Friday 30 April 2021

CHUYÊN GIA CÔNG NGHỆ CÓ NHẤT THIẾT PHẢI DỐT THẾ NÀY KHÔNG? (Dương Quốc Chính)

 



Chuyên gia công nghệ có nhất thiết phải dốt thế này không?

Dương Quốc Chính

01/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/01/chuyen-gia-cong-nghe-co-nhat-thiet-phai-dot-the-nay-khong/

 

Dưới đây là bài viết của anh “Quảng nổ” BKAV. Đây cũng là tư duy sai lầm của rất nhiều người Việt.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1.png

Ảnh chụp màn hình FB nhân vật

 

Thứ nhất, họ coi sự thống nhất quyết định sự phát triển và tình đoàn kết.

 

Bắc Triều Tiên, Đông Đức từng khá phát triển trong khối cộng sản, Tây Đức từng rất phát triển trong khối tư bản. Hàn Quốc ngày nay đã là nước phát triển, cho dù họ đều đang bị chia cắt. Nếu Đức chưa thống nhất thì Tây Đức sẽ phát triển hơn nước Đức thống nhất. Vì Tây Đức đã phải bỏ tiền nuôi Đông Đức cỡ 20-30 năm, tức là họ bị nghèo đi để có thống nhất. Tương tự vậy, nếu Triều Tiên thống nhất thì Hàn Quốc cũng phải nuôi Bắc Triều Tiên với thời gian tương tự hoặc hơn.

 

Đài Loan và TQ đều đang khá phát triển dù đang chia cắt. Nếu TQ tan rã thì Hongkong và Quảng Đông sẽ phát triển không kém Đài Loan và Singapore.

 

Như vậy sự thống nhất chả liên quan đến sự phát triển kinh tế thậm chí có thể ngược lại.

Vậy Việt Nam khá hơn ngày xưa là do đâu?

 

Là do đã đổi mới kinh tế, học theo anh Đặng Tiểu Bình, làm nhạt màu chế độ CS 1.0 đi mà thôi. Tự trói mình rồi tự cởi trói thì sẽ tăng trưởng, chứ chả liên quan đến sự thống nhất hay đoàn kết gì hết.

 

Thống nhất chỉ dẫn tới sự đoàn kết khi thống nhất bằng đàm phán hoà bình như nước Đức. Việt Nam đâu có đoàn kết được khi thống nhất cưỡng bức. Đây là ý thức hệ CS thôn tính ý thức hệ TB và dân tộc mà thôi. Giờ này hai bên vẫn cãi nhau inh ỏi tới tận thế hệ thứ 3. Sao gọi là đoàn kết và ổn định được? Đây là sự ổn định cưỡng bức mà?

 

Tại sao gọi 30/4 là sự chiến thắng của dân tộc? Chiến thắng của phe CS đó chứ? Hay anh Quảng coi CS là dân tộc?

 

Năm 1975 “dân tộc” ta chiến thắng giặc ngoại xâm nào vậy?! Mỹ đã rút quân từ năm 1973 rồi, mà họ xâm lược chúng ta lúc nào?

 

Hỏi tức là trả lời!

 

Muốn ăn cơm chúa phải múa tối ngày vậy sao? Nếu không tỏ ra ngu dốt thế thì có bị mất nồi cơm đâu?

 

76 BÌNH LUẬN   

 

 







LIỆU 'BỘ PHẬN THỜ ĐỊCH' CÓ KẾT HỢP ĐƯỢC VỚI ĐỊCH ĐỂ CHỐNG LẠI CÁC 'THẾ LỰC THÙ ĐỊCH'? (Hoàng Trường, Saigon)

 


Liệu ‘bộ phận thờ địch’ có kết hợp được với địch để chống lại các ‘thế lực thù địch’?   

Hoàng Trường 

(Gởi VOA từ Sài Gòn)

30/04/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-xuan-phuc-nguy-phuong-hoa/5873330.html

 

https://gdb.voanews.com/FB7671C0-D727-4074-B024-C0DDA846DD62_w650_r1_s.png

Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ngụy Phượng Hòa tại Hà Nội ngày 26 tháng Tư.

 

Quan hệ Việt – Trung từ bao đời nay nằm trong phức cảm yêu và ghét, được định hướng lẫn lộn giữa lực hút của “bộ phận thờ địch” (một bộ phận trong chính quyền) và sức đẩy từ “thế lực thù địch” (đại bộ phận người dân trong nước hiện nay).

 

Soi vào lịch sử bang giao Việt – Trung, nhìn từ phía Việt Nam, những trải nghiệm của đất nước này đối với nhà cầm quyền Trung Quốc dường như nằm trong phức cảm yêu – ghét lẫn lộn, hay đúng hơn là nằm ở sự pha trộn giữa lực hút và sức đẩy. Thực tế ấy tồn tại suốt hàng ngàn năm nay, qua các triều đại phong kiến cho đến thời hậu cộng sản. Nhưng vào thời điểm hiện nay, lực hút và sức đẩy ấy được quyết định bởi nhân tố nào: Tình cảm, tiền bạc, hay quyền lực?

 

 

Lực hút bởi “bộ phận thờ địch”

 

Ngày 27/4/2021, báo chí Bắc Kinh đưa tin, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phượng Hoà trước đó một ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam “sẽ không theo các nước khác chống lại Trung Quốc”. Phát biểu được cho là của lãnh đạo Việt Nam gây chú ý ở trong nước lẫn quốc tế giữa bối cảnh các phản ứng của Hà Nội đang bị coi là chậm trễ trước sự kiện hàng trăm tàu cá của Trung Quốc từ tháng ba đến nay đang án ngữ khu vực Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. (*)

 

Chậm trễ ở đây là so với thái độ đàng hoàng hơn của chính quyền của Tổng thống Duterte (Philippines). Lập tức các ý kiến bình luận chia thành hai nhóm. Loại thứ nhất, có học giả quả quyết rằng không thể có chuyện ông Phúc “hớ hênh” đến nhường ấy. Loại thứ hai, một số phân tích khác lại cho rằng, có thể ông Phúc chỉ nói đến việc Việt Nam nâng cao cảnh giác cách mạng một cách chung chung, song truyền thông Trung Quốc, vốn có truyền thống “bơm vá” và “lộng ngôn”, đã phóng đại thành như thế.

 

Nhưng tờ “Nhân Dân” còn đưa tin rất rõ, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc “mong muốn quân đội hai nước tiếp tục tăng cường xây dựng vững chắc lòng tin chiến lược”, không để “các thế lực thù địch phá hoại” quan hệ hai nước. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “mong muốn hai đảng, hai nước tiếp tục nỗ lực để giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau”. Những ngày này mà hai ông trong “Bộ tứ” nhấn mạnh “lòng tin chiến lược” và “môi trường hoà bình” trên Biển Đông thì quả thật, lực hút tạo ra từ “bộ phận thờ địch” trong dàn lãnh đạo mới ở Hà Nội có ảnh hưởng ghê gớm.

