Friday 30 June 2023

NƯỚC PHÁP LẠI CHÁY! (Việt Bình / Saigon Nhỏ)

 



Nước Pháp lại cháy!

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nuoc-phap-lai-chay/

 

Sự kiện một thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết ngày 27 Tháng Sáu 2023 đang trở thành mồi lửa khiến nước Pháp lại ngập trong loạt hỏa hoạn – nghĩa bóng lẫn đen, mà ông “chỉ huy tối cao của đội cứu hỏa”, Tổng thống Emmanuel Macron, đang lúng túng không biết dập lửa như thế nào…

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1348791052.jpg

Cơn phẫn nộ kinh hoàng của người dân tại Nanterre, một thị trấn ngoại ô Paris, nơi xảy ra vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi ngày 27 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Aurelien Morissard/Xinhua via Getty Images)

 

Paris đang cháy đen cháy đỏ. Trên khắp nước Pháp, khoảng 40,000 cảnh sát đã được triển khai. Ít nhất 250 cảnh sát đã bị thương từ những cuộc đụng độ với những người biểu tình giận dữ. Một số dịch vụ xe buýt và xe điện ở Paris và ngoại ô đã ngừng hoạt động lúc 21:00 giờ địa phương vào Thứ Năm 29 Tháng Sáu. Lệnh giới nghiêm ban đêm cũng được áp dụng ở một số khu vực ngoại ô. Tại thị trấn Nanterre, nơi thiếu niên thiệt mạng, một đám cháy lớn nhấn chìm tầng trệt của một tòa nhà nơi có trụ sở một ngân hàng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1348787543.jpg

Nanterre, ngày 29 Tháng Sáu (ảnh: Aurelien Morissard/Xinhua via Getty Images)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1348786694.jpg

Nanterre, ngày 29 Tháng Sáu (ảnh: Aurelien Morissard/Xinhua via Getty Images)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1335334951.jpg

Paris, ngày 29 Tháng Sáu (ảnh: Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Video và hình ảnh trên mạng xã hội cũng cho thấy những đống rác bốc cháy nhiều nơi… Khói hơi cay và xe hơi bị đốt cháy ngùn ngụt ở Nanterre, nơi hàng ngàn người tập trung để bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của nạn nhân. Nhiều người mặc áo phông có dòng chữ “Công lý cho Nahel. ”

 

Thủ tướng Élisabeth Borne nói rằng bà thấu hiểu cảm xúc bùng nổ sau cái chết của nạn nhân 17 tuổi được báo chí viết là “Nahel M.”, nhưng bà Élisabeth Borne đồng thời lên án nạn đập phá, đốt cháy và bạo loạn. “Không có gì biện minh cho bạo lực cả,” bà nói. Cái chết của cậu thiếu niên đã làm dấy lên tranh cãi dữ dội về quyền lực của cảnh sát và mối quan hệ giữa chính quyền và người dân từ các vùng ngoại ô của Pháp, những người cảm thấy bị tách biệt khỏi các trung tâm thành phố thịnh vượng của nước Pháp.

 

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết trên Twitter vào đầu ngày Thứ Sáu 30 Tháng Sáu, chính quyền Pháp đã bắt giữ hơn 660 người sau đêm biểu tình thứ ba, sau gần 200 vụ bắt giữ vào hai ngày trước. Ở Đông Bắc Paris, người biểu tình và cảnh sát đã đụng độ dữ dội với nhau suốt ba tiếng đồng hồ, theo tờ Le Monde. Một trường mẫu giáo bị phá hư và xe cảnh sát bị đốt cháy ở Neuilly-sur-Marne, khu vực ngoại ô Paris. Tại Toulouse, Nam nước Pháp, những người biểu tình đã bắn pháo về phía cảnh sát. Dịch vụ xe lửa tiếp tục bị gián đoạn vào Thứ Năm 29 Tháng Sáu tại Lille, miền Bắc nước Pháp, sau một “hành động phá hoại”.

 

Tại Marseille, miền Nam nước Pháp, cảnh sát địa phương cho biết vào tối Thứ Năm 29 Tháng Sáu họ đã thực hiện 14 vụ bắt giữ, với lý do gây rối trật tự công cộng. Đêm Thứ Tư 28 Tháng Sáu, Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, nói: “Đây là đêm bạo loạn tồi tệ nhất ở các vùng ngoại ô đa chủng tộc của Pháp trong 18 năm”. Năm 2005, bạo loạn đã nổ ra sau cái chết của hai cậu bé bị điện giật khi trốn cảnh sát tại một nhà máy điện bên ngoài Paris. Tình trạng bất ổn khiến Tổng thống lúc đó là Jacques Chirac phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1335273245.jpg

Paris, ngày 29 Tháng Sáu (ảnh: Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty Images)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1270472206.jpg

Paris, ngày 29 Tháng Sáu (ảnh: Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty Images)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1270458332.jpg

Paris, ngày 29 Tháng Sáu (ảnh: Firas Abdullah/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Tình trạng bạo lực đang đặt ra một thách thức chính trị lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Macron chịu áp lực khi cùng lúc phải xoa dịu cơn thịnh nộ công chúng nhưng cùng lúc lại trấn áp những kẻ bạo loạn bằng lệnh giới nghiêm và bắt giữ hàng loạt.

 

Sự việc xảy ra khi nạn nhân Nahel bị một sĩ quan cảnh sát bắn vào sáng Thứ Ba 27 Tháng Sáu. Theo Pascal Prache, công tố viên của vùng Nanterre, hai cảnh sát giao thông đi tuần bằng xe môtô thấy một chiếc Mercedes chạy rất nhanh trong làn đường dành cho xe buýt, trên xe có hai hành khách. Cảnh sát yêu cầu tài xế dừng xe để được kiểm tra giấy tờ nhưng chiếc Mercedes vẫn phóng chạy.

 

Sau khi đuổi theo một hồi, cảnh sát tấp vào bên hông Mercedes khi nó đậu tại một nút giao thông. Cảnh sát rút súng, ngắm vào tài xế chiếc Mercedes – tức Nahel – yêu cầu không được tiếp tục chạy. Đạn nổ khi cảnh sát nhận thấy chiếc xe lại chuẩn bị vọt. Nahel bị trúng đạn, được cấp cứu tức thời nhưng được ghi nhận tắt thở lúc 9:15g sáng. Một hành khách trên xe bị tạm giam; người còn lại mở cửa xe phóng chạy tẩu thoát. Công tố viên Pascal Prache cho biết, khám nghiệm tử thi cho thấy Nahel tử vong bởi một phát đạn duy nhất. Viên đạn xuyên qua cánh tay trái và ngực nạn nhân.

