Wednesday, 28 November 2012

PHẢN HỒI VỀ ĐỀ NGHỊ THỦ TƯỚNG VIỆT NAM TỪ CHỨC (Trà Mi - VOA)




27.11.2012

Trà Mi xin chào đón quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA.

Một sự kiện chưa từng có trước nay tại nghị trường Việt Nam khi một đại biểu Quốc hội công khai đề nghị Thủ tướng từ chức vì không tròn trách nhiệm với dân, quản lý kém để tham nhũng tràn lan và phát sinh những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và tín nhiệm quốc gia.

Trên diễn đàn Quốc hội hôm 14/11, đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng liệu ông có thấy mình nặng trách nhiệm với đảng nhưng nhẹ trách nhiệm với dân và nên làm gương từ chức hay không. Câu trả lời của ông Dũng không đề cập tới “trách nhiệm với dân”, chỉ tập trung nói về công trạng và trách nhiệm với đảng. Người đang ở nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì tuyên bố ông không chạy, không xin, mà được đảng phân công làm Thủ tướng, và vì vậy, ông sẽ tiếp tục ‘nghiêm túc thực hiện’ như đã làm trong suốt 51 năm theo đảng.

Hồi đáp của ông Dũng gây tranh cãi và phẫn nộ cho công chúng đang bất mãn trước sự yếu kém của vị Thủ tướng đương thời. Trong số này, có ba bạn trẻ từ Hà Nội và Sài Gòn tham gia cuộc thảo luận phần 1 trên Tạp chí Thanh Niên đài VOA hôm nay.

Sơn Hà Nội: Câu hỏi của ông Quốc rằng Thủ tướng nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng ông nhẹ trách nhiệm với dân mà nặng trách nhiệm với đảng. Câu hỏi này đã hàm ý rằng quyền lợi của đảng và quyền lợi của dân là không trùng nhau. Nếu chúng ta lâu nay vẫn nghe rằng đảng cộng sản Việt Nam chỉ ‘phục vụ quyền lợi cho nhân dân’ như ông Hồ Chủ Tịch nói, thì một người Thủ tướng thông minh sau 51 năm đi theo đảng phải trả lời rằng: ‘Tôi phục vụ đảng cũng là phục vụ dân’. Nhưng toàn bộ câu trả lời của ông chỉ nói về đảng rằng tôi đi theo đảng, đảng phân công và tôi làm. Điều này có nghĩa là anh phải làm tròn trách nhiệm với đảng, khi nào đảng mời anh ra thì anh mới thôi. Ở đây chúng ta thấy rõ yếu tố hoàn toàn không phải là do dân bầu lên như Thủ tướng Nhật hay Tổng thống Mỹ, mà là đảng cử ông ra làm. Trong trường hợp này, ông Dũng rất thật thà khi vô tư nói rằng vấn đề này không phải là dân, mà là đảng. Các vị cũng chứng kiến rồi, hôm họp trung ương đã quyết định không kỷ luật đồng chí X, mà tôi vẫn tại nhiệm. Ở đây ông Dũng nói rằng nếu tự tôi từ chức là tôi thoái thác trách nhiệm của đảng, vi phạm điều lệ đảng. Bởi vì cái đảng này không phải là đảng của dân, không vì dân, mà đảng này là đảng của cộng sản. Phát biểu của ông nói lên bản chất của vấn đề đảng trị trong xã hội Việt Nam.

Trà Mi: Anh nói câu trả lời của Thủ tướng rất ‘thật lòng’, nhưng anh có hài lòng không?

Sơn Hà Nội: Ở Việt Nam này có rất nhiều vấn đề không thể hài lòng, nhưng tôi ‘hài lòng’ (với câu trả lời của ông Dũng) ở chỗ là tôi có một Thủ tướng ‘thật thà’. Qua câu trả lời của mình, ông nói lên hết bản chất của chế độ.

Quang Hà Nội: Ông Dương Trung Quốc đã tạo nên một sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam khi đứng trước nghị trường yêu cầu Thủ tướng từ chức. Ông Quốc là người dũng cảm, dám nói điều mà không nhiều người trong chốn nghị trường dám nói. Cần có những người dám nói lên những điều mà nhiều người nghĩ và muốn được phát biểu. Những tiếng nói và ý kíên như vậy phải vang lên trên nghị trường.

Trà Mi: Trước đề nghị mà bạn cho rằng nhiều người đồng tình, câu trả lời của Thủ tướng đương nhiệm bạn thấy thế nào?