 

Bởi vì, ông Trọng và ông Phúc đâu phải là những “tân binh” trong đảng và nhà nước! Và điều này chứng tỏ “bộ phận thờ địch” ấy đâu phải mới có từ hôm nay. Nếu không, khi tiếp những người trong đoàn đại biểu Trung Quốc, tại sao ông Trọng và ông Phúc không thể tuyên bố, ít nhất là: Trung Quốc cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng và phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982?

 

 

Sức đẩy từ “thế lực thù địch”

 

“Thế lực thù địch” ở đây không ai khác là nhân dân trong con mắt của những người cầm quyền. Người dân và trí thức trong nước đang hết sức để ý tới mọi động thái của giới lãnh đạo. Bởi vì một khi “bộ phận thờ địch” kết hợp với địch để chống lại “thế lực thù địch” thì chắc chắn nhân dân không thể để yên. Sóng ngầm bao giờ cũng mạnh hơn sóng nổi trên bề mặt! Thật ra, người dân biết rất rõ rằng, ngay cả “bộ phận thờ địch” trong chính quyền cũng chẳng yêu gì Trung Quốc và quá hiểu dã tâm của họ. Vốn đã lăn lộn bao lâu nay trong “bãi lầy” Ba Đình, hơn ai hết, lãnh đạo là người biết rõ “tim đen” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

 

Những người giả danh CNXH từ lâu đã không còn tin vào cái “lá nho” ý thức hệ che đậy dã tâm và hành động trong thế giới cộng sản. Như trong một khảo luận trên RFA, thì ngay trong cuộc nội chiến ở Việt Nam, hệ tư tưởng cũng chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Việt – Trung – Xô, giữa các đồng chí cùng “phe” ngay từ thời bấy giờ, đã lãnh đủ mọi hệ luỵ của cái gọi là “chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

 

Sau chiến tranh, những tưởng ý thức hệ rồi sẽ chết. Nhưng không! Cứ mỗi thập kỷ qua đi, dưới lá bài “cùng chung vận mệnh”, mỗi lần thúc đẩy hệ tư tưởng trá hình, Bắc Kinh lại đạt thêm được những bước tiến mới trên con đường độc chiếm Biển Đông và bành trướng xuống toàn Đông Nam Á. Lãnh đạo Việt Nam cũng biết, cái “vỏ” bốn tốt và mười sáu chữ vàng không thể cứu vãn họ thoát khỏi gọng kìm của Trung Quốc trên cả đất liền lẫn ngoài mãi các đảo xa, nên nhiều lúc cũng buộc phải nghĩ đến những bước “giãn Trung” nhất định.

 

“Giãn” nhưng không “thoát” được nên họ đâm ra sợ dân và coi dân là thù địch. Nếu ai đó có tham vọng (được hiểu là sự khát khao) tìm đến cùng sự thật về các “thế lực thù địch” thì mới hiểu được sự phản kháng quyết liệt của con dân nước Việt qua mọi thời đại, trước sự áp chế của cả Trung Quốc lẫn Liên Xô trước đây cũng như chủ nghĩa Đại Hán ngày nay. Không hoàn toàn ngẫu nhiên mà ông Trần Quốc Vượng thuở còn làm Thường trực Ban Bí thư đã phát được một câu có cánh: “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”. “Tự ta” ở đây là ông Vượng muốn ám chỉ: Nhân dân sẽ lật đổ chính quyền!

 

Về “nhận thức luận”, chỗ này ông Vượng khá hơn ông Trọng. Nhưng nhận thức được như vậy thì đáng ra phải đi với nhân dân, phải trở về với nhân dân mà “kháng Tàu cứu nước”, chứ không phải là kết hợp với Trung Quốc để đàn áp nhân dân khốc liệt và toàn diện như hiện nay. Tại sao nhận thức thì được mà hành động thì không? Đó là vì họ “khát” tiền và “khát” quyền lực. Mà nguồn mạch của tiền và của quyền thì chỉ có thể đến từ Thiên triều. Do đó, họ không thể để nhân dân “trỗi dậy kháng Tàu” ở mức độ đáng ra cần có. Vì vậy, họ đành tận dụng “bộ phận thờ địch”, kết hợp với địch để chống lại các “lực lượng thù địch”.

 

******

(*) (Chú thích của VOA: Trong bài viết khác, đăng ngày 28 tháng Tư, VOA đặt câu hỏi với phía chính phủ Việt Nam, yêu cầu xác minh tính thực hư trong phát biểu được cho là của ông Nguyễn Xuân Phúc, phía Việt Nam không phản hồi. Trong khi đó, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) của Singapore khẳng định với VOA dựa theo nguồn tin ông có được từ những người có mặt trong sự kiện, rằng “Ông Nguyễn Xuân Phúc không bao giờ nói câu đấy.”)

 

 


AI ĐÃ GÂY NÊN NHỮNG CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC CAI LẬY? (Nguyễn Văn Nghệ)

 



Ai đã gây nên những cái chết thương tâm ở trường Tiểu học Cai Lậy?

Nguyễn Văn Nghệ

30/04/2021

https://baotiengdan.com/2021/04/30/ai-da-gay-nen-nhung-cai-chet-thuong-tam-o-truong-tieu-hoc-cai-lay/

 

Đề thi môn văn tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trung học Diên Khánh (Khánh Hòa) vào năm học 1974-1975: “Em hãy tả lại buổi lễ chào cờ sáng thứ hai để truy điệu các em học sinh Trường Tiểu học Cai Lậy bị cộng sản pháo kích giết chết vào ngày 9/3/1974”.

 

Ngày 9/3/1974 một vụ pháo kích vào Trường Tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường [1] khiến nhiều học sinh chết và bị thương (Phía Việt Nam Cộng Hòa thông báo có 23 học sinh thiệt mạng, 43 học sinh khác bị thương; Phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cho rằng chỉ có 20 học sinh thiệt mạng, nhiều cháu khác và một giáo viên bị thương). Việt Nam Cộng Hòa đổ lỗi cho cộng sản. Cộng sản đổ lỗi cho Việt Nam Cộng Hòa.

 

Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố, sự việc “là một vụ khủng bố của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Trong khi đó, phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cho rằng, vụ việc “là hành động man rợ của chính quyền Nguyễn văn Thiệu”. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xem đây là hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” của Việt Nam Cộng Hòa, khi vừa pháo kích vào trường học lại đổ tội cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc và các nước trên thế giới ngày 25/3/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tuyên bố: “Ngày 9 tháng 3 năm 1974, chính quyền Sài Gòn đã gây ra một vụ thảm sát khi tấn công một trường tiểu học ở huyện Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho) khiến cho 20 học sinh thiệt mạng, nhiều học sinh khác và một giáo viên bị thương. Sau đó, chính quyền Sài Gòn đã trắng trợn lớn tiếng vu cáo rằng, vụ việc do quân Giải phóng miền Nam Việt Nam gây ra.