 

Sự tức giận chống lại cơ quan thực thi pháp luật ở Pháp lần này trở nên trầm trọng bởi điều mà các nhóm nhân quyền mô tả là phản ứng quá mạnh tay và đôi khi bạo lực đối với các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ Emmanuel Macron. Trong vụ Nahel, sự phẫn nộ bùng phát sau khi một đoạn video do một người tình cờ quay được và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy một số chi tiết trái ngược với lời khai ban đầu của cảnh sát, khi họ cho rằng Nahel đã cố đâm chiếc Mercedes vào cảnh sát. Đoạn video cho thấy một cảnh sát chĩa súng vào một chiếc xe hơi đang đứng yên và bóp cò ở cự ly gần khi chiếc xe bắt đầu lao đi.

 

Yassine Bouzrou, luật sư của gia đình Nahel, cáo buộc viên cảnh sát bắn Nahel đã khai man và có “ý định giết người”. Luật sư Bouzrou nói rằng, trong video, người ta có thể nghe thấy cảnh sát nói với người lái xe (Nahel): “Tao sẽ cắm một viên đạn vào đầu mày.”

 

Vụ nổ súng khiến người ta lại tranh luận một đạo luật năm 2017 nới lỏng các hạn chế về thời điểm mà cảnh sát có thể khai hỏa. Các chính trị gia cánh tả, giới hoạt động xã hội và một bài xã luận trên tờ Le Monde đã kêu gọi bãi bỏ hoặc sửa đổi luật này, vốn được thông qua sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris và Nice, qui định rằng cảnh sát có thể bắn vào các phương tiện đang di chuyển nếu họ cho rằng chúng gây nguy hiểm chết người cho chính họ hoặc người khác. Theo Sebastian Roche, giáo sư Đại học Grenoble-Alpes, người nghiên cứu các chính sách trị an và việc sử dụng vũ khí của cảnh sát, kể từ khi luật này được thông qua, số người bị bắn chết trong xe của họ đã tăng gấp năm lần.

 

=============================================

.

Các vùng ngoại ô của Pháp đang bốc cháy

Việt Linh (Theo France 24)

June 30, 2023

https://www.baocalitoday.com/noi-bat/cac-vung-ngoai-o-cua-phap-dang-boc-chay.html

 

Vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi bên ngoài Paris tuần này đã gây ra tình trạng hỗn loạn lan rộng ở các vùng ngoại ô của Pháp, với những người biểu tình đốt xe, rác và các tòa nhà.

 

Vụ sát hại cũng làm dấy lên câu hỏi liệu Pháp có thất bại trong việc tiếp tục kể từ khi nước này bị tàn phá bởi nhiều tuần bạo loạn đô thị vào năm 2005 hay không.

 

Vụ bắn chết thiếu niên, được xác định là Nahel, đã được ghi lại trên video và gây chấn động cả nước. Nó khuấy động những căng thẳng âm ỉ từ lâu giữa cảnh sát và những người trẻ tuổi ở những khu dân cư khó khăn. Nó cũng thúc đẩy những lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng các điều kiện quản lý việc sử dụng vũ khí của cảnh sát.

 

Theo cảnh sát, 13 người đã thiệt mạng trong các vụ cảnh sát nổ súng vào năm ngoái sau khi không tuân thủ hiệu lệnh khi dừng giao thông. Năm nay, ba người, bao gồm cả Nahel – người không dừng lại khi được lệnh – đã chết trong hoàn cảnh tương tự.

 

Nhìn chung, số người bị cảnh sát giết sau khi họ từ chối tuân theo mệnh lệnh đang gia tăng. Vào năm 2021, theo số liệu của cảnh sát, bốn người đã thiệt mạng trong những trường hợp như vậy.

 

Trong những giờ sau cái chết của Nahel, chủ tịch hạ viện Pháp, Yael Braun-Pivet, nói rằng bà sẵn sàng đánh giá lại cách thức thực thi luật quản lý việc sử dụng súng của cảnh sát.

Nó đã được thông qua vào năm 2017, sau một loạt các cuộc tấn công cực đoan ở Pháp.

Kể từ đó, các nhân viên thực thi pháp luật có thể bắn vào một phương tiện khi người lái xe không tuân thủ mệnh lệnh và khi điều đó có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của họ hoặc của những người khác.

 

Trong trường hợp của Nahel, viên cảnh sát đã bắn phát súng chí mạng sẽ bị điều tra về tội cố ý giết người sau khi cuộc điều tra ban đầu kết luận rằng “không đáp ứng các điều kiện để sử dụng vũ khí hợp pháp”.

 

Trước khi luật được đưa ra, các sĩ quan cảnh sát phải chứng minh khả năng tự vệ để biện minh cho việc sử dụng súng. Kể từ khi nó có hiệu lực, họ đã được phép nổ súng vào một phương tiện “mà người ngồi trong xe có khả năng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào tính mạng hoặc sự toàn vẹn về thể chất của họ hoặc của người khác trong công việc của họ.”

 

Tuy nhiên, bộ luật an ninh nội bộ quy định rằng việc sử dụng vũ khí chỉ được cho phép trong những trường hợp “thực sự cần thiết và theo một cách thức tương xứng nghiêm ngặt”.

 

Các nhà nghiên cứu Sebastian Roche, Paul le Derff và Simon Varaine, những người đã đưa ra một phân tích thống kê liên kết sự gia tăng số người chết với luật pháp, cho biết sự gia tăng tương tự về số người chết do bắn súng không xảy ra ở các nước láng giềng. Họ cũng đặt câu hỏi về việc thiếu đào tạo thích hợp cho các sĩ quan cảnh sát.

 

Có một mối tương quan rất rõ ràng giữa sự thay đổi luật này vào năm 2017 và sự gia tăng các vụ cảnh sát bắn chết người,” Roche nói với hãng truyền thông Le Nouvel Obs. “Trung bình, có nhiều vụ nổ súng hơn 25% và số vụ xả súng gây chết người nhiều hơn năm lần. Kể từ năm 2017, đã có một sự thay đổi rõ ràng trong các hoạt động của cảnh sát đối với việc gia tăng các vụ nổ súng của cảnh sát.”