Quang Hà Nội: Câu hỏi của ông Quốc khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Còn câu trả lời của ông Dũng thì không chỉ ông ấy mà bất cứ người nào trong đảng cộng sản Việt Nam cũng trả lời tương tự như vậy thôi.

Việt Sài Gòn: Đại biểu Quốc hội phải nêu ra những câu hỏi đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Vấn đề ông Quốc nêu tôi cảm thấy không bất ngờ, nhưng tôi thích thú với câu hỏi của ông ấy và câu trả lời của ông Dũng vì ông Dũng nói rõ bản chất của đảng cộng sản.

Trà Mi: Việt đồng ý với ý kiến của Sơn. Quang cho rằng câu hỏi bất ngờ nhưng câu trả lời không bất ngờ. Vì sao bạn không bất ngờ trước câu trả lời của Thủ tướng?

Sơn Hà Nội: Vì bản chất chế độ nó thế mà.

Việt Sài Gòn: Đúng rồi. Ông Dũng nói ông không xin chức và không thoái thác chức nào đảng giao. Nếu ông là người có lòng tự trọng, có liêm sỉ, khi thấy tình cảnh đất nước yếu kém, kinh tế đi xuống, người dân đói khổ, dân oan khiếu kiện dài ngày, thì Thủ tướng nên là người từ chức đầu tiên trước khi đảng cho ông nghỉ. Ngược lại, ông ấy trả lời câu hỏi đó cười rất tươi. Cho nên, tôi nghĩ rằng ông là người không có liêm sỉ.

Trà Mi: Trước câu chất vấn Thủ tướng có thấy mình ‘nặng trách nhiệm với đảng, nhẹ trách nhiệm với dân’, không thấy Thủ tướng trả lời việc này, không biết ông có thấy điều đó hay không. Thế còn các bạn có thấy điều đó hay không?

Việt Sài Gòn: Dù ông không nói thẳng, nhưng toàn bộ câu trả lời chỉ nhắc tới đảng. Không có câu nào nhắc tới dân. Điều này cho thấy ông chỉ đặt quyền lợi của đảng trên hết chứ không phải là quyền lợi của dân. Trong khi đó họ lúc nào cũng kêu là ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra’, và ‘của dân, do dân, vì dân’, mà câu trả lời của ông hoàn toàn không có chữ ‘dân’ nào cả.

Trà Mi: Một câu hỏi chất vấn Thủ tướng về trách nhiệm của ông với dân, mà Thủ tướng chỉ nêu lên trách nhiệm và công trạng với đảng. Điều đó cho các bạn suy nghĩ thế nào?

Sơn Hà Nội: Ở đây chúng ta thấy rõ sự đối lập giữa công trạng đối với đảng và những sự khốn khổ cho nhân dân. Kinh tế suy sụt, người dân càng ngày càng bị bần cùng hóa. Thế nhưng ông ấy vẫn cứ đề cao rằng mình có nhiều thành tích cho đảng. Thế thì thành tích của đảng là gì, là bần cùng hóa nhân dân.

Trà Mi: Vì sao Thủ tướng phải chịu trách nhiệm với nhân dân trong khi chính ông cũng đã nói lên thực tế rằng vị trí của ông là do đảng phân công, chứ không phải do dân?

Quang Hà Nội: Xét từ góc độ đảng viên, có thể ông Dũng là một đảng viên đỏ chói. Đối với đảng ông không hề sai, nhưng quyền lợi của đảng cộng sản và của nhân dân Việt Nam nói chung đã tách rời nhau khá lâu rồi. Những con người trong đảng cộng sản nhân danh ‘nhân dân’ đang hưởng những lợi ích từ tham nhũng v..v..Điều này đặt ra câu hỏi cho rất nhiều người phải suy nghĩ rằng đã đến lúc phải thay đổi chưa và phải thay đổi như thế nào?

Trà Mi: Tại sao Thủ tướng lại có thể ‘nặng trách nhiệm với đảng’ và ‘nhẹ trách nhiệm với dân’? Vì sao thực tế éo le như vậy lại có thể tồn tại, hiện hữu một cách danh chính ngôn thuận tại Việt Nam? Những yếu tố nào hỗ trợ và tạo điều kiện cho nó?

Sơn Hà Nội: Rất đơn giản vì Việt Nam không có quyền tự do ngôn luận, báo chí thông tin bị bưng bít, dân lúc nào cũng nghe ra rả rằng ‘do dân, vì dân’. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng trình độ dân trí Việt Nam đang còn thấp. Người ta chỉ nghĩ đến những quyền lợi nho nhỏ như mớ rau, con cá thôi.