 

Ủy ban Cách mạng tỉnh Mỹ Tho và các cơ quan khác của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cực lực lên án hành vi tội ác và vu khống của chính quyền Sài Gòn. Đây là một hành động man rợ được thực hiện bởi tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu nhằm vu khống Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam với mục đích che giấu tội ác chiến tranh do chính tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu gây ra trong các hoạt động của Chiến dịch bình định lãnh thổ của tập đoàn này” [2].

 

Hai phía cứ đổ lỗi cho nhau cho tới ngày 30/4/1975 thì vụ việc dường như tạm khép lại. Ngày 4/12/2017 trang facebook “Những câu nói ngu đẳng cấp lịch sử của liên minh chống cộng thế kỉ XXI”, có bài viết: Sự thực về “Thảm sát Cai Lậy?” Bài có đoạn: “Lâu nay giới chống cộng thường rêu rao vụ pháo kích Trường Học Cai Lậy năm 74 như là một minh chứng tội ác của cộng sản. Vậy sự thực nó thế nào và được thêu dệt ra sao?

 

Tác giả bài viết nêu những dẫn chứng trên wikipedia để rồi quy kết thảm sát ấy do phía Việt Nam Cộng Hòa gây ra, chứ phía Quân giải phóng rất nhân đạo: “Trong chiến tranh chống Mỹ, quân giải phóng hầu hết chỉ nhằm vào những mục tiêu quân sự, những mục tiêu có những cố vấn quân sự Mỹ, hầu như không bao giờ họ lấy mục tiêu dân sự để tấn công. Hơn nữa ở vùng Miền Tây khi đó họ đang rất cần sự ủng hộ của người dân thì không dại gì họ lại hất bát cơm đi khi cố tình nhằm vào trường học” [3].

 

Mới đây, ông Trần Tỉnh Lê, một người xuất thân từ Quân đội Nhân dân Việt Nam, có bài ký sự đăng trên trang Tiếng dân, với chủ đề: Quân trường – Thao tập. Phần 3: Đồng đội thời binh lửa, tác giả tiết lộ như sau: “Có đồng đội sau hơn cả mười năm mới lại gặp nhau, trong một chuyến quân hành ngược lối như Đại úy Hoàng Đạc (Đồng Văn), người chỉ huy cũ của đoàn pháo binh Biên Hòa, đã tham gia trận pháo kích lỡ, lạc vào Trường Tiểu Học Cai Lậy giết chết nhiều trẻ thơ ngày ấy” [4].

 

Nói như ông Trần Tỉnh Lê “pháo kích lỡ, lạc vào trường Tiểu học Cai Lậy giết chết nhiều trẻ thơ” còn có thể tha thứ được. Còn cố tình thì hành động ấy được xếp vào hàng “khủng bố”, đáng được đem ra công luận xét xử.

 

Cách nay 46 năm, khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ, phía những người thắng trận đã “chúng khẩu đồng từ” (cả Văn Tiến Dũng trong cuốn Đại thắng mùa Xuân năm 1975) đều đổ riệt cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đem 16 tấn vàng ra nước ngoài. Cuối cùng trắng đen phân minh. Từ trong nội bộ cộng sản cho biết, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không hề đem số vàng ấy ra nước ngoài. Khi ấy báo chí “cách mạng” mới minh oan cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

 

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

_______

 

Chú thích:

 

[1] Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Phía Chính phủ Cách Mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam lại gọi là huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

 

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Pháo_kích_trường_tiểu_học_Cai_Lậy

 

[3] https://www.facebook.com/394800307303103/posts/1471250339658089/

 

[4] https://baotiengdan.com/2021/04/29/ky-su-quan-truong-thao-tap-phan-3/

 

 

 

 

30/4 LẠI VỀ và NGHĨ VỀ MỘT NGÀY MAI . . . (Lâm Bình Duy Nhiên)

 



30/4 lại về và nghĩ về một ngày mai …    

Lâm Bình Duy Nhiên

18:14  30/04/2021   

https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/10225082331662506

 

Năm nay, những ngày này, tôi bỗng dưng lại ít nghĩ đến sự kiện 30/4 và những kỷ niệm đau buồn liên quan. Thành thật mà nói thì nơi tôi đang “tạm dung thân” vẫn đang còn loay hoay đối phó với đại dịch Covid. Cũng đã hơn một năm rồi, mọi thứ bỗng dưng biến đổi một cách lạ thường. Sự tĩnh lặng từ bên ngoài xã hội đến nội tâm khiến tôi chóng quên nhiều thứ. Đơn giản chỉ là quên hay lần đầu tiên trong cuộc đời này, tôi cố tình lờ đi cái ngày đã đưa đẩy mảnh đất quê hương thân yêu của tôi vào sự chia cắt và thù hận triền miên?

Thú thật, tôi cũng không rõ câu trả lời. Chỉ một cảm nhận chán nản và buồn tẻ khi mọi năm vẫn như nhau. Một cảm giác bất lực về một sự kiện, về một khoảng thời gian và đâu đó khiến tôi không còn mang nhiều hy vọng vào những đổi thay tích cực tại quê nhà.

 

Vào một ngày cuối tháng 3, tôi nhận được thư mời tham gia viết bài về ngày 30/4 từ một tờ báo mạng. Mục đích của những người chủ trương tờ báo là tập hợp những đoản văn ghi lại những ký ức, kỷ niệm đau buồn về sự kiện trên. Một hình thức di sản văn hóa dành cho các thế hệ mai sau. Lưỡng lự mãi để rồi bất chợt tôi nhận ra rằng cái sự kiện này, một thảm kịch đối với dân tộc, đã vô thức trở thành một gánh nặng trong tiềm thức của cả một dân tộc. Cứ mỗi tháng Tư lại về, có nhiều tranh luận thậm chí tranh cãi lại bùng nổ về một vết thương đã âm ỉ trong cơ thể èo uột từ hàng chục năm nay. Thắng, thua vẫn chỉ như mới hôm qua. Nước mắt cay đắng, máu đỏ thắm nhuộm đất Mẹ dường như vẫn chưa nguôi sau gần nửa thế kỷ.

 

Nửa thế kỷ đủ biến một dân tộc khởi sắc và cường thịnh như những gì người Nhật và người Đức đã làm. Nhưng cũng chừng ấy thời gian lại vẫn chưa cứu vãn được vết thương của người Việt. Oan nghiệt thay!

 

Lẽ ra tôi chẳng viết được gì nhưng hôm nay, khi gặp cậu học trò người Thụy Sĩ đang viết luận văn trung học về Sự kiện Mậu Thân 1968 ( Offensive du Tết), tôi lại phải đối mặt với những gì tôi cố tình quên đi, ít nhất trong bối cảnh hiện tại. Cậu học trò nhờ tôi hướng dẫn qua lời giới thiệu của cô đồng nghiệp dạy Sử. Trong cuộc trò chuyện, cậu ta đưa ra những câu hỏi rất nghiêm túc, trong đó, liệu cuộc “Tổng tấn công Mậu Thân” có phải là một chiến thắng quân sự như sách vở chính quyền trong nước vẫn thường rao giảng? Vấn đề giới trí thức phản chiến ở Mỹ và châu Âu cũng được cậu ta tìm hiểu và phân tích. Đề tài luận văn không chỉ dừng lại ở sự kiện Mậu Thân mà nó còn lan rộng đến cả một cuộc chiến ý thức hệ và cả ngày 30/4/1975 với thảm kịch thuyền nhân sau đó.