 

Ngoài các vụ xả súng gây chết người, cảnh sát Pháp cũng thường xuyên bị chỉ trích vì các chiến thuật bạo lực.

 

Trong các cuộc biểu tình áo vàng bắt đầu vào năm 2018, một quan chức hàng đầu của châu Âu đã chỉ trích chính quyền Pháp về cách họ xử lý các cuộc biểu tình chống chính phủ đã làm rung chuyển đất nước trong nhiều tháng, kêu gọi họ “tôn trọng nhân quyền hơn”.

 

Cảnh sát Pháp cũng bị chỉ trích gay gắt vì xử lý trận chung kết Champions League 2022 diễn ra tại Stade de France, nằm ở ngoại ô Saint-Denis. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay đối với những người hâm mộ bị mắc kẹt trong dòng người đông đúc, di chuyển chậm trong nhiều giờ trước trận đấu, khiến trận đấu cuối cùng bị hoãn khoảng 40 phút.

 

Gần đây hơn, trong làn sóng biểu tình phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu, cảnh sát Pháp đã vấp phải những cáo buộc rằng họ quá cứng rắn với những người biểu tình. Tổ chức Ân xá Quốc tế, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế và Hội đồng Châu Âu — cơ quan nhân quyền chính của lục địa — nằm trong số các tổ chức viện dẫn việc cảnh sát Pháp sử dụng vũ lực quá mức.

 

Tình trạng bất ổn ở các vùng ngoại ô của Pháp bắt đầu sau cái chết của Nahel không phải là chưa từng có.

 

Trở lại năm 2005, vụ Zyed Benna, 17 tuổi và Bouna Traore, 15 tuổi bị điện giật sau khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp ở ngoại ô Clichy-sous-Bois của Paris đã gây ra ba tuần bạo loạn trên khắp nước Pháp.

 

Các cuộc bạo loạn trên toàn quốc nổ ra thông qua các dự án nhà ở tại các khu dân cư gặp khó khăn với dân số thiểu số lớn. Mặc dù chúng bắt nguồn từ cái chết của thanh thiếu niên, nhưng chúng được thúc đẩy bởi những vấn đề sâu sắc hơn về phân biệt đối xử, thất nghiệp và cảm giác xa lạ với xã hội Pháp.

 

Gần hai thập niên sau, những vấn đề và cảm giác bất công đó vẫn ăn sâu vào xã hội Pháp. Tuy nhiên, phản ứng đối với các cuộc bạo loạn có thể khác nhau.

 

Không có video nào vào năm 2005 và bạo loạn không lan nhanh như thời điểm này. Phương tiện truyền thông xã hội cũng khuếch đại vụ giết người mới nhất. Nhưng trong khi vào năm 2005, chính phủ Pháp đã làm gia tăng sự tức giận bằng một phản ứng tàn bạo theo luật tình trạng khẩn cấp, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cẩn thận không gây phản cảm với bất kỳ ai nhằm tránh bùng nổ bạo lực.

 

Phản ứng đầu tiên của Macron là nói rằng cái chết của Nahel là “không thể bào chữa được”. Đoạn video khiến anh ta và các bộ trưởng của anh ta không thể tranh luận rằng vụ nổ súng là chính đáng. Tuy nhiên, trong hai đêm bạo loạn đầu tiên, các sĩ quan cảnh sát đã tỏ ra kiềm chế trong việc sử dụng vũ lực. Ngoài ra, quyết định của tòa án về việc buộc tội sơ bộ nghi phạm chính về tội cố ý giết người và giam giữ anh ta có thể giúp xoa dịu căng thẳng.

 

Việt Linh (Theo France 24)

 

 

 


KINH CORAN BỊ ĐỐT TẠI THỤY ĐIỂN : BIỂU TÌNH Ở IRAQ và PHẪN NỘ TRONG THẾ GIỚI HỒI GIÁO (Thanh Hà / RFI)

 



Kinh Coran bị đốt tại Thụy Điển: Biểu tình ở Irak và phẫn nộ trong thế giới Hồi Giáo

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2023 - 13:20

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230630-kinh-coran-b%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%91t....BB%9Bi-h%E1%BB%93i-gi%C3%A1o 

 

Phẫn nộ chưa nguôi trong thế giới Hồi Giáo sau vụ một người Irak tại Thụy ĐiểN đốt kinh Coran cách nay hai ngày. Hôm qua, 29/06/2023, hàng chục người biểu tình đã chiếm đóng tòa đại sứ Thụy Điển tại Bagdad trong vài phút để phản đối.

 

https://s.rfi.fr/media/display/bdb1d618-172c-11ee-8815-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-06-29T150828Z_654341736_RC23T1AEELD4_RTRMADP_3_SWEDEN-DEMONSTRATION-IRAQ.webp

Ảnh minh họa: Người biểu tình tập trung trước đại sứ quán Thụy Điển ở Bagdad, Irak, ngày 29/06/2023. REUTERS - AHMED SAAD

 

Một ngày trước đó Salwan Momika, một người Irak tị nạn tại Thụy Điển đã đốt kinh Coran tại thủ đô Stockholm. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng lên án hành vi nói trên. Từ Ả Rập Xê Út, đến Iran, tất cả đều lên án một cử chỉ « bỉ ổi », mang tính « phỉ báng », xúc phạm đạo Hồi. Chính quyền Maroc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất triệu đại sứ Thụy Điển lên để phản đối. Một số quốc gia Hồi Giáo chỉ trích chính quyền Thụy Điển im lặng trước hành vi nói trên và tố cáo Stockholm nhân danh quyền tự do ngôn luận để cho những người như Momika xúc phạm Hồi Giáo.

 

Từ thủ đô Bagdad thông tín viên Marie Charlotte Roupie cho biết thêm về lập trường của chính quyền Irak :

 

Người biểu tình chỉ tập hợp vài phút bên trong tòa đại sứ Thụy Điển ở  Bagdad trước khi giải tán một cách ôn hòa, khi lực lượng cảnh sát tới nơi. Họ đã hưởng ứng kêu gọi của Moqtada el-Sadr, một lãnh đạo Hồi giáo theo hệ phái Shia rất có uy tín. Trong một thông cáo ông này huy động đám đông và đòi trục xuất đại sứ Thụy Điển tại Irak, đồng thời rút quyền công dân Irak của kẻ đã đốt kinh Coran hôm Thứ Tư vừa qua tại Stockholm. 