Việt Sài Gòn: Tôi là một người thế hệ trẻ, không sống dưới thời chiến tranh. Nhưng theo tôi hiểu, cách đây 37 năm về trước khi đảng cộng sản gọi là ‘giải phóng Việt Nam’, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân mong đất nước được thống nhất. Còn sau đó cho tới thời điểm hiện giờ, nghịch lý rằng một Thủ tướng yếu kém đưa tới một đất nước yếu kém như vậy mà vẫn tồn tại hiển nhiên như vậy cho thấy rõ ràng hệ thống công an và chính quyền để kiểm soát nhân dân rất chặt chẽ. Họ kiểm soát tất cả mọi thứ để đàn áp nhân dân.

Trà Mi: Việt nêu lên một số yếu tố nữa mà bạn cho là tạo điều kiện cho những nghịch lý tại Việt Nam bao gồm ‘công an trị’, cách thức cai trị người dân khiến dân không dám nói, không phải dân trí thấp mà là dân biết nhưng không dám nói. Bạn nào có ý kiến khác?

Việt Sài Gòn: Trà đàm vỉa hè, cà phê, tôi nghe rất nhiều người dân từ ông xe ôm cũng biết rất nhiều. Nhưng họ nói với nhau chỉ để nghe với nhau vậy thôi, chứ họ không dám lên tiếng mạnh mẽ. Không phải là họ không biết. Họ biết tất cả. Họ hiểu yếu kém của đất nước hiện nay là do đâu, do ai. Tham nhũng ra sao, họ đều biết hết.

Trà Mi: Quang có ý kiến nào khác không?

Quang Hà Nội: Còn yếu tố nữa là cơ chế để kiểm soát quyền lực mà bản thân trong đảng cộng sản cũng bắt đầu nhận thấy. Vừa rồi họ cũng có chấn phong, cởi mở, kiểm điểm lẫn nhau. Đảng cũng thấy là đảng viên của mình hỏng quá rồi, không có cơ chế tốt để kiểm soát được. Ở các xã hội phát triển, ý thức và dân trí trong cộng đồng cao, thì có người làm thế (từ chức), hoặc bị ép buộc phải làm thế. Ở Việt Nam thì điều đó chưa xảy ra vì họ không thể nào lấy tay phải chém tay trái của họ được. Không có cơ chế nào kiểm soát hiệu quả bằng việc để cho sự giám sát đó trở về với người dân đúng nghĩa. Và việc này không thể xảy ra trong một chế độ chỉ có một đảng cầm quyền và không có sự giám sát của một đảng khác. Nội bộ đảng cộng sản không phải không có những người tốt. Nhưng những người tốt đặt trong một cơ chế như thế thì họ bị tha hóa dần và bị cuốn vào cái guồng máy đó dần. Trong môi trường chạy chọt, không minh bạch như thế, dần dần những lợi ích về mặt vật chất và quyền lực sẽ làm người ta xấu xa. Ở đây tôi nghĩ mấu chốt vấn đề nằm ở cơ chế đang vận hành đất nước này. Chỉ có một lời giải duy nhất là phải dân chủ hóa một cách đích thực để quyền lực của người dân phải được trả về cho dân và họ có thể giám sát. Đến chừng đó thì tham nhũng sẽ được hạn chế đi rất nhiều.

Trà Mi: Cách tốt nhất để buộc các lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam phải có trách nhiệm trước dân và phải biết tự trọng từ chức khi không tròn phận sự là gì? Vai trò và sự cần thiết của văn hóa từ chức ra sao? Mời quý vị đón nghe phần trao đổi tiếp theo trong chương trình Tạp chí Thanh Niên đài VOA vào giờ này, tuần sau.

Để nghe lại cuộc phỏng vấn này, chia sẻ quan điểm, và trao đổi với độc giả khắp nơi, mời quý vị vào trang nhà voatiengviet.com.

Muốn nhận các câu chuyện hằng tuần của Tạp chí Thanh Niên đài VOA gửi trực tiếp vào máy tính của mình, mời các bạn đăng ký dịch vụ RSS miễn phí và tải PODCAST từ trang chính của Ban Việt Ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ www.voatiengviet.com.

Trà Mi xin cảm ơn và mong đón tiếp quý vị và các bạn trong Tạp chí Thanh Niên đài VOA tối thứ sáu và chủ nhật hằng tuần.







1 comment:

View My Stats