 

Trong gần một giờ trao đổi với cậu học trò, tôi vẫn cố gắng không muốn áp đặt những cái nhìn của cá nhân mình về cuộc chiến đã qua tại quê hương. Quan sát một thanh niên nước ngoài, chỉ 19 tuổi, đang bỏ sức tìm hiểu về lịch sử Việt Nam khiến tôi cảm động và trân quí công việc cậu ấy đang làm. Tôi cố tình không muốn hỏi cậu ta vì sao lại chọn Việt Nam. Lập trường và quan điểm chính trị của tôi, cậu ta thừa biết. Cậu có cho tôi xem vài bài báo từ trang Le courrier du Vietnam, một tờ báo mạng bằng tiếng Pháp của chính phủ trong nước. Cậu thắc mắc về luận điệu của kẻ chiến thắng, “giải phóng và thống nhất” đất nước nhưng lại khiến cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi... Những câu hỏi giản đơn nhưng vẫn có khối người trong nước không hiểu hay cố tình không chịu hiểu!

 

Tôi có đưa ra vài nhận định và giới thiệu cho cậu học trò vài tờ báo tư liệu hay tài liệu từ Mỹ và Pháp để cậu tìm hiểu thêm. "Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng, còn lịch sử của những người thuộc phe thất bại thì thuộc những người ngày càng ít đi.", tôi có nhắc lại câu nói của Joachim Peiper để kết thúc cuộc trò chuyện. Trong phạm vi của một luận văn trung học, đi tìm Sự thật vẫn là điều quan trọng và cần thiết nhất.

 

Sự thật vẫn luôn là đích đến trong một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản và khai phóng. Tại Thụy Sĩ, học trò các cấp đều được dạy dỗ và khuyến khích khả năng lập luận và phản biện để tìm hiểu bản chất của mọi vấn đề. Khả năng tự phân tích đúng, sai khiến cho các em có cái nhìn cởi mở và độ lượng với thế giới xung quanh. Chấp nhận những sai lầm trong quá khứ để tự hoàn thiện và không lập lại những sai lầm của thế hệ trước khiến tuổi trẻ phương Tây nói chung và Thụy Sĩ nói riêng, có đủ tự tin và can đảm để gánh vác tương lai dân tộc.

 

Tất cả những yếu tố, những đức tính trên đều thiếu hẳn trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Khi lương tâm và đạo đức bị chà đạp, khi sự thật lịch sử bị bóp méo bởi sự tuyên truyền có chủ đích thì xã hội chỉ gầy dựng nên những cá thể máy móc, vô cảm và vô tri. Đó chẳng phải là những gì mà người cộng sản đang cố tình tạo ra tại Việt Nam?

 

Nhìn bóng dáng cậu học trò khuất dần, tự dưng tôi bỗng ao ước một điều. Đơn giản thôi, như những gì bọn học trò phương Tây đang được học. Đó là Sự thật lịch sử được giảng dạy tại quê nhà. Bỏ hẳn sự tuyên truyền sáo rỗng về những “chiến thắng lịch sử thần kỳ” của người cộng sản. Vứt đi những trang sử ý thức hệ, nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng cũng như quan điểm và lập trường chính trị. Tất cả đồng nghĩa với giáo dục nhân bản và khai phóng, đặt Dân tộc lên trên tất cả những tư lợi đảng phái. Chỉ khi ấy thì tuổi trẻ Việt Nam mới có khả năng phán xét lịch sử dân tộc một cách công tâm và minh bạch, từ đó không còn tự ti và bị dối lừa để hội nhập với thế giới tiến bộ.

 

Suy cho cùng, đã 46 năm trôi qua, súng đã im tiếng, khói lửa chiến tranh ( trong chừng mực) đã không còn trên quê hương nhưng lòng người vẫn còn bị chia rẻ sâu đậm. Có “một cuộc chiến” trong lòng người dân, giữa hai miền, bên “thắng” và bên “thua”, giữa những người đang cầm quyền và hàng trăm ngàn người đã phải bỏ xứ tha hương. Đó là một cuộc chiến đau thương và không kém phần bi kịch vì nó là lực cản cho sự quật khởi của dân tộc. Đó là một cuộc chiến mà không ít người, nhất là nhà cầm quyền vẫn cố tình im lặng và gạt bỏ ngoài tai dẫu họ vẫn thường nhấn mạnh chiêu bài “hoà giải, hoà hợp”.

 

Một cuộc chiến chỉ kết thúc khi lòng người được hoà giải và mọi sai lầm, tội ác đều được giải tỏa và tha thứ. Chỉ có sự can đảm nhìn nhận sự thật mới khiến cho hận thù được xoá bỏ. Đôi khi cần thời gian và cả một vài thế hệ để có thể chấp nhận Lịch sử. Một dân tộc lớn và trưởng thành là một dân tộc dám đối mặt với sai lầm trong quá khứ.

 

Chỉ có một nền giáo dục cởi mở, nhân văn và nhân bản mới khiến một xã hội trở nên vị tha, rộng lượng và công bằng hơn.

 

Đã chừng ấy thời gian, những người lãnh đạo trong nước còn chờ đợi gì nữa để không chấm dứt vết thương dân tộc?

 

Họ có tất cả trong tay! Họ có thể làm những điều thiết thực nhất thay vì những khẩu hiệu hô hào rỗng tếch.

 

Và nhất là hãy thôi “ Nhiệt liệt chào mừng” bao năm “giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước”. Sự hận thù và chia rẻ đến chính từ những khẩu hiệu tuyên truyền như thế chứ chẳng cần khói lửa chiến tranh.

 

Một biến cố đau thương và đáng buồn thì nên đưa nó vào dĩ vãng và hãy xem đó là một bài học lịch sử cho thế hệ sau. 30/4/1975 không đơn thuần là một sự kiện mà chúng ta đã rút tỉa ra được những bài học cần thiết. Thậm chí nó phức tạp hơn chúng ta hình dung. Chỉ có lương tâm và trách nhiệm của những người đang cầm quyền mới có thể đem lại sự thật và xoá bỏ dần dần những hận thù từ sự kiện trên.

 

Đó phải là bổn phận của nhà cầm quyền.

 

Hãy đối xử một cách nhân bản với nhau thì quá khứ, dẫu có đẫm máu đến đâu, cũng sẽ được xoá bỏ dần vì đất nước này vẫn còn rất nhiều trang sử chung được viết bởi toàn thể người Việt, bất chấp những khác biệt về tôn giáo hay quan điểm chính trị.