 

Ngay từ Thứ Tư, chính quyền Irak đã lên án hành vi mang tính "kỳ thị"nói trên, một hành động khơi dậy bạo động và hận thù. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Irak đã yêu cầu Thụy Điển trao trả công dân người Irak này cho Bagdad xét xử. 

 

Nhân dịp lễ Aïd el Kébir của người Hồi Giáo, phẫn nộ không nguôi. Một cuộc tập hợp khác được dự trù diễn ra vào chiều nay, vẫn theo lời kêu gọi của Moqtada el-Sadr. Trong một thông cáo ông này chủ trương không tấn công tòa đại sứ Thụy Điển. 

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển: Nga đứng đằng sau vụ đốt kinh Coran ?

 

Vụ đốt kinh Coran : Các nước phương Tây cảnh báo công dân về nguy cơ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ

 

 

 





GIỚI PHÂN TÍCH : KẾ HOẠCH CỦA TRUNG QUỐC TẠI CUBA KHÔNG CHỈ LÀ ĐẶT CĂN CỨ GIÁN ĐIỆP (VOA News)

 



Giới phân tích: Kế hoạch của Trung Quốc tại Cuba không chỉ là đặt căn cứ gián điệp

VOA News

01/07/2023

https://www.voatiengviet.com/a/gioi-phan-tich-ke-hoach-cua-trung-quoc-tai-cuba-khong-chi-la-dat-can-cu-gian-diep/7162529.html

 

Các nhà lập pháp hàng đầu của Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Biden trình bày trước Quốc hội về trạm gián điệp mà Trung Quốc bị cáo giác đang xây dựng ở Cuba, nhưng các nhà phân tích Mỹ lo ngại rằng các kế hoạch của Trung Quốc đối với sân sau của Mỹ có thể vượt ra ngoài phạm vi thu thập thông tin tình báo.

 

https://gdb.voanews.com/0c520000-0aff-0242-0df5-08da9caa9ba1_w1023_r1_s.jpg

Tàu chiến do thám của Nga, chiếc Viktor Leonov SSV-175 neo đậu tại cảng Havana ngày 27/2/2014.

 

Các nhà phân tích cảnh báo, nếu một cuộc chiến tranh về Đài Loan nổ ra, quân đội Trung Quốc có thể hoạt động ở châu Mỹ Latin và Caribê để làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ hoặc thậm chí tấn công lục địa Mỹ.

 

Trong một bức thư ngày 22/6 gửi Giám đốc CIA William Burns và Ngoại trưởng Antony Blinken, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và Dân biểu Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã yêu cầu chính quyền Biden cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động của Trung Quốc ở Cuba trước ngày 14 tháng 7.

 

Mối quan tâm của các nhà lập pháp bắt nguồn từ một bản tin ngày 19/6 của tờ Wall Street Journal trích dẫn các quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đang đàm phán với chính phủ Cuba để thành lập một cơ sở huấn luyện quân sự chung ở đảo quốc chỉ cách tiểu bang Florida của Mỹ 166 km. Điều này có thể dẫn đến việc đồn trú của quân đội Trung Quốc tại cơ sở và mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ.

 

“Điều cấp thiết là chúng ta phải hiểu đầy đủ chi tiết: bản chất và mục tiêu chính xác của việc Trung Quốc thu thập thông tin tình báo ở Cuba và quan hệ đối tác quân sự với chế độ này; hậu quả của những nỗ lực đó đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ; và chính quyền Biden đang làm gì để giảm thiểu những nỗ lực đó và ngăn chặn sự mở rộng hơn nữa của họ với Cuba và Tây bán cầu,” bức thư viết.

 

“Công chúng Mỹ cần được đảm bảo rằng chính phủ của họ lên án dứt khoát sự leo thang này và đang nỗ lực làm mọi thứ trong khả năng của mình để chống lại nó,” các nhà lập pháp viết.

 

Một số thành công của Hoa Kỳ

 

Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói với chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC hôm 25/6 rằng Washington đã nói rõ mối quan ngại của mình với Bắc Kinh và Havana và rằng đã có một số thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban về cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nói với VOA hôm 26/6: “Nếu đúng, báo cáo này [bản tin của Wall Street Journal] một lần nữa minh họa lý do tại sao thật ngu ngốc khi chính quyền Biden gác lại các hành động phòng vệ cũng như gác lại các tiết lộ chỉ đơn giản là để đảm bảo một buổi gặp ngoại giao với Tổng bí thư Tập [Cận Bình]. [Đảng Cộng sản Trung Quố. c] là bên duy nhất tìm cách thay đổi nguyên trạng hòa bình, và việc ưu tiên đối thoại vô chừng thay vì các chính sách cạnh tranh sẽ mời gọi sự gây hấn.”

 

VOA đã gửi email cho Toà đại sứ Trung Quốc tại Washington để xin bình luận về những diễn biến mới nhất nhưng chưa nhận được phản hồi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/6 nói ông không hề hay biết về tình huống này.

 

Tuy nhiên, một bài bình luận ngày 26/6 trên tờ Global Times chính thức của Trung Quốc đã gọi sự báo động của Hoa Kỳ là “chiến dịch thông tin sai lệch thổi phồng cái gọi là cơ sở gián điệp của Trung Quốc ở Cuba.”

 

Nếu được thành lập, một cơ sở của Trung Quốc ở Cuba có thể gây ra những hậu quả quân sự và chiến lược đối với an ninh nội địa của Hoa Kỳ, ông Gordon Chang, một thành viên cấp cao nổi tiếng tại Viện nghiên cứu Gatestone, cảnh báo.

 

Trong một bài báo ngày 23/6, ông Chang viết rằng việc bổ sung các hầm chứa tên lửa hạt nhân ở Cuba sẽ mang lại cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lợi thế về “thời gian bay ngắn hơn” - nghĩa là thời gian cảnh báo ít hơn.

 

“Hơn nữa, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ - và các radar - hiện đang hướng đến các cuộc tấn công từ phía Bắc cực, từ phía Bắc. Cuba cung cấp cho Trung Quốc địa điểm cho các cuộc tấn công phía nam.”

