về những cuộc đấu đá giữa anh Ba Dũng với anh Tư Sang. Nhưng trong một tập thể đảng yếu kém, không còn có ai sáng giá hơn ông Dũng.

Sơn Hà Nội: Có lý, có lý.

Quang Hà Nội: Ở đây chúng ta đều hy vọng "văn hóa từ chức" sớm đến với nền chính trị Việt Nam, nhưng tôi nghĩ chúng ta còn phải đợi một thời gian dài nữa. Nhưng chúng ta có thể hy vọng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người hiện đang bị mất uy tín với đảng rất nhiều và người dân thì đầu đường xó chợ ai cũng chửi ông. Nếu ông không từ chức, cứ lành lặn đi về thì sẽ lịch sử sẽ nhắc đến ông không hay ho lắm. Nếu tôi ở cương vị ông, tôi sẽ không muốn mình kết thúc sự nghiệp chính trị "51 năm theo đảng" một cách như thế. Nếu ông từ chức, ông mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều cho dân Việt Nam, dù lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam có thể quy kết ông như lịch sử đảng Cộng sản Liên Xô quy kết ông Gor-bachev là kẻ phá hoại vĩ đại. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đều nhắc tới ông Gor-bachev như người mang lại bầu không khí dân chủ cho Liên Xô. Và tôi hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng nghe được bài phỏng vấn này. Chúng tôi đều hy vọng ông Dũng sẽ là một ‘Gor-bachev của Việt Nam’.

Trà Mi: Quang đưa ra một hy vọng hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân nhắc của Thủ tướng Dũng giữa quyền lợi của nhân dân, quyền lợi của đảng, và quyền lợi của bản thân ông nữa. Làm hài lòng dân, hài lòng đảng, hay vì lợi ích của bản thân ông, điều đó chúng ta còn phải chờ xem. Việt có nghĩ là Thủ tướng, sau những gì đang diễn ra không tốt cho ông, thì liệu chăng ông sẽ cân nhắc tới việc này?

Việt Sài Gòn: Chúng ta phải hiểu là "văn hóa từ chức" không có trong từ điển của đảng Cộng sản Việt Nam. Đứng trước một đất nước yếu kém như vậy, một con người điều hành yếu kém vẫn còn có thể tự tin để tiếp tục cương vị Thủ tướng. Khi ông Dũng lên, ông từng nói nếu không đẩy lùi được nạn tham nhũng, ông sẽ từ chức. Thời gian qua cho thấy tham nhũng tại Việt Nam giờ tràn lan mà ông không từ chức.

Trà Mi: Thiếu một điều là ông không ra thời hạn chót là không đẩy được tham nhũng trong vòng 20 năm hay 2 năm thì từ chức, cho nên cũng khó lường, phải không? "Văn hóa từ chức" có hai yếu tố vừa chủ quan, vừa khách quan. Chủ quan là lòng tự trọng, cảm thấy mình không hoàn thành, không xứng đáng thì tự giác thôi. Còn khách quan là cần phải có những điều kiện buộc người ta phải chịu trách nhiệm và phải biết tự trọng…

Quang Hà Nội: Cách giáo dục của Việt Nam hiện tại không hướng con người ta phải chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Sơn Hà Nội: Vấn đề chị đặt ra là rất khó ở Việt Nam vì không có một cơ chế nào để buộc người ta phải từ chức trừ trường hợp bị đảng kỷ luật.

Trà Mi: Vì thiếu áp lực hay hậu quả. Nếu anh không từ chức, anh sẽ chịu một áp lực ghê gớm, một hậu quả tai hại, và bị mất thể diện hơn nữa thì người ta buộc phải từ chức.

Quang Hà Nội: Vâng, đó là điều hiển nhiên. Việc này xuất phát từ thực tế không có tự do ngôn luận tại Việt Nam. Ở các nước tự do, để nền kinh tế kém phát triển như thế, người dân sẽ phản ứng, sẽ xuống đường biểu tình. Còn ở Việt Nam, các bạn thử xuống đường biểu tình phản đối Thủ tướng, yêu cầu Thủ tướng từ chức xem. Có ai nghĩ đến điều đó không? Đương nhiên sẽ bị công an dẹp ngay từ trong trứng nước. Nếu chúng ta không thay đổi được điều đó, thì chúng ta không thể có "văn hóa từ chức" trong thời gian ngắn.

Trà Mi: Tại sao cần phải có "văn hóa từ chức?" Vì sao phải từ chức trong khi Thủ tướng cũng đã xin lỗi và nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm của ông rồi?