 

Tương lai dài hơn quá khứ nhưng chính quá khứ lại là nền tảng vững chắc để dân tộc đi lên.

 

Cách đây vài hôm, khi viết về cuộc “diệt chủng Armenia “, tôi có nhắc lại bài hát "Ils sont tombés" do Charles Aznavour trình bày, trong đó đoạn:

 

Ils sont tombés sans trop savoir pourquoi

Hommes, femmes et enfants qui ne voulaient que vivre...

 

(Họ đã ngã xuống, không biết vì sao

Đàn ông, phụ nữ và trẻ thơ, những người chỉ muốn sống...)

 

Đó là những nạn nhân người Armenia đã bị sát hại bởi binh lính của Đế chế Ottoman.

Nhưng đó cũng là những nạn nhân của bao cuộc chiến hay thảm sát đâu đó trên thế giới này, xuyên suốt lịch sử nhân loại. Đó là hàng triệu người Việt đã bỏ mạng trong cuộc chiến mang tên “ý thức hệ”, hay “nội chiến Nam Bắc” hoặc thậm chí “bảo vệ Tự do”. Ít có một gia đình Việt Nam nào lại không có một nạn nhân đã phải bỏ mạng trong cuộc chiến ấy. Và cũng không ít gia đình có bà con xa gần từng là những thuyền nhân vượt biển trong thảm kịch bỏ nước tìm Tự do. Tất cả đều chỉ muốn được Sống và được hít thở bầu không khí Tự do.

 

Chẳng lẽ lời thơ đượm tính nhân văn của Nguyễn Duy lại không thể làm rung động lương tâm của những người đang độc quyền lãnh đạo đất nước?

 

Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh

Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

 

Mong rằng sự đổi thay phải đến từ những kẻ “chiến thắng”.

 

Mong rằng tuổi trẻ Việt Nam sẽ được tiếp thụ một nền giáo dục nhân bản và khai phóng, biết tôn trọng Sự thật và can đảm đối mặt với quá khứ đau thương của cha ông.

 

Để biết đâu, hy vọng, ước vọng rằng (giờ thì tôi lại lạc quan), chính thế hệ trẻ ấy sẽ hàn gắn những vết thương lịch sử và kết nối lòng người lại với nhau...

 

Như Albert Camus từng viết : Chỉ có “ngày hôm qua" và "ngày mai" còn ý nghĩa với tôi.

Dẫu có thể còn lâu, rất lâu, nhưng vẫn đáng để chờ đợi và lạc quan hy vọng...

 

LBDN, Lausanne, 30/4/2021

 

4 BÌNH LUẬN  

 

 


MẤY SUY NGHĨ NHỎ VỀ VẤN ĐỀ LỚN - 30/4/1975  -  30/4/2021   (Nguyễn Lân Thắng)

 



MẤY SUY NGHĨ NHỎ VỀ VẤN ĐỀ LỚN - 30/4/1975  -  30/4/2021   

Nguyễn Lân Thắng

13:01  30/04/2021   

https://www.facebook.com/nkmh2011/posts/10159305023718808

 

Tôi tên là Thắng, sinh ở Hà Nội năm 1975. Trên toàn cõi miền Bắc này vào cái năm ấy dễ phải đến hàng chục ngàn đứa trẻ sinh ra được đặt tên là Thắng. Khi học phổ thông, ngay trong lớp tôi lúc nào cũng có độ bốn năm đứa cùng tên là Thắng.

 

Toàn Thắng.

Chiến Thắng.

Đức Thắng.

Minh Thắng.

Quyết Thắng.

...

 

Đến khi thi đại học, số người tên là Thắng phải bố trí đến 2 phòng mới đủ được. Nhắc đến chuyện đó để các bạn thấy rằng đã có lúc sự kiện 30/4/1975 là niềm tự hào của rất nhiều gia đình, nhất là ở miền Bắc.

 

Nhưng rồi khi Việt Nam mở cửa, internet xâm nhập, những luồng thông tin khác lạ từ thế giới, đặc biệt là từ cộng đồng người Việt hải ngoại đã đem đến một nhận thức mới cho những người ở trong nước.

 

Tuy nhiên trước các thông tin ồ ạt từ bên ngoài, không phải ai cũng đủ thời gian hay cơ duyên để thẩm thấu hết các sự kiện đó. Đặc biệt là những người trẻ, những người còn phải cắm mặt vào sách vở nhà trường hay lo mưu sinh kiếm sống hàng ngày. Vì thế chúng ta có thể thấy rất nhiều bạn trẻ tham gia vào việc chửi bới đe doạ những ý kiến trái chiều so với truyền thông nhà nước.

 

Làm thế nào để những người trẻ hiểu đúng về lịch sử, về những sự kiện đang còn bị che giấu? Tôi cho rằng cần phải có phương pháp đúng.

 

Một là, đừng chửi rủa những bạn trẻ đang còn nhận thức chưa tới. Hãy đặt câu hỏi về sự khác biệt của kết quả giữa các mô hình nhà nước. Ví dụ như Bắc và Nam Triều Tiên... Cuba... các quốc gia tách khỏi Liên bang Xô Viết...

 

Hai là, cung cấp các tài liệu chân thực về các sự kiện ngoài phạm vi của cuộc chiến tranh Nam Bắc, ví dụ như các phong trào đấu tranh chống đô hộ của thực dân Pháp; số phận của các đảng phái lúc đầu tham gia chính phủ của ông Hồ Chí Minh năm 1945; cải cách ruộng đất; nhân văn giai phẩm; chống xét lại; cuộc chiến chống Trung Quốc 1979; cuộc chiến ở Campuchia; hội nghị Thành Đô; các vấn đề về Trường Sa - Hoàng Sa...

 

Ba là, kêu gọi sự công nhận việc hi sinh xương máu của cả hai bên chiến tuyến, không phân biệt Bắc Nam; thúc đẩy sáng kiến để bù đắp và hoà giải cho những nạn nhân sau cuộc chiến, bất kể là phe nào!

 

Triết gia người Mỹ George Santayana đã viết rằng: "Những kẻ không thể nhớ nổi quá khứ sẽ bị buộc phải lặp lại nó". Càng hiểu biết về quá khứ, bạn càng sẵn sàng chặn đứng những điều tồi tệ trong tương lai. Nhưng chỉ mình bạn là chưa đủ, nếu tất cả hiểu rõ quá khứ chúng ta có thể ngăn ngừa thảm hoạ cho dân tộc này.

 

Yêu thương tất cả

 


124 BÌNH LUẬN

 

 

 

NGÀY 30/4, "TƯƠNG LAI" hay là ... "TƯỞNG NHƯ MỚI HÔM QUA"?! (Jackhammer Nguyễn)

 



 

Ngày 30/4, “Tương lai” hay là… “Tưởng như mới hôm qua”?!