 

Thu thập thông tin tình báo

 

Ông David Stupples, giáo sư kỹ thuật vô tuyến và điện tử tại Đại học Thành phố Luân Đôn, nói với VOA rằng ngay cả khi Trung Quốc không thể đồn trú nhiều quân ở Cuba, tiền đồn của Bắc Kinh ở đó có thể thu thập thông tin tình báo từ các tàu ngầm của Mỹ.

 

Ông Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latin tại Đại học Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ, người tập trung vào các mối quan hệ của khu vực với Trung Quốc và các chủ thể khác ở bán cầu ngoài phương Tây, nói với VOA rằng Cuba có thể đã sớm cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận ba cơ sở giám sát thời Liên Xô vào năm 1999 hay 2000.

 

Ông Ellis cho biết việc thành lập một trạm mới sẽ tạo ra “cơ hội cho sự hiện diện bán thường trực giúp tăng mức độ hợp tác và phối hợp quân sự” giữa Trung Quốc và Cuba.

 

Việc Trung Quốc bành trướng vào sân sau của Mỹ, như cáo giác, hỗ trợ cho các tham vọng kinh tế và chính trị của nước này cũng như khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng như lithium, đồng, đất hiếm và các nguồn tài nguyên như than đá và dầu mỏ.

 

Ông Ellis cho biết trong một bài báo xuất bản gần đây nhan đề ‘Vai trò chiến lược của Mỹ Latin trong xung đột toàn cầu về vấn đề Đài Loan’ rằng một phần sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào khu vực Caribê là do 5 trong số 14 quốc gia trên thế giới tiếp tục công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao nằm ở vùng này.

 

Ông Ellis nói Trung Quốc có thể sử dụng vị trí gần Cuba để triển khai các nhân viên hoạt động đặc biệt, phá vỡ thế giới quan của Mỹ, làm gián đoạn quân đội Hoa Kỳ và tấn công lục địa Hoa Kỳ để chiếm lấy các chuỗi cung ứng quan trọng hỗ trợ quốc phòng Hoa Kỳ nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan.

 

‘Trên đất, gần, và bên trên’ nước Mỹ

 

Ông Chang viết, “Một cuộc chiến tranh ở châu Á sẽ diễn ra trên đất, gần, và bên trên nước Mỹ - có lẽ bằng vũ khí hạt nhân.”

 

Bài báo của ông cũng tuyên bố rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “có thể triển khai phi đạn hành trình chống hạm ở Cuba để tấn công các căn cứ Hải quân Hoa Kỳ ở Florida và ngăn chặn sự di chuyển của các tàu Mỹ. Trung Quốc cũng có thể đặt phi đạn đất đối không ở Cuba, có khả năng bắn hạ máy bay trên vùng đông nam nước Mỹ.”

 

Ông Gallagher đã gửi thư cho Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo vào ngày 20/6 yêu cầu câu trả lời về việc liệu các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE, hoạt động ở Cuba, có đang thu thập thông tin tình báo về người Mỹ và các địa điểm quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ từ cơ sở gián điệp Trung Quốc ở Cuba hay không.

 

Ông Stupples nói rằng thông qua hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và sự phát triển của mạng lưới vệ tinh, “Trung Quốc đã đi tắt đón đầu trong khả năng tình báo tín hiệu trong thập kỷ qua, có thể chỉ đứng sau Mỹ về lượng thông tin mà nước này thu thập được”.

 

Ông Stupples suy đoán rằng Trung Quốc có thể bỏ qua sự giám sát của chính phủ Cuba và thu thập thông tin tình báo mạng thông qua các công ty tư nhân và nhân viên kỹ thuật địa phương.

 

Theo một phúc trình của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latin, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Cuba là một phần của việc xây dựng các mối quan hệ quân sự, bao gồm tăng cường bán vũ khí, trao đổi quân sự và các chương trình huấn luyện, trên khắp Châu Mỹ Latin.

 

Venezuela vẫn là khách hàng mua thiết bị quân sự Trung Quốc lớn nhất trong khu vực sau khi chính phủ Hoa Kỳ cấm mọi hoạt động bán vũ khí cho Venezuela vào năm 2006.

 

Argentina, Bolivia, Ecuador và Peru cũng đã mua máy bay quân sự, xe, radar phòng không và súng trường tấn công trị giá hàng triệu đô la của Trung Quốc.

 

Lan truyền ‘ảnh hưởng xấu’

 

Vào ngày 23/3, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Nam Hoa Kỳ, Laura Richardson, khai chứng trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng bà lo ngại về “vô số cách mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang lan rộng ảnh hưởng xấu, sử dụng sức mạnh kinh tế và tiến hành các hoạt động vùng xám để mở rộng tiếp cận và ảnh hưởng quân sự và chính trị.”

 

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cảng nước sâu, cơ sở mạng và không gian có thể có tác dụng kép tiềm tàng cho các hoạt động thương mại và quân sự nguy hiểm. Trong bất kỳ cuộc xung đột toàn cầu tiềm tàng nào, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể tận dụng các cảng khu vực chiến lược để hạn chế sự tiếp cận của tàu thương mại và hải quân Hoa Kỳ. Đây là một rủi ro chiến lược mà chúng ta không thể chấp nhận hoặc bỏ qua,” bà nói.

 

Bà đề cập đến các dự án dân sự “lưỡng dụng” do Trung Quốc tài trợ hoặc sở hữu hoặc những dự án có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Chúng bao gồm ít nhất 11 cơ sở mà Bắc Kinh đang vận hành để theo dõi các hoạt động trong không gian — bao gồm một cơ sở có năng lực không gian sâu ở Argentina — và khả năng giám sát.

 

Thiếu sự can thiệp quân sự để loại bỏ tài sản quân sự của Trung Quốc ở Cuba, ông Ellis cho biết Hoa Kỳ cần thể hiện một bàn tay rất mạnh mẽ để chứng minh rằng họ sẽ “không tha, không quên, và có hành động kế tiếp.”

 

Ông nói: “Tôi có mọi lý do để tin rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh.”

 

“Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không cho phép Hoa Kỳ tham gia một trận đấu trên sân đối phương giống như họ đã chiến đấu với Saddam Hussein ở Iraq.”