Sơn Hà Nội: Rất đơn giản. Bất kỳ mọi hành động của mình, mình phải chịu trách nhiệm vì anh đang hưởng lương của dân. Anh không làm tròn, anh phải từ chức.

Trà Mi: Nhưng ông Thủ tướng nói ông không xin chức, không chạy chức, nên ông không việc gì phải từ chức. Ông được đảng giao chức, nên ông phải "tiếp tục thực hiện nghiêm túc."

Sơn Hà Nội: Đúng đúng, ông nói đúng theo điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam đấy chị ạ. Khi nào đảng bảo tôi thôi thì tôi thôi. Và ông dẫn chứng luôn rằng vừa rồi đại hội đảng vẫn tín nhiệm tôi. Cái hài hước nằm ở chỗ đó.

Quang Hà Nội: Chắc các chính trị gia Việt Nam đang cười Tổng thống Mỹ Obama rằng "Việc gì phải chạy xin lá phiếu của từng người một. Tao biết chính xác Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là cửa tao phải chạy. Tao biết chính xác là cần phải chạy ai, không phải mất cả chục hay trăm triệu để vận động xin lá phiếu từng người." Đó là cách "chạy" khác của Việt Nam.

Trà Mi: Chính Thủ tướng xác nhận không làm điều đó, thì việc gì ông phải tự từ chức?

Quang Hà Nội: Nhưng ai có thể xác nhận là ông không làm điều đó ạ? Chỉ có ông Thủ tướng nói thôi, phải không ạ?

Trà Mi: Vậy làm thế nào để quan chức Việt Nam có được tập quán biết tự trọng, biết từ chức khi không tròn trọng trách của mình?

Sơn Hà Nội: Chỉ có một cách là phải tự do bầu cử để lập ra một Quốc hội đúng "của dân, do dân, vì dân." Ngay cái khâu đầu tiên chúng ta đã biết rằng bầu cử cuội. Đảng cử dân bầu, tất cả những người đấy là người của một đảng. Ngay như Quốc hội được bầu ra cũng không phải là do dân bầu. Họ hoàn toàn không đại diện quyền lợi của dân nên họ không lên tiếng để yêu cầu Thủ tướng từ chức. Đúng ra Quốc hội Việt Nam phải được quyền như vậy. Để có "văn hóa từ chức," một khi anh không từ chức thì tôi có những chế tài, có những nguyên tắc mà Quốc hội được quyền. Muốn Quốc hội được quyền, phải có bầu cử tự do.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Sơn. Câu trả lời của người trẻ trước câu hỏi mà đại biểu Dương Trung Quốc đặt ra thế nào? Thủ tướng có nên làm gương từ chức hay không và vì sao?

Quang Hà Nội: Tôi nghĩ rằng ông không nên. Cứ để ông tiếp tục những gì ông đang làm như hiện tại, sẽ dẫn tới một sự thay đổi từ bản thân nội tại trong nhân dân, người ta sẽ làm. Ông không nên từ chức nếu ông không muốn để lại một tấm gương trong lịch sử Việt Nam, mà muốn để lại một trò cười cho trẻ con.

Trà Mi: Câu trả lời của Việt sẽ như thế nào?

Việt Sài Gòn: Theo tôi nghĩ, ông nên từ chức ngay và mau. Và trước khi từ chức, ông nên tuyên bố một câu: "Giải tán đảng cộng sản." Nếu ông không tuyên bố điều đó, thì ông Nguyễn Tấn Dũng này xuống sẽ có một ông Nguyễn Tấn Dũng khác lên thay.

Trà Mi: Vấn đề nằm ở chỗ không phải ông Nguyễn Tấn Dũng từ chức là mọi việc sẽ được giải quyết, mà chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông từ chức hoặc không từ chức, đó mới là vấn đề băn khoăn của xã hội. Liệu sự từ chức này có gây một ảnh hưởng nào không, có đem lại một hiệu quả nào tốt đẹp không: Đó là vấn đề cần phải bàn luận nhiều thêm nữa.

---------------------------------------------

Qúy vị muốn nghe lại cuộc thảo luận, chia sẻ quan điểm đồng tình hay phản đối với ba vị khách mời này, và bình luận với độc giả khắp nơi, xin vào trang nhà voatiengviet.com.

Muốn nhận các câu chuyện hằng tuần của Tạp chí Thanh Niên đài VOA gửi trực tiếp vào máy tính của mình, mời các bạn đăng ký dịch vụ RSS miễn phí và tải PODCAST từ trang chính của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.

Trà Mi xin cảm ơn và mong được đón tiếp quý vị và các bạn trong Tạp chí Thanh Niên đài VOA tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần.









View My Stats