Jackhammer Nguyễn 

30/04/2021

 

Tưởng như mới hôm qua

 

Ngày 30/4/1975 chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày lịch sử ấy. 46 năm là khoảng thời gian rất dài, dài hơn nửa đời người, so với tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay khoảng 75 tuổi. Những chiến binh trẻ nhất trong cuộc chiến Việt Nam vào năm 1975, nay ít nhất cũng đã 64 tuổi.

 

46 năm, có vẻ như cũng rất ngắn khi tràn ngập trên các trang mạng xã hội, những ký ức chiến tranh được kể lại, những cuộc tranh luận về chính trị đến hẹn lại lên, những ước muốn “hòa hợp hòa giải” lại được nêu ra,… không kể đến những lời buộc tội nhau, phe này phe kia. ‘Tưởng như mới hôm qua’.

 

Câu hỏi mà tôi đặt ra cho chính tôi là, cái cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’ này có trong đầu bao nhiêu phần trăm người nói tiếng Việt trên trái đất này? Không khéo chính ta lại bị mạng xã hội lừa rằng cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’, đông quá!

 

 

Tương lai nằm ở đâu?

 

Vài năm trước, trong một lần về Việt Nam, tôi không nhận ra bộ dạng những thành thị Việt Nam mà tôi biết đến chỉ khoảng 10 năm trước đó. Tôi chợt nhận ra cái câu ‘Tưởng như mới hôm qua’ ấy không có trong đầu những người đang hối hả trên đường phố Sài Gòn, hay trên tất cả các đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 này.

 

Việt Nam, cái nước Việt Nam có diện tích hơn 300 ngàn cây số vuông, đã và đang thay đổi, chứ không phải như hôm qua. Thay đổi như thế nào, tốt hay xấu lại là một vấn đề khác.

 

Theo thống kê dân số từ trang Open Development, năm 2019, ở Việt Nam có đến 74.3% dân số nằm trong độ tuổi 15-49. Nếu ta mở rộng độ tuổi này, từ trẻ sơ sinh cho đến 46 tuổi vào năm 2021, số phần trăm còn lớn hơn nữa. Tức là đại đa số người Việt Nam sinh ra sau năm 1975, lúc chiến tranh Việt Nam kết thúc.

 

Dĩ nhiên, trong số những người Việt sinh sau năm 1975 đó, vẫn có những người nghĩ về ngày 30/4 theo cái nghĩa lịch sử và chính trị của nó, theo lời kể của người thân, theo ý thích tìm tòi lịch sử của riêng mình,… nhưng số này được bao nhiêu?

 

Đối với người Việt trong nước, hầu hết xem ngày 30/4 là một ngày nghỉ lễ, người ta ý ới bàn với nhau rằng sẽ đi chơi ở đâu, mua sắm cái gì, chứ không phải là một ngày để người ta suy ngẫm về lịch sử, mặc cho bộ máy tuyên truyền chính thống liên tục nhấn mạnh đến các từ như là chiến thắng, lịch sử, giải phóng…

 

Đó là nói về bộ phận dân cư đô thị, chiếm khoảng hơn 30% dân số, số người Việt còn lại ở nông thôn, hay chuẩn bị rời nông thôn lên thành thị hoặc các khu công nghiệp để tìm việc làm, họ có những bận tâm cụ thể hơn nữa, xa tính chất lịch sử của ngày 30/4 hơn nữa.

 

Còn đối với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nhất là tại Mỹ, Canada, Úc, các nước Tây Âu, với hơn ba triệu người, thì sao?

 

Không có con số thống kê rằng có bao nhiêu phần trăm người Mỹ, Canada, Pháp,… gốc Việt sinh sau năm 1975, nhưng tôi nghĩ rằng con số này cũng không nhỏ, và có phần chắc là họ quan tâm đến xã hội mà họ đang sống, nhiều hơn là tính chất lịch sử của ngày 30/4 đối với dải đất là quê hương của cha mẹ họ. Sự thiếu quan tâm này không thể trách cứ được vì đất nước mà họ mang quốc tịch ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ, bên cạnh hàng rào ngôn ngữ ngăn cản họ tìm hiểu về mảnh đất xa xôi bên kia bờ đại dương.

 

Nhưng, hãy thử thu gọn lại cộng đồng người Việt hải ngoại vào những người còn nói thông thạo tiếng Việt thì sao? Cộng đồng này cũng đang thay đổi rất mạnh mẽ, không còn giống như những cộng đồng tị nạn đầu tiên sau năm 1975 nữa. Các cuộc hôn nhân, di cư, sum họp gia đình, du học sinh,… đem đến cho cộng đồng nói tiếng Việt tại hải ngoại những thành phần mới. Những thành phần mới này mang theo những gì mà họ trải nghiệm ở “chính quốc”, tức là Việt Nam, trong 46 năm qua.

 

Hãy để ý ngôn từ tiếng Việt mà các tờ báo tại hải ngoại sử dụng, số từ ngữ của tiếng Việt “sau 75”, hay là cách nói, cách trình bày một vấn đề tương tự như báo chí trong nước, ngày càng nhiều. Xem chừng ngôn ngữ từ “chính quốc” ảnh hưởng ra hải ngoại, chứ không phải ngược lại.

 

Trở lại với cái cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’, mà tôi nêu ra ở đầu bài viết, có lẽ tôi thuộc thế hệ những người nói tiếng Việt ở hải ngoại vẫn còn chia sẻ cái cảm xúc ấy. Nhưng tôi cho rằng số người không có cảm xúc đó đông hơn, và ngày càng đông, trong cũng như ngoài nước.

 

46 năm, khi người dân Việt Nam sống trong hòa bình trong chừng ấy thời gian, trừ vài năm chiến tranh nóng với Cambodia và Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn là một nước kém phát triển về nhiều mặt. Giải quyết chuyện kém phát triển đó, rõ ràng không phải thuộc những người có cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’, vì đơn giản là, họ ngày càng ít đi, ngày càng già đi.

 

Tương lai Việt Nam thuộc về những người Việt trẻ tuổi, tương lai cộng đồng người Việt hải ngoại cũng thuộc về những người Việt trẻ tuổi. Tính cách và bản lĩnh của họ, học thức và quan niệm sống của họ sẽ quyết định tương lai của Việt Nam và của cộng đồng người Việt hải ngoại, nó nằm ngoài cảm xúc ‘Tưởng như mới hôm qua’.

 

 


HÒA GIẢI, CẦN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)

 



 

HÒA GIẢI, CẦN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Thứ Sáu, 04/30/2021 - 16:35 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/6784

 

Ngày hôm nay, kỷ niệm lần thứ 46 ngày Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn thành công cuộc cưỡng chiếm một quốc gia được quốc tế công nhận, có một chính quyền do người dân bầu lên, có một nền văn hóa và trình độ xã hội cao hơn hẳn chế độ đi cưỡng chiếm.

 

Những người cộng sản gọi đó là “Chiến thắng”. Những người Việt Nam Cộng Hòa gọi là ngày mất nước. Những ẩn ức tâm lý đó đã qua thời gian đến gần nửa thế kỷ.