 

 

 


ẤN ĐỘ MUỐN GIA TĂNG ẢNH HƯỞNG ĐỂ KHỐNG CHẾ TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG (Thu Hằng / RFI)

 



Ấn Độ muốn gia tăng ảnh hưởng để khống chế Trung Quốc ở Biển Đông

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2023 - 15:40

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230630-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-mu%E1%BB%91....BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Trong tháng 06/2023, Ấn Độ liên tục có những hoạt động ngoại giao quan trọng liên quan đến Biển Đông. Mong muốn giữ vai trò lớn hơn trong khu vực được New Delhi lần lượt thể hiện với các đối tác Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/14314fa0-1741-11ee-a4cd-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_32C37NT.webp

Ảnh minh họa: Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh (trái) và đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang tại Bộ Quốc Phòng ở Hà Nội vào ngày 08/06/2022. AFP - NHAC NGUYEN

 

Với Việt Nam, Ấn Độ giữ lời hứa tặng tầu hộ tống INS Kirpan trong chuyến công du New Delhi (17-20/06) của bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang. Con tầu đã rời bờ đông Ấn Độ hôm 28/06 và được trang Times of India đánh giá là hành động « mang tính biểu tượng cao » vì « không phải với nước nào Ấn Độ cũng làm như vậy ».

 

Thứ nhất, INS Kirpan đang hoạt động trong biên chế của Hải Quân Ấn Độ. « Đây là lần đầu tiên một tầu hộ tống đang hoạt động được Ấn Độ tặng cho một nước bạn », theo thông cáo của lực lượng này. Thứ hai, INS Kirpan là tầu hộ tống thứ ba, lớp Khukri, do Ấn Độ tự đóng và là niềm tự hào về tiến bộ công nghệ hải quân của nước này. Tầu được trang bị pháo tầm trung và tầm ngắn, phóng được tên lửa địa đối địa.

 

Tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, được xây dựng từ những năm 1950, còn có thể thấy qua việc Hải Quân Ấn Độ khẳng định trong thông cáo là việc tặng tầu chiến « phản ánh cam kết của Ấn Độ giúp đỡ các đối tác có chung ý tưởng và giúp cải thiện năng lực của họ ». Hãng tin Anh Reuters thì chú ý đến chi tiết « lần đầu tiên Ấn Độ tặng chiến hạm cho một nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông ».

 

Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng thắt chặt hợp tác với Philippines, quốc gia cũng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Với Manila, New Delhi nhấn mạnh đến việc ủng hộ phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye năm 2016, một thắng lợi lớn của Philippines, nước kiện Bắc Kinh. Tòa đã bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trong đường « 9 đoạn » độc chiếm hầu hết Biển Đông.

 

Trong cuộc họp lần thứ 5 của ủy ban hỗn hợp song phương được tổ chức ngày 29/06, ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và đồng nhiệm Philippines Enrique Manalo đã kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, đồng thời nhấn mạnh đến việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong bối cảnh tầu chiến, tầu dân quân biển của Trung Quốc liên tục xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây.

 

Manila và New Dehli khẳng định có chung lợi ích trong vùng biển, nằm trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tương tự đề xuất với Việt Nam, Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến hợp tác quốc phòng, an ninh hàng hải, sẵn sàng cung ứng trang thiết bị quốc phòng và mở rộng huấn luyện, tập trận chung về an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa. Lần đầu tiên, Ấn Độ sẽ cử một tùy viên quốc phòng đến Manila.

 

Tuy nhiên, đây lại là điều mà Bắc Kinh không hề muốn. Vào lúc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 họp thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản, 19-21/05) - Việt Nam và Ấn Độ được mời tham dự - Trung Quốc đã kêu gọi G7 tránh sử dụng những vấn đề hàng hải để đào sâu thêm hố ngăn cách giữa các nước trong vùng và « kích động sự đối đầu giữa các khối ». Tuy nhiên, Mỹ và Ấn Độ, hai nước đối tác trong Bộ Tứ - QUAD cùng với Nhật Bản và Úc, đã đáp trả theo cách khác.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khách mời danh dự của Nhà Trắng từ ngày 23-25/06, và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng bày tỏ quan ngại về những hành vi bắt chẹt ở Biển Đông. Ông Daniel Krtenbrink, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, khẳng định trong một hội thảo hôm 28/06 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược - CSIS ở Washington rằng « Ấn Độ sẽ giữ vai trò ngày càng lớn ở Biển Đông và sẽ hợp tác rộng hơn với Mỹ ở trong vùng ».

 

Trong thời gian đầu xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, Ấn Độ tỏ thái độ trung lập. Nhưng những vụ xô xát, đụng độ chết người với quân đội Trung Quốc ở biên giới hai nước năm 2020 có lẽ là bước ngoặt lớn trong việc New Delhi thay đổi thái độ. Biển Đông từ giờ được Ấn Độ coi là « một phần thiết yếu của thế giới ». New Delhi không muốn để Bắc Kinh khống chế tuyến hàng hải huyết mạch, trung chuyển hơn 3.000 tỉ đô la giao thương quốc tế hàng năm. Để có được vai trò quan trọng hơn, có lẽ Ấn Độ chỉ còn cách tăng cường hợp tác với các nước nhỏ, bị Trung Quốc ỷ thế bắt chẹt, cũng như với Hoa Kỳ, dù không có tranh chấp trong vùng nhưng bảo vệ một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ».

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

Úc, Ấn Độ kêu gọi một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất

 

Ấn Độ gia tăng tập trận ở châu Á để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh

 

Nhật Bản và Ấn Độ phản đối Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng trên biển

 

 

 



HÀ LAN HẠN CHẾ XUẤT KHẨU THIẾT BỊ CHIP, KHIẾN TRUNG QUỐC GIẬN DỮ (Reuters)

 



Hà Lan hạn chế xuất khẩu thiết bị chip, khiến Trung Quốc giận dữ

Reuters

30/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7161891.html

 

Chính phủ Hà Lan hôm thứ Sáu (30/6) công bố những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu một số thiết bị bán dẫn, thúc đẩy nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm hạn chế nguồn cung linh kiện công nghệ cao cho Trung Quốc, nhưng đã vấp phải phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-55c3-08db20a25d43_w1023_r1_s.jpg

Trụ sở của ASML, nhà cung cấp thiết bị chính của Hà Lan cho các nhà sản xuất chip máy tính, ở Veldhoven, Hà Lan.

 

“Chúng tôi thực hiện bước này vì lợi ích an ninh quốc gia của mình”, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nói, đồng thời cho biết thêm rằng những thiết bị như vậy có thể có những ứng dụng quân sự.