 

Nửa thế kỷ sau khi kết thúc một cuộc chiến mà tên gọi của nó cho đến nay chưa hoàn toàn được đồng ý từ mọi phía. Và do vậy, ngày kết thúc chiến tranh chưa có một cái tên khả dĩ được hầu hết mọi người chấp nhận.

 

Nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, người cộng sản mới công nhận một tên gọi của một quốc gia là Việt Nam Cộng Hòa, việc công nhận này trong sự khiên cưỡng không thể khác bởi một vài quan chức cộng sản.

 

Trong khi đó, rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia theo đúng luật lệ quốc tế, các văn bản chính thức mà chính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký kết.

 

Chỉ riêng điều đó, đủ cho thấy sự “ngạo nghễ” hay “ngạo mạn” bất chấp sự thật của “kẻ chiến thắng”.

 

Thật ra, cái gọi là “Chiến thắng” trong cuộc chiến bạo lực, chưa hẳn đã nói lên tính chính nghĩa và đúng đắn của phe chiến thắng. Bởi điều đơn giản nhất, dù bên chiến thắng có cho rằng đó là cuộc “Giải phóng” cho Miền Nam, thì thực tế, đó là việc đưa quân đội vượt giới tuyến để chiếm đóng một quốc gia có chủ quyền, có nhà nước dân chủ và được quốc tế công nhận.

 

Cái ngôn từ “Giải phóng” đã dần dần được chỉ rõ ra rằng, chẳng có một trường hợp nào, một ai và một khi nào được gọi là giải phóng khi đem sự man rợ áp đặt vào một khu vực, một lãnh thổ hay một đất nước văn minh bằng súng đạn.

 

Và phải gọi đúng tên của nó là một Cuộc xâm lược.

 

Chiến tranh là một nỗi bất hạnh cho mọi đất nước, mọi dân tộc. Một đất nước, chẳng bao giờ mong muốn một cuộc chiến tranh, dù đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Chỉ có khi dã tâm xâm lược lên đến đỉnh cao, thì một đất nước mới phát động chiến tranh xâm lược một đất nước khác. Hoặc chỉ có khi không thể nào khác, thì một đất nước phải đứng lên cầm súng lao vào cuộc chiến không thể trì hoãn để bảo vệ đất nước mình.

 

Sau một cuộc chiến, hầu như, mọi dân tộc, mọi người đều mong mỏi sự bình an, phát triển để xóa đi những ký ức đau thương của cuộc chiến bạo tàn.

 

Những người chiến thắng trong cuộc chiến chính nghĩa, phải hiểu rằng dù là ai của bên chiến bại, họ cũng là những người đồng bào, đồng chủng mà có bạo tàn đến đâu cũng không thể tán sát đi tất cả. Và chính những người dân này sẽ góp phần quyết định vào việc có xây dựng được giang sơn tươi đẹp hơn hay không. Nhiều điều có thể giải quyết được trong chiến tranh bằng súng đạn tàn bạo, sẽ không thể giải quyết được trong khi xây dựng trong hòa bình.

 

Những người chiến bại trong cuộc chiến tranh bị xâm lược sẽ muốn nhanh chóng quên đi những ký ức đau buồn mà cuộc chiến đem lại cho gia đình, đất nước của họ bên cạnh những ấm ức, những mất mát như những vết thương khó chữa lành.

 

Những người chiến thắng trong cuộc chiến chính nghĩa, cần biết xây dựng sự bình an của xã hội, để cùng nhau phát triển đất nước, xây dựng lại cơ đồ.

 

Ở đó, không thể thiếu sự hòa giải những mâu thuẫn mà cuộc chiến đã đem lại. Những mâu thuẫn đó, sẽ là cội nguồn cho sự chia rẽ, sự phân hóa, sự hận thù… và chỉ có khi hóa giải được những điều đó, thì chiến thắng mới thật sự có ý nghĩa đúng đắn.

 

Và cũng chỉ khi đó, mới tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc để đương đầu với mọi thử thách, mọi mưu đồ xâm lấn và khuất phục của kẻ thù chung của dân tộc, của đất nước.

 

 

Người ta thấy điều gì ở nửa thế kỷ sau cuộc chiến ở Việt Nam?

 

Sau cuộc chiến, những dòng người bên chiến bại và cả của những người dân bên chiến thắng đã ào ạt bỏ nước ra đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ chỗ nào miễn là thoát khỏi chế độ “Thiên đường” của bên “Chiến thắng”.

 

Những cuộc vượt biên ào ạt, bất chấp sóng to, biển lớn và hải tặc mà cái chết cận kề, thậm chí chui vào thùng xe lạnh chấp nhận nguy hiểm để mong được thoát khỏi cái “thiên đường XHCN” mà bên chiến thắng hứa hẹn.

 

Và số người Việt Nam buộc phải rời bỏ Tổ Quốc, quê hương nơi chôn rau cắt rốn của mình để lưu vong khắp mọi phương trời trên thế giới với sự ngậm ngùi: “Biết bao giờ trở về Việt Nam”.

 

Hẳn nhiên, sự phản kháng của họ cũng sẽ dần tăng lên tỷ lệ với những uất ức, những oan khuất, những cay đắng và mất mát mà họ phải chịu.

 

Những cuộc biểu tình phản đối, những hành động chống đối, những cuộc thăm viếng của những nhà lãnh đạo đất nước đến nơi có đồng bào, người dân của mình bị tẩy chay dữ dội và chui cửa hậu, đi lối sau đã trở thành những biểu tượng cho sự hận thù và căm phẫn.

 

Và khi đó, những người cộng sản kêu gọi: Hòa giải, hòa hợp dân tộc.

 

Nhưng, hòa giải như thế nào?

 

Nửa thế kỷ sau chiến tranh, ngày kết thúc chiến tranh hàng năm, vẫn là những dịp kẻ cầm quyền tung hô, hò hét và gợi lại những “chiến công”, những trận đánh, những thái độ của bên chiến bại bằng hệ thống truyền thông khổng lồ.

 

Họ nhảy nhót, reo vui và tung hứng lẫn nhau, đào lại, xới lên những vết thương khó chữa lành, khó hàn miệng của bên chiến bại.

 

Họ xới tung, bịa đặt, bêu xấu, làm cho sự nhục nhã của bên chiến bại dâng cao trong lòng mỗi người, chỉ nhằm để thỏa mãn sự kiêu ngạo, sự “tự hào” và che lấp đi sự bất chính, sự tàn bạo đằng sau và thực chất của những “chiến thắng” đó.

 

Tất cả chỉ nhằm dựng lại cái “Vinh quang” tưởng tượng mà họ đã đạt được bằng súng đạn, bằng sự tàn bạo và bất nhân, phi nghĩa.

 

Và đó cũng là cách họ ăn mày dĩ vãng, sống với ảo ảnh của cái hào quang mà họ đã tạo nên bằng mọi mưu đồ, mọi giá, bằng hàng triệu sinh mạng người dân.