 

Bà Schreinemacher nói chỉ có một số lượng “rất hạn chế” các công ty và mẫu sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, và không nêu tên Trung Quốc. Nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan mô tả động thái này là “lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu”, vi phạm các quy tắc thương mại.

 

ASML, một công ty Hà Lan là nhà cung cấp thiết bị chính cho các nhà sản xuất chip máy tính, nói họ không nghĩ là các quy định mới sẽ có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của mình và họ sẽ không thay đổi hướng dẫn tài chính của mình.

 

Các quy định yêu cầu những công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip tiên tiến phải xin giấy phép trước khi họ có thể xuất khẩu thiết bị đó, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9.

 

Một tài liệu kỹ thuật chỉ định thiết bị nào cần yêu cầu giấy phép được đưa ra kèm theo thông báo.

 

Danh sách này là kết quả của một thỏa thuận cấp cao giữa Mỹ và hai đồng minh có ngành công nghiệp thiết bị chip mạnh là Hà Lan và Nhật Bản, nhằm thắt chặt các hạn chế khi Washington tìm cách cản trở khả năng tự sản xuất chip của Bắc Kinh.

 

ASML, công ty công nghệ lớn nhất châu Âu, lặp lại một tuyên bố vào tháng 3 cho biết phần trên cùng của các mẫu thuộc hệ thống in thạch bản “DUV” tiên tiến thứ hai của họ, được sử dụng để in mạch chip, sẽ cần phải có giấy phép.

 

Các máy “EUV” tiên tiến nhất của ASML chưa bao giờ được chuyển đến Trung Quốc.

 

Cổ phiếu của ASML đã giảm 1,7% xuống 657,40 euro lúc 11:40 GMT, trong khi đối thủ nhỏ hơn ASM International giảm 0,8% xuống 381,10.

 

ASM International, công ty sản xuất các công cụ lắng đọng lớp nguyên tử, cho biết họ không nghĩ có một sự thay đổi quan trọng đối với các dự báo của mình vì các quy định của Hà Lan, vốn cũng thảo luận về công nghệ đó.

 

Vào tháng 10, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với việc vận chuyển các công cụ sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc từ các công ty Hoa Kỳ như Lam Research and Applied Materials vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời vận động các quốc gia khác có các nhà cung cấp chính làm tương tự.

 

Trung Quốc đã chỉ trích động thái này, một phần của căng thẳng gia tăng giữa hai nước về mọi lĩnh vực, từ thiết bị 5G và khinh khí cầu bị cáo buộc gián điệp cho đến vấn đề về Đài Loan.

 

Reuters hôm thứ Năm đưa tin rằng Hoa Kỳ có thể đưa ra các quy định bổ sung vào tháng tới, điều này có thể ảnh hưởng đến các mẫu máy ASML cũ hơn một chút. Hoa Kỳ có thể trực tiếp điều chỉnh ASML vì các sản phẩm của họ bao gồm công nghệ của Hoa Kỳ.

 

Trong tuyên bố hôm thứ Sáu, Trung Quốc kêu gọi Hà Lan “ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái của mình” và nói rằng những hạn chế được áp đặt dưới danh nghĩa an ninh quốc gia thực chất là những hạn chế thương mại sẽ gây hại cho cả các công ty Hà Lan và Trung Quốc.

 

Bà Schreinemacher cho biết bà dự kiến sẽ có khoảng 20 đơn xin cấp phép mỗi năm, đại diện cho “một phần hạn chế trong tổng danh mục sản phẩm của các công ty tuân theo quy định này”.

 

ASML đã bị hạn chế bán máy EUV nếu không có giấy phép, theo thỏa thuận quốc tế được gọi là Thỏa thuận Wassenaar.

 

Các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu có chung chính sách thương mại và thường sử dụng Thỏa thuận Wassenaar để xác định hàng xuất khẩu nào bị hạn chế vì lý do an ninh.

Danh sách mới của Hà Lan có thể được các nước châu Âu khác áp dụng sau đó hoặc thêm vào danh sách của EU, mặc dù rất ít công ty châu Âu xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cao cấp.

 

Các nhà sản xuất Đức cung cấp các bộ phận thiết yếu cho ASML, bao gồm tia laser do Trumpf sản xuất và ống kính do Zeiss sản xuất, cùng những sản phẩm khác.

 





CẠNH TRANH MỸ - TRUNG LEO THANG, MỘT THỎA THUẬN HỢP TÁC KHOA HỌC LÂU ĐỜI BỊ ĐE DỌA (Trọng Nghĩa / RFI)

 



Cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang, một thỏa thuận hợp tác khoa học lâu đời bị đe dọa

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2023 - 13:28

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230630-c%E1%BA%A1nh-tranh-m%E1%BB%B9-trung-leo-thang-m%E1%BB%99....8B-%C4%91e-d%E1%BB%8Da

 

Ngày 27/08/2023 tới đây, trên nguyên tắc Thỏa Thuận Khoa Học và Công Nghệ STA có từ năm 1979 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hết hiệu lực nếu không được gia hạn. Thế nhưng cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai nước, đặt biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ đã đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận hợp tác khoa học sắp hết hạn đó có nên tiếp tục hay không. Hôm 27/06 vừa qua, một nhóm dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Mỹ đã trả lời: “Không”!

 

https://s.rfi.fr/media/display/99eff4e2-1738-11ee-944d-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23059552707495-1.webp

Ảnh minh họa: Một phiên họp ngày 28/02/2023 của Ủy Ban Hạ Viện Mỹ về Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do dân biểu Mike Gallagher (giữa) làm chủ tịch. AP - J. Scott Applewhite

 

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bức thư gửi ngoại trưởng Antony Blinken, chủ tịch ủy ban Hạ Viện Mỹ về Trung Quốc Mike Gallagher và chín dân biểu khác của Đảng Cộng Hòa cho rằng thỏa thuận STA nên bị hủy bỏ.

 

Bức thư nêu bật những mối lo ngại về hợp tác giữa Cục Khí Tượng Hoa Kỳ và Trung Quốc về “khí cầu có thiết bị”, cũng như hơn một chục dự án của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ với các thực thể Trung Quốc mà theo các tác giả bức thư, bao gồm các công nghệ có tính “lưỡng dụng rõ rệt” (tức là vừa dân sự, vừa quân sự), trong đó có kỹ thuật phân tích hình ảnh vệ tinh và drone phục vụ công tác quản lý tưới tiêu.

 

Các dân biểu Mỹ tố cáo: “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức là Trung Quốc) sử dụng các nhà nghiên cứu khoa học, các gián điệp công nghiệp, các biện pháp ép buộc chuyển giao công nghệ và các chiến thuật khác để chiếm lợi thế trong các công nghệ quan trọng, từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Quân Đội Trung Quốc”.

 

Bức thư kết luận: “Hoa Kỳ phải ngừng thúc đẩy sự hủy diệt của chính mình. Để STA hết hạn là bước đầu tiên nên làm”.

 

 

Một thỏa thuận hợp tác khoa học từ năm 1979

 

Thỏa thuận STA là gì mà đã khiến cho các dân biểu Mỹ quan ngại như vây? Theo Reuters, đó là một văn bản được ký kết từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, và từ đó đến nay được liên tục gia hạn khoảng 5 năm một lần. Thỏa thuận đã mở ra công cuộc hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực từ khoa học khí quyển và nông nghiệp cho đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học.

 

Thỏa thuận khoa học này đã được ca ngợi là một nhân tố giúp ổn định quan hệ Mỹ-Trung, đặt nền móng cho đà tăng vọt của các trao đổi song phương về học thuật và thương mại, và trong thực tế, có thể nói là những trao đổi đó đã giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc công nghệ và quân sự.

 

Thế nhưng trong thời gian gần đây, những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc kèm theo những tiết lộ về hàng loạt những vụ đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại của Mỹ đã khiến cho nhiều người tự hỏi là có nên tiếp tục triển hạn thỏa thuận STA hay không.

 

Mặc dù quan điểm chủ đạo tại Hoa Kỳ có vẻ thiên về khả năng gia hạn, nhưng ngày càng có nhiều quan chức và nhà lập pháp tin rằng hợp tác về khoa học và công nghệ sẽ ít có ý nghĩa hơn do tình hình cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Theo Reuters, dân biểu Mike Gallagher không ngần ngại xem STA là một thỏa thuận “lỗi thời”, mà việc triển hạn “sẽ chỉ gây nguy hiểm hơn nữa cho nghiên cứu và sở hữu trí tuệ” của nước Mỹ.  

 

Về phần mình, Bắc Kinh dĩ nhiên là mong muốn thỏa thuận được tiếp tục. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết là ngay từ năm ngoái, các quan chức nước này đã tiếp cận Hoa Kỳ để nói về thỏa thuận mà họ cho là cơ sở cho 40 năm hợp tác “hiệu quả”.

 

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng như Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đều từ chối bình luận “các cuộc thảo luận nội bộ về các cuộc đàm phán”.

 

 

Ba khả năng: Gia hạn, để hết hạn, điều chỉnh

 

Theo tiết lộ của một số quan chức Mỹ với Reuters, trong các cuộc thảo luận đang diễn ra trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ về thỏa thuận STA, kể cả trong bộ Ngoại Giao Mỹ, cơ quan dẫn đầu các cuộc đàm phán, những quan điểm trái ngược nhau đã xuất hiện về việc có nên gia hạn thỏa thuận, để nó tự động hết hạn hay đàm phán lại để bổ sung các biện pháp bảo vệ chống gián điệp công nghiệp và yêu cầu có đi có lại trong trao đổi dữ liệu.

 

Đối với giới chủ trương vô hiệu hóa thỏa thuận, ngăn chặn việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ là một điều hợp lý. Các doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn về các chính sách của chính phủ Trung Quốc ép buộc họ phải chuyển giao công nghệ, trong lúc giới chuyên gia cảnh báo về tình hình Nhà Nước Trung Quốc bảo trợ các hành vi đánh cắp mọi thứ, từ hạt giống cây trồng của tạp đoàn Monsanto cho đến dữ liệu về thiết kế tàu con thoi của cơ quan hàng không vũ trụ NASA.

 

Ngăn không cho Trung Quốc lợi dụng hợp tác nghiên cứu đặc biệt có lý trong bối cảnh chính quyền của tổng thống Joe Biden đã đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc, mà ví dụ diển hình là đạo luật về chip năm 2022 kèm theo việc thành lập liên minh Chip 4 để ngăn không cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn cao cấp.

 

Tại một diễn đàn của Viện Hudson vào tháng 6 vừa qua, Kurt Campbell, điều phối viên của Hoa Kỳ về Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã khẳng định: “Công nghệ sẽ là đấu trường tiên tiến của cạnh tranh toàn cầu trong giai đoạn sắp tới giống như tên lửa hạt nhân là đặc điểm nổi bật của Chiến Tranh Lạnh”, và Hoa Kỳ “sẽ không nhượng bộ”.

 

Những người ủng hộ việc triển hạn thỏa thuận STA thì lập luận rằng việc hủy bỏ văn bản này sẽ kìm hãm hợp tác học thuật và thương mại và nếu không có nó, Mỹ sẽ mất đi điều kiện nhìn được từ bên trong những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận cần phải được điều chỉnh.

 

Chuyên gia về chiến lược công nghệ Trung Quốc Denis Simon, giáo sư tại Đại Học Bắc Carolina ở Chapel Hill, nhận định: “Dù là bạn hay thù, Mỹ vẫn cần tiếp cận với Trung Quốc để hiểu những gì đang xảy ra trên thực địa”. Theo ông, cần đàm phán một thỏa thuận mới về cơ bản.

 

Còn đối với bà Anna Puglisi, một cựu quan chức phản gián Hoa Kỳ tập trung vào vùng Đông Á và hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung Tâm An Ninh và Công Nghệ Mới Nổi của Đại Học Georgetown, hợp tác khoa học và công nghệ từng là một phần “dễ chịu” trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng thời thế đã thay đổi.

 

Theo bà Puglisi, việc triển hạn thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc phải giải quyết được vấn đề luật an ninh quốc gia của Trung Quốc hiện bao gồm cả việc cấm “xuất khẩu” dữ liệu lẫn từng bước hạn chế quyền truy cập của nước ngoài vào các cơ sở dữ liệu học thuật trong nước. Tóm lại hợp tác cần phải có hai yếu tố: “Minh bạch và có đi có lại”.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

Bán dẫn: Mỹ thêm 36 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

 

Hạ Viện Mỹ ra dự luật giúp ngành chip bán dẫn cạnh tranh với Trung Quốc

 

 




View My Stats