 

Nửa thế kỷ sau chiến tranh, những dòng lý lịch, những ngôn từ dùng để chỉ bên chiến bại vẫn cứ ra rả được sử dụng, được dùng để ngăn chặn những sự tiến thân của các thế hệ sau từ bên chiến bại.

 

Những cựu chiến binh, những thương phế binh của bên chiến bại vẫn tủi nhục mưu tìm cuộc sống nơi đáy xã hội mà không dám mở miệng kêu la hoặc chỉ là những lời rên rỉ.

 

Và từ những đất nước xa xôi, vẫn vọng về quê hương sự cảm thông với thân phận người dân, sự căm phẫn và những lời ai oán về một chính quyền, một nhà nước ngày càng lộ rõ bộ mặt hèn với giặc, ác với dân.

 

.

Người cộng sản phải hòa giải bắt đầu từ đâu?

 

Có lẽ, khi nghe nói đến từ hòa giải, nhiều người sẽ chỉ nghĩ rằng người cộng sản Việt Nam hiện nay đang nói về những người phía bên kia của cuộc chiến đã qua, những người thuộc về bên chiến bại, những người đang sống trong hoặc ngoài đất nước nhưng không đồng tình và phản đối quyết liệt chế độ cộng sản ở Việt Nam.

 

Và những người cộng sản cũng chỉ nghĩ rằng những lời hoa mỹ rằng hòa giải, hòa hợp dân tộc của họ chỉ nhằm đến những đối tượng ấy, dù họ đã buông ra đủ những từ hoa mỹ như họ là “khúc ruột ngàn dặm” là những kiều bào, con dân giòng giống Việt…

 

Thế nhưng, có lẽ người cộng sản không hiểu hết ý nghĩa của từ hòa giải, hòa hợp cần phải sử dụng ở những nơi nào.

 

Ngoài những đồng bào của bên chiến bại, bên thua cuộc trong cuộc xâm lược trắng trợn phải ngậm ngùi chấp nhận và thậm chí tâm lý bại trận trở thành phản xạ có điều kiện trong họ. Trong chế độ cộng sản, được hình thành bởi cuộc “Cướp chính quyền” và tồn tại bằng súng đạn,sự tàn bạo và dối trá gần một thế kỷ qua trên đất nước Việt Nam, không chỉ những người đồng bào của Việt Nam Cộng Hòa, mà ngay cả những người dân sinh ra, lớn lên trong chế độ cộng sản miền Bắc, đã dần dần hiểu ra bản chất của chế độ cộng sản.

 

Đó không chỉ là cướp chính quyền, mà cướp bằng nhiều cuộc cải cách, bằng nhiều cuộc “cách mạng” mà mọi thứ, từ nhân phẩm, quyền sống, quyền tự do tối thiểu của con người bị tước đoạt.

 

Và họ đã lên tiếng, họ đã phản đối.

 

Họ phản đối những chính sách bất nhân lấy cướp làm đầu bất chấp nhân nghĩa, công lý, công bằng và sự thật. Họ phản đối một chế độ lấy tham nhũng làm cốt lõi cho sự tồn tại, coi người dân như cỏ rác, mọi hành động và nguồn lực, đều chỉ nhằm củng cố chiếc ghế cai trị trên đầu, trên cổ người dân.

 

Họ phản đối một nhà cầm quyền mạo danh “Của dân, do dân và vì dân” nhưng được hình thành và củng cố bởi súng đạn và lừa đảo.

 

Họ phản đối những chính sách cho phép họ cướp tài sản, đất đai của họ bao đời xây dựng, chỉ bằng ý thích của một quan chức cộng sản, lập tức bị lực lượng vũ trang tấn công, đàn áp, thảm sát.

 

Họ phản đối tài nguyên đất nước bị bóc sạch, đào sạch bán đổ bán tháo nhằm cho đầy túi quan tham trong đảng lãnh đạo.

 

Họ phản đối thái độ ươn hèn trước giặc ngoại xâm, thái độ “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, tiếp tay cho ngoại xâm và đàn áp tàn bạo những người yêu nước.

 

Và họ được đảng, nhà nước ưu ái dành cho chỗ ở trong nhà tù.

 

Nhà cầm quyền cộng sản, muốn có sự hòa hợp, hòa giải, trước hết cần phải hòa giải đối với họ, đối với những tấm lòng yêu nước, vì cộng đồng, vì xã hội mà lên tiếng chứ không cần những lời mỹ miều được nhắc đi nhắc lại rằng: Tôn trọng những ý kiến phản biện nhưng hành động ngược lại. Bởi trong xã hội không có tiếng nói phản biện thì hẳn nhiên mọi sự suy đồi sẽ có cơ hội phát triển.

 

Cũng không chỉ là những người dân, những người có thân phận cọng rơm, cái kiến trong xã hội, mà ngay cả những công chức, công an, thậm chí quan chức cấp cao cũng đã bằng cách này hay cách khác thể hiện sự bất mãn rất có lý của họ về hệ thống tham nhũng, hà hiếp người dân, phe cánh và cả những chính sách sai lầm hại nước của nhà cầm quyền hiện nay.

 

Và họ được đảng đưa vào lò, thành củi trong những cuộc thanh trừng nội bộ, trong những hành động trù dập, trấn áp.

 

Nếu nhận thấy sự hòa giải là cần thiết, nhà cầm quyền cộng sản cần hòa giải với chính họ, chính những công chức trong hệ thống cầm quyền, để họ có thể yên tâm lo lắng cho công việc của họ, hoàn thành trách nhiệm được giao và góp phần xây dựng xã hội, đất nước.

 

Thậm chí, không chỉ các quan chức lên tiếng, mà cả những cá nhân đảng viên, quan chức đang im lặng, điều ai cũng biết rằng trong mỗi cá nhân, dù là người cộng sản, cũng chứa một trái tim, và ở trong trái tim đó, có chứa những tình cảm con người, gia đình, bạn bè, xã hội và cộng đồng.

 

Những trái tim của họ sẽ không thể nào im lặng trước những chính sách, hành động bất nhân của nhà cầm quyền đối với nhiều vấn đề xã hội và đất nước.

 

Vậy nhà cầm quyền cộng sản cần hòa giải thì trước hết, họ cần sự hòa giải với chính tâm hồn của họ, với những tiếng nói lương tâm của họ, với những sự thôi thúc của sự thật, của tính người trong họ.

 

Do vậy, chuyện hòa giải của người cộng sản hôm nay, không chỉ là những người Việt ở năm châu, những “khúc ruột ngàn dặm” hay thế lực chống đối, phản biện ở nước ngoài. Mà trước hết, họ cần hòa giải với mọi thành phần xã hội, với những người dân trong nước.

 

Và trước hết, là hòa giải với chính tính người, chính lương tri của từng cá nhân trong họ.

 

Ngày 30/4/2021

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog

 

 


View My